Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Giáo dục công dân

Con người ta có thể trưởng thành về nhân cách từ một bài học rất nhỏ và đơn giản, nhưng con người chúng ta cũng có thể sụp đổ về tư tưởng cũng chỉ vì một việc rất nhỏ và rất tầm thường.

10ab Đã có lần con gái út của tôi xin ba mẹ mua cho con chiếc xe đạp điện, vì thấy hồi này học sinh sử dụng loại xe này nhiều lắm, khỏi tốn xăng lại nhẹ nhàng, con gái đi thấy thanh mảnh và dịu dàng lắm, chúng tôi nhẹ nhàng từ chối, bảo rằng con ơi, hãy nhìn xuống chứ đừng nhìn lên mà theo không kịp người ta đâu con, biết rằng con bảo con thêm tiền lì xì dành dụm của con hai năm nay gom vào cũng đã được hơn nửa chiếc, nhưng chúng tôi động viên cháu hãy đi xe đạp như những bạn con lâu nay, đạp xe nó cũng hay hay lại gần gũi bạn bè, mình có giàu có gì, với lại đi xe đạp cũng khỏe khoắn như tập thể dục vậy mà. Cháu cũng vui vẻ nghe lời mà không phiền trách gì, thỉnh thoảng cháu đi học thêm có khi xa quá hoặc tối quá thì tôi bảo lấy cái xe Chaly cà tàng kia mà đi, chỉ cần đội nón bảo hiểm là đủ, năm nay cháu học lớp 11 nên chuyện luật giao thông thì cháu cũng không xa lạ gì.

Chiều qua, vì trời nắng gắt và khô, cháu và các bạn phải lên trường trang trí cổng trại chuẩn bị cho ngày lễ Đoàn Thanh Niên 26/3 như mọi năm, cháu xin tôi lấy xe Chaly đi cho đỡ nắng, tôi để cho cháu đi và thấy cháu đội nón bảo hiểm đàng hoàng, thế mà khoảng một tiếng đồng hồ sau, tôi thấy cháu về nhà mặt cắt không còn một chút máu, tôi hỏi có chuyện gì thì cháu bảo là bị công an bắt xe và về lấy giấy tờ xe lên, cháu kể đang làm cổng trại thì thiếu đồ nên Cô chủ nhiệm sai cháu và bạn đi mua thêm giấy màu và các thứ. Vừa ra khỏi cổng trường độ vài chục mét thì hai anh công an núp gần đó ùa ra hùng hổ chận lại, vì cháu có đội nón bảo hiểm nhưng bạn cháu ngồi phía sau KHÔNG đội, cháu năn nỉ hết mức nhưng vì hình như sáng giờ hai anh công an này chưa bắt được ai nên nay vồ được con mồi nhí này thì khó mà tha được, cô chủ nhiệm cũng ra trình bày và năn nỉ nhưng vô hiệu. Cháu mang giấy tờ lên được một lúc thì gọi điện về báo là CA thả rồi, sau khi cô chủ nhiệm hỏi em có mang tiền theo không, đưa cho cô năm chục cô hối lộ họ là xong, cháu đưa cho cô và cô dúi vào tay 2 nhân viên công lực 1 tờ giấy năm chục nghìn đồng, thế là hai anh chàng hể hả chạy môtô đi mất.

Năm chục nghìn! Trời ạ! Cái giá của luật pháp của những người mệnh danh là nhân viên công lực rẻ đến thế sao? Tôi nghĩ giá như họ làm một tờ biên lai phạt 150 nghìn thì thà tôi tốn thêm tiền nhưng được cái giáo dục cho thế hệ trẻ biết luật pháp ngay thẳng và công minh ra sao, còn không thì tha hẳn đi, vì đường xá thị trấn vắng như chùa bà đanh, có gây mất trật tự giao thông hay đe dọa tính mạng ai trên một chiếc Chaly cọc cạch quăng giữa đường chưa chắc có ai thèm lấy, thế mà hai kẻ bảo vệ luật pháp kia đành lòng nào ngửa tay ra lấy năm chục nghìn của một con bé học sinh rồi dông thẳng, để lại cho những em học sinh kia cái bài học xấu xa về chuyện ăn của đút là chuyện bình thường. Thì ra những kẻ này chẳng phải đi thực thi công lý mà đang đi kiếm ăn.

Chưa nói đến đầu óc các em phần nào bị khủng hoảng vì nhận ra cái giá của xã hội sao tầm thường và lạnh lùng như thế. Tối đến cháu đi học thêm không dám chạy Chaly nữa mà đạp xe đạp, tôi hỏi vì sao thì cháu chỉ le lưỡi ra cười và lắc đầu. Thế đấy, chúng ta đang dạy cho con trẻ của chúng ta những bài học giáo dục công dân như thế đấy, chẳng trách gì hầu hết những kẻ cơ hội lúc trưởng thành cứ dấm dúi chạy vạy chỗ này chỗ nọ để mà tiến thân chứ chẳng phải bằng năng lực của chính mình. Hai anh công an kia ơi! Khi cầm trên tay tờ giấy năm chục kia anh có biết đã hủy hoại niềm tin nơi giới trẻ như thế nào chưa? Rồi đây chúng ta sẽ lấy gì mà gầy dựng lại niềm tin ấy? Mà muốn gầy dựng giờ đây e cũng chẳng dễ dàng gì, vì có thắp đuốc đi tìm khắp nơi cũng khó mà tìm ra được hai chữ Niềm Tin trong thời buổi xã hội nhiễu nhương này. Nghĩ mà buồn quá...

