Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Chuyên gia vơ đũa

(copy từ blog của Cường NBTD)

ongnhom Trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 2/6 năm 2009 có đăng bài của Bà Ngô Ngọc Ngũ Long viết về thế giới Blog. Xin trích một đoạn chính có nói đến hơn 2 triệu blogger Việt như sau:

Nhưng đó cũng là một thế giới ảo mà không ai cần biết mặt ai, không cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, không phải đi theo một trật tự xã hội đã định cho mỗi công dân… Dưới cái nickname, mỗi con người thật của xã hội bỗng trở thành những bóng ma, và vì nó chỉ là bóng ma nên người ta cảm thấy mình có quyền không chịu trách nhiệm bất cứ phát ngôn nào của chính mình, và được hành xử tự do đi theo chất “con” hơn là chất “người”, mặc cho nó tự do phát triển một cách khoái cảm vì được nói văng vít mà luật pháp khó có thể cấm cản.

Người ta ước tính hiện nay có hơn 2 triệu blog cá nhân đang hoạt động tích cực trên thế giới ảo, chỉ mới 3 năm gần đây, nhưng nó đã trở thành một vấn nạn làm đau đầu các cơ quan chức trách. Bước đầu tiên của các blog là những trang nhật ký cá nhân, là những ưu tư, suy nghĩ cần sự sẻ chia… Tâm trạng ấy là dễ hiểu trong thời đại thông tin bùng nổ này, sau những giờ làm việc căng thẳng, về với trang blog của riêng mình, về với thế giới của những người bạn thật và cả những người chưa từng quen biết… chính là nơi chốn để những người trẻ giảm stress… Đó là chưa kể phần lớn trong thế giới học trò, blog còn mode, là thời thượng, ai không có blog sẽ bị coi là lạc hậu. Đó là lý do số lượng blog cá nhân tăng lên đến chóng mặt...

Nhưng vấn đề chính ở đây là một mặt trận đã ngay tức khắc được mở ra dựa vào thời cơ này: Bất kỳ ai cũng có quyền lên blog xuyên tạc sự thật, thách thức trắng trợn cơ quan luật pháp nhà nước mà khó có bức tường nào ngăn nổi (!!). Và từ đó vô số những blog cá nhân với những nickname V.A, T.K, C.W.N, T.D.K, B.L, S.O.H, L.M.P, T.H, T.V.N, T.G.L, C.D.W, B.L cùng một hệ thống nhất quán đã đồng loạt lên tiếng với một chủ trương rõ ràng không hề giấu giếm.

Tùy theo mức độ công khai hay ảo mà có từng mức độ chống phá khác nhau. Nhưng tựu trung cũng cùng mục tiêu: phủ nhận những giá trị lịch sử, truyền thống, kích động giới trẻ phản kháng chế độ. Và ta cũng không ngạc nhiên khi tuy chỉ là một trang blog cá nhân như V.A lại được tôn vinh , cổ vũ trên trang Sanfrancisco Chronicle với tựa đề rất kêu “Bloggers, những dòng máu anh hùng mới ở Việt Nam” với khẳng định: Với hệ thống Internet không dây, đường truyền tốc độ cao có sẵn tại các tiệm cà phê và các trường đại học trên Việt Nam, các blogger đang ngày càng thách thức hệ thống kiểm duyệt và Đảng Cộng sản cầm quyền” và công khai ca ngợi những kẻ chống đối “Họ nổi tiếng nhờ những quan điểm chống đối chính quyền và họ đưa lên mạng những sự kiện không hề xuất hiện trong hệ thống truyền thông của giới trẻ”.

Chưa hết, một trang web nước ngoài đã dựa vào bài viết Diễn biến hòa bình (Peaceful evolution angst) của nhà báo Roger Cohen bằng một kết luận rõ ràng: “Họ (Nhà nước Việt Nam) không sợ cuộc cách mạng long trời lở đất mà sợ sự xâm nhập, mưa dầm thấm đất của nền dân chủ tự do… Chính những hoạt động này có nguy cơ phá hàng rào đỏ của Đảng và thậm chí vào tế bào của hàng ngũ cán bộ…”.

