Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008

Tôi là Hướng Đạo Sinh

Tôi cố tình viết hoa chữ Hướng Đạo Sinh mặc dù nó là một danh từ chung. Tôi viết hoa bởi vì tôi yêu quý nó. Mà không phải riêng tôi, thiết nghĩ bất kể những ai đã từng tham gia hướng đạo đều cùng có những cảm nghĩ như tôi. Phong trào Hướng đạo đã để lại trong lòng mỗi người những cảm nhận rất khó quên, những đức tính tốt mà chúng ta đã học được từ một người Hướng Đạo Sinh đã mãi mãi ghi dấu ấn trong cuộc đời làm người chúng ta, dù cuộc đời có thăng trầm thế nào đi nữa thì cái Tinh Thần Hướng Đạo vẫn trường tồn, vẫn bất diệt là thế.
Thuở còn tuổi thiếu niên, tôi được may mắn tham gia phong trào hướng đạo từ năm 1969 đến 1972, chỉ ba năm thôi nhưng 3 năm ấy phải gọi là quãng đời đẹp nhất của tôi khi Hướng Đạo dạy chúng tôi rất nhiều điều, biết hòa mình sống với thiên nhiên khắc nghiệt, biết làm mọi việc vì người khác, biết cách xoay sở trong lúc hoạn nạn khó khăn, cho mình và cho người. Những kỷ niệm ấy, những bài học ấy là vô giá cho mỗi đời người. Tôi tham gia và lên tới Đội trưởng nhất (3 vạch trắng trên túi) thì phải nghỉ để tập trung cho việc học, vì đang ở trong thời chiến, không cố gắng học mà thi rớt thì coi như tương lai đi đứt.
Mấy chục năm trôi qua, mỗi lần gặp ai đó biết mình là hướng đạo thì một thứ tình cảm phát sinh trong tim khiến tự dưng mình thấy gần gũi và coi nhau như anh em, chỉ cần vô tình huýt gió điệu nhạc Là la lá la là la lạ, lạ lạ la... thế là biết ngay anh bạn ta là Hướng Đạo Sinh đây rồi, đưa tay trái ra bắt và được đáp lại, thế là coi nhau như anh em, có thể xả thân vì nhau là thế.
Nay sẵn có blog, tôi sưu tầm được nhiều bài viết về lịch sử Hướng Đạo nên cũng muốn ghi lại đây để mà nhớ mãi những kỷ niệm đẹp trong đời. Tuy tuổi đã lớn, óc đã mòn, nhưng cái tinh thần hướng đạo vẫn tươi mới như ngày tôi được tuyên hứa tại Chí Linh Vũng Tàu năm 13 tuổi. Mong sao bạn bè và anh em ta cũng vẫn mãi nhớ cái thời tươi đẹp ấy nhé, và quan trọng là phải cố giữ cho được cái tinh thần hướng đạo mà Bi Pi đã truyền cho chúng ta, để sống cho trọn ba tiếng Hướng Đạo Sinh như chúng ta đã tuyên hứa ngày nào.

VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO

Huân tước Baden Powell được xem là người thành lập Hướng Đạo, là Ông Tổ của Hướng Đạo Sinh trên toàn thế giới. Ông sinh ngày 22/2/1857, là một vị tướng lỗi lạc trong quân đội Anh, Hướng Đạo Sinh (HĐS) thường gọi thân mật ông là "BP", đọc là Bi Pi. Trở về từ Xi-xin, nơi có những chàng thiếu niên trẻ tuổi dũng cảm, ông đau lòng trước hiện tượng thanh thiếu niên Anh sống dễ dãi, lệ thuộc, lười biếng, ươn hèn, ỷ lại và không đủ nghị lực đối mặt với khổ cực. Để rèn luyện nên những con người đủ nghị lực, tâm trí và sức khoẻ để phục vụ đất nước, năm 1907, ông đã tổ chức trại hướng đạo đầu tiên tại đảo Brownsea nước Anh. Khai sinh ra phong trào sinh hoạt thanh thiếu niên có phạm vi toàn cầu và đã có những dấu ấn riêng cho đến ngày nay. Suốt ngần ấy năm, phong trào hướng đạo đã đạt được những thành tựu rất to lớn. Trải qua bao biến cố của lịch sử, tự thích ứng và mang nét riêng của những quốc gia nó đi qua, hướng đạo đã khẳng được vị trí số 1 của nó và ngày càng mạnh mẽ. Là cái nôi của những kỹ năng sinh hoạt thanh thiếu niên: morse, semaphore, mật thư, nút dây... là nơi cất giữ và phong phú thêm nguồn tư liệu dồi dào giúp con người có thể thích ứng và đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

LỜI HỨA CỦA HƯỚNG ĐẠO SINH

Người Hướng Đạo Sinh khi tham gia sinh hoạt "phải" tự nguyện và tự giác tuân thủ những đều ràng buộc trong tổ chức. Khi được chấp nhận làm một người Hướng Đạo Sinh chính thức trong lễ Tuyên hứa, người ấy cần phải trịnh trọng đọc và quyết thực thi Lời Hứa Hướng Đạo như sau:

- Tôi xin lấy danh dự của tôi mà hứa rằng, phải cố gắng hết sức:
1. Trung thành với Thượng Đế và Tổ Quốc tôi.
2. Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.
3. Tuân theo luật hướng đạo.

LUẬT HƯỚNG ĐẠO

1. Hướng đạo sinh trọng danh dự, ai cũng có thể tin vào lời nói của hướng đạo sinh.
2. Hướng đạo sinh trung thành với Tổ Quốc, cha mẹ và người cộng sự.
3. Hướng đạo sinh giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.
4. Hướng đạo sinh là bạn của tất cả mọi người và xem các hướng đạo sinh khác như anh em ruột thịt.
5. Hướng đạo sinh lễ độ và liêm khiết.
6. Hướng đạo sinh thương yêu các sinh vật.
7. Hướng đạo sinh vâng lời cha mẹ, huynh trưởng và không biện bác.
8. Hướng đạo sinh gặp khó khăn vẫn vui tươi.
9. Hướng đạo sinh tằn tiện của mình và của người.
10. Hướng đạo sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói cho đến việc làm.

LUẬT KHĂN QUÀNG

1. HĐS trọng khăn quàng như chính danh dự của mình.
2. HĐS khi đeo khăn quàng không đến những nơi tửu quán.
3. HĐS khi đeo khăn quàng không được ngồi trên phương tiện do người hoặc súc vật kéo.
4. HĐS khi ra khỏi bầy hoặc đội phải trao lại khăn quàng cho huynh trưởng.

Ý NGHĨA MỘT SỐ BIỂU TƯỢNG CỦA HƯỚNG ĐẠO

Từ một câu chuyện khi xưa, có một thiếu phụ gặp ngài huân tước Baden Powell, trên áo ông thêu chữ viết tắt tên mình "BP", người ấy ngạc nhiên và nói với ông: "Be Prepaired?" (Sắp sẵn). Huân tước ngạc nhiên và thấy ý tưởng của người thiếu phụ ấy rất hay, từ đó, ông lấy câu đó làm khẩu hiệu chính của người Hướng Đạo Sinh.
Người Hướng Đạo sinh, khi gặp nhau, sẽ giơ tay phải lên chào và đưa tay trái ra bắt tay nhau. Hành động bắt tay trái này là một điển hình thú vị trong quá khứ. Người chiến binh, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm khiên, thường khi hai chiến binh gặp nhau, họ sẽ bắt tay phải với ngụ ý như: "Tôi đây chả có vũ khí đâu, hãy tin tôi!" Còn người HĐS thì khác, mặc dù không quen biết, họ vẫn luôn tin tưởng nhau vì có cùng chí hướng và mục đích sống, và họ sẽ bắt tay trái để thể hiện niềm tin! Believe!
Ngay cả lối giơ tay phải lên chào như hình vẽ cũng có ý nghĩa riêng của nó. 3 ngón giữa giơ lên với tâm niệm trong mỗi HĐS luôn nhớ và thực hiện 3 lời hứa. Ngón cái đè lên ngón út cho thấy người mạnh phải luôn luôn che chở và giúp đõ kẻ yếu! Một tư tưởng sống rất tích cực! và đây cũng là dấu hiệu để những người HĐS trên thế giới có thể nhận ra nhau.
Hoa bách hợp (huệ tây) là một biểu tưởng cao quý cho phong trào hướng đạo thế giới. Hoa bách hợp hướng đạo có ý rằng: 3 cánh hoa lớn phía trên ý nhắc nhở 3 lời hứa, 3 cánh hoa bé ở dưới ý nói về 3 ngành của Hướng Đạo, nút thắt tượng trưng cho sự đoàn kết của những người HĐS và nút dẹt nhắc nhở người HĐS mỗi ngày làm một việc tốt!

