Ngày này ba mươi năm trước, 17/02/1979 - Có rất nhiều người muốn nói và cũng có rất nhiều người không muốn nói, có kẻ lại không cho người khác nói và có cả những người ngậm miệng muốn quên đi. Riêng tôi, tôi không muốn lên gân vì thực sự những ngày ấy tôi chẳng cầm súng đi bảo vệ biên cương như bao người, vì lúc ấy tôi ở nhà làm công nhân lao động cật lực để hỗ trợ cho chiến trường, do vậy mà tôi chẳng dám suy luận hay xét đoán, chỉ biết nghĩ lại nhớ gì thì nói nấy, nếu không nói thì không khéo thế hệ sau không ai còn nhớ đến những chuyện đau thương này, dù cho cái entry này chẳng phải là chính trị mà chỉ nói về cái tình người, nói về những người ngã xuống vì chúng ta và cho chúng ta.
Cách đây mấy hôm, tôi đọc trong blog của Nhà báo Huy Đức Ôsin, bài tự sự của một người lính trong cuộc chiến cách đây 30 năm, cái câu cuối của bài viết làm tôi ngậm ngùi. Anh viết: "Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi chúng tôi sục sôi tiến về Biên giới, đảo vẫn mất mà đất nước lặng im. Thầy giáo dạy sử ở trường lặng im. Báo chí văn chương lặng im… Tôi không rõ không khí ở trong các phòng họp căng thẳng ra sao. Chỉ biết, nếu ngồi đó, tôi sẽ lạnh lưng khi bên ngoài im lặng. Chỉ có sát cánh với nhân dân mới có thêm sức mạnh, đừng để cho từng chiếc đũa bị tách ra và bẻ gãy từ từ". Phải, để nhân dân có thêm sức mạnh, ngọn đèn phải đưa ra khỏi gầm giường để soi rọi ánh sáng, sự thật phải được phơi bày để mọi người cùng tỏ, cùng sẻ chia, cùng nắm chặt tay nhau như bó đũa còn nguyên. Sức mạnh đó ta có, nhưng sao những ngày này báo chí ta lặng im, như một kẻ vô hồn và rửng mỡ.
Tôi không nói ngoa đâu. Xin hãy vào VNExpress mà xem. Kỷ niệm ba mươi năm ngày đồng bào và chiến sĩ ta ngã xuống từng lớp từng lớp ở Cao Bằng, ở Đồng Đăng, ở Lạng Sơn... thế mà VNExpress chỉ toàn đưa những tin nào là Hoàng Thùy Linh của Nhật ký Vàng Anh bốc lửa trên sân khấu, diễn viên này khoe ngực, diễn viên kia hở mông, ông Tổng thống Mỹ tình tứ với vợ, cậu nhóc 13 tuổi kia làm bố, cách lên giường thế nào cho có hiệu quả, vân vân và vân vân... Đấy, thông tin của chúng ta là thế đấy, đừng trách thế hệ trẻ ngày nay không bạc nhược sao được? Binh lính và dân quân chúng ta hồi ấy chiến đấu cho ai? Họ bảo vệ cho ai trước trận đòn thù của Bá quyền Trung Quốc trước mặt trận biển người? Lịch sử vẫn ghi lại Lý Thường Kiệt phá Tống, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo chiến thắng Nguyên Mông, Lê Lợi chống quân Minh, Quang Trung đánh tan quân Thanh mà ngày nay gò Đống Đa vẫn còn tanh mùi xác giặc. Thế thì hơn ba vạn người chúng ta ngã xuống trong cuộc chiến 16 ngày này, sao chúng ta lại quên nhỉ? Sự khốc liệt nghe kể lại thôi cũng đã là bàng hoàng thế mà báo chí vẫn lặng câm như thóc. Một sự im lặng vô cùng đáng sợ và đáng trách.
Hồi tôi còn là học sinh, một lần nọ tôi đi thăm người thân, lúc đi ngang qua một ngôi chùa nằm ở trong quân trường, tôi thấy xác các binh sĩ được trực thăng mang về xếp từng lớp từng lớp chờ đem đi mai táng, cái rợn người khi ta nhìn thấy gần hai trăm xác người chết khiến tôi nghĩ ai nấy cũng phải rùng mình, cái rùng mình khiến ta ớn lạnh và buồn nôn, thế mà ba mươi năm trước đây, trong 16 ngày mà hơn ba vạn đồng bào và chiến sĩ ta thành người thiên cổ, quân giặc cũng bỏ mạng không kém gì ta, cho dù truyền thông của họ lấp liếm bảo rằng chiến thắng, rằng dạy cho Việt Nam một bài học, bài học đó là hơn ba vạn rưỡi quân Trung Quốc thiệt mạng trong 16 ngày khốc liệt (BBC). Bạn thử tưởng tượng đi, ba vạn người Việt máu đỏ da vàng chúng ta ngã xuống chứ đâu phải ba trăm hay ba nghìn. Người Mỹ sa lầy vào cuộc chiến Việt Nam trong gần 10 năm đã có hơn 58 nghìn người tử trận đã là con số kinh hoàng và nhức nhối, thế mà chỉ trong cuộc chiến 16 ngày ấy, cả hai bên đã đưa con số thương vong lên đến hơn 6 vạn người. Thế mà đến nay, không nghe được một lời chia sẻ, cũng chẳng thấy một lời nhớ ơn. Mới nghĩ thôi mà đã thấy xót.
Thế thì hỡi những người đã ngã xuống, trên biên giới và trên hải đảo xa xôi, trong những khe núi chết người ở Đồng Đăng, Cao Bằng và nhiều nơi khác hoặc bị nghiền nát dưới lòng xe tăng địch. Sự hy sinh của anh chị là vô giá, thời thế hôm nay có thể quên nhưng lịch sử thì không bao giờ quên được. Tổ quốc không bao giờ quên được. Chúng tôi viết lên những dòng này vì hiểu rằng cho dù ai đó không muốn nói, không cho nói hoặc kìm hãm cái tự do tư tưởng nơi mỗi con người, nhưng chúng tôi vẫn viết, có thể chẳng ai xem, có thể chẳng ai biết, nhưng dù sao chúng tôi vẫn viết để khỏi ngượng mồm khi mai này phải dạy con cháu chúng tôi về cái gọi là lòng yêu nước.
đúng là thực sự cháu chẳng biết gì về cuộc chiến 17/2 này cả
Trả lờiXóanhưng nhờ chú nên cháu đã lên google để tìm hiểu về nó theo những lời kể của chính các chiến binh,
tình thế lúc đó rất hỗn loạn nhưng tuyệt nhiên ko có 1 chiến sỉ vn nào tìm cách đào ngũ
rất cám ơn chú