Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2008

Chuyện rỗi hơi...



Nhân đọc bài "Không thể và có thể" trên cộng đồng blog Việt Nam, tui chợt nhớ ra một điều mà thiết nghĩ sao ngày nay người ta vẫn cứ khờ khạo ngây thơ rồi nhắm mắt coi như không biết nhỉ? Khờ khạo ngây thơ cái gì và nhắm mắt làm sao thì chút nữa ta sẽ nói, nhưng bây giờ xin hãy đọc lại bài thơ này đã nhé:

Ở đây
Việt Nam
tôi có thể vào
sexviet chấm com
traigaisex chấm com
giaitrisex chấm com
gaihot chấm com
vân vân và vân vân
những website khiêu dâm đồi trụy
luôn mở rộng cửa đón tôi
...
nhưng
cũng ở đây
Việt Nam
tôi không thể vào
talawas chấm org
vietbao chấm com
rfa chấm org
danchimviet chấm com
vân vân và vân vân
những website chính trị
luôn bị chặn lại trước mặt tôi
(Client Error: URL requested was filtered)
(Your request cannot be serviced due to access restrictions)
(Please contact your System Administrator for further details)
...
thế nên
ở đây
Việt Nam
tôi có thể trở thành một gã du côn
một tên dâm tặc
bất cứ lúc nào
nhưng tôi không thể
lệch lạc về tư tưởng
không sập bẫy diễn biến hòa bình
không bị các thế lực thù địch lợi dụng
...
tôi
một thằng lưu manh
rất vững vàng lập trường chính trị
...


Thực sự tui chẳng biết tác giả bài thơ này, nhưng đọc qua thì tâm trạng và lời thơ nó hiện thực quá, hiện thực đến nỗi đau đáu cả mình vậy. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, cái cách vượt tường lửa để vào các site chính trị kia ai mà chả biết, thế mà họ vẫn chặn để làm gì nhỉ? Chỉ có nước chặn mấy anh chàng ngu ngơ về vi tính thôi, chứ những người có bản lĩnh chính trị rồi thì việc chặn tường lửa nầy của mấy ông nhà nước xem ra nực cười và phí thời gian. Những site khiêm dâm đồi trụy kia sao họ không chặn nhỉ? Nếu chặn thì rất hiệu quả đấy, vì chỉ có những anh chàng tơ lơ mơ về vi tính ăn không ngồi rồi rững mỡ mới ham vào xem, do đó chặn lại thì mấy tay ấy bó tay thôi, thế mới là hiệu quả, chứ chặn mấy site chính trị cũng như không, vì đã muốn vượt tường lửa thì vượt ngay thôi, sau đó tha hồ đưa về blog, mà đã đưa về blog rồi thì đố anh nhà nước đấy, cấm nổi không? Một nhân mười, mười nhân một trăm ngay lập tức, do vậy mà tui nhận thấy suy nghĩ của mấy anh cán bộ quản lý của nhà nước ta ngây thơ là chỗ đó, ngây thơ đến độ nực cười, thế mà vẫn làm, vẫn ăn đồng lương nhà nước, mà lương nhà nước thì ở đâu ra? từ tiền thuế của người dân đó thôi. Sự việc rành rành thế mà sao nhà cầm quyền không thấy ư? mắt họ có bị mù không nhỉ? Thử vào một dịch vụ net, hay là ngay chính trong đại bản doanh của các nhà quản lý Internet cũng thế, một màn hình có dòng chữ địa chỉ này đã bị chặn lại, máy tính kế bên cũng địa chỉ đó mà vượt tường lửa được ngay, nực cười là thế đó.
(Copy từ blog của Đứng Dậy Y!360)

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2008

No trí - No lòng

Phải đến hơn nửa thế kỷ nay bài thơ rực lửa này mới được công nhận. Người xem mới được no trí và no cả lòng nữa, vì cả nửa thế kỷ nay tấm lòng của người yêu thơ đã bị những cơ chế tối tăm và những đầu óc cực đoan nào đó chặn lại. Sợ ai chứ? Sợ cái gì chứ? Chẳng lẽ sự thật đáng sợ như thế sao? Hôm nay tôi muốn nói đến bài thơ Nhất Định Thắng của Nhà Thơ Trần Dần, người mới đây vừa được giải Văn Học Nghệ Thuật cấp Nhà Nước, do đích thân Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ký tặng. Tại sao vậy nhỉ? Vì sao mà một bài thơ như thế này lại chịu một số phận hẩm hiu, làm thui chột đi cả một thế hệ như thế chứ?
Câu trả lời dành cho các nhà sử học và nhất là dành cho các bạn trẻ ngày nay sẽ nói lên tiếng nói chân thực của mình. Một bài thơ như thế này, một tác giả "đại danh" (lời của Báo Tuổi Trẻ) như thế này, đọc lên hừng hực lửa, đọc lên bừng bừng khí thế và thấm vào từng thớ thịt. Vậy mà thời trai trẻ của chúng tôi phải đọc lén, đọc chùng, đọc trộm mới biết được bài thơ tuyệt vời này. Nhà trường hồi ấy có nguyên cả một chương lên án Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trong đó có Trần Dần với bài thơ này, tạo nên một chuỗi u mê đầu óc cho cả một thế hệ.
Hôm nay, tôi cám ơn trước hết là ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư ĐCSVN, người đã tạo nên một cú hích thực sự về tư tưởng Đổi Mới để có được ngày nay, sau nữa là cám ơn tất cả những ai yêu chuộng sự thật để ngày nay những "đại danh" như thế này có thể nhìn đời, nhìn người và có thể nói rằng, họ xứng đáng đứng vững vàng trên nền Văn học nghệ thuật nước nhà. Thế mà ngày xưa bài thơ này bị cấm đấy, bị lên án đấy, ai xem lén cũng có thể bị chụp mũ là phản động đấy. Xin cám ơn cuộc đời, xin cám ơn tất cả và trên hết, xin cám ơn sự thật, chỉ có sự thật là mãi trường tồn thôi, mọi thứ khác rồi cũng sẽ tan vào quên lãng như những vết đau lặn dần trên cơ thể Tổ quốc.
Nói như các thẩm định bằng văn bản của nhà thơ Bằng Việt- Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn VN và GS Hoàng Ngọc Hiến, các ý kiến thẩm định đều khẳng định giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của thơ Trần Dần được nhìn nhận dưới ánh sáng của Đổi Mới, và tuyển tập thơ của Trần Dần mới được xuất bản gần đây là một chân dung tinh thần khá đầy đủ mà lâu nay vẫn còn ẩn kín của thi tài độc đáo bậc nhất Việt Nam này. Và đây là bài thơ tôi muốn nói:

NHẤT ĐỊNH THẮNG

Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật.
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui ?
Tổ quốc hôm nay tuy gọi sống hòa bình
Nhưng mới chỉ là trang thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh...
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui - khi chợt nhớ chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt.
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta ?

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm ?
A ! Cái lưỡi dao cùn !
Không đứt được mà đau !
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước ! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: có phải vết dao ?
Không đứt được mà đau !
Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu

Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối sầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi
- Dừng lại !
- Đi đâu ?
- Làm gì ?
Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo
Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn
- Ở đây
Khát gió, thèm mây...
Ô hay !
Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi ?
Sau đám mây kia
Là cả miền Nam
Sao nỡ tưởng non bồng của Mỹ !
Tôi muốn khóc giữ từng em bé
- Bỏ tôi ư ? - Từng vạt áo - gót chân
Tôi muốn kêu lên - những tiếng cộc cằn...
- Không ! Hãy ở lại!
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
Non bồng Mỹ
Triệu lần...
Mảnh đất dễ mà quên ?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư?
Sao chẳng nói thật thà ?
Chỉ là:
- Thiếu quả tim bộ óc !
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
- Nhưng sao bước rã rời ?
Sao họ khóc ?
Họ có gì thất vọng ?
Đất níu chân đi,
Gió cản áo quay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Trăng trối lại: - Mỗi lùm cây - Hốc đá
- Mỗi căn vườn - gốc vả - cây sung
Không nói được, chỉ còn nức nở
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ
Ôi đất ấy - quên làm sao được ?
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi
Hôm nay đây mưa gió dập vùi
- Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc...
Ai dẫn họ đi ?
Ai ?
Dẫn đi đâu ? - Mà họ khóc mãi thôi
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống - Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
- Khổ nhiều rồi !
Họ xấu số - chớ hành thêm họ nữa
Vườn ruộng hoang sơ - cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm,
Non nước buồn thương
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ơi đất Bắc ! Hãy giữ gìn cho họ !

Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ

Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ !
họ vẫn bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã...
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Em ơi.
Em có biết đâu ta khổ thế này
vì sao?
Em biết đâu
Mỹ miếc, Ngô nghê gì?
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào Thơ ?
Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách - hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này - bạn ấy
Quyển của tôi tư lự nét đăm đăm
Nó đang mơ : - Nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Tôi đã biến thành người định kiến
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi thống nhất phải đòi từ việc nhỏ
- Từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
- Từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ.
Trời mưa mãi lây rây đường phố
Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu ?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất ?
Sao chúng không chắp được cõi bờ ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị.
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Em ơi ! - Ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử ?
À cái tin trên báo - Ừ em ạ
Hôm nay bọn Mỹ miếc, lũ Ngô nghê
Chúng đang phải dậm chân đấm ngực !
Vượt qua đầu chúng nó,
mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thư, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới ranh gì ?
Ý muốn dân ta
là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xóa nhòa giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Nhưng
Trời mưa to lụt cả gian nhà:
Em tất tả che mưa cản gió
Con chó mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ - Nó gầy - Lông xấu quá
Nó thiếu ăn - Hay là giết đi ư ?
Nó đỡ khổ - Cả em đỡ khổ.
Em thương nó - Ừ thôi chuyện đó
Nhưng hôm nay em mới nghĩ ra
Anh đã biến thành người định kiến
Mực ơi!
đừng oán chủ Mực à!...

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã
- Chúng phá hiệp thương
- Liệu có hiệp thương
- Liệu có tuyển cử
- Liệu tổng hay chẳng tổng ?
- Liệu đúng kì hay chậm vài năm ?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.
Ôi xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy.
Người vẫn vội - Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông !
A tiếng kèn vang
quân đội anh hùng
Biển súng
rừng lê
bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà...
Lá cờ ấy lá cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan
Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Từ đất dấy lên
là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được chiến tranh
giữ được hòa bình
Giặc cũ chết - Lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi ! chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có LÝ ? Và ai có LỰC ?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
Biết Tổ Quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
Không biết nhục
Không biết thua
Không biết sợ !

