Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Nhạc vàng nhạc đỏ...


aitinh Ủa, nhạc làm gì có màu vậy cà? Thế mà lâu nay chẳng biết ai là người đầu tiên phang đại cái màu lên âm nhạc vậy nhỉ? Đương không kêu bằng nhạc vàng, rồi nhạc đỏ, để phân biệt loại nhạc mà ai đó có quyền phán xét, cho rằng thứ nhạc này là ủy mị phù phiếm và thứ nhạc kia là hào hùng rực lửa, để làm gì vậy nhỉ? Để có cái mà cấm à? Nội cái việc định danh ủy mị phù phiếm hay hào hùng rực lửa cũng chưa chắc biết ai đúng ai sai, đều cần nói là loại nhạc nào dễ thấm vào hồn người nhất, đó mới là căn bản của nghệ thuật âm nhạc, chứ muốn dùng quyền ta đang có mà chụp cho nó một cái mũ vàng hay mũ đỏ thì ai làm mà chẳng được?

Ngày xưa một thời cấm tiệt! Ai đó cứ quy ra nhạc trước năm 75 của Miền Nam là nhạc vàng, người nào hát là bị chụp mũ vào tù như chơi, thế nên chỉ hát nho nhỏ với nhau nghe cho đỡ ghiền, mà cũng thật lạ, ngày xưa cấm bao nhiêu thì ngày nay lại lôi ra hát gần hết, vậy ngày xưa đúng hay ngày nay đúng nhỉ? Thưa ông Lịch sử? Ông phán xét giùm cho.

Tớ thì không phân biệt màu đỏ hay vàng, vì lắm bài đỏ chẳng ra đỏ mà vàng chẳng ra vàng, đỏ quá thì nóng quá, cứng quá, chẳng ai ưa hát ngoài cái anh nhà đài, mà vàng quá thì xanh xao đôi mắt và vàng vọt luôn tâm hồn, cả hai loại ấy tớ đều không ham, thế thì tớ trộn hai màu lại thành màu cam vậy, dù sao thì màu cam cũng dễ nhìn và cũng dễ cảm hơn, còn hơn là loại nhạc xám ở chợ đời văn hóa hiện nay, chẳng biết ai là người cho phép và cổ xúy nữa loại nhạc này nữa, nhưng cái loại hình ấy chẳng chóng thì chầy thì nó cũng sẽ mau chóng biến mất khỏi lòng người thôi, tất nhiên vì lòng con người ta chẳng phải là cái chợ nên đâu có cái chỗ cho nó. Hehe…

Pha màu cho nó vui mắt thế thôi chứ nhạc cần gì có màu sơn của ai đó quét vào? chỉ cần có hồn nhạc dệt vào trong bài hát hay không mà thôi là đủ, nhạc mà không có hồn thì y như người vô tâm, người mà không có tâm thì làm gì biết cảm nhận văn hóa, không có cảm nhận văn hóa thì làm sao biết âm nhạc là gì... Do vậy nên xin ai đó đừng dùng sơn tô màu đỏ hoặc màu vàng lên ca khúc làm gì nữa nhé, vì nó là giá trị văn hóa, mà giá trị văn hóa thì có hàng triệu màu như trăm hoa đua nở, không đủ màu sơn trên đời tô cho vừa đâu, màu sắc của nó làm sao thấy bằng mắt thường được, mà bằng chính con tim mỗi người. Hãy để màu sắc tự nhiên thoảng qua theo lời thơ ý nhạc bằng những cảm xúc thăng hoa của con người, chứ định hình cho nó một màu nào đó e rằng không còn tính văn hóa hay nghệ thuật gì nữa ráo.

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Chênh vênh


hchup36 Mấy ngày nay đọc báo thấy rộ lên chuyện tay công tử đô la xài tiền như nước, cặp hết người đẹp này đến người đẹp khác, lại còn tuyên bố hầu hết các em người mẫu xịn đều đã qua tay công tử, như là những thành tích của đại gia biết ăn chơi.

Đồng ý rằng tiền bạc của công tử thì công tử cứ việc xài chứ chẳng ai dám có ý kiến, nhưng cứ thấy lòng chênh vênh làm sao ấy, khi từ phòng làm việc trên lầu, nhìn xuống lòng vỉa hè ngoài đường kia thấy ông lão liệt chân ngồi bán vé số giữa trưa nắng, may ra thì mỗi ngày ông kiếm được bốn năm chục nghìn đồng, nhìn chị lao công nhận lau chùi thêm hai phòng mỗi ngày để mỗi tháng lương được tăng thêm hai trăm nghìn đồng, trong lúc nghe đồn công tử ăn chơi xài tiền tỉ, cho em ca sĩ nổi tiếng bị dính bầu năm triệu đô la đi sang Mỹ mà sinh đẻ... Ôi, mong sao đó chỉ là tin đồn hoặc tin vịt thôi, nhưng kẹt là xứ sở chúng ta đang sống lại nhiều vịt quá, nên hổng chừng đó là thiệt chứ chẳng chơi.

