Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Phong thủy là khoa học?

(copy từ blog của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn)

Mấy hôm nay bận đi công tác xa nên không cập nhật hóa trang blog. Hôm nay xong việc và có dịp bàn về một chủ đề có lẽ sẽ đụng chạm đến nhiều người. Số là hôm nọ đọc bài “Phong thủy là khoa học chứ không phải tín ngưỡng” tôi hơi ngạc nhiên. Hình như đâu có ai nói phong thủy là tôn giáo; chỉ có người cho rằng phong thủy không phải là khoa học mà thôi. Đọc qua bài viết này tôi không thấy người viết chỉ ra khía cạnh khoa học của phong thủy là gì. Chỉ có một đoạn chung chung như thế này: “Những phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy, Phong thủy là một bộ môn khoa học xác định sự phù hợp với cảnh quan môi trường, thiên nhiên hài hòa với cuộc sống con người, chứ không phải là loại tín ngưỡng bí ẩn.” Không thấy giải thích thế nào là khoa học cả!

Phong thủy, như chúng ta biết, là niềm tin cho rằng mỗi địa điểm có một năng lượng tự nhiên thiết yếu gọi là qi (hay khí), và các tòa nhà hay trang trí nội thất phải được bố trí sao cho hòa hợp với khí. Do đó, người ta mời các chuyên gia về phong thủy cố vấn cho cách đặt bàn ghế trong phòng với ước nguyện được dồi dào sức khỏe và … giàu có. Nhưng phong thủy không chỉ dừng ở đó, mà còn là những qui ước bố trí cửa, trồng cây, làm hồ chứa nước sao cho phù hợp với khí. Nghe nói ở các thành phố lớn như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, không một tòa nhà cao tầng nào mà không có sự cố vấn của các chuyên gia phong thủy. Ngay cả các tòa nhà ở các thành phố phương Tây như Vancouver, Toronto, San Francisco, Los Angeles và Sydney đều có sự tư vấn của các chuyên gia phong thủy nếu chủ những tòa nhà đó là người Hoa.

Quay lại chuyện khoa học: hai chữ “khoa học” thường nhận được nhiều sự kính mến trong công chúng. Ngay cả những người dù không am hiểu nhiều về khoa học cũng thấy có một cái gì đó đặc biệt trong khoa học và phương pháp khoa học. Chỉ cần đặt hai chữ “khoa học” vào trước một lời phát biểu hay một lí lẽ là người ta cảm nhận ngay rằng đây là những phát biểu hay lí lẽ có thể tin cậy được. Một quảng cáo về một sản phẩm hay hoạt động nào đó cho rằng đã được kiểm chứng bằng khoa học và cho thấy sản phẩm này tốt hơn các sản phẩm đang bày bán. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: thế nào là khoa học? Trả lời câu hỏi này cần cả chục cuốn sách, nhưng ở đây tôi bạo gan thử lí giải vài nét chính và đối chiếu lại với phong thủy xem nó có phù hợp với hoạt động khoa học hay không.

Nói một cách ngắn gọn, khoa học là tập hợp những phương pháp trí tuệ và phương pháp thực tiễn dùng để diễn tả và giải thích những hiện tượng quan sát được hay suy đoán được, trong quá khứ hay hiện tại, nhằm xây dựng một hệ thống tri thức mà chúng ta có thể bác bỏ hay xác nhận được. Khoa học là một phương pháp suy nghĩ và hành động nhằm vào mục đích hiểu và cảm nhận được thế giới chung quanh một cách trực tiếp hay gián tiếp, quá khứ hay hiện tại. Những phương pháp trí tuệ bao gồm linh cảm, ước đoán, tư tưởng, giả thuyết, lí thuyết, và mô hình. Những phương pháp thực tiễn bao gồm bối cảnh của nghiên cứu, thu thập dữ kiện, hệ thống hóa dữ kiện, cộng tác cùng đồng nghiệp, thí nghiệm, tìm tòi và khám phá, phân tích thống kê, viết báo cáo khoa học, trình bày trong các hội nghị khoa học, và công bố kết quả nghiên cứu.

Khoa học dựa vào sự thật (facts). Những sự thật phải được quan sát hay thu thập bằng những phương pháp khách quan. Khoa học dựa vào những sự thật có thể thấy, có thể nghe, có thể sờ được, chứ không dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận theo cảm tính. Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là sự thật có liên quan đến vấn đề đang được điều tra. Những sự thật này phải được thu thập (i) có tổ chức, trực tiếp, và khách quan; (ii) độc lập với lí thuyết; và (iii) một cách tin cậy để làm nền tảng cho suy luận. Tôi không thấy phong thủy có những đặc tính "sự thật" nào cả. Đi sâu và cụ thể hơn, chúng ta có thể so sánh vài đặc điểm của khoa học và phong thủy để rõ hơn như sau:
Đặc điểm thứ nhất của khoa học là công khai. Tất cả những phát hiện, khám phá của khoa học được lưu truyền chủ yếu trong các tập san chuyên khoa, những tập san này được giới chuyên môn quản lí và điều hành. Các báo cáo được chấp nhận công bố trong các tập san này đều được các đồng nghiệp kiểm tra về sự chính xác và phương pháp, bằng những tiêu chuẩn khách quan; do đó phẩm chất của chúng khá cao và đáng tin cậy. Còn đối với phong thủy, chúng ta không biết được chính xác những cách trang trí nội thất hay xây dựng nhà cửa theo phong thủy có thật sự có hiệu quả hay không. “Hiệu quả” ở đây là những “outcome” mà những người theo thuyết phong thủy tuyên bố như an bình thịnh vượng. Hầu như những bằng chứng về hiệu quả của phong thủy chỉ là những giai thoại, thậm chí huyền thoại, chứ chưa được phân tích một cách có hệ thống. Do đó, có thể nói rằng bằng chứng về hiệu quả của phong thủy không mang tính khoa học.

Đặc điểm thứ hai của khoa học là tất cả kết quả nghiên cứu đều phải có khả năng tái xác nhận (repeatability). Nói một cách khác, nếu giả có một nghiên cứu đã được công bố bởi một nhà khoa học nào đó; nếu một nhà nghiên cứu khác lặp lại nghiên cứu đó bằng những phương pháp và với điều kiện đã được mô tả, phải đạt được những kết quả tương tự. Còn phong thủy, chúng ta không biết kết quả có khả năng lặp lại hay được kiểm tra hay không. Như nói trên, những thành công của phong thủy, nếu có, thường được mô tả một cách mù mờ, ỡm ờ, để cố tình không cho người khác biết rõ là họ đã làm gì và làm bằng cơ chế nào.

Đặc điểm thứ ba của khoa học là logic. Khoa học thuyết phục bằng bằng chứng, bằng lí luận dựa vào logic hay lập luận của toán học, bằng cách dựa vào dữ kiện, không đi ra ngoài dữ kiện. Còn phong thủy thì hình như ngược lại: nó thuyết phục bằng niềm tin và những lí giải mù mờ, huyền bí. Ít ai biết khí là gì và tại sao sắp xếp bàn ghế trong nhà hợp với khí sẽ đem lại lợi ích sức khỏe cho chủ nhà, và nếu đem lại lợi ích thì cách giải thích là như thế nào.

Danh sách so sánh đặc điểm trên có thể kéo dài đến vô tận, bởi vì giữa khoa học thật khoa học dỏm không có một điểm nào tương đồng với nhau, nó giống như hai con đường song song không bao giờ gặp nhau. Trong việc tìm hiểu và học hỏi về thiên nhiên, khoa học thật và khoa học dỏm là hai phương pháp đối nghịch nhau. Khoa học thật đòi hỏi những phương pháp tìm hiểu nghiêm túc, có giả thuyết, có trình tự, khó khăn, tự chất vấn, và suy luận theo logic, theo lí trí, và đạo đức khoa học làm cho nhà khoa học rất khó bị nhầm lẫn trước sự thật. Còn khoa học dỏm thì ngược lại, luôn luôn gìn giữ những giá trị lỗi thời, phi lí, chủ quan, và có khi phi đạo đức khoa học hàng ngàn năm trước khi khoa học ra đời. Khoa học dỏm khuyến khích người ta tin vào bất cứ cái gì mà người ta cảm thấy cần phải tin. Khoa học dỏm sẵn sàng cung cấp những “bằng chứng” cho những tín đồ như thế để họ lầm tưởng rằng niềm tin của họ là khoa học, là chân lí. Khoa học thật bắt đầu bằng một phát biểu đơn giản là “Hãy bỏ qua và quên hết những gì chúng ta tin tưởng vào, và cố gắng điều tra, tìm hiểu xem sự thật là gì.”

Phân tích như trên để thấy rằng phong thủy có vẻ gần với pseudoscience hay khoa học dỏm hơn là khoa học thật.
NVT

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Quà Noel

quanoel

Không chỉ là trẻ con
Mới biết mong Ông già Noel về trong mùa đông buốt giá
Vì ước mơ trên đời này, ai mà không có?
Những kẻ lầm than, khốn khó, mệt nhoài...
Cả những tâm hồn rách nát tả tơi
Ai cũng mơ được có ngày trở thành con trẻ
Như những ngày ấu thơ được sờ vú mẹ
Tuổi thơ lung linh nhè nhẹ mảnh hình hài
Hạnh phúc lớn dần qua từng tiếng à ơi
Đời kéo ta về trong gió lốc
Trong đê mê trong chập chờn quay quắt
Tiếng thời gian nức nở đến rợn rùng
Nhìn lại mình, tóc đã điểm sương
Thế mà vẫn mong được thành con trẻ

Để làm bé ngoan đợi quà, trong lời ca khe khẽ
Đêm Thánh vô cùng nhè nhẹ giữa thinh không
Để treo tất và khấn nguyện trong lòng
Đêm nay thế nào Ông cũng đến
Quà của Ông không gói bằng giấy kiếng
Vì không ai dùng giấy gói niềm tin
Món quà bao la không giới hạn trong tim mình
Ai nấy đem về ủ ấp cho cuộc sống

Niềm tin ấy: - Có thể là một sự mơ mộng
Nỗi khát khao xanh thắm cuộc đời
Kéo tình yêu lại ấp ủ đôi tay
Nâng cõi lòng cho đời thôi trống vắng

Niềm tin ấy có thể là sự thứ tha vô tận
Cho ai đó lỡ dẫm phải cuộc đời mình
Cho ai đó lỡ cào nát con tim
Khiến nước mắt ta rơi, khiến lòng ta đau nhói
Món quà ấy như mặt trời chiếu dọi
Cho ta biết thứ tha, biết vươn tới vô cùng

Trong yên lặng đêm thánh thót ngân vang
Hòa với tiếng ca Bình an trên dương thế
Có tiếng Ông già Noel thốt lên dịu nhẹ:
- Quà của con chính là trái tim con.
Khi con biết mở rộng tâm hồn
Ấy là khi con cũng là một Ông già Noel rồi đó
Hãy gieo niềm tin trong những lúc khốn khó
Để biết yêu nhau, biết tươi nở nụ cười
Để giá rét đêm đông chẳng làm buốt được hồn ai
Vì trái tim con người đã nóng lên theo từng nhịp đập.
Dồn dập
Yêu thương
Cho đêm thánh vô cùng
Ngập bình an và hạnh phúc.

(Noel 2009)

Lại thêm một lệnh cấm... hài hước

camhon Chúng ta lại vừa được nghe sắp có một lệnh cấm được ban hành.....

Không phải lệnh cấm kẻ vẽ linh tinh trên các bức tường ở thành phố. Không phải lệnh cấm vứt rác ra nơi công cộng. Không phải lệnh cấm tuỳ tiện lấn chiếm vỉa hè bán hàng. Không phải lệnh cấm các cô gái mặc ba mảnh diễn trên màn hình tivi trong giờ trẻ em còn thức. Không phải lệnh cấm tự do đổ rác và san lấp hồ nước... mà là lệnh cấm hôn nhau ở một số nơi công cộng như Vườn Bách thảo chẳng hạn.

Lúc đầu, tôi tưởng đó là chuyện của mấy ông bà rảnh việc ngồi tán gẫu bịa ra. Nhưng cuối cùng thì là sự thật mà một số tờ báo đã nói đến. Lúc đó, mới giật mình thất kinh không làm sao hiểu nổi cái lệnh cấm này.

Mấy năm nay, chúng ta phải chứng kiến một số quy định "quái dị" và cười ra nước mắt. Ví dụ như quy định xe máy số lẻ đi vào ngày lẻ hay xe máy số chẵn đi vào ngày chẵn. Rồi thì xe máy có số đăng ký ở địa phương khác không được vào Hà Nội. Ngày ấy, tôi đã nghĩ đến việc xin nghỉ hưu non vì tôi sống ở Hà Tây lại làm ở Hà Nội thì không biết đi làm bằng gì khi mà đi xe buýt thì suốt đời bị phê bình vì đến muộn về sớm.

Và để mọi người phải chấp hành quy định này, chúng ta sẽ huy động hoặc tuyển thêm hàng vạn nhân viên đứng dọc đường để theo dõi những chiếc biển số và nhanh chóng tính nhẩm xem "thằng này" chẵn hay lẻ. Vô tình, hàng ngày chúng ta có hàng ngàn người là ít đứng trên phố mắt mở to không chớp và miệng lẩm bẩm: chẵn lẻ, lẻ chẵn. Quá kinh khủng.

Bạn đọc kính mến, cho đến bây giờ, tôi cũng không làm sao hiểu được trong trạng thái tâm thần nào mà người ta lại nghĩ ra cái quy định đó cho dù cuối cùng nó không được áp dụng.

Rồi mới đây, người ta lại ra quy định cấm những người có ngực lép điều khiển xe máy. Nếu lệnh đó được thực hiện thì bao chuyện khôi hài và tiêu cực sẽ xảy ra. Trước hết, chúng ta phải tốn kém rất nhiều để tổ chức người người, nhà nhà, ngành ngành... tiến hành đo vòng ngực. Thế rồi sẽ nảy sinh tiêu tực từ độn ngực bằng mút hay bông, rồi xin tăng vòng ngực. Rồi người ngực bé nhờ người ngực to đi đo hộ. Nhiều người lúc đó đã hình dung những cô gái hay những phụ nữ có kém vòng ngực một tí sẽ đến nhà những đo đạc viên dúi phong bì, phong bao miệng năn nỉ như khất nợ: "Em xin anh thương em, thương chồng con em, anh cho ngực em to lên một tí. Nếu không thì em chết mất".