Hôm nay
Cả nước chỉ có một lời hô
THỐNG NHẤT
Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi
- Giả miền Nam !
Tôi ngửa mặt lên trời
Kêu một tiếng - Bỗng máu trời rơi xuống
Vài ba tia máu đỏ rớt vào tôi
Dân ta ơi !
Những tiếng ta hô
Có sức đâm trời chảy máu.
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi - Như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm - Nhưng mà đi quả quyết...
Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê : Đâm
Giống viên đạn : Xé
Giống bão mưa : Gào
Giống tình yêu : Thắm
Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin
Sao bỗng đêm nay,
tôi cúi mặt trước đèn ?
Gian nhà vắng chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ ! Chúng đã biến thành tảng đá
chặn đường ta !
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có phút giây ngờ vực
Ai có lý ? Và ai có lực ?
Ai người tin ? Ai kẻ ngã lòng tin ?
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
cả nước
Cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương lao lực
Anh gạch xóa trang thơ hằn nét mực
Bỗng mặt anh nhìn thấy ! lạ lùng thay !
Tảng đá chặn đường này !
Muôn triệu con người
Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực !
Anh đã nghĩ: Không có đường nào khác
Đem ngã lòng ra
mà thống nhất Bắc Nam ư ?
Không không !
Đem sức gân ra !
Em ơi em !
Cái này đỏ lắm, gọi là TIM
Anh dành cho cuộc đấu tranh giành THỐNG NHẤT

Hôm nay
Trời đã thôi mưa
thôi gió
Nắng lên
đỏ phố
đỏ nhà
Đỏ mọi buồng tim lá phổi
Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa!
Bây giờ
Em khuân đồ đạc ra phơi
Em nhé đừng quên
Em khuân tất cả tim gan chúng mình
phơi nắng hết.
Em nhìn
cao tít
trời xanh
Dưới phố bao nhiêu cờ đỏ
Hôm nay em đã có việc làm
Lương ít - sống còn khó khăn!
Cũng là may...
Chính phủ muôn lo nghìn lắng
Thực có tài đuổi bão xua mưa
không thì còn khổ!
Em treo cờ đỏ đầu nhà
Lá cờ trừ ma
Xua được bóng đen chúng nó...
Đúng rồi! Đó là công sức của dân ta
lùa mây đuổi gió
Những vết thương kháng chiến đỏ lòm
Đã móm miệng, lên da lên thịt.
Tôi bỗng nhói ở nơi lồng ngực
Em ơi
Chúng đốt phố Ga-li-ê-ni
và nhiều phố khác.
Anh đã sống ở Sài - Gòn thủa trước
Cảnh miền Nam thành một góc tim anh
Chúng đốt tận đâu
mà lửa sém tim mình
Tim nó thui đen một nửa
Từ dạo ấy
mà em chẳng rõ.
- Em hãy đỡ cho anh khỏi ngã
Đứng dậy
Một lúc!
Cờ bay
đỏ phố
đỏ nhà
Màu cờ kia là thang thuốc chữa cho anh.
Em có thấy bay trên trời xanh
Hàng triệu tâm hồn?
Em ơi
Hôm nay
trời xanh
xanh đục
Nắng lên
đỏ phố
đỏ cờ...

Ta ở phố Sinh Từ
Em này
Hôm nay
đóng cửa
Cả nhà ra phố
mít tinh
Chúng ta đi
nổi bão
biểu tình
Vung cờ đỏ
hát hò
vỡ phổi
Hỡi những người
thành phố,
thôn quê
Đói no lành rách
Người đang vui
Người sống đang buồn
Tất cả!
Ra đường!
Đi!
hàng đoàn
hàng đoàn
Đòi lấy tương lai:
HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT
ĐỘC LẬP
DÂN CHỦ
Đó là tim
là máu đời mình
Là cơm áo! Là ái tình
Nhất định thắng!

