Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Người Việt chỉ dùng trí thông minh vào chiến lược tầm thấp?


Trần Thị Trường (Nhà văn)

Những thành phần ưu tú của xã hội chưa được chọn lựa đúng giá trị làm cho các chuẩn giá trị bị đảo lộn cũng là một nguyên nhân làm cho con người không phát huy tối đa hiệu quả sự thông minh vốn có của mình.

Người Việt có thông minh!

Còn nhớ những năm 80, tôi đang ở Sofia, những người Bulgari hay những người ngoại quốc sống ở đó bảo với tôi rằng, 1 người Do Thái thông minh bằng mười người châu Âu, nhưng 10 người Do Thái cũng chỉ bằng 1 người Việt Nam.

Cũng có người cho rằng đó là câu nói giễu cợt, cắt nghĩa sự ma lanh của người Việt trong các mánh lới buôn bán. Điều đó có nhưng không hoàn toàn.

Tôi đã thấy những ánh mắt khâm phục rõ ràng đối với các thợ hàn bậc cao của Việt Nam. Người Âu không thể hàn các mối hàn đứng (trong công nghệ hàn tàu thuỷ), cũng không thể xây tường đơn (chỉ có các viên gạch một -10 cm- chồng lên nhau, nối bởi các mạch vữa) mà không cần khuôn. Thợ xây người Âu xây tường nhà luôn có chiếc khuôn làm cữ, đặt vữa và viên gạch vào khuôn, rồi chờ một lát cho đủ kết dính, nhấc khuôn ra mới đặt viên khác. Hầu hết những thợ xây tay nghề cao của Việt Nam đều được ngưỡng mộ và được trả giá công cao khi người Âu thuê làm nhà.

Và tôi cũng đã nghe thấy sự trầm trồ của nhiều người trước những thợ thêu Việt Nam, thêu hai mặt như nhau những bức tranh lụa hết sức tinh tế và sinh động. Trong khi người Âu, muốn thêu phải có những tấm vải dệt sợi vuông, họa tiết chỉ được thêu bằng những đường kim mũi chỉ dựa trên những ô vuông nho nhỏ đó thôi.

Chưa kể đến người Việt học tiếng của nước sở tại, hay tiếng Anh đều nhanh hơn người các nước khác học tiếng Việt, hoặc tiếng Anh v.v...
Nếu ngần ấy chưa đủ để nói rằng người Việt là thông minh, là chẳng kém bất cứ sắc dân nào trên thế giới thì có thể kể thêm những ví dụ khác:

Năm 2004 đội tuyển Robocon FXR của Việt Nam đã đoạt chức vô địch châu Á tại Seoul. Tại cuộc thi đó, các bạn sinh viên của trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đã xử trí thông minh, khéo léo, vượt các đối thủ cực kỳ khó chơi như: Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... để đoạt chức vô địch robocon năm ấy.

Ngược thời gian, chúng ta gặp lại Đặng Thái Sơn với giải nhất cuộc thi piano quốc tế Fréderic Chopin 10.1980. Ông là nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải kỳ thi dương cầm nổi tiếng quốc tế. Năm 1999, ông là nghệ sĩ piano duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Fréderic Chopin.

Từng là giám khảo trong nhiều cuộc thi âm nhạc, nhưng Đặng Thái Sơn cũng chính là người Á Đông đầu tiên được chọn vào ban giám khảo Concours Chopin năm 2005.

Những bài trình diễn của ông thường là những bài nhạc dương cầm của Fréderic Chopin, hay là của những nhạc sĩ trường phái lãng mạn và ấn tượng, cũng như những bài nhạc hoà tấu dương cầm của hầu như tất cả những nhà soạn nhạc nổi tiếng ( Beethoven, Chopin, Schumann, Grieg, Mozart, Rachmaninov ...).

Ngoài Đặng Thái Sơn có thể kể đến những nghệ sĩ thành danh ở nước ngoài như: Pianist Nguyễn Bích Trà, anh em nhà Nguyễn Hữu Khôi Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam violinist,v.v.

Trong giới chính khách hay khoa học có những người như Philipp Roesler, sinh tại Sóc Trăng, được nuôi dưỡng và lớn lên ở Đức, giờ 36 tuổi, là Bộ trưởng Y tế Đức. Có những người như GS Ngô Bảo Châu, người trẻ nhất mang hàm giáo sư, hiện đang ở tuổi 36 được thế giới toán học bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu nhất (năm 2009), người đã thành công trong nghiên cứu công trình " Bổ đề cơ bản" Langland. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng học toán ở nước ngoài và hiện đang sống và làm việc ở Mỹ. Hay GSTS Đặng Lương Mô, nhà khoa học Việt nổi tiếng tại Nhật Bản về lĩnh vực vi mạch, sinh tại Hải Phòng, tốt nghiệp tiến sĩ tại Nhật năm 1968, tới nay có hơn 300 công trình nghiên cứu, có 10 bằng  phát minh sáng chế, là viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học New York từ 1992...