Và đến bây giờ những đôi tình nhân đưa nhau đi chơi ở công viên hay vườn Bách thảo chỉ nhìn nhau hoặc cầm tay nhau chứ không được hôn. Rồi ở những nơi đó, chúng ta lại phải lập ra các "Đội chống hôn" ở những nơi quy định không được hôn. Thế là, bên cạnh các đôi tình nhân ngồi tâm sự là những kiểm soát viên chống hôn lượn lờ bên cạnh từ sáng cho tới khuya.

Các báo chí lại lao vào viết về chiến dịch chống hôn và liên tục đưa tin: "Riêng ngày hôm qua, ngày 8 tháng 3, đội chống hôn số 9 ở vườn Bách thảo đã bắt quả tang 101 đối tượng hôn trộm. Các đối tượng này đã phải ký vào biên bản thưa nhận hành vi sai trái của mình và sẽ bị xử lý hành chính".

Sẽ là như thế. Thực tế phải là như thế chứ không phải chuyện viễn tưởng.

Những đôi trai gái hôn nhau là một hình ảnh đẹp. Nụ hôn từ thuở con người có tình yêu đã mang một biểu tượng đẹp của tình yêu con người. Ngày xưa các cụ không hôn nhau trước người khác. Đấy là tục lệ thời phong kiến. Cũng như ngày xưa làm gì có chuyện một quốc gia tổ chức chấm thi các cô gái có ba vòng đo tiêu chuẩn rồi mặc áo tắm phơi ra trước thiên hạ ở sân khấu và trên tivi với những bài diễn văn trang trọng về những cô gái và nhấn mạnh: "Họ đã mang đến cho chúng ta vẻ đẹp thân thể tuyệt mỹ với những đường cong chết người".

Nhưng bây giờ, cuộc sống được mở ra nhiều vẻ đẹp. Tất nhiên không phải hôn nhau ở bất cứ nơi nào thì cũng là đẹp. Nhưng hình ảnh một đôi trai gái hôn nhau dưới một gốc cây là một hình ảnh đẹp.

Tôi đồng ý ở một số nơi công cộng trong thành phố có những đôi tình nhân đã có những hành động làm xấu đi vẻ đẹp và sự trang trọng của những nơi công cộng đó. Chúng ta phải giáo dục cho con người từ khi còn ngồi ghế nhà trường về những vẻ đẹp của văn hoá để họ tự thân biết xử sự như thế nào cho đẹp nhất và văn hoá nhất. Chứ thấy điều gì đó chưa phải mà lại ra lệnh cấm như cấm xe lẻ không được đi ngày lẻ, cấm ngực không to không được đi xe máy hay cấm những đôi tình nhân hôn nhau trong công viên... thì cấm cả đời.

Tất nhiên nếu những người có quyền vẫn cứ ký vào những quy định hay lệnh  này thì người dân cũng phải... chịu. Nhưng qua các quy định hay lệnh cấm kiểu tôi vừa nói đủ cho chúng ta biết đội ngũ những người tư vấn cho các cơ quan quản lý nó ở trình độ như thế nào rồi. (Thở dài).

Nguyễn Quang Thiều
(http://www.tuanvietnam.net/2009-12-20-lai-them-mot-lenh-cam-hai-huoc)

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Thư tay - tờ giấy có sức nặng

(http://tuanvietnam.net/2009-12-13-thu-tay-to-giay-co-suc-nang)
Trần Trọng Thức - 14/12/2009

Có một loại giấy, tuy không được dùng làm phương tiện thanh toán nhưng lại có khả năng tạo ra nhiều của cải tiền bạc và cả thế lực.

Những ai tôn sùng sức nặng của tờ giấy bạc có lẽ sẽ cảm thấy thất vọng mỗi khi nghĩ đến một loại giấy khác, tuy không được dùng làm phương tiện thanh toán nhưng lại có khả năng tạo ra nhiều của cải tiền bạc và cả thế lực - đó là những bức thư tay. Tuy không in ấn chi li, không dấu tròn dấu vuông, có khi trên đó chỉ vài dòng viết vội vàng, vậy mà những bức thư tay lại có sức nặng ngàn cân, nhất là khi được gửi đến đúng địa chỉ.

Ở nước ta, trong thời kỳ bao cấp, loại thư tay ấy tuy khá phổ biến, nhưng cũng chỉ nhằm giải quyết những vướng mắc trong phạm vi các mối quan hệ giữa cơ quan này với cơ quan khác. Lợi ích cá nhân có dính vào đây cũng chỉ ít thôi, nghĩa là ở mức độ có thể... thông cảm được.

Từ khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, luật pháp đã có phần chặt chẽ, quyền hạn được phân bổ khá rõ ràng, ý thức về cái chung cái riêng rạch ròi hơn trước, vậy mà những bức thư tay vẫn còn đất sống, nếu không muốn nói là sống mạnh.

Thư tay có trọng lượng nhờ văn phong thường nhẹ nhàng, không nặng phần "can thiệp thô bạo" và đặc biệt không hề mang tính chất chỉ thị thường có của cấp trên. Thế thì sức nặng những bức thư tay nằm ở đâu? Ở chính vị trí quyền hành của người viết. Nó sống được do đâu? Chính là do phép nước chưa nghiêm.

Nguyên giám đốc Sở nhà đất một thành phố lớn trước đây có lần than phiền rằng ông ta đã quá mệt mỏi vì những bức thư tay. Chính vì vậy mà hàng mấy chục lá thư do cấp trên thân ái gửi đến đều được ông lưu ý cất giữ, vì nghĩ rằng biết đâu sẽ có lúc cần dùng đến. Bởi trong chừng mực nào đó, tờ giấy với vài dòng chữ viết vội đôi khi lại có hiệu quả hơn lời bào chữa hùng hồn của luật sư trong việc làm nhẹ đi phần nào - hoặc tất cả - sai phạm của ông do phải thỏa mãn yêu cầu các nội dung của những bức thư tay.

Lại có những bức thư tay chỉ mang tính chất... tình cảm cá nhân. Tuy nhiên, một cán bộ dưới quyền làm sao có thể từ chối khi nhận bức thư tay từ người có quyền quyết định số phận của mình, được viết với lời lẽ ngọt ngào rằng "Mong anh xem con tôi cũng như con anh, để hết lòng hỗ trợ cho sự nghiệp của cháu". Sự nghiệp đó có khi là một gói thầu xây dựng, một hợp đồng khai thác tài nguyên hay một thương vụ béo bở...
Cũng có những bức thư tay làm sai phạm chính sách của nhà nước ở qui mô lớn. Một quan chức, nguyên là thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, đã có lần than vãn rằng nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thu hồi đất đai cấp sai qui định, lý do là phải chịu áp lực từ những bức thư tay can thiệp của các cơ quan cấp trên.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, đã rất tinh tế khi nhận xét rằng thư tay có ba loại khác nhau: từ dưới lên, từ trên xuống và thư tay hàng ngang. Theo ông, thư tay từ dưới lên sẽ làm mất đi cơ hội của người khác, thậm chí có thể khiến cấp trên đánh giá sai đối tượng và có những quyết định không đúng. Thư tay từ trên xuống nguy hiểm hơn bởi đây bỗng trở thành mệnh lệnh bất thành văn, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm trạng người nhận thư. Đặc biệt, nhiều trường hợp cấp dưới đã bỏ qua những quy trình, thủ tục hành chính để thực hiện thư tay của cấp trên khiến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thư tay đi ngang thì lại hình thành câu chuyện "có vay, có trả".

Sự dính dáng tiêu cực của không ít quan chức Nhà nước trong các vụ án gần đây lại một lần nữa báo động về mức độ nguy hại của thư tay. Chẳng hạn trong vụ tham nhũng hơn 14 tỷ đồng bằng cách nâng giá thành in niên giám điện thoại và các ấn phẩm khác của một số bưu điện tỉnh thành phía Bắc, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều thư tay môi giới làm ăn của các quan chức nhà nước.

Thư tay ban đầu chỉ là kẽ hở của pháp luật nhưng rồi sau đó trở thành một vũ khí sắc bén trong các mối quan hệ làm ăn. Nói không quá đáng, trong một số trường hợp thư tay còn là lợi thế kinh doanh của không ít đại gia, qua đó họ trở thành những doanh nhân thành công mà không cần đến tài năng.

Có lẽ ai cũng dễ thấy thư tay là thứ vô trách nhiệm với luật pháp, vậy mà nó vẫn tồn tại một cách bình thường trong một xã hội pháp trị, vượt lên những qui định bảo vệ tính công bằng xã hội.

Trong nhiều trường hợp, thư tay được xem là dấu hiệu vi phạm luật pháp, thế nhưng đến nay luật pháp của chúng ta cũng chưa có điều khoản nào... cấm ai đó viết thư tay. Chính phủ đã từng ra nhiều chỉ thị loại bỏ nhiều loại giấy tờ, nhưng không thấy đề cập đến việc loại bỏ thư tay, mặc dù có những bức thư tay là thủ phạm làm mờ nhạt cố gắng của chính phủ về cải tổ hành chính.

Mong sao Chính phủ sớm có một văn bản pháp qui để vô hiệu hóa sức nặng của những bức thư tay.

Trần Trọng Thức

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Thật hay giả nhỉ?

hoaquynh Sáng nay tôi nhận được file nhạc MP3 Khúc Nguyệt Cầm của chị Như Hoa Ấu Tím từ nước ngoài gởi về, đây là ca khúc do tôi phổ nhạc từ một bài thơ của Dạ Quỳnh Hương mà tôi đã có lần giới thiệu trên một entry khác trước đây. Nghe qua bài hát, tôi cảm thấy có một sự rung cảm nào lạ lắm. Chẳng phải là vì nhạc hay, hoặc là bài thơ hay, hoặc là ca sĩ thể hiện hay khiến tôi phải rung cảm như vậy đâu, hay dở gì thì tùy người nghe nhận định chứ mình không dám, nhưng sự rung cảm ấy nó bùng lên bất chợt rồi thấm nhè nhẹ vào đầu óc, từ đó mà tôi nhận ra rằng, sự rung cảm có được chính là cái THẬT trong cuộc đời, chính là mối dây tinh thần liên kết giữa 3 con người chẳng hề biết mặt nhau, cũng chẳng hề nói chuyện qua điện thoại lần nào, nhưng sao lại nối kết thực sự thành một file nhạc MP3 giàu cảm xúc, hóa ra thì không gian ẢO này nó THẬT ghê bạn à.

Cái file nhạc MP3 đó chính là sự xác nhận của ba con người: Đầu tiên là Nhà thơ Dạ Quỳnh Hương, tức blogger Hương Thời Gian không biết ở Saigon, Huế hay Hà Nội? nhưng chị vẫn hiện diện trên không gian mạng rất gần gũi với chúng ta, kế đến là tôi, tôi thì không giấu diếm tông tích chi được rồi, vì cái quép-xai hunglandesign chấm còm nằm chình ình trên mạng, địa chỉ và số phone của tôi cũng nẳm đó luôn nên chỉ biết tôi là Papillon cũng đủ rồi, người thứ ba là chị Như Hoa Ấu Tím, chị là dân Đà Lạt, là người học cùng thời với tôi, cùng sống một quãng đời sinh viên với tôi trước ngày giải phóng nên biết nhau khá rõ qua blog Yahoo!360 ngày xưa và cả trên Wordpress, ngoài giọng hát ra, chị Ấu Tím còn sáng tác nhạc, viết văn, viết blog và làm nhiều công tác xã hội ở bên kia bờ đại dương. Ba con người chẳng hề thấy mặt, nhưng lại thấy... giọng qua bài hát mà tôi xin hân hạnh được giới thiệu dưới đây, như là một minh chứng cho cái THẬT trên không gian ảo lạnh lùng này. Dạ Quỳnh Hương sáng tác bài thơ, Papillon phổ nhạc và chị Ấu Tím thể hiện bằng giọng hát, thế là chúng ta có được một kết quả rất thật, một sự thật thấm đẫm tình người và tình bè bạn. Cũng đâu phải dễ có nhỉ?

Đời bây giờ lắm thứ ngụy trang và giả dối. Tôi sống hơn nửa thế kỷ rồi nên nhận ra điều này rất rõ, tuy nhiên tôi không bi quan, rất nhiều entry trước đây tôi viết tôi cũng vẫn lập lại điều này, ngay từ bên Yahoo360 khi xưa tôi cũng có một thứ rất quý giá, đó là Niềm tin vào Con người. Nay cũng như thế thôi, tôi cho rằng cái niềm tin ấy như một món quà của không gian mạng gởi đến cho chúng ta, nhưng vì sao tôi dám quả quyết hay khẳng định niềm tin ấy có? Tôi cho rằng có, vì chính ta hãy Thật đi, thì người khác cũng sẽ Thật với ta thôi, và thế là cái niềm tin ấy tự nó sẽ hình thành trên mỗi cái thật của con người, tất nhiên không phải là hoàn toàn, nhưng hãy biết đón nhận từ những thứ rất nhỏ, những niềm tin rất bé, lúc đó chúng ta sẽ ngẫm ra rằng suy cho cùng thì cuộc đời không đến nỗi giả trá tới mức cuồng điên, mà bên cạnh những sự giả trá ấy vẫn còn những niềm tin rất thật, như hương hoa của lòng người vậy.

Vậy thì để trả lời cái tựa đề tôi đặt kia là thật hay giả, xin mời bạn hãy nghe ca khúc này nhé, cả ba chúng tôi đều đồng ý đổi tên lại là Khúc Nguyệt Cầm, cho khỏi trùng với Nguyệt Cầm của Cung Tiến. Với lại cái tên Khúc Nguyệt Cầm này thì cũng chính tác giả bài thơ đã đặt tựa cho entry hôm trước của mình như vậy rồi mà. Nghe qua ca khúc, có thể là chưa hay chưa chuẩn lắm đâu, tuy nhiên tôi thấy rõ ràng chị Ấu Tím (ca sĩ Như Hoa) đã diễn tả khá thành công câu "Nguyệt cầm nức nở cung tống biệt" của Dạ Quỳnh Hương, vì nghe xong, quả nhiên, thấy nức nở cho một kiếp hoa quỳnh là vậy.