1955

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2008

Trường đời

Trong lý lịch trích ngang của tôi khi tạo blog trên Yahoo có ghi nơi đã theo học là Trường Đời. Trường này chắc hẳn rất nhiều người biết, nhưng cũng nên giới thiệu một tí về nó để mọi người biết thêm những ưu khuyết của trường hầu đánh giá được trình độ của những ai tốt nghiệp trường này. Đúng ra thì phải gọi là trường Đại học mới chính xác, vì hầu như thời gian theo học trường này rất lâu, khó mà xác định nổi cho đúng, lắm người già sắp xuống lỗ cũng còn phải học, mà trẻ sơ sinh khi mở mắt chào đời thì cũng đã phải học rồi. Gọi bằng đại học là phải rồi vì đây cũng là nơi học đại, bạ gì học nấy. Nhưng hầu hết những ai tốt nghiệp trường này không thuộc những loại người ham chạy theo thành tích nên họ không thích gọi bằng đại học làm chi thêm tưởng rằng mình hám danh. Ơ, mà cũng lắm người đã là Cử nhân, là Thạc sĩ, là Tiến sĩ rồi nhưng cũng vẫn còn theo học cái trường này mới lạ chứ, vì trường này lúc nào cũng có rất nhiều cái cần học, cho dù mình đang đứng trên đỉnh cao danh vọng chức quyền hay đang ở tột đáy xã hội cũng đều cần phải học, so sánh cương vị thì đều như nhau, cùng là học viên của Trường Đời. Đặc biệt trường này mặc dù lắm thứ phù du, nịnh nọt, điêu ngoa, chày cối, tâng bốc, giả dối, hám danh, tham lam, sa đọa... nhưng hơn các trường đại học khác là đầu vào chẳng hề có chạy chọt, chạy điểm hay là thi giùm đâu nhé, có điều đầu ra lắm khi phải trả bằng những cái giá khá đắt như danh dự, lương tâm, chức quyền, tài sản, tù đày... chẳng hạn thì mới tốt nghiệp được. Thật đấy! Thời gian gần đây, hết Gúgờ, Dahú và một lô lốc đại gia khác trên mạng nhện net bày ra cái bờlóc, thì vô hình chung cái bờlóc trở thành một phân khoa của Trường Đời, gọi là Cao học của trường này mới phải, vì muốn học khoa bờlóc này, ít ra học viên cũng phải biết gõ bàn phím và biết nói phét, biết 8 thì mới hy vọng tốt nghiệp vững vàng được. - Nhờ học trường này, tôi biết cuộc đời vừa đáng yêu, vừa tả tơi rách nát. - Nhờ học trường này, tôi biết rằng tôi vẫn còn ngu, luôn luôn ngu để mà lo học tiếp, chứ tưởng mình giỏi rồi lắm khi lầm đấy. - Nhờ học trường này, tôi biết chân lý cuộc đời không phải dễ thấy mà nắm bắt được ngay đâu! Lắm khi phải trả giá bằng cả cuộc đời mình mới tìm ra cái chân lý ấy. - Nhờ học trường này, tôi biết rằng cái sự học chẳng phải dựa trên cái bằng cấp đâu, mà dựa trên đầu óc và lương tâm con người, biết nhận định phải trái và biết đưa cái phải trái ấy ra áp dụng giữa đường đời. - Nhờ học trường này, tôi biết được lắm sự giả dối và chanh chua của người để biết mà 8 cho đúng cách. - Nhờ học trường này, tôi biết rằng mọi danh phận chức quyền trên đời này thế nào cũng có ngày sụp đổ, chỉ có tình bạn mới bền vững mãi thôi. - Nhờ học trường này, tôi biết được sự đẹp đẽ do tình yêu mang đến và cũng biết được sự xấu xa do chính nó mang lại. - Nhờ học trường này, tôi biết yêu là gì, nhưng cũng biết hận là gì. - Nhờ học trường này, tôi biết mình cần phải làm gì trước những xấu xa của cuộc đời luôn ám trước mặt mình. - Nhờ học trường này, tôi biết nâng niu sự thật và xé nát những điều giả dối trên đời. - Nhờ học trường này, tôi biết kính nể và quý trọng tài năng thực sự, cho dù tài năng ấy chỉ là một đứa con nít. - Nhờ học trường này, tôi biết thì ra mình vẫn còn có một quả tim để biết yêu người, yêu đời, biết xúc động khi gặp người khác hoạn nạn, biết đưa tay ra khi mọi người cần giúp, biết khóc để gánh bớt nước mắt giùm cho người khác. - Nhờ học trường này, tôi biết... - Nhờ học trường này, tôi biết... Nhưng thôi, còn cả hàng triệu thứ làm sao kể hết ra đầy đủ cho mọi người biết được? Ai muốn biết thì lo mà vào Trường Đời này học, khi tốt nghiệp chắc chắn sẽ trở thành một CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH với đúng nghĩa của từ này. Thôi, tôi không nói nữa đâu, bây giờ còn phải lo học tiếp, chẳng biết bao giờ mới tốt nghiệp được đây...

