Mấy ngày nay cái chuyện thông tư 07 bàn luận hấp dẫn còn hơn điệp viên James Bond 007 nữa à nghen. Nhân đọc báo, thấy 2 ý kiến của 2 ông lớn trên báo mạng về vấn đề "Blogger sẽ bị liên lụy nếu để kẻ xấu vào nhà" nên mình cũng muốn ý kiến ý cò một chút cho nó xôm. Tại mình cũng là bờ-lốc-gơ mà! Hai bác ấy phát biểu như sau:
* Ông Lưu Vũ Hải (Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và Internet, thành viên ban soạn thảo Thông tư 07):
Chủ thể blog phải có biện pháp ngăn chặn những thông tin xấu hoặc hạn chế liên hệ với những trang xấu. Anh hoàn toàn có thể chọn bạn tốt mà chơi. Việc anh mở toang cửa nhà mình thì phải chịu trách nhiệm nếu để người xấu vào nhà mình vi phạm pháp luật. Anh không buộc phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của người khác nhưng anh hoàn toàn có thể lựa chọn tránh “quan hệ, tiếp xúc” với những người này.
Tất nhiên, việc xem xét mức độ vi phạm cũng như sự cố tình hay vô ý của chủ thể blog cũng sẽ quyết định khi đưa ra xử lý trường hợp cụ thể. Ở đây tập trung vào việc khuyến khích đi đúng đường và mỗi cá nhân phải biết mình nên làm gì, tránh điều gì.
Về nguyên tắc, văn bản pháp luật ban hành sau không thể hồi tố với hành vi và thông tin đã có trước đó. Tuy nhiên, nếu biết thông tin đã đưa trước đó là sai thì blogger nên chỉnh sửa và xóa những thông tin vi phạm. Giống như việc thu hồi những gì phạm luật. Blog là một loại “xuất bản” đặc biệt, hàng ngày vẫn cập nhật và mọi người vẫn có thể tiếp nhận thông tin như nó vừa mới ra đời.
* Ông Nguyễn Tử Quảng (Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Đại học Bách khoa Hà Nội):
Việc để một blogger “xấu” nhảy vào nhà mình comment thì chủ thể blog phải chịu trách nhiệm vì quy định đã giúp blogger tự biết nên chọn ai là bạn. Nếu biết những blog đen thuộc trường hợp “cấm kết bạn” thì chủ thể blog buộc phải lựa chọn “close comment” (từ chối chia sẻ, phản hồi - PV). Đó cũng là cách lựa chọn của chủ thể blog để tránh phiền toái.
Ở Việt Nam, việc quy định như vậy là cần vì không thể để người khác đưa một câu khẩu hiệu vi phạm pháp luật trước cửa nhà mình mà không bị liên lụy”.
Xin lạm bàn với hai bác một tí:
Viết blog là phải để public, đó là chuyện đương nhiên cần phải chứng tỏ để người khác biết rằng mình chẳng có gì sai quấy mà phải giấu diếm. Không những bạn bè mình mà bất cứ ai cũng có thể ghé vào viết nhận xét góp ý (comment), người xấu kẻ tốt là chuyện đương nhiên trong xã hội rồi, đó là quyền tự do của họ nếu ta đã chấp nhận set public cho blog, và đó cũng là niềm vui của blogger khi thấy bài viết của mình được nhiều người quan tâm. Việc ngăn chặn thông tin xấu comment trên blog mình như bác Hải nói là chuyện đương nhiên đối với một blogger có ý thức trách nhiệm. Đối với tôi, tôi sẽ remove các comments ăn nói thô tục hoặc vu khống cũng như cay cú chính trị bằng những từ ngữ bỉ ổi, còn những người chống đối hoặc phản bác lại tôi, tôi sẵn sàng giữ lại một cách trân trọng. Blog phải đa chiều chứ một chiều thì xin lỗi bác, có ma nó coi chứ ai mà thèm. Riêng cái cách giải quyết close comments như bác Quảng nói thì bó tay! Một chuyên gia như bác mà bảo viết blog lại không để cho người khác comment (close comment tức là set Just me trong post comment) thế thì viết blog làm chi hở bác? Pótay bác Quảng ơi...
Hai bác có blog không nhỉ? Nếu có thì giả dụ như một thằng vô lại nào đó nó spam vào blog của các bác một ngày vài trăm cái comments vi phạm pháp luật như bác nói thì sao? Bác đâu cấm nó được. Bác chỉ cấm nó bằng cách tự mình ngồi xóa từng cái hoặc phải đóng blog hay là đóng comment lại thôi. Mà nếu đóng lại thì những tư tưởng cao siêu của các bác viết ra làm sao phổ biến và chia sẻ với cộng đồng bloggers được nhỉ? Điều này rất có thể xảy ra, vì hồi này đã có autospam lung tung rồi. Nếu thế thì hai bác cũng phải chịu trách nhiệm à?
Nói thế để chứng tỏ là những điều trong thông tư ấy còn xa vời và lạ lẫm lắm. Hãy để các blog tự đào thải lẫn nhau, người tốt họ sẽ chọn bạn tốt, còn rác rưởi thì một lúc nào đó nó cũng sẽ triệt tiêu mà thôi.
Chỉ là một đôi điều góp ý, mong các bác xá cho...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.