Tưởng không gì rõ ràng hơn nữa. Và rõ ràng nhất là cuộc chiến ấy đang từng ngày từng giờ đánh vào tâm não của gần 20 triệu người ngồi trước máy tính mà trong đó đa phần là giới trẻ... Nhưng tư tưởng giới trẻ hiện nay ra sao vẫn còn là một tảng băng chìm, còn cái trước mắt có thể nhìn thấy rõ nhất đó chính là sự suy thoái biến chất của một số văn nghệ sĩ mà nước ngoài đang tung hô mạnh mẽ tôn vinh họ như là một anh hùng của thời đại…

Đọc xong bài báo, có thể nói là tôi hết sức sửng sốt, kinh ngạc về nhận thức của một BTV có hạng của một tờ báo lớn mà tôi đã từng cộng tác, đã từng yêu mến. Gần đây tôi vẫn theo dõi từng bước đi của SGGP và vui mừng nhận thấy SGGP ngày càng tiến bộ, ngày càng phong phú, xông sáo và đang dần trở thành tờ “báo vùng” của Nam bộ chứ không phải là tờ báo địa phương nữa. Ấn bản SGGP thứ bảy rất sắc nét, sâu ,dễ đọc , đáng quan tâm như tờ Tuổi trẻ chủ nhật của báo TT.Góp phần rất nhiều cho tiến trình đi lên của đất nước ta.

Nhưng, với việc đăng bài báo nói trên của bà Ngô Ngọc Ngũ Long thì tôi hết sức thất vọng.

Tôi mất một đêm để suy xét thật thấu đáo trước khi viết mấy dòng này.

Tôi đặt ra hai giả định.

Một là: đây chỉ là một bài báo bình thường.

Hai là: đây là chức phận tham gia quản lý xã hội trên mặt trận Văn hóa, Tư tưởng.

Tôi kết luận: dù là vế thứ nhất hay giả định thứ hai đều hỏng bét. Không ổn.

Xin có vài lời phần trần ngắn gọn:

Về khía cạnh báo chí : Theo tôi được biết , chỉ nói tại bầu trời Blog Việt thôi, hiện có mặt hàng ngàn nhà hoạt động xã hội (Khoảng gần 300 Tiến sỹ, giáo sư) , đại biểu Quốc hội, Chính trị gia, các chuyên gia Tài chính, Sử học,Khoa học, các nhà báo chân chính, khả kính ( Hà Thạch Hãn, Thu Trang, Lam Điền , Trí Thưc , Trần Bá Phùng, Bố cu Hưng , Đỗ Xuân Bình , Phan Tú v.v…và cả một số nhà báo của báo SGGP, một số nhà văn lớn của VN ) Trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo kể cả tư cách công dân và tư thế ngoài đời đều ở bậc Ngô Ngọc Ngũ Long phải ngước nhìn nhưng Bà dúm tất cả vào một rọ, cho là ma quái, cho là rẻ rúng và có khả năng trở thành phản động hết thảy , bà cho rằng “bất kỳ ai” cũng có quyền xuyên tạc sự thật, chống phá chế độ thì xin Bái phục lá gan hùm của bà !.

Về vấn đề này nếu phân tích dài rộng ra thì phiền lòng người đọc và phải gõ mỏi tay nhưng chỉ từng ấy, đã thấy hành vi vơ đũa cả nắm, ăn nói hàm hồ, trịch thượng vô lối của Bà NNNL đến chừng nào.

Về khía cạnh thứ hai:

Nếu bà được phân công làm đề tài này , làm theo chức phận để tham gia “gìn giữ” mặt trận văn hoá tư tưởng thì bà là một công chức tồi và không hoàn thành nhiệm vụ, vết ẩu, lười tư duy.

Tôi đồng ý với bà rằng: trên bấu trời blog không ít vấn đề cần điều chỉnh, nhưng để có một bài viết đạt hiệu quả mong muốn, để bạn đọc lưu ý và tránh xa những biểu hiện tiêu cực thì phải dụng công lắm, không thể viết theo lối cắm đầu vào bổ báng cho đã những gì mình không ưa và “trăm dâu đổ tất vào đầu…blog” được.

