Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Nhân thân và tòa án

(TuanVietNam)- Có những giá trị chung của nhân loại được cả thế giới công nhận như “pháp luật thượng tôn”. Phải chăng đưa yếu tố nhân thân tốt nhằm giảm nhẹ tội đôi khi đã làm pháp luật không còn nghiêm minh?


Đạo diễn Roman Polanski bị bắt

11590Nhân thân hay “thân” nhân tốt cũng không giúp làm “nhân chứng hay vật chứng” ủng hộ trước tòa án Hoa Kỳ, một nơi chỉ dựa vào bằng chứng, có tội hay không có tội, không dựa vào đạo đức của bị cáo hay những người quen can thiệp.

Ngày 27/09, Washington Post đưa tin, Roman Polanski – đạo diễn nổi tiếng người Mỹ, gốc Ba Lan, bị bắt vì tội quan hệ tình dục với trẻ em từ hơn 30 năm trước. Ông này đã bị cảnh sát Thuỵ Sỹ đưa vào trại hôm Thứ Bảy, 26/9/2009, khi tới dự liên hoan phim Zurich.

Ông đã thừa nhận hành vi này vào năm 1977. Tuy nhiên, Polanski đã trốn khỏi nước Mỹ nên chưa hoàn thành vụ xét xử dù ông đã sống trong tù 42 ngày để kiểm tra tâm lý. Hiện ông đang sống yên ổn tại Pháp vì giữa Pháp và Hoa Kỳ không có hiệp ước dẫn độ tội phạm.

Có vụ bắt giữ là do chính quyền Mỹ đã liệt ông vào dạng truy nã trên toàn cầu suốt từ năm 2005 tới nay. Vị đạo diễn 76 tuổi nhiều khả năng bị dẫn độ về Mỹ do yêu cầu của tòa án liên bang Hoa Kỳ.

Mấy năm trước một vị giám đốc nhà ta cũng bị xích tay khi đi dự triển lãm tại đất nước có hồ Leman thơ mộng vì đã vi phạm luật cạnh tranh của Mỹ. Anh chàng Thụy Sỹ này rất thích giúp bắt nghi phạm cho các nước khác.

Nhân thân của Polanski rất hoành tráng. Ông là người đóng góp lớn cho nghệ thuật Thứ 7 thế giới những bộ phim nổi tiếng với các giải cao trên phim trường quốc tế như Chinatown hay Rosemary’s Baby. Phim The Pianist – Dương cầm từng đoạt giải Oscar 2003 dành cho đạo diễn, nhưng lần đó ông không tới dự và ban tổ chức đã trao giải vắng mặt, chắc sợ bị cảnh sát Hoa Kỳ bắt tại Hollywood.

“Thân” nhân của Polanski còn mạnh hơn thế. Là một người nổi tiếng nên khi nghe tin ông bị bắt, ban tổ chức liên hoan phim Zurich đã bị sốc và kinh hoàng, trong khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp choáng váng, rất lo lắng cho số phận của Polanski.

Văn phòng Tổng thống Pháp Sarkozy đang theo dõi sát vụ này vì Polanski mang cả quốc tịch Pháp. Có điều ông Sarkozy không dám nhấc điện thoại để can thiệp với tổng thống Thụy Sỹ. Tòa án nước này không có thói quen phải tư vấn chính phủ về việc bắt ai, thả ai, hay xử như thế nào.

Luật sư của Polanski đang hy vọng về sự lỏng lẻo trong hiệp định dẫn độ giữa Mỹ và Thụy Sỹ để tìm khe hở và đưa vị đạo diễn này về với gia đình bên Pháp.

Polanski không thể lẩn trốn được pháp luật. Ông bị tạm giam và ngồi suy ngẫm về những gì mình đã làm với cô bé 13 tuổi. Nhân thân hay “thân” nhân tốt cũng không giúp làm “nhân chứng hay vật chứng” ủng hộ ông trước tòa án Hoa Kỳ, một nơi chỉ dựa vào bằng chứng, có tội hay không có tội, không dựa vào đạo đức của bị cáo hay những người quen can thiệp.

