Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Người Việt chỉ dùng trí thông minh vào chiến lược tầm thấp?


Trần Thị Trường (Nhà văn)

Những thành phần ưu tú của xã hội chưa được chọn lựa đúng giá trị làm cho các chuẩn giá trị bị đảo lộn cũng là một nguyên nhân làm cho con người không phát huy tối đa hiệu quả sự thông minh vốn có của mình.

Người Việt có thông minh!

Còn nhớ những năm 80, tôi đang ở Sofia, những người Bulgari hay những người ngoại quốc sống ở đó bảo với tôi rằng, 1 người Do Thái thông minh bằng mười người châu Âu, nhưng 10 người Do Thái cũng chỉ bằng 1 người Việt Nam.

Cũng có người cho rằng đó là câu nói giễu cợt, cắt nghĩa sự ma lanh của người Việt trong các mánh lới buôn bán. Điều đó có nhưng không hoàn toàn.

Tôi đã thấy những ánh mắt khâm phục rõ ràng đối với các thợ hàn bậc cao của Việt Nam. Người Âu không thể hàn các mối hàn đứng (trong công nghệ hàn tàu thuỷ), cũng không thể xây tường đơn (chỉ có các viên gạch một -10 cm- chồng lên nhau, nối bởi các mạch vữa) mà không cần khuôn. Thợ xây người Âu xây tường nhà luôn có chiếc khuôn làm cữ, đặt vữa và viên gạch vào khuôn, rồi chờ một lát cho đủ kết dính, nhấc khuôn ra mới đặt viên khác. Hầu hết những thợ xây tay nghề cao của Việt Nam đều được ngưỡng mộ và được trả giá công cao khi người Âu thuê làm nhà.

Và tôi cũng đã nghe thấy sự trầm trồ của nhiều người trước những thợ thêu Việt Nam, thêu hai mặt như nhau những bức tranh lụa hết sức tinh tế và sinh động. Trong khi người Âu, muốn thêu phải có những tấm vải dệt sợi vuông, họa tiết chỉ được thêu bằng những đường kim mũi chỉ dựa trên những ô vuông nho nhỏ đó thôi.

Chưa kể đến người Việt học tiếng của nước sở tại, hay tiếng Anh đều nhanh hơn người các nước khác học tiếng Việt, hoặc tiếng Anh v.v...
Nếu ngần ấy chưa đủ để nói rằng người Việt là thông minh, là chẳng kém bất cứ sắc dân nào trên thế giới thì có thể kể thêm những ví dụ khác:

Năm 2004 đội tuyển Robocon FXR của Việt Nam đã đoạt chức vô địch châu Á tại Seoul. Tại cuộc thi đó, các bạn sinh viên của trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đã xử trí thông minh, khéo léo, vượt các đối thủ cực kỳ khó chơi như: Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... để đoạt chức vô địch robocon năm ấy.

Ngược thời gian, chúng ta gặp lại Đặng Thái Sơn với giải nhất cuộc thi piano quốc tế Fréderic Chopin 10.1980. Ông là nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải kỳ thi dương cầm nổi tiếng quốc tế. Năm 1999, ông là nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Fréderic Chopin.

Từng là giám khảo trong nhiều cuộc thi âm nhạc, nhưng Đặng Thái Sơn cũng chính là người Á Đông đầu tiên được chọn vào ban giám khảo Concours Chopin năm 2005.

Những bài trình diễn của ông thường là những bài nhạc dương cầm của Fréderic Chopin, hay là của những nhạc sĩ trường phái lãng mạn và ấn tượng, cũng như những bài nhạc hoà tấu dương cầm của hầu như tất cả những nhà soạn nhạc nổi tiếng ( Beethoven, Chopin, Schumann, Grieg, Mozart, Rachmaninov ...).

Ngoài Đặng Thái Sơn có thể kể đến những nghệ sĩ thành danh ở nước ngoài như: Pianist Nguyễn Bích Trà, anh em nhà Nguyễn Hữu Khôi Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam violinist,v.v.

Trong giới chính khách hay khoa học có những người như Philipp Roesler, sinh tại Sóc Trăng, được nuôi dưỡng và lớn lên ở Đức, giờ 36 tuổi, là Bộ trưởng Y tế Đức. Có những người như GS Ngô Bảo Châu, người trẻ nhất mang hàm giáo sư, hiện đang ở tuổi 36 được thế giới toán học bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu nhất (năm 2009), người đã thành công trong nghiên cứu công trình " Bổ đề cơ bản" Langland. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng học toán ở nước ngoài và hiện đang sống và làm việc ở Mỹ. Hay GSTS Đặng Lương Mô, nhà khoa học Việt nổi tiếng tại Nhật Bản về lĩnh vực vi mạch, sinh tại Hải Phòng, tốt nghiệp tiến sĩ tại Nhật năm 1968, tới nay có hơn 300 công trình nghiên cứu, có 10 bằng  phát minh sáng chế, là viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học New York từ 1992...

Một ví dụ tươi mới nhất đó là Alexandra Huỳnh, cô gái gốc Việt 17 tuổi, học từ bé ở trường Mỹ tốt nghiệp cử nhân. Tháng 10 tới sẽ lên đường đến ĐH Harvard để theo học bậc tiến sĩ về miễn dịch học.

Khó có thể kể hết ở đây những người Việt mà khả năng học tập, làm việc đã làm tên tuổi của họ được cả thế giới biết đến. Đó là những người Việt, mang dòng máu Việt và khả năng của họ khiến cho ta không còn nghi ngờ, không còn phải đặt ra câu hỏi người Việt ta có thông minh không.

Nhưng...

Chữ nhưng ở đây có nghĩa là, nếu người Việt thật sự thông minh như thế nhưng hiệu quả thực tế mà sự thông minh ấy đem lại là gì?

Trước hết có thể phải khảo sát đến hai từ "số phận". Số phận là hiện diện những chi phối nằm ngoài các quyết định chủ quan của con người (của cộng đồng hay quốc gia).

Những ví dụ kể trên cho thấy những con người thành đạt thường nằm ở ngoài biên giới nước Việt. Có nghĩa là họ thụ hưởng một môi trường sống khác với số đông đang sống trong nước. Cái môi trường đó bao gồm không gian sống được thiết lập ngăn nắp, sạch sẽ, phóng khoáng từ nhiều năm đến nay. Bao gồm các điều kiện xã hội xung quanh khá lý tưởng, được thiết kế bởi những con người có ý thức cao. Và tất nhiên còn nhiều điều khác nữa...

Những người Việt trong nước cũng thông minh như thế, cũng cần cù và giàu hoài bão như thế nhưng môi trường sống hiện tại của họ là một không gian đang phát triển (một không gian được tái lập sau những năm tháng chiến tranh) với muôn vàn ngổn ngang (chưa kể là phải đối diện thường trực với những yếu tố chưa hợp lý).

Không gian ngổn ngang, điều kiện xã hội cũng tương tự, những tinh hoa, tinh tế được tinh tuyển từ truyền thống cũng bị gián đoạn trong chiến tranh, khôi phục lại và phát triển lên không phải là chuyện dễ, một sớm một chiều. Thiếu tinh hoa, tinh tuyển, tinh tế thì trật tự xã hội khó ở mức ổn định, tất nhiên xuất hiện cảm giác bất an ở diện rộng. Chính cảm giác này làm nảy sinh tâm lý bon chen, giành giật, co cụm, xo xúi. Và từ đó, tầm nhìn bị hạn chế, khiến hành động sai lệch. Từ sai lệch nhỏ, dẫn đến sai lệch lớn.

Hệ quả là Việt Nam có số lượng không nhỏ hộ gia đình thu nhập dưới ngưỡng nghèo đói của Ngân hàng Thế giới (2 USD/ngày).

Ngoài ra còn nguyên nhân khác là sự chênh lệch đời sống giữa các khu vực (vấn đề công bằng xã hội) khiến cho con người trở nên bất mãn, tư duy hoặc trở nên trì trệ hoặc tê liệt sức sáng tạo.
Người phương Tây có câu: "Giá trị của định chế không phụ thuộc vào định chế nhưng phụ thuộc vào người áp dụng định chế đó". Hay nói cách khác, "giá trị của một tổ chức không phụ thuộc vào học thuyết mà tổ chức ấy theo đuổi nhưng phụ thuộc vào hệ thống người quản lý hệ thống ấy". Những thành phần ưu tú của xã hội chưa được chọn lựa đúng giá trị làm cho các chuẩn giá trị bị đảo lộn cũng là một nguyên nhân làm cho con người không phát huy tối đa hiệu quả sự thông minh vốn có của mình.

Đã 35 năm đất nước Việt Nam liền một dải, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng từ lâu, cùng khoảng thời gian ấy, Đức và Nhật Bản sau Thế chiến thứ II đã giàu lên nhanh chóng. Hay Hàn Quốc, sau chiến tranh Triều Tiên khoảng năm 1953, đến thập niên 80 đã trở thành một nước công nghiệp đáng nể mà thế giới cũng thường nhắc đến như một hiện tượng.

Còn Việt Nam? Phải chăng là vì bên cạnh các điểm yếu đã nêu ở trên còn một điều nữa là sự tự tin và niềm tin vào người khác của mỗi người Việt còn quá mỏng? Mỗi người chỉ sử dụng trí thông minh của mình vào một chiến lược ở tầm thấp và trong phạm vi hẹp nên hậu quả là sự thông minh ấy dường như, nói một cách thậm xưng, chỉ là giẫm đạp lên nhau? Người này tìm cách kéo người kia thấp xuống và chính mình cũng không phát huy được?

(Copy từ Vietnamnet)

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Cánh buồm đã mở


TT - Tin về nhóm nhà giáo Cánh buồm biên soạn và ra mắt bộ sách giáo khoa mới thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người đang trăn trở với sự nghiệp giáo dục VN. Đặc biệt quan tâm vì nhiều lẽ.

Ý tưởng lớn của nhóm muốn biến triết lý “đi học là hạnh phúc” từ khẩu hiệu lâu nay thành hiện thực. “Đi học là hạnh phúc” từ lâu đã là tâm nguyện của những ai đi học và mong được học suốt đời, là mơ ước của các bậc cha mẹ ngày ngày phải giúp con học một cách nhọc nhằn, phải đưa đón con “chạy sô” học thêm mệt lả.

Nếu biến khẩu hiệu “đi học là hạnh phúc” thành hiện thực cho tuyệt đại đa số học sinh tiểu học cả nước để các cháu cảm nhận trên thực tế hạnh phúc lớn lao của việc học thì đó sẽ là sự đóng góp vô giá cho giáo dục VN đang hướng đến xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời. Ngày nay dốt vì không có điều kiện đi học đã không còn là trở ngại không thể vượt qua đối với tuyệt đại đa số trẻ em nước ta. Dốt vì chán học, vì thấy học là việc vô bổ, là việc khổ sai mới là nguyên nhân rất phổ biến khiến trẻ em bỏ học, khiến người lớn ngại học nâng cao hiểu biết của mình.

Ý tưởng của nhóm “học gắn với hành”, với hiện tượng quan sát được và cách thức giải quyết vấn đề trong thực tế tuy không mới nhưng lâu nay chưa được thực thi hữu hiệu khiến học sinh không biết cách tự phát hiện vấn đề, tự đề ra bài toán từ cuộc sống mà chỉ biết nói giỏi kiểu thuộc lòng, kể cả nói đạo đức giỏi để rồi không làm vì không biết cách làm hay hờ hững vì không muốn làm.

Cũng cần ghi nhận lòng nhiệt thành, sự tin tưởng của cha mẹ học sinh cho con theo học chương trình Cánh buồm là làn gió thổi cho cánh buồm tiến lên. Tấm lòng này vô cùng đáng trân trọng nhưng phải được nuôi dưỡng, củng cố bằng cơ chế - đó là một trường thực nghiệm mà nhóm đang cần. Giai đoạn đầu mới “giong buồm” thì còn được nhưng lâu dài đã “ra khơi” rồi thì không thể. Nhà nước phải làm “bà đỡ” trong việc này.

Nhóm cũng có ý tưởng thay đổi cấu trúc và mục tiêu từng bậc học, từ 5 + 4 + 3 + đại học(?) hiện nay thành 8 + (2+2) + (học nghề/ đại học). Ở lớp 1 khi mới bắt đầu vào học thì sự tương đồng của chương trình Cánh buồm và chương trình của bộ hiện nay về mục tiêu cụ thể là rất lớn: biết đọc, biết viết, biết làm toán, biết cư xử. Khác nhau chăng là phương pháp.

Song càng lên lớp trên thì sự khác biệt về mục tiêu từng lớp, từng cấp sẽ càng rõ rệt và đến một lúc nào đó, học sinh sẽ không thể chuyển từ một chương trình này qua một chương trình khác. Khi đó, chương trình chính thống dù có khuyết nhược điểm gì cũng cứ chiếm ưu thế, chương trình Cánh buồm dù có ưu điểm gì cũng bị thất thế và rất có thể bị “chết một cách anh hùng”.

Rõ ràng, trước yêu cầu bức thiết của xã hội muốn giáo dục phải đổi mới, phải cải cách sâu rộng thì việc thống nhất cấu trúc, mục tiêu của chương trình học, đề ra một chương trình chuẩn cho mỗi bậc học là việc chỉ có thể do Nhà nước làm, mà phải làm sớm. Có những thứ đó rồi thì sách giáo khoa, số năm của từng bậc học, phương pháp dạy... có thể đua nở.

Cuối cùng, nghiên cứu và triển khai một dự án lớn tầm cỡ chiến lược này mà chưa có một sự ủng hộ, tài trợ nào là điều khiến người ngoài cuộc phải ray rứt mà đặt câu hỏi: Vì sao chỉ cần nghiên cứu một dự án về một công trình nào đó (khai mỏ, xây dựng một công trình cầu đường hay công trình “phi vật thể”...) là nhóm nghiên cứu dự án đã có thể được “duyệt” nhiều nghìn tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn từ Nhà nước hay nguồn khác, trong khi dự án này lại bị bỏ quên như vậy?

Dự án của nhóm Cánh buồm là một dự án khoa học nghiêm túc do những nhà sư phạm tâm huyết và đầy lòng tự trọng thực hiện, hơn nữa là dự án nghiên cứu và triển khai về giáo dục con người, mức ảnh hưởng tốt xấu nếu có, còn lớn lao và lâu dài hơn mọi đường sắt cao tốc nên rất xứng đáng nhận được sự quan tâm cụ thể của Bộ GD-ĐT và Chính phủ.

