Một ngày nào đó, bước ra đường không thấy hàng rong, những tâm hồn đậm đặc chất Việt - nhất là những cư dân không thuộc hàng “ăn McDonald, ngủ giường nệm, đi Lexus” sẽ chết như mất nửa cuộc đời. Hàng rong là những khoảng lặng quý giá trong đời sống đô thị nên ta cứ thương-giận hàng rong...
Đâu rồi của những ngày xưa?
Hàng rong, trong thẳm sâu ký ức là những giọt mồ hôi một nắng hai sương của mẹ. Ngày xưa, mẹ tôi cũng sớm chiều đi bán rong dầu, mắm để lo cho các con ăn học.
Nhìn rộng ra xung quanh, những gánh hàng rong của những bà, những mẹ, những chị khác cũng dường như thấm đẫm tình. Đằng sau gánh hàng rong ấy là biết bao thân phận con người được nương nhờ, ăn học để trưởng thành và bay bổng tới những miền mơ ước. Hàng rong tần tảo mưu sinh nhưng không bao giờ nghĩ chuyện “ăn gian”, nói thách...
Rồi cuộc sống dần dần thay đổi. Hàng rong cũng thay đổi. Những xô bồ, chụp giựt của thời đại len lỏi vào làm oằn nặng những gánh hàng rong - văn hóa của ngày xưa. Vẫn còn đó những hình ảnh tảo tần sớm hôm, những vất vả, nhọc nhằn, những chịu kham chịu khổ. Nhưng dường như nét văn hóa thân thương ấy đã bị làm nhòa nhạt đi bởi những toan tính, những chụp giựt và nói ra đau lòng - đôi khi có cả cách bán buôn ma lanh. Cái nhìn với gánh hàng rong đôi khi đã thay bằng cái nhăn mày, nhíu mặt khó chịu vì những phiền toái.
Hàng rong không còn là hình ảnh những bóng cây rợp mát với gánh nước chè xanh, trái chuối, viên kẹo... đỡ lòng khi đói. Cũng không còn là một góc phố nhỏ với dáng ngồi lụi hụi thương thương, bàn tay thoăn thoắt thiện nghệ của bà tráng bánh cuốn, gói xôi khúc... Hàng rong cũng không còn là những đôi quang gánh oằn vai theo những bước đi nhịp nhàng phường phố mà khi dừng lại bán hàng bao giờ cũng nhìn trước trông sau xem có ảnh hưởng đến khách đi đường. Hàng rong giờ có mặt trên từng cây số, từng ô phố, từng con hẻm, từng đoạn đường. Hàng rong không chỉ trên vỉa hè, lề đường mà còn nghênh ngang tấn công lòng đường hàng đoạn dài như những đoàn quân. Hàng rong giống như có phép tàng hình, có mặt cơ quan chức năng thì sạch như ly như lau, còn vắng thì túa ra làm bộ mặt phố phường mười phần nhếch nhác...
Người mua hàng cũng không còn hy vọng được cân đúng, cân đủ. Một cân có khi chỉ còn... sáu lạng. Nên mới có chuyện trái khoáy, người mua kỳ kèo được cân đủ và “nài nỉ” được trả thêm tiền nhiều hơn giá hàng rong rao.
Hàng rong cũng tiến kịp thời đại khi thay đôi quang gánh bằng những chiếc xe đạp, xe đẩy, xe máy. Hàng rong không còn là những món quà quê tự tay làm lấy, những cây trái hái trong vườn nhà mà có hẳn công nghệ làm ra sản phẩm chín kinh dị, ngọt dễ nể nặng hóa chất độc hại để người ta cất hàng đi bán dạo.