CƠ CẤU CẤP HIỆU VÀ TỔ CHỨC HƯỚNG ĐẠO

Ban đầu, một thanh thiếu niên khi tham gia phong trào, người ấy sẽ được học những điều luật, những kỹ năng cơ bản và sau một thời gian sẽ được làm lễ trao khăn quàng. Thời gian sau đó được thử thách trong một trại hè lớn, hoặc hơn, người ấy sẽ được phép tuyên hứa và thăng cấp tân sinh, chính thức trở thành một HĐS thực thụ! Để chuẩn bị cho buổi lễ tuyên hứa thiêng liêng (thường được tổ chức trong trại, trong rừng...) người HĐS phải trải qua một lễ tĩnh tâm vào nửa đêm bên ánh lửa giữa những huynh trưởng. Họ sẽ được kể và nói hết những gì họ nghĩ về hướng đạo, về cuộc sống bây giờ và tương lai của họ, sau đó các huynh trưởng sẽ khuyên học một số kinh nghiệm và những điều hay khi tham gia hướng đạo. Sau đó, trước khi bình minh ló dạng, họ sẽ được tập hợp và tổ chức tuyên hứa. Buổi lễ diễn ra vào lúc rạng sáng, người HĐS nghiêm trang lần lượt tay trái đặt lên cờ Đạo, tay phải giơ lên chào theo kiểu hướng đạo và tuyên 3 lời hứa, khởi đầu cho cuộc sống của một Hướng đạo sinh.
Ngoài những danh hiệu chính, người HĐS còn được phong những danh hiệu về chuyên môn để nhắc nhở họ phấn đấu và xác nhận các khả năng riêng biệt của từng người.
Về cơ cấu, HĐS gồm 3 ngành:
1. Ngành Sói: Ý chỉ những cô cậu sói con, tuổi dưới 11, tham gia những hoạt động vui chơi là chính, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Sói con đeo khăn quàng màu vàng, có luật, cách chào và bài hát riêng.
2. Ngành Thiếu: Những thanh thiếu niên độ tuổi từ 11 đến 15, bắt đầu chính thức tham gia hoạt động cơ bản của HĐS, và là ngành có số lượng đông nhất. Thiếu sinh đeo khăn quàng màu xanh lá cây, tuân theo lời hứa và luật hướng đạo, hát bài hát hướng đạo.
3. Ngành Kha: Độ tuổi trưởng thành, từ 15-18, đeo khăn quàng màu đỏ ý chỉ sự nhiệt huyết. Những hoạt động của ngành Kha mang tính chuyên nghiệp và gian khổ hơn hết.

TRẠI HƯỚNG ĐẠO

Trại hướng đạo là một bài trắc nghiệm khách quan nhất về thực tiễn những gì người HĐS học được và là một cơ hội để thử thách bản lĩnh của người HĐS. Trại hướng đạo thường được tổ chức ở những nơi khắc nghiệt, rừng sâu núi thẳm... và không hề có sự hiện diện của văn mình loài người để trui rèn nghị lực vượt qua khó khăn thử thách và tự tồn tại. Người HĐS có thể mang theo những vật dụng tối cần thiết để phục vụ cho trại. Sau những đợt trại lớn, người HĐS có cơ hội thăng cấp và chuỵên hiệu, và có một logo biểu trưng cho từng trại và thường được may vào sau lưng áo, người HĐS có nhiều logo chứng tỏ họ là một người có kinh nghiệm đi rừng và kỳ cựu! Trong đợt trại, các Tráng (anh lớn) và các Trưởng sẽ tổ chức nhiều cuộc thi, trò chơi lớn và những thử thách khó khăn để các HĐS vượt qua! Phần thưởng sẽ là danh dự chứ không là gì khác, vì có gì quý hơn điều ấy chứ!

Trải qua biết bao thăng trầm thời cuộc, dù cho ở bên này bên kia, miền Bắc hay miền Nam, cái tinh thần hướng đạo vẫn như một dòng máu nóng ấm chảy trong huyết quản từng người, nối kết nhau như một thứ tình thân ruột thịt như anh em một nhà. Các tên tuổi lớn như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Hữu Đang, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Võ Thành Minh, Phạm Ngọc Thạch... ở miền Bắc, cũng như Trần Văn Khắc, Trần Văn Tuyên, Cung Giũ Nguyên, Phạm Biểu Tâm... ở miền Nam đều là các Huynh trưởng Hướng đạo nổi tiếng, thế mà cũng vì những lý do riêng hoặc cách nhìn nhận đánh giá riêng mà kể từ sau 1975, phong trào Hướng Đạo Việt Nam không còn được phép hoạt động nữa. Nghe đâu hiện nay cũng có một số đoàn thể do Nhà nước quản lý cũng bắt đầu tập tành bắt chước lối sinh hoạt của Hướng Đạo Việt Nam khi xưa. Điều đó cũng đã khẳng định sự đúng - sai, xấu - tốt như thế nào trong lòng mỗi người rồi.
Việc nhìn nhận đúng sai xin hãy để lịch sử phán xét. Tuy nhiên, một cảm nhận trong tôi có vẻ không bao giờ thay đổi, đó là những ai đã từng là một Hướng Đạo Sinh, chắc hẳn trong lòng mỗi người sẽ nhớ mãi đến cái tình anh em hướng đạo với nhau không kể thân quen hay xa lạ, nhớ mãi đến những lời hứa hôm nào khi tuyên hứa trước cờ, và cái lời hứa ấy, chắc hẳn sẽ là những lời hứa đẹp nhất trong đời người. Cho dù không còn phong trào hướng đạo nữa, nhưng mỗi khi đối mặt với cuộc sống gian nan với nhiều cạm bẫy, với nhiều sự tha hóa, đớn hèn, nịnh nọt xấu xa vây quanh, chúng tôi tin rằng, âm vang lời hứa năm xưa vẫn vang vọng mãi trong lòng chúng ta để nhắc nhở chúng ta biết quý trọng những gì cao đẹp nhất của đời người:
Tôi xin lấy danh dự mà hứa rằng...
Tôi xin lấy danh dự mà hứa rằng...
Vâng, mãi đến nay, tôi vẫn còn giữ lời hứa ấy!

Ngục tù lương tâm

Tù ngục có mặt trên thế gian này thiết nghĩ chắc cũng đã lâu lắm rồi, có lẽ từ khi con người biết sống quần tụ với nhau tạo thành xã hội thì tù ngục cũng đã xuất hiện theo đà phát triển của đời sống, có mở rộng tầm mắt, có làm ra của cải, có biết hưởng thụ thì cũng có tội phạm, mà có tội phạm thì có tù ngục, vì đó là phương thế khống chế của nhà cầm quyền, thay mặt xã hội để mưu cầu sự an ninh cho cuộc sống cộng đồng. Bất kể thời nào cũng có tù ngục, mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi một kiểu, nhưng đó là những khái niệm dành cho các nhà chính trị và xã hội học nghiên cứu, khác với điều chúng tôi định nói ở entry này, vì ở đây chúng tôi muốn nói đến một loại ngục tù khác, đó là ngục tù của lương tâm con người.
Thật vậy, phàm là con người, ai cũng có những ngục tù của riêng mình, chiến thắng nó hay không? vượt qua nó hay là bị nhốt chặt trong nó, đều là do chính mình mà thôi. Ngục tù đó là những ham muốn, là những ganh ghét đố kỵ, là những kiểu hợm mình khoe mẽ, là những thói xấu ta biết đấy, ta không muốn làm, nhưng ta vẫn cứ làm, vẫn cứ bị trói buộc trong ngục tù của chính ta.
Chẳng ai tài giỏi gì mà dám nói tôi không có loại ngục tù ấy, vì trong mỗi con người cái điều thiện điều ác nó hay đi song hành cùng nhau, lúc thì bên này mạnh hơn, lúc thì bên kia mạnh hơn, do vậy mà con người ta thường bị dằn vặt bởi cám dỗ, ham muốn, u mê rồi sinh ra lầm lạc, tự mình nhốt mình vào trong tù ngục của chính mình. Thí dụ như thấy bạn mình thành đạt hơn mình thì mình sinh ra tức tối thù hằn. Thấy vợ bạn đẹp hơn vợ mình liền sinh lòng ham muốn, rồi tìm cách ruồng rẫy, xa cách, trách móc, nhạt nhẽo với vợ mình. Thấy chồng người ta siêng năng giỏi giang thì tủi hổ vì sao mà chồng mình tầm thường như vậy, mà không biết tìm cho ra cái tốt cái trội của chồng mình. Thấy thiên hạ giàu hơn mình thì sinh ra hằn học trách móc ông Trời sao bất công. Thấy người ta giỏi hơn mình thì mình bèn kiếm cách hạ bệ, nói xấu, vu oan. Thấy người ta làm nhiều việc tốt hơn mình thì mình sinh ra ganh ghét bực dọc. Thấy người ta có nhiều người quý mến hơn mình thì mình sinh ra ganh tị, ghen ghét, nói xấu. Thế đấy! Ngục tù của con người là ở chỗ ấy đấy. Ham muốn, đòi hỏi không thành rồi sinh ra ganh ghét, tự mình làm điều xấu xa tội lỗi là vậy. Ngục tù là vậy.
Lật bài ngửa ra đi! Ta đã ở trong ngục tù ấy bao năm rồi? Ta còn định trói chặt trong ấy bao lâu nữa? Papi tui đây nào cũng có hay ho gì đâu, cũng luôn bị ba cái xiềng xích ấy nó lôi kéo, nó cứ rù quến ta, lôi ta đi theo những ham muốn đòi hỏi cho bằng người, cho hơn người mới được, có khi ta thấy cũng cao sang danh vọng đấy, tưởng rằng ta đang đứng ở trên nấc cao của cuộc đời, của xã hội, kỳ thực đó chỉ là những nấc thang đầu tiên, mà có khi cái nấc thang ấy cũng đã rũ mục, không đỡ nổi cho ta đủ sức bước lên nấc thang trên đâu, ta tưởng rằng đời ta nay đã vinh quang, đã thoát khỏi tù ngục của lòng ham muốn, nhưng kỳ thực ta đang ở trong tù ngục của lòng vị kỷ ấy mà chẳng biết.
Thế thì phải làm sao nhỉ? Chắc chắn là ta phải biết nhìn lên trên để hướng tới những điều tốt đẹp mà vươn tới, nhưng cũng phải biết nhìn xuống dưới chân để nhận ra rằng ta còn sung sướng hơn nhiều người, đồng thời cũng xin hãy nhìn chung quanh để thấy người, để nhìn người, để học hỏi, để đỡ nâng, để sẻ chia là vậy, có thế thì ta mới thấy cái xiềng xích ngục tù của tội lỗi sẽ dần dần nhẹ đi trong lương tâm ta, thế cũng là quá đủ phải không bạn nhỉ?

