Giáo sư Thomas J. Vallely, giám đốc Chương trình VN, Trường quản lý nhà nước John F. Kennedy (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) là người am hiểu tình hình VN, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Ông vừa có bài phát biểu về vấn đề cải cách giáo dục ĐH VN.
Giáo sư Thomas J. Vallely chỉ ra những nguy cơ trầm trọng mà giáo dục VN đang đối mặt và những ngộ nhận nguy hiểm trong tiến trình đổi mới giáo dục ĐH VN hiện nay.
Qua thống kê các công trình nghiên cứu trên tạp chí khoa học chuyên ngành sẽ thấy bức tranh đáng ngại của giáo dục ĐH. Chỉ so với các quốc gia châu Á, sự tụt hậu của VN cũng đã thể hiện rõ.
Theo nguồn Scientific Citation Index Expanded, tổng cộng số bài trên tạp chí khoa học chuyên ngành của cả hai ĐHQG VN đến thời điểm này chỉ là 52 bài, trong đó của Viện Khoa học và công nghệ VN là 44 bài. Trong khi chỉ riêng ĐHQG Seoul (Hàn Quốc), số bài đăng lên đến 5.060 bài, ĐH Bắc Kinh có hơn 3.200 bài, ĐHQG Singapore (NUS) có 3.598 bài, ĐH Chulalongkon của Thái Lan được 822 bài.
So sánh chỉ số đổi mới thông qua số bằng sáng chế còn thấy “tủi thân” hơn. Trong năm 2006, Hàn Quốc được cấp 102.633 bằng, Trung Quốc có 26.292 bằng. Các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines đều có từ hàng chục đến hàng trăm bằng sáng chế. Nhưng VN lại chẳng có công trình sáng chế nào được cấp bằng vào năm 2006.
Nhận thức rõ yếu kém này, giáo dục ĐH VN thời gian qua đã có quyết tâm đổi mới khá cao. Tuy nhiên, quá trình đó đang mắc phải một số sai lầm. Đầu tiên là việc ngộ nhận rằng chỉ cần sử dụng những tiêu chuẩn VN mà vẫn có thể tạo ra chất lượng ưu tú.
GS Hoàng Tụy đã nhận xét: “Từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, tiêu chuẩn đánh giá một công trình khoa học, một nhà khoa học, một trường ĐH chúng ta đều có tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai...”. Thật ra trên thế giới chẳng hề có một con đường đặc thù nào để đạt chất lượng ưu tú trong giáo dục ĐH. Và các ĐH chất lượng cao ở bất cứ đâu đều tuân theo những nguyên lý then chốt về quản trị tốt. Các ĐHVN phải thật sự phấn đấu đạt chất lượng ưu tú và tự so mình với những ĐH tốt nhất trong khu vực và thế giới.
Quan niệm liên tục tăng thêm nguồn lực vật chất trong cải cách giáo dục ĐH cũng là điều cần xem xét lại. Không thể lấy việc tăng thêm nguồn lực vật chất cho hệ thống hiện hữu làm giải pháp. Dĩ nhiên, đầu tư ở mức cao là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Những nguyên lý then chốt về quản trị tốt, trong đó bao gồm các hệ thống mở và dựa vào trình độ năng lực là tối quan trọng.
Tăng thêm tiền cho hệ thống hiện hữu sẽ không tạo ra kết quả tốt hơn, mà chỉ tưởng thưởng cho sự quản trị yếu kém và làm cho tình trạng này không “xoay chuyển” được. Tuy nhiên, giáo dục ĐH chất lượng cao rất tốn kém. Vì vậy, Nhà nước phải chấp nhận trở thành “nhà tài trợ” chính cho giáo dục ĐH trong thời gian dài tới đây.
Quan điểm này liên quan đến việc kêu gọi các trường ĐH tốt của nước ngoài đến VN. Nhiều người nghĩ VN không cần tài trợ cho các ĐH nước ngoài. Xin khẳng định rằng những ĐH danh tiếng nước ngoài sẽ không đến VN với tư cách của những nhà đầu tư. Họ không tự nhiên mà đến. Chính phủ nước họ cũng không tài trợ cho họ. Sẽ có ý kiến đưa ra trường hợp của RMIT để dẫn chứng rằng các trường nước ngoài có thể hoạt động với tư cách là nhà đầu tư. Tuy nhiên, “mô hình RMIT” nhiều nhất cũng chỉ là một phần nhỏ của giải pháp tổng thể.