Nghe bài hát tại link dưới đây:
http://www.esnips.com/doc/8c2e6e9c-57b4-4bd3-a4b0-8735d3850ed1/khucnguyetcam

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Một bức thư chân tình

Kính gởi anh Nhà Nước

Trước hết, xin phép anh cho chúng tôi gọi cái tên nghe chung chung và cũng rất lãng nhách này, vì không có cái anh nào trên đời mang tên Nhà Nước cả, nhưng lạ một điều là cái anh ấy luôn hiện hữu trên quá trình lướt web của chúng tôi mới lạ chứ, mà anh giấu mặt, giấu tông tích hay sao khiến chúng tôi mầy mò với đại ca Gúgờ một buổi để tìm anh mà không thấy, nhưng chúng tôi biết anh có, anh đang ở bên cạnh chúng tôi, thậm chí anh rất thương chúng tôi, sợ chúng tôi đi đàng trái nên anh sửa đường lại để chúng tôi đi cho thẳng cho ngay. Thưa anh, cái việc sửa đường của anh chúng tôi rất hoan nghênh, nhưng chỉ xin anh hãy để chúng tôi yên, đừng bít lối này chận lối khác nhập nhằng làm chúng tôi mất ngủ, ai đời tìm đến người bạn xem mẹ anh ta hôm nay khỏe chưa, tìm đến một cháu gái để hỏi chừng nào cháu đám cưới, thế mà anh chặn trước chặn sau, chúng tôi mệt mỏi với anh quá, ba cái đồ ba-ri-e của anh chúng tôi có xa lạ gì trên cái mạng In-tờ-nét toàn cầu này hả anh? Chúng tôi muốn trao đổi, chúng tôi muốn yêu thương, chúng tôi muốn chia sẻ, thế mà sao khó quá vậy anh? xin anh hãy để chúng tôi yên để tìm đến nhau, chia ngọt xẻ bùi trong cái thời thế hỗn mang và nhập nhằng này, chúng tôi có làm hại ai đâu? Thế mà mỗi lần vào Net, trèo lên trèo xuống làm chúng tôi muốn đứng tim, và buồn! Buồn vì chúng ta có tự do nhưng bị một hai cái anh ba-ri-e giấu mặt khiến chúng tôi xấu hổ quá. Đất nước độc lập rồi, mọi người hạnh phúc rồi. Xin anh hãy để chúng tôi nhấm nháp một tí hạnh phúc nhỏ nhoi mà chúng tôi đang có.

Quên cái vụ chặn bít đi anh, ba cái đồ đó là đồ bỏ, là thứ rỗi hơi, mất công chúng tôi phải leo trèo mệt lắm. Tự do là quyền hiến định của mỗi con người, chứ không phải leo trèo như chúng tôi mới có tự do đâu anh. Chúng tôi đang yêu đất nước mình, hãy để chúng tôi vững tin với niềm tin yêu ấy, anh nhé!

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Thời của thánh thần

(copy từ blog của GS. Nguyễn Văn Tuấn)

Đôi khi máy bay hoãn chuyến cũng có cái … lợi. Đó là trường hợp của tôi ngày hôm qua, sau khi xong hội nghị ở Melbourne tôi và vài bạn vội vã bay về Sydney để còn kịp có một ngày nghỉ Chủ nhật. Thay vì bay lúc 6 pm, hãng hàng không bảo là máy bay đến trễ nên phải chờ đến 8 giờ tối. Thật ra, họ “xạo” thôi, chứ chẳng trễ gì cả. Lí do đơn giản là họ thấy chuyến bay 6 pm có ít khách quá, nên họ dồn lại cho chuyến bay 8 pm để bay một chuyến, vừa tiết kiệm xăng dầu, vừa gọn nhẹ, và đương nhiên là lời nhiều hơn. Mấy hãng hàng không bây giờ là thế cả.

Nhưng còn hành khách như tôi thì phải hứng chịu sự tiết kiệm của họ. Ui chao, phải làm gì trong cái thời gian 2 giờ ở cái phi trường buồn tẻ này? Nhìn quanh mấy nhà hàng toàn là loại “fast food giết người”, mới nhìn qua dầu mỡ đã phát ngán. Mấy tiệm bán sách thì giá tận mây xanh! Loay hoay một hồi, tôi chợt nhớ mình có đem theo cuốn tiểu thuyết Thời của thánh thần mà tôi chưa đọc hết trong chuyến bay từ Sài Gòn về Sydney trước đây. Suốt gần 4 giờ liền chờ máy bay và đi máy bay, tôi đọc ngấu nghiến cuốn tiểu thuyết hấp dẫn này. Gấp lại cuốn sách, nghĩ mình đã học được cái gì về chuyện nhân tình thế thái, ý nghĩa của tác giả muốn nhắn gửi là gì, văn chương ra sao, v.v… cứ quay quẩn trong đầu. Thế là sáng nay tôi vội viết vài hàng để cứ như xem là nhật kí vậy …

thoicuathanhthan Thời của thánh thần (TCTT) là sáng tác của Nhà văn Hoàng Minh Tường (hình như là người Hà Nội) mới được Hội Nhà Văn in vào quí III/2008 thì đã bị thu hồi. Phải nói rằng lệnh thu hồi càng làm cho tôi tò mò và tác giả nổi tiếng thêm. Thế là trong chuyến về quê vừa qua, trong thời gian ở Hà Nội tôi cố tìm cuốn sách cho được. Các bạn ngoài đó dù hứa là sẽ tìm ra nhưng mãi đến khi tôi lên máy bay vào TPHCM mà vẫn chưa có. May mắn thay, một anh bạn văn ở TPHCM có nhã ý cho tôi đọc cuốn sách này. Cuốn này anh mua khi sách mới ra lò, bìa màu xanh và đen. Phía sau có trích dẫn vài phê bình (khen) của các nhà nghiên cứu văn học và nhà văn. Nhìn vào phía trong thấy người biên tập là Nhà văn Trung Trung Đỉnh, cũng là một trong những người tôi hay đọc. Chà, điệu này chắc Trung Trung Đỉnh cũng bị “hỏi thăm” quá.

Cầm cuốn tiểu thuyết dầy cộm gần 650 trang giấy tôi cũng … nao núng, vì muốn đọc hết cũng chiếm nhiều thời gian chứ đâu phải chuyện đùa, mà thời gian thì tôi lúc nào cũng thấy eo hẹp. Nói vậy thôi, trong quãng đường TPHCM – Sydney, tôi cũng “ngốn” trên 400 trang sách. Nói như thế để các bạn thấy cuốn tiểu thuyết có nhiều tình tiết hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. (Lại quảng cáo cho bác Hoàng Minh Tường!)

Câu chuyện Thời của thánh thần

Không gian của TCTT là một làng quê ngoài Bắc có tên là làng Động, huyện Phương Đình, tỉnh Sơn Minh. Thời gian của những câu chuyện trong TCTT kéo dài từ thời kháng chiến chống Pháp, Cải cách ruộng đất, đến giải phóng miền Nam năm 1975, và những biến động lớn sau cái thời điểm lịch sử đó. Bối cảnh của TCTT là những câu chuyện đau lòng (vâng, chỉ có thể nói là “đau lòng”), những mâu thuẫn mang màu sắc đạo đức, xã hội và chính trị trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tác giả hình như muốn giải phẫu lịch sử nước nhà trong thời gian đầy biến động đó qua những xung đột trong một gia đình Việt Nam.

Đó cũng là một điều thú vị, bởi vì trong tiểu thuyết TCTT là tác giả không dựng một nhân vật chính; toàn bộ cuốn tiểu thuyết chỉ xoay quanh gia đình họ Nguyễn Kỳ. Ông Nguyễn Kỳ Phúc (còn gọi là ông Cử Phúc) có 4 người con ruột: Kỳ Khôi, Kỳ Vỹ, Kỳ Vọng, và cô con gái Kỳ Hậu. Ngoài ra, ông còn có một người con nuôi là Nguyễn Kỳ Quặc. Vì Kỳ Vọng và Kỳ Quặc sinh cùng năm, và sợ khó nuôi nên ông Cử Phúc còn đặt tên cho hai đứa là Vện và Cục! Do đó, Kỳ Quặc còn có tên là Kỳ Cục.

Cho đến ngày ông Cử Phúc qua đời, không ai biết cha mẹ ruột của Kỳ Quặc là ai. Thật ra, Nguyễn Kỳ Quặc là con của bà Đào Thị Cam. Bà Cam là một thiếu nữ xinh đẹp nhất làng, bị tên đồn trưởng lai Tây Trương Phiên làm nhục, mang thai, và hạ sinh ra nó, rồi bỏ trong một bụi cây. Đến khi bà cử Phúc đi qua đường thấy được rồi mang về nuôi và xem như là một đứa con trong nhà. Kỳ Quặc được ông bà Cử Phúc xem như con ruột, bình đẳng với các anh em khác, thậm chí còn được ưu tiên vì sự bất hạnh của Kỳ Quặc.

Sau vụ bị làm nhục, Đào Thị Cam bỏ vào chùa đi tu với pháp danh Đàm Hiên. Nhưng sau đó, Đàm Hiên bỏ tu và theo kháng chiến, rồi trở thành một cán bộ cao cấp trong phong trào phụ nữ. Trong thời gian theo kháng chiến, Cam yêu một đồng chí của mình có tên là Lê Thuyết. Hai người chưa kịp thành hôn thì Lê Thuyết hi sinh trong một trận đánh Tây. Lúc bấy giờ, Cam đã là một cán bộ lãnh đạo huyện và hay giả trang đến nhà ông Cử Phúc để thầm kín thăm con.

Nguyễn Kỳ Khôi thoát li gia đình đi theo cách mạng (Việt Minh) từ năm 15 tuổi. Trong môi trường kháng chiến, Kỳ Khôi trở thành một cán bộ xuất sắc, lập được nhiều công trạng và được cấp trên ưu ái. Tổ chức quyết định đặt tên mới cho Kỳ Khôi là Chiến Thắng Lợi.

Kỳ Khôi lần đầu gặp Đoàn Thị Cam thì mê mẩn tâm hồn, dù Cam lớn hơn Kỳ Khôi vài tuổi. Sau khi kháng chiến thành công, Kỳ Khôi và Cam lại gặp nhau ở Hà Nội. Hai người trong tình cảnh “tình trong như đã mặt ngoài còn e” gặp nhau trong ngày vui của cách mạng, họ kéo nhau đến phố Phương Đình và sống như hai vợ chồng trong ba ngày liền. Kết quả của ba ngày là một bào thai, và sau này Cam đặt tên là Lê Kỳ Chu. Cam đặt họ Lê để qua mắt Tổ chức rằng đó là con của Lê Thuyết, chứ không dám đặt họ Nguyễn Kỳ, bởi vì nếu như thế là … mất đạo đức cách mạng. Trong một thời gian dài Kỳ Khôi (hay Chiến Thắng Lợi) không hề biết mình có con là Kỳ Chu!

Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, một số lớn người công giáo, dưới sự kích động và tuyên truyền của thực dân Pháp rằng Chúa đã vào Nam, bỏ theo vào Nam. Nguyễn Kỳ Vọng lúc đó ở Hà Nội và có quen một gia đình Công giáo cũng mạo hiểm theo gia đình này vào Nam. Nguyễn Kỳ Vọng từng đỗ bằng Thành Chung trước đây, giỏi Pháp văn, được chính quyền Ngô Đình Diệm trọng dụng, cho đi học ở Mĩ và tốt nghiệp kĩ sư công chánh. Sau khi về nước, Kỳ Vọng được bổ nhiệm làm trưởng ti công chánh. Ở trong Nam, Kỳ Vọng lập gia đình, có con ngoan vợ đẹp, và thành đạt trong nghề nghiệp.

Trong khi đó, ở ngoài Bắc, Nguyễn Kỳ Vỹ cũng thoát li gia đình theo cách mạng. Kỳ Vỹ có tài viết văn làm thơ, và dưới sự hỗ trợ ngầm của người anh Chiến Thắng Lợi trở thành một nhà văn sáng chói trên văn đàng. Kỳ Vỹ nổi tiếng với tập thơ Thời của thánh thần, qua sự lăng xê của cán bộ quản lí văn hóa là Ngô Sỹ Liên (bí danh Tư Vuông). Khi đoàn quân chiến thắng về tiếp quản thủ đô, Kỳ Vỹ tình cợ gặp và yêu một người con gái đẹp như trong tranh tên là Đào Trinh Khiêm, ái nữ của một gia đình giàu có ở Hà Nội. Trinh Khiêm cũng rất yêu thơ của Kỳ Vỹ, nên hai người rất tâm đầu ý hợp với nhau. Mặc cho những “đấu tranh giai cấp” và cảnh cáo của Tổ chức, Kỳ Vỹ nhất định thành hôn với Trinh Khiêm.

Nhưng người anh Chiến Thắng Lợi lại còn nổi tiếng hơn trên trường chính trị. Thắng Lợi lúc tiếp quản thủ đô là một thủ trưởng quan trọng trong guồng máy chính quyền cách mạng. Do có quan hệ với một người con gái dân tộc Tày tên Là trong thời đóng quân ở Sơn La, nên trên đường về Hà Nội, Tổ chức buộc Thắng Lợi phải thành hôn với Là. Sau này, Là trở thành cửa hàng trưởng bách hóa, và cũng là một vị trí đem lại nhiều lợi lộc kinh tế cho gia đình trong thời bao cấp.

Tưởng cách mạng thành công thì gia đình ông Cử Phúc sẽ sống trong hạnh phúc trước sự thành đạt của con. Nhưng đùng một cái, cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) diễn ra ở miền Bắc làm đảo lộn trật tự đạo đức gia đình và xã hội, và gia đình ông cũng không nằm ngoài biến động đó. Dù kinh tởm trước những cái chết oan ức của bạn bè ông trong cuộc CCRĐ, ông Cử Phúc vẫn tự tin rằng mình từng là cán bộ cách mạng, có con làm quan to trong chính quyền cách mạng, ông sẽ an toàn thôi. Nhưng sự đời trớ trêu đã dẫn đến những biến động và hệ quả khôn lường.