Làm đĩ

Con người sinh ra trên đời này có nam có nữ, có vui buồn hạnh phúc, có kẻ giàu người nghèo. Người quá nghèo thì phải lo tìm đủ mọi cách kiếm ra đồng tiền để lo cho miếng ăn, kẻ quá giàu thì vung tay tiêu xài để thỏa mãn lòng ham muốn, do vậy mà sản sinh ra lắm thứ vừa phù du vừa hiện thực, vừa khoái lạc vừa khổ ải, vừa hưởng thụ vừa mất mát, đớn đau là thế đấy. Và cũng vì thế mà nó phát sinh ra cái việc này, mới nghe qua thôi đã thấy sốc: Làm đĩ!
Đúng vậy, dù ở thời nào, hoàn cảnh nào, chế độ nào, không gian nào đi nữa thì khi nghe qua cái nghề làm đĩ này ai cũng thấy sốc trong cuống họng, thấy nó đau đáu khinh khỉnh làm sao ấy?! Tôi nói sốc trong cuống họng là vì muốn nghẹn, cũng có thể là khinh khi, không muốn nói đến, và cũng có thể là đớn đau, không nói ra bằng lời được là vậy.
Ngày xưa Nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng có viết một cuốn tiểu thuyết với tựa đề như cái entry này vậy, đọc lâu quá rồi nên tôi cũng quên, nhưng vì chuyện đó hầu như luôn luôn nóng hổi, thời nào cũng có, nên nay tôi cũng mạn đàm lại đôi chút về cái gọi là nỗi đớn đau này. Tôi không hề lên án hoặc bào chữa cho việc này đâu, vì thực sự tôi không có quyền làm như thế, tôi gọi nó là nỗi đớn đau mà! Tôi lấy quyền gì mà dám lên án người khác chứ? Vì làm đĩ, theo tôi, chưa chắc là một nghề, mà cũng có thể đó là một hoàn cảnh, hay là một thứ đùa vui của những kẻ rửng mỡ, do vậy mà tôi không dám nói, cũng chẳng dám lên án, chỉ biết cảm nhận đôi chút mà thôi.
Mới đây tôi đọc qua một entry, nghe kể lại một vài bạn gái con nhà khá giả ở... (xin miễn nói ra địa phương này), các bạn ấy sung sướng quá nên tự dưng đến tối thì thấy buồn, vì ngày lo học theo lời cha mẹ nên uể oải, nhà cũng lắm tiền nên ăn chơi nhảy nhót riết rồi cũng chán, thế là một đêm nọ, để thử tìm cảm giác mới, ba cô gái bèn hẹn nhau trốn gia đình, trốn cha mẹ, son phấn lòe loẹt để thử đi làm đĩ một hôm xem sao, nghĩa là cũng đứng đường, tranh giành khách chơi với dân girl thứ thiệt, và cũng làm chuyện ấy thiệt tình luôn, bán đứt trinh tiết mình không thương tiếc để thử kiếm được bao nhiêu tiền một đêm (mà cũng chẳng biết các cô này có còn trinh tiết hay không nữa?). Đọc qua, tôi chợt thấy đắng cả họng với lỗi suy nghĩ giật gân của những cô gái này. Nhà trường giáo dục ra sao, gia đình răn dạy thế nào chẳng biết, thế mà bỗng dưng làm chuyện ngốc nghếch như thế này rồi đem lên blog khoe mẽ, chứng tỏ ta đây là dân ăn chơi, mà cũng có thể đây chỉ là chuyện nói phét cho blog mình thêm phần giật gân, nhưng xem những liên kết và những lời mập mờ dặn dò trên blog thì tôi biết đó là thật, và hàng ngày xem mấy trang báo web cũng đăng đầy ra những chuyện giật gân như vậy để câu khách chứ chẳng phải riêng gì blog, thì tôi biết những chuyện như thế này ngày nay chẳng hiếm.
Thế đấy! Làm đĩ! Nhục nhằn lắm chứ, nhưng vẫn có người muốn làm và cũng không thiếu những người phải làm hoặc bị làm. Cách đây mấy chục năm, thời còn đi học, tôi cũng đã biết nhiều hoàn cảnh bạn bè nghe qua là xót xa và đắng cả họng, đắng cả lòng, mà cũng chẳng phải nói chi đến chuyện mấy chục năm về trước, vì ngày nay cũng chẳng thiếu đâu, gian khổ cuộc đời luôn giăng đâu đó trên đầu, và chụp xuống biết bao nhiêu thân phận cơ nhỡ, khốn cùng trong xã hội, tôi biết rất nhiều người chị đã phải hy sinh cuộc đời mình làm đĩ nuôi mẹ bệnh hoạn, nuôi em ăn học vì không còn cách nào khác. Cũng có trường hợp em gái quá thương anh đang học đại học mà không có đủ tiền đóng học phí, phải trốn nhà đứng đường vài hôm để đưa tiền đóng học phí cho anh, bảo rằng tiền em đi làm thêm là vậy. Không phải riêng tôi, mà chắc hẳn những người trong chúng ta đây cũng biết đến chuyện vợ cũng phải làm đĩ để lấy tiền thang thuốc cho chồng... và biết bao hoàn cảnh đáng thương khác, phải làm cái việc không ai muốn này để bù đắp mọi thứ, để mang những đồng tiền đớn đau đó mà nuôi chồng, nuôi em, nuôi mẹ... Mai đây trên bước đường công danh của người em, vẫn còn thấm đẫm cái nỗi xót xa quặn lòng ấy không? Có biết rằng cái công danh ta có, cái vinh quang ta nhận có cả sự trinh tiết và nỗi xót xa, nỗi đớn đau của chị ta, của em gái ta hay không? Đó là lòng nhân ái, đó là sự yêu thương, quên đi cả thân mình, thế thì việc làm đĩ này có gì đáng trách đâu chớ!
Phàm việc gì trên đời cũng đều có cái giá của nó, có thể đáng trách và có thể đáng thương. Đáng trách có thể vì sa cơ, có thể vì lỗi lầm, có thể vì thất thế. Đáng thương có thể do hoàn cảnh, do xã hội, do cuộc đời dày xéo, nhưng những việc ấy không đáng khinh. Lỗi lầm có thể tha thứ được, có thể vực dậy được. Khi xưa ông bà ta thường bảo Lấy đĩ về làm vợ chứ đừng lấy vợ về làm đĩ là thế. Nếu làm đĩ vì phải hy sinh thực lòng thì chẳng phải là đáng thương hay sao? Tất nhiên không ai khuyến khích chuyện này nhưng ở một góc độ nào đó, sự hy sinh đã đứng phía trên sự cảm nhận của người đời, đã che lấp cái nhơ nhuốc mà người phụ nữ đem đi bán để lo cho gia đình. Tôi nói thế không phải để bênh vực đâu, nhưng là để chấp nhận một sự thật, cho dù nó đau xót đến cỡ nào đi nữa.
Sự thực thì trên đời có nhiều việc đáng khinh hơn nhiều, vì sự khinh khi trên mắt mỗi người theo tôi, không phải là nhìn thấy hành động thức thời rồi đem lòng khinh bỉ, mà đôi khi những chuyện xảy ra tưởng rằng rất đỗi bình thường như chạy chọt, hám danh, khoe của, hợm mình, ăn chơi tha hóa... cũng rất đáng khinh chứ đâu phải chỉ là làm đĩ thôi nhỉ? Rõ ràng trọng hay khinh không phải chỉ do tính cách hay hành động thôi mà còn phải dựa theo hoàn cảnh mà suy xét, mà cảm nhận, chớ vội kết luận nặng nề mà xóa đi những hoàn cảnh đáng thương của ai đó đang hiện diện bên ta, một cách khẽ khàng và lặng lẽ, đáng cảm thông hơn là đáng trách.
Với lại nhiều khi cái từ "đĩ" còn có nhiều nghĩa khác nhẹ hơn chứ chưa phải là quá nặng nề lắm đâu! Ai đó có tính tình hay chưng diện hoặc chải chót láng coóng ngày nào cũng thế thì gọi là đĩ tính, ai đó miệng mồm ba hoa rào đón quá thì gọi là đĩ miệng...

Thôi thôi, tôi không nói tiếp nữa đâu, nói nhiều quá, ba hoa chích chòe quá không khéo người ta cho là lão này già rồi mà cũng còn đĩ miệng thì khốn. Hic!