Gởi nắng cho em

Sau những ngày bão lũ, lụt lội, sụp núi kinh hoàng rồi đến những cơn rét hại ở miền Bắc trong những ngày đầu xuân này, tôi lại nhớ đến cái thân phận bé nhỏ của con người trước thiên nhiên, nhớ chừng nào lại thấy mình nhỏ bé hơn chừng nấy. Ấy thế mà lắm kẻ mới tìm ra hoặc cóp-pi đâu đó được đôi ba điều dở hơi gọi là phòng chống bão lũ, phòng chống thiên tai, đã vội loan tin rùm trời là đã biết cách khắc phục thiên nhiên, chống chọi được với thiên nhiên, làm như ta đã là người tài giỏi lắm, có khi huênh hoang coi trời bằng vung, nhưng thực ra đó là những tuyên bố lấy điểm, lấy tiếng trên truyền hình hoặc trước bàn dân thiên hạ để kiếm hoặc giữ lấy cái chức cái phận thôi, chứ khi quay về, chỉ nghe một luồng sét nổ ầm trên bầu trời thì kẻ ấy lại thu mình nhỏ lại như con kiến, miệng lầm rầm khấn vái Trời Phật Nam mô nam mô... Quả thật, đứng trước thiên nhiên, con người ta mới nhận ra được mình thật là nhỏ bé... nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta khoanh tay ngồi chờ, chúng ta vẫn biết được cái sự nhỏ bé của mình và vẫn phải tìm cách đối phó với cuồng phong bão tố, chứ đâu phải buông tay nhìn số phận, chỉ xin đừng có những tuyên bố hợm mình đòi đứng trên cả thiên nhiên, không dám đâu nhé! Vì chỉ có quyền lực siêu nhiên mới có thể đứng trên đất trời mà thôi. Nhắc đến đây tôi lại nhớ tới hai câu nói của hai phi hành gia cho cùng một hành động, một là của người vô thần và một là của người có đức tin. Số là khi lần đầu tiên con người bay ra được ngoài không gian, Yuri Gagarin, một người vô thần huênh hoang tuyên bố: "Thiên Chúa đâu? Tôi đã ra khỏi bầu trời mà có thấy Thiên Chúa của các người đâu nào?", còn John Glenn, một người có tín ngưỡng thì ông ta lại nói: "Bay ra đến đây, tôi thấy khung cảnh đẹp tuyệt vời, tôi càng cảm thấy khâm phục sự kỳ diệu của Tạo Hóa đã ban cho con người". Chỉ cần nói thế là đủ và không cần phải bình luận dài dòng thêm làm gì nữa. Trong những ngày miền Bắc giá lạnh khác thường như thế này, tôi lại nhớ đến mùa xuân năm xưa, cách đây hơn hai mươi năm. Ngày ấy chúng tôi còn trẻ và rất nhiệt tình với phong trào ca hát. Lúc ấy tôi là trưởng nhóm ca nhạc xung kích mà, thường rất khó khăn để tìm ra được bài hát mới, ca nhạc xung kích mà hát đi hát lại mấy bài cũ thì ai mà nghe cho? Vì vậy nên thường xuyên theo dõi ca khúc mới trên radio, bài nào hay thì thu vào cassette rồi ký âm lại, tập dợt và đem đi hát, nhờ vậy mà cái vốn nhạc lý và ký âm của tôi dần dần vững chãi là do ở thời gian khó khăn trui rèn này. Năm ấy chọn được hai bài: Mùa xuân đến rồi đó của Trần Chung và Gởi nắng cho em của Phạm Tuyên. Tất nhiên là rất nhiều, nhưng hai bài này lại sâu sắc và thấm thía hơn cả, nhất là bài Gởi nắng cho em, mãi đến tận hôm nay tôi vẫn hát và thành thực thú nhận là chưa hề thấy cái nốt nhạc bài này in ở đâu bao giờ, nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ quên được giai điệu và lời hát thiết tha trong thời điểm âm nhạc của chúng ta mới thoát ra khỏi dòng nhạc cứng nhắc để tiến dần đến dòng nhạc viết cho tâm hồn người: Anh ở trong này chưa thấy mùa đông. Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ. Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ. Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam. Đúng vậy, thiên nhiên hình như chia không đồng đều giữa hai miền Nam Bắc, mùa đông miền Nam trời vẫn nắng gay gắt, chả bù cho miền Bắc rét đậm, trâu bò ngã lăn ra chết hàng loạt, bao gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, chống chọi với giá rét và cả với cái đói. Muốn gởi ra em một ít nắng vàng, Thương cái rét người thợ cày thợ cấy. Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy, Có tình thương tha thiết ở trong này. Có muốn gởi thì cũng biết gởi làm sao đây? Giá như nắng mà chia được thì cũng cố mà chia ra ngoài ấy cho đều, để nồi cơm nhà nghèo vẫn còn được nóng, vẫn còn được đầy. Gởi nắng cho em Gởi nắng cho em Gởi nắng về Sưởi ấm những bàn tay... Vâng, may lắm thì cũng chỉ sưởi ấm được những đôi bàn tay thôi, miền Bắc giá rét ơi!