Trước ngày CCRĐ, Kỳ Khôi có ghé qua làng Động thăm nhà. Bây giờ Kỳ Khôi đã là một quan cách mạng với danh xưng Chiến Thắng Lợi lẫy lừng, đi đâu cũng bằng xe ôtô có người lái và bảo vệ. Những tôi luyện của Tổ chức trong thời cách mạng đã biến Kỳ Khôi thành một người hoàn toàn xa lạ với những chuẩn mực đạo đức, lễ nghi và truyền thống dân tộc. Chiến Thắng Lợi chỉ biết có mình, và gia đình và những người anh em trong gia đình phải là nền tảng trong sạch để anh thăng tiến trong sự nghiệp cách mạng. Cho nên khi về đến nhà, anh cảm thấy bực mình, có khi khinh bỉ những lễ nghi truyền thống vốn có bao đời nay, anh muốn đập đổ hết những “hủ tục” này, muốn hiện đại hóa làng Động bằng những chuẩn mực đạo đức mới: đạo đức cách mạng. Hãy đọc một đoạn anh nói với bố mình:

Vẽ vời quá! Lợi lắc đầu – chúng ta đang bắt đầu một thời đại mới, thời đại xóa bỏ tận gốc rễ những tàn dư của phong kiến đế quốc, xóa bỏ triệt để mê tín dị đoan. Nếu không có anh em chúng con, Thầy muốn làm gì mặc Thầy. Nhưng bây giờ, khi vợ chồng anh em chúng con đã về, thì mọi việc phải khác. Con xin Thầy nhớ cho rằng anh em chúng con bây giờ đã là cán bộ cách mạng. Nhất cử, nhất động quần chúng đều nhìn vào đánh giá, bọn phản động dòm ngó xuyên tạc.”

Khi phát hiện người em Kỳ Vọng của mình đã bỏ đất Bắc vào Nam, Chiến Thắng Lợi như con hổ bị thương. Trong suy nghĩ của Chiến Thắng Lợi, Kỳ Vọng vào nam đồng nghĩa với việc theo ngụy, có nghĩa là lí lịch của anh có một vết đen, và con đường thăng tiến của có thể sẽ khó hanh thông. Không chấp nhận giải thích của ông Cử Phúc về lí do kỳ Vọng vào Nam, Chiến Thắng Lợi nói thẳng với bố mình bằng những câu như:

Chúng bạn nào rủ rê? Thầy xui nó. Thầy muốn bắt cá hau tay. Rút cục Thầy vẫn lòi cái bản chất tư sản phong kiến, chân nọ chân kia. Thằng Vọng cam tâm làm tay sai cho địch rồi. Nó nhảy sang chiến tuyến bên kia. Nó là thằng Việt gian phản động. Tôi mà biết âm mưu phản dân hại nước của nó từ trước, tôi sẽ bắn bỏ. Hai thằng chúng tôi không quản hi sinh xương máu, đi theo cách mạng là muốn cứu cho cái lí lịch bất hảo của gia đình này. Vậy, Thầy và nó đã làm hỏng tất cả.”

Đã đến nước này thì tôi phải nói thật với Thầy. Tôi phải từ thằng Vọng. Từ nay thầy u và cái chi họ Nguyễn Kỳ này đừng gọi tôi là Nguyễn Kỳ Khôi nữa. Thằng Khôi đã chết rồi. Mấy năm ở Việt Bắc, tôi đã có tên mới là Chiến Thắng Lợi …”

Những câu nói như thế làm cho ông Cử Phúc nổi điên. Ông đuổi ngay Chiến Thắng Lợi ra khỏi nhà, và nói: “Anh không còn là con tôi nữa. Bước ngay ra khỏi cái nhà này!” Từ đó, Chiến Thắng Lợi say mê theo sự nghiệp cách mạng và không gặp lại cha mình một lần nữa. Ngay sau vụ xung đột cha con đó là vụ CCRĐ và kết cục là cái chết không tòan thây của ông.

Cuộc CCRĐ đã cung cấp một cơ hội cho những người nghèo và thiếu học trong làng Động vốn từng làm công và hưởng ơn của ông Cử Phúc trở thành những quan tòa xử ông và đồng môn của ông. Một trong những nhân vật quan tòa đó chính là Đĩ Ngao, người được tác giả mô tả là “thấp lùn, răng vẩu, mặt rỗ chằng chịt” chuyên nghề mổ thịt trong làng. Nhưng điều làm cho ông Cử Phúc đau lòng nhất là Kỳ Quặc, do những người trong làng xúi dục, đã đứng lên tố cáo cha nuôi của mình là một địa chủ ác ôn! Hãy nghe một đoạn bi hài trong lời đấu tố của Kỳ Quặc:

Lý Phúc, mày có biết ông là ai không? - Cục đã lặp lại hoàn toàn từ lời nói đến điệu bộ cuộc đấu tố của Đĩ Ngao với Chánh tống Thiện hôm nào. Anh hùng hổ xông đến trước mặt Lý Phúc, chỉ thẳng và mặt ông bố nuôi, giọng run bắn và nhòe nhoẹt vì vừa tu một hơi hết ba chai rượu ngang để lấy dũng khí -- ông là Nguyễn Kỳ Quặc hay Cục cứt chó mà mày đã bóc lột từ lúc mới đỏ hỏn nhặt từ ông Đống về đâyNgay cả cái tên Nguyễn Kỳ Quặc mà máy đặt cho ông cũng đã thể hiện sự khinh bỉ và đểu giả. Ông bị vợ chồng mày bóc nột từ khi mới nọt nọng cất tiếng khóc oe oe chào đời.”

Cuộc đấu tố qua ngòi bút của tác giả quả là đầy chất bi hài, tục tĩu, nhưng cực kì dã man. Ông Cử Phúc không giận mà chỉ buồn. Ông giải quyết cái buồn bằng cách treo cổ tự tử giữa nhà. Cái chết của ông Cử Phúc làm rúng động cả làng Động. Cái chết bi thảm của ông còn làm cho Kỳ Quặc thức tĩnh, ăn năn hối lỗi, quay trở về với đạo đức làm con. Sau này, chính Kỳ Quặc là người gìn giữ tông đường giòng họ Nguyễn Kỳ.

Cái chết bi thảm của ông Cử Phúc được mục kích bởi cô con gái út của ông là bé Kỳ Hậu. Chứng kiến cảnh cha mình chết trong tư thế treo cổ và không toàn thây, Kỳ Hậu phát bệnh câm. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, Kỳ Hậu chỉ là cái bóng bé nhỏ bên những người anh trong gia đình.

Sau thời CCRĐ là vụ Nhân văn Giai phẩm. Lần này, nạn nhân trong gia đình Nguyễn Kỳ là Kỳ Vỹ, và nhân vật Chiến Thắng Lợi được tác giả đưa ra như là một tương phản cho hai tính cách: một bên là tự do tư tưởng, và một bên là bảo thủ. Kỳ Vỹ được cử đi học ở nơi hẻo lánh thuộc Liên Xô cũ. Trong thời gian ở đây, anh được tiếp cận với những ý tưởng mới và cộng với những trải nghiệm của cá nhân trong thời chiến ở trong nước, anh đã có những sáng tác làm cho cơ quan quản lí tư tưởng văn hóa khó chịu. Đỉnh của những sáng tác này là bài thơ Tiếng hát nhân dân được tạp san Giai phẩm bốn mùa công bố. Liền sau đó là hàng loạt bài phê phán Kỳ Vỹ một cách nặng nề. Những nhãn hiệu ghê gớm được dán lên tên Kỳ Vỹ: nào là sự tha hóa của một ngòi bút, văn nghệ chống Đảng, phản động, v.v… Tổ chức phải triệu hồi Kỳ Vỹ về nước và được giao cho những công việc không hợp với khả năng. Anh sáng tác nhưng chẳng báo nào dám in vì đã có chỉ thị của Tổ chức. Người thương bảo anh cứ sáng tác và kí tên người khác để họ đem đi đăng báo. Nhưng tính người nghệ sĩ vẫn phóng khoáng và Kỳ Vỹ lại gặp trở ngại vì những sáng tác của mình mà người ta phát hiện tác giả chính là Kỳ Vỹ. Sau lần này, Kỳ Vỹ bị cho đi lao động khổ sai và đi tù một thời gian đến nỗi Kỳ Vỹ mang bệnh trầm cảm và bất lực. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp là nhà văn Châu Hà và sự chung thủy của người vợ anh yêu mến Đào Trinh Khiêm, anh được ra tù. Trong một thời gian dài cho đến sau thời giải phóng miền Nam, Kỳ Vỹ sống trong thiếu thốn và đau khổ.

Biến động gia đình lần thứ ba xảy ra trong thời gian sau khi miền Nam được giải phóng. Sau năm 1975, Nguyễn Kỳ Vọng vẫn được chính quyền cách mạng ưu đãi, tuy không còn là trưởng ti công chánh, nhưng Kỳ Vọng vẫn được làm việc chuyên môn mà không phải đi học tập cải tạo. Thật ra, Kỳ Vọng rất được các quan chức cách mạng kính trọng vì kiến thức chuyên môn uyên thâm của anh, và được mời soạn thảo báo cáo trình bày cho Bộ giao thông vận tải. Sau ngày giải phóng, Chiến Thắng Lợi cho người bí mật dò la tông tích của Kỳ Vọng. Chiến Thắng Lợi thờ phào nhẹ nhõm khi biết rằng Kỳ Vọng không phải là một tên phản động, mà là một chuyên gia kĩ thuật giỏi.

Kỳ Vọng quyết tâm làm một chuyến ra Bắc thăm nhà. Chuyến về quê gợi cho Kỳ Vọng bao nhiêu kỉ niệm, nhưng điều buồn nhất là anh biết được cái chết bi thảm của bố mình. Anh đem tiền vàng ra cho anh em trong nhà để trang trải những khó khăn trong thời bao cấp. Sau khi về lại Nam thì Kỳ Vọng phát hiện vợ con anh đã vượt biên sang Mĩ. Sự ra đi của vợ con là một vết đen cho sự nghiệp của Kỳ Vọng. Từ đó, anh bị kì thị, nghi kị, không cho làm việc, và bị theo dõi gắt gao. Sau một thời gian không chịu nỗi sự hà khắc của chế độ mới, anh lại vượt biên sang Mĩ. Chuyến đi để lại trong anh nhiều nỗi kinh hoàng trên biển và mãi mãi thay đổi suy nghĩ của anh về đất nước và con người. Càng đau lòng hơn khi sang đến Mĩ anh biết rằng người vợ anh từng yêu quí đã sống chung với một người Mễ, còn cô con gái anh bị chết trên biển trong chuyến vượt biên với mẹ mà anh không hề được báo trước đây. Ở Mĩ, anh sống cuộc đời một chuyên gia lành nghề nhưng là một người tha hương. Anh quay về mối tình đầu của mình tức Tạ Thị Thu Uyên, người đã lôi kéo anh mạo hiểm vào Nam.

Trong một lần hội ngộ với người bạn văn chương của Kỳ Vỹ là Châu Hà trên đất Mĩ, tác giả đã để cho Kỳ Vọng thốt lên những lời nói mà có lẽ người vượt biên chẳng lấy gì làm lạ:

Tôi nói anh đừng giận. Bởi tôi có 4 năm ăn lương công chứng cộng sản. Trong thời gian ấy tôi đã tìm đọc hầu hết các tác giả văn học thế hệ các anh … Các anh đã tìm thấy căn bệnh, nhưng các anh không dám dũng cảm chữa trị …

Văn chương của các anh chỉ là sự minh họa … Văn chương cũng như xã hội, mắc phải bệnh giả dối trầm trọng. Đời sống xã hội nước ta không tự nhiên như nó cần phải có. Lúc nào người ta cũng lên gân với nhau. Cha lên gân với con, chồng lên gân với vợ, cấp trên lên gân với cấp dưới … Trẻ học mẫu giáo mà toàn như cụ non, cũng lên gân để cố yêu tổ quốc, yêu đồng bào, học vẹt những điều lớn lao, sáo rỗng. Chúng không được dạy yêu ông bà, cha mẹ, yêu cái gia đình nhỏ bé của mình trước khi yêu những gì rộng lớn hơn … Văn chương thì chỉ một gam tô hồng, coi cách mạng Việt Nam là nhất thế giới, là tiên phong của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội là thiên đường, tư bản là xấu xa, đang giãy chết … Căn bệnh chủ quan giáo điều, bệnh thành tích là nguyên nhân của thói giả dối, đạo đức giả.”

Ai tin tôi? Ai cho tôi cống hiến? Các vị có cả một hệ thống tổ chức từ cơ sở đến trung ương để chọn lọc những người cầm quyền. Từ tổ phó trở lên đã phải qua hệ thống sàng lọc trước khi đề bạt. Dân thường chẳng ai chen chân vào được. Đất nước của các vị chứ đâu phải của mọi người Việt? Anh có biết bạn tôi, nhà sử học Võ An Thới, nói gì không? Anh ta bảo rằng các anh sổ toẹt hết lịch sử. Giành được nước là các anh đút túi như của cải riêng của mình. Các anh vô ơn, chẳng cần biết rằng đất nước này có tới 4000 năm dựng nước và giữ nước, mà các anh mới chỉ là khoảnh khắc, công lao như cái móng tay. Nếu không có công lao mỡ cõi của tổ tiên từ thời Lý, Trần, nếu không có Đoan Quận công Nguyễn Hoàng với cuộc vượt biên vào Ái Tử, Quảng Trị năm 1558, rồi đến các đời Chúa Nguyễn đưa dân vào mở mang khai khẩn thì ranh giới nước Việt còn ở tận Châu Ô, Châu Rí, tận Thuận Quảng, Phú Yên, chứ đâu có Sài Gòn, Cà Mau, Hà Tiên, Phú Quốc … cho các anh giải phóng. Vậy mà vừa vào Sài Gòn, việc đầu tiên của các hậu sinh là xóa sổ hết những con đường, những địa danh mang tên Nguyễn Hoàng và các hậu duệ, các công thần nhà Nguyễn …

Tuy nhiên, dù gay gắt như thế nhưng TCTT có một kết cục có hậu (happy ending). Đến khi Nhà nước mở của kinh tế, thì cũng là lúc Chiến Thắng Lợi nghỉ hưu, và tìm lại người con đầu lòng của mình, tức Lê Kỳ Chu. Cả nhà phải tổ chức một buổi lễ nhỏ để đổi họ Lê Kỳ Chu thành Nguyễn Kỳ Chu. Nguyễn Kỳ Chu là một “đại gia” ở Nga về nước mở doanh nghiệp làm kinh tế rất khá. Nguyễn Kỳ Chu còn cho người em cùng cha khác mẹ làm tổng giám đốc công ti ở Việt Nam. Kỳ Vọng có dịp về quê và hợp lực với người cháu Nguyễn Kỳ Chu bỏ tiền ra xây lại nhà tổ Nguyễn Kỳ. Lúc này thì nhân vật Chiến Thắng Lợi đã nhạt nhòa trong tiểu thuyết, và nhường cho nhân vật Đào Thị Cam. Trong giây phút lâm chung, Đào Thị Cam cho cả gia đình biết Nguyễn Kỳ Cục chính là đứa con của bà. Tên Tây lai Trương Phiên, khi vào Nam trở thành một chuẩn tướng nổi tiếng ác ôn và khát máu. Khi miền Nam bị thất thủ, Trương Phiên và đồng bọn bỏ chạy sang Mĩ và trở thành thủ lãnh một tổ chức kháng chiến chống cộng. Nhưng cuối cùng y cũng nhớ về quê hương và xin được bà Cam tha thứ.