Tái bút: Xin kính báo là tại vì hôm nay là chủ nhật, mà thường thì chiều chủ nhật nào cũng buồn cả. Trịnh Công Sơn chẳng viết trong nhạc phẩm Lời buồn thánh là Chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu... đó sao? Có điều nhà không có gác mà có blóc, nên mình đi dạo một vòng trong lúc người ta đang tí tởn vui đùa đâu đó, chứ đâu phải già ngắc, ngồi một chỗ như mình. Chợt nhận thấy cái blog Sống Đẹp của mình gần đây bỗng dưng còm men nhiều ghê, nhất là bài Giá trị của sự trinh tiết mình viết đã lâu lắm, nay các bạn trẻ vẫn còm men mới lạ, chứng tỏ chủ đề này bao giờ cũng vẫn nóng. Do vậy mà mình lại suy luận qua một điều khác để viết cái entry này chứ chẳng dám bênh vực hay trách móc, chỉ là một chút cảm nhận mà thôi.

Chân quê

Tối hôm qua trời lắc rắc mưa, tiếng lóc cóc đều đều gõ trên mái nhà trong một đêm vắng lặng của thị trấn nhỏ này nghe cũng ấm lạ, chẳng qua là mùa mưa đã bắt đầu rồi. Khác với khung cảnh náo nhiệt ở thị thành, mưa đầu mùa ở thị trấn nơi tôi sống có vẻ nhẹ nhàng và êm đềm hơn, không khí mát hơn hẳn, vì thị trấn này mới mở, vừa mang dáng dấp thị thành để mình nét niếc thoải mái, và cũng vừa mang dáng dấp thôn quê để mình căng võng sau vườn mà ngủ trưa là vậy, mưa rả rích nghe cũng hay nên chẳng thèm đi đâu chơi, ngồi nhà xem TV cũng là một cái thú.
Tôi vốn hay xem chương trình thời sự, trong nước cũng như ngoài nước, vì mình ngồi một chỗ vẽ truyện quanh năm suốt tháng mà không cập nhật cái khoản thời sự này e rằng cái tầm mắt nó đơ đi, do vậy mà tôi hay xem thời sự là vậy. Bỗng đâu một bản tin phóng sự làm tôi vừa buồn và vừa thấy phản cảm, chẳng biết có ai còn nhớ không, nhưng cái lời bình của phóng sự Giữ gìn Vệ sinh an toàn thực phẩm ở TPHCM thì tôi nhớ mãi, ai đời một nhà đài HTV9 như thế, khi đề cập đến sự nhếch nhác trong mua bán thực phẩm tại các chợ trời dọc theo các khu chế xuất, mà cụ thể là khu chế xuất Linh Trung, bình luận viên bảo rằng, sự nhếch nhác đó là do việc thôn quê hóa thành thị?! Tôi không nhớ rõ toàn văn, nhưng đại khái là như vậy, nghe qua thấy sao mà buồn thế! Hóa ra những sự lôi thôi, nhếch nhác, dơ dáy, kém an toàn là phong cách của người dân quê chúng tôi hay sao? Thế còn dân thành thị văn minh sạch sẽ lắm chắc? Tôi nghĩ sự sạch sẽ và dơ dáy thì ở đâu cũng có chứ không phân biệt thôn quê hay thành thị, chứ nhà đài nói như vậy thì những người ở quê buồn lắm, chúng ta vẫn hô hào tìm lại chốn xưa, tìm về thôn quê để đừng quên cái gốc cái gác, thế mà chê rõ ràng ra là cái văn hóa quê mùa nó không được sạch đã len vào thị thành hay sao? Các học giả ngày xưa rất bất bình khi thời thuộc địa Pháp đâu đó có dùng chữ "le nhaque" (đọc bằng lơ-nha-cờ hoặc lơ-nhà-quê cũng được) để chỉ sự ngu ngơ khờ khạo, quê mùa dốt nát của dân quê, thế mà ngày nay chúng ta lại xem sự dơ dáy trong cách ăn ở tại thành phố là do dân quê đưa về, vô hình trung chúng ta phân biệt còn hơn thực dân Pháp nữa sao? Nghe qua mà quá buồn là vậy.
Chốn Quê Nhà cho dù quê mùa cách mấy đi nữa cũng là cái gốc của con người, cần phải biết nâng niu và quý trọng thì mới xứng đáng là một con người có gốc gác chứ không phải từ dưới đất chui lên hay từ đường cống thành thị mà chui ra đâu. Tiến sĩ Trần Đại Nghĩa, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và cả Bác Hồ nữa... không phải cái gốc từ quê mà ra đó hay sao? Sao nhà đài lại nói nghe đau đáu như thế nhỉ? Cái chân quê trong chúng ta ai mà không có? chỉ nguyên cái từ "chân" thôi cũng đã là quá rõ, sự chân chất, mộc mạc của dân quê quý lắm chứ, sao ta không nhắc đến trong một xã hội thị thành nhiều cạm bẫy và bợ đỡ này, thế mà chưa chi đã vội bảo thôn quê hóa thị thành nên mới nhếch nhác như vậy. Xin thưa tôi cũng là dân quê đây, và biết bao người khác cũng từ quê mà vươn lên thị thành bằng chính đôi tay và trí óc, chứ không phải bằng gốc gác con cha cháu ông và sự bợ đỡ hối lộ đâu.
Mong rằng những lời bình như thế này đừng bao giờ xảy ra nữa để thị thành hay thôn quê đều biết hòa quyện vào nhau, nâng đỡ nhau mà vươn lên, vì sự tốt xấu, sạch dơ thì ở đâu cũng có, do chính chúng ta tạo ra chứ hoàn toàn không phải do "gốc gác" của chúng ta tạo ra đâu. Xin hãy nhớ kỹ điều đó để đừng làm những người chân quê như chúng tôi thêm đau lòng là vậy.

Mất bò rồi mới rào chuồng!

Câu thành ngữ này có trong dân gian đã lâu, có lẽ ai cũng đã nghe, ai cũng đã biết và hình như ai cũng đã có lần phạm phải: Mất bò rồi mới rào chuồng! Thật vậy, cuộc sống bon chen xoay vòng khiến ai cũng thấy những việc trước mắt cần phải làm ngay mà quên đi việc chuẩn bị cho tương lai để đối phó với những tình huống xấu, do vậy mà lỡ để mất bò rồi mới biết lo chuẩn bị mà rào chuồng, sửa chuồng, nhưng dù có rào chắc mấy đi nữa thì bò cũng đã mất rồi...
Chẳng qua là hôm nay Papi mới đi Sài Gòn, lại đi ngang qua cầu Đồng Nai thì vẫn có cảm nhận như ngày nào, chiếc cầu già nua lại chao đảo thấy mà phát ớn, chạy qua xong liền Amen thoát nạn! Chẳng hiểu vì sao mà mấy ông quan không thấy điều này nhỉ? Nghe đâu cũng đã cảnh báo nhiều lần và cũng đã lên kế hoạch rồi, nhưng chẳng hiểu do đâu mà vẫn chưa chịu bắt tay vào làm cái cầu mới cho rồi? Hay là đợi cho nó sập như cầu Bình Điền năm nào gây chết người rồi mới chịu làm? Lạ thật! Sao không chịu rào chuồng trước cho chắc ăn đi mà cứ đợi cho tới ngày mất bò nhỉ?
Chuyện "mất bò, rào chuồng" này thực ra cũng hơi hơi giống như phương pháp Vận trù học trong cuộc sống vậy. Muốn làm cái gì thì phải tính toán, phải chuẩn bị trước, chứ đừng để chuyện đã rồi lúc đó giải quyết sẽ khó khăn hơn nhiều, có nhiều bậc quan lớn tính toán cũng ghê gớm lắm, cũng giỏi giang lắm nhưng khi làm ra rồi thì hỡi ôi, thiếu cái này thiếu cái kia là vậy. Trước khi đổ đất đá bê tông làm nền đường thì hãy đào cống trước, chôn dây điện thoại hay cáp quang trước, chứ ai đời để làm con đường cho xong, khánh thành lễ lạc bia bọt phun đầy trời rồi sau đó đào đường lên lắp cái này, chôn cái kia, đào cái nọ là vậy. Vận trù học ở chỗ nào?
Cũng vì những chuyện trái mắt ấy xảy ra triền miên nên Papi tui lại nhớ đến cái tinh thần hướng đạo là phải sắp sẵn, phải sẵn sàng đâu ra đó trong mọi chuyện, có thế mới dễ thành công và công việc trở nên hoàn hảo hơn là thế. Biết rằng cuộc sống vô cùng bon chen, nhưng giá như ta biết bỏ ra một chút nghĩ suy để tiên liệu mọi thứ kể cũng tốt vậy, còn hơn là để xảy ra sự cố rồi lúc đó loay hoay tìm cách khắc phục. Nếu được thì cứ việc rào chuồng, sửa chuồng cho chắc thì bò đâu có bị mất?
Nói thì nói thế thôi chứ chính chúng ta đây cũng chẳng khác chi, không chịu chuẩn bị sẵn sàng trước, đợi khi chuyện lỡ xảy ra rồi phát hoảng, mới tìm cách ngăn chận. Tình thực mà nói thì của cải tài sản vật chất mất đi thì mai mốt mình làm lại được, chứ những giá trị tinh thần khác đánh mất đi thì liệu có rào lại đủ không? Cái danh dự con người mất đi có lấy lại được không? Cái chữ Tín mất đi liệu có lấy lại được không? Cái trinh tiết mất đi có lấy lại được không? Và còn biết bao cái trên đời này nữa, khi mất đi như mất hết cả cuộc đời, có muốn "rào chuồng" thì cũng đã lỡ rồi.