Sau khi cân nhắc các yếu tố liên quan đến nguồn lực, chúng ta cần nghiêm túc xem xét quyết tâm cải cách. Hiện đang tồn tại một ngộ nhận nguy hiểm rằng cứ tiến hành cải cách từ từ cũng có thể đem lại những kết quả cần thiết. Quan điểm này sẽ là mối hại lớn cho giáo dục VN. Việc đi đúng hướng mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Tốc độ mới là một yếu tố quan trọng của cải cách giáo dục ở VN.
Chỉ có tăng tốc cho cải cách, giáo dục ĐH mới đòi hỏi sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh này diễn ra giữa các ĐH đang hoạt động và bao gồm cả việc hình thành các ĐH mới. Chính quá trình đó mới thật sự góp phần nâng chất lượng của bản thân từng trường. Việc đánh giá hay xếp hạng các trường ĐH sẽ chẳng có tác dụng nếu như thứ hạng không giúp loại bỏ những trường kém chất lượng và tôn vinh những trường có chất lượng tốt.
Một điều không kém phần quan trọng khác liên quan đến chế độ đãi ngộ (biện pháp khuyến khích) và hệ thống nhân sự. Làm sao để các biện pháp và hệ thống đó tương thích với sự ưu tú? Nhìn từ góc độ tổ chức, hiện nay các ĐH ở VN và đội ngũ lãnh đạo được “thưởng” ngay cả khi thất bại. Khi tiến hành đánh giá, những tiêu chuẩn quốc tế không được sử dụng. Điều đó liên quan đến việc phân bổ tài trợ, ngân sách... Bất hợp lý này tồn tại khá lâu và tạo ra sự trì trệ trong nội bộ của từng trường cũng như cả hệ thống.
Vì vậy, không cách làm nào khách quan hơn việc các ĐH phải được đánh giá dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế. Công tác phân bổ tài trợ, ngân sách phải dựa vào kết quả hoạt động của trường. Các nhà khoa học và học giả đang làm việc ở nước ngoài phải được khuyến khích quay về. Đối với đa số, chỉ kêu gọi lòng yêu nước thôi thì chưa đủ. Điều này có nghĩa phải giải quyết nghịch lý lương/thu nhập và tạo điều kiện làm việc tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế.
Để khắc phục những ngộ nhận ấy, nhất thiết phải có một hệ thống giải pháp thực tế. Và việc đầu tiên cần kiên quyết thực hiện là đoạn tuyệt ngay với hệ thống quản trị ĐH hiện tại, cho phép các ĐH ở VN có quyền tự trị. Bên cạnh đó, phải ưu tiên cải thiện chất lượng lãnh đạo của các ĐH. Lãnh đạo của các ĐH phải chịu trách nhiệm giải trình đối với kết quả hoạt động của trường. Điều quan trọng không kém là khuyến khích cạnh tranh. Cơ quan lãnh đạo không nên áp đặt trước những trường sẽ chiếm lĩnh vai trò đỉnh cao trong hệ thống.
Đồng thời, Nhà nước cũng nên cho thành lập một số ĐH mới để tạo áp lực cạnh tranh đối với các trường hiện tại. Nên tài trợ cho các ĐH danh tiếng nước ngoài có tham gia vào nỗ lực này. Cần nhận thức rõ rằng nguy cơ lớn nhất của tương lai giáo dục ĐHVN không xuất phát từ sự thay đổi mà từ sự thất bại do không muốn thay đổi.
HÙNG THUẬT ghi (trích từ Báo Tuổi Trẻ)
sinh vien Viet Nam tuot hau la do NGOAI NGU! tang cuong hay thay doi? mo rong them hay nang cao chat luong? khong? su ho tro giao duc hien nay, nha nuoc da phat huy vai tro chu dao cua minh. Lieu chung ta nen ap dung ngoai ngu nhieu hon trong truong Dai Hoc,chang han neu 1 truong Dai Hoc day hoan toan bang Tieng Anh,(khong the nao co duoc noi chi den phat trien), do la cach tot nhat de bat nhip duoc voi su gia tang vu bao cua the gioi tri thuc ngay nay. Vang, tro ngai lon cua chung ta la con xem nhe vai tro ngon ngu trong su phat trien cua dat nuoc va su nghien cuu phat trien khoa hoc. Sinh vien la vien ngoc quoc gia, ngoc duoc mai thi tu no se toa sang chu khong can phai chieu roi gi them, ngoc dat dat o dau? trong cat?
Trả lờiXóa