Hàng rong còn “vô duyên” hết mức khi đường phố, nhất là chốn Sài thành đã phải chia năm xẻ bảy cho nào xe, nào người, nào “lô cốt”... còn phải oằn mình chịu trận với những dãy xe đạp, xe đẩy. Ngay chân cầu, trên cầu là nơi chình ình biển báo cấm buôn bán thì hàng rong vẫn vô tư đậu đỗ, bất cần biết đến những bất tiện mà mình gây ra. Và chỉ cần nghe “ới” một tiếng thì chẳng cần nhìn ngó trước sau, hàng rong sà ngay lại miễn là bán được hàng...
Hàng rong là một nét văn hóa của đất Việt ngàn năm từ làng quê đến phố thị. Nhưng cách thức “tiến hóa” của nó làm nhiều người chạnh lòng tiếc nuối mùi hương xưa quê cũ...
Hàng rong ơi!
THANH HOA
Thương chiếc áo dài sờn vai gồng gánh...
Em sinh ra và lớn lên ở Huế, người ta hay gọi Huế là chốn cung đình, người phụ nữ sống ở vùng nớ cũng tự dưng thành cao sang, thế nhưng không phải ai cũng tay trắng ngọc ngà.
Ký ức về người phụ nữ Huế trong em là những o, dì, mệ gánh hàng rong lóc cóc với đôi guốc gỗ đã mòn vẹt, với chiếc áo dài hay bà ba và chiếc nón lá loang lổ vết dầu bóng.
Mệ ngoại em ngày xưa cũng từng quày quả gánh bún bò đi bán. Hồi em bốn, năm tuổi, buổi trưa thường trốn ba mẹ không ngủ trưa, núp trong bụi chè tàu của nhà mà nhại giọng rao của o bán bánh “Ai bèo nậm lọc ram ít khôn...” (bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ram và bánh ít). Rồi tụi em đồng thanh trả lời “Khôn!” hoặc khi thì núp trong bụi kêu, “Bánh, bánh”, o bán bánh cứ quay tới quay lui chẳng biết ai kêu. Đến khi biết ra có đứa phá, o luôn chửi pha chút chua ngoa: “Cha mệ nội bây, trưa không lo ngủ mà đi phá tau!”.
Ngày xưa xa lắc nên em đã quên mất tên o, chỉ nhớ o độ chừng ngoài 50 tuổi. Ở Huế hồi xưa, phụ nữ cứ ra đường là mặc áo dài. Dù đã những năm tám mươi của thế kỷ 20, o bán bánh vẫn giữ nếp cũ đó. Khi mô o cũng mang guốc gỗ, mặc áo dài màu nâu đất, vai áo sờn bạc màu được may đằn nhiều lớp từ vai bên này qua vai bên kia. Hồi nhỏ, em hay méc với mệ ngoại: “Mệ, mệ! O nớ mặc áo rách, o nớ mặc áo vá!”. Thường mệ không la mà chỉ nói lui nói tới một chuyện như để sau ni em đừng bao giờ quên. Mệ ngoại nói rằng mặc áo dài mà đòn gánh đằn vai thì chỗ đòn gánh đặt lên vai áo mau sờn, mau rách. Chỗ vai áo đã sờn mà cả cái áo còn tốt nên người ta cắt miếng vải nối vai may chồng lên nhau để mặc cái áo được lâu, có khi để đỡ mỏi vai, sờn áo mà chiếc đòn gánh được quấn thêm lớp vải ở giữa.
Sau ni lớn lên em mới hiểu ra... Không chỉ o bán bánh mà những ai hay gánh bất kể áo dài hay bà ba trên vai áo đều chồng thêm nhiều lớp vải. Tự nhiên nhớ o bán bánh xưa, thấy xót...
Hồi xưa không có khái niệm lấn chiếm lòng, lề đường như chừ nhưng có lẽ sâu xa trong tâm ý cũng là để tránh đường sá lộn xộn nên khi mô mệ ngoại cũng bắt cháu con kêu gánh vô nhà ngồi mà ăn. Mà ở Huế nhà nào cũng có sân vườn, cứ ai muốn ăn lại kêu người bán gánh thẳng vô nhà bán. Tỉ như người mua thương người bán mà nói gánh để ngoài ngõ rồi họ xách chén dĩa ra mua thì người bán cũng tự động nói khéo “Vô nhà rồi o bán chớ ngồi ngoài đường ri xe cộ bụi bặm...”.