Vài nhận xét

Đọc TTCT tôi thấy dễ đồng ý với nhận xét của Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: đáng lẽ tên của tiểu thuyết phải là “Những người khốn khổ” hay “Những kẻ khốn khổ”. Quả vậy, nguyên cuốn tiểu thuyết, Hoàng Minh Tường đã thành công phác họa nên những số phận nghiệt ngã trong một gia đình có nề nếp gia phong. Đọc những mánh khóe xảo quyệt, lừa dối trẻ con, mưu mô hại nhau giữa những người từng quen biết nhau mà ngán ngẩm cho thế thái nhân tình trong thời bao cấp. Thật ra, những “thói đời” này hoàn toàn có thật ngoài đời, không phải ngày xưa thời bao cấp, mà còn ngay ngày nay. Những nghiệt ngã này do thời thế gây nên, cũng như là những cành cây bị gió bụi làm cho ngã bên này, nghiêng bên kia, và khi cơn gió bay qua thì để lại trên cành cây đầy thương tích. Tôi nghĩ có lẽ đó chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc, và nếu đó là chủ đích thì tác giả đã thành công.

Bối cảnh và câu chuyện hấp dẫn, nhưng điều đáng tiếc là tác giả ít khi nào phân tích tâm lí. Tác giả chủ yếu mô tả câu chuyện, và cố nhồi nhét vào miệng nhân vật những thông điệp mình muốn nói. Không biết bạn đọc khác thì sao, nhưng tôi khi đọc tiểu thuyết thường thích đọc những phân tích tâm lí mà tác giả chiêm nghiệm qua các nhân vật và sự kiện mà họ dựng nên. Tôi nghĩ làm nhà văn giỏi phải là một nhà phân tích tâm lí giỏi. Không có phân tích tâm lí làm giảm giá trị nhân văn của cuốn tiểu thuyết một phần.

Tác giả đã nói rõ rằng toàn bộ nhân vật và không gian trong tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, tác giả chẳng ám chỉ ai, và chúng ta có thể tin như thế. Nhưng cách đặt tên cho nhân vật của tác giả cũng có thể cho chúng ta lí do để đặt câu hỏi. Tôi đoán rằng giới văn học ở Hà Nội chắc chắn có thể liên tưởng những nhân vật trong tiểu thuyết với một số nhân vật ngoài đời. Chẳng hạn như như đặt tên nhân vật triết gia Trần Đức chắc tác giả cũng muốn nói đến một nhân vật có thật ngoài đời, hay tờ báo talaviet cũng là một diễn đàn internet do một số người Việt ở nước ngoài thành lập. Những cái tên Kỳ Cục, Kỳ Khôi, Kỳ Vỹ, v.v… cho thấy tác giả cũng có óc hài hước rất … Bắc Hà. Không biết trong thực tế có cái làng nào tên làng Động hay không, nhưng có lẽ đó cũng là một cách sáng tác của tác giả muốn ngầm gửi gắm một thông điệp là cái làng bạo động hay nhiều biến động.

Về văn chương, tôi không thấy những nét đặc sắc nào so với những văn của Bùi Ngọc Tấn hay Nguyễn Khải. Tác giả tỏ ra muốn thu hút người đọc bằng vài câu chuyện phòng the. Nhưng rất tiếc là những mô tả về sex không đạt, vì những câu chữ trong sách lặp đi lặp lại nhiều lần đến độ nhàm chán. Mà, ngay cả những mô tả này cũng không có gì hay, đọc lên giống như là đọc những câu chuyện nhảm nhí hay thấy trong sách được bày bán ở các phi trường nhằm giết thì giờ, chứ không phải là những mô tả ý nhị và thi vị.

Tuy nhiên, tôi thấy trân trọng Hoàng Minh Tường ở chỗ tác giả có tinh thần khai sáng, phê phán, thách thức, đánh đổ, và vượt qua ý thức hệ. Cuốn tiểu thuyết cho thấy trong thời gian khó khăn đó, những bản năng cơ bản của con người, sự suy nghĩ, nhạy cảm, nhận thức, phán đoán của cá nhân bị kiềm chế hoặc làm cho còi cọc đi. Từ đó, văn học đôi lúc chỉ có chức năng thể hiện những hiện thực giả dối. Thể hiện cụ thể nhất ở điểm này là nhân vật Tư Vuông và Văn Quyền, những người bất tài về văn chương nhưng có tài nói dối và có tài xu nịnh để được thành danh. Điều đáng nói là họ viết những điều mà ngay cả chính họ cũng biết không phải là sự thật, một sự phản bội lại chính mình!

Những đoạn tác giả cho nhân vật Kỳ Vọng nói cũng là một cách gián tiếp ghi nhận những quan điểm của nhiều người bỏ nước ra đi sau 1975. Những quan điểm đó dù không phản ảnh đầy đủ, nhưng cũng nói lên sự chịu khó tìm tòi và khả năng lắng nghe của tác giả. Có lẽ phần này là phần yếu nhất trong tác phẩm TCTT. Những đoạn viết về những chống đối của những người cực đoan ở hải ngoại có thể nói là khá gượng ép. Thật vậy, đây đó trong cuốn tiểu thuyết chúng ta sẽ thấy một vài câu chữ, một vài thông điệp liên quan đến người Việt ở nước ngoài mang nặng tính tuyên truyền. Người đọc tinh tế sẽ có cảm nhận dejà vu, vì những khẩu hiệu hay câu chữ này mình như đã từng đọc hay thấy trong thời … bao cấp.

Gấp lại cuốn sách, tôi nghĩ đến trong thời bao cấp văn học bị đặt nằm trong khuôn khổ của một ý thức hệ chính trị hay hệ thống đạo đức, và điều này đồng nghĩa với việc biến văn học thành một công cụ tuyên truyền, công cụ đạo đức, và là một nỗi bất hạnh của văn học. Chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa yêu nước đã làm cho việc thực thi một chế độ tự do tư tưởng rất khó khăn. Những người trí thức như Kỳ Vỹ hay Châu Hà có thể can đảm chống hệ thống giá trị đạo đức và quyền lực của Tổ chức, nhưng họ lại tỏ ra bất lực khi đương đầu với sự mê tín hiện đại. Sự mê tín này nảy nở và phát triển nhờ vào một tập hợp tiềm thức có qui mô quốc gia, được núp dưới bản năng sinh tồn hàng ngày, chứ không phải dưới danh nghĩa một hiện tượng đạo đức xã hội nào cả. Những bạn bè chung quanh Kỳ Vọng và Kỳ Vỹ bày mưu tính kế chỉ để lấy căn nhà, chứ chẳng phải đạo đức gì cả. Điều bi hài là họ thể hiện những mưu mô xảo trá này bằng cái gọi là “tình cảm cách mạng”!

Như nói trên, tôi nghĩ Nhà văn Hoàng Minh Tường có tham vọng lớn là làm một cuộc phẫu thuật lịch sử Việt Nam qua một gia đình nhỏ mà những biến động trong gia tộc có nhiều điểm trùng hợp với lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, tôi nghĩ kĩ thuật để làm cuộc phẫu thuật vẫn chưa được sắc bén lắm, và sau cùng là ý định của tác giả vẫn chưa thực hiện được. Giải pháp hay lời giải thích của tác giả có thể tóm lược trong câu nói cuối cùng trước khi chết của bà Cam (“Thời cuộc sinh ra thế. Đất nước chúng ta từng trải qua những khúc nhôi bi đát như thế. Chúng ta đều là những đứa con khốn khổ của mẹ Việt Nam. Mẹ Việt không chối bỏ đứa con nào”) tuy có phần ấn tượng nhưng không nói lên được điều gì.

Không biết bạn đọc khác thì sao, nhưng tôi khi đọc tiểu thuyết hay sách nào đó là đi tìm một sự thách thức về tư tưởng, nhưng TCTT không có những thách thức đó mà lại kết thúc có hậu. Kết thúc có hậu có thể làm hài lòng người đọc, nhưng tôi không nghĩ đó là một nốt nhạc ngân vang, một khía cạnh mà tôi nghĩ tiểu thuyết cần phải/nên có.

Bài viết này chẳng phải giới thiệu tác phẩm của Hoàng Minh Tường (vì tác phẩm đã bị thu hồi rồi) và cũng không phải là một phê bình, mà chỉ là một vài cảm nhận nhanh sau khi đọc xong cuốn sách. Tôi tưởng những vết thương CCRĐ, Nhân văn Giai Phẩm, những dư chấn Giải phóng miền Nam, v.v… đó đã qua lâu rồi, và thời gian đã đủ để một cuốn tiểu thuyết như TCTT được trình làng (như nhiều tiểu thuyết về Cách mạng Văn hóa bên Trung Quốc đã ra đời). Nhưng hình như các cơ quan quản lí văn hóa nhận định rằng thời gian trên 30 năm qua vẫn chưa đủ để đẩy lùi quá khứ chìm nổi, nên tác phẩm của Hoàng Minh Tường chưa có cơ hội đến tay người đọc rộng rãi hơn. Và, đó là một thiệt thòi cho văn học nước nhà.

NVT

(copy từ blog của Nguyễn Văn Tuấn)

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Xin đừng lập lờ…

Bản tóm tắt này không có sẵn. Vui lòng nhấp vào đây để xem bài đăng.

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Những nụ cười trên net

Đóng blog lại
nhưng tôi vẫn ngồi đây
nhìn đời
bằng cặp mắt lạnh lùng như Arnold trong Terminator
sau cặp kính đen của một rôbôt hủy diệt
Muốn quên đi cuộc đời thật
cần phải đeo kính đen
để thấy chung quanh
màu xám
u ám
và lạnh băng
để tư duy ai nấy nhuộm một màu hồng
như các chủ ông muốn thế
Nhưng cuộc đời lắm dâu bể
chông chênh qua lại như bàn tay
lật sang bên này
rồi úp sang phía khác
Tư tưởng con người lúc nào cũng muốn vươn lên phía trước
Cho tôi, cho anh nhoẻn miệng cười nhìn nhau
để yêu thương có chỗ tô màu
bằng những ký tự viết tắt trên bàn phím
chỉ là những dấu chấm
và những chữ D in hoa
thành bao nụ cười đơn giản nhưng hiền hòa
để mỗi lần gặp mặt
nhà này nhà khác
thấy ấm lên tình người
như những đóa hoa tươi
chia cho nhau yêu thương và hạnh phúc

Chúng ta nào có muốn làm tổn thương đất nước?
hay chống báng vùi dập khiêu khích ai đâu?
Chúng ta chỉ tìm đến nhau
trên không gian mạng lạnh lùng vô cảm
nhưng chúng ta đã biết cách làm net bừng lên hơi ấm
sẻ chia tình người
tình đời
và lắm chuyện tào lao cho cuộc đời thêm tươi nở
Cho cô em gái quên đi nỗi đau hôm qua bị tình phụ
Cho lão ông quên đi mình đang già
Để cuộc đời hát ca
bằng chính blog
Thế mà sao khó quá
Lỗi ngõ đi về bít trước chận sau
xem chúng ta như kiến như sâu
muốn là vung tay phong tỏa

Chúng ta đâu phải là đàn cừu chỉ biết gặm cỏ
chỉ biết cúi đầu
cho những phú ông xua gom vào nhau
để dễ bề sai khiến...
Thế nên cho dù tự do đang thiếu thốn
Tôi và bạn vẫn nhoẻn miệng cười
bẵng những dấu hai chấm và chữ D khắp nơi
Để xóm làng có thêm được tiếng cười trong trẻo
Để cô em gái quên đi sầu não
ngước mặt nhìn đời
bằng trái tim tươi vui
trên đường trần gai góc nhọc mệt

Vì nếu muốn thấy cuộc đời thật
e rằng phải gỡ cặp kính đen ra
sẽ thấy quanh ta
biết bao niềm đau và nước mắt
những bất công tha hóa và đói rách
đang diễn ra từng ngày
trong cuộc đời bạn, trong cuộc đời tôi
những Lục Vân Tiên thu mình lại trong nôi
chẳng dám làm việc nghĩa
vì người ta đang đem chân lý
ra làm trò cười
những người mẹ ấm ức chỉ biết ngậm môi
cho khỏi trào nước mắt
những blogger yêu chuộng sự thật
chỉ biết đóng blog mình
trên không gian net lạnh tanh
như một lời trăn trối

Thôi thì hãy cầm đôi kính lại
đeo lên mắt mình
để quên đi những gì vừa thấy chung quanh
Cho tâm trí nhẹ nhàng hơn một chút
nhón tay gõ vài phím lóc cóc
gởi đến kẻ này người kia
những dấu hai chấm và chữ D
như những nụ cười trên net
Cũng là một cách viết
bằng tấm lòng
hòa trộn với yêu thương
Thế cũng là quá đủ.

smiley

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Thế nào là phê bình thiếu xây dựng?

ask

(copy từ blog của TS. Nguyễn Văn Tuấn)

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho UBND TP Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ “xử lý thích hợp, đúng quy định của Đảng và Nhà nước đối với việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc IDS”. Nghe quen quen, cảm giác déjà vu. Nghĩ một hồi, lục soát trong bộ nhớ, tôi chợt nhận ra: đó chính là cụm từ “thiếu tinh thần xây dựng”, một kiểu nói tôi đã nghe từ hơn 30 năm trước. Nay lại thấy nó trên báo chí và chỉ thị của Thủ tướng, nên tôi lại miên man suy nghĩ.