Lại nghe đâu có cậu sinh viên nọ rao bán quả thận của mình năm chục triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ nhưng chưa có người mua, vì nghe đâu cái luật gì gì đó của nước ta cấm bán bộ phận cơ thể người, kiểu này thì mẹ của em sẽ chết mất vì không có tiền để mổ, cho dù em nhất quyết bán để cứu mẹ... Nghe mà ứa nước mắt, nghe mà thấy nhói cả lòng và thấy chênh vênh hơn cho cuộc sống vốn dĩ sự hợm hĩnh và lòng nhân ái của con người bị cào bằng trên những tờ đô la trác táng của những kẻ giàu có.

Lại nhớ đến một thời trai trẻ những ngày tháng chật vật sau 75, các bạn trẻ hồi ấy thường hay hát bài "Mỗi bước ta đi" trong đó có câu: "Anh đang hành quân, ra tiền tuyến, mang theo tình yêu giai cấp trong tim..." Ôi, tình yêu giai cấp à? Yêu không nổi đâu Nhạc sĩ Thuận Yến à? Ngày nay người ta yêu đô la hơn..., vì đô la nó thực, còn những thứ kia sao thấy hư ảo quá. Hèn chi bây giờ thấy chênh vênh là phải rồi.

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Trăng vẫn còn nghẹn


Ánh trăng được nhiều người ví như là văn hóa của chúng ta, vì cái vẻ đẹp huyền diệu của nó giữa trời đêm, nổi bật lên hẳn so với ngàn sao lung linh, tồn tại từ thuở khai thiên lập địa đến giờ, lòng ta buồn, lòng ta vui... nhìn trăng, trăng vẫn đẹp như chính nó khiến lòng ta nguôi lại. Biết bao thi sĩ đã dùng hình tượng trăng mà dệt nên những vần thơ để đời, đưa đến cái ánh sáng văn hóa chân thực trong lòng ta từ lúc ta còn nhỏ, nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, gối đã mỏi... thế mà ta vẫn còn thuộc lòng, đơn giản vì nó là văn hóa.
Ấy thế mà tôi cảm thấy như trăng nay đã nghẹn, như bị những đám mây chảnh chọe của cuộc đời làm vấy bẩn, che mất đi cái huyền diệu vốn có của nó chiếu xuống cho đời, thậm chí nó không chiếu nổi cái ánh sáng đẹp như mơ kia vì biết bao điều trái khoáy dở hơi của chính chúng ta đã làm trăng mắc nghẹn, nấc từng cơn lập lòe cho nhân gian dật dờ theo. Chẳng qua là vì mới đây, trong số hằng trăm bài thơ của hơn hai trăm tác giả tham dự Cuộc thi Thơ Đồng bằng Sông Cửu Long, bài thơ "Trăng nghẹn" của Nhà thơ Hoài Tường Phong đoạt giải Nhất, ấy thế mà chẳng hiểu vì sao, các nhà Quản lý Văn hóa nghệ thuật cho rằng nhạy cảm thế nào ấy mà lại can thiệp thô bạo với tác giả, đề nghị tác giả từ bỏ giải thưởng đó đi, không dám trao giải, vì thế này... vì thế kia..., nhưng tôi rất cảm kích với Tác giả bài thơ, ông cương quyết không chịu nhượng bộ, cho dù sửa lại một chữ "chưa" bằng chữ "chờ" ở câu cuối, ông bảo rằng không dám trao giải thì thôi, chứ có giải thì ông nhận chứ chẳng việc gì lại rút khỏi giải, xảy ra chuyện này nghĩa là các vị quản lý văn hóa ấy vẫn còn run sợ trước những sự thật đến mức phũ phàng trên những câu từ chắt lọc mà nhà thơ dám viết ra. Tại sao lại quái gở như thế? Chúng ta hãy đọc bài thơ này đi! Tác giả sai chỗ nào hoặc vu cáo ai đâu mà cho là nhạy cảm nhỉ?
TRĂNG NGHẸN
Hoài Tường Phong