Có gánh quanh năm suốt tháng chỉ bán một loại đó là gánh hàng ăn. Nhưng có những gánh buôn hàng theo mùa. Mùa ít cúng kỵ, lễ lạt người ta gánh lùng binh, niêu đất, muối sống, nước mắm... Mùa cúng đất thì gánh bán muối sống, đường đen, hột nổ, đèn dầu, áo binh. Gần Tết lại chuyển sang gánh đũa bông, hoa giấy, cát bát nhang...
Có gánh lại trong nhà có chi thì gánh ra bán thứ đó: Mớ trái bồ quân, sim, bìm bịp cho đến ổi, thanh trà, chuối, bưởi; từ củ khoai môn, bó rau lang, nạm rau tập tàng, nấm tràm, nấm mối.
Mệ ngoại em khi nào cũng ngồi nhìn ra cửa ngõ, chờ những gánh hàng ngang về để hỏi thăm có bán được không, sắm được chi cho Tết chưa. Khi nhìn thấy hai mẹ con nách rổ không, quang gánh không đi về, tay tòng teng chút mứt bánh, hạt dưa, bộ đồ mới cho con... là mệ biết ngày nớ họ đã bán được hàng. Mệ cười vui như thể mệ vừa bán hết gánh bún bò, sắm cho em cái áo mới bận Tết vậy.
QUỲNH TRANG
Những gánh hàng rong xuyên thời gian, xuyên lục địa
Chỉ bằng một đoạn văn mở đầu truyện ngắn Đồng thanh tương ứng, nhà văn Sơn Nam trình bày được tất cả năm đặc điểm của nghề bán hàng rong. Đó là một dịch vụ bán lẻ đến tận nhà người tiêu dùng nên dân xóm Tà Lốc nếu “cần mua sắm vài vật dụng cần thiết, họ ngồi tại nhà mà chờ đợi một chú Huê kiều. Chú ta quảy gánh gióng, bán nào kim chỉ, lưỡi búa, đường thẻ, thuốc rê. Đặc biệt nhứt là loại kéo tàu, rèn tại chợ Rạch Giá”. Bán hàng rong kiếm lời dễ, “bán hàng với giá đập đổ” nhưng rất cơ cực: “Đi bộ suốt hai mươi cây số, qua vùng đất phèn đầy muỗi mòng, rắn, rít” và đầy rủi ro: “Lắm khi chú Huê kiều bị gãy gánh giữa đường thương mãi: hàng hóa và tài sản bị tịch thâu, thân xác chú ta còn chịu thêm trận đòn nhừ tử”. Cuối cùng, tính chất cơ động, vất vả của dịch vụ đòi hỏi tiếp xúc cá nhân trực tiếp này giữa di dân và người bản xứ luôn tạo ra chuyển biến văn hóa trong quá trình hội nhập: “Dân trong xóm lần hồi thương mến chú Huê kiều…!”.