Đây là vấn đề có liên quan đến nhiều người hay phản biện, trong đó có … tôi. Trong quá khứ, ngay từ lúc còn nhỏ theo học trung học, tôi đã mang trong người cái tính mà bà con hàng xóm hay nói là … cãi. Lớn lên, tôi cũng hay có ý nghĩ khác với đám đông, và ít khi nào đồng ý với ý kiến của lãnh đạo. Trong hội họp, hễ thấy có cái gì không ổn hay không đồng ý là tôi dơ tay có ý kiến ngay. Nhưng tôi không bao giờ để bụng, hay trù dập cá nhân. Có nhiều khi giận quá, viết ra rồi chẳng gửi đi đâu, ấy thế mà tôi cảm thấy … thoải mái. Như có lần đọc một bản tin cho rằng bưởi gây ung thư, tôi bực mình lắm, nhưng chẳng biết nói cùng ai vì ở xa Việt Nam quá. Thế là sau khi xong việc, về đến nhà, tôi ngồi gõ một mạch những ý kiến của mình đến 11 giờ đêm, rồi tắt máy đi ngủ, cảm thấy thoải mái, như mình giải tỏa được bức xúc trong người. (Câu chuyện cuối cùng có kết quả có hậu: bưởi được minh oan và nông dân lại bán được bưởi).

Khoảng chục năm qua, tôi viết nhiều bài phản biện về chính sách giáo dục và y tế, và cũng đem lại cho mình vài hệ quả. Những người không ưa ý kiến của tôi thay vì phản biện lại những ý kiến đó thì họ lại nhắm vào cá nhân tôi: họ nói rằng tôi không có tinh thần xây dựng. Thế nhưng không ai chịu định nghĩa phê bình như thế nào là có “tinh thần xây dựng”, hay nói như thế nào là thiếu tinh thần xây dựng. Tức là, người ta chỉ lấy cái nhãn hiệu “thiếu tinh thần xây dựng” để dán vào đầu của ai đó, mà chẳng cần để ý đến hệ quả của cá nhân đó. Tôi nghĩ làm như vậy là không công bằng chút nào cho người phê bình.

Vậy thì câu hỏi đặt ra: thế nào là phê bình mang tính xây dựng? Tôi phải quay sang giới thần kinh học và tâm lí học để xem họ nói gì về tinh thần xây dựng. Hai nhóm chuyên gia này nói rằng phê bình xây dựng là nhằm vào mục tiêu cải thiện một lĩnh vực nào đó của một cá nhân hay làm cho công việc tốt hơn. Định nghĩa này chung chung quá! Thế nào là “tốt hơn”, và tốt hơn nhìn dưới lăng kính của ai? Tôi thấy cách hiểu kiểu này không ổn chút nào.

Bởi vì không đủ trình độ lí thuyết để định nghĩa vấn đề, tôi đành phải dựa vào kinh nghiệm và cảm nhận cá nhân. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ phê bình xây dựng phải hội đủ tất cả 3 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, tôi đồng ý về mục tiêu của phê bình xây dựng, đó là góp ý sao cho sự việc tốt hơn. “Tốt hơn” ở đây là theo cái nhìn của người phê bình. Chẳng hạn như khi tôi phê bình về tiêu chuẩn “ngực nở chân dài” để có bằng lái xe gắn máy, tôi muốn tiêu chuẩn công bằng hơn, khách quan hơn, và muốn Nhà nước thay đổi tiêu chuẩn đó theo định hướng công bằng và khách quan. Nhưng vấn đề ở đây là công bằng và khách quan là hiểu theo quan điểm của tôi, mà Nhà nước chưa chắc có cùng quan điểm. Nhưng cũng như quyền tự do phát biểu, tôi có quyền phát biểu ý kiến cá nhân (cũng như Nhà nước cũng chỉ là … cá nhân), còn chuyện cộng đồng có chấp nhận hay không thì phải để cho người dân quyết định.

Thứ hai, phê bình xây dựng phải có “sản phẩm”, phải có “kết quả” (hay nói theo tiếng Anh là phải có “outcome”). Tôi nghĩ có rất nhiều động cơ để phê bình, nhất là xã hội có nhiều xung đột và mâu thuẫn lịch sử như ở Việt Nam hiện nay. Nhưng phê bình xây dựng rất khác với chửi đổng, và càng khác với phê bình để thỏa mản cá nhân hay để khoe khoang kiến thức, hay … tự quảng cáo mình. Trong xã hội, không thiếu những thành phần chỉ thích nói cho có nói, chứ chẳng bao giờ nhận lãnh trách nhiệm về những gì mình phát biểu. Cũng có nhiều người phê bình nhằm chỉ trích người khác để hàm ý nói mình tài giỏi hơn, có kiến thức nhiều hơn người bị phê bình. Tôi đã từng đọc vài “phản biện” các đề tài khoa học ở trong nước (tôi phải để trong ngoặc kép vì thật ra không phải là phản biện), và thấy đó là những chỉ trích nhỏ nhen, lạc đề, mang tính lên lớp, và có vẻ khoe khoang kiến thức về sách giáo khoa mà họ đã đọc đâu đó, nhưng rất tiếc đó là những kiến thức chấp vá rất thiếu hệ thống. Người không biết chuyện thì nghĩ rằng đó là phản biện sắc sảo, còn người biết chuyện thì mỉm cười. Trình độ và đẳng cấp rất khác nhau mà!

Lại có những người phê bình chỉ để giải quyết ân oán cá nhân, để nhớ lại thời “huy hoàng” thuở xa xưa khi mình còn ăn trên ngồi trước, để biện minh cho hành động sai trái của chính mình trong quá khứ. Những người này chỉ việc chửi đổng. Bất cứ điều gì đối phương làm cũng sai, cũng dở, và cần phải sửa đổi theo ý mình. Tôi thấy cung cách nói của một số người trong giới báo chí ở Bolsa, một số cũng làm bộ tỏ ra … trí thức, thể hiện cho xu hướng này: phê bình như là một hành động chửi bới cho … sướng miệng (hay cho mòn bàn phiếm máy tính).

Còn phê bình xây dựng là phải kiên trì theo đuổi quan điểm của mình, thuyết phục người được phê bình thay đổi cách làm với kết quả tốt hơn. Tôi nghĩ đến những phê bình của Viện IDS trong thời gian về chính sách kinh tế và giáo dục cũng là những phê bình xây dựng, bởi vì họ làm có kết quả, có người lắng nghe và dửa đổi. Ngoài ra, những góp ý về tiêu chuẩn đề bạt chức danh khoa bảng, tiêu chuẩn đánh giá thành tựu nhà khoa học, nghiên cứu y khoa, v.v… mà nhiều người đã làm trong thời gian qua nằm trong phạm vi của phê bình xây dựng.

Thứ ba, người phê bình mang tính xây dựng phải là những người có tấm lòng. Thầy cô phê bình học sinh, các bậc cha mẹ phê bình con cái, các bậc thức giả phê bình Nhà nước, v.v… đều xuất phát từ tấm lòng tốt. Họ không vụ lợi mà cũng chẳng cần danh – họ chỉ có tấm lòng. Do đó, cần phải phân biệt những người này với những người phê bình vì mục tiêu lợi ích cá nhân (như viết báo chửi chế độ để làm nguồn thu nhập). Cũng có những chính khách nước ngoài, những thương gia nước ngoài, hay giới báo chí nước ngoài, v.v… có thể họ cũng phê bình Việt Nam nhưng họ phê bình không xuất phát từ lòng thương yêu gì đất nước Việt Nam, mà có thể họ muốn Việt Nam phải theo một định hướng nào đó để sau cùng họ và đất nước họ hưởng lợi.

Thành ra, phê bình xây dựng phải đặt mục tiêu lợi ích dân tộc và đất nước lên hàng đầu. Trong thời đại này, ai cũng bận cả, ấy thế mà có người bỏ thì giờ ra nghiền ngẫm, ngồi xuống viết ra những dòng chữ, hay đi nói chuyện về những đề tài nằm ngoài phạm vi chuyên môn hẹp của mình. Nếu không mang trong người một tấm lòng trắc ẩn, một tấm lòng yêu quê hương xứ sở (chứ nếu không thì tốn thì giờ để nói làm gì) thì làm sao có thể làm như thế được.

Như tôi nói trên, phê bình xây dựng phải hội đủ 3 điều kiện: mục tiêu, kết quả, và tấm lòng vì dân tộc. Hội đủ 1 hay 2 điều kiện vẫn chưa đủ để nói là phê bình mang tính xây dựng. Nhiều người không thích chế độ hiện hành ở trong nước, nhưng họ vẫn có tấm lòng với quê hương xứ sở (đáp ứng điều kiện 3), họ cũng phê bình với mục tiêu tốt là cho quê hương khá lên (điều kiện 1), nhưng họ chưa chắc đáp ứng điều kiện 2, và do đó không thể xem là phê bình xây dựng.

Quay trở lại với viện IDS và nhận xét của Thủ tướng cho rằng họ phê bình thiếu xây dựng, chúng ta thử xét qua 3 điều kiện trên xem sao. Thứ nhất, những phê bình của IDS trong thời gian qua, trên giấy trắng mực đen, đều nhằm góp ý làm cho chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục tốt hơn. Tôi xem đi xem lại các tài liệu và bài viết của họ, tôi cũng ghé qua trang nhà của họ, nhưng không hề thấy một ý định tiêu cực này trong những phê phán của họ. Có những ý kiến (như một vài khía cạnh trong chính sách giáo dục) cá nhân tôi không đồng ý với họ, nhưng tôi tôn trọng cách họ đặt vấn đề và cách họ lí giải. Chúng ta cần nhiều người có bản lĩnh như nhóm IDS, chứ không nên gây áp lực để họ tự đóng cửa phản đối.

Thứ hai, những góp ý của viện IDS cũng có hiệu quả, vì Nhà nước cũng lắng nghe. Họ kiên trì theo đuổi những vấn đề họ nêu và tận dụng mọi cơ hội để lên tiếng. Do đó, tôi nghĩ họ cũng đã đạt được mục tiêu là góp phần vào việc phản biện xã hội ở Việt Nam. Thật ra, chỉ sự ra đời của IDS cũng đã là một thành công, một kết quả đáng chú ý trong môi trường phản biện xã hội ở nước ta.

Thứ ba, những thành viên của IDS là những người ở trong nước, gắn bó với Nhà nước và Đảng. Có người từng phục vụ trong quân đội, có người từng phục vụ như là cán bộ cao cấp trong guồng máy Nhà nước, lại có người là chuyên gia về khoa học và giáo dục, v.v… Họ thật tình quan tâm đến những vấn đề vĩ mô của đất nước, bởi vì họ từng là những “diễn viên” (actors) trong kịch bản ở qui mô quốc gia và quốc tế trước đây. Có ai dám nói Gs Hoàng Tụy không có lòng với nền giáo dục nước nhà, hay có ai dám cho rằng ông Nguyễn Quang A hay Nguyễn Trung không quan tâm đến những vấn đề đối ngoại và kinh tế. Tôi nghĩ họ là những người “trí thức công cộng” (public intellectual) đúng vói ý nghĩa của chữ này. Tôi không thấy bất cứ một lí do nào để cho rằng họ không có lòng với Việt Nam.

Những phân tích trên cho chúng ta thấy những phát biểu (hay phê phán) của IDS mang tính xây dựng.

Tôi hiểu và rất thông cảm là những lời phê bình thường khó nghe và rất khó tiếp thu. Người Tàu có câu “trung ngôn nghịch nhĩ” để nói đến tình trạng khó tiếp thu những phê bình, nhất là trong bối cảnh văn hóa Á châu như ở nước ta. Thật ra, ông bà mình có câu hình tượng hơn và dễ hiểu hơn: “Thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho đường.” Đừng tự đắc vì những lời khen tặng của giới doanh nghiệp nước ngoài; hãy suy nghĩ kĩ vào những phê phán khó nghe của những người Việt Nam có lòng với quê hương.

Ở Việt Nam, các quan chức và chính quyền có quan điểm cho rằng để duy trì ổn định xã hội, cần phải hạn chế phản biện. Thật vậy, một trong những “rationale” cho Quyết định 97 hạn chế công bố phản biện là nhằm duy trì ổn định xã hội. Nhưng tôi nghĩ chưa có bằng chứng nào cho thấy hạn chế phản biện công khai là yếu tố làm cho xã hội ổn định. Thật ra, có thể suy nghĩ ngược lại: chính sự hạn chế phản biện công khai là mầm mống của những bất an xã hội. Bởi vì người dân không có cơ hội và phương tiện phát biểu ý kiến công khai, nên họ phải “phản biện chui”, tức là trên những diễn đàn không chính thống. Song song với những phản biện chui là những tin đồn nhảm nhí, lũng đoạn thông tin, biến có thành không (và ngược lại), và hệ quả là làm cho người dân hoang mang không biết đâu là thật và đâu là giả, dẫn đến bất an ngầm trong xã hội.

Những năm đầu khi mới định cư ở Úc, tôi rất ngạc nhiên về tinh thần phản biện ở đây. Báo chí, đài truyền hình, đài radio suốt ngày phê phán chính phủ hết chuyện này sang chuyện khác. Tôi ngạc nhiên là vì trong một xã hội ổn định, kinh tế phát triển, chế độ an sinh rất tốt như thế, mà họ lại vạch ra rất nhiều vấn đề. Sau này, khi tiếp cận với nền giáo dục ở đây, tôi mới nhận ra là trong nhà trường, người ta đã huấn luyện và tạo cho học sinh thói quen đặt vấn đề và tranh luận. Do đó, khi lớn lên, cho dù xã hội ổn định, nhưng đối với những người có tinh thần phản biện, họ nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Tôi nghĩ cái “văn hóa” nhận dạng vấn đề chính là một yếu tố thúc đẩy xã hội phát triển hoàn chỉnh hơn, và cũng chính là yếu tố đưa nền khoa học phương Tây vượt hẳn so với các nước Á châu.

Viết đến đây tôi chợt nhớ một bài viết tôi đọc đâu đó mà tác giả (hình như là Umberto Eco ?) có kể lại rằng năm 1931, Chính phủ Mussolini bắt buộc tất cả 1200 giáo sư đại học trên toàn nước Ý phải tuyên thệ trung thành với Chính phủ của ông, nhưng có 12 người không chịu tuyên thệ và cả 12 giáo sư này đều bị cách chức. Tuy nhiên, chính 12 giáo sư thuộc loại “cừu đen” này lại là những người được lịch sử Ý đánh giá là đã cứu vớt danh dự của quốc gia Ý và giáo dục đại học Ý. Nếu sự việc đó là một bài học, tôi nghĩ rằng chúng ta cần những người như các thành viên trong IDS, những người dám phát biểu những ý kiến không hẳn là cùng định hướng với Nhà nước, và dám nhận lãnh trách nhiệm trước công chúng những gì họ nói. Có thể con số người như các thành viên IDS không nhiều, nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì điều quan trọng hơn là phê bình có mục tiêu cụ thể, với định hướng có kết quả, và có lòng với đất nước.