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
Trăng chưa hết nấc cục thì lại thêm một kiểu chảnh chọe khó nuốt khi người đẹp (?) nọ giới thiệu rềnh rang cuốn tiểu thuyết ba xu "Sợi Xích" tại khách sạn New World. Nghe đâu tiểu thuyết này được Hội Nhà Văn cấp giấy phép liên kết xuất bản. Trời ạ! Văn chương Việt Nam chỉ đến thế thôi sao? Hội Nhà Văn của chúng ta là những tinh hoa của lối viết bập bẹ rẻ tiền chuyện phòng the của loại diễn viên "Rung chuông là... cởi" như thế hay sao hả Trời? Đấy, cái văn hóa Việt Nam ngày nay được tính toán giàu sang nghèo hèn như thế đó. Ông Nhà thơ nghèo chuyên nghề làm răng giả, vợ bán tạp hóa ở Miền Tây thì làm sao đủ đô PR mà sánh với diễn viên thành phố dư tiền dư bạc. Nghe đâu bị dư luận phản ảnh ầm ĩ quá nên Hội Nhà Văn luống cuống ra lệnh cho thu hồi sách rồi, chẳng biết thu hồi được đến đâu, mà cho dù có thu hồi đi nữa thì cái niềm tin đặt vào Hội Nhà Văn của chúng ta cũng đã bị sứt mẻ vì những kiểu biên tập cẩu thả, cấp giấy phép bừa bãi đối với những sản phẩm văn hóa kinh khủng như thế. Chẳng trách gì Việt Nam chúng ta không có tác phẩm lớn là vậy. Trăng nhìn thấy kiểu làm ăn này bảo rằng trăng không nghẹn sao được?
Rồi lại đến chuyện một người đẹp (?) khác đi diễn show thời trang lại đem theo 26 vệ sĩ đi kèm còn hơn là tổng thống, chẳng biết show của cô ấy đắt khách đến đâu hay nét đẹp cô ấy quý giá đến cỡ nào mà được vệ sĩ bảo vệ kỹ thế? Đẹp hay quý đâu chẳng biết, chỉ thấy ồn ào tới mức chảnh chọe. Đảm bảo rồi mai đây, một người đẹp khác sẽ thi nhau tăng số lượng bảo vệ lên cho oai cho mà xem, nó đem 26 bảo vệ được thì mình đem 100, rồi 200..., bỏ ra vài chục triệu thuê vệ sĩ cho oai thì cũng dám có người làm lắm. May là show diễn trong nhà nên Trăng không nhìn thấy, chứ nhìn thấy không chừng Trăng phải nhăn mày nhăn mặt mà quay đi chỗ khác, để khỏi lọt vô mắt mình cái chảnh chọe vô bờ bến của những kẻ rửng mỡ.
Mà thôi, trăng cũng nên nghẹn, chứ trăng cứ mở mắt ra mà nhìn những cảnh trái khoáy dở hơi kiểu này thì không chừng tắt luôn chứ chẳng phải nghẹn nữa đâu, ông Trăng nhỉ?

*(?): Nghe nói đẹp, chứ chẳng biết là đẹp không nữa...

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Sự bất hiếu ngọt ngào

mother Nguyễn Quang Thiều

Có một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng lòng hiếu thảo của những đứa con đối với mẹ mình càng ngày càng trở thành một nguy cơ trầm trọng.

Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là Godfather và American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người. Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi nhất.

Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến những chuyện bất hiếu. Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ. Đó là những câu chuyện bất hiếu đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có người gọi nó bằng một cái tên "Sự bất hiếu ngọt ngào".

"Sự bất hiếu ngọt ngào" là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất để nuôi những người mẹ. Nhưng những đứa con đó không cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.

Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho những lời tâm sự của những đứa con với mẹ mình trong những buổi tối khó ngủ của người già là những người giúp việc được trả lương cao. Với đức hạnh của sự hy sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã gánh chịu một cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.

Một thời gian chúng ta có nói đến việc những đứa con gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão trong các nước phương Tây hoặc châu Âu. Và có không ít người quan niệm đó là sự trốn tránh trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sau một thời gian quan sát và có nghiên cứu thực tế ở các nước đó, tôi thấy đó là cách những đứa con tìm cho cha mẹ họ một không gian thích hợp và có ý nghĩa nhất với cha mẹ khi ở tuổi già và đó cũng là một trong những văn hoá sống của các nước đó. Nhất là khi cha mẹ họ có những vấn đề của tuổi tác, sức khoẻ và tâm lý. Nhưng hầu như hàng ngày, họ gọi điện trò chuyện với cha mẹ và hàng tuần, họ vẫn đến thăm cha mẹ trong nhà dưỡng lão. Họ ở lại với cha mẹ có khi cả ngày để trò chuyện và vui chơi cùng cha mẹ.

Có những người mẹ trong những năm cuối đời chỉ mơ một giấc mơ giản dị nhưng thật đau đớn và thương cảm là có một cái Tết được ăn Tết với con cháu mình. "Con bận lắm. Nhiều khách khứa đến làm việc lắm. Mà nhà cửa bỏ đấy trộm nó vào nó khuân hết. Tết con không về được. Bà cần gì thì cứ bảo. Con sắm sửa đầy đủ cho bà". Đấy là những ngôn từ càng ngày càng trở lên quen thuộc của những đứa con nói với mẹ mình trong một ngày cuối năm về thăm mẹ vội vã. Những lý do trên chỉ là sự bao biện cho thói ích kỷ và sự hoang hoá tình thương yêu của những đứa con đối với mẹ mình. Còn vị khách nào quan trọng hơn mẹ mình nữa? Còn của cải nào quí hơn mẹ mình nữa? Và đối với những bà mẹ, tài sản duy nhất có ý nghĩa là những đứa con.

Nhưng những đứa con đó không bao giờ hiểu được người mẹ của chúng không cần bất cứ quyền chức hay tiền bạc chúng đang có mà chỉ cần chúng ngồi xuống bên bà như thuở nhỏ đầy yếu đuối, sợ hãi và tin cậy trong sự che chở của bà hoặc thấy chúng lớn lên làm một người tốt. Nhưng chúng đã xa rời bà mà bà không có cách nào kéo chúng gần lại. Không phải chúng xa rời xa bà bởi không gian và thời gian do điều kiện sống và công việc mà chúng đang xa rời xa sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Bà đã và đang mất chúng.

