Khi xã hội cần đến các hiệp sĩ, nghĩa là có một khoảng trống quyền lực và đạo đức cần được phủ lấp. Nhưng với chế độ pháp quyền, thật nguy hiểm nếu các "hiệp sĩ" trở thành một phần của thể chế, hay sự trợ giúp cho thể chế.
"Hiệp sĩ" để làm gì?
Khái niệm hiệp sĩ trong văn minh châu Âu thời Trung cổ dùng để chỉ các chiến binh tự do bán chuyên nghiệp. Vai trò này mất dần khi các vương quốc phong kiến xây dựng quân đội chuyên nghiệp, và hiệp sĩ chuyển sang phục vụ cho các lãnh chúa phong kiến có tổ chức kém quy củ hơn. Trong văn hóa Anh hiện đại, Hiệp sĩ trở thành một tước hiệu thấp nhất được Hoàng gia Anh dành cho giới quý tộc.
"Hiệp sĩ" trong các xã hội Á Đông thường được hiểu như các hiệp sĩ giang hồ. Nó gắn với việc hành động chuộng nghĩa, giúp kẻ yếu, trị cường quyền một cách vô vụ lợi. Tất nhiên, cường quyền cần đến các hiệp sĩ ra tay, nghĩa là cường quyền đó thường là quan lại hay được quan lại dung túng, hoặc quan lại quá yếu kém nên cường quyền mới bất trị trước nhà nước. Hệ quả kéo theo là các hiệp sĩ giang hồ phải sử dụng bạo lực và hành động bí mật, cũng tức là hành xử ngoài vòng pháp luật.
Trong thời trị, không ai ca ngợi các hiệp sĩ, vì đơn giản là xã hội không cần đến họ. Hiệp sĩ chỉ cần trong thời loạn, khi hiệu lực cai trị của nhà nước bị vô hiệu, hoặc giả, khi nhà nước không đồng nhất lợi ích của nó với xã hội. Trong tình huống sau, hiệp sĩ có thể dẫn dắt cả xã hội đến hành động phản kháng có tổ chức: một phong trào nổi dậy.
Trong chế độ pháp quyền, không có vai trò nào dành cho các hiệp sĩ. Bảo vệ đất nước đã có quân đội; bảo vệ an ninh xã hội đã có công an, cảnh sát; và bảo vệ lẽ phải đã có tòa án. Đó là những cơ cấu được tổ chức và vận hành có tính chuyên nghiệp cao, được huấn luyện và trang bị chu đáo nhất có thể, được trả lương để chuyên tâm làm nhiệm vụ, và được ban cho tính chính danh khi hành xử.
Và "hiệp sĩ săn bắt cướp"
Trước hết, phải ca ngợi họ là những con người dũng cảm, dám xả thân vì người khác. Điều đó đặc biệt đáng trân trọng trong một xã hội mà sự ích kỷ và vô cảm trở nên phổ biến. Nhưng tổ chức họ lại và tôn vinh họ một cách chính thức lại là một điều nguy hiểm đối với việc xây dựng xã hội pháp quyền.
Thứ nhất, nó nguy hiểm với chính các hiệp sĩ. Mọi kẻ cướp đều có trang bị, và có phương án chống trả khi bị truy đuổi hay vây bắt. Vì vậy, việc săn bắt bọn cướp - một phần của nhiệm vụ giữ an ninh cho xã hội - phải được giao cho những con người chuyên nghiệp, được trang bị và huấn luyện bài bản: những chiến sĩ công an. Công việc đầy nguy hiểm đó nếu được thực hiện bởi những con người nghiệp dư hay bán chuyên là sự đánh đu với tính mạng của chính họ để đổi lại việc bảo vệ tài sản kịp thời cho người khác. Không tài sản nào cao quý hơn sinh mạng con người. Thực tế, đã có hiệp sĩ săn bắt cướp ngã xuống, đã có nhiều hiệp sĩ đổ máu, và có cả hiệp sĩ bị bọn cướp quay lại truy sát. Lúc đó, ai bảo vệ tính mạng kịp thời cho các hiệp sĩ?