TS HỒ THIỆU HÙNG

(trích từ Tuoitreonline)

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Nhân tài là ... "hành khất" cao cấp


gsnbchau Một sự kiện mới đây làm phấn chấn cả xã hội vốn nhiều bức xúc về giáo dục: GS Ngô Bảo Châu (người được dự đoán sẽ đoạt giải thưởng Fields trong toán học- tương tự giải Nobel trong khoa học) vừa về nước.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm GS Châu tại nhà. Từ năm 2000, GS Châu thường xuyên về VN làm việc, tham gia giảng dạy cho khoảng 100 SV học toán, đào tạo thạc sĩ toán trình độ quốc tế ở các trường ĐH trong nước.

Hoan nghênh những đóng góp đáng kể, thường xuyên của GS Châu, Phó TT cho biết, CP muốn tặng GS Châu một căn hộ, để GS có thể thuận tiện hơn khi về nước làm việc. Phó TT cũng thông báo, một doanh nghiệp lớn, muốn tặng GS Châu một biệt thự tại khu du lịch Tuần Châu, Quảng Ninh.

Còn ông Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học cũng cho biết, "Viện Toán học cũng đã "phá lệ" khi trả cho anh Châu mức cao nhất mỗi khi anh về VN làm việc, tức là bậc lương cao nhất của GS là 8.0, nhân với hệ số. Như vậy một tháng cao nhất là 5 triệu, không bằng tiền một ngày làm việc ở nước ngoài. Vì tâm huyết với đất nước, anh Châu tự bỏ tiền túi về VN làm việc và nhận đồng lương như thế".

Sau những thông tin mới khá hấp dẫn, thì cái thực tế trần trụi của lĩnh vực chuyên môn, ở đây là Viện Toán, khiến không ít người như bước hụt.

Nhưng không ai trách Viện Toán, vì đó là thực tế chung của đất nước ta, dù phũ phàng. Phũ phàng như khi người ta chợt liên hệ đến chính sách mới ban hành của Bộ Tài Chính: Bộ trưởng đi công tác, nghỉ lưu trú khách sạn, được tính 2,5 triệu/ngày. Có nghĩa là chỉ 2 ngày công cán của Bộ trưởng, bằng cả tháng làm việc miệt mài của GS Ngô Bảo Châu, người có công trình toán nổi tiếng đang được tiên đoán đoạt giải thưởng Fields danh giá.

Có lẽ vì thế, câu nói của ông Lê Tuấn Hoa cũng rất thật: "Khả năng về nước làm việc 100% là khó, vì điều này không tốt cho bản thân GS Ngô Bảo Châu. Tháng 10 tới, GS Châu sẽ chuyển sang ĐH Chicago làm việc. Ngoài điều kiện về lương bổng, ở đó, anh còn có môi trường là những đồng nghiệp giỏi để cùng làm việc".

Vì sao mà trở về quê hương, đất nước để làm việc lại là "không tốt", như câu nói của ông Lê Tuấn Hoa?

Câu hỏi xót xa này, lại được một người nước ngoài trả lời hộ khá chính xác. Đó là bà Jessica Lua, quản lý nhân sự của Towers Watson, tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn VNR500 vừa tổ chức mới đây, khẳng định: "Chế độ lương thưởng, đừng nghĩ đó là cách duy nhất để giữ chân nhân viên...Ngoài lương, còn phải tạo môi trường tốt cho các nhân sự giỏi có độ "tự do" nhất định...Bản thân chúng ta, các lãnh đạo...cũng phải thay đổi tư duy về việc sử dụng nhân sự này".

Phải, không chỉ cần đồng lương trả xứng đáng cho chất xám, mà nhân tài, người tài còn cần điều kiện làm việc, và môi trường làm việc có những đồng nghiệp giỏi, cùng đó, tư duy người quản lý phải thật sự mềm dẻo, biết tôn trọng cá tính, tư tưởng sáng tạo của nhân tài...Nhưng tất cả những thứ đó, đặc biệt môi trường làm việc và cơ chế quản lý hiện nay của chúng ta đều rất thiếu.

Không chỉ GS Ngô Bảo Châu, một nhân tài khác là Đặng Thái Sơn. Đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tháng 10 năm 1980 ở Warszawa (Ba Lan), lúc mới 22 tuổi. Được phong NSND lúc mới 26 tuổi, da dẻ còn hồng hào, thư sinh, cho đến giờ, râu rậm rạp, gương mặt vẻ phôi pha, NSND Đặng Thái Sơn vẫn lang thang khắp thế giới biểu diễn để kiếm tiền. Cho dù những nơi ông biểu diễn là những phòng hòa nhạc danh giá và nổi tiếng như Lincoln Center (New York), Jordan Hall (Boston), Barbican Centre (London), Salle Pleyel (Paris), Herkulessaal (München), Musikverein (Wien), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House Sydney (Sydney) và Suntory Hall (Tokyo)...

Bởi nếu về nước, ông sẽ sống ra sao? Cho dù, dân ta rất ngưỡng mộ ông, yêu quý ông, tự hào về ông, nhưng nếu ông sống lâu dài ở VN thì sao? Tài năng ông sẽ mòn mỏi đi. Tinh thần ông sẽ mệt mỏi đi. Và thân xác ông chắc sẽ  già đi nhanh chóng vì rất nhiều những điều ...vớ vẩn phi âm nhạc sẽ làm hao tổn thần kinh ông. Trong khi đó, môi trường làm việc và những điều kiện cho dòng âm nhạc mà ông đã dấn thân lại rất thiếu. Và thiếu cả...người biết thưởng thức.

Chả thế, có một nhà báo đã đùa rằng, nếu tin ở số tử vi, thì NSND Đặng Thái Sơn, GS Ngô Bảo Châu và rất nhiều trí thức tài năng người Việt khác đang lang thang khắp thế giới, có số... "hành khất". Khác chăng họ là "hành khất" cao cấp (!)

Xin lỗi NSND Đặng Thái Sơn, GS Ngô Bảo Châu, vì đó chỉ là câu nói đùa, nhưng câu nói đùa này lại ám chỉ chính xác số phận những người tài trong cái rộng dài của trời đất và nhân loại, hóa ra nhiều khi một chỗ trú chân lại hơi bị khó. Và điều đó, cũng chua chát biết bao.

Đó còn chưa kể tâm lý định kiến của không ít nhà quản lý lo sợ, e ngại những người tài, những tài năng gốc Việt khi trở về? Kiểu như "Chưa chấp nhận Việt kiều về nước làm công chức" (VNN 21/7/2010)

Với một tư duy còn chật hẹp hơn cả chỗ trú chân như thế, thì đất nước này, lẫn không ít nhân tài đất Việt còn "lênh đênh". Đất nước vẫn phải chịu phận nghèo, chậm phát triển, và nhân tài còn phải chịu kiếp nạn... "hành khất".

Kỳ Duyên
(copy từ Vietnamnet – Phát ngôn & Hành động)

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Phát ngôn và hành động


(Bài copy từ Vietnamnet)
Một tuần đã trôi qua với những phát ngôn đáng xếp vào diện bất hủ và những hành động ấn tượng qua lăng kính của nhà báo Trực Ngôn.

"Tôi yên tâm"... nhưng "nhân dân tôi" không yên tâm

Cho đến bây giờ, dự án xây dựng đường sắt cao tốc vẫn chưa làm cho nhiều đại biểu QH tâm phục, khẩu phục. Theo kết quả lấy ý kiến các đại biểu QH về vấn đề này thì chỉ có khoảng 1/3 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự án do Chính phủ đề xuất cho dù Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột gỗ lim: "Tôi yên tâm".

Xin thưa lại với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng rằng: không ai nghi ngờ quyết tâm của ông trong việc xây dựng đường sắt cao tốc. Nhưng với số tiền đầu tư cho dự án quá khổng lồ và hiệu quả kinh tế của dự án này lại cho đến nay vẫn chưa rõ ràng thì đúng là "tôi yên tâm" mà dân thì không yên tâm tí nào.

Khát vọng về tương lai của đất nước của những nhà lãnh đạo đất nước là vô cùng quan trọng. Nếu những nhà lãnh đạo không có khát vọng thì đất nước làm sao mà "bay" lên được. Nhưng khát vọng phải dựa trên hiện thực mang tính khoa học cao nếu không khát vọng sẽ trở thành ảo vọng.

Để bảo vệ luận thuyết "Tôi không lo", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có đề cập đến một số lý do trong đó có 2 lý do được dư luận xã hội liên tục nhắc đến. Nhưng cả 2 lý do này lại làm dân... lo. Có lẽ dân chưa hiểu hết hay chưa hiểu đúng ý của Phó Thủ tướng chăng (?)

Lý do thứ nhất: Phó Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc". Cho đến bây giờ, người dân nghĩ nát óc vẫn chưa tìm ra luận chứng để thấy không thể không làm đường sắt cao tốc. Không thể không làm nghĩa là không có con đường nào khác hoặc không làm là chết. Cũng như người ta thường nói không thể không ăn, không thể không uống, không thể không thở chứ không ai nói không thể không ở nhà 5 tầng.

Nhân dân thực sự muốn được nghe những người có trách nhiệm, đặc biệt là Phó Thủ tướng nói cho dân một cách rành rõ vì sao nước ta không thể không làm đường sắt cao tốc. Và nếu không làm đường sắt cao tốc thì Việt Nam sẽ phải đứng trước những nguy cơ gì?

Lý do thứ hai: Theo báo VNN, Phó Thủ tướng đưa ra lý do "phải làm" đường sắt cao tốc "vì không có nước nào có diện tích dài như Việt Nam". Thưa Phó Thủ tướng, nếu nói như Phó Thủ tướng thì phải hiểu cho đúng là Việt Nam là nước có chiều dài dài nhất so với tất cả các nước trên thế giới. Theo tìm hiểu của tôi thì đây là thông tin hoàn toàn sai. Nhưng chuyện sai này không hề quan trọng một tí nào vì Phó Thủ tướng chứ đâu phải giáo viên dạy địa lý. Điều quan trọng nhất là: cứ cho Việt Nam là một trong những nước có chiều dài dài nhất thế giới đi chăng nữa thì có bắt buộc phải làm đường sắt cao tốc không? Không ít nước có chiều dài hơn Việt Nam nhưng không có đường cao tốc.

Còn một điều nữa người dân không dám khẳng định nhưng cứ thấy mơ hồ mặc dù ai cũng mong cuộc sống của mình sẽ đến ngày như thế. Đó là việc ông dự tính đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người là 20.000 USD/ năm (khoảng gần 1.700 đôla/tháng = 32.300.000 đồng). Theo dự tính của các nhà nghiên cứu xã hội thì 40 năm nữa (năm 2050 ), tỉ lệ nông dân ở nước ta có thể chỉ chiếm khoảng 60 phần trăm. Thu nhập đầu người ở nông thôn Việt Nam hiện nay khoảng 600.000 đồng/tháng (khoảng 30 đô la).

Năm 2050, dự tính thu nhập bình quân đầu người là 1.700 đôla (32.300.000 đồng) đồng/tháng thì cứ cho là nông dân sẽ thu nhập khoảng 700 đôla (13.000.000 đồng). Vậy làm thế nào để những người nông dân tăng thu nhập của họ từ 600.000 đồng lên cứ cho là 13.000.000 đồng khi mà đất canh tác của nông dân mỗi ngày một thu hẹp. Và chúng ta không thấy một dấu hiệu nào khả quan về một cuộc Cách mạng xanh với sự đổi thay phương tiện sản xuất và tư duy sản xuất nông nghiệp. Hay phép tính thu nhập bình quân này chứa đựng bên trong sự chênh lệch giàu nghèo đến khủng khiếp? Ví dụ một bên có tài khoản hàng chục triệu đôla và một bên chỉ có mấy bồ thóc, mươi con gà, mươi con vịt và một hai con lợn?

Xin thưa, đây cũng chỉ là những tư duy đơn giản nhưng chứa đựng sự "không hề yên tâm" của người dân mà thôi. Chúng ta hãy cùng nhau làm cho người dân được thực sự yên tâm. Vì đó chính là sứ mệnh của những người có trách nhiệm với đất nước. Và hơn nữa, với sự tin tưởng vào Chính phủ, cái gì dân chưa hiểu thì dân hỏi cho dù chưa chắc người dân đã được trả lời thấu đáo.

Có một mỏ vàng nhân tạo lớn nhất ở Việt Nam

Ba Vì, một nơi cách đây mươi năm chỉ là chốn "sơn lâm thăm thẳm" trong ký ức của những người Hà Nội. Nhưng đến một ngày, khi người dân thức dậy, họ thấy một thứ ánh sáng chói loà hắt lên từ những mảnh vườn lơ thơ mấy luống rau muống, rau dền, từ những khu đất nhiều đá sỏi với cây dại, từ những ngôi nhà nghèo nàn mà chủ nhân muốn rời bỏ để đến thành phố lập nghiệp làm ăn...

Ánh sáng gì vậy? Cuối cùng người ta phát hiện đó là ánh sáng do vàng lá, vàng miếng... hắt lên. Mỏ vàng lớn chăng? Đúng. Nhưng không phải mỏ vàng thiên nhiên mà mỏ vàng nhân tạo. Đấy chính là giá đất ở Ba Vì.

Ôi, mọi chuyện ở trên đời này đều có thể và chẳng ai lường trước được. Nghe nói có người dân đã bán rẻ như bèo hàng nghìn mét đất trước khi Ba Vì được "vàng hóa" (xin lỗi không phải là hóa vàng) giờ tiếc của quá mà sinh ốm nặng. Lại nghe nói có người đã bán đất trước kia giờ tiếc quá đâm lẩn thẩn. Thế là đêm về lẻn đến mảnh đất xưa của mình bốc trộm mấy cục đất bỏ vào túi mang về nhà giấu kín vì bị ảo giác nên nhìn đất sỏi lại thấy đó là những cục vàng lấp lánh.

Ba Vì sẽ trở thành Trung tâm hành chính quốc gia. Đó có phải là một tin đồn không? Không. Người dân tin đó là một dự án có thật vì Chính phủ, Quốc hội, các chuyên gia, các phương tiện truyền thông đã và đang bàn luận rầm rộ từ lâu nay. Thế nhưng ngày 15/6, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định trước Quốc hội là không có chuyện dời đô lên Ba Vì.