Hình ảnh tương đương “chú Huê kiều” bán hàng rong ở vùng Đông Nam Á là người bán hàng rong Do Thái ở châu Âu ngày xưa. Vào giữa thế kỷ 19, di dân Do Thái cũng như các di dân khác ở cựu lục địa Âu, Á kéo sang Mỹ, thường với hai bàn tay trắng và một cái đầu đầy ước mơ. Trong quyển The Philadelphia Fels, 1880- 1920: A Social Portrait, Evelyn Bodek Rosen viết là người bán hàng rong Do Thái ở Mỹ “đi ngược đi xuôi, mang hàng hóa từ nơi này đến nơi khác, những người bán hàng rong liên kết người sản xuất và người tiêu thụ. Khi chuyện trò, họ trao đổi thông tin, liên lạc những người sống nơi xa xôi hẻo lánh với thế giới bên ngoài, kết nối nông dân miền thôn dã và những người khẩn hoang nơi biên ải với thế giới văn minh... Trước tiên người bán hàng rong học tiếng nói. Kế đến, qua giao tiếp với khách hàng, người bán hàng rong rút tỉa được kinh nghiệm và kỹ năng kinh doanh... Tất cả những kỹ năng này sẽ rất có ích cho người bán hàng rong một khi tạo lập được cửa hàng hay doanh nghiệp của chính mình. Mục đích của người bán hàng rong là trở thành một chủ tiệm, chủ doanh nghiệp...”.
Những di dân Trung Hoa, Do Thái trước đây chọn nghề bán hàng rong để khởi nghiệp vì họ không cam phận làm công ăn lương mà ôm tham vọng lớn là thay đổi cuộc đời, có được độc lập kinh tế. Tuy có rủi ro nhưng cũng có cơ hội. Đó là cách thức thành đạt của không ít doanh nhân vĩ đại. Người sáng lập chuỗi cửa hàng bán lẻ Macy’s trên toàn thế giới là con của một người bán hàng rong. Người xây dựng chợ Bình Tây - Quách Đàm xuất thân mua bán ve chai. Lịch sử thương mại xứ nào cũng có giai đoạn hàng rong như ở ban đầu để rồi phát triển thành những hình thức kinh doanh hiện đại sau này.
Hàng rong Việt Nam có đặc tính phát sinh từ nền tiểu nông chuyên trồng lúa nước, với những thời gian nông nhàn hay tình trạng thừa lao động ngoài thời vụ. Bán hàng rong do vậy không là một nghề được coi trọng, dù đóng vai trò không nhỏ trong phân phối hàng hóa.
Sự bùng nổ đô thị hóa ở Việt Nam gần đây có nghĩa là một bộ phận rất lớn dân cư đô thị hiện nay là di dân từ các thôn làng. Trong tâm thức của họ, ít nhiều còn đọng tình hoài hương nên họ là khách hàng thường xuyên của những người bán hàng rong đang gợi lại hoặc đem lại cho họ những giá trị vật chất hay tinh thần của văn hóa nông thôn. Trong khi đất nước đang trải qua những chuyển đổi lớn và liên tục trong nhiều lĩnh vực, nhiều giá trị chưa định hình trong khi nhiều giá trị đã biến mất, mô hình “hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc” còn mơ hồ, vai trò cầu nối văn hóa nông thôn-thành thị của người bán hàng rong lại không hề được đánh giá hay đặt ra. Họ chỉ bị coi là yếu tố làm mất mỹ quan những đô thị đang học làm sang.
Những người ở nông thôn (đa số phụ nữ) khi phải đi bán hàng rong thường mang mặc cảm, coi đó là sự suy vi, xuống cấp, chỉ nhẫn nại cam tâm mà làm, mơ ước qua cơn bĩ cực đến thời thái lai. Chắc chắn họ có những khó khăn khách quan và tâm lý này là một trở ngại lớn.
Nỗi cơ cực nghề nào cũng có, dưới những hình thức khác nhau. Mặc cảm “nhà quê, nghèo hèn” có thể dìm người ta cả đời trong nghề bán hàng rong. Những người bán hàng rong thành đạt là người cuối cùng bỏ lại gánh hàng rong trên con đường khởi nghiệp, mang theo vốn liếng tích lũy và những kinh nghiệm bán hàng rong đi tiếp tới những khát vọng xa hơn hoặc mở đường cho con cái họ đi tới những ước mơ lớn hơn.
LÝ LAN
(Trích từ báo Pháp Luật TPHCM, số Xuân Kỷ Sửu 2009)