Thứ hai, nó nguy hiểm với việc phân công trách nhiệm xã hội. Cổ vũ cho các hiệp sĩ săn bắt cướp là chúng ta đã thừa nhận cơ quan công an không có khả năng thực hiện đầy đủ vai trò giữ an ninh cho xã hội nữa. Thay vì đòi hỏi cơ quan chuyên nghiệp đó phải chấn chỉnh để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, chúng ta đi cổ vũ gây dựng một dạng "tiền thể chế" nghiệp dư để làm việc đó.
Thứ ba, những lệch lạc tiềm ẩn khi "hành hiệp". Những "hiệp sĩ" vốn hành động dựa trên nghĩa khí. Nhưng nghĩa khí của những con người có nhận thức khác nhau sẽ có quan niệm khác nhau về lẽ phải, và không loại trừ họ nhận thức sai về lẽ phải, cũng như nhận định sai về tình huống khi xảy ra sự cố. Tất nhiên, nhận thức sai và nhận định tình huống sai sẽ dẫn đến hành động sai, và hành động sai thật nguy hiểm khi nó gắn với hình thức bạo lực (bắt cướp không thể thiếu hành vi bạo lực). Và các hiệp sĩ cũng là con người, không thể tránh khỏi nguy cơ ngộ nhận, lạm dụng, hoặc suy thoái đạo đức vào một lúc nào đó. Cách đây chưa đầy một tháng, em trai một hiệp sĩ săn bắt cướp nổi tiếng ở Bình Dương (từng đi cùng hỗ trợ anh trai bắt cướp) lại trở thành kẻ cướp.
Làm gì với các "hiệp sĩ"?
Điều rõ ràng là một xã hội pháp quyền phải cai trị bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí. Và những nhiệm vụ chủ chốt - như nhiệm vụ giữ gìn an ninh - phải được giao cho cơ quan chuyên nghiệp, chứ không phải nghiệp dư.
Nếu cơ quan chuyên nghiệp chưa hoàn thành vai trò đó, xã hội cần đòi hỏi họ phải làm tốt hơn, bằng việc tuyển dụng những con người có trách nhiệm tốt hơn nữa, trang bị và huấn luyện tốt hơn nữa, giám sát thực hiện tốt hơn nữa. Nếu những hiệp sĩ là những con người can đảm, có mưu trí, và có những kỹ năng nhất định để bắt cướp, ngành công an có thể tuyển dụng họ, trang bị và đào tạo họ chuyên nghiệp hơn nữa, để họ làm tốt hơn công việc ấy trong vai trò chính thức.
Nếu chúng ta cho rằng bao nhiêu công an cũng không đủ, mà cần có sự trợ giúp của dân chúng, thì sự trợ giúp đó cần phải có giới hạn để bảo đảm an toàn cho người dân. Đó có thể là việc thông tin kịp thời cho cơ quan công an, là sự dũng cảm tố cáo tội phạm, là việc hỗ trợ bằng các phương tiện (phương tiện giao thông chẳng hạn) để ngăn cản tội phạm chạy trốn. Hãy cổ vũ toàn dân làm việc đó, vì an ninh của chính họ và của cộng đồng, chứ đừng đẩy họ ra đương đầu trực tiếp với tội phạm thay cho cơ quan công an.
An Biên (Vietnamnet)
(http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-16-ton-vinh-hiep-si-phan-gia-tri-cua-xa-hoi-phap-quyen)
-------------------------------------
Tôn vinh hiệp sĩ có gì sai?
Do đó, chúng ta tôn vinh những hiệp sĩ "bắt cướp" trên báo chí là rât tốt. Và chắc chắn xã hội sẽ có cách thức của riêng mình để tưởng thưởng xứng đáng cho những hành động nghĩa hiệp của họ.
Đọc bài Tôn vinh hiệp sĩ: phản giá trị của xã hội pháp quyền (TuanVietNam, 18/12), tôi có cảm nhận hình như tác giả An Biên vẫn chưa thấu hiểu đến tận cùng về vai trò của người "hiệp sĩ" trong lịch sử. Và có lẽ vì thế, cho nên tác giả mới cho rằng: "Trong thời trị, không ai ca ngợi các hiệp sĩ, vì đơn giản là xã hội không cần đến họ. Hiệp sĩ chỉ cần trong thời loạn".