Bộ trưởng Bộ xây dựng tất nhiên là thành viên của Chính phủ mà lại là thành viên vô cùng quan trọng vì phụ trách việc xây dựng đã khẳng định như thế. Không có chuyện đó sao lại bàn luận công khai và bàn luận một cách nghiêm trọng như thế? Vậy đây là cái gì và vì sao lại thế?

Những người dân kém cỏi và ít năng lực như Trực Ngôn đây đang rơi vào một "trận đồ bát quái" của thông tin mà chẳng biết thực hư thế nào. Đã có những đại biểu QH nói vì nhiều cán bộ có đất ở đó nên tạo ra "tin đồn" này để nâng giá đất (phát biểu của ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội  Luật gia VN). Than ôi! Chẳng lẽ những người làm ra "tin đồn" kia lại có thể "lừa được" cả Quốc hội à? Có thể qua mặt được người phụ trách toàn bộ việc xây dựng của đất nước à?

Người dân như tôi không dám bàn đến những điều lớn lao hay bàn đến chuyện tâm linh hay phong thủy nếu xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia tại đó. Người dân chỉ hoang mang chạy vòng quanh như gà mắc tóc hay như một người loạn thị vì thấy người có trách nhiệm này bảo có, người có trách nhiệm kia bảo không... chẳng biết đâu mà lần.

Rồi lại trục Thăng Long nữa chứ. Có quá nhiều chuyện mà tôi không thể nào kể hết ra đây. Tôi chỉ muốn nói đến một việc thôi. Đó là việc tôi chưa bao giờ nghe nói đến một cái đường rộng mà chúng ta gọi với một thuật ngữ cao siêu là TRỤC lại có thể kết nối vùng (hoặc nền) văn hóa này với vùng (nền) văn hóa khác. Và tôi xin lỗi được nói rằng: tôi sẵn sàng tiếp chuyện những ai có quan niệm về sự kết nối các vùng văn hoá như vậy.

Đấy là tôi chưa nói đến việc "đô thị hóa" một cách sai lệch chính là thuốc độc bảng A giết chết những vùng (nền) văn hóa. Trên thực tế, chúng ta đã và đang giết chết nhiều vùng văn hóa bằng những cuộc "xâm lược" thô bạo của nhiều dự án. Tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu QH Vũ Hồng Anh khi ông khẳng định: "Trước nay trên thế giới không nước nào và không ai chỉ bằng một trục đường thẳng mà có thể kết nối văn hóa giữa các vùng miền".

Quan niệm một con đường hay một cái TRỤC lại có chức năng kết nối các vùng văn hóa là một quan niệm hoàn toàn sai lầm và không hiểu một chút gì về bản chất văn hoá. Nếu cứ làm một cái TRỤC mà kết nối được những điều như thế thì có vấn đề gì mà người Việt Nam chưa làm được thì cứ làm một con đường hay một cái TRỤC là xong. Như thế, chúng ta sẽ có TRỤC kết nối Nhà nước với nhân dân, kết nối người giàu có với người nghèo để san sẻ cho nhau, môi trường sạch và môi trường nhiễm độc, kết nối Vedan với dân cư hai bờ sông Thị Vải, kết nối các nước cùng biên giới để hoá giải những bất đồng, kết nối...

Thông điệp của một Bộ trưởng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc đồng bào đu dây qua sông Pôkô là "một sáng tạo không ai ngờ tới".

Tôi rất tiếc không được trực tiếp nghe câu trả lời này của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng để xem biểu cảm trên gương mặt của ông khi nói câu này. Bởi với suy nghĩ của tôi và của rất nhiều người dân thì khi nói câu đó gương mặt của Bộ trưởng là một gương mặt dày vò, xót xa.  Bởi với vị trí và trách nhiệm của ông, ông không thể nào yên lòng khi để những đứa trẻ tuổi con cháu ông phải đu trên một cái ròng rọc qua sông đi học mà bất cứ lúc nào cái dây kia cũng có thể đứt.

Đây không phải là sự sáng tạo. Đây là sự cùng cực. Chỉ riêng việc người ta chi phí cho việc đào đường lên lấp đường xuống và vô vàn cái vô lý trong xây dựng đã thừa tiền để xây dựng cả trăm chiếc cầu bắc qua sông như sông Pôkô. Nếu việc túm vào dây ròng rọc để "bay" qua sông là "một sáng tạo không ai ngờ tới" thì Việt Nam là một đất nước ngập tràn những sáng tạo không ngờ tới. Đó là sáng tạo leo qua dải phân cách để sang đường, sáng tạo những cái thuyền quái gở để đi trên phố của thủ đô mênh mông nước ngập chỉ sau một cơn mưa , sáng tạo xây những ngôi nhà siêu mỏng, sáng tạo chôn ảnh kỷ niệm, chôn báo chí, chôn cả điện thoại di động của nước người xuống đất trong thời gian là 1000 năm để các hậu duệ của chúng ta kỷ niệm... 2000 năm Thăng Long cho thêm nhiều ý nghĩa.

Nhiều người dân đã phản ứng câu nói này của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Nhưng tôi xin làm luật sư bào chữa cho ông. Bởi tôi tin, một đồng chí bộ trưởng nói câu đó chắc phải có thông điệp sâu sắc. Vậy thông điệp ấy là gì? Tôi xin tạm dịch là: Thưa Quốc hội, việc những đứa trẻ phải đu trên dây qua sông đến trường mà chúng có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào và có thể bị cướp đi tính mạng trong lúc chúng ta đang bàn đến đường sắt cao tốc và trục Thăng Long của 50 năm sau là một câu chuyện đau lòng không ngờ...

Sau khi nghe tôi dịch nội dung bản thông điệp của câu nói ấy, con trai tôi cười khanh khách nói: "Bố dịch khá đấy, 9,5... 9,5 và 9,5". Nhưng trước khi đợi Nhà nước xây chiếc cầu không đáng bao nhiêu tiền nhưng lại vô giá về lòng nhân ái, yêu thương thì báo chí đã kêu gọi các nhà hảo tâm nhanh chóng xây chiếc cầu đó. Bởi cứ thủ tục giấy tờ... v.v... thì những đứa trẻ đu dây kia có lẽ quên mất thói quen đi trên mặt đất và trở thành những Tarzan vùng sông Pôkô.

Những cuộc "di tản" trong bóng tối

Đã có một thời, người dân gọi Sở điện là Sở "điên nặng" (đánh vần tiếng Việt: đờ iên điên nặng điện). Cho dù đấy là cách nói hài hước nhưng cũng cho thấy tình trạng của ngành điện Việt Nam.

Theo sơ đồ của ngành điện thì 20 năm nữa vẫn còn thiếu điện. Một trong những nguyên nhân mà người có trách nhiệm liên quan giải thích là vì chúng ta vẫn dùng thiết bị lạc hậu hao tổn năng lượng và vì người dân vẫn chưa biết tiết kiệm điện.

Có người có trách nhiệm lại đổ tại trời. Chắc là vì trời ít mưa và ông trời không biết điều phối có kế hoạch các cơn mưa của mình chăng. Tôi đã từng ở Pakistan nhiều ngày. Đó là một đất nước khô cằn đến mức người dân ở đó nói có thể đổi mạng người lấy một cái cây xanh. Nhưng người dân ở đó cũng chưa bao giờ rơi vào "thảm kịch" cắt điện như ở Việt Nam.

Những lý do này có tác động đến hao tổn điện nhưng chỉ là một trong những lý do rất phụ mà thôi. Theo một số nhà nghiên cứu thì Việt Nam là nước cắt điện nhiều nhất ở khu vực châu Á. Nó cho thấy năng lực của ngành điện quả có vấn đề gì đó rất "nặng".

Mấy ngày nay, Hà Nội nóng kinh khủng. Cùng với sự tấn công của thiên nhiên là cuộc tấn công "từng phần" nhưng dai dẳng của ngành điện. Nghĩa là điện cứ cắt từng buổi sáng, từng buổi chiều, từng buổi tối và từng đêm ở nơi này và nơi kia.  Cùng với cái nóng khủng khiếp đó là lúc những fan hâm mộ bóng đá đang "điên lên" vì World Cup.

Chính vì thế mà những đêm này ở Hà Nội, người ta bắt đầu thấy những cuộc "di tản" trong bóng tối. Đó là cuộc "di tản" từ nhà mình đến các nhà nghỉ. Nhà nghỉ, trong con mắt của những người theo chủ nghĩa đạo đức học chỉ là nơi giành cho những đôi tình nhân và những kẻ ngoại tình. Thế nhưng bây giờ họ thấy xuất hiện cả trẻ con và các ông bà già cũng "âm thầm" đến đó để chạy trốn những cơn nóng đến "nhão óc" và để thoả mãn cơn ghiền bóng đá. Nhiều nhà nghỉ trong khu vực họ cũng mất điện nhưng các nhà nghỉ này đã rút kinh nghiệm từ nhiều năm nay nên đã chuẩn bị máy phát điện chạy dầu, chạy xăng.

Một trong những nguyên nhân cắt điện quá nhiều trong dịp này là người ta làm lại hệ thống điện gì gì đó cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Lẽ ra, mọi việc "làm mới" cho Hà Nội phải được kết thúc cơ bản vào cuối năm 2009. Chứ bây giờ đã là giữa tháng 6 rồi mà bộ mặt thành phố vẫn chưa đâu vào đâu. Thế là để lấy thành tích người ta sẽ làm vội làm vàng, bôi bôi trát trát, đào bới lung tung, điện đóm mịt mùng. Hơn nữa, những người phụ trách ngành điện thừa biết tháng 6 là tháng World Cup đến nỗi có Bộ trưởng phát biểu ở QH là trả lời ngắn vì để xem khai mạc World Cup cơ mà.

Vậy người dân rất cần điện trong những ngày này. Tôi có người quen ở gần Ba La, Hà Đông nói rằng từ lúc khai mạc World Cup đến giờ gần như không được xem ở nhà mình vì cắt điện mà phải vào nhà nghỉ đèn đỏ đèn xanh ảo mờ để... xem World Cup.

Những người có trách nhiệm ngành điện giải thích việc cắt điện là do ưu tiên phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nghe thật lạ lùng phải không các vị. Lẽ ra bây giờ, người dân thủ đô phải được hưởng những gì đó trong cái năm vô cùng đặc biệt mà có lẽ 1000 năm mới có thì họ lại đang phải đương đầu với bao mệt mỏi như đường xá đào lấp, vỉa hè bới tung, điện cắt liên tục, bụi bặm mịt mù...

Người dân sẽ phải chịu đựng cho đến một đêm nào đó chợt thấy trống đánh vang, pháo hoa bắn lên trời... mới biết Đại lễ 1000 năm Thăng Long đã đến. Nhiều người già thở dốc vì nóng tới 40 độC mà không có điện bỗng ao ước: "Giá mà họ để đến 2000 năm làm Đại lễ thì sướng biết bao".

Một văn bản cổ xưa vừa tìm thấy

Với 2.400 chữ của ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với tựa đề "Bốn năm giáo dục qua các con số", năm người bạn tôi đều là giáo viên ở các cấp từ PTTH đến Đại học đều cười và nói: "Bài viết này giống một bản báo cáo thành tích cách đây nhiều năm của ngành giáo dục". Còn tôi, tôi gọi đó là "văn bản cổ xưa vừa tìm thấy trong... máy vi tính".

Những gì ngành giáo dục đã làm thiết nghĩ nhiều người đều biết cả, đặc biệt những người công tác trong ngành giáo dục. Tôi không hiểu ông Thứ trưởng kia viết bài báo này và gửi bài báo này để in lên báo làm gì???

Có quá nhiều vấn đề trong bài báo này cần phải được bàn đến nơi đến chốn. Nhưng tôi chỉ nói qua một hai điều mà thôi. Ông Thứ trưởng viết rằng các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt. Xin thưa ông Thứ trưởng, có thể số lượng giáo viên vi phạm đạo đức bị ngành giáo dục phát hiện ít hơn trước kia. Nhưng mức độ vi phạm đạo đức thì kinh hoàng mà tôi không muốn kê khai những vụ việc ấy ra nữa.

Trong bản báo cáo của một Thứ trưởng về nền giáo dục đang bị xã hội lên tiếng như những hồi chuông báo động gấp mà ông lại nói về mấy em đi thi không bị tai nạn xe máy, xe đạp. Vấn đề đi xe máy, xe đạp có va chạm hay bị tai nạn cho dù có em học sinh đã mất đi mạng sống thì cũng không thuộc về những yếu tố cơ bản của một nền giáo dục mà Nhà nước và nhân dân đang đau đầu tìm cách giải quyết.

Ông viết: "Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" có sức lan toả mạnh mẽ, đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về cảnh quang trường lớp, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc".

Đoạn báo cáo trên quá cũ, quá sáo mòn mà chúng ta đã phải nghe lâu lắm rồi. Trường học đang ngày càng mất đi bản chất "mái trường thân yêu" của nó và học sinh càng ngày càng trở nên tự do một cách bất cần. Tôi nói những lời lẽ này với ông cho dù nặng nề thế nào thì ông vẫn là Thứ trưởng và tôi vẫn là dân thường. Nhưng chúng ta không còn cách nào là phải nhìn vào sự thật.

Ông đưa cả mấy buổi truyền hình trực tiếp coi như thành tích trong 4 năm qua của ngành giáo dục thì những phụ huynh như tôi không biết nói gì nữa đây. Một trong những hoạt động tốn phí tiền của và nhiều phù phiếm là các buổi truyền hình trực tiếp cho dù không phải là tất cả các buổi truyền hình trực tiếp. Nhưng đối với ngành giáo dục thì có đến triệu buổi truyền hình trực tiếp cũng chẳng có ý nghĩa gì về bản chất của nó.

Quả thực, một trong những hội chứng thời công nghệ hiện đại ở nước ta là "hội chứng truyền hình trực tiếp". Liệu ông có thể bớt một buổi truyền hình trực tiếp để làm một cái cầu tre thôi cho những học sinh thân yêu của ông ở Pôkô không phải đu ròng rọc như "khỉ đu dây" qua sông đi học không?

