Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Trăng vẫn còn nghẹn


Ánh trăng được nhiều người ví như là văn hóa của chúng ta, vì cái vẻ đẹp huyền diệu của nó giữa trời đêm, nổi bật lên hẳn so với ngàn sao lung linh, tồn tại từ thuở khai thiên lập địa đến giờ, lòng ta buồn, lòng ta vui... nhìn trăng, trăng vẫn đẹp như chính nó khiến lòng ta nguôi lại. Biết bao thi sĩ đã dùng hình tượng trăng mà dệt nên những vần thơ để đời, đưa đến cái ánh sáng văn hóa chân thực trong lòng ta từ lúc ta còn nhỏ, nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, gối đã mỏi... thế mà ta vẫn còn thuộc lòng, đơn giản vì nó là văn hóa.
Ấy thế mà tôi cảm thấy như trăng nay đã nghẹn, như bị những đám mây chảnh chọe của cuộc đời làm vấy bẩn, che mất đi cái huyền diệu vốn có của nó chiếu xuống cho đời, thậm chí nó không chiếu nổi cái ánh sáng đẹp như mơ kia vì biết bao điều trái khoáy dở hơi của chính chúng ta đã làm trăng mắc nghẹn, nấc từng cơn lập lòe cho nhân gian dật dờ theo. Chẳng qua là vì mới đây, trong số hằng trăm bài thơ của hơn hai trăm tác giả tham dự Cuộc thi Thơ Đồng bằng Sông Cửu Long, bài thơ "Trăng nghẹn" của Nhà thơ Hoài Tường Phong đoạt giải Nhất, ấy thế mà chẳng hiểu vì sao, các nhà Quản lý Văn hóa nghệ thuật cho rằng nhạy cảm thế nào ấy mà lại can thiệp thô bạo với tác giả, đề nghị tác giả từ bỏ giải thưởng đó đi, không dám trao giải, vì thế này... vì thế kia..., nhưng tôi rất cảm kích với Tác giả bài thơ, ông cương quyết không chịu nhượng bộ, cho dù sửa lại một chữ "chưa" bằng chữ "chờ" ở câu cuối, ông bảo rằng không dám trao giải thì thôi, chứ có giải thì ông nhận chứ chẳng việc gì lại rút khỏi giải, xảy ra chuyện này nghĩa là các vị quản lý văn hóa ấy vẫn còn run sợ trước những sự thật đến mức phũ phàng trên những câu từ chắt lọc mà nhà thơ dám viết ra. Tại sao lại quái gở như thế? Chúng ta hãy đọc bài thơ này đi! Tác giả sai chỗ nào hoặc vu cáo ai đâu mà cho là nhạy cảm nhỉ?
TRĂNG NGHẸN
Hoài Tường Phong

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
Trăng chưa hết nấc cục thì lại thêm một kiểu chảnh chọe khó nuốt khi người đẹp (?) nọ giới thiệu rềnh rang cuốn tiểu thuyết ba xu "Sợi Xích" tại khách sạn New World. Nghe đâu tiểu thuyết này được Hội Nhà Văn cấp giấy phép liên kết xuất bản. Trời ạ! Văn chương Việt Nam chỉ đến thế thôi sao? Hội Nhà Văn của chúng ta là những tinh hoa của lối viết bập bẹ rẻ tiền chuyện phòng the của loại diễn viên "Rung chuông là... cởi" như thế hay sao hả Trời? Đấy, cái văn hóa Việt Nam ngày nay được tính toán giàu sang nghèo hèn như thế đó. Ông Nhà thơ nghèo chuyên nghề làm răng giả, vợ bán tạp hóa ở Miền Tây thì làm sao đủ đô PR mà sánh với diễn viên thành phố dư tiền dư bạc. Nghe đâu bị dư luận phản ảnh ầm ĩ quá nên Hội Nhà Văn luống cuống ra lệnh cho thu hồi sách rồi, chẳng biết thu hồi được đến đâu, mà cho dù có thu hồi đi nữa thì cái niềm tin đặt vào Hội Nhà Văn của chúng ta cũng đã bị sứt mẻ vì những kiểu biên tập cẩu thả, cấp giấy phép bừa bãi đối với những sản phẩm văn hóa kinh khủng như thế. Chẳng trách gì Việt Nam chúng ta không có tác phẩm lớn là vậy. Trăng nhìn thấy kiểu làm ăn này bảo rằng trăng không nghẹn sao được?
Rồi lại đến chuyện một người đẹp (?) khác đi diễn show thời trang lại đem theo 26 vệ sĩ đi kèm còn hơn là tổng thống, chẳng biết show của cô ấy đắt khách đến đâu hay nét đẹp cô ấy quý giá đến cỡ nào mà được vệ sĩ bảo vệ kỹ thế? Đẹp hay quý đâu chẳng biết, chỉ thấy ồn ào tới mức chảnh chọe. Đảm bảo rồi mai đây, một người đẹp khác sẽ thi nhau tăng số lượng bảo vệ lên cho oai cho mà xem, nó đem 26 bảo vệ được thì mình đem 100, rồi 200..., bỏ ra vài chục triệu thuê vệ sĩ cho oai thì cũng dám có người làm lắm. May là show diễn trong nhà nên Trăng không nhìn thấy, chứ nhìn thấy không chừng Trăng phải nhăn mày nhăn mặt mà quay đi chỗ khác, để khỏi lọt vô mắt mình cái chảnh chọe vô bờ bến của những kẻ rửng mỡ.
Mà thôi, trăng cũng nên nghẹn, chứ trăng cứ mở mắt ra mà nhìn những cảnh trái khoáy dở hơi kiểu này thì không chừng tắt luôn chứ chẳng phải nghẹn nữa đâu, ông Trăng nhỉ?

*(?): Nghe nói đẹp, chứ chẳng biết là đẹp không nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.