Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2009

Những nhu cầu có thật

nhucau Tôi gọi đó là có thật vì cuộc sống có khá nhiều nhu cầu, trong đó có thật và giả, cái nhu cầu giả thì khá nhiều, lắm khi ta phải hòa đồng vào một môi trường mà ta chẳng hề muốn, chẳng hạn như xu nịnh, lắm điều, giả dối, bon chen... rõ ràng là ta chẳng thích, nhưng ta phải nhập vào, có thể là vì công việc, vì xã giao, vì không muốn trong những người bạn cùng phòng với nhau mà ta khác người thì khó xử, cho nên thường xuyên ta phải hòa đồng vào cái môi trường không thật với lòng mình ấy. Tôi cho đó là nhu cầu ảo, cũng có thể bạn bị ai đó bắt buộc làm những thứ mà bạn không thích, nhưng bạn phải làm, đó cũng là nhu cầu ảo. Thí dụ như ngày xưa, hồi mới giải phóng, cứ đôi ba tuần chi đó bạn lại phải lo sắm cờ, băng rôn biểu ngữ để đi mít-tinh chẳng hạn, bạn không muốn, nhưng bạn buộc phải đi mua đồ về để may cờ rồi phải dậy sớm đi mít-tinh, rồi phải hô Nhiệt liệt nhiệt liệt đến mỏi cả mồm, nhưng bạn không hô thì không được, sẽ có người để ý và hỏi thăm bạn liền, ảo là vậy đó.

Còn những cái gọi là nhu cầu thật thì sao mà hiếm có được quá. Tất nhiên nhu cầu tự chính ta đòi hỏi thì rất nhiều, nào là ăn, học, ngủ, nghỉ, yêu đương, vui chơi, tán gẫu, mua sắm, xí xọn, giao lưu, kết bạn vân vân thì vô số kể, những thứ đó tự ta muốn thì ta phải lo rồi, rõ ràng các nhu cầu về thể xác và bản thân thì ta lo được, nhưng cái nhu cầu mà tôi muốn nói trong cái entry này là Giao Tiếp Cộng Đồng thì e là hơi khó, mà đó là một nhu cầu thật sự và rất chi là chính đáng giữa xã hội chỉ biết thông tin một chiều như hiện nay, người ta khó thể nói lên những điều thực với lòng mình vì những giáo điều hoặc phương cách của ai đó muốn quản lý tư tưởng, muốn dò xét cảm tính ý chí từng người, muốn trói buộc đầu óc của con người để làm cái việc mà ta thường nghe gọi nôm na là NẮM, nghĩa là cái gì cũng muốn nắm cả, nắm tài nguyên đất nước, nắm súng đạn, nắm kinh tế... người ta vẫn cho là chưa đủ nên muốn nắm cả cái thiêng liêng nhất của con người là TƯ TƯỞNG nữa, mà nắm cho nhiều nhưng chẳng làm được nhiều, ôm không xuể nhưng vẫn cứ muốn ôm, gây nên bức xúc và chán nản, đó chính là tình hình chung của cộng đồng cư dân mạng từ gần một năm trở lại đây.

Nhu cầu thật sự của con người là chia sẻ, có thể là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, sự tức tối, hoặc chia sẻ cả những quan điểm nghịch, những lý luận dông dài hoặc những ý tưởng cực hay cho nhau, thế mà những người quản lý lại muốn nắm hết những nhu cầu của cộng đồng để mà theo dõi giám sát. Làm thế để chi vậy nhỉ? Người ta viết blog thì mặc họ, đó cũng là một nét nổi trội cho thế giới biết được sự tiến hóa về dân chủ tại nước ta, sao lại cứ tìm cách này cách khác, thông tư này thông tư kia để quản, để nắm làm gì. Do vậy mà sau khi quản Y!360 không được, họ lại thỏa thuận với nhau lập thêm cái Plus riêng cho blog Việt để dễ nắm hơn là vậy, đồng thời tăng cường thêm một loạt các mạng xã hội trong nước để thu hút cư dân mạng vào, mà cư dân mạng có vào đó thì may ra những người quản lý mới nắm được tóc, chứ anh nằm ở mạng toàn cầu thì làm sao mà nắm được tóc anh? Do đó mà tôi gọi sự chia bầy xẻ nghé mấy hôm nay từ khi nghe tin Y!360 chắc chắn sẽ đóng cửa là hiện tượng đáng quan tâm là vậy. Nó chứng tỏ cho những người quản lý vĩ mô ấy một điều là sự chia sẻ của cộng đồng cư dân mạng, còn gọi là blogger, là rất lớn, nhu cầu ấy là có thật, vì ai nấy muốn nói lên tiếng nói của riêng mình chứ không muốn làm con sáo lập lại tiếng người khác, mà cho dù mỗi người có tự do phát biểu trên blog của mình đi nữa thì có gì là sai đâu nào? Đó là quyền thiêng liêng của mỗi người, tôi hay anh, chúng ta không muốn ai đó cứ rề rề bám theo mình mà theo dõi rình rập cả, chúng ta muốn thẳng thắn trong cách viết, cách ăn nói, đó là tiêu chí quan trọng bậc nhất trong một xã hội văn minh. Còn những kẻ chỉ biết lập lại lời kẻ khác như những con vẹt bằng máy, thì chỉ đưa tư tưởng con người ta trở thành lụn bại mà thôi.