Ông viết: 61/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tôi cam đoan với ông rằng: ngay cả những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới cũng không dám tuyên bố gần 100% hệ thống giáo dục THCS của họ đạt CHUẨN. Hay ở Việt Nam, CHUẨN của chúng ta khác CHUẨN của họ? Thay mặt bạn đọc, xin ông viết cho một bài có thể là 10 kỳ cũng không sao để nói rõ chúng ta đã đạt CHUẨN như thế nào.

Rồi những hội thảo, những bài báo hay là lượng truy cập của Báo điện tử của ngành giáo dục mà ông đưa ra trong bài viết như thành tích của nền giáo dục quả thật làm các phu huynh buồn quá, thất vọng quá. Nó chẳng nói lên điều gì về bản chất của bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới. Đó chỉ là những hoạt động phụ trợ không hẳn cần thiết cho một nền giáo dục yếu kém như nền giáo dục chúng ta. Vì Bộ GD-ĐT không phải là đơn vị tổ chức sự kiện (hội thảo) hay là một tờ báo cần phải tăng lượng hit.

Không, không... tôi sẽ không tiếp tục nói nữa. Bởi nếu nói tiếp tôi sẽ bị rơi vào tình trạng rối loạn bởi những con số trong bài viết của ông. Nếu thấy cần thiết, chúng ta sẽ tổ chức diễn đàn bàn luận về những con số đó. Có không ít các giáo sư danh tiếng và đông đảo những người quan tâm đến nền giáo dục chúng ta sẵn sàng luận bàn về những con số này.

Bất công hay vô cảm

Có một sự kiện đáng lẽ truyền thông phải nói đến rất nhiều thì nó chỉ được thể hiện như một mẩu tin ngắn và đầy vô cảm trên một tờ báo trong nước. Đó là sự kiện một lái xe taxi tìm cách trả lại một chiếc túi của hành khách bỏ quên trên xe của anh có đựng số tiền gần 500 triệu đồng.
Số tiền ấy đối với tôi là quá lớn và đối với một người lái taxi thì là một số tiền khổng lồ. Người lái taxi đó tên là Đoàn Thanh Xuân, 24 tuổi, thuộc Công ty Dịch vận tải Cửu Long Petrol Gas JSC. Người lái taxi có một ngàn linh một cách để giữ số tiền ấy. Nhưng anh đã tự nguyện mang trả lại. Hành động của anh làm lòng tôi run lên vì xúc động trong lúc cái nắng đang đổ xuống với nhiệt độ 40 độ C.

Cái tin đó đưa lên và ngay sau đó nó bị nhấn chìm trong những mối quan tâm sôi sùng sục của xã hội về giá vàng, giá đất, giá chứng khoán, giá căn hộ cao cấp... Cái tin đó giống như một phép thử về nhân cách sống của một xã hội. Một triết gia đã viết: "Một con người chỉ biết săn lùng vật chất để hưởng thụ chẳng khác gì một con vật lùng kiếm thức ăn. Chỉ khi con người kiếm tìm những ý nghĩa nhân văn thì con người mới bắt đầu tách ra khỏi đời sống của hoang thú". Đấy là chân lý.

Chúng ta đã từng chứng kiến hành động nhân văn của bà Tim nuôi chim và ông Ái nhặt đinh, rồi người chèo bè ở Thác Bản Giốc và bây giờ đến anh Xuân trả lại gần 500 triệu đồng. Tôi đã nói nhiều lần và bây giờ nói lại là hàng tuần tôi cùng các đồng nghiệp luôn luôn có ý thức tìm kiếm những hành động nhân cách như của những con người nói trên mà khó như xuống biển tìm chim, lên trời tìm cá vậy.

Nhưng cho dù xã hội có lúc tao loạn, trắng đen lẫn lộn thì những con người sống nhân cách vẫn còn. Nếu không thì thế giới loài người đã bị diệt vong lâu rồi. Nhưng tại sao chủ yếu những người có nhân cách lại là những người ngèo khổ. Lẽ ra những người ngèo khổ thì dễ sinh lòng tham. 500 triệu đồng đối với một người lao động bình thường quả là một số tiền thường là cả đời họ cũng không tích cóp đủ.

Nhưng thực tế dù công khai hay che đậy vẫn cho chúng ta thấy có quá nhiều những kẻ luôn luôn rao giảng về nhân cách nhưng trong lòng lại chứa đựng sự tham lam vô độ. Tiền bao nhiêu cũng không làm lòng họ bớt điên cuồng vì tiền. Họ sẵn sàng vứt đi lợi ích của nhiều người để cho lợi ích cá nhân họ.

Nhưng điều đắng cay và thất vọng hơn cả là những hành động nhân văn bây giờ đã và đang trở thành một thứ phù phiếm trong xã hội mang tên con người.

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Làm sao để dân lên tiếng?


raisinghand Có nhiều dẫn chứng trong lịch sử cho thấy khi mà các nhà cầm quyền xa dân - thường là khi họ đặt quyền lợi của phe nhóm mình lên trên đám đông "trăm họ", bỏ ngoài tai những những lời góp ý ngay thẳng nhiều khi là nghịch nhĩ thì hầu như chắc chắn rằng vận nước đang suy và xã hội khó tránh khỏi những cuộc khủng hoảng sâu sắc.

Ví như triều nhà Hồ ngay cả khi đã đưa ra những cải cách tiến bộ mang dáng dấp canh tân nhưng chỉ vì thiếu sự ủng hộ của bách tính nên rốt cuộc vẫn thảm bại trước sự xâm lăng của những thế lực phương Bắc bạo tàn.

Bài học về lòng dân tưởng như đã trở thành kinh điển và mang tính sống còn đối với mọi chế độ nhưng nhiều khi trước ma lực của Quyền và Tiền vẫn bị người ta ngang nhiên phớt lờ đi nếu xã hội thiếu những thiết chế cụ thể để người dân thực sự được cất lên tiếng nói.

Một trong những thiết chế cơ bản để người dân được "mở mồm nói" tức là thực hiện quyền dân chủ như Bác Hồ diễn đạt một cách nôm na đã được đề ra ngay trong bản Hiến pháp 1946, đó là quyền phúc quyết của nhân dân trước những vấn đề trọng đại. Trong những bản Hiến pháp năm 1959 (điều 53) ,1980 (điều 100) và 1992 gần đây nhất (điều 53, 84) đều có đề cập đến việc trưng cầu dân ý, nhưng trên thực tế cho đến hôm nay sau 64 năm chúng ta vẫn chưa có Luật trưng cầu dân ý và những cơ chế cụ thể để thực hiện  luật có tính nền tảng của nền dân chủ nhân dân này.
Những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như mở rộng Thủ đô, đưa trung tâm hành chính Quốc gia lên chân núi Ba Vì hay những "siêu dự án" như xây đường sắt siêu tốc Bắc- Nam v.v... có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của quần chúng nhân dân là những người mà cả con, cháu của họ sẽ nhiều năm phải đóng thuế để trả nợ nước ngoài, thiết nghĩ nên để nhân dân phúc quyết.

Ngày nay trong kỷ nguyên thông tin bùng nổ để người dân góp ý có trách nhiệm với xã hội đòi hỏi họ phải được tiếp cận nhiều thông tin đa chiều, đa dạng và có chất lượng, nhưng xã hội chúng ta còn rất e ngại trước những thông tin có khi chỉ là bình thường nhưng vẫn có thể bị một số cơ quan hoặc cá nhân tùy tiện "liệt " vào diện "nhạy cảm" hay "mật" và ngược lại những thông tin thực sự mật lại bị dò gỉ một cách vô lối. Chung quy chỉ vì chúng ta chưa có Luật về tiếp cận thông tin.

Khi chấp nhận cơ chế thị trường thì điều không tránh khỏi là sẽ hình thành những nhóm lợi  ích khác nhau và những mâu thuẫn quyền lợi giữa chủ  và thợ . Người lao động bị quỵt lương, ép làm thêm giờ, nông dân bị quan tham nhiều địa phương bớt xén tiền đền bù giải tỏa , cư dân bị những chủ đầu tư kiểu " Vedan" bắt hứng chịu thảm họa ô nhiễm môi trường v.v ...

Những bức xúc đó trong xã hội cần được dư luận và các nhà lãnh đạo biết để kịp thời có biện pháp giải tỏa nhằm giữ được sự phát triển hài hòa và bền vững. Thiết nghĩ đã đến lúc cần có Luật về biểu tình để người dân thể hiện ra một cách có trật tự và văn hóa những bức xúc của mình.

Những luật nêu trên đã được các cơ quan có trọng trách dầy công nghiên cứu và đã hình thành nên nhiều phương án dự thảo. Hơn bao giờ hết, nhân dân rất mong rằng sẽ không có tình trạng "quy hoạch treo hay dự thảo treo" đối với những  luật hết sức quan trọng này để chúng sớm được Quốc hội đưa ra thảo luận và thông qua góp phần thiết thực vào công cuộc Đổi mới đang diễn ra từng ngày, từng giờ.

Nếu sớm làm được điều đó thì bản lĩnh của các nhà lãnh đạo sẽ được tỏa sáng và lòng tin của nhân dân càng được củng cố vì mọi người khi đó thấy rằng đã có thiết chế xã hội bảo vệ và khuyến khích họ bày tỏ ý kiến một cách xây dựng.

Đối với chúng ta, đó thực sự sẽ là một bước phát triển về chất.

Tác giả: T.S Phạm Gia Minh (copy từ Vietnamnet)

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Xét duyệt


adam Nhà văn: Trình ngài Tổng biên tập, cuốn tiểu thuyết của tôi gởi nay đã ba năm rồi, sao không thấy ngài thông báo hay alô gì cho tôi biết xem nó sống chết thế nào, in ấn ra sao, để tôi còn liệu mà đi mua gạo chịu, vợ con ở nhà nằm xếp lớp đói rã họng ra rồi, cổ người nào người nấy dài như cổ cò, vì cứ trông ngóng không biết lúc nào truyện của bố mới được in để kiếm chút cháo...

Biên tập: Ngồi xuống đây đã đi bố ơi! Bố có biết đây là Nhà xuất bản gì không? Đây là Nhà Xuất Bản Hội Chợ Văn, do đó văn chương lung tung cần phải thẩm định và xét lên xét xuống thì mới duyệt in được chứ! Đây là Hội... Chợ chứ đâu phải cái chợ?! Bố tưởng dễ duyệt cho in lắm à?

Nhà văn: Nhưng thưa ngài, sao truyện Ổ Khóa của cái cô diễn viên rung chuông là cởi Trần Thị Nở kia mấy ngài duyệt mau vậy? Ký rẹt rẹt là ra sách ào ào liền.

Biên tập: Ơ... Cái bác này, truyện văn chương người ta mang tính nhân bản, tính người, có con người ở trỏng, nên in là phải rồi. Còn truyện Cái Chìa Khóa của bác, toàn là lóc liếc, chúng tôi phải xem xét lại chớ!

Nhà văn: Ngài nói vậy chứ truyện tôi cũng có tính người vậy! Tôi còn... khuyến mãi thêm một số côn trùng ở trỏng nữa, nào là bướm, là kiến, là chuồn, là ve sầu, sâu róm đủ cả... Thế mà sao các ngài vẫn chưa chịu duyệt.

Biên tập: Truyện của người ta còn có yếu tố sex để... giáo dục... giới tính.

Nhà văn: Vậy là ngài chưa xem kỹ truyện của tôi rồi, Tôi cũng có xếch xiếc đầy đủ cả đó chứ, giáo dục thì thuộc hàng thượng thừa rồi, cuốn Ổ Khóa của Trần Thị Nở ba xu thì cuốn Chiếc Chìa Khóa của tôi cũng được hai xu rưỡi vậy.

Biên tập: Nhưng sex người ta có kèm hình ảnh hấp dẫn mê ly của chính tác giả, có vậy mới hấp dẫn người đọc, mới dễ phát hành, mới dễ bán, để dễ dàng đưa văn hóa tiên tiến thâm nhập cộng đồng.

Nhà văn: Tôi cũng đã biết chuyện đó nên chỉ cần các ngài duyệt là tôi đính kèm bộ ảnh này vào liền, đảm bảo hấp dẫn không kém Trần Thị Nở! Đây, ngài xem đi, tôi có mang theo đủ một bộ 36 ảnh.

Biên tập: Hình của bố đấy à? Đừng nhé!

Nhà văn: Làm gì có chuyện đó! hình xếch xiếc đàng hoàng đây nè! Ngài xem đi! Sanh mười hai lượt rồi nhưng vẫn còn tốt chán, có thua Trần Thị Nở tí nào đâu.

Biên tập: Ờ... ờ coi cũng được đấy chớ...! Số phôn của... người mẫu này là bao nhiêu vậy nhỉ?

Nhà văn: Đi thẳng vào vấn đề đi ngài biên tập. Phôn phiếc gì...?

Biên tập: Nhưng người trong hình này không phải tác giả, cần phải có giấy ủy quyền và bản quyền.

Nhà văn: Bản quyền còn ai khác ngoài tôi? Hình này là của mụ vợ nhà tôi mà! Mụ ấy trung trinh một đời với tôi, mười hai đứa con ai mà chẳng biết? Bộ ngài tưởng dễ có người như thế lắm chắc? Mụ ấy không hy sinh cho tôi thì hy sinh cho ai? Khoản bản quyền đó thì OK ngay, nhằm nhò gì.

Biên tập: Thôi được rồi, tôi sẽ duyệt cho anh, nhưng còn một điều kiện cuối cùng nữa?

Nhà văn: Điều gì, ngài nói đi? Cỡ nào tôi cũng chơi hết á!

Biên tập: Bố thấy người ta ra mắt sách đình đám ở khách sạn năm sao kia chưa? Phải như vậy mới quảng cáo cho cuốn sách và Nhà xuất bản chúng tôi, có vậy mới xứng đáng là sách của Nhà xuất bản chúng tôi đứng ra cấp tác quyền.

Nhà văn: Nghĩa là... nghĩa là phải đầy đủ như tặng hoa, ôm hôn và ăn mặc theo kiểu nhà văn Trần Thị Nở hôm đó?

Biên tập: Đúng vậy. Phải thế mới có ép-phê chứ.

Nhà văn: Vậy à? Thế thì thôi, con lạy bố biên tập! Con ăn mang kiểu ông Ađam như vậy thì thà ở nhà chịu đói cho cam, lên đứng đó ưỡm ờ nhông nhông ra thế có ngày không có cái quần mà mặc.