Tôi đã chứng kiến một bà mẹ gần 90 tuổi mắt đã mờ lần mò làm một con gà cúng đêm giao thừa trong khi những đứa con của bà đang quây quần vui vẻ đón giao thừa với gia đình riêng của họ ở thành phố chỉ cách nơi bà ở không quá 30 km. Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho những đứa con khi bỏ quên mẹ mình trong những ngày đặc biệt và quan trọng như thế.

"Sự bất hiếu ngọt ngào" còn để chỉ những đứa con bỏ quên những người mẹ trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng những người mẹ đó không bị bỏ đói mà ngược lại được "nuôi giấu" trong một đời sống vật chất đầy đủ. Trong không ít những ngôi nhà to, đẹp và đầy đủ tiện nghi, những đứa con đã "giấu" mẹ mình mà nhiều lúc chúng ta không làm sao có thể phát hiện ra là trong ngôi nhà đó có một bà mẹ.

Có những người thi thoảng lại đến thăm bạn mình trong suốt mấy năm trời nhưng không bao giờ được gặp bà mẹ của anh ta.  Anh ta đã "giấu" mẹ trong một căn phòng trên tầng 3, tầng 4 gì đó của ngôi nhà. Anh ta dậy sớm đi làm vội vã nhiều lúc không còn kịp leo lên tầng chào mẹ. Trưa thì đương nhiên anh ta không về nhà. Tối anh ta về muộn. Vợ anh ta hoặc người giúp việc đã cho bà mẹ ăn cơm trước với lý do để cụ đi nghỉ sớm kẻo mệt. Anh ta trở về nhà ăn tối cùng vợ con và chuyện trò rồi điện thoại và cuối cùng lăn ra ngủ. Có không ít ngày anh ta hoàn toàn quên mẹ mình đang sống trong cùng ngôi nhà và âm thầm mong nhìn thấy con mình và trò chuyện mấy câu với con.

Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến những đứa con khi có khách đến chơi thì khoe hết đồ này vật nọ đắt tiền, thậm trí khoe một con chim cảnh quí hàng ngàn đô la với một giọng nói thật "say đắm" mà chẳng thấy họ khoe một người mẹ vừa ở quê ra chơi hay đang ở đâu đó trong ngôi nhà to, rộng của họ.

Có những người không bao giờ để mẹ ngồi ăn cơm cùng khi vợ chồng anh ta có khách. Có lẽ sự xuất hiện của người mẹ đã già nua không còn phù hợp với những thù tạc, những vui buồn của anh ta nữa chăng. Nhưng anh ta đâu biết rằng, có những đêm khuya bà mẹ không thể ngủ và đầy lo lắng khi nghe tiếng ho của anh ta hay khi vợ chồng anh ta to tiếng. Bà mẹ sống giữa con cháu mà như sống trong một thế giới xa lạ.

Vì thế, có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ của mình. Bởi cho dù ở đó bà không được sống với những đứa con của mình thì bà cũng được sống với những gì vốn rất thân thương với bà như con chó, con mèo, cái cây, cái cối. Và thay vào sự chia sẻ, an ủi của những đứa con là sự chia sẻ và an ủi của những thứ kia kể cả những thứ vô tri vô giác. Và thực sự điều này làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ và đau đớn.

Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc mọc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có những kẻ xưng "bà" xưng "tôi" với mẹ mình như với một người qua đường, qua chợ... Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tội như những kẻ nói trên.

(copy từ blog của hothian, hình sưu tầm từ Internet)

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Tôi vẫn tìm...


Thế mà vẫn có một ngày tôi lang thang
Trong lò thiêu cuộc sống
Sài Gòn mùa này trời nắng chang chang
Nên tim tôi vẫn nóng.

Sao lại ở chốn này? hỡi kẻ du ca phiêu lãng!
Hơn nửa thế kỷ tang bồng chưa đủ hay sao?
Hơn nửa cuộc đời quay cuồng vẫn còn thiếu chỗ nào?
Thế mà sao anh vẫn đi vào vết xe lăn long lóc
Trên dòng người thị thành hối hả nhung nhúc
Có bóng ai kia già cỗi thâm trầm
Lạc lõng giữa dòng người trẻ lăng xăng
Anh thấy bâng khuâng hay là háo hức?

Đã là người, ai mà không muốn hạnh phúc
Đón lấy cho mình và cho cả những người thân
Nhọc mệt cô đơn lạnh lẽo giữa đường trần
So với tôi chỉ là đồ bỏ.
Cuộc sống muôn màu dị dạng không làm tôi bỡ ngỡ
Quen lắm rồi những tha hóa tối tăm
Bao điều trái khoáy nơi những làng quê nhỏ xa xăm
Vẫn tồn tại mỗi ngày nghe đau đáu

Thế nên tôi vẫn nhoẻn nụ cười mếu máo
Tìm lại tôi trong hơi thở của riêng mình
Để biết rằng tôi chưa muốn lặng im
Để cái già chưa uy hiếp tôi được
Tôi chưa muốn nhìn ráng chiều len vào tiềm thức
Thấy quanh mình nắng sớm vẫn trong veo
Tiếng vu vơ ai hát thật ngọt ngào
Nỗi đam mê đi về vẫn ra chiều tâm đắc.
Tôi cũng rú ga, cũng len lách để nhào lên phía trước
Tìm lại cho mình những thử thách đáng yêu
Mạch sống còn nhiều lạ lẫm phiêu diêu
Nhưng soi lại tôi vẫn còn trẻ chán.