Nguyễn Văn Tuấn
nguồn (http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/10/nao-la-phe-binh-thieu-xay-dung.html)

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Không nên có nghị định xử phạt báo chí

Ông Lê Mạnh Hà - Ảnh: Q.T.

TT - Đó là ý kiến của ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM. Ông Hà nói:

- Theo tôi, không nên có nghị định riêng về xử phạt báo chí. Chính phủ đã có nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin là lĩnh vực rộng, trong đó có hoạt động báo chí. Nếu thấy quy định hiện hành chưa đủ thì cơ quan quản lý có thể sửa đổi, bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn thêm. Tôi cho rằng nếu cần ban hành nghị định mới thì nên tập trung vào quy định xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động báo chí.

* Theo dự thảo, nhà báo bị thu hồi thẻ mà vẫn tiếp tục hoạt động sẽ bị xử phạt. Việc xử phạt này có hợp lý?

- Hoạt động báo chí không phải là ngành phải có giấy phép hành nghề. Thẻ nhà báo cũng không phải là giấy phép hành nghề. Do vậy, không thể cấm người bị tước thẻ không được hoạt động báo chí. Việc cấm như vậy có thể vi phạm quyền lao động của công dân được hiến pháp và Luật dân sự quy định. Cũng cần nói thêm hiện có nhiều phóng viên hoặc cộng tác viên không có thẻ nhà báo vẫn hoạt động báo chí. Thẻ nhà báo không phải là giấy phép hành nghề.

* Dự thảo gộp chung việc xử phạt hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp và nhà báo lạm dụng quyền hạn. Mức xử phạt hành vi cản trở nhà báo rất thấp so với hành vi nhà báo lạm dụng quyền hạn. Phải chăng đây là sự bất bình đẳng?

- Như tôi đã nói không nên có nghị định riêng về vấn đề này, càng không nên đưa việc cản trở nhà báo với vi phạm của nhà báo vào một điều khoản, thậm chí trong một nghị định. Các vi phạm của nhà báo, của hoạt động báo chí nên được điều chỉnh bởi quy định chung hiện hành.

* Bài viết không dẫn nguồn sẽ bị xử phạt. Quy định này đi ngược với Luật báo chí. Luật báo chí quy định rõ nhà báo có quyền sử dụng nguồn tin riêng của mình và chịu trách nhiệm trước nguồn tin đó...

- Nên xử phạt hành vi bịa đặt, tạo những thông tin giả. Nhà báo muốn viết tin bài phải có thông tin, có thể do chính nhà báo tìm hiểu được, có thể từ các nguồn tin của mình, từ các tài liệu công khai. Trách nhiệm của nhà báo là phải đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin, phải trung thực, không bịa đặt. Trách nhiệm và đạo đức của nhà báo là phải bảo vệ nguồn tin. Do vậy việc xử phạt không dẫn nguồn là không thực tế và không khả thi.

Không khả thi ở chỗ một bài viết có thể có rất nhiều nguồn, không thể liệt kê ra được. Tuy nhiên nhà báo cũng cần dẫn được nguồn khi cần thiết để bảo vệ những điều mình viết ra là đúng, là không phải bịa đặt.

* Thưa ông, những cụm từ viết báo “sai sự thật”, “gây ảnh hưởng nghiêm trọng” mang tính chất chung chung, không xác định rõ, cụ thể hành vi vi phạm của nhà báo...

- Có thể chứng minh được việc viết sai sự thật nhưng cho rằng gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì cực kỳ khó. Ví dụ như Vedan gây thiệt hại như vậy nhưng đến nay chưa ai chứng minh được họ gây thiệt hại bao nhiêu, có nghiêm trọng không. Đấy là thiệt hại về kinh tế còn dễ tính toán hơn loại thiệt hại được cho rằng do báo chí gây ra. Do vậy, cần phải xác định rõ thế nào là gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Quy định của pháp luật là phải định lượng được, không thể cảm tính. Không xác định được rõ ràng thì không nên đưa vào biện pháp chế tài.

TRUNG CƯỜNG thực hiện

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=341529&ChannelID=10)

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Một bài thơ hay

biensong 

Tiếng nói của thế hệ trẻ

Còn tôi hay không còn
Trước ngõ nhà em
Mỗi sáng hoa vẫn nở
Con cún có thèm hơi khách quen
Vẫn biết cọ xồm xoàm vào nỗi nhớ

Còn tôi hay không còn
Phố vẫn chật, đường vẫn đông
Những biển hiệu không ghi bằng tiếng quê hương
Vẫn khệnh khạng cứa vào nỗi nhục nhằn tuổi trẻ

Tôi phải đi
Ngay bây giờ
Trường Sa Hoàng Sa là của chúng ta
Của tuổi thơ nghe bà kể năm mươi đứa con theo Cha xuống biển
Của mòn vẹt ghế nhà trường viết thư cho các anh lính canh giữ đảo
Của những chuyến tàu chao chát yêu thương theo con sóng
Của niềm tự hào Biển bạc
Của cong oằn gánh hình chữ S

Tôi phải đi
Ngay bây giờ
Không súng ống không dao găm tôi có trái tim hình tam giác
Ba góc nhọn mài sắc thưở Bình Ngô
Không tổ chức không đồng phục tôi có mười đầu ngón tay nhỏ máu lên áo trắng nhuộm thành cờ
Vác sóng lên vai ném về phía giặc
Không hoan hô không ghi công tôi có bia thời gian ướp bằng muối
Miệng ngàn thu mặn mòi cá đói

Tôi phải đi
Ngay bây giờ
Biển chúng ta
Hải đảo chúng ta

Em đừng nép vào Tô Thị chờ chồng
Mau lấy chồng
Đẻ con
Nuôi cho lớn mau nhiều thằng tôi nữa
(Bằng sữa mẹ bằng nước vo cơm bằng cám heo cũng được
nhưng nhất định không bằng sữa bột Trung Hoa)
Thả chúng về phía biển
- Cha của mày
Đáng lẽ
Là người tử sĩ vùi sóng ở ngoài kia!

Trịnh Sơn
(sưu tầm trên mạng)

Cử chỉ thông thường của người Việt

08:44-02/10/2009

Lỗ Tấn từng viết về những người nhà quê của A Q thái hành dài bằng đốt ngón tay, trong văn chương Tự lực văn đoàn cũng có những cảnh hài hước khi muốn chế giễu những người được cho là quê mùa nào đó, ví dụ cho một anh nông dân nhảy đầm. Từ hoang dã đến con người hiện đại là quãng thời gian hàng vạn năm, rất nhiều hành vi đã ngưng đọng lại không bao giờ thay đổi nữa. Đó chính là cử chỉ thông thường của một dân tộc, không bao giờ đánh giá theo thang giá trị đẹp hay xấu.

Cũng giống như tất cả người Việt khác, tôi ít khi để ý đến hành vi thường ngày của mình, nhưng dần dà cũng có những phân biệt nhất định, nhất là khi đi sơ tán, tôi thấy người sống ở nông thôn có những cách hành xử khác với người ở thành thị. Tiếp xúc với những người thuộc các sắc tộc khác nhau, lại thấy những hành xử khác nữa, rồi gặp người nước ngoài lại là một cách sống khác. Cái gì tạo nên những phong cách sống, như một số người có đầu óc kỳ thị thường phân biệt giữa người nhà quê và người thành phố, giữa người da trắng và người da màu, mà về bản chất nó không phản ánh sự tốt xấu, sang hèn chỉ là hệ quả của cả hành trình dân tộc.

Bà tôi và những cụ già khác thường nhai trầu bỏm bẻm, khi răng yếu các cụ có chiếc cối nghiền trầu nho nhỏ và ngoáy vào đó suốt ngày. Tôi thấy một cụ già nhờ nhà sư chùa làng nhai trầu hộ, rồi bà ăn sau, một hôm nhà sư bận nên nói bà nhờ cô gái này này. Bà cụ bảo: Cô này miệng hôi tôi không ăn được. Nhà sư: Miệng tôi mới hôi, còn miệng các cô ấy thơm lắm. Bà cụ nói: Các thầy là người tu hành nên khí chất thơm tho, còn các cô ấy có tu gì đâu mà thơm hay hôi. Như vậy cách quan niệm của các cụ già xưa thật khác thường, đạo đức quyết định tất cả những phẩm chất còn lại, mà thực tế thì không hẳn như vậy. Dưới cái mũi của con người động vật nói chung rất hôi hám, nhưng chúng không liên quan gì đến giá trị thiện ác cả, và nếu có thì động vật rất thiện so với con người. Lỗ Tấn cũng viết một cách hài hước rằng có lẽ mồ hôi của cô tiểu thư thành thị thì thơm hơn mồ hôi của anh công nhân chăng?


Nụ cười thiếu nữ. Bưu ảnh Pháp đầu thế kỷ XX.

Bữa cơm gia đình. Bưu ảnh Pháp đầu thế kỷ XX.

Hay cười, xỉa răng, ngồi xổm là ba hành vi đặc trưng của người Việt, dù ngày nay đã thay đổi chút ít. Gặp bất cứ ai, dù không quen biết, người Việt có thói quen hay cười, rồi cả quen nhau rồi, mỗi khi kết thúc công việc gì đó lại cười. Bắt tay cười, mua hàng cười, nói chuyện cười, xem đám đông cười, thắng lợi cười, thất bại cũng cười... nghĩa là cười ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, trong đó có cả cười một mình và lẩm bẩm một mình. Cười trở thành một thói quen bắt đầu cho một giao tiếp, đến nỗi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho rằng hay dân tộc mình còn trẻ con. Cái cười này không nhất thiết bộc lộ niềm vui, nó giống như lời chào thôi, để kết thúc một việc, nhất là khi gặp gỡ quan lại sai nha xưa để giải quyết hành chính, cười còn có tính nịnh nọt, nhằm lấy lòng cho được việc. Song trong cuộc sống thường nhật, không nhất thiết phải cầu cạnh ai người ta vẫn cười, điều đó cho thấy cười đã trở thành một hành vi vô thức, không nhất thiết phải có việc hay thái độ gì. Cười là sự tự kỷ của người Việt.

Xỉa răng chỉ là một việc rất nhỏ sau khi ăn của người Việt, nhưng được người phương Tây nhìn nhận như một đặc trưng tính cách, như trên đã dẫn, họ cho rằng người Việt hay ăn cỗ, và ai ăn xong rồi thì được đánh dấu bằng một cái que cắm vào mồm. Hầu hết người Việt lớn lên đôi chút là chân răng thường hở, khiến cho khi ăn thức ăn giắt vào kẽ răng và phải xỉa răng. Tập tục ăn trầu có chất vôi và nhuộm răng đen làm cho răng chắc khỏe, với những ai giữ được thói quen truyền thống này thì có thể giảm xỉa răng. Tuy nhiên trong quá khứ, thuốc đánh răng và bàn chải chỉ xuất hiện khi người phương Tây sang, còn người Việt cổ chỉ có xúc miệng bằng nước chè, rượu, đánh rằng bằng than hay múi cau khô. Ngoài bốn mươi, sự lão hóa bắt đầu và răng bắt đầu rụng cũng như doãng ra, người ta buộc phải xỉa răng. Người Việt cổ già tương đối sớm, cũng như lập gia đình sớm. 50 tuổi là ra đình lên lão, 60 tuổi là hết vòng hoa giáp có thể chầu trời, 70 tuổi là rất hiếm. Tục xỉa răng không phổ biến ở người phương Tây và ngay cả người Trung Hoa, nên được coi là cử chỉ riêng của người Việt. Xỉa răng sau khi ăn thực ra liên quan đến cách thức nấu nướng hằng ngày. Chúng ta không rõ thời trung cổ người phương Tây ăn những tảng thịt nướng to tướng thì họ sẽ xử lý răng miệng thế nào, nhưng về sau nhiều các đồ ăn phương Tây chuyển sang hầm nhừ, bộ răng không quá vất vả. Món ăn Trung Hoa cũng vậy, không nhiều đồ luộc như Việt Nam. Người Việt ăn nhiều chất sơ và đồ luộc, chất sơ từ rau cỏ, lại ăn nhanh và không nhai kỹ, lại luôn mồm nói chuyện trong khi ăn, nên luôn làm cho bộ răng ngứa ngáy.

Vả lại đàn ông xỉa răng để nói nốt câu chuyện tào lao rồi uống trà, đàn bà che miệng xỉa răng lộ vẻ kín đáo.

Ngồi khoanh chân xếp bằng như tọa Thiền là tính cách riêng của người phương Đông. Đầu gối người phương Tây do quá trình sống riêng rất khó gập được như vậy. Nhưng ngay cả người phương Đông hiện đại không phải ai cũng ngồi xếp bằng được, bởi thói quen mới ngồi duỗi chân với bàn ghế cao và bệnh béo phì, còn người xưa ngồi chiếu là phổ biến. Cái chiếu phổ biến đến mức nó trở thành khái niệm tượng trưng, xác định vị thế xã hội của con người. Người ta gọi là hộ tịch, tức là góc chiếu của gia đình và cá nhân nào đó, trong đó hộ là cái cửa nhà, cái nhà, còn tịch là cái chiếu. Người đứng đầu gọi là chủ tịch, nhưng người khác gọi là tịch viên. Và người có mặt nhưng không có quyền như những người trong cuộc khác thì gọi là liệt tịch. Liệt tịch bao gồm cả con ngựa ta cưỡi đến dự một cuộc khai hội (họp), nghĩa là chúng có đến cùng với chủ nhưng không được quyền phát biểu. Ra đình bạn sẽ được ngồi xếp bằng trên một góc chiếu, đó là vị thế của bạn. Có chiếu trên chiếu dưới phân cấp. Chiếu trên thì gần bàn thờ Thánh, càng xa bàn thờ thì càng là chiếu thấp, thấp nữa là chiếu ngoài sân đình. Riêng những người làm mõ thì ngồi chiếu riêng, ăn mâm riêng được coi là những người hạ đẳng xuất thân từ dân ngụ cư. Chiếu cao hơn thì cỗ cũng to hơn, nhiều món hơn. Kẻ thấp sẽ ghen tức vì mâm kẻ cao thật nhiều sơn hào hải vị. Mới có câu Bầu dục không đến bàn thứ tám. Cái văn hóa góc chiếu giữa đình này chưa hề mất đi, ngày nay nó được thay thế bằng văn hóa phong bì, nghĩa là ăn tiệc sẽ như nhau, nhưng tiền thưởng theo đẳng cấp.