Biên tập: Thấy chưa? Tôi biết là bố chưa đáp ứng được mà! Làm sao cấp phép được! Thôi được rồi... Hay là bố đưa cái người trong hình này thay thế tạm đi.

Nhà văn: Thay cái con khỉ? Ông nội không biết mấy cái hình này mần bằng Phô-tô-shốp à...! Đẻ mười hai đứa mà được như vậy thì tôi không thèm viết văn làm chi nữa. Ở đó mà ham, mà xin số phôn! Còn lâu!

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Ngày tháng nào...


saigon2 Mới đó mà nay đã hơn hai tháng xa quê, hai tháng xa hàng cây xanh ngát bên đường trước hiên nhà, xa chùm mận mới trĩu trái hồng và ngọt trước sân, xa khu vườn phía sau rợp bóng mát chân quê, sầu riêng đang mùa ra trái. Mùa này, có lẽ chỉ một mình em ra nhặt mỗi sáng, nhanh chân thì còn, không thì kẻ trộm thanh toán trước, ăn lấy sầu riêng giùm mình, lúc đó ta không còn sầu riêng nữa mà chỉ còn vui chung.

Mới đó mà hơn hai tháng không đi lễ nhà thờ mỗi sáng sớm cùng em, có lẽ thân cò cũng quen giờ thức dậy sớm lặng lẽ đi một mình. Hai tháng chưa đủ ngủ quên giấc sáng, vẫn giật mình lôm côm ngồi dậy mở máy, lúc thì soạn nhạc, lúc thì viết blog bên tách cà phê thơm lừng, thành phố giấc sáng vẫn yên bình không kém gì thôn quê, có lẽ dân tình quen kiểu dậy trễ, đi làm trễ, riêng mình thì cái phút giây sáng sớm ấy thật quý và thật thích, viết lách lung tung xong, nhắn tin cho em vài dòng, một ngày mới đầy tràn niềm vui mới, chiều đi làm về đi lễ nhà thờ bù cho buổi sáng ở quê.

Hai tháng qua rất mau vì công việc cuốn hút, vẫn chạy đều, vẫn xoay chung với cái vòng đời. Từ trên lầu nhìn xuống, hôm nào cũng thấy ông cụ ngồi xe lăn bán vé số, sáng ra ngồi xếp vé, buổi trưa có lẽ ông cụ buồn ngủ quá nên ôm cái túi tiền gục mặt vào bàn vé số ngủ say sưa, có lẽ ai nấy cũng thương ông cụ nên không bị lấy cắp vé. Hai tháng nhìn xuống sân lúc nào cũng thấy chiếc môtô của mình phơi nắng, tại chiếc xe của mình dài quá đưa vào mái thì choán hết lối đi, đành phải để vậy, thử sức với nắng Sài Gòn xem chịu nổi không cho biết.

Hai tháng với hai cô học trò hiền lành chịu khó và ba em khác đang chờ kịch bản, chỉ mong các cháu thành tài thay cho chú, lúc đó chú sẽ không thèm vẽ truyện nữa đâu, xách môtô chở madame đi dọc đường đất nước với cái giá vẽ và cái laptop, hy vọng nơi đó có wifi, cháu có ước mơ, chú cũng có mơ ước, đơn giản thế thôi mà. Hai tháng với nhí nhố họp hành và với những ly cà phê sữa đá ngán ngẩm, với chị biên tập, với anh nhà văn, nhà báo và cả nhà láo, nổ còn hơn đại bác, nhưng muốn nổ cỡ nào cũng được, miễn sao có kịp kịch bản để công việc vẽ trôi chảy là OK thôi.

Hai tháng với cái màn hình lúc nào cũng ở trước mặt, dâm thư hở ngực lưng trần bầu bì tạp nhạp ngày nào cũng đầy dẫy trên cái mặt bằng đáng sợ của văn hóa hôm nay, chuyện tào lao và giả dối nhiều đến chóng mặt, chuyện cần biết thì nói bâng quơ hoặc nín tịt, lại phải mon men ra ngoài để biết thêm đôi điều, giá như cái vốn ngoại ngữ của mình khá một tí thì đỡ quá, nhờ anh Gúgờ dịch thì ảnh cứ thế mà làm, mình cứ thế mà đọc kiểu nào cũng được, nhưng nhờ đó mà cũng biết được lem nhem đôi điều.

Hai tháng với những hoài niệm xót xa đến chạnh lòng trong những ngày nghỉ lễ, chạnh lòng là vì ngày ấy ba mươi lăm năm trước đây, chính mình chứng kiến, có giết được tên đế quốc hay thực dân nào đâu, chỉ thấy người Việt chúng ta giết nhau để giành lấy... vinh quang, một triệu người hể hả trên nước mắt của một triệu người khác ngậm ngùi. Giá như nên quên đi, mở rộng bàn tay hòa hợp hòa giải với nhau để chung tay xây dựng đất nước thì hơn.

Hai tháng với các anh bảo vệ ngày nào cũng dang nắng giữ xe, giữ của, với chị công nhân vệ sinh ham đánh số đề, trúng được một lần nên ngày nào cũng hỏi chú Năm hôm qua mơ thấy gì. Hai tháng với đồng nghiệp vừa nhí nhảnh vừa tào lao, người đang mống chuồn người lại có vợ lẻ, chỉ ăn nói loạn xà bần cho vui thôi chứ rất tình cảm và rất chân thật, họ gọi mình là vị... cha già của phòng chứ không phải của dân tộc đâu. Hai tháng với những ổ gà trên con đường quen thuộc đi làm mỗi sáng, quán bún này, gánh cháo nọ, nhà hàng kia cũng bắt đầu quen dần, nhưng vẫn nhớ bát canh nóng của vợ hơn tất cả, rồi hai tuần lại về, lại nhâm nhi bát canh mình thích bên người yêu thương.

Và hai tháng với công việc bộn bề nên những entry trên blóc ít hơn, còmmen ít hơn, vì chẳng qua ngoài công việc ở văn phòng, chiều tối về nhà còn phải làm thêm một số việc cho khách hàng khác để khỏi bị thúc hối, khỏi bị chửi và cũng có thể kiếm thêm tí tiền còm trả tiền điện, anh con trai mới tặng cho cái máy lạnh thì mình phải lo mà trả tiền điện chứ. Nói thế chứ làm sao mà quên blóc được, vì mỗi ngày đi làm, nhìn anh bảo vệ đứng giữ cửa, nhìn cô em tiếp thị lúc nào cũng đứng bên cửa hàng dược phẩm (chắc là mỏi chân lắm), nhìn chị gánh bán hủ tiếu xào hay hủ tiếu chay gì đó ngày nào cũng nhìn khách qua đường với ánh mắt mời mọc thấy mà tội, nhìn cặp vợ chồng bán mì gõ với hai đứa con vào đại học, nhìn cả gia đình chị bán bánh mì bên kia đường một mẹ và bốn đứa con trai cùng bán, nhìn hoàn cảnh cô học trò có cha sang Mỹ lấy vợ khác bỏ bốn mẹ con ở lại, đứa nào cũng vào đại học, nhìn anh chàng đang bán đồ la dọc đường... và biết bao cái nhìn khác có thể viết hàng trăm entries được, nhưng làm sao có được thời gian, trong lúc nó cứ qua đi trên vai ta lạnh lùng và êm đềm, khi nhìn lại thì đúng như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: đời đã xanh rêu...

Trẻ vẫn cho là tuổi xanh, già cũng thấy màu xanh của rêu, trong tim vẫn là màu xanh của hy vọng, của ước mơ, để sau này không phải thấy những xót xa ray rứt của cuộc đời trên blóc, mà thấy trên đó những điều vui, những nụ cười, cho quên ngày tháng nào đó đang qua đi...

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Mặt trái


mattraivq Hôm nọ anh em bạn ngồi nói chuyện chơi về PR và vinh quang của giới nghệ sĩ mà ta thường bảo là người của công chúng, Tôi thì như Hai Lúa lên thành nên chẳng biết ruột gan thiên hạ ra sao, lá cải sâu rọm thế nào. Thực tình thì ở quê, tôi cũng có Internet, nhưng vì mình không thích ba cái chuyện tung hê bới móc nghệ sĩ nên chẳng thèm quan tâm làm gì. Anh bạn tôi, cũng là một đại gia trong thành phố, nói một câu khá phũ phàng: Em nói anh L không tin vì anh không biết đó thôi, chứ lâu nay giới ông bầu của nghệ sĩ và đại gia vẫn thường nói với nhau câu này - Em muốn nổi lên, thì em phải biết... nằm xuống!

Trời ạ, chẳng lẽ mặt trái của vinh quang chỉ là như thế? Ánh hào quang trở thành... xác thịt bình dân thế thôi sao? Chỉ là chiếm đoạt thể xác nghĩa là xong. Hóa ra là cái vốn tự có của người con gái cũng có giá khá cao ấy nhỉ? Nhưng cái giá ấy sao mà cay quá, sao mà đắng quá. Vốn tự có quý vì biết gìn giữ và coi trọng nên nó quý, chứ nếu xét ra thì lên giường nhà ngói như nhà tranh, chỉ một lần thỏa mãn thì có gì đáng quý đâu. Thế mà quý ông ai nấy cứ coi chuyện chiếm đoạt ấy là điều ắt có và đủ, là chứng tỏ nó phải biết nằm xuống mới có cơ hội vươn dậy, tôi cho đó là một suy nghĩ thấp hèn và tầm thường quá. Bây giờ anh có chức, có quyền, có tiền, có địa vị, anh muốn lăng xê đưa em nào lên là quyền anh nên anh tha hồ chứng tỏ quyền uy của anh bằng vốn tự có của người ta trên giường, nhưng rồi mai đây, quyền uy anh còn mãi không? Tiền bạc anh còn mãi không? Anh nói người ta có còn nghe không? Hay là người ta sẽ coi anh như một vết nhơ già cỗi, có thể trước mặt anh, người ta nuốt hận, nén lòng quên đi cái nhục để mà sống, nhưng sau lưng anh, người ta coi anh như một con thú không hơn không kém. Anh có thể coi đó là một cái giá vinh quang dựa trên sự sòng phẳng, mà anh quên đi rằng, những giọt nước mắt của lần hiến thân ấy bị nuốt xuống đâu đó trong họng và trong hồn, nó cũng biết rên rỉ...

Nhưng lạ một điều là không phải chỉ anh là người đáng trách đâu, mà kẻ đáng trách có khi nằm ở vai kia nữa, vì một người có tài năng có thể tự dựa trên khả năng mình mà vươn lên, lên không nổi thì thôi, nhưng không thiếu những em bất tài, chỉ biết đem cái nhan sắc dao kéo và cái vốn tự có ra làm nấc thang để bước lên danh vọng thì nói của đáng tội, cũng đáng lắm. Mà nếu thế thì cái vốn tự có ấy nào có ra gì, chỉ là những nhu cầu nhục dục hết sức tầm thường, nhưng người ta vẫn làm, vẫn thỏa mãn, để vin vào vai mà vươn lên trên một mặt bằng nghệ thuật dỏm, ca sĩ nhảy nhiều hơn hát, nhà văn cởi nhiều hơn viết, thành ra cái đống rác văn hóa nghệ thuật lệch khuôn ngày một nhiều hơn, tư tưởng chiếm đoạt, hưởng thụ, trả giá nằm trên môi miệng nhiều hơn, sự thanh cao và chuẩn mực bốc hơi đâu mất, chỉ còn lại những thứ rất chi là trơ trẽn trên giường, nơi văn hóa và vinh quang hành lạc để trao đổi lẫn nhau, sau này sẽ trưng ra công chúng những thứ nghệ thuật dỏm.

Một vài anh bạn hôm ấy cho tôi là kẻ bảo thủ, nhưng cũng có một vài người rất đồng thuận với tôi, song anh bạn của tôi vỗ vai tôi và bảo rằng, chuyện anh muốn chỉ có trong mơ thôi, cuộc sống bây giờ phải thế, lắm khi phải tàn nhẫn như thế để mua lấy vinh quang. Tôi chỉ cười và nói với các bạn rằng, nếu sự cổ hủ làm cho tôi biết đứng thẳng, làm cho tôi biết nhìn thẳng vào mắt con tôi để nói cho chúng biết thế nào là giá trị đạo đức thì tôi chấp nhận mình mang tiếng cổ hủ, chứ vinh quang trong cay đắng và tủi hổ như thế thì tôi thấy xót quá, vết thương trên thân thể xã hội nhiều quá rồi, không nên làm đau thêm nữa.

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Cơn bão kinh hoàng của sự thật


conbaokh Hôm ấy là một buổi sáng hơi khác thường. Tớ vừa đi lễ nhà thờ về, chưa kịp mở máy tính, thì bỗng nghe trên tivi thông báo đại họa sinh thái vừa xảy đến cho trái đất, đại họa gì thì phát ngôn viên nhà đài cũng ú ớ không nói được, chỉ cho biết đại khái là vì cư dân trái đất ăn chơi phung phí quá nhiều, lỗ hổng tầng ôzôn càng ngày càng rộng, đến nỗi cơn bão từ ở bên ngoài trái đất bỗng dưng xâm nhập vào hành tinh chúng ta một cách thoải mái, nhưng may là bão từ chứ không phải bão thiệt nên chẳng ai hay biết, nắng vẫn lên, trời vẫn trong xanh và thiên hạ vẫn yêu nhau, vẫn tung tăng trong một buổi sáng trời đẹp.

Trời ạ! Có ai biết đâu rằng cơn thịnh nộ của Thần Chân Lý đã đến, vì sau khi cơn bão từ lan tỏa từ đô thị cho đến thôn quê, các mạch truyền thông của nước ta bỗng dưng bị virus xâm nhập, thoạt nhìn thì chẳng thấy gì, vẫn hoạt động bình thường, phải gọi là tối ưu mới đúng, mạng ây-đi-étx-eo chạy vèo vèo như đường đua Grand Prix, mấy chục mạng Vi-phôn hay mô-bai mô-biếc gì cũng không hề bị nghẽn, nhanh thấy mà thương luôn á, nhưng vì con virus quái ác kia nó xâm nhập mau quá, không biết nước ngoài ra sao, chứ Việt Nam ta từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau hễ có cái gì liên quan đến truyền thông là nó lây lan nhanh đến mức độ chóng mặt, và cái sự lây lan này mới là điều đáng nói, chẳng phải lây lan bệnh hủi hay lây lan virus Êbôla, cũng chẳng phải lây lan Xi-đa hay Siêu vi B gì ráo, mà lại lây lan một thứ đúng là Thượng đế cũng phải khoái: Đó là virus Sự Thật!