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Những điều còn thiếu

hchup34 Đây không phải là một bài viết về chính trị, nhưng một vài ví dụ trong này lại mang tính nhạy cảm của thời sự, vì thế cho nên tôi ngán ngẩm, chán ngán cho cái sự thiếu dũng cảm của một đôi người đang được tiếng là lãnh đạo chúng ta, ít ra là trên một phương diện nào đó như truyền thông hoặc giáo dục chẳng hạn, nhưng họ không có đủ dũng khí để nhận ra cái sai của mình hoặc trách nhiệm của mình, tôi cho đó là dở.

Những chuyện này báo chí trong hoặc ngoài nước nói quá nhiều rồi, cho nên tôi chẳng đào sâu lại hay khơi gợi lại thêm làm gì, chỉ muốn nói thoáng qua như một ví dụ cho sự giáo dục mà khi xưa tôi được nhận hưởng từ thân phụ của tôi, và sau đó tôi lại áp dụng cho con cái mình, cũng như chúng ta hầu hết cũng được chỉ bảo dạy dỗ về sự trung thực như vậy khi còn bé thơ.

Rõ ràng là bất cứ ai cũng muốn giáo dục con cái mình về lòng trung thực cả, khi trẻ phạm lỗi, điều cha mẹ thường làm là kêu con lại hỏi: Con hãy kể lại thật đi, không được giấu diếm sự việc tí nào, thì tội con sẽ nhẹ hơn. Nếu trẻ biết nhận lỗi và nói lại hết sự thật mà không lấp liếm, kẻ làm cha mẹ chắc chắn sẽ không phạt con mình đâu mà còn mừng trong bụng là con mình biết nói thật, đó là niềm hạnh phúc và tự hào, còn ngược lại, trẻ chỉ biết lấp liếm và dối trá, nói loanh quanh để chạy tội thì cha mẹ sẽ điên tiết lên mà đánh đòn con, hoặc đau lòng biết chừng nào khi thấy con mình như vậy. Thế đấy, sự thật có những sức mạnh tinh thần mang đến cho người ta có thể là hạnh phúc và cũng có thể là sự thất vọng não nề là vậy.

Thế nhưng ngày nay người ta lại áp dụng khác đi, ở tòa án mỗi khi xét xử tội trạng gì thì đều được nghe tòa nói nếu bị can thành thật khai báo thì sẽ được pháp luật khoan hồng, nhưng ngoài đời, nếu làm lãnh đạo mà nói sai hoặc làm sai thì chỉ thấy đỗ lỗi hoặc chạy tội lấp liếm chỗ này chỗ kia thôi. Sự kiện năm rồi ông Tổng biên tập một trang web mang tính quốc gia đưa bài viết hết sức cẩu thả, tệ hại và nhạy cảm lên báo mạng, khi bị người đọc phát hiện và vở lở mọi chuyện thì ông lại đổ thừa cho cấp dưới, cho anh đánh máy, rồi lại chấp nhận mức phạt ba chục triệu đồng, chẳng biết ông phải lấy tiền túi của ông hay tiền của tập thể để mà đóng phạt đây, chỉ thấy thương cho cái anh đánh máy trong thời đại này. Rồi lại đến sự việc đầu năm nay, bên Bộ giáo dục đào tạo lại đưa chuyện cấm đoán môn này ngành kia không được phép gây bất bình trong dư luận, thấy sự việc um trời lên, họ bèn rút lại, và lại đổ thừa cho lỗi kỹ thuật, lỗi bên nhập liệu đánh máy.

Cũng lại tội nghiệp cho cái anh đánh máy ngày nay, chẳng biết lương lậu anh bao nhiêu, có đủ nuôi vợ nuôi con gì không mà thấy anh gánh nhiều quá, nhưng vì thấy anh gánh nhiều mà tôi cho rằng các sếp quá dở. Sao họ không dám dũng cảm đứng thẳng lên mà nói: Qua sự việc trên, tôi là lãnh đạo nên xin nhận hoàn toàn trách nhiệm. Được thế thì hay quá nhỉ, sao lại đẩy tất cả tội trạng vào anh đánh máy? Nếu anh là sếp mà anh biết dũng cảm nhận lấy trách nhiệm như thế thì tôi tin chắc rằng, công chúng sẽ đứng về phía anh ngay, vì ai cũng thích người trung thực, biết nhận lỗi, chứ lấp liếm thì lại càng khiến anh xa rời sự tin yêu của công chúng hơn. Tôi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa có nói là không sợ sai lầm, chỉ sợ kẻ biết sai mà không chịu sửa. Tôi thì tôi thêm vào từ biết nhận ra sai lầm nữa. Sai thì ta sửa, điều ấy tốt quá đi chứ, ngay như con cái ta cũng vậy, nó biết nhận ra lỗi và sửa sai thì ta hạnh phúc quá rồi.