Cách nghĩ của tác giả, theo tôi là chưa thật hợp tình và cũng thật chưa... hợp lý đối với cái nhìn đa chiều của dư luận xã hội.
Người "hiệp sĩ" thời nào cũng có!
Trong bài viết của mình, tác giả An Biên đã đưa ra khái niệm hiệp sĩ trong văn minh châu Âu thời Trung cổ. Và theo tôi, đó vẫn chưa thực sự là một cách nhìn nhận thấu đáo.
Vì nếu là đã thấu đáo, thì tôi chỉ tôi xin hỏi tác giả một câu. Đó là: Robin Hood, chàng cung thủ được dân gian châu Âu phong danh hiệu "hiệp sĩ" nhằm vinh danh cho công lao chỉ huy quần chúng chống lại sự hà khắc của vua Anh sẽ được xếp vào loại hiệp sĩ gì?
Vì chắc chắn vua Anh sẽ không bao giờ phong tước cho kẻ đã dám chống lại mình. Nếu theo cách hiểu của tác giả An Biên, hiệp sĩ là những người phục vụ cho các lãnh chúa và được vua ban tước.
Thật ra, sự "tôn vinh" hay "ban" tước hiệp sĩ cho một ai đó thông qua hệ thống Nhà nước đều chỉ là những sự hư danh hão huyền. Mà ngược lại, những người có nghĩa khí và cam đảm đấu tranh với cái Ác, mới chính là những hiệp sĩ đích thực và chính hiệu.
Điều này cũng chính là sự ước mơ ngàn đời của những người dân thấp cổ bé họng trong xã hội. Và rằng, họ luôn mơ ước đến cuối cùng, cái Thiện sẽ thắng cái Ác và cái Chính nhất định sẽ thắng cái Tà.
Do đó, khi cái Ác bị trừng trị, dù chỉ thông qua Thạch Sanh trong truyện cổ tích, Thần Điêu Đại Hiệp trong truyện kiếm hiệp hay Đông Ki Sốt đơn độc chống cối xay gió, thì dân tâm, dân tình cũng hả lòng hả dạ.
Suy nghĩ dân gian thông thường và dễ hiểu là thế. Nhưng suy nghĩ "bác học" như Nguyễn Trãi trong "Bình Ngô Đại Cáo" cũng không gì dễ hiểu bằng:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
...
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có
Vậy là, những hiệp sĩ (hay các hào kiệt) vẫn cứ hiện tồn như một nhu cầu của nhân dân đối với xã hội. Thậm chí, có cả câu nói "tếu" của dân gian đại ý như sau: "Thời nào cũng có anh hùng, ở đâu chẳng có thằng khùng thằng điên".
Vì theo lối suy nghĩ đơn giản đó nên dù cho có "Quân điếu phạt" (là quân đội, công an, cảnh sát, tòa án như tác giả An Biên đã nêu lên trong bài viết của mình) để bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh xã hội và bảo vệ lẽ phải thì xã hội vẫn cần lắm những "việc nhân nghĩa" của những con người dám xả thân vì Đất nước và cộng đồng.
Và trên thực tế, sau những cống hiến của mình, những anh hùng "bằng xương bằng thịt" như Robin Hood (Anh), Jeanne d'Arc (Pháp), Trần Hưng Đạo (Việt Nam)... vẫn được nhân dân ghi nhớ, tôn kính, sùng bái dù cho đến nay bao tấm bia đá đã hao mòn và đổ vỡ.
Đâu là giới hạn cho những hành động nghĩa khí ?
Trong những tiểu thuyết võ hiệp của mình, tác giả Kim Dung luôn để các nghĩa hiệp ra tay cứu giúp các nhân vật thân cô thế cô bị những kẻ cường hào ác bá hà hiếp, truy sát.
Và lối hành xử của các nghĩa hiệp luôn tỏ ra rất kịp thời và hiệu quả. Họ thường dùng võ công của mình để bảo toàn tính mạng, tài sản, vợ con cho những người bị hại.