Nhưng khoan đã,

Chẳng phải việc gì cũng phải tính toán, chuẩn bị trước là hay đâu nhé! Vì có nhiều giá trị tinh thần khác được nối kết bằng những tình cảm chân thực vô tư mà ta tính toán quá thì cũng hỏng, thí dụ như tình bạn, tình yêu, tình vợ chồng chẳng hạn... Khi nối kết với nhau bằng cái tình thì xin hãy cho đi và đừng tính toán theo kiểu trên, vì ai đó đã nói rằng, giá trị cuộc sống không phải ở những gì bạn nhận được, nhưng là những gì bạn đã cho đi! Khi ta cho, nghĩa là ta có, như cú pháp của kế toán ấy mà! Xuất ra thì ta ghi CÓ, còn nhập vào thì ghi NỢ vậy. Cái tình mà chuẩn bị hay tính toán quá thì đâu còn tình nữa. Ta cho nghĩa là ta có, cho nhiều thì ta có nhiều thôi, không cần phải tính như vận trù học đâu. Chữ tình là một thứ của cải vô giá mà! Làm sao mà tính được? Không cần phải rào chuồng tính toán trước làm chi mà đâm ra sứt mẻ cái chữ Tình chúng ta vốn rất nâng niu.

Ôi, chỉ mới đi qua cái cầu rung một tí mà lan man quá! Khổ thân ghê Papi ơi...

Cái Duyên

Một thương tóc thả* đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương...


Thôi thì muốn mấy thương cũng được, vì cái thương là thứ tình cảm ưu ái của ta dành cho người khác nên muốn bao nhiêu cũng có, chứ không chỉ mười thương như ông bà ta ngày xưa bảo thế đâu, Kể ra đây cho hết thì mãn đời vẫn chưa xong. Hôm nọ nịnh vợ, tôi cũng đã có lần viết entry bảo: Một triệu lần thương, vợ ơi! Sao mà thương thế? ấy mà, nhưng đó là số lần thương chứ không phải số điều mình thương. Ở entry này tôi không dám nói chuyện thương đâu, mà nói đến cái điều làm cho người khác phải thương kìa, đó mới là điều đáng nói.
Tóc thả đuôi gà mà dành cho vị trí trang trọng nhất trong mười thương thì cũng không công bằng lắm đâu nghen, hèn chi ông Nhạc sĩ Thế Hiển hồi đó viết Tóc em đuôi gà là phải rồi, chắc là thương ghê lắm đó. Riêng tôi thì thích cái thương thứ nhì kia: Ăn nói mặn mà có duyên. A, đây đúng là điều tôi muốn nói. Đó là cái Duyên!
Trước hết tôi xin phép phân tích đôi chút cho rõ ràng nhé, chữ Duyên tôi muốn nói đây là Duyên Dáng, chứ chẳng phải Nhân Duyên hay Duyên Phận, Duyên Số đâu nghen.
Nói nào ngay, chỉ là cảm nhận cá nhân riêng tôi thôi, hồi nào đến giờ tôi rất thích cái tên này: Duyên. Hay ghê ấy, nó cũng chẳng quý phái hay trang trọng gì, tự dưng nói đến tên Duyên thì chúng ta nghĩ đến một cái gì đó chân chất mộc mạc chứ không cầu kỳ lắm đâu, mà lại thấy có vẻ như xinh xinh dễ nhìn vậy. Kể cũng hay, vì có rất nhiều người đẹp sắc nhưng nhìn qua thấy nó trơ trơ làm sao ấy, nhưng người đẹp duyên thì thích nhìn hoài, thậm chí không cần đẹp lắm, chỉ cần có duyên thôi người ta cũng vẫn thích nhìn, và quan trọng hơn là ai cũng thích gần là vậy, hèn chi mấy kẻ trơ tráo, ăn nói chẳng đâu ra đâu, xía vào chuyện người khác một cách lãng nhách thường bị mắng cho đồ vô duyên là thế, còn ai ăn nói dịu dàng, nhẹ nhàng dí dỏm, cuốn hút người đối diện bằng một thứ tình cảm tự nhiên, không hề tô vẽ hay nịnh hót, thì người ta thường khen anh này, chị này có duyên ghê. Nói đến đây thì chắc những ai có tên là Duyên chắc đang phồng mũi chứ gì, cẩn thận đừng bể lỗ mũi đấy nhé! Coi chừng đấy! Bởi vì cái tên không cũng chưa đủ đâu nhé! Điều cần thiết là những gì bạn thể hiện thì mới thật là có duyên.
Thực ra con người ta ai cũng có duyên cả, người thì cái duyên lộ ra bên ngoài qua gương mặt, qua tính cách, qua cử chỉ, nhưng người khác thì lại có duyên ngầm, chỉ qua một đôi câu nói hay một cái nhìn thôi, ta vẫn có cảm tình với họ, rõ ràng cái ngầm ấy thật là đáng yêu. Thế thì làm sao để mà biểu lộ cái duyên mỗi người ra nhỉ? Để người ta thấy cái duyên mà thương mình chớ? Xin thưa, ông bà ta ngày xưa thường bảo: Hữu xạ tự nhiên hương đó sao! Cứ sống thật với mình, vui tươi với mọi người thì tự người sẽ nhìn thấy cái duyên trong ta thôi, cho dù ta không cần phải có sắc đẹp, người ta vẫn thích nói chuyện với ta, vẫn thích gần gũi ta vì cái duyên của ta, còn cố mà sắp đặt cho cái duyên của ta nó lộ ra bên ngoài thì không khéo sẽ thành trơ trẽn mất. Cũng giống như sống mà cứ xoi mói bên này bên kia, xăm soi cái này cái khác, xem ai sai chỗ nào, ai thiếu sót cái gì để mà chỉa mũi dùi vào khích bác thì muôn đời cái duyên ấy làm sao mà lộ ra cho được? Trái lại còn tự vò nát cái duyên của mình đi, tự trói buộc mình vào ngục tù của lòng ganh ghét đố kỵ xấu xa là vậy.
Có phải thế không nhỉ? Tôi đã nhìn thấy cái duyên của bạn rồi đó, nó kia kìa! Chắc chắn hiện giờ sau khi xem xong những dòng này bạn đang cười, và nhân đó nhìn vào cái gương kế bên thử xem cái lão Papi này nói đúng là mình có duyên không, hoặc bạn đang hậm hực vô cùng, sửa soạn chửi thằng láo toét này đây, bày đặt phân tích này nọ làm như rành lắm đấy. Không sao đâu, tôi vẫn lắng nghe và cười toe toét đây này, vì lâu này bị người ta mắng cho là đồ vô duyên quen rồi. Hàhà...

(*Có nơi gọi rằng tóc bỏ đuôi gà, tóc xỏa đuôi gà, tôi thì thấy dùng từ tóc thả đuôi gà cho nó duyên dáng một tí, cột tóc lại rồi thả cái đuôi tóc xuống đó mà!)

Chẳng mất tiền đâu!

Tình hình là nơi tôi ngồi làm việc, phía lỗ tai bên phải là cái piano, thỉnh thoảng ngọ nguậy cái bàn tay đôi chút cho nó vang lên đôi ba tiếng đỡ buồn, trước mặt là cái giẻ lau mực như có lần tôi đã nói về cái vật dụng tầm thường này trong một entry rồi, còn phía lỗ tai bên trái là cái TV, tắt nó đi thì nhà vắng lặng quá, bèn mở nó ra thường xuyên, thỉnh thoảng liếc liếc qua đôi chút để xem tình hình thế giới ra làm sao rồi? (Làm như thế giới này không có mình e sống không yên ấy?! - Tể tướng của tôi thường bảo với tôi vậy). Cũng vì TV mở thường xuyên nên tôi hay nghe một chuyên mục ngày nào cũng có, đó là mục Nhắn Tin.
Quả thật, cái mục đơn giản và nhạt nhẽo này coi bộ chẳng ai ưa cũng như chẳng có ai quan tâm lắm đâu, thế mà vì nó cứ ra rả bên lỗ tai trái của tôi hằng ngày nên tôi đâm ra cũng hơi bị ghiền mới lạ, nói lạ thế chứ cũng bình thường thôi mà, tôi có một anh bạn trên blog ở trong xóm mình chứ chẳng đâu xa, anh có một sở thích cũng khá là lạ, đó là thích đọc Cáo phó nữa thì sao? Tôi thì chỉ nghe thôi chứ cũng ít khi liếc ngang liếc dọc làm gì, vì cái mục Nhắn Tin trên truyền hình này thiết nghĩ chỉ nghe cũng là đủ rồi.
Nghe xong rồi ngẫm nghĩ lắm khi lại thấy buồn buồn, đau đau ở đâu ấy, nào là Nhắn tin cho ông Nguyễn Văn A về gấp để làm thủ tục ly hôn, từ ngày mấy đến ngày mấy mà không thấy ông về coi như làm giấy xác nhận là ông đã chết (bất cần có biết ổng chết hay chưa, không về thì coi như đã chết, nghĩa là để đương sự có thể rảnh tay làm những việc khác như sang nhượng tài sản hoặc xây dựng một tình duyên mới, cũng dám lắm?!). Nhắn tin cho Trần văn B 14 tuổi bỏ nhà đi lang thang mang theo xe máy và giấy tờ, về đi, ba má tha hết lỗi cho con rồi... Nhắn tin cho bà Lê Thị C về gấp để ký giấy ly hôn, nếu không tòa sẽ xử vắng mặt... Mất giấy tờ, tôi tên vân vân và vân vân... lỡ đánh rơi mất giấy này giấy nọ (kỳ thực là bị móc túi chứ đánh rơi cái nỗi gì?!) ai nhặt được xin mang đến... nghe riết đâm ra quen, không còn cảm giác, nhưng có lúc giật mình vì sao vậy nhỉ? Thấy nó thiếu thiếu một điều gì đó trong lòng con người, trong đời con người, thì ra đó là cái TÌNH. Tình là thứ ai cũng sẵn có cả mà, ai cũng có thể cho đi mà đâu phải tốn đồng xu cắc bạc nào nhỉ? Thế mà sao người ta ít thể hiện trong cuộc sống thế? Buồn ghê...
Giá như cái chữ TÌNH ấy thể hiện được nhiều hơn trong cuộc sống con người nhỉ, chắc những kiểu nhắn tin như thế này sẽ ít đi, vợ chồng ít ly hôn hơn, con cái nghe lời cha mẹ mà bớt bỏ nhà ra đi hơn, kẻ cắp sẽ ít đi để khỏi ai kêu cứu mất giấy tờ... Nhưng được thế thì e nhà đài mất nguồn thu. Mà làm sao lý tưởng như thế được? Cuộc sống là thế đó thôi, cho dù cái tình ấy chẳng mất tiền nhưng không dễ kiếm đâu nhé! Đừng có mơ!