Phàm là người thì nhân vô thập toàn chứ ta có phải là thánh đâu mà không biết sai hay vấp ngã? Nếu sai có thể sửa, thì anh vẫn còn có cơ hội đấy thôi, sửa sai để phục vụ mọi người tốt hơn. Nếu sai trầm trọng thì cứ đứng lên nói thẳng là từ chức đi. Cái văn hóa từ chức của chúng ta sao mà khó đến thế ư? Mấy đời tổng thống Mỹ họ cũng sai lầm triền miên đó thôi, sai thì nhận lỗi và xin lỗi, sai nặng quá thì từ chức, như tổng thống Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate nghe trộm tranh cử đấy. Sự dũng cảm nhận lỗi của họ dù sao cũng xóa đi được một chút nào đó vết nhơ mà họ đã vấp phải, còn hơn là giấu diếm để bị đánh mất niềm tin nơi công chúng. Tôi cho rằng sự dũng cảm ấy đặt lên bàn cân sẽ có giá trị nặng hơn là chức tước của cá nhân đó nhiều, nhưng đây chỉ là chuyện đạo đức chứ không phải là chính trị cho nên tôi không bàn sâu hơn làm gì.

Mà nói chuyện đạo đức thì muôn đời vẫn đâu có thừa nhỉ? Sự dũng cảm cũng thế, muôn đời vẫn thiếu.

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Khóc cười…

Thế vận hội mùa đông đã khai mạc ngày 12 tháng 2 năm 2010, cách lần khai mạc đầu tiên tại French Alps, một nơi cách Grenoble sáu mươi dặm vào năm 1924, vỏn vẹn trong vòng mười một ngày thi đấu. Dĩ nhiên các quốc gia chìm ngập trong tuyết chiếm gần hết các huy chương, hai mươi bảy trong tổng số bốn mươi ba. Chuyện đặc biệt còn được nhắc nhở đến bây giờ là Charles Jewtraw, vì lý do điểm số không minh bạch thời ấy mà mãi đến năm 1974, tám mươi ba tuổi, ông mới nhận được chiếc huy chương đồng trong bộ môn trượt tuyết năm trăm mét. Vinh quang ông nhận được quá trễ, không có bục để leo lên, không có vòng nguyệt quế đội trên đầu, ngay cả tiếng vỗ tay giòn giã của khán giả, những điều chắn chắn phải có trong niềm hy vọng của một thanh niên vào độ tuổi đôi muơi.

Thế vận hội mùa đông tổ chức tại Vancouver, Canada lần này bắt đầu bằng sự tử vong của vận động viên Gionodar Kumaritashvili người xứ Georgia, một ngày trước khi ngọn đuốc khai mạc được thắp sáng. Sống chết ở một quan niệm nào đó có cùng một nghĩa bằng nhau, nhất là trong lãnh vực thể thao, ra đi ở độ tuổi hai mươi mốt, người thanh niên tráng kiện này sẽ sống mãi trong lịch sử Thế Vận Hội Mùa Đông, người ta sẽ nhắc đến tên anh – sẽ ghi tên anh bên cạnh các tên tuổi khác, đã bắt đầu sự sống trong lòng người hâm mộ từ sự ra đi của họ.

Chấp nhận bất trắc theo đuổi giấc mơ chiến thắng một trong các môn tranh tài, của các vận động viên ngày một khó khăn hơn, vì sự khéo léo dẻo dai trong kỹ thuật trình diễn và thi đấu ngày một nâng cao hơn.

Năm nay khí hậu khắc nghiệt, thế vận hội cũng lận đận theo, nói theo kiểu các cụ thuở xưa là thiên thời địa lợi gặp hãm địa, không xem ngày mở hội và người tổ chức gặp tuổi khắc, năm xung vân vân, trong khi ban tổ chức thế vận hội cứ đúng tháng đúng kỳ mà làm, xong hội này đã biết quốc gia kế tiếp sẽ đăng cai hội kế tiếp.

Từ lúc bắt đầu đến nay thế vận hội mùa đông tròn trĩnh tám mươi sáu năm, khoảng thời gian này đủ để toàn thế giới tham gia ngày một đông hơn, nhiều môn thi hơn, nên thế vận hội bây giờ đã kéo dài thành mười bảy ngày thay vì chỉ có mười một ngày như xưa. Nhìn bảng tên các quốc gia thi đấu là tám mươi, các bộ môn thi lên con số 86 thay vì 38 trong thế vận hội năm 1986. Thế vận hội mùa đông còn được gọi là Thế Vận Hội của nhà giàu. Gọi thế này cũng đúng, vì ngay cả dân Mỹ khi đi trượt tuyết hay chơi các môn có dính líu đến tuyết đến băng đều than tốn tiền quá, nào là găng kính mắt giầy quần áo chống lạnh, phương tiện đến các nơi có tuyết để trượt thật là nhiêu khê. Các vùng mỗi năm đều có tuyết không kể, vùng nắng ấm phải đi hơn ba bốn tiếng, có người thuê hẳn một căn nhà mùa đông để có thể nghịch tuyết.

