Đây không phải là một bài viết về chính trị, nhưng một vài ví dụ trong này lại mang tính nhạy cảm của thời sự, vì thế cho nên tôi ngán ngẩm, chán ngán cho cái sự thiếu dũng cảm của một đôi người đang được tiếng là lãnh đạo chúng ta, ít ra là trên một phương diện nào đó như truyền thông hoặc giáo dục chẳng hạn, nhưng họ không có đủ dũng khí để nhận ra cái sai của mình hoặc trách nhiệm của mình, tôi cho đó là dở.
Những chuyện này báo chí trong hoặc ngoài nước nói quá nhiều rồi, cho nên tôi chẳng đào sâu lại hay khơi gợi lại thêm làm gì, chỉ muốn nói thoáng qua như một ví dụ cho sự giáo dục mà khi xưa tôi được nhận hưởng từ thân phụ của tôi, và sau đó tôi lại áp dụng cho con cái mình, cũng như chúng ta hầu hết cũng được chỉ bảo dạy dỗ về sự trung thực như vậy khi còn bé thơ.
Rõ ràng là bất cứ ai cũng muốn giáo dục con cái mình về lòng trung thực cả, khi trẻ phạm lỗi, điều cha mẹ thường làm là kêu con lại hỏi: Con hãy kể lại thật đi, không được giấu diếm sự việc tí nào, thì tội con sẽ nhẹ hơn. Nếu trẻ biết nhận lỗi và nói lại hết sự thật mà không lấp liếm, kẻ làm cha mẹ chắc chắn sẽ không phạt con mình đâu mà còn mừng trong bụng là con mình biết nói thật, đó là niềm hạnh phúc và tự hào, còn ngược lại, trẻ chỉ biết lấp liếm và dối trá, nói loanh quanh để chạy tội thì cha mẹ sẽ điên tiết lên mà đánh đòn con, hoặc đau lòng biết chừng nào khi thấy con mình như vậy. Thế đấy, sự thật có những sức mạnh tinh thần mang đến cho người ta có thể là hạnh phúc và cũng có thể là sự thất vọng não nề là vậy.
Thế nhưng ngày nay người ta lại áp dụng khác đi, ở tòa án mỗi khi xét xử tội trạng gì thì đều được nghe tòa nói nếu bị can thành thật khai báo thì sẽ được pháp luật khoan hồng, nhưng ngoài đời, nếu làm lãnh đạo mà nói sai hoặc làm sai thì chỉ thấy đỗ lỗi hoặc chạy tội lấp liếm chỗ này chỗ kia thôi. Sự kiện năm rồi ông Tổng biên tập một trang web mang tính quốc gia đưa bài viết hết sức cẩu thả, tệ hại và nhạy cảm lên báo mạng, khi bị người đọc phát hiện và vở lở mọi chuyện thì ông lại đổ thừa cho cấp dưới, cho anh đánh máy, rồi lại chấp nhận mức phạt ba chục triệu đồng, chẳng biết ông phải lấy tiền túi của ông hay tiền của tập thể để mà đóng phạt đây, chỉ thấy thương cho cái anh đánh máy trong thời đại này. Rồi lại đến sự việc đầu năm nay, bên Bộ giáo dục đào tạo lại đưa chuyện cấm đoán môn này ngành kia không được phép gây bất bình trong dư luận, thấy sự việc um trời lên, họ bèn rút lại, và lại đổ thừa cho lỗi kỹ thuật, lỗi bên nhập liệu đánh máy.
Cũng lại tội nghiệp cho cái anh đánh máy ngày nay, chẳng biết lương lậu anh bao nhiêu, có đủ nuôi vợ nuôi con gì không mà thấy anh gánh nhiều quá, nhưng vì thấy anh gánh nhiều mà tôi cho rằng các sếp quá dở. Sao họ không dám dũng cảm đứng thẳng lên mà nói: Qua sự việc trên, tôi là lãnh đạo nên xin nhận hoàn toàn trách nhiệm. Được thế thì hay quá nhỉ, sao lại đẩy tất cả tội trạng vào anh đánh máy? Nếu anh là sếp mà anh biết dũng cảm nhận lấy trách nhiệm như thế thì tôi tin chắc rằng, công chúng sẽ đứng về phía anh ngay, vì ai cũng thích người trung thực, biết nhận lỗi, chứ lấp liếm thì lại càng khiến anh xa rời sự tin yêu của công chúng hơn. Tôi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa có nói là không sợ sai lầm, chỉ sợ kẻ biết sai mà không chịu sửa. Tôi thì tôi thêm vào từ biết nhận ra sai lầm nữa. Sai thì ta sửa, điều ấy tốt quá đi chứ, ngay như con cái ta cũng vậy, nó biết nhận ra lỗi và sửa sai thì ta hạnh phúc quá rồi.
Phàm là người thì nhân vô thập toàn chứ ta có phải là thánh đâu mà không biết sai hay vấp ngã? Nếu sai có thể sửa, thì anh vẫn còn có cơ hội đấy thôi, sửa sai để phục vụ mọi người tốt hơn. Nếu sai trầm trọng thì cứ đứng lên nói thẳng là từ chức đi. Cái văn hóa từ chức của chúng ta sao mà khó đến thế ư? Mấy đời tổng thống Mỹ họ cũng sai lầm triền miên đó thôi, sai thì nhận lỗi và xin lỗi, sai nặng quá thì từ chức, như tổng thống Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate nghe trộm tranh cử đấy. Sự dũng cảm nhận lỗi của họ dù sao cũng xóa đi được một chút nào đó vết nhơ mà họ đã vấp phải, còn hơn là giấu diếm để bị đánh mất niềm tin nơi công chúng. Tôi cho rằng sự dũng cảm ấy đặt lên bàn cân sẽ có giá trị nặng hơn là chức tước của cá nhân đó nhiều, nhưng đây chỉ là chuyện đạo đức chứ không phải là chính trị cho nên tôi không bàn sâu hơn làm gì.
Mà nói chuyện đạo đức thì muôn đời vẫn đâu có thừa nhỉ? Sự dũng cảm cũng thế, muôn đời vẫn thiếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.