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2008

Tác quyền Nhạc Trịnh

Em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đòi tác quyền:
Hát một bài nhạc Trịnh phải trả 300.000

Gần một tháng nay, giới nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực ca nhạc TP.HCM xôn xao chuyện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu cầu các tụ điểm ca nhạc, các phòng trà thanh toán tiền tác quyền khi dụng các tác phẩm của cố nhạc sĩ...
Phản ứng của các chủ phòng trà
Giấy yêu cầu do bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ ký tên. Theo đó, bà Trinh yêu cầu: Thanh toán tiền tác quyền của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là 300.000 đồng/bài/lần biểu diễn.
Tổng số tiền thanh toán căn cứ vào tổng số lần biểu diễn tất cả các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tính từ khi Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra giấy yêu cầu trên còn nói rõ: “Thời hạn thanh toán chậm nhất là ngày 31-3-2008. Trong trường hợp không nhận được tiền tác quyền nói trên trong thời hạn này, chúng tôi sẽ nhờ luật sư đại diện pháp lý của gia đình giải quyết theo Pháp luật Việt Nam và ông (bà) phải chịu trách nhiệm thanh toán tất cả mọi chi phí phát sinh, kể cả chi phí pháp lý…”.
Như vậy, nếu căn cứ vào giấy yêu cầu của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì từ ngày 1-7-2006 (ngày Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có hiệu lực) cho đến tới cuối tháng 3-2008 này, những phòng trà hay tụ điểm kinh doanh ca nhạc trên địa bàn TP.HCM sẽ phải trả một số tiền không nhỏ.
Các ca sĩ, ông bầu, từ trước tới nay, phần lớn đều sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn như của “chùa”. Chỉ có một số ít khi kinh doanh nhạc Trịnh có ý thức trong việc trả tiền tác quyền.
Ca sĩ Ánh Tuyết - Chủ phòng trà ATB cho biết: "Trước đây, ATB từng gửi 10 triệu đồng cho gia đình trong ngày giỗ của anh Sơn, như là tiền bản quyền tượng trưng. Còn từ hôm nhận được giấy yêu cầu trả bản quyền trên, ATB ngưng hát nhạc Trịnh. Tiền tác quyền thì phải trả theo luật, nhưng nếu cứ truy theo 300.000 đồng/bài thì khó cho chúng tôi quá. Vì một đêm hát 20 bài nhạc Trịnh (thứ Sáu hàng tuần), trung bình đã phải trả 6 triệu đồng, nhưng có khi tổng doanh thu chỉ 2 triệu đồng (20 khách). Như thế thì làm sao phòng trà chịu nổi? Phải căn cứ theo chuẩn nào, cách làm nào cho hợp lý, có tính toán, theo doanh thu chứ không thể truy thu kiểu như thế được”.
Một chủ phòng trà xin giấu tên cho biết ngay từ khi nhận được giấy yêu cầu trả tiền tác quyền, phòng trà của ông không sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn. Thậm chí có đêm, khi có khán giả yêu cầu ca sĩ hát nhạc Trịnh, ông cũng không cho phép hát vì sợ phải trả thêm tiền.
Trao đổi với một số ca sĩ thường xuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn tại các phòng trà, tại một số tụ điểm ca nhạc… chúng tôi đều nhận được lời chối từ khéo léo: Chỉ biết hát, còn vấn đề bản quyền thì chưa được nghe, chưa được biết.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh: Quyết làm tới cùng!
Trước đây, lúc sinh thời anh Sơn không đặt vấn đề thu tác quyền nên chúng tôi không thu. Bây giờ anh Sơn đã mất, Việt Nam lại có Luật Sở hữu trí tuệ nên là những người thừa kế, chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ bảo quản những di sản anh Sơn để lại".
Bà cho biết: "Chúng tôi thu tiền tác quyền để xây dựng quỹ học bổng mang tên anh Sơn, nhằm hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam. Đây cũng là nguyện vọng của anh Sơn lúc sinh thời”.
* Nhưng theo ý kiến của một số người, việc thu 300.000 đồng/bài/lần hát là quá cao và khiến cho nhiều điểm diễn sẽ không có khả năng chi trả?- Trước khi đề ra mức tiền trên, chúng tôi đã tham khảo rất kỹ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và thấy đó là số tiền hợp lý. Tôi xin nêu một ví dụ, vào năm 2007, tại phòng trà M. đã tổ chức hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn do ca sĩ QD hát. Phòng trà này đã thu tiền phụ thu cho mỗi khách là 300.000 đồng, chưa kể tiền nước. Tôi đã chứng kiến cả hai đêm, đêm nào khách cũng kín chỗ. Với trên 100 chỗ ngồi, tổng số tiền phụ thu hai đêm của phòng trà này đã lên tới trên 60 triệu đồng. Nhưng họ đâu có nói gì đến tiền tác quyền. Nhiều trường hợp đã cố tình xù tiền tác quyền.
Như vào cuối tháng 3-2007, một công ty tổ chức biểu diễn đã xin phép chúng tôi được tổ chức hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Hà Nội. Sau khi chúng tôi yêu cầu trả tiền tác quyền, họ đồng ý sẽ trả nhưng vào phút cuối lại nói hoãn không tổ chức chương trình đó nữa. Nhưng sự thật là họ vẫn tổ chức và đã “trốn” tiền tác quyền.
Còn với một số phòng trà nhỏ, doanh thu thấp, chúng tôi vẫn đồng ý để cho họ thương lượng. Cách đây hơn 2 tuần, sau khi nhận được giấy yêu cầu tiền tác quyền, có vợ chồng chủ quán nhạc Trịnh ở quận Bình Tân đã tới gặp chúng tôi và cho biết họ yêu thích nhạc Trịnh nên mới mở quán nhỏ để kinh doanh. Sau khi xem xét thực tế doanh thu, chúng tôi đã đồng ý cho họ tự nguyện trả tiền tác quyền.
Vì thế tôi vẫn khẳng định số tiền 300.000 đồng không phải là cố định mà chúng tôi có thể thay đổi, miễn sao cho những người sử dụng nhạc Trịnh để kinh doanh phải thấy trách nhiệm của mình trong việc trả tiền tác quyền.
* Việc thu tiền tác quyền nhạc Trịnh sẽ khiến nhiều khán giả mất cơ hội thưởng thức nhạc Trịnh, và nhiều phòng trà cũng bắt đầu từ chối hát nhạc Trịnh?
- Tôi không nghĩ là như thế! Từ trước tới nay rất nhiều nhạc sĩ khác được trả tiền tác quyền, tại sao Trịnh Công Sơn lại không được trả? Việc từ chối hát nhạc Trịnh tại một số phòng trà tôi không biết, nhưng việc tuân thủ pháp luật về tiền tác quyền là điều đương nhiên. Còn nhạc Trịnh đã có chỗ đứng trong lòng khán giả từ rất lâu nên tôi tin trong thời gian tới, khi tác quyền được thực hiện nghiêm túc, khán giả vẫn có cơ hội thưởng thức.
* Lúc sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất ưu ái với những ca sĩ trẻ khi sử dụng các ca khúc của ông để tạo dựng tên tuổi. Liệu khi tiền tác quyền được thực thi, những ca sĩ trẻ mong muốn được hát nhạc Trịnh có thể được lưu ý?
- Như tôi đã nói, Quỹ tài năng trẻ mang tên anh Sơn do chúng tôi lập ra cũng nhằm tìm và phát hiện những tài năng trẻ trong âm nhạc. Cách đây mấy năm, một ca sĩ trẻ ra album đầu tay chúng tôi cũng không lấy tiền tác quyền và hiện nay ca sĩ đó đã nổi tiếng. Sau khi quỹ thành lập xong và đi vào họat động thì không chỉ miễn tiền tác quyền, chúng tôi còn tài trợ, giúp đỡ các ca sĩ trẻ lập nghiệp.
* Sao gia đình bà không ký ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu cho tiện?
- Chúng tôi không quen nói đến chuyện tiền bạc nên khi đặt vấn đề tiền tác quyền, chúng tôi đã gặp một số phản ứng. Vì thế chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và có lẽ chúng tôi sẽ ủy quyền cho nơi này làm giúp thì hợp lý hơn. Nhưng chúng tôi vẫn khẳng định sẽ quyết tâm làm tới cùng việc thu tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn vì điều này Luật đã cho phép.
TRỌNG THỊNH - Theo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc:
TTO - Nên "thích nghi" với vấn đề tác quyền hay nên để nhạc Trịnh được "miễn phí" sống trong lòng đại chúng? Ai có quyền đòi tiền tác quyền và mức tác quyền nên được tính ra sao, bạn đọc TTO đã có nhiều ý kiến khác nhau