Một ví dụ tươi mới nhất đó là Alexandra Huỳnh, cô gái gốc Việt 17 tuổi, học từ bé ở trường Mỹ tốt nghiệp cử nhân. Tháng 10 tới sẽ lên đường đến ĐH Harvard để theo học bậc tiến sĩ về miễn dịch học.

Khó có thể kể hết ở đây những người Việt mà khả năng học tập, làm việc đã làm tên tuổi của họ được cả thế giới biết đến. Đó là những người Việt, mang dòng máu Việt và khả năng của họ khiến cho ta không còn nghi ngờ, không còn phải đặt ra câu hỏi người Việt ta có thông minh không.

Nhưng...

Chữ nhưng ở đây có nghĩa là, nếu người Việt thật sự thông minh như thế nhưng hiệu quả thực tế mà sự thông minh ấy đem lại là gì?

Trước hết có thể phải khảo sát đến hai từ "số phận". Số phận là hiện diện những chi phối nằm ngoài các quyết định chủ quan của con người (của cộng đồng hay quốc gia).

Những ví dụ kể trên cho thấy những con người thành đạt thường nằm ở ngoài biên giới nước Việt. Có nghĩa là họ thụ hưởng một môi trường sống khác với số đông đang sống trong nước. Cái môi trường đó bao gồm không gian sống được thiết lập ngăn nắp, sạch sẽ, phóng khoáng từ nhiều năm đến nay. Bao gồm các điều kiện xã hội xung quanh khá lý tưởng, được thiết kế bởi những con người có ý thức cao. Và tất nhiên còn nhiều điều khác nữa...

Những người Việt trong nước cũng thông minh như thế, cũng cần cù và giàu hoài bão như thế nhưng môi trường sống hiện tại của họ là một không gian đang phát triển (một không gian được tái lập sau những năm tháng chiến tranh) với muôn vàn ngổn ngang (chưa kể là phải đối diện thường trực với những yếu tố chưa hợp lý).

Không gian ngổn ngang, điều kiện xã hội cũng tương tự, những tinh hoa, tinh tế được tinh tuyển từ truyền thống cũng bị gián đoạn trong chiến tranh, khôi phục lại và phát triển lên không phải là chuyện dễ, một sớm một chiều. Thiếu tinh hoa, tinh tuyển, tinh tế thì trật tự xã hội khó ở mức ổn định, tất nhiên xuất hiện cảm giác bất an ở diện rộng. Chính cảm giác này làm nảy sinh tâm lý bon chen, giành giật, co cụm, xo xúi. Và từ đó, tầm nhìn bị hạn chế, khiến hành động sai lệch. Từ sai lệch nhỏ, dẫn đến sai lệch lớn.

Hệ quả là Việt Nam có số lượng không nhỏ hộ gia đình thu nhập dưới ngưỡng nghèo đói của Ngân hàng Thế giới (2 USD/ngày).

Ngoài ra còn nguyên nhân khác là sự chênh lệch đời sống giữa các khu vực (vấn đề công bằng xã hội) khiến cho con người trở nên bất mãn, tư duy hoặc trở nên trì trệ hoặc tê liệt sức sáng tạo.
Người phương Tây có câu: "Giá trị của định chế không phụ thuộc vào định chế nhưng phụ thuộc vào người áp dụng định chế đó". Hay nói cách khác, "giá trị của một tổ chức không phụ thuộc vào học thuyết mà tổ chức ấy theo đuổi nhưng phụ thuộc vào hệ thống người quản lý hệ thống ấy". Những thành phần ưu tú của xã hội chưa được chọn lựa đúng giá trị làm cho các chuẩn giá trị bị đảo lộn cũng là một nguyên nhân làm cho con người không phát huy tối đa hiệu quả sự thông minh vốn có của mình.

Đã 35 năm đất nước Việt Nam liền một dải, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng từ lâu, cùng khoảng thời gian ấy, Đức và Nhật Bản sau Thế chiến thứ II đã giàu lên nhanh chóng. Hay Hàn Quốc, sau chiến tranh Triều Tiên khoảng năm 1953, đến thập niên 80 đã trở thành một nước công nghiệp đáng nể mà thế giới cũng thường nhắc đến như một hiện tượng.

Còn Việt Nam? Phải chăng là vì bên cạnh các điểm yếu đã nêu ở trên còn một điều nữa là sự tự tin và niềm tin vào người khác của mỗi người Việt còn quá mỏng? Mỗi người chỉ sử dụng trí thông minh của mình vào một chiến lược ở tầm thấp và trong phạm vi hẹp nên hậu quả là sự thông minh ấy dường như, nói một cách thậm xưng, chỉ là giẫm đạp lên nhau? Người này tìm cách kéo người kia thấp xuống và chính mình cũng không phát huy được?

(Copy từ Vietnamnet)