Quê nghèo

Có một đôi người trên blog gọi tôi bằng Chú già dễ mến. Cũng có đôi ba người bảo tôi rằng thấy chú rất chân thật.
Không, tôi chẳng phải là chú già dễ mến đâu! Lắm lúc tôi rất khó ưa!
Tôi cũng chẳng chân thật lắm đâu! Nhiều khi tôi cũng rất láo toét!
Láo gì thì láo, giấu gì thì giấu, chứ chẳng bao giờ tôi giấu hoặc nói láo về gốc gác của mình và cái sự học của mình.
Sự học thì tôi đã nói ở các entry trước rồi, tôi đang theo học cái trường đời ấy đấy, học rất chăm nhưng chẳng biết khi nào tốt nghiệp được. Thôi thì đợi lúc xuống lỗ vậy. Khi ấy thì chắc chắn tốt nghiệp rồi, thành một ông Tiến sĩ ma bờ-lốc bay dật dờ đâu đó... :D
Gốc gác cũng thế, tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, nghèo đến nỗi có đứa đi học mẫu giáo mà vẫn còn ở truồng đấy, chẳng hề biết mắc cỡ là gì vì nhìn quanh hầu hết đều như rứa cả. Quê tôi ở miền Trung, mùa đông thiếu áo, hạ thời thiếu ăn là vậy đó. Tết nhất chỉ biết đổ bánh in và bánh thuẫn (một loại bánh bông lan nhỏ) sau đó đem phơi khô để ăn cho được lâu, và ai muốn ăn nhiều cũng không được, vì ăn nhiều thì nghẹn cổ, nuốt không trôi. Nhớ lại mà muốn rơi nước mắt khi thấy con cháu mình ngày nay quá sung sướng, Tết nhất ăn uống thừa mứa phải đem cho, thậm chí có cái phải đem đi đổ. Rớt nước mắt vì tiếc mà cũng rớt nước mắt vì mừng cho con cháu mình ngày nay qua được cái sự cơ cực đó.
Hôm qua đi Sài Gòn về, có cháu H là một ca viên trong ca đoàn của tôi ra thăm quê hôm Tết nay trở về, ghé thăm biếu cô chú ít quà, trong đó có một bịch kẹo đậu phụng bánh tráng theo kiểu người Trung (cũng có nơi gọi là đậu phộng).
Nhận quà, tôi cảm động vô cùng, vì đã lâu không nếm lại cái kẹo đậu phụng này. Ngày nay chúng ta ở đây thừa mứa bánh kẹo đậu phụng ở khắp nơi, nào là đậu phụng da cá, đậu phụng rang của Tân Tân, kẹo đậu phụng giòn mụp của Liên Hương, bơ đậu phụng, đậu phụng chocolat của Snicker, Peanuts jam của Hoa Kỳ, của Pháp... thứ nào cũng đẹp mắt và ngon, duy chỉ có kẹo đậu phụng quê tôi chẳng đẹp mắt tí nào, làm bằng đường tán nấu kẹo nâu òm, nhưng ăn vào sao mà thấy nhớ quê chi lạ, nhớ cái nghèo quê mình mà thương cho cha ông, cho những người thân đã khuất không biết được cái sự sung sướng ngày nay, ăn vào còn nhớ cả cái hương vị nghèo thuở trước, nhưng lại thấy ngon làm sao, cái mùi đường khen khét xen một chút hương gừng cay, lẫn trong đó đôi hột đậu phụng béo, sao mà thương quê mình thế. Nhìn kỹ lại thấy càng thương hơn. Có lẽ năm nay quê mình mất mùa hay sao mà cái miếng kẹo hình như ít đậu quá, mọi lúc đậu phụng xếp đều cả miếng thế mà bây giờ chỉ thi thoảng mới lòi lên được một hột, nhưng không sao, quê mình nghèo thì phải chấp nhận thế thôi.
Quê nghèo của tôi ơi! Biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi nhỉ? Biết bao giờ cái dòng người di cư vào nơi đô hội này ít lại để khỏi thấy những cảnh lây lất đau lòng? Biết bao giờ quê nghèo miền Trung của tôi có thể đứng thẳng lên mà sống được?
Thế đấy, cây có cội, nước có nguồn, tôi có quê nghèo của tôi, tôi chẳng giấu gì đâu nhé! Giấu làm chi khi quê ta cho ta cái ký ức hồn nhiên đáng nhớ, sĩ diện làm gì khi quê nghèo của ta cho ta cái hương vị thân thiết đậm đà mà người giàu chưa chắc dễ gì có được?
Công nhận mình lan man thiệt, có mỗi miếng kẹo đậu phụng thôi mà cũng khá là lắm lời nhiều chuyện, nào là sĩ diện, nào là giấu diếm gốc gác, hèn chi người ta bảo mình khó ưa là phải.
Vừa khó ưa, nhưng cũng lại vừa dễ gần lắm đấy nhé. Đó mới chính là Papillon chứ!