Những người yoga và những bậc Thiền sư dùng ngay thế ngồi xếp bằng đặc trưng làm kỹ thuật tu luyện, hoặc bắt chéo cả hai chân lên nhau (gọi là kiết già toàn phần), hoặc bắt một chân (kiết già bán phần) và đưa vào đó ý nghĩa mới của sự thanh tĩnh hướng nội. Cái bệ rạc nhất trở thành cái cao khiết nhất trong nháy mắt trong cùng một cử chỉ, và vì thế ngồi xếp bằng được coi là một đặc trưng phương Đông về sự an tĩnh đàng hoàng. Ở Trung Hoa, phổ biến trong thời Tần Hán là cách ngồi quỳ đầu gối, bàn ghế chưa đóng vai trò nhiều, trừ chiếc bàn thấp để uống rượu đàm đạo. Cách ngồi quỳ đã từ lâu lui vào dĩ vãng ở Trung Quốc thì vẫn còn thịnh hành ở Nhật Bản nhiều thế kỷ sau. Những người du mục Mông Cổ luôn ngồi tư thế thõng chân trên mình ngựa, khi xuống đất hoặc ngồi khoanh chân hoặc ngồi cao thõng chân xuống đất. Tất cả những tư thế trên có nguồn gốc sinh hoạt của nó, mà người Việt không có. Quỳ lạy được dùng trong tế lễ, yết kiến vua quan, không thật phổ biến trong sinh hoạt. Đại bộ phận nông dân thích ngồi xổm, tức là ngồi gập đầu gối, đít kê hòn gạch hoặc ghế đẩu, hoặc ngồi không, hoặc ngồi bệt. Ăn và ỉa đều ngồi xổm, riêng ăn thì là tư thế thông thường trong chiến tranh, cái dạ dày luôn bị ép lại, cũng phù hợp với nguồn thức ăn không dồi dào. Và ngồi xổm để đại tiểu tiện cũng dễ cho con người. Cho đến ngày nay, nông thôn đã xây nhà vệ sinh hiện đại, nhưng người ta vẫn ngồi chồm hổm trên đó.

Mất nhiệt cả ngày vào mùa đông, chịu nóng ẩm vào mùa hè, xương cốt khí chất người Việt ngày càng lỏng lẻo dù mới qua tuổi ba mươi. Họ luôn có tư thế so vai rụt cổ, khi ngồi trên ghế tựa, thỉnh thoảng phải co cả hai chân lên ôm gối. Khoa xem tướng nhận định rằng những người đầu gối quá tai ( tư thế ngồi xổm ) là tướng bần hàn suốt đời. Khi viết về người Trung Quốc, người phương Tây nhận xét rằng người Trung Quốc ít khi nhìn thẳng, hay cúi đầu cụp mắt, hệ quả của hàng ngàn năm phong kiến nô dịch. Cúi đầu, lom khom, rụt rè...thực ra là hành vi phổ biến ở người phương Đông bình dân xưa. Những tư thế ăn vào máu con người, vào thời hiện đại, khi không sợ ông vua nữa, thì họ cũng không tự tin khi đứng trước người phương Tây. Thế rồi hình thành một loại người đứng trước người Tây thì như nô lệ, đứng trước người ta lại như thực dân.

Dáng người thấp nhưng đậm, cơ bắp khỏe, người nông dân xưa đi lại luôn có xu hướng chúi về đằng trước. Dáng đi này chịu ảnh hưởng của việc liên tục gánh gồng. Gánh nước, gánh thóc, gánh củi, gánh rau cỏ, gánh phân...từ trẻ con đến người già không ai không phải làm. Đôi vai trở nên vạm vỡ, cơ ngực cũng nở nang, trừ những thời kỳ đói ăn dài, người phụ nữ Việt có bộ ngực nở hơn phụ nữ Hoa. Một số làng thay vì gánh thì đội thúng trên đầu, nhất là các bà đồng nát, nhưng người Việt cũng không thể đội lọ như những người Ấn Độ - Khmer. Người Việt cũng không quen gùi trên lưng như những sắc tộc miền núi, mà sở trường là gánh nặng và đi đường xa. Kéo xe, thồ hàng bằng xe kéo, hoặc bằng xe đạp ( thế kỷ 20 ) cũng là thói quen lao động. Chân giã gạo, tay xay cối, vai gánh nặng, lội đồng, bơi sông, trèo cây hái củi...những hành vi thường ngày có tác dụng rèn luyện sức khỏe và uốn nắn cơ thể có những thói quen ứng xử nhất định, nên khi không lao động nữa người Việt thích ngả ngốn, tưởng chừng không theo một tư thế nào nhất định, nhưng thực ra vẫn là ngồi xổm, gác chân lên bàn hoặc lên ghế, sờ soạng linh tinh, nghiêng bên nọ, ngả bên kia và thay đổi tư thế liên tục. Họ vừa thiếu lại vừa thừa năng lượng. Khí hậu nóng ẩm hay thay đổi, nhiều ruồi muỗi, khiến ai nấy luôn tay gãi và quạt. Tất cả những điều này cộng lại cho thấy rất ít người Việt có khả năng ngồi yên một chỗ năm sáu tiếng, làm nghiên cứu khoa học kiên trì ngày này qua ngày khác, theo đuổi một mục đích duy lý dài lâu. Trong suốt một ngàn năm phong kiến chỉ có hai người có khả năng ấy mà trở thành nhà nghiên cứu duy nhất, đó là Lê Quý Đôn và một người gần được như thế là Phan Huy Chú.


Bái kiến một vị quan. Bưu ảnh Pháp đầu thế kỷ XX.

Người Việt cổ vốn ít râu và lông trên người, như lông chân, lông tay, còn lông ngực rất hạn hữu. Quá trình lội bùn cày cấy và mò cua bắt ốc, những lỗ chân lông gần như bị bịt hết, lớp da của họ nhẵn thín như tráng lên đó một lớp màng ni lông nâu bóng, do vậy khả năng đổ mồ hôi khi trời mưa nắng và nóng do lao động rất chậm, trừ khu vực đầu. Đặc điểm này giúp cho cơ thể người nông dân tránh bị cảm nắng khi lội nước dầm dề, nhưng lại thường gây chướng khí trong bụng. Người Việt do đó hay bị đầy hơi chướng, hay đánh rắm bừa bãi, hay khó tiêu. Cho nên theo truyền thống phần lớn thức ăn đem luộc ít xào nướng bằng dầu mỡ và các loại ẩm thực đặc sản rất thanh nhẹ, như bánh gio, bánh cuốn, bánh tẻ. Nếu ăn xong bị đầy bụng, người ta nếu là đàn ông thường véo bảy cái vào bụng và mỗi lần véo thì hú lên một hú, còn đàn bà thì véo chín cái. Trừ tóc và bộ phận sinh dục, thì bao nhiêu lông sót trên người, người ta có xu hướng vặt bằng sạch, như lông nách. Bộ tóc được chăm chút hằng ngày, chải bằng lược thưa và lược bí răng dày. Bẩn thì gội bằng bồ kết nướng. Cả đàn ông và đàn bà đều không cắt tóc, cứ để dài, rồi búi tròn trên đỉnh đầu (gọi là Nhục kháo). Nhưng ông đồ thì chau chuốt hơn, mai tóc vắt lên tai, gọi là mai gọng kính còn móng tay có vài người không bao giờ cắt, để dài tới vài chục phân. Tất cả tóc rụng, móng tay móng chân đều phải nhặt lại. Móng sừng thì cho vào cái túi nhỏ, tóc lại thường giắt vào liếp, có thể dùng đánh gió khi cảm. Khi nào chết người ta gom tóc và móng sừng để vào áo quan. Đó là một phần của trời đất và mẹ cha cho mình không được phép vứt bỏ.

Cùng chiều với tính cách nịnh hót là tính cách ưa nịnh nọt, thích quà biếu, thích khen thưởng, thích tâng bốc cũng đồng thời thích được nghe nói dối và o bế những kẻ tâng bốc mình và không bao giờ chấp nhận phê bình. Dân tộc đã có nhiều cơ hội phát triển, nhưng rồi lại chậm lại, thậm chí thụt lùi chỉ vì những tính cách này. Đó là bài học chưa bao giờ được tiếp nhận.

Người Việt không ưa đàn ông trẻ mà để râu. Râu ria chỉ được phép để khi ngoài 40 tuổi. Nghề cạo râu, sửa tóc, lấy ráy tai có khá sớm, riêng môn cắt tóc chỉ thịnh hành khi phong trào Duy tân và Đông kinh nghĩa thục kêu gọi đổi mới. Còn nhổ lông trên người và nhổ tóc sâu, bắt chấy người ta thường làm giúp nhau như bầy khỉ. Dẫu vậy từng người một, người Việt vẫn tự ngó ngoáy vào cơ thể mình cả ngày. Ngoáy mũi, ngoáy lỗ tai, gãi đầu, nhổ lông nách và ngửi nách, quạt phành phạch. Nếu có đàn bà con gái đứng quanh thì cũng tròng ghẹo, phát vào mông, véo má, véo tai, nếu là trẻ con người ta hay cắn nhẹ vào tay và má. Tất cả các hành vi này đều mang tính vô thức, giải tỏa năng lượng thừa, tạo niềm vui trong cuộc sống thường nhật và gắn kết cộng đồng. Ai không như vậy lại thường không được ưa lắm.

Ở phương Tây nếu không phải người đồng tính người ta rất kị người cùng giới chung phòng hoặc chạm vào nhau. Số người đồng tính ở Việt Nam trong quá khứ không nhiều, trừ những người có căn đồng mà chúng ta có thể bàn sau, nhưng hiện tượng người cùng giới sống thân mật là phổ biến. Đây là một tính cách dân tộc và rất lành mạnh không liên quan gì đến đời sống tính dục. Khi bạn bè thân nhau, người ta hay thích ngủ chung giường và trò chuyện suốt đêm. Khi Khổng giáo phát triển, người ta rất kị việc nam nữ chung sống đặc biệt chưa hôn thú. Ngay với trẻ con cũng vậy, nếu đi đâu xa phải ngủ tập thể, thì nam nằm với nam, nữ nằm với nữ. Trong lối đào tạo Quan họ cổ, trẻ con lên bảy lên tám tuổi, đến nhà ông trùm bà trùm ( những bậc thầy hát Quan họ ) học hát và ngủ đêm luôn ở đó, gọi là ngủ bọn, các bé trai ngủ ở nhà ông trùm, các bé gái ngủ ở nhà bà trùm. Tuy vậy trong giao tiếp hằng ngày, người Việt không ôm hôn, không bắt tay, chào nhau thì cúi đầu, ngả mũ hoặc giơ nón mũ lên cao, đi ra xa thì vẫy tay. Con cái lớn không đứng gần và đứng trước cha mẹ, học trò luôn đi sau thầy, vợ đi sau chồng, trước mặt người lạ luôn giữ một khoảng cách, khoảng cách đó kể cả với chồng. Ở nhà thường nhật hai vợ chồng có thể ngồi cùng mâm, nhưng nếu có khách đến chơi, thì vợ và các con xuống bếp ăn, mâm trên nhà chỉ có ông chủ nhà và khách. Khi chủ nhà đi vắng, người con cả sẽ ngồi tiếp thay bố, chứ mẹ thì không. (Lưu ý rằng những tính cách ứng xử này trong thời chưa ảnh hưởng văn minh phương Tây, không phải là hiện nay).

Có lần dẫn một người bạn nước ngoài đi xem bảo tàng, anh ta thắc mắc trong các chạm khắc đình làng luôn có hình ảnh con người ngửa mặt lên trời hoặc cúi gằm xuống đất. Tôi đã xem điêu khắc đình làng nhiều lần nhưng chưa bao giờ nảy ra câu hỏi như vậy, bèn trả lời cho qua chuyện, cái này cũng giống như điêu khắc Gothic ở phương Tây, con người luôn chỉ có hai tư thế ngửa mặt lên trời cầu Thiên chúa, và cúi mặt xuống đất nhẫn nhục. Có lẽ hình ảnh con người trong chạm khắc cổ Việt Nam phản chiếu một vấn đề khác không có tính tôn giáo như nghệ thuật Gothic. Sự nhẫn nhục, phục tùng là phổ biến trong tính cách bình dân phương Đông cổ, hằng ngày, trong nghệ thuật, và cả ngày nay cũng chưa hết như vậy. Song ngửa mặt lên trời lại không phải là hành vi phổ biến, trong nghệ thuật nó chỉ là biểu hiện sự vui đùa thôi, nó thể hiện sự không coi cái gì ra gì (nhất thời), sự chế nhạo, tự tâng bốc và thỏa mãn với bản thân mình, sự điên rồ tùy hứng, bởi không mấy khi hào sảng như vậy.

Nịnh hót, xun xoe, khúm núm là hành vi hay là phẩm chất, hay đôi khi là cả hai, thì cũng rất thông thường ở người Việt. Mặc dù không ai thích như vậy, nhưng ít ai tránh khỏi vì đó là một tính cách bản năng mất rồi. Người phương Tây sang Việt Nam thế kỷ 17, 18 nhận xét rằng gặp quan lại Việt Nam không thể không có quà biếu. Trao và nhận quà biếu cũng là một tính cách dân tộc có liên hệ mật thiết với sự nịnh hót, khúm núm nói trên. Biểu cảm như thế nào còn là tùy hoàn cảnh và con người cụ thể. Hoặc may hai chiếc áo có hai vạt khác nhau như truyện dân gian về một ông quan. Lúc gặp quan trên thì mặc áo vạt trước ngắn, vì phải cúi mình, lúc gặp dân đen thì mặc áo vạt sau ngắn vì ưỡn bụng vênh vang. Cúi lưng, xoa tay, ngửa mặt đớp lời quan khách, cười nhạt nhưng niềm nở, mắt hấp háy, chân nam đá chân siêu, luống cuống làm việc nọ xọ việc kia, bưng chén hai tay, đuổi ruồi cho ngài, sửa vạt áo cho ngài, xếp lại giày cho ngài, pha trà hảo hạng, mở chai rượu mới nhãn hiệu Napoleon, ngọt giọng bảo vợ đun lại nước sôi, gọi con gái xinh đẹp ra chào khách, khen ngài dạo này trẻ khỏe, hơi gầy, nhưng nom tướng rất phát, ta thán về sự bận bịu của ngài lo việc dân việc nước... Riêng về đề tài này chỉ liệt kê chắc được một bài dài năm bảy trang.

Phan Cẩm Thượng
(http://tiasang.com.vn)