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ và PCI

11591
Hai bị cáo đứng nghe tòa tuyên án.

Thời gian này năm ngoái, báo chí rộn lên vì vụ PCI và hối lộ động trời. Thông tin từ phía Nhật Bản cho biết: trong quá trình thực hiện dự án ở Tp HCM, từ năm 2003 đến 2006, các quan chức công ty PCI khai đã 2 lần đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ với tổng số tiền là 820.000USD (năm 2003 là 600.000USD và năm 2006 là 220.000USD) để nhận được các hợp đồng tư vấn cho dự án từ nguồn vốn ODA.

Các cơ quan pháp luật của Nhật Bản đã truy tố 4 cựu quan chức của công ty PCI về tội danh đưa hối lộ và vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản. Tại toà, cả 4 bị cáo trên đều nhận tội và khai nhận hành vi đưa hối lộ. Họ đã bị tòa án tuyên án là có tội và phạt tù.

Sau đó, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt vì tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, không liên quan gì đến tội nhận hối lộ.

Mới đây, tòa xử ông Huỳnh Ngọc Sỹ với bản án 3 năm tù giam, số tiền cáo buộc ông Sỹ “lợi dụng” là 52 triệu đồng (khoảng gần 3000 đô la). Mặc dù trong phiên tòa đã nói rõ, vụ án 52 triệu đồng này không liên quan gì đến vụ đưa nhận hối lộ tại Đại lộ Đông – Tây (phía Việt Nam cho biết vẫn đang tiến hành dịch hàng nghìn trang tài liệu mà công tố Nhật chuyển sang để điều tra vụ đưa – nhận hối lộ của ông Sỹ trong dự án Đại lộ Đông – Tây) nhưng dư luận vẫn không khỏi ngầm so sánh với con số 820.000 USD do phía Nhật cáo giác.

Đây từng coi là vụ án trọng điểm mang tầm quốc gia và quốc tế.

Nhân thân tốt và 3 năm tù giam

Như các báo đồng loạt đưa tin, vì nhân thân tốt nên cuối cùng, ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị tuyên án 3 năm tù. Dầu sao, đó cũng là ưu điểm của tòa án và tính nhân đạo trong xét xử của nước ta.

Tuy nhiên, phía bên kia bán cầu, nhân thân và thân nhân cao cấp không giúp gì cho Polanski. Ông đang tạm mất tự do dù hành vi phạm tội đã xảy ra 30 năm trước và đang ở một nước thứ 3. Toàn cầu hóa và hội nhập đã làm những kẻ có tội phải trồi lên mặt phẳng dù có trốn tránh ở đâu trên trái đất này.

Có những giá trị chung của nhân loại được cả thế giời công nhận như “pháp luật thượng tôn”. Một người nổi tiếng tầm cỡ như Roman Polanski, chỉ vì tưởng mình có một nhân thân nổi tiếng toàn cầu, kể cả những “thân” nhân trong Chính phủ Pháp nên đã dại dột sang Thụy Sỹ. Hiện ông đang ở nơi tạm giam để xem “Dương cầm” bên hồ Lehman.

Nếu bị dẫn độ về Hoa Kỳ, ông sẽ bị luận tội về lạm dụng tình dục trẻ em, một tội sẽ bị phạt rất nặng. Phạm tội thế nào có khung hình phạt đó được áp vào. Giải Oscar hay hàng tỷ người hâm mộ màn ảnh lớn cũng không giúp gì cho việc giảm bớt số năm ngồi bóc lịch.

Phải chăng, đó cũng là bài học kinh nghiệm khi mang yếu tố “nhân thân”, “nhân đạo” và kể cả “thân nhân” vào ngành tòa án của quốc gia nào muốn hội nhập với thế giới.

Hiệu Minh
(trích từ Vietnamnet)
Nguồn: http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//8147/index.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.