Quả thực, hễ ai có một thao tác gì về mặt truyền thông thì bị ảnh hưởng ngay lập tức, nghĩa là bỗng dưng ai nấy tự dưng nói thật, khai thật ra tuốt luốt những gì lâu nay mình đã lừa dối... lừa dối Chúa, lừa dối xã hội, lừa dối cộng đồng, lừa dối vợ con vân vân và vân vân... Cứ ai nấy vừa đăng nhập vào mạng hoặc Alô một tiếng là bị dính chấu, tự nhiên không đánh mà khai sạch sành sanh không sót một thứ gì, và đó chính là một đại họa cho con người, vì nghe đâu VN mình bây giờ truyền thông phủ sóng 100%, từ dân tộc Mường ở Sơn La cho đến Bác Ba Phi ở mũi Cà Mau đều có điện thoại di động alô suốt ngày, do vậy mà nó lây lan với mức độ vô cùng khủng khiếp. Bản thân tui lúc đầu nghe nói thì hoảng quá, vội alô báo cho người này người nọ biết mà tránh, ngờ đâu quá ngây thơ mà quên đi rằng: việc alô chừng nào nó lây nhanh chừng ấy, bạn bè lại alô tiếp và mức độ lây lan virus Sự Thật này theo cấp số nhân, chỉ trong vài giờ là gần hết dân số con Rồng cháu Tiên của chúng ta bị nhiễm virus Sự Thật rất kinh hoàng này.

Nhưng mà lạ ghê nghen, sự thật mà sao lại kinh hoàng nhỉ? Ai mà không muốn sống với những con người chân thật và chân chính? Đáng ra có được sự thật thì ai nấy phải vui mừng mới đúng chứ? Sao lại trái khoáy như thế này? Chẳng biết sung sướng ra sao, nhưng tui lỡ bị lây rồi thì cho nó lây tá lả trong người mình luôn, cứ việc vô mạng mà xem tình hình nó thế nào rồi...

Ôi, thì ra bây giờ mới biết, điều đập vào trước mắt ống kính của phóng viên ghi hình được ngay tại Kho bạc Nhà nước là hàng lớp hàng lớp ôtô sang trọng của các quan đem đến nộp lại tiền tham nhũng bấy lâu nay, kiểu này chắc nhân viên kho bạc làm việc mệt xỉu, Sở lao động phải bố trí thêm một lô nhân viên cùng hàng chục bàn nộp tiền bày ra khắp góc phố, ngân sách Nhà nước đột nhiên tăng vọt đến mức chóng mặt, hàng loạt quan chức sau khi nộp tiền cũng trả luôn cái ôtô mới cóong rồi liếc nhìn một cách tiếc rẻ cái ôtô bóng lộn kia lần cuối đoạn cuốc bộ về nhà... hàng loạt quan tòa đứng ra xin lỗi những người bị án oan, hàng loạt luật sư đem nộp lại tiền chạy án, gần mấy trăm ông tiến sĩ thạc sĩ đem trả lại những cái bằng dỏm từ lâu nay, rồi nào là Giám đốc sở, phó giám đốc Cty này cty nọ đột nhiên từ chức và làm bản kiểm điểm vì lâu nay xài bằng giả, trò xin lỗi thầy vì dối thầy hôm qua cúp cua đi hát karaôkê, thầy xin lỗi trò vì lâu nay nâng điểm vô tội vạ, ông bộ trưởng này, ông thứ trưởng kia tự dưng hiền lành thấy mà thương, một lòng vì dân vì nước. Mấy bà nội trợ đi chợ chẳng thấy cãi vả gì, mua đồ ăn thức uống không cần phải trả giá, không hề nói thách, thấy giống như ở trên thiên đàng vậy, ai nấy ra ngõ tay bắt mặt mừng, kể lại những gì lâu nay lỡ lừa dối nhau, ông ăn chả bà ăn nem thế nào cứ vậy mà khai tuốt luốt... vân vân và vân vân...

Tưởng rằng một cơn gió mát đang thổi vào lòng người, virus Sự Thật đã vô hình trung đưa tất cả chúng ta lên thiên đàng hưởng phúc ráo trọi, nhưng...

Khổ nỗi con virus này nó chỉ cho người ta nói thật thôi mà không cho người ta một điều quan trọng hơn sau đó, ấy chính là sự Tha Thứ, do vậy mà Trời hỡi, sau khi hàng loạt sự thật bị lòi ra, tưởng rằng xã hội cứ thế mà thăng hoa, ngờ đâu cái tăm tối của lòng người lại sôi lên sùng sục, ngày xưa mày ép tao nhé, ngày xưa mày ăn hối lộ của tao nhé, ngày xưa mày xài bằng giả mà lên mặt ức hiếp tao nhé, ngày xưa bà đi ngoại tình với thằng đó bây giờ mới khai nhé, ngày xưa ông mua nhà cho con bồ nhí bây giờ giấy tờ nhà đâu rồi đưa đây, ngày xưa anh có hai đứa con rơi mà giấu tôi nhé, ngày xưa... và ngày xưa... với những tức tối hằn trong những đôi mắt long lên sòng sọc nhìn nhau như kẻ thù, vì sự thứ tha chẳng tìm thấy đâu, và thế tưởng rằng yên ắng, ai ngờ lại đáng sợ hơn. Hóa ra sự thật cũng có cái giá của nó, và cái giá của nó kể ra cũng khá đắt.

Đang lúc người ta đang bày mưu tính kế để trả đũa những cơn đày ải ngày trước thì Thượng đế phát hoảng, bèn gọi điện ngay cho ông trùm Norton liệu mà diệt con virus sự thật kia ngay lập tức, nếu không e án mạng sẽ xảy ra liên miên, không chừng còn tồi tệ hơn. Ông Norton thì tay nghề quá rõ nên đối với dạng virus này chỉ là đồ tép nhem, chỉ vài giờ là ổng kiểm soát và diệt được ngay, tuy nhiên ổng không chịu cho free mà đòi trả tiền bản quyền phần mềm mới đắng chứ, dân VN mình quen xài phần mềm chùa từ lâu nay rồi nên lấy đâu ra tiền mà trả, và thế là phải nhờ đến cái cậu học sinh dạo nào bẻ khóa trang web ấy bẻ giùm cái Norton cho dân VN mình xài gấp chứ người ta đang hăm he trả thù giết nhau tới nơi. Cậu nhóc liền lên bàn phím múa may một hồi và bẻ khóa cái rụp, thế là virus sự thật chết thẳng cẳng, vì thế mới có ngày hôm nay.

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Nhạc vàng nhạc đỏ...


aitinh Ủa, nhạc làm gì có màu vậy cà? Thế mà lâu nay chẳng biết ai là người đầu tiên phang đại cái màu lên âm nhạc vậy nhỉ? Đương không kêu bằng nhạc vàng, rồi nhạc đỏ, để phân biệt loại nhạc mà ai đó có quyền phán xét, cho rằng thứ nhạc này là ủy mị phù phiếm và thứ nhạc kia là hào hùng rực lửa, để làm gì vậy nhỉ? Để có cái mà cấm à? Nội cái việc định danh ủy mị phù phiếm hay hào hùng rực lửa cũng chưa chắc biết ai đúng ai sai, đều cần nói là loại nhạc nào dễ thấm vào hồn người nhất, đó mới là căn bản của nghệ thuật âm nhạc, chứ muốn dùng quyền ta đang có mà chụp cho nó một cái mũ vàng hay mũ đỏ thì ai làm mà chẳng được?

Ngày xưa một thời cấm tiệt! Ai đó cứ quy ra nhạc trước năm 75 của Miền Nam là nhạc vàng, người nào hát là bị chụp mũ vào tù như chơi, thế nên chỉ hát nho nhỏ với nhau nghe cho đỡ ghiền, mà cũng thật lạ, ngày xưa cấm bao nhiêu thì ngày nay lại lôi ra hát gần hết, vậy ngày xưa đúng hay ngày nay đúng nhỉ? Thưa ông Lịch sử? Ông phán xét giùm cho.

Tớ thì không phân biệt màu đỏ hay vàng, vì lắm bài đỏ chẳng ra đỏ mà vàng chẳng ra vàng, đỏ quá thì nóng quá, cứng quá, chẳng ai ưa hát ngoài cái anh nhà đài, mà vàng quá thì xanh xao đôi mắt và vàng vọt luôn tâm hồn, cả hai loại ấy tớ đều không ham, thế thì tớ trộn hai màu lại thành màu cam vậy, dù sao thì màu cam cũng dễ nhìn và cũng dễ cảm hơn, còn hơn là loại nhạc xám ở chợ đời văn hóa hiện nay, chẳng biết ai là người cho phép và cổ xúy nữa loại nhạc này nữa, nhưng cái loại hình ấy chẳng chóng thì chầy thì nó cũng sẽ mau chóng biến mất khỏi lòng người thôi, tất nhiên vì lòng con người ta chẳng phải là cái chợ nên đâu có cái chỗ cho nó. Hehe…

Pha màu cho nó vui mắt thế thôi chứ nhạc cần gì có màu sơn của ai đó quét vào? chỉ cần có hồn nhạc dệt vào trong bài hát hay không mà thôi là đủ, nhạc mà không có hồn thì y như người vô tâm, người mà không có tâm thì làm gì biết cảm nhận văn hóa, không có cảm nhận văn hóa thì làm sao biết âm nhạc là gì... Do vậy nên xin ai đó đừng dùng sơn tô màu đỏ hoặc màu vàng lên ca khúc làm gì nữa nhé, vì nó là giá trị văn hóa, mà giá trị văn hóa thì có hàng triệu màu như trăm hoa đua nở, không đủ màu sơn trên đời tô cho vừa đâu, màu sắc của nó làm sao thấy bằng mắt thường được, mà bằng chính con tim mỗi người. Hãy để màu sắc tự nhiên thoảng qua theo lời thơ ý nhạc bằng những cảm xúc thăng hoa của con người, chứ định hình cho nó một màu nào đó e rằng không còn tính văn hóa hay nghệ thuật gì nữa ráo.

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Chênh vênh


hchup36 Mấy ngày nay đọc báo thấy rộ lên chuyện tay công tử đô la xài tiền như nước, cặp hết người đẹp này đến người đẹp khác, lại còn tuyên bố hầu hết các em người mẫu xịn đều đã qua tay công tử, như là những thành tích của đại gia biết ăn chơi.

Đồng ý rằng tiền bạc của công tử thì công tử cứ việc xài chứ chẳng ai dám có ý kiến, nhưng cứ thấy lòng chênh vênh làm sao ấy, khi từ phòng làm việc trên lầu, nhìn xuống lòng vỉa hè ngoài đường kia thấy ông lão liệt chân ngồi bán vé số giữa trưa nắng, may ra thì mỗi ngày ông kiếm được bốn năm chục nghìn đồng, nhìn chị lao công nhận lau chùi thêm hai phòng mỗi ngày để mỗi tháng lương được tăng thêm hai trăm nghìn đồng, trong lúc nghe đồn công tử ăn chơi xài tiền tỉ, cho em ca sĩ nổi tiếng bị dính bầu năm triệu đô la đi sang Mỹ mà sinh đẻ... Ôi, mong sao đó chỉ là tin đồn hoặc tin vịt thôi, nhưng kẹt là xứ sở chúng ta đang sống lại nhiều vịt quá, nên hổng chừng đó là thiệt chứ chẳng chơi.

Lại nghe đâu có cậu sinh viên nọ rao bán quả thận của mình năm chục triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ nhưng chưa có người mua, vì nghe đâu cái luật gì gì đó của nước ta cấm bán bộ phận cơ thể người, kiểu này thì mẹ của em sẽ chết mất vì không có tiền để mổ, cho dù em nhất quyết bán để cứu mẹ... Nghe mà ứa nước mắt, nghe mà thấy nhói cả lòng và thấy chênh vênh hơn cho cuộc sống vốn dĩ sự hợm hĩnh và lòng nhân ái của con người bị cào bằng trên những tờ đô la trác táng của những kẻ giàu có.

Lại nhớ đến một thời trai trẻ những ngày tháng chật vật sau 75, các bạn trẻ hồi ấy thường hay hát bài "Mỗi bước ta đi" trong đó có câu: "Anh đang hành quân, ra tiền tuyến, mang theo tình yêu giai cấp trong tim..." Ôi, tình yêu giai cấp à? Yêu không nổi đâu Nhạc sĩ Thuận Yến à? Ngày nay người ta yêu đô la hơn..., vì đô la nó thực, còn những thứ kia sao thấy hư ảo quá. Hèn chi bây giờ thấy chênh vênh là phải rồi.