Nếu thu phí tác quyền đối với 1 lần hát ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì giá 300.000 đồng hoặc ít hơn bao nhiêu cũng làm không ít người kinh doanh phòng trà hay quán cà phê dùng nhạc Trịnh làm thương hiệu kinh doanh lâu nay cảm thấy hơi choáng, chí ít họ cũng đã ít nhiều tạm dừng việc hát nhạc Trịnh.
Mong chị Trịnh Vĩnh Trinh suy nghĩ lại chút ít, nếu cứ làm như trên thì hóa ra nhạc Trịnh đâu còn là thứ nhạc của đại chúng?!
PHAN NHƯ QUỲNH
Âm nhạc luôn đi vào lòng người, từ hàng trăm năm nay, trên thế giới các nhà soạn nhạc tên tuổi như Bethoven, Mozart... để lại những bản tình ca bất hủ. Họ đã mất đi, nhưng tên tuổi của họ thì còn lại mãi ngàn năm.
Không ai phủ nhận quyền giữ bản quyền của tác phẩm, nhất là trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay, tuy nhiên sự thăng hoa trong âm nhạc và sự lưu truyền từ đời này sang đời khác các bản nhạc bất hủ có lẽ là điều vô giá đối với một nhạc sĩ, nó còn giá trị hơn rất nhiều những đồng tiền bản quyền bình thường kia!
Tôi vẫn thường nói vui với bạn bè rằng nhạc Trịnh có khi vẫn còn được đời cháu, chắt của chúng ta lắng nghe và cảm nhận, lưu truyền. Nhưng nếu 300.000 đồng một bài, hỡi ôi sinh viên, công chức làm sao nghe nổi, chỉ một phần nhỏ "đại gia" nghe thôi...Thật đáng tiếc và buồn!
VŨ BÌNH MINH
Trịnh Công Sơn một cây đại thụ trong làng nhạc sĩ Việt Nam. Cả một đời cống hiến cho âm nhạc, có thể nói những bản nhạc của ông đã đi sâu vào lòng không biết bao người yêu nhạc...
Có thật sự là tâm nguyện của ông muốn lập một quĩ gì đó mà gia đình nói không? Tôi thiết nghĩ nếu thu tác quyền như thế thì khi người yêu nhạc khi nghe nhạc Trịnh sẽ không còn như trước nữa, thay vào đó là một tâm lý không thoải mái.
TRẦN VĂN NGUYỄN
Lâu nay người Việt chúng ta cứ quen xài "chùa" mất rồi. Nay người ta đòi tác quyền thì giãy nãy lên! Phải tuân thủ luật tác quyền cho phù hợp với các xã hội văn minh thôi.
Thế nhưng theo tôi, ở các phòng trà mà thu một lần hát cho một ca khúc tới 300.000 đồng là hơi cao, cần xem lại giá cả. Còn nếu hát trước một sân khấu lớn với hàng ngàn khán giả thì mức thu như trên lại quá "bèo".
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
Tôi nghĩ các phòng trà, tụ điểm tổ chức ca nhạc hay các ca sĩ muốn hát nhạc của bất cứ nhạc sĩ nào sáng tác đều phải có trách nhiệm trả tiền tác quyền, vì mỗi đêm ca sĩ biểu diễn thu vào hàng mấy chục triệu đồng (trừ những ca sĩ mới chập chững vào nghề), các bầu sô thu vào cũng không kém...Vì vậy, thu nhập nhưng có phần công sức của người khác thì phải có trách nhiệm.
NGUYỄN THANH LÂM
Theo tôi thấy thì việc thu tiền tác quyền những ca khúc Trịnh Công Sơn là hợp lý vì những người kinh doanh cũng như ca sỹ phải biết trách nhiệm của mình khi kinh doanh sản phẩm trí tuệ của người khác. Đó mới đúng là sự công bằng,văn minh phù hợp với xu hướng hội nhập của thế giới.
TH.MINH
Tôi là một người rất quan tâm về lĩnh vực âm nhạc và đặc biệt là nhạc Trịnh. Vì thế khi đọc được bài viết này tôi cũng rất lấy làm tâm đắc vì quyền sở hữu trí tuệ của VN đã bắt đầu có hiệu lực và được thực thi một cách nghiêm túc (dù rằng đấy chỉ là mới bắt đầu).
Theo tôi chị Vĩnh Trinh hoàn toàn có lý do để đưa ra một cái mốc 300.000đồng/bài hát của nhạc sĩ TCS nhưng thiết nghĩ nó phải được đặt dưới sự quản lý của một tổ chức hay một cơ quan đại diện nào chứ không phải là của chị Vĩnh Trinh, dù rằng số tiền tác quyền đó có làm vào mục đích nào đi chăng nữa. Đừng để vì bất cứ một lý do nào để ảnh hưởng đến một thần tượng, một tài năng âm nhạc mà rất lâu nay mọi nguời yêu nhạc mến mộ.
TRAN HOAI DUY
TT - Việc ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - gửi văn bản đến các phòng trà, đơn vị tổ chức biểu diễn đề nghị thanh toán (từ 1-7-2006) tác quyền ca khúc của anh trai đang khiến không ít ông bà chủ của những đơn vị tổ chức biểu diễn "băn khoăn", "bối rối".
Theo yêu cầu từ phía gia đình cố nhạc sĩ, một bài của Trịnh Công Sơn được sử dụng phải trả số tiền 300.000 đồng/lần.
Thu tiền tác quyền: lâu nay làm… cho có
Sự kiện gây "bối rối" vì số lượng ca khúc của Trịnh Công Sơn được sử dụng là không nhỏ, được hát không ít lần. Còn "băn khoăn" vì một thực tế khác, trừ những ca khúc của Phạm Duy được Phương Nam độc quyền - kiểm soát bản quyền chặt chẽ, lâu nay chuyện thu tiền tác quyền ca khúc chỉ được làm... cho có.
Là đơn vị tổ chức chương trình lớn và sản xuất băng đĩa có sử dụng ca khúc của Trịnh Công Sơn thường xuyên nhất, Phương Nam đã thực hiện trả tiền tác quyền những ca khúc ghi âm để phát hành CD cho gia đình nhạc sĩ với giá 1 triệu đồng/bài. Số tiền sẽ được tính cao hơn với những ca khúc được sử dụng trong chương trình biểu diễn có doanh thu, ghi hình và phát hành đĩa sau đó. Nhưng thực tế, việc tôn trọng tác quyền ca khúc của Trịnh Công Sơn nói riêng và nhiều nhạc sĩ VN nói chung trong những hoạt động biểu diễn khác thì hoàn toàn ngược lại…
Ca sĩ Ánh Tuyết - chủ phòng trà ATB - cho biết việc thu tiền tác quyền ca khúc hiện nay hầu như chỉ được thực hiện trong những chương trình lớn, con số thường là 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/bài, nhưng lại được thỏa thuận gia giảm tùy vào tính chất sô "từ thiện hay không từ thiện", "truyền hình hay không truyền hình"... Ngay với việc trả tiền tác quyền cho những ca khúc của Văn Cao mà ATB thường xuyên sử dụng cũng chỉ được tính theo... tình cảm. Tức là có doanh thu tốt thì Ánh Tuyết sẽ tự nguyện trích một khoản để gửi lại gia đình của nhạc sĩ, còn ngược lại thì... Nhạc sĩ Lê Quang, chủ phòng trà Không Tên, cũng cho biết trước nay phòng trà không phải trả tiền tác quyền ca khúc cho nhạc sĩ, dù đó là một việc hợp lý.
Ông Nguyễn Tuấn - đại diện phòng trà Tình Ca, trước đây là biên tập của phòng trà M&Tôi - cho biết trong cân đối thu chi của các phòng trà trước nay thường không có khoản cho "tiền tác quyền".
Thương lượng để trả theo doanh thu
Về bản quyền ca khúc nói chung, Phương Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện độc quyền các ca khúc của Phạm Duy và áp dụng chế độ thu tiền tác quyền. Qui định được đưa ra ngay từ đầu nên cũng dễ cho các đơn vị trong việc cân đối, quyết định tổ chức những chương trình có sử dụng ca khúc của ông. Bà Phan Mộng Thúy, giám đốc Phương Nam, cho biết đơn vị của mình cũng không quá cứng nhắc trong việc thu tác quyền. Cụ thể với những chương trình của Ánh Tuyết tổ chức tại phòng trà hay một số chương trình nhỏ, vừa khác, số tiền thu không được tính với giá 1 triệu đồng/bài như qui định, mà tính tùy thuộc vào tính chất, qui mô của chương trình.
Phương Nam cũng áp dụng "hợp đồng linh hoạt" với Đức Tuấn - ca sĩ thường xuyên hát nhạc Phạm Duy. Theo đó, số tiền Đức Tuấn phải trả cho việc sử dụng ca khúc được tính theo năm. Con số này sẽ ít hơn rất nhiều so với việc nhân và cộng số lần, số bài sử dụng. "Hơn nữa cũng không thể nào kiểm soát hết được ca sĩ hát bao nhiêu bài, bao nhiêu lần trong những chương trình dạng "hát theo yêu cầu" của phòng trà - bà Thúy nói - Với thực tế hiện nay, quan trọng không phải là thu được nhiều tiền mà là kêu gọi ý thức tôn trọng tác quyền của người sử dụng".