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

Mưu sinh thời khủng hoảng

Người dân đang hạnh phúc với cuộc sống, tại sao ngăn cản cái hạnh phúc được sống như vậy? Mọi quốc gia đều phát triển hợp lý hơn khi sự quan tâm thực sự hướng đến người dân...

theman Tình hình kinh tế toàn cầu đang suy thoái, vì vậy Chính phủ Việt Nam vẫn đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và tiếp tục có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ để bảo đảm nguồn thu và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thế nhưng bên cạnh những mục tiêu tươi sáng, vẫn còn đó những ảnh hưởng đang tạo áp lực trực tiếp lên các doanh nghiệp nhỏ và đời sống của người dân mà Chính phủ cần quan tâm hơn nữa. Đó là việc xây dựng và sửa chữa đường triền miên vẫn được tiến hành một cách chậm chạp và việc giải tán, xóa bỏ những gánh hàng rong trên đường phố.

Sự phát triển nhanh của kinh tế và dân số trong thành phố đang gây sức ép lớn lên nhu cầu nâng cấp hạ tầng giao thông. Người dân thành phố chắc hẳn rất vui mừng khi thấy ngày càng nhiều những dự án xây mới và mở rộng cầu đường, đặt hệ thống ống nước mới… Nhưng mừng chưa được lâu thì âu lo lại kéo dài vì ít có công trình nào hoàn thành đúng hạn.

Có những dự án làm đường chưa hoàn thành dù đã khởi công hơn một năm, có nơi hai năm như đường Trần Hưng Đạo đoạn từ quận 1 đến quận 5, đường Nguyễn Văn Trỗi quận Phú Nhuận… Công trình ì ạch, giao thông ách tắc đã đành, công việc kinh doanh của những cửa hàng, doanh nghiệp dọc các tuyến đường ấy bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn.

Tôi có dịp tìm hiểu các cửa hàng và cả những khách sạn lớn trên các tuyến đường đang thi công, được biết có những cửa hàng đã phải đóng cửa, khách hàng giảm nhiều hoặc không quay trở lại vì không ai thích mua sắm trong tình hình giao thông bất tiện, ô nhiễm không khí…

Hãy thử so sánh mục đích lao động của những người bán cà phê, bún, trái cây dạo trên đường và vỉa hè với những doanh nghiệp gian lận trốn thuế, hay những công ty mua bán hóa đơn giả để rút ruột Nhà nước. Mục đích của những gánh hàng rong là niềm hy vọng mỗi ngày kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Tuy mặt ngoài của hình thức buôn bán này nhỏ lẻ, không chuẩn mực, không quy củ, nhưng nó vẫn là những việc kinh doanh lương thiện, đáng được tôn trọng. Những dịch vụ bình dân tiện lợi này là một bộ mặt của xã hội Việt Nam, vừa được người tiêu dùng trong nước ủng hộ, vừa là một nét văn hóa sinh hoạt thú vị mà du khách nước ngoài quan tâm.

Nhiều lần, tôi được chứng kiến cảnh mọi người đang ngồi thưởng thức tô bún riêu hay ngồi đọc báo nhâm nhi ly cà phê vỉa hè, bỗng dưng có những tiếng ồn ào từ xa, rồi như một đàn ong vỡ tổ, mọi người nháo nhào bưng hết những gì có thể, bàn ghế, tô dĩa, thùng nước đá, kệ báo… tống vào một căn nhà nào gần đó hay chạy đại vô một con hẻm nào gần đấy để tránh bị tịch thu. Thực khách có người ngẩn ngơ tiếc bữa ăn dang dở, có người thản nhiên như không, kiên nhẫn đứng chờ một lát cho ồn ào qua đi rồi họ sẽ lại được phục vụ. Dịch vụ bình dân bị cấm như vậy nhưng phần lớn khách hàng thường xuyên của các quán vỉa hè lại là nhân viên văn phòng và công nhân viên chức.

Không chỉ là một mặt của đời sống xã hội, buôn bán hàng rong, vỉa hè còn là nguồn việc làm của người lao động. Họ không thể sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu nhưng những con người đang mưu sinh bằng gánh hàng rong đang sống một cách tốt đẹp nhất họ có thể. Chính phủ cần quan tâm hơn đến nhu cầu người dân ở cấp độ cá nhân và xã hội. Nếu tiếp tục để nạn đào sửa đường ảnh hưởng đến việc làm ăn buôn bán của người dân, lại thêm chính sách loại trừ dần hình thức buôn bán vỉa hè, thì Chính phủ đang làm cuộc mưu sinh của người dân trong thời khủng hoảng khó khăn hơn.

Người dân đang hạnh phúc với cuộc sống, tại sao ngăn cản cái hạnh phúc được sống như vậy? Mọi quốc gia đều phát triển hợp lý hơn khi sự quan tâm thực sự hướng đến người dân và mọi mặt đời sống của họ.

Theo DREW TAYLOR
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
(Q.A. dịch)