Và chính vì vậy, dù trong cuộc sống có những nỗi âu lo sợ hãi thì nhân dân vẫn tin vào sự công bằng trong cuộc sống. Rằng, "ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác" và "ác giả ác báo".
Đó chính là biểu hiện tích cực của lẽ phải khi các "hiệp sĩ" vẫn tồn tại trong xã hội. Vì khi đó, người dân sẽ tin vào chính nghĩa. Còn những phường lang sói thì phải chùn tay khi gieo ác.
Chính vì vậy đến thế kỷ XIX cụ đồ Chiểu vẫn cứ cho Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga theo lối "giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha":
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: "Bớ đảng hung đồ!"
"Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân."
Tuy nhiên, như tác giả An Biên đã chỉ ra. Trong xã hội pháp quyền thì các cơ quan hành pháp của Nhà nước mới là các chế tài "chính danh" trong việc bảo vệ nhân dân.
Vì thế, các nghĩa hiệp không thể sử dụng mãi "Luật Rừng" (sức mạnh) đối với cái Ác. Và họ cũng không thể cứ đơn dộc hành xử theo lối hành hiệp trượng nghĩa là có thể cứu giúp được những người gặp nạn.
Như Nam Hiệp Triển Chiêu, một nghĩa hiệp nổi tiếng thời Nam Tống chẳng hạn. Lúc đầu "hiệp sĩ" này chỉ thích dùng nghĩa khí để hành xử. Nhưng khi nhận ra sự chí công vô tư của Bao Thanh Thiên thì Nam Hiệp đã đồng ý quy thuận Triều Đình.
Và sau sự "quy thuận" này, Triển Chiêu đã giúp Phủ Khai Phong phá rất nhiều vụ án oan sai khuất tất.
Do đó, người "hiệp sĩ" không những không phản lại giá trị pháp quyền của xã hội mà như một "nguồn sữa", nó sẽ mãi hiện tồn để duy trì mơ ước chính đáng của nhân dân về sự thắng lợi cuối cùng của cái Thiện đối với cái Ác.
Khi an ninh là sự nghiệp của toàn dân
Đối với nước ta, Đảng và Nhà nước đã chỉ ra: Cách mạng là sự nghiệp của toàn dân.
Bởi thế, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng và đẩy mạnh trong mọi khía cạnh của đời sống.
Trong thực tế, ngoài những lực lượng hành pháp như quân đội, công an, tòa án thì những đội dân phòng tuần tra hằng đêm, tuy không được dư luận ca ngợi như những dũng sĩ "bắt cướp" trong thời gian qua nhưng họ lại là những "anh hùng vô danh" bảo vệ sự bình yên cho nhân dân trên từng ngõ hẻm, khu phố, làng quê của Đất nước.
Và khi có chiến tranh, theo quy định thì lực lượng này cũng sẽ tham gia chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc.
Do đó, chúng ta tôn vinh những hiệp sĩ "bắt cướp" trên báo chí là rât tốt. Và chắc chắn xã hội sẽ có cách thức của riêng mình để tưởng thưởng xứng đáng cho những hành động nghĩa hiệp của họ.
Nhưng giá như, những "hiệp sĩ" này tham gia những đội dân phòng để hòa mình vào một phong trào lớn hơn thì hiệu quả bảo vệ an ninh xã hội của Đất nước có lẽ sẽ tăng cường lên rất nhiều lần.
Bởi khi đó, các hiệp sĩ "bắt cướp" sẽ trở thành một mắt xích rất đặc biệt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc.
Nghĩa là, họ vừa nằm trong hệ thống quyềm lực của Nhà nước nhưng lại không quá xa rời đối với nhân dân. Và dĩ nhiên, bầu nhiệt huyết "hành hiệp trượng nghĩa" của họ vẫn sẽ có dịp được thực hiện nhưng sẽ theo hướng có tổ chức, chuyên nghiệp và chu đáo hơn. Và điều này, không những có lợi cho sự an toàn của các "hiệp sĩ" mà còn có lợi cho sự nghiệp an ninh của toàn thể xã hội.
Nguyễn Văn Toàn
(http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/?vnnid=53310)