Vừa đến Mỹ mùa hè nắng ấm của người ta, mà mình thì bốn năm lớp áo, nhưng cũng thèm một lần nhìn tuyết, một lần được nắm tuyết trong tay, cho bõ những ngày còn ở Việt Nam gìn giữ những tấm hình tuyết trắng xóa trên ngọn thông, những tấm card được nhận từ Pháp từ Mỹ, ngay cả các tấm thiệp Giáng Sinh có gắn kim tuyến lấp lánh thay tuyết, nói ra nỗi thèm thuồng ấy thế là cậu bạn của cô em nhất định mời cả gia đình đi ngắm tuyết trên Reno. Đoạn đường không dài lắm, lúc ấy là cả một khung trời kỳ diệu, nào cây xanh đường đẹp, đến nơi bắt đầu có tuyết trải hai bên đường đã một hai đòi ngưng xe cho xuống. Cậu em tội nghiệp ngưng xe, giải thích là nơi này chưa có đẹp lắm đâu, đi thêm sẽ còn đẹp nữa, nhưng các con có vẻ mệt nên nài nỉ: “Nơi đây cũng đẹp lắm rồi!” Lần đầu tiên được vo tròn ba cục tuyết bằng trái banh, đứa nhặt cây, đứa lăng xăng tìm cách làm cho “em tuyết” có mũi có mắt. Đợi hoài không thấy tuyết rơi, cậu con trai hốt tuyết ném lên trời, để cô con gái chụp hình cho ba mẹ. Niềm vui hồn nhiên sung sướng.

Sau đó vài năm, được bạn bè cho đi theo đến Squaw trượt tuyết, cảnh đẹp hùng vĩ và tốn tiền thật, may mà chỉ mướn dụng cụ, ăn uống trên đỉnh núi có hồ tắm ngoài trời, gió lạnh lồng lộng mà người ta tỉnh bơ nhẩy vào bơi, nước được giữ ấm khỏang 80 độ F, bên trong là nhà hàng trang trí thật “đế vương”.

Tâm lý của các bà mẹ thường mong muốn con mình biết hết mọi thứ, từ âm nhạc đến thể thao, ai có gì cũng muốn con mình có, nhất là khi cha mẹ bị thiếu thốn càng cố làm sao cho con mình không bị thiếu giống mình, câu nói hay nghe từ các bậc cha mẹ: “Hồi đó nghèo thèm miếng kẹo không có, nay cho con ăn xả láng!”

Hỏi các con có muốn thử trượt tuyết không, các cháu thử chơi nửa ngày, sau đó tuyên bố một câu: “Chơi u mọi thích hơn!” có lẽ tại sống nơi khí hậu nhiệt đới quen, nhất là biết tuyết quá trễ nên các cháu không thích lắm, nhất là biết ba mẹ ky cóp để lo cho mình đi học đã khó, lòng dạ nào đòi thêm những niềm vui xa xỉ.

Xem trượt băng nghệ thuật (figure skating – ice dance – free dance) những cô gái chàng trai lướt như áng mây trên bầu trời trong vắt, cùng tiếng nhạc dặt dìu, lòng mình cũng muốn xoay theo họ, từng động tác đến ánh mắt nụ cười, khi xem lại phương pháp tập dượt, công khó của cha mẹ theo con bao tháng ngày, từ thuở chập chững đến lúc chen được vào hàng ngũ vận động viên không phải là dễ, thì giờ và tiền bạc, nhất là bao lần gẫy chân, long đầu gối. Thần đồng là cách gọi các em bé có tài đặc biệt, ở đây ngoài tài nghệ bẩm sinh còn phải có sự đam mê khi còn bé.

Mong có con là thần đồng, ép con thành thần đồng là điều không nên chút nào hết, triệu triệu người mới có được một. Ngắm thần đồng, ngắm những người có tài năng xuất chúng cũng là niềm vui cần gì phải có trong nhà?

Cô bạn bắt con tập múa ba lê một thời gian, sau đó cho con học đàn dương cầm, con lớn chút nữa ép con đi tập thể dục dụng cụ, leo trèo nhẩy lộn ngang lộn ngửa trên các con ngựa gỗ, cô con gái không thích chút nào hết, cô thích nằm nhà đọc sách Harry Potter mà không được nên mặt lúc nào cũng ủ dột cau có.

Lên được trung học cháu tự động bỏ hết mọi lớp mẹ bắt học, chỉ đến thư viện và về nhà. Cô bạn thất vọng quá nên một lần tôi ghé thăm , con gái cũng đang ở nhà, đem chuyện ra kể lể, cháu trả lời thản nhiên: “Con là người bình thường không là người xuất chúng, mẹ đừng bắt con phải nổi tiếng giống họ.” Câu cháu nói rất đĩnh đạc trước mặt mẹ và bạn của mẹ không biết có thay đổi gì được bạn tôi hay không, riêng tôi phục cô bé có cá tính mạnh mẽ, dám nói lên điều mình nghĩ để tránh cho mẹ những mơ ước hão huyền.