Ví như , là một cây bút báo lớn mà bà “không biết tư tưởng giới trẻ hiện nay ra sao”, còn là “Một tảng băng chìm” thì có thể nói, hình như bà thuộc diện…tiêu cực !.Bà không hề biết rằng, trên nền tảng blog, ngoài các em chơi blog cho vui, có bao nhiêu em dùng blog như một công cụ hữu dụng để học tập, để trao đổi, để làm từ thiện, để rèn giũa kỹ năng CNTT….Với NNNL, tất cả bị cùm vào một rọ tất, em nào cũng ảnh hưởng “diễn biến hòa bình”, em nào cũng cần cảnh giác tuốt !.

Theo tôi biết, nhiều Quốc gia, nhiều danh nhân ( trong đó có Tổng thống Mỹ đương nhiệm) đã dùng chính Blog làm những công cụ hữu ích thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Ở ta, không hiếm những trang Blog như vậy, blog @ ThayPhuong , một nhà giáo của tp HCM là một ví dụ.

Về phương điện giải trí, việc mỗi công dân sau khi đi làm về, vào phòng kết nối với bầu bạn bằng Blog xem ra dễ chịu hơn phải kéo ghế coi những bộ phim dài vài chục tập ,tiêu tốn hết nhiều tỷ đồng mà phải để sẵn cái bô ở gần để phòng nôn ói hoặc nghe những tràng âm thanh xối xả, nhanh như cướp quảng cáo những sản phẩm mà chỉ sau vài tháng người ta đủ biết nó là vô dụng!

Để chống “Diễn biến hoà bình” ( chữ dùng theo cách nói trong bài) chỉ có một cách: đoàn kết, nhất trí, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập hòa bình, dân chủ và giàu mạnh như tiêu chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra vào những năm 60 thì mọi thế lực, mọi trở lực sẽ tan biến chứ chống kiểu bà NNNL thì còn khuya mới hết!.

Blog là một môi trường rất đặc biệt. Nhìn thì nó vô thiên vô địa ( như bà NNN.Long đã nhìn) nhưng nó chịu sự kiểm soát gắt gao của công luận. Sự cọ sát, phản biện rất gay gắt và hiệu quả của các Blogger khác.

Nếu anh cực đoan, anh thiên lệch hay dốt nát mà to mồm ,rộng tiếng sẽ bị phang ngay. Kể cả trường hợp không bị chỉ danh chỉ diện thì sẽ bị miễn tiếp và xa lánh . Hiệu ứng này là dấu chỉ đóng vào chất lượng của mỗi blogger mà cả làng biết và kiểm chứng được, khác hẳn bên báo chí, viết cứ viết, ai đọc thì đọc, đúng sai khó nhận được phản ứng tức thì của dư luận.

Từ đặc điểm này, cũng không nên quá lo (thành ra mất khôn) về những tuyên truyền trái tuyến, trái tai. Tại đây, mỗi Blogger có quyền đọc, có quyền phân định, minh định và có đủ phương tiện trợ giúp để xác tín một vấn đề nào đó chứ không phải hai triệu blogger là hai triệu đứa trẻ nít ai cho củ khoai luộc rồi nói gì nó cũng nghe cả, không nên nhầm lẫn như vậy.

Trang Blog 360 yahoo sắp đóng cửa nhưng ba chục trang khác đang mở ra. Việc mỗi công dân có một trang blog riêng, xét về tổng quan là một nhân tố tuyệt vời góp rất nhiều công vào thúc đẩy những tiến triển cho xã hội . Là nhà quản lý xã hội có 02 việc để làm: Một là học hỏi, rút đúc những gì tinh tú nhất trên nền trời blog. Hai là tìm hiểu sâu, nắm bắt kỹ, làm việc nghiêm túc để nhận biết và hoá giải những biểu hiện độc hại của nó chứ không chống kiểu bà Ngô Ngọc Ngũ Long.

Nguyễn Huy Cường

1 nhận xét:

  1. Xin cái mail gửi vào cuongnbtd@yahoo.com để thi thoảng có chuyện vui buồn gọi đàn cho vui.
    Thân mến

    Trả lờiXóa

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.