Viết blog hai năm qua, tôi thấy hầu như tất cả những gì mình đọc và chia sẻ trên mạng đâu có gì sai trái đâu, mà ngược lại, tôi còn học được rất nhiều điều về lòng nhân ái, tôi còn học được rất nhiều về cảm nhận tâm tính của con người, tôi học được nhiều kỹ năng về công nghệ máy tính, tôi biết thêm nhiều khuynh hướng thơ văn, làm thăng hoa đầu óc mình thêm, thế mà sao ai đó cứ tìm cách theo dõi rình rập để mà truy, để mà quét. Làm thế được gì nhỉ? Những nhu cầu tự nhiên ấy thực sự cao cả và cần thiết, thế sao không để cho người ta một tiếng TỰ DO đi có phải hay hơn không? Thế giới sẽ cảm phục đất nước và con người Việt Nam mình bằng sự nhìn nhận cái tự do đích thực ấy mà không cần giấy má bằng chứng làm gì. Đó mới là sự ưu việt của nhà quản lý, chứ chẳng lẽ tư tưởng và hành động rập khuôn theo kiểu người máy ở Bắc Triều Tiên mà thỉnh thoảng chúng ta xem trên truyền hình mới là tốt ư? Thế giới có những bước đi của nó để tư tưởng con người tiến bộ hơn, xin hãy đừng ngăn cản tư tưởng và ý chí, vì tư tưởng con người ta tựa như mũi sắt nhọn, dùng chân đạp vào mũi nhọn thì chẳng nên chút nào đâu.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Tản mạn cho đảo xa

tanmandx Một năm với đời người đã ngắn; đối với đất nước, với dân tộc chỉ như một cái chớp mắt. Có khi người ta không đo một năm bằng 12 tháng, bằng một vòng luân chuyển của đất trời … người ta đo một năm bằng những sự kiện diễn ra. Có những sự kiện đậm trong trí nhớ con người đến độ một năm trôi qua mà như thấy mới chỉ hôm qua.

Những ngày cuối năm 2007 đầu năm 2008, lần đầu tiên kể từ sau ngày thống nhất đất nước, thanh niên Việt Nam đã xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước khi Trung quốc công khai thể hiện dã tâm trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Dẫu rằng vì nhiều lý do, những lần xuống đường đó không được báo chí trong nước thông tin rộng rãi. Dẫu rằng những tấm lòng yêu nước trong sáng, sự hiên ngang khí phách kia không được ngợi ca công khai… nhưng người ta sẽ phải nhớ rằng tấm lòng nhiệt tình với đất nước của thanh niên trí thức trẻ sẽ không bao giờ thay đổi.

Một năm sau, tờ giấy khổ A4 với dòng chữ vi tính: “Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu là của Việt Nam” cùng vài chữ viết tay nguệch ngoạc: “9.12, ngày lịch sử” giờ đây đã ngả màu. Tờ giấy này của một bạn trẻ nào đó, tôi nhặt được trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1. Tp. HCM), đối diện lãnh sự quán Trung quốc, trong những ngày đẹp trời cuối năm 2007. Tôi đem nó về dán lên tường nhà mình như một kỷ niệm đẹp. Cái ngày 9.12.2007 có lẽ chẳng bao giờ khiến tôi quên được. Quên sao được cái không khí bừng bừng khí thế. Quên sao được khi tình cờ, tôi được đứng lẩn vào cùng những người đã tạo nên những ngày lịch sử.

Tôi chưa có dịp đến Trường Sa, Hoàng Sa lại càng quá xa xôi mịt mờ… dù hòn đảo này là một huyện của thành phố nơi tôi sinh ra. Thỉnh thoảng khi đắm mình trong làn nước biển trong veo giữa những buổi trưa hè chói chang, tôi nhìn ra phía khơi và dường như thấy thấp thoáng lá cờ phần phật của những hải đội lĩnh ấn vua ban đang vượt sóng ra trấn thủ đảo xa. Vậy nên tôi biết mình sẽ lại sẵn sàng đứng cùng những người bạn chưa từng quen để lại được hô to “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Và tôi cũng biết còn có rất nhiều người luôn đau đáu trong tim mình về nhũng phần lãnh thổ đang còn xa tay mẹ tổ quốc.

Nếu có “kẻ xấu” nào đó “kích dộng” người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những “kẻ xấu” này. Ngược lại, khi “người tốt” tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng “người tốt” này cần phải được xem lại. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không chỉ thể hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành động đầu tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta thì sự sát cánh của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ.

Lịch sử do chính chúng ta làm nên. Do chính những người đã bất chấp sợ hãi thường nhật, bất chấp thói quen trì trệ để kẻ khác quyết định thay mình… để bước xuống đường giương cao lá cờ Việt Nam, hô to: “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”. Lịch sử cũng sẽ không bỏ qua cho chúng ta khi cứ giả như không có, không biết một phần đất nước vẫn đang còn bị xấm lấn. Vậy thì thật tự hào, vô tình tôi đã được đứng về phía mặt sáng của lịch sử.

Trung Bảo

[Theo Báo Du lịch (Cơ quan của Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch), số Xuân Kỷ Sửu 2009, trang 23]