Hai điều kỳ diệu

Lắm khi chúng ta thấy sự tương quan kỳ lạ giữa cuộc đời và máy tính, và nếu như cuộc đời giống như chiếc máy tính thì quả là tuyệt vời, và cũng có khi đó là một điều bất hạnh.
Hôm nọ trò chuyện với cháu Q, một kỹ sư tin học. Tôi hỏi: Theo cháu thì từ khi máy tính ra đời, điều lợi ích cụ thể nhất mà ta nhận được từ máy tính là gì? Tất nhiên là rất nhiều rồi, nhưng xin hãy nói 1 điều thôi!
Suy nghĩ một lúc, Q đáp: - Đó là cái lệnh Copy (Ctrl+C) trên bàn phím, nó giúp ta sao chép dữ liệu rất nhanh rồi dán vào cất chỗ nào theo ý mình muốn, chép bao nhiêu cũng được, phần mềm nào tốt, bức ảnh nào đẹp, trang web nào hay... copy là ta có ngay! Đây cũng là một dạng "ăn cắp công khai" và rất dễ dàng vì chỉ cần nhấn một cái là ta có thể sao chép thứ mình cần ngay tức khắc.
Tôi thấy cháu nói đúng, nhưng tôi thì lại thấy điều khác hay hơn nữa, đó là cái lệnh Undo (Ctrl+Z), tức là Hoàn tác, nghĩa là bỏ cái vừa làm, lấy lại cái lúc trước, nghĩa nôm na là sửa sai ấy mà, lỡ làm sai, chỉ cần nhấn một cái là nó sửa sai cho mình ngay! Sung sướng thật! Nói sung sướng là vì tôi làm nghề vẽ ấy mà, trước đây, khi chưa có máy tính và những phần mềm đồ họa, tôi phải vẽ bằng tay, nêu lỡ tô màu sai thì sửa lại rất cực, lắm khi phải bỏ, không sửa được nữa, thế mà ngày nay, chỉ cần gõ bàn phím cái cốp là hoàn lại ngay, hoàn một lô thao tác sai của mình chứ không phải chỉ một lần thôi đâu. Cháu Q cười lớn, cho rằng chú nói đúng, vì nếu không có cái lệnh hoàn tác Undo Ctrl+Z này thì khổ biết bao nhiêu, đánh máy sai phải bỏ, đánh lại, vẽ sai, xóa đi làm lại, thế thì còn gì là kỷ nguyên máy tính nữa.
Nay ngẫm lại cuộc đời thấy hai cái lệnh trên cũng là hai điều diệu kỳ trong cuộc sống. Giá như trên đời mà cũng có được hai cái lệnh đó nhỉ? Lúc ấy sẽ tuyệt vời biết bao nhiêu!? Nhưng cũng hãy coi chừng!
Với Ctrl+C, ta hãy copy hạnh phúc đến những gia đình đang đổ vỡ, ta copy sự giàu có cho những gia đình hoạn nạn khó khăn, ta copy sự chung thủy cho những anh chàng sở khanh, ta copy sự chân thật cho những kẻ láo toét, ta copy hàng triệu thứ trên đời cho cuộc sống đẹp hơn, ví dụ như cô nàng này thấy bạn mình có một người yêu tuyệt vời quá, ao ước muốn có được người như vậy, Ctrl+C là có ngay! vân vân và vân vân... Nhưng cũng xin đừng copy vô tội vạ vì kế bên điều tốt lành thì thường là những cái vực sâu thăm thẳm của tội lỗi, của xấu xa, của đớn hèn... cần phải tính táo để biết mình copy cái gì trong đời là vậy.
Với Ctrl+Z lại càng tuyệt vời hơn. Giá như trong đời mà ta biết sửa sai như lệnh Undo vậy nhỉ? Lắm khi làm sai thì ta phải trả giá cho cái sai mình làm bằng danh dự, bằng lương tâm, và có khi bằng cả cuộc đời mình, dễ gì Undo được? Nếu có cái lệnh tuyệt vời như máy tính kia thì đỡ biết chừng nào, nhưng nó cũng vẫn có hai mặt, vì nếu lợi dụng nó để làm bậy rồi undo thì quả thực rất đáng lên án, nhưng nếu lỡ lầm sơ sẩy trong đời mà Ctrl+Z được thì có thể cứu vớt được bao thân phận bọt bèo cho họ vươn lên?
Đầu tuần nên Papi 8 một chút cho vui nhà vui cửa vậy thôi, chứ Copy cũng là mình, Undo cũng là chính mình thôi chứ chẳng ai khác, vì chính ta phải nỗ lực ra để Copy thì mới quý, chính ta phải cố gắng sửa sai Undo thì điều tốt lành ta nhận được mới có giá trị chứ. Có vậy thì cuộc sống mới thêm hương vị, và chúng ta mới có chuyện để mà 8 cho vui, chứ nếu cuộc đời ta mà là chiếc máy tính thì chúng ta có thể bị treo, bị shutdown hoặc bị cúp điện bất cứ lúc nào thì sao nhỉ? Đó là chưa kể những em virus gà móng đỏ xâm nhập hoành hành thì chắc có ngày ta chết toi mất thôi! Hàhà...

