Sau những ngày bão lũ, lụt lội, sụp núi kinh hoàng rồi đến những cơn rét hại ở miền Bắc trong những ngày đầu xuân này, tôi lại nhớ đến cái thân phận bé nhỏ của con người trước thiên nhiên, nhớ chừng nào lại thấy mình nhỏ bé hơn chừng nấy. Ấy thế mà lắm kẻ mới tìm ra hoặc cóp-pi đâu đó được đôi ba điều dở hơi gọi là phòng chống bão lũ, phòng chống thiên tai, đã vội loan tin rùm trời là đã biết cách khắc phục thiên nhiên, chống chọi được với thiên nhiên, làm như ta đã là người tài giỏi lắm, có khi huênh hoang coi trời bằng vung, nhưng thực ra đó là những tuyên bố lấy điểm, lấy tiếng trên truyền hình hoặc trước bàn dân thiên hạ để kiếm hoặc giữ lấy cái chức cái phận thôi, chứ khi quay về, chỉ nghe một luồng sét nổ ầm trên bầu trời thì kẻ ấy lại thu mình nhỏ lại như con kiến, miệng lầm rầm khấn vái Trời Phật Nam mô nam mô... Quả thật, đứng trước thiên nhiên, con người ta mới nhận ra được mình thật là nhỏ bé... nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta khoanh tay ngồi chờ, chúng ta vẫn biết được cái sự nhỏ bé của mình và vẫn phải tìm cách đối phó với cuồng phong bão tố, chứ đâu phải buông tay nhìn số phận, chỉ xin đừng có những tuyên bố hợm mình đòi đứng trên cả thiên nhiên, không dám đâu nhé! Vì chỉ có quyền lực siêu nhiên mới có thể đứng trên đất trời mà thôi. Nhắc đến đây tôi lại nhớ tới hai câu nói của hai phi hành gia cho cùng một hành động, một là của người vô thần và một là của người có đức tin. Số là khi lần đầu tiên con người bay ra được ngoài không gian, Yuri Gagarin, một người vô thần huênh hoang tuyên bố: "Thiên Chúa đâu? Tôi đã ra khỏi bầu trời mà có thấy Thiên Chúa của các người đâu nào?", còn John Glenn, một người có tín ngưỡng thì ông ta lại nói: "Bay ra đến đây, tôi thấy khung cảnh đẹp tuyệt vời, tôi càng cảm thấy khâm phục sự kỳ diệu của Tạo Hóa đã ban cho con người". Chỉ cần nói thế là đủ và không cần phải bình luận dài dòng thêm làm gì nữa. Trong những ngày miền Bắc giá lạnh khác thường như thế này, tôi lại nhớ đến mùa xuân năm xưa, cách đây hơn hai mươi năm. Ngày ấy chúng tôi còn trẻ và rất nhiệt tình với phong trào ca hát. Lúc ấy tôi là trưởng nhóm ca nhạc xung kích mà, thường rất khó khăn để tìm ra được bài hát mới, ca nhạc xung kích mà hát đi hát lại mấy bài cũ thì ai mà nghe cho? Vì vậy nên thường xuyên theo dõi ca khúc mới trên radio, bài nào hay thì thu vào cassette rồi ký âm lại, tập dợt và đem đi hát, nhờ vậy mà cái vốn nhạc lý và ký âm của tôi dần dần vững chãi là do ở thời gian khó khăn trui rèn này. Năm ấy chọn được hai bài: Mùa xuân đến rồi đó của Trần Chung và Gởi nắng cho em của Phạm Tuyên. Tất nhiên là rất nhiều, nhưng hai bài này lại sâu sắc và thấm thía hơn cả, nhất là bài Gởi nắng cho em, mãi đến tận hôm nay tôi vẫn hát và thành thực thú nhận là chưa hề thấy cái nốt nhạc bài này in ở đâu bao giờ, nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ quên được giai điệu và lời hát thiết tha trong thời điểm âm nhạc của chúng ta mới thoát ra khỏi dòng nhạc cứng nhắc để tiến dần đến dòng nhạc viết cho tâm hồn người: Anh ở trong này chưa thấy mùa đông. Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ. Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ. Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam. Đúng vậy, thiên nhiên hình như chia không đồng đều giữa hai miền Nam Bắc, mùa đông miền Nam trời vẫn nắng gay gắt, chả bù cho miền Bắc rét đậm, trâu bò ngã lăn ra chết hàng loạt, bao gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, chống chọi với giá rét và cả với cái đói. Muốn gởi ra em một ít nắng vàng, Thương cái rét người thợ cày thợ cấy. Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy, Có tình thương tha thiết ở trong này. Có muốn gởi thì cũng biết gởi làm sao đây? Giá như nắng mà chia được thì cũng cố mà chia ra ngoài ấy cho đều, để nồi cơm nhà nghèo vẫn còn được nóng, vẫn còn được đầy. Gởi nắng cho em Gởi nắng cho em Gởi nắng về Sưởi ấm những bàn tay... Vâng, may lắm thì cũng chỉ sưởi ấm được những đôi bàn tay thôi, miền Bắc giá rét ơi!
Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.