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Trăng vẫn còn nghẹn


Ánh trăng được nhiều người ví như là văn hóa của chúng ta, vì cái vẻ đẹp huyền diệu của nó giữa trời đêm, nổi bật lên hẳn so với ngàn sao lung linh, tồn tại từ thuở khai thiên lập địa đến giờ, lòng ta buồn, lòng ta vui... nhìn trăng, trăng vẫn đẹp như chính nó khiến lòng ta nguôi lại. Biết bao thi sĩ đã dùng hình tượng trăng mà dệt nên những vần thơ để đời, đưa đến cái ánh sáng văn hóa chân thực trong lòng ta từ lúc ta còn nhỏ, nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, gối đã mỏi... thế mà ta vẫn còn thuộc lòng, đơn giản vì nó là văn hóa.
Ấy thế mà tôi cảm thấy như trăng nay đã nghẹn, như bị những đám mây chảnh chọe của cuộc đời làm vấy bẩn, che mất đi cái huyền diệu vốn có của nó chiếu xuống cho đời, thậm chí nó không chiếu nổi cái ánh sáng đẹp như mơ kia vì biết bao điều trái khoáy dở hơi của chính chúng ta đã làm trăng mắc nghẹn, nấc từng cơn lập lòe cho nhân gian dật dờ theo. Chẳng qua là vì mới đây, trong số hằng trăm bài thơ của hơn hai trăm tác giả tham dự Cuộc thi Thơ Đồng bằng Sông Cửu Long, bài thơ "Trăng nghẹn" của Nhà thơ Hoài Tường Phong đoạt giải Nhất, ấy thế mà chẳng hiểu vì sao, các nhà Quản lý Văn hóa nghệ thuật cho rằng nhạy cảm thế nào ấy mà lại can thiệp thô bạo với tác giả, đề nghị tác giả từ bỏ giải thưởng đó đi, không dám trao giải, vì thế này... vì thế kia..., nhưng tôi rất cảm kích với Tác giả bài thơ, ông cương quyết không chịu nhượng bộ, cho dù sửa lại một chữ "chưa" bằng chữ "chờ" ở câu cuối, ông bảo rằng không dám trao giải thì thôi, chứ có giải thì ông nhận chứ chẳng việc gì lại rút khỏi giải, xảy ra chuyện này nghĩa là các vị quản lý văn hóa ấy vẫn còn run sợ trước những sự thật đến mức phũ phàng trên những câu từ chắt lọc mà nhà thơ dám viết ra. Tại sao lại quái gở như thế? Chúng ta hãy đọc bài thơ này đi! Tác giả sai chỗ nào hoặc vu cáo ai đâu mà cho là nhạy cảm nhỉ?
TRĂNG NGHẸN
Hoài Tường Phong

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
Trăng chưa hết nấc cục thì lại thêm một kiểu chảnh chọe khó nuốt khi người đẹp (?) nọ giới thiệu rềnh rang cuốn tiểu thuyết ba xu "Sợi Xích" tại khách sạn New World. Nghe đâu tiểu thuyết này được Hội Nhà Văn cấp giấy phép liên kết xuất bản. Trời ạ! Văn chương Việt Nam chỉ đến thế thôi sao? Hội Nhà Văn của chúng ta là những tinh hoa của lối viết bập bẹ rẻ tiền chuyện phòng the của loại diễn viên "Rung chuông là... cởi" như thế hay sao hả Trời? Đấy, cái văn hóa Việt Nam ngày nay được tính toán giàu sang nghèo hèn như thế đó. Ông Nhà thơ nghèo chuyên nghề làm răng giả, vợ bán tạp hóa ở Miền Tây thì làm sao đủ đô PR mà sánh với diễn viên thành phố dư tiền dư bạc. Nghe đâu bị dư luận phản ảnh ầm ĩ quá nên Hội Nhà Văn luống cuống ra lệnh cho thu hồi sách rồi, chẳng biết thu hồi được đến đâu, mà cho dù có thu hồi đi nữa thì cái niềm tin đặt vào Hội Nhà Văn của chúng ta cũng đã bị sứt mẻ vì những kiểu biên tập cẩu thả, cấp giấy phép bừa bãi đối với những sản phẩm văn hóa kinh khủng như thế. Chẳng trách gì Việt Nam chúng ta không có tác phẩm lớn là vậy. Trăng nhìn thấy kiểu làm ăn này bảo rằng trăng không nghẹn sao được?
Rồi lại đến chuyện một người đẹp (?) khác đi diễn show thời trang lại đem theo 26 vệ sĩ đi kèm còn hơn là tổng thống, chẳng biết show của cô ấy đắt khách đến đâu hay nét đẹp cô ấy quý giá đến cỡ nào mà được vệ sĩ bảo vệ kỹ thế? Đẹp hay quý đâu chẳng biết, chỉ thấy ồn ào tới mức chảnh chọe. Đảm bảo rồi mai đây, một người đẹp khác sẽ thi nhau tăng số lượng bảo vệ lên cho oai cho mà xem, nó đem 26 bảo vệ được thì mình đem 100, rồi 200..., bỏ ra vài chục triệu thuê vệ sĩ cho oai thì cũng dám có người làm lắm. May là show diễn trong nhà nên Trăng không nhìn thấy, chứ nhìn thấy không chừng Trăng phải nhăn mày nhăn mặt mà quay đi chỗ khác, để khỏi lọt vô mắt mình cái chảnh chọe vô bờ bến của những kẻ rửng mỡ.
Mà thôi, trăng cũng nên nghẹn, chứ trăng cứ mở mắt ra mà nhìn những cảnh trái khoáy dở hơi kiểu này thì không chừng tắt luôn chứ chẳng phải nghẹn nữa đâu, ông Trăng nhỉ?

*(?): Nghe nói đẹp, chứ chẳng biết là đẹp không nữa...

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Sự bất hiếu ngọt ngào

mother Nguyễn Quang Thiều

Có một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng lòng hiếu thảo của những đứa con đối với mẹ mình càng ngày càng trở thành một nguy cơ trầm trọng.

Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là Godfather và American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người. Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi nhất.

Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến những chuyện bất hiếu. Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ. Đó là những câu chuyện bất hiếu đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có người gọi nó bằng một cái tên "Sự bất hiếu ngọt ngào".

"Sự bất hiếu ngọt ngào" là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất để nuôi những người mẹ. Nhưng những đứa con đó không cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.

Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho những lời tâm sự của những đứa con với mẹ mình trong những buổi tối khó ngủ của người già là những người giúp việc được trả lương cao. Với đức hạnh của sự hy sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã gánh chịu một cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.

Một thời gian chúng ta có nói đến việc những đứa con gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão trong các nước phương Tây hoặc châu Âu. Và có không ít người quan niệm đó là sự trốn tránh trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sau một thời gian quan sát và có nghiên cứu thực tế ở các nước đó, tôi thấy đó là cách những đứa con tìm cho cha mẹ họ một không gian thích hợp và có ý nghĩa nhất với cha mẹ khi ở tuổi già và đó cũng là một trong những văn hoá sống của các nước đó. Nhất là khi cha mẹ họ có những vấn đề của tuổi tác, sức khoẻ và tâm lý. Nhưng hầu như hàng ngày, họ gọi điện trò chuyện với cha mẹ và hàng tuần, họ vẫn đến thăm cha mẹ trong nhà dưỡng lão. Họ ở lại với cha mẹ có khi cả ngày để trò chuyện và vui chơi cùng cha mẹ.

Có những người mẹ trong những năm cuối đời chỉ mơ một giấc mơ giản dị nhưng thật đau đớn và thương cảm là có một cái Tết được ăn Tết với con cháu mình. "Con bận lắm. Nhiều khách khứa đến làm việc lắm. Mà nhà cửa bỏ đấy trộm nó vào nó khuân hết. Tết con không về được. Bà cần gì thì cứ bảo. Con sắm sửa đầy đủ cho bà". Đấy là những ngôn từ càng ngày càng trở lên quen thuộc của những đứa con nói với mẹ mình trong một ngày cuối năm về thăm mẹ vội vã. Những lý do trên chỉ là sự bao biện cho thói ích kỷ và sự hoang hoá tình thương yêu của những đứa con đối với mẹ mình. Còn vị khách nào quan trọng hơn mẹ mình nữa? Còn của cải nào quí hơn mẹ mình nữa? Và đối với những bà mẹ, tài sản duy nhất có ý nghĩa là những đứa con.

Nhưng những đứa con đó không bao giờ hiểu được người mẹ của chúng không cần bất cứ quyền chức hay tiền bạc chúng đang có mà chỉ cần chúng ngồi xuống bên bà như thuở nhỏ đầy yếu đuối, sợ hãi và tin cậy trong sự che chở của bà hoặc thấy chúng lớn lên làm một người tốt. Nhưng chúng đã xa rời bà mà bà không có cách nào kéo chúng gần lại. Không phải chúng xa rời xa bà bởi không gian và thời gian do điều kiện sống và công việc mà chúng đang xa rời xa sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Bà đã và đang mất chúng.

Tôi đã chứng kiến một bà mẹ gần 90 tuổi mắt đã mờ lần mò làm một con gà cúng đêm giao thừa trong khi những đứa con của bà đang quây quần vui vẻ đón giao thừa với gia đình riêng của họ ở thành phố chỉ cách nơi bà ở không quá 30 km. Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho những đứa con khi bỏ quên mẹ mình trong những ngày đặc biệt và quan trọng như thế.

"Sự bất hiếu ngọt ngào" còn để chỉ những đứa con bỏ quên những người mẹ trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng những người mẹ đó không bị bỏ đói mà ngược lại được "nuôi giấu" trong một đời sống vật chất đầy đủ. Trong không ít những ngôi nhà to, đẹp và đầy đủ tiện nghi, những đứa con đã "giấu" mẹ mình mà nhiều lúc chúng ta không làm sao có thể phát hiện ra là trong ngôi nhà đó có một bà mẹ.

Có những người thi thoảng lại đến thăm bạn mình trong suốt mấy năm trời nhưng không bao giờ được gặp bà mẹ của anh ta.  Anh ta đã "giấu" mẹ trong một căn phòng trên tầng 3, tầng 4 gì đó của ngôi nhà. Anh ta dậy sớm đi làm vội vã nhiều lúc không còn kịp leo lên tầng chào mẹ. Trưa thì đương nhiên anh ta không về nhà. Tối anh ta về muộn. Vợ anh ta hoặc người giúp việc đã cho bà mẹ ăn cơm trước với lý do để cụ đi nghỉ sớm kẻo mệt. Anh ta trở về nhà ăn tối cùng vợ con và chuyện trò rồi điện thoại và cuối cùng lăn ra ngủ. Có không ít ngày anh ta hoàn toàn quên mẹ mình đang sống trong cùng ngôi nhà và âm thầm mong nhìn thấy con mình và trò chuyện mấy câu với con.

Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến những đứa con khi có khách đến chơi thì khoe hết đồ này vật nọ đắt tiền, thậm trí khoe một con chim cảnh quí hàng ngàn đô la với một giọng nói thật "say đắm" mà chẳng thấy họ khoe một người mẹ vừa ở quê ra chơi hay đang ở đâu đó trong ngôi nhà to, rộng của họ.

Có những người không bao giờ để mẹ ngồi ăn cơm cùng khi vợ chồng anh ta có khách. Có lẽ sự xuất hiện của người mẹ đã già nua không còn phù hợp với những thù tạc, những vui buồn của anh ta nữa chăng. Nhưng anh ta đâu biết rằng, có những đêm khuya bà mẹ không thể ngủ và đầy lo lắng khi nghe tiếng ho của anh ta hay khi vợ chồng anh ta to tiếng. Bà mẹ sống giữa con cháu mà như sống trong một thế giới xa lạ.

Vì thế, có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ của mình. Bởi cho dù ở đó bà không được sống với những đứa con của mình thì bà cũng được sống với những gì vốn rất thân thương với bà như con chó, con mèo, cái cây, cái cối. Và thay vào sự chia sẻ, an ủi của những đứa con là sự chia sẻ và an ủi của những thứ kia kể cả những thứ vô tri vô giác. Và thực sự điều này làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ và đau đớn.

Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc mọc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có những kẻ xưng "bà" xưng "tôi" với mẹ mình như với một người qua đường, qua chợ... Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tội như những kẻ nói trên.

(copy từ blog của hothian, hình sưu tầm từ Internet)

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Tôi vẫn tìm...


Thế mà vẫn có một ngày tôi lang thang
Trong lò thiêu cuộc sống
Sài Gòn mùa này trời nắng chang chang
Nên tim tôi vẫn nóng.

Sao lại ở chốn này? hỡi kẻ du ca phiêu lãng!
Hơn nửa thế kỷ tang bồng chưa đủ hay sao?
Hơn nửa cuộc đời quay cuồng vẫn còn thiếu chỗ nào?
Thế mà sao anh vẫn đi vào vết xe lăn long lóc
Trên dòng người thị thành hối hả nhung nhúc
Có bóng ai kia già cỗi thâm trầm
Lạc lõng giữa dòng người trẻ lăng xăng
Anh thấy bâng khuâng hay là háo hức?

Đã là người, ai mà không muốn hạnh phúc
Đón lấy cho mình và cho cả những người thân
Nhọc mệt cô đơn lạnh lẽo giữa đường trần
So với tôi chỉ là đồ bỏ.
Cuộc sống muôn màu dị dạng không làm tôi bỡ ngỡ
Quen lắm rồi những tha hóa tối tăm
Bao điều trái khoáy nơi những làng quê nhỏ xa xăm
Vẫn tồn tại mỗi ngày nghe đau đáu

Thế nên tôi vẫn nhoẻn nụ cười mếu máo
Tìm lại tôi trong hơi thở của riêng mình
Để biết rằng tôi chưa muốn lặng im
Để cái già chưa uy hiếp tôi được
Tôi chưa muốn nhìn ráng chiều len vào tiềm thức
Thấy quanh mình nắng sớm vẫn trong veo
Tiếng vu vơ ai hát thật ngọt ngào
Nỗi đam mê đi về vẫn ra chiều tâm đắc.
Tôi cũng rú ga, cũng len lách để nhào lên phía trước
Tìm lại cho mình những thử thách đáng yêu
Mạch sống còn nhiều lạ lẫm phiêu diêu
Nhưng soi lại tôi vẫn còn trẻ chán.

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Những điều còn thiếu

hchup34 Đây không phải là một bài viết về chính trị, nhưng một vài ví dụ trong này lại mang tính nhạy cảm của thời sự, vì thế cho nên tôi ngán ngẩm, chán ngán cho cái sự thiếu dũng cảm của một đôi người đang được tiếng là lãnh đạo chúng ta, ít ra là trên một phương diện nào đó như truyền thông hoặc giáo dục chẳng hạn, nhưng họ không có đủ dũng khí để nhận ra cái sai của mình hoặc trách nhiệm của mình, tôi cho đó là dở.

Những chuyện này báo chí trong hoặc ngoài nước nói quá nhiều rồi, cho nên tôi chẳng đào sâu lại hay khơi gợi lại thêm làm gì, chỉ muốn nói thoáng qua như một ví dụ cho sự giáo dục mà khi xưa tôi được nhận hưởng từ thân phụ của tôi, và sau đó tôi lại áp dụng cho con cái mình, cũng như chúng ta hầu hết cũng được chỉ bảo dạy dỗ về sự trung thực như vậy khi còn bé thơ.

Rõ ràng là bất cứ ai cũng muốn giáo dục con cái mình về lòng trung thực cả, khi trẻ phạm lỗi, điều cha mẹ thường làm là kêu con lại hỏi: Con hãy kể lại thật đi, không được giấu diếm sự việc tí nào, thì tội con sẽ nhẹ hơn. Nếu trẻ biết nhận lỗi và nói lại hết sự thật mà không lấp liếm, kẻ làm cha mẹ chắc chắn sẽ không phạt con mình đâu mà còn mừng trong bụng là con mình biết nói thật, đó là niềm hạnh phúc và tự hào, còn ngược lại, trẻ chỉ biết lấp liếm và dối trá, nói loanh quanh để chạy tội thì cha mẹ sẽ điên tiết lên mà đánh đòn con, hoặc đau lòng biết chừng nào khi thấy con mình như vậy. Thế đấy, sự thật có những sức mạnh tinh thần mang đến cho người ta có thể là hạnh phúc và cũng có thể là sự thất vọng não nề là vậy.

