(Bài viết sưu tầm từ blog của HoLanHuong)
Tôi nhớ hình như cụ Hồ Chí Minh đã có lời khuyên với những người do tham gia cách mạng mà được lên làm cán bộ rằng:
- “Làm cán bộ, không phải là làm quan!” và câu thứ hai là:
- “Cán bộ là đầy tớ của dân!”
Câu thứ nhất nhằm thiết lập vững chắc một nền dân chủ, vì đã coi mình là quan thì ắt coi ngôi vị của mình là ở trên dân chúng, quan nói thì dân phải nghe, trên “ban” hay “dạy” xuống, dưới “thưa” hay “bẩm” lên là cái quan hệ không dân chủ dưới thời phong kiến thực dân. Cách mạng thì trước tiên phải “cách” cái quan hệ đó. Thời gian đầu người ta cải cách bằng quan hệ xưng hô, cán bộ các cấp đều chỉ gọi là “anh” hoặc “chị”, nghe ra có vẻ bình đẳng. Nghe ra thôi, chứ đã là đảng viên thì ắt coi tất cả những người ngoài đảng là “quần chúng” và phải chịu sự lãnh đạo của họ. Cái lớp người tự cho mình là tiền phong đó chưa bao giờ có sự bàn bạc, và lắng nghe một cách bình đẳng với lớp “chưa tiền phong”. Các anh các chị từ trong thâm tâm, trong ý nghĩ đã dần dần thành “anh lớn”, “chị lớn” từ lúc nào không biết? Đến bây giờ thì cái lời khuyên thứ nhất đã hoàn toàn trả lại cho cụ Hồ Chí Minh, với thế giới “người hiền”.
Cái vế thứ hai “cán bộ là đầy tớ của dân” là một câu vận động vô cùng khó thực hiện. Nó có vẻ trái khoáy, thực tế nó mang ý nghĩa mỉa mai nhiều hơn. Nó cách mạng quá nên dễ mấy ai hiểu được và làm được. Cho đến bây giờ, cán bộ là gì của dân, gia đình cán bộ là thế nào với dân? Tuy người dân chưa nói thẳng ra, nhưng trong thâm tâm họ không mấy ý nghĩ thiện cảm về mối liên hệ này. Cái khoảng cách cao thấp giữa cán bộ với dân cứ càng ngày càng lớn về hình thức về bản chất, vì thế lời răn này cũng đã từ lâu nó rút vào bí mật và mất tăm tích.
Không khí dân chủ thời cách mạng mới thành công, ngay cả trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đến giờ cũng không còn nữa. Chính quyền càng được củng cố, thì những gì là trở ngại cho việc củng cố đó đều không được phát sinh, không được tồn tại, vì thế dân chủ càng ngày càng bị thu hẹp lại. Sự thu hẹp này đã nảy sinh mâu thuẫn và mâu thuẫn ngày càng dầy lên, đến mức người dân phải đấu tranh đòi lại dân chủ. Người dân không cần đòi hỏi mình được làm chủ như khẩu hiệu “Dân làm chủ”. Họ chỉ cần được đứng trên một mặt bằng với nhà cầm quyền mà bàn bạc mà tranh luận. Ngại hay sợ cái hình thức giao tiếp này thì làm sao có được dân chủ thực sự? Nhất là ở thời buổi mà về trình độ văn hóa, về tri thức xã hội, về ý thức chính trị, giữa người dân và cán bộ không còn khoảng cách, thì mọi sự cưỡng bức, áp đặt về tư tưởng, về cách giải quyết những quan hệ xã hội v.v… không thể chỉ nói một chiều và chỉ nghe một chiều. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì sẽ mất dân chủ.
Quá hơn nữa, nếu nhà nước cứ làm theo cách bổ xung vào luật, thậm chí vào hiến pháp những điều chống lại sự bất lợi cho mình. Nếu cứ xử lý những vấn đề đó bằng những phiên tòa không xử theo pháp luật mà theo sự chỉ đạo phiến diện nhằm củng cố “chuyên chính” và tuyên ra những bản án “hàm hồ” áp đặt, thì thật khó thuyết phục rằng nhà nước dân chủ.
Trên thế giới, nghe đâu ở một nước nào đó khi công an truy tố một tội phạm thì tòa sẽ đặt hai vế nguyên bị ở vị thế ngang nhau. Tội phạm sai thì vào tù, mà công an sai thì cũng có mức án tương tự. Không có thế thượng phong ở nơi treo cán cân công lý. Nhìn lại nhiều phiên tòa ở ta nó cứ thế nào ấy? Nó vừa hình thức vừa hài hước, thậm chí còn “xảo trá”. Dân chủ bị đánh cắp ở ngay nơi người ta cần gìn giữ nó.