Người bước lên bục vinh quang, kẻ đi về trong thất vọng là chuyện bình thường trong các cuộc tranh đua, bao bậc sinh thành đã khóc òa nhìn con bước lên đài vinh quang, cũng bao bậc sinh thành mỉm cười khi con thất bại, nụ cười cảm thông chia sẻ an ủi để con tiếp tục tiến tới. Nước mắt của gia đình người Georgia đang là câu hỏi cho ban tổ chức thế vận hội kế tiếp, hình như trong 86 năm có hơn năm vụ tử vong, chuyện bị thương tật nhiều vô kể, vì nói đến mùa đông có nghĩa là nghịch tuyết, không đơn giản như làm thiên thần trên tuyết, làm người tuyết, mà người ta nghịch những trò chơi có tốc độ nhanh hơn trăm mét một giờ, lao xuống dốc có độ cao chóng mặt, phóng qua các chướng ngại vật để nhào lộn trên không – con người muốn được hòa nhập vào thiên nhiên, thách đố cha trời mẹ đất, cuộc sống đầy màu sắc, các cô cậu thanh niên bây giờ biết rõ mệnh trời hơn ông bà ngày xưa, nên một ngày sống là một ngày hạnh phúc, họ chẳng e ngại một sự gì, ngay cả sự chết.

Họ Nguyễn Lê Trần chưa thấy trong các cuộc tranh tài mùa đông, biết đâu vào thế vận hội kế tiếp nhỉ?

(copy từ autim.net)

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Gia đình…

hchup32 Chỉ hai từ đơn giản này thôi nhưng nó chứa đựng biết bao nỗi buồn vui, biết bao niềm đau hay hạnh phúc đến trong đời mỗi người. Ở đây tôi không dám đào sâu về những mối tương quan hay những lý tưởng cao vời thần thánh hóa cái nôi rất êm ái và dịu ngọt của mỗi người, đó là gia đình... mà ai cũng có. Nhưng đón nhận hay không thì tôi không dám quả quyết, các quan niệm phóng khoáng và cực đoan cứ quyện vào nhau, cứ mổ xẻ nhau, cho rằng gia đình là cần hoặc chẳng cần, nhưng thôi, tôi không muốn dài dòng, chỉ vì nghe đôi chuyện bên lề cuộc sống của những suy nghĩ rất trẻ và rất lạ, nên tôi cũng xin mạn phép lan man ngoài rìa một tí mà thôi.

Tôi có quen một chị bạn hơn tôi năm bảy tuổi gì đó, chị là giáo viên về hưu, nhan sắc chị mặn mà lắm, nhưng sau bao nhiêu lần lỗi nhịp và cả lỗi hẹn, chị vẫn cô đơn một mình, bây giờ ở nhà nuôi mẹ già, lâu lâu đến thăm chị, chị thường bảo tôi, lắm khi buồn buồn rưng rưng nước mắt, chị nói: Chị nói thật với mày nhé! Bây giờ già rồi mới nhận ra cái sai lầm của mình hồi xưa, cứ mãi kén cá chọn canh để bây giờ mới thấy hối hận, lớp trẻ bây giờ tụi nó thành đạt sung sướng, thu nhập cao, ăn tiêu thoải mái, vui chơi vô tư, lắm đứa cho rằng lấy chồng hay lấy vợ làm chi cho khổ, như là đeo cái gông vào cổ, ở vậy chẳng sướng hơn ư? Vừa độc lập vừa tự do, chẳng bị gò bó... nhưng chúng đâu biết rằng, công việc và thu nhập cao đâu có thể gắn bó với mình mãi mãi được đâu? Rồi đây ta sẽ già đi, cha mẹ ta qua đời rồi, anh em thì gia cảnh khó khăn, ai lo phận nấy, bây giờ ta không còn tiền của như xưa, nắng chiều soi rọi sắp đến gót chân rồi, lúc ấy có muốn lấy chồng cũng chẳng ai lấy, hối hận thì cũng đã muộn rồi. Chị nói cho mày biết là nếu có kiếp sau, chị sẽ lấy chồng ngay tắp lự chứ đừng tưởng đong đưa chảnh chọe lúc trẻ là hay đâu mày ạ. Ai cũng chỉ có một thời, cái sắc cũng thế và cái duyên cũng thế, đằng nào rồi cũng tàn tạ theo thời gian, lúc ấy nhìn những người chung quanh mới thấy thèm cái không khí gia đình ghê gớm, mới thấy cái gia đình nó đáng quý biết chừng nào, như chị đây thì đã muộn rồi, con cháu không có, muốn sinh một đứa con cũng chẳng được, bây giờ chị chỉ biết nhìn nắng xế buông dần trên vai mà tủi, mà tiếc, mà nhớ... Thượng đế trao cho con người cái tổ ấm thân thương là gia đình, thế mà lắm người cứ tưởng mình tài giỏi mãi mà không chịu đón nhận, thế thì về già đành phải chịu cảnh hiu quạnh là lẽ thường, có nuôi chục đứa con nuôi đi nữa cũng không thể nào bằng giọt máu của chính mình được. Chị ấy kể lại cho tôi với giọng buồn héo hắt đến não ruột, nhưng tôi nào biết làm gì để giúp chị được? Giới thiệu hay làm mai chị với một ông nào đó góa vợ ư? Chị đâu phải cần chồng mà nhận lời. Nếu chị giàu thì tay ấy cũng bòn rút hết của cải thôi, còn nếu chị nghèo thì rõ ràng khó có ông nào tìm đến. Cuộc đời nó đắng cay là thế đấy.

Vậy đó, chỉ đôi dòng tâm sự của chị thiết nghĩ như là câu trả lời gia đình cần hay không cần là đủ rồi...