Thế nhưng ngày nay người ta lại áp dụng khác đi, ở tòa án mỗi khi xét xử tội trạng gì thì đều được nghe tòa nói nếu bị can thành thật khai báo thì sẽ được pháp luật khoan hồng, nhưng ngoài đời, nếu làm lãnh đạo mà nói sai hoặc làm sai thì chỉ thấy đỗ lỗi hoặc chạy tội lấp liếm chỗ này chỗ kia thôi. Sự kiện năm rồi ông Tổng biên tập một trang web mang tính quốc gia đưa bài viết hết sức cẩu thả, tệ hại và nhạy cảm lên báo mạng, khi bị người đọc phát hiện và vở lở mọi chuyện thì ông lại đổ thừa cho cấp dưới, cho anh đánh máy, rồi lại chấp nhận mức phạt ba chục triệu đồng, chẳng biết ông phải lấy tiền túi của ông hay tiền của tập thể để mà đóng phạt đây, chỉ thấy thương cho cái anh đánh máy trong thời đại này. Rồi lại đến sự việc đầu năm nay, bên Bộ giáo dục đào tạo lại đưa chuyện cấm đoán môn này ngành kia không được phép gây bất bình trong dư luận, thấy sự việc um trời lên, họ bèn rút lại, và lại đổ thừa cho lỗi kỹ thuật, lỗi bên nhập liệu đánh máy.

Cũng lại tội nghiệp cho cái anh đánh máy ngày nay, chẳng biết lương lậu anh bao nhiêu, có đủ nuôi vợ nuôi con gì không mà thấy anh gánh nhiều quá, nhưng vì thấy anh gánh nhiều mà tôi cho rằng các sếp quá dở. Sao họ không dám dũng cảm đứng thẳng lên mà nói: Qua sự việc trên, tôi là lãnh đạo nên xin nhận hoàn toàn trách nhiệm. Được thế thì hay quá nhỉ, sao lại đẩy tất cả tội trạng vào anh đánh máy? Nếu anh là sếp mà anh biết dũng cảm nhận lấy trách nhiệm như thế thì tôi tin chắc rằng, công chúng sẽ đứng về phía anh ngay, vì ai cũng thích người trung thực, biết nhận lỗi, chứ lấp liếm thì lại càng khiến anh xa rời sự tin yêu của công chúng hơn. Tôi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa có nói là không sợ sai lầm, chỉ sợ kẻ biết sai mà không chịu sửa. Tôi thì tôi thêm vào từ biết nhận ra sai lầm nữa. Sai thì ta sửa, điều ấy tốt quá đi chứ, ngay như con cái ta cũng vậy, nó biết nhận ra lỗi và sửa sai thì ta hạnh phúc quá rồi.

Phàm là người thì nhân vô thập toàn chứ ta có phải là thánh đâu mà không biết sai hay vấp ngã? Nếu sai có thể sửa, thì anh vẫn còn có cơ hội đấy thôi, sửa sai để phục vụ mọi người tốt hơn. Nếu sai trầm trọng thì cứ đứng lên nói thẳng là từ chức đi. Cái văn hóa từ chức của chúng ta sao mà khó đến thế ư? Mấy đời tổng thống Mỹ họ cũng sai lầm triền miên đó thôi, sai thì nhận lỗi và xin lỗi, sai nặng quá thì từ chức, như tổng thống Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate nghe trộm tranh cử đấy. Sự dũng cảm nhận lỗi của họ dù sao cũng xóa đi được một chút nào đó vết nhơ mà họ đã vấp phải, còn hơn là giấu diếm để bị đánh mất niềm tin nơi công chúng. Tôi cho rằng sự dũng cảm ấy đặt lên bàn cân sẽ có giá trị nặng hơn là chức tước của cá nhân đó nhiều, nhưng đây chỉ là chuyện đạo đức chứ không phải là chính trị cho nên tôi không bàn sâu hơn làm gì.

Mà nói chuyện đạo đức thì muôn đời vẫn đâu có thừa nhỉ? Sự dũng cảm cũng thế, muôn đời vẫn thiếu.

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Khóc cười…

Thế vận hội mùa đông đã khai mạc ngày 12 tháng 2 năm 2010, cách lần khai mạc đầu tiên tại French Alps, một nơi cách Grenoble sáu mươi dặm vào năm 1924, vỏn vẹn trong vòng mười một ngày thi đấu. Dĩ nhiên các quốc gia chìm ngập trong tuyết chiếm gần hết các huy chương, hai mươi bảy trong tổng số bốn mươi ba. Chuyện đặc biệt còn được nhắc nhở đến bây giờ là Charles Jewtraw, vì lý do điểm số không minh bạch thời ấy mà mãi đến năm 1974, tám mươi ba tuổi, ông mới nhận được chiếc huy chương đồng trong bộ môn trượt tuyết năm trăm mét. Vinh quang ông nhận được quá trễ, không có bục để leo lên, không có vòng nguyệt quế đội trên đầu, ngay cả tiếng vỗ tay giòn giã của khán giả, những điều chắn chắn phải có trong niềm hy vọng của một thanh niên vào độ tuổi đôi muơi.

Thế vận hội mùa đông tổ chức tại Vancouver, Canada lần này bắt đầu bằng sự tử vong của vận động viên Gionodar Kumaritashvili người xứ Georgia, một ngày trước khi ngọn đuốc khai mạc được thắp sáng. Sống chết ở một quan niệm nào đó có cùng một nghĩa bằng nhau, nhất là trong lãnh vực thể thao, ra đi ở độ tuổi hai mươi mốt, người thanh niên tráng kiện này sẽ sống mãi trong lịch sử Thế Vận Hội Mùa Đông, người ta sẽ nhắc đến tên anh – sẽ ghi tên anh bên cạnh các tên tuổi khác, đã bắt đầu sự sống trong lòng người hâm mộ từ sự ra đi của họ.

Chấp nhận bất trắc theo đuổi giấc mơ chiến thắng một trong các môn tranh tài, của các vận động viên ngày một khó khăn hơn, vì sự khéo léo dẻo dai trong kỹ thuật trình diễn và thi đấu ngày một nâng cao hơn.

Năm nay khí hậu khắc nghiệt, thế vận hội cũng lận đận theo, nói theo kiểu các cụ thuở xưa là thiên thời địa lợi gặp hãm địa, không xem ngày mở hội và người tổ chức gặp tuổi khắc, năm xung vân vân, trong khi ban tổ chức thế vận hội cứ đúng tháng đúng kỳ mà làm, xong hội này đã biết quốc gia kế tiếp sẽ đăng cai hội kế tiếp.

Từ lúc bắt đầu đến nay thế vận hội mùa đông tròn trĩnh tám mươi sáu năm, khoảng thời gian này đủ để toàn thế giới tham gia ngày một đông hơn, nhiều môn thi hơn, nên thế vận hội bây giờ đã kéo dài thành mười bảy ngày thay vì chỉ có mười một ngày như xưa. Nhìn bảng tên các quốc gia thi đấu là tám mươi, các bộ môn thi lên con số 86 thay vì 38 trong thế vận hội năm 1986. Thế vận hội mùa đông còn được gọi là Thế Vận Hội của nhà giàu. Gọi thế này cũng đúng, vì ngay cả dân Mỹ khi đi trượt tuyết hay chơi các môn có dính líu đến tuyết đến băng đều than tốn tiền quá, nào là găng kính mắt giầy quần áo chống lạnh, phương tiện đến các nơi có tuyết để trượt thật là nhiêu khê. Các vùng mỗi năm đều có tuyết không kể, vùng nắng ấm phải đi hơn ba bốn tiếng, có người thuê hẳn một căn nhà mùa đông để có thể nghịch tuyết.

Vừa đến Mỹ mùa hè nắng ấm của người ta, mà mình thì bốn năm lớp áo, nhưng cũng thèm một lần nhìn tuyết, một lần được nắm tuyết trong tay, cho bõ những ngày còn ở Việt Nam gìn giữ những tấm hình tuyết trắng xóa trên ngọn thông, những tấm card được nhận từ Pháp từ Mỹ, ngay cả các tấm thiệp Giáng Sinh có gắn kim tuyến lấp lánh thay tuyết, nói ra nỗi thèm thuồng ấy thế là cậu bạn của cô em nhất định mời cả gia đình đi ngắm tuyết trên Reno. Đoạn đường không dài lắm, lúc ấy là cả một khung trời kỳ diệu, nào cây xanh đường đẹp, đến nơi bắt đầu có tuyết trải hai bên đường đã một hai đòi ngưng xe cho xuống. Cậu em tội nghiệp ngưng xe, giải thích là nơi này chưa có đẹp lắm đâu, đi thêm sẽ còn đẹp nữa, nhưng các con có vẻ mệt nên nài nỉ: “Nơi đây cũng đẹp lắm rồi!” Lần đầu tiên được vo tròn ba cục tuyết bằng trái banh, đứa nhặt cây, đứa lăng xăng tìm cách làm cho “em tuyết” có mũi có mắt. Đợi hoài không thấy tuyết rơi, cậu con trai hốt tuyết ném lên trời, để cô con gái chụp hình cho ba mẹ. Niềm vui hồn nhiên sung sướng.

Sau đó vài năm, được bạn bè cho đi theo đến Squaw trượt tuyết, cảnh đẹp hùng vĩ và tốn tiền thật, may mà chỉ mướn dụng cụ, ăn uống trên đỉnh núi có hồ tắm ngoài trời, gió lạnh lồng lộng mà người ta tỉnh bơ nhẩy vào bơi, nước được giữ ấm khỏang 80 độ F, bên trong là nhà hàng trang trí thật “đế vương”.

Tâm lý của các bà mẹ thường mong muốn con mình biết hết mọi thứ, từ âm nhạc đến thể thao, ai có gì cũng muốn con mình có, nhất là khi cha mẹ bị thiếu thốn càng cố làm sao cho con mình không bị thiếu giống mình, câu nói hay nghe từ các bậc cha mẹ: “Hồi đó nghèo thèm miếng kẹo không có, nay cho con ăn xả láng!”

Hỏi các con có muốn thử trượt tuyết không, các cháu thử chơi nửa ngày, sau đó tuyên bố một câu: “Chơi u mọi thích hơn!” có lẽ tại sống nơi khí hậu nhiệt đới quen, nhất là biết tuyết quá trễ nên các cháu không thích lắm, nhất là biết ba mẹ ky cóp để lo cho mình đi học đã khó, lòng dạ nào đòi thêm những niềm vui xa xỉ.

Xem trượt băng nghệ thuật (figure skating – ice dance – free dance) những cô gái chàng trai lướt như áng mây trên bầu trời trong vắt, cùng tiếng nhạc dặt dìu, lòng mình cũng muốn xoay theo họ, từng động tác đến ánh mắt nụ cười, khi xem lại phương pháp tập dượt, công khó của cha mẹ theo con bao tháng ngày, từ thuở chập chững đến lúc chen được vào hàng ngũ vận động viên không phải là dễ, thì giờ và tiền bạc, nhất là bao lần gẫy chân, long đầu gối. Thần đồng là cách gọi các em bé có tài đặc biệt, ở đây ngoài tài nghệ bẩm sinh còn phải có sự đam mê khi còn bé.

Mong có con là thần đồng, ép con thành thần đồng là điều không nên chút nào hết, triệu triệu người mới có được một. Ngắm thần đồng, ngắm những người có tài năng xuất chúng cũng là niềm vui cần gì phải có trong nhà?

Cô bạn bắt con tập múa ba lê một thời gian, sau đó cho con học đàn dương cầm, con lớn chút nữa ép con đi tập thể dục dụng cụ, leo trèo nhẩy lộn ngang lộn ngửa trên các con ngựa gỗ, cô con gái không thích chút nào hết, cô thích nằm nhà đọc sách Harry Potter mà không được nên mặt lúc nào cũng ủ dột cau có.

Lên được trung học cháu tự động bỏ hết mọi lớp mẹ bắt học, chỉ đến thư viện và về nhà. Cô bạn thất vọng quá nên một lần tôi ghé thăm , con gái cũng đang ở nhà, đem chuyện ra kể lể, cháu trả lời thản nhiên: “Con là người bình thường không là người xuất chúng, mẹ đừng bắt con phải nổi tiếng giống họ.” Câu cháu nói rất đĩnh đạc trước mặt mẹ và bạn của mẹ không biết có thay đổi gì được bạn tôi hay không, riêng tôi phục cô bé có cá tính mạnh mẽ, dám nói lên điều mình nghĩ để tránh cho mẹ những mơ ước hão huyền.

Người bước lên bục vinh quang, kẻ đi về trong thất vọng là chuyện bình thường trong các cuộc tranh đua, bao bậc sinh thành đã khóc òa nhìn con bước lên đài vinh quang, cũng bao bậc sinh thành mỉm cười khi con thất bại, nụ cười cảm thông chia sẻ an ủi để con tiếp tục tiến tới. Nước mắt của gia đình người Georgia đang là câu hỏi cho ban tổ chức thế vận hội kế tiếp, hình như trong 86 năm có hơn năm vụ tử vong, chuyện bị thương tật nhiều vô kể, vì nói đến mùa đông có nghĩa là nghịch tuyết, không đơn giản như làm thiên thần trên tuyết, làm người tuyết, mà người ta nghịch những trò chơi có tốc độ nhanh hơn trăm mét một giờ, lao xuống dốc có độ cao chóng mặt, phóng qua các chướng ngại vật để nhào lộn trên không – con người muốn được hòa nhập vào thiên nhiên, thách đố cha trời mẹ đất, cuộc sống đầy màu sắc, các cô cậu thanh niên bây giờ biết rõ mệnh trời hơn ông bà ngày xưa, nên một ngày sống là một ngày hạnh phúc, họ chẳng e ngại một sự gì, ngay cả sự chết.

Họ Nguyễn Lê Trần chưa thấy trong các cuộc tranh tài mùa đông, biết đâu vào thế vận hội kế tiếp nhỉ?

(copy từ autim.net)