Thế giới blog và lợi hại trên Net

Chỉ mới 5 năm trước đây thôi, hiện tình net tại Việt Nam chúng ta chỉ là một con số nhỏ lẻ, khi Internet đai-ấp rùa bò chỉ có những ai cần học hỏi và tham khảo mới dám đụng đến, còn dân thường thì ít ai dám xài sang, vì cước phí đắt kinh khủng, ngồi truy cập net mà lòng cứ hồi hộp không biết bao nhiêu phút rồi? không biết bao nhiêu tiền theo chân con rùa net kia rồi, có tháng mất đứt gần nửa tháng lương cho cái con rùa ì ạch đấy, thế mà vẫn ham, vẫn đam mê thì đúng hơn, thú đam mê của những kẻ hồi hộp vì túi tiền đang bị vơi đi dần dần một cách lãng nhách, có khi mất 15 phút mới mở được một trang, mà mỗi phút hồi ấy đến hơn 400 đồng đấy, không phải như bây giờ 45 đồng/MB đâu. Đó chỉ là nói đến mở trang web ra xem mà học mã nguồn, chứ đừng nói gì đến việc download hằng tá thứ như ngày nay. Đừng có mơ!
Vậy mà giấc mơ ấy đã có thật đấy, sau khi chúng ta tốn biết bao nhiêu tiền cho chú rùa VNN, nay được cái Ây-đi-étx-eo lắm khi cũng rùa bò nhưng đỡ hơn lúc trước nhiều, nhờ đó mà trình độ net của dân ngu khu đen ta tiến lên một bậc, một bậc rất xa. Ngày nay một chú nhóc cũng có thể vào tiệm net tạo nick, chat và lập blóc lắm khi rành rẽ hơn các ông quan chức biếng nhác nhiều. Thật đấy, nghe nói cấp thứ trưởng cũng có đến gần 30% vị chưa có địa chỉ E-mail, nghĩa là chẳng biết i-meo i-mốc là thế nào nữa, còn vô số ông giám đốc sở cũng chẳng ham học hỏi làm chi vì sắp về vườn rồi, thành ra trình độ net của số đông dân chúng có thể nói cao hơn quan chức nhiều, nhưng đó là chuyện đại sự của nhà nước, để nhà nước lo, chúng ta đang nói đến chuyện lóc liếc mà.
Quả thật không nói ngoa, nước ngoài người ta nhạy bén lắm, theo dõi từng nhu cầu nghiện ngập của con dân net để nhanh chóng đáp ứng hầu kiếm tí tiền quảng cáo, hoặc dùng net để đánh bóng tên tuổi hay tỏ rõ lập trường của mình, và thế là blog đã ra đời theo những nhu cầu đó. Giới chính khách cũng không bỏ lỡ cơ hội, Tổng thống Putin của Nga, tổng thống Ahmadinejad của Iran và bao nhiêu chính khách tên tuổi khác nữa cũng tạo blog, viết blog để trao đổi cảm nghĩ, chia sẻ và truyền bá lập trường một cách nhanh gọn và hiệu quả. Gần 5 triệu bloggers của Việt Nam ta cũng nằm trong hàng ngũ này, có chúng ta nữa đấy Hihi... sướng chưa nhỉ? Ta đâu có thua gì mấy vị tổng thống kia tí nào đâu?
Đã bao nhiêu hội nghị được tổ chức rất hoành tráng ở Việt Nam để bàn đến những tác hại của blog rồi, và cũng vì blog mà mới đây hai cái cô Trà đá - Chanh đường ra tòa kiện cáo nhau về những chuyện vô cùng rởm và lãng xẹt. Trên blog Việt cũng không ít những entries viết về tác hại của blog, nhưng nay thì tôi lại nói đến những mối lợi của blog. Tại sao ai cũng nhìn blog bằng cặp mắt bi quan và nghi ngờ như thế? Tại sao những cái lợi của blog như sử dụng các tiện ích trên mạng, kỹ năng gõ bàn phím, kỹ năng truy tìm liên kết đến bạn bè, đến người thân, đến những thư viện động, thư viện mở để tìm hiểu, để học hỏi mà cộng đồng blogger chúng ta đang chứng tỏ thì chẳng nghe ai nói đến cả, cứ nói đến blog là cho rằng coi chừng nó bẩn, lắm kẻ chẳng biết quái gì đến net cũng vung tay kết án này nọ như những cái thùng rỗng biết nói...
Chúng tôi nhận thấy rằng quả thật ngày nay nhờ blog mà rất nhiều người tuy chẳng cần biết gì về web, về HTML hay lập trình gì cũng có thể sử dụng và tận hưởng tiện ích do net mang lại. Bạn chỉ cần biết lập nick, sau đó lập blog, viết blog, dần dà bạn sẽ biết thêm rất nhiều thứ khác như kiếm kho lưu trữ hình ảnh, lưu trữ files, chèn hình ảnh vào bài viết trên blog, chèn phim, chèn nhạc và chèn đủ mọi thứ trên đời mà có cần học hỏi trường lớp nào đâu? Cái gì chưa biết thì treo blast hét toáng lên, thế là có người này chỉ, người kia bảo, đó cũng chính là học rồi, học trường đời đấy.
Blog ảnh hưởng lớn cho cộng đồng mạng không nói rồi, nhưng nếu những ai chú tâm nghiên cứu thì càng thấy nhiều ích lợi hơn từ blog nữa, vì ngày nay chúng tôi thấy cách thiết kế trang web lại chuyển sang một hướng mới, có dạng như blog vậy. Tôi cũng thường hay thiết kế web cho khách hàng, tĩnh cũng có mà động cũng có, tĩnh thì ta dùng HTML, động thì ta dùng CGI, ASP, PHP như forum vậy, bỗng dưng kỳ này tôi bỏ ra mấy ngày lang thang thì thấy khá nhiều trang web thiết kế theo kiểu blog, nghĩa là vừa giới thiệu sản phẩm, vừa cập nhật sản phẩm, vừa viết bài lăng xê sản phẩm (như entries bên blog vậy), vừa cho khách hàng ghi nhận xét về sản phẩm của mình (như comment bên blog vậy)... thế là quá tuyệt đi rồi vì một trang web động chỉ cần có thế. Thấy hay quá nên tôi liền download cái mã nguồn về rồi Việt hóa nó lại, chỉnh sửa một số công năng theo ý mình, nhúng bộ gõ tiếng Việt vào cùng hiệu chỉnh một số tiện ích khác cho trang web hunglandesign trước đây của mình, thấy thật tiện lợi, vì ngày nay mình cập nhật trang web mà không cần phải dùng FTP để vào server làm gì, cứ việc ngồi đâu cũng làm việc được, sung sướng quá! Đó cũng chính là mối lợi từ blog mang lại cho dân web chuyên nghiệp là thế. Vậy mà ai cũng lên án nó nhỉ? Tức ghê...
Thế nhé, từ nay mỗi ai định kết án blogger ta thì chúng ta lôi cổ họ vào không gian net ngay, tạo cho họ một cái nick, một cái blog, rồi add họ vào, thử xem họ có mê không thì biết, có còn dám kết án blog nữa thôi.