Dân chủ ở Việt Nam cần được lành mạnh hóa, những gì dân chủ đã bị mất cần được khôi phục. Nói thế, nhưng cũng không thể tán thành những “nhà dân chủ” những “tổ chức dân chủ” đòi dân chủ theo kiểu “chống cộng cực đoan”, kêu gọi lật đổ chế độ “Việt gian cộng sản” để tìm kiếm dân chủ… Chính ngay trong họ cũng không hề có ý tưởng dân chủ, cái dân chủ “đẹp đẽ” như họ đã từng rêu rao, trong đầu họ cũng đầy rẫy cực đoan. Với những nhà cực đoan này, trao chính quyền vào tay họ thì có thể là hơi mạo hiểm.
Nhân đây cũng xin bàn qua về một vấn đề ồn ào mới đây, là việc “quản lý blog”. Nhà nước thông qua bộ Thông tin – Truyền Thông có những biện pháp (bằng Nghị quyết, Thông tư) ngăn chặn “blog đen”, tạo “môi trường lành mạnh cho blog”. Đây dúng là những ý tưởng tích cực, có thể là những ý tưởng hay, nhưng cũng chưa thật hợp tình hợp lý. Đã xác định Blog là “Nhật ký cá nhân” thì hà cớ gì phải quan tâm? Can thiệp vào là vi hiến. Giống như bóc thư từ của người khác ra xem mà giải thích là nhà nước có quyền vậy. Còn như lấy cớ là nó chống lại chế độ, nó bôi xấu chế độ, nên phải trừ diệt thì hơi thổi phồng quá. Nó không viết ra blog thì trong đầu nó vẫn nghĩ thế (tự do tư tưởng mà), bảo rằng nó tuyên truyền lôi kéo vận động mọi người chống chế độ?… giả dụ nó không viết thì nó vẫn có thể rỉ tai nhau lôi kéo (cái này thì cách mạng thừa kinh nghiệm vận động, xâu chuỗi, bắt rễ rồi). Vận động nhà cung cấp dịch vụ Yahoo, Google, thì nó bắt tay dịch vụ khác, thứ này trên mạng đầy rẫy như sao trên trời vậy. Cùng lắm qua Email những ý tưởng tốt xấu cũng vẫn trao đổi dễ dàng… Đừng phí công làm cái việc “bắt cóc bỏ đĩa” “nước đổ đầu vịt” thế. Thực tế cũng có những blogger tranh đấu cho dân chủ bằng cách “cóp” lại những bài viết của những nhà hải ngoại “chống cộng” chuyên nghiệp, thêm thắt vào đấy một vài ý tưởng ngây ngô của mình, xào xáo lại cho ra vẻ, rồi tương bừa lên blog, không biết mình đã nuốt vào những thứ người khác ói ra, thứ “a dua” này không nhiều và rất huênh hoang nên hay lộ võ. Còn đa số là những người nghiên cứu sâu sắc, trút tâm huyết của mình lên blog. “Đỏ” nhiều đấy, chứ có phải đâu toàn “đen”. Cũng có những cái blog ăn nói tục tĩu, ý tưởng ba trợn… Nó phản ánh nhân cách của con người đó, hãy tránh nó ra, bước qua đi như bước qua bãi phân chó trên đường, đừng dẫm bừa vào mà la.
Tóm lại với những người lợi dụng “blog” không xây mà chỉ phá, vi phạm pháp luật hiển nhiên, thì cứ đem ra tòa mà xét xử công khai minh bạch. Còn với những ý kiến trái ngược, chưa thuận chiều thì nên chăng, bộ TTTT chọn ra một số cây viết lý luận sắc sảo chủ trì một cái blog “phản biện” tranh luận với nhau công khai có thú vị hơn không? Có dân chủ hơn không ? Đừng miệt thị blogger, không phải họ đều kém cỏi so với các vị đâu? Hãy chịu khó đếm xỉa đến sự thật, đừng sơ hở để họ phải cười vào mũi các vị. Tranh luận như thế còn hơn là thành lập một bộ phận để rà soát hàng nhiều triệu cái blog, làm cái việc của con dã tràng, không chỉ tốn công sức của mình mà còn tiêu phí tiền của đóng góp của nhân dân. Cái cần chống triệt để hiện nay là chống tham nhũng, tập trung vào chống nó, dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải chống bằng được, vì đấy là nguyên do của sự mất dân chủ hiện nay.
Tóm lại, muốn xóa đi bóng tối, trước tiên là đèn phải rạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.