Với những đêm nhạc Trịnh sắp được tổ chức, phần lớn đều tiến hành thương lượng lại với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để trả theo doanh thu, chương trình chứ không áp dụng hình thức tính theo bài, lần. Như ba đêm nhạc Trịnh sắp được tổ chức tại phòng trà Yesterday dự kiến sử dụng 31 ca khúc/đêm. Anh Khoa, người thực hiện chương trình, cho biết tổng số tiền tác quyền mà chương trình trả gia đình ông là 10 triệu đồng/đêm. Số tiền này được tính theo thỏa thuận chứ không theo số lượng bài.
Nhạc sĩ Lê Quang định tổ chức chương trình nhạc Trịnh cũng cho biết: "Tôi và chị Trịnh Vĩnh Trinh đang thương lượng lại. Có thể sẽ không áp dụng cách tính theo bài, lần mà theo quí hoặc năm, vì hoạt động phòng trà sử dụng rất nhiều ca khúc, hát theo yêu cầu khán giả, không như những hoạt động biểu diễn khác".
Ông Nguyễn Tuấn, biên tập phòng trà Tình Ca, thổ lộ: "Phòng trà Tình Ca đã thương lượng lại với gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về tiền tác quyền ca khúc trong hai đêm nhạc sắp tổ chức, sẽ không tính theo số bài mà dựa vào doanh thu của chương trình và trên tinh thần hợp tác để góp phần giữ cho nhạc Trịnh sống mãi".
ĐỖ DUY
Thông tin tham khảo
* Theo các phòng trà và đơn vị tổ chức khác, việc thu tiền bản quyền ca khúc là hoàn toàn đúng, nhưng do thực tế quản lý lỏng lẻo bấy lâu nay không được áp dụng đồng bộ, nên việc truy thu là hơi... khó. Hầu hết giới tổ chức biểu diễn phòng trà đều cho rằng cách tính 300.000 đồng/bài/lần hát là khá cao. Với những chương trình phòng trà, ca sĩ hát rất nhiều theo yêu cầu, tính bằng số lần thì con số phải trả trong một đêm sẽ không thua gì catsê của một ca sĩ hạng B.
* Ông Tô Văn Long - trưởng phòng quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả:
Việc thu tiền bản quyền được tính căn cứ theo nghị định của Chính phủ về chế độ nhuận bút (nghị định số 61/2002/NĐ-CP). Đối với những lĩnh vực chưa được qui định sẽ dựa trên sự thỏa thuận giữa tác giả với nhà khai thác sử dụng.
Nghị định số 61 của Chính phủ về chế độ nhuận bút nêu rõ: tác phẩm đã công bố, phổ biến khi được sử dụng lại, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm vẫn hưởng nhuận bút theo qui định. Việc trả nhuận bút phải đảm bảo hợp lý giữa lợi ích của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với tác phẩm có tính đặc thù chưa được qui định cụ thể tại nghị định này thì việc trả nhuận bút do thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thông qua hợp đồng thỏa thuận khoán gọn.
* Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), mức thu tiền bản quyền áp dụng trong năm 2007-2008 tại quán cà phê, giải khát (kể cả phòng trà - PV) tại thành phố loại một: tại quận - khu vực trung tâm, mức thu (khoán) đối với việc sử dụng nhạc sống ở những quán dưới 30 chỗ ngồi là 75.000 đồng/tháng. Nếu quán có trên 30 chỗ ngồi, thu theo mức 7.500 đồng/chỗ ngồi/tháng. Số tiền bản quyền thu được sẽ chia cho các tác giả căn cứ trên danh sách tác phẩm âm nhạc đã sử dụng nhân với số lần sử dụng tại quán. Danh sách và số lần sử dụng do người sử dụng điền vào bản kê khai có sẵn của VCPMC.
Theo VCPMC, cách tính này căn cứ trên các qui định luật pháp và dựa trên sự thỏa thuận giữa VCPMC, tác giả và nhà khai thác sử dụng. Kể từ năm 2006, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự tiến hành việc thu tiền bản quyền, không ủy thác cho trung tâm như trước kia.
U.LY - Đ.D
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
Chúng tôi linh động trong việc áp dụng khung giá
* Thực tế việc truy thu tiền tác quyền những ca khúc của Trịnh Công Sơn ở thời điểm này xuất phát từ lý do gì?
- Trịnh Vĩnh Trinh: Đã từ bấy lâu nay việc trả tiền tác quyền cho anh Sơn được thi hành một cách tùy tiện. Gia đình chưa bao giờ lên tiếng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc vi phạm tác quyền càng ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là gần đây những đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại một số phòng trà lớn ở TP.HCM, đêm biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội… những nhà tổ chức gồm những người nổi tiếng kể cả nhạc sĩ không hề đoái hoài đến việc thi hành nghĩa vụ tác quyền. Và đến khi gia đình bắt buộc phải nhắc nhở thì họ vẫn lờ đi! Theo anh, chúng tôi cần phải làm gì?
* Việc thu tiền tác quyền ca khúc đã không được áp dụng chặt chẽ trong thời gian qua dẫn đến các đơn vị tổ chức chưa có ý thức tốt và băn khoăn, bối rối trong lần truy thu này, dù biết đó là khoản thu hợp lý. Chị nghĩ sao?
- Thật sự khung tác quyền đã được định nghĩa rất rõ ràng bởi Cục Tác quyền một cách bài bản và khoa học, dựa trên loại hình biểu diễn, nơi biểu diễn, số ghế và giá vé... Nếu gia đình chúng tôi áp dụng khung giá này thì số tiền tác quyền phải trả sẽ lớn hơn nhiều. Phải nhấn mạnh rằng qua kinh nghiệm, những cá nhân hay tổ chức thật sự muốn trả tiền tác quyền thì đó không phải là vấn đề. Chúng tôi luôn linh động trong việc thu tiền tác quyền nhằm khuyến khích các hoạt động văn nghệ chân chính và có tính cách quần chúng. Điển hình là chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề tác quyền cho tất cả những đêm nhạc Trịnh Công Sơn tổ chức hằng năm tại khu du lịch Thanh Đa - Bình Quới.
Rất nhiều cơ sở khác như cà phê Trịnh ở quận Tân Bình, cà phê Yesterday ở quận 3, phòng trà Tình Ca của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy, của ca sĩ Lan Ngọc đều đóng góp trên cơ sở tự nguyện.
Tôi xin xác nhận không có việc phải trả 300.000 đồng cho mỗi bài hát Trịnh Công Sơn. Số tiền này có thể cao hơn nhiều hoặc rất thấp hơn, hoặc miễn thu tùy theo địa điểm, chủng loại và tính cách quần chúng của nó. Dĩ nhiên nếu những buổi trình diễn thuần túy chỉ mang tính chất thương mại thì chúng tôi có quyền áp dụng khung giá tác quyền qui định bởi luật pháp VN.
* Các đơn vị tổ chức cho rằng con số 300.000 đồng/bài là quá cao so với những hoạt động của phòng trà. Chị nghĩ sao về việc này?
- Nếu phải áp dụng theo đúng khung giá qui định bởi Nhà nước thì con số 300.000 đồng/bài cho những hoạt động của phòng trà thì vẫn còn thấp cho những phòng trà có tầm cỡ. Và chúng tôi luôn linh động trong việc áp dụng khung giá, phân biệt những hoạt động có tính chất quần chúng với những hoạt động chỉ mang tính chất kinh doanh, thương mại. Rất tiếc, những người than vãn về tiền tác quyền phải trả trên công luận lại là những người chưa bao giờ đến gặp chúng tôi.
ĐỖ DUY thực hiện
Ý kiến bạn đọc:
Thu tiền tác quyền, xin nhã nhặn hơn!
TTO - Hôm nay đọc vấn đề chị Trịnh Vĩnh Trinh yêu cầu 300.000đồng cho mỗi bài nhạc Trịnh hát ở phòng trà và thấy có một số chủ phòng trà phản đối tôi nghĩ cũng lạ.
Xét về phương diện tác quyền, không biết là các chủ phòng trà hay các ca sĩ trình bày phản đối như vậy có phải là kém tôn trọng tác quyền? Với các ca sĩ được mến mộ thì 300.000đ trên một bài hát họ trình bày là quá nhỏ nhoi, trong khi thu nhập họ hát với đơn vị tính là triệu đồng. Tuy nhiên với các phòng trà nhỏ với các ca sĩ hát như là một nghiệp thì quả thật 300.000đ là rất lớn.
Xét về phương diện nhân sinh, nhạc của ông không phải để nghe mà còn để nghĩ. Người yêu nhạc Trịnh Công Sơn là vì vậy, người nghe đa phần là những người thích sự thâm trầm. Tôi khi xưa lúc không có tiền cũng mua những đĩa nhạc Trịnh không có bản quyền, giá rẻ. Sau này, khi có được thu nhập tôi lại mua những đĩa có bản quyền, dù rằng những đĩa đó mình đã có trước một bản copy.
Vấn đề đặt ra theo tôi nghĩ là cách thu và cách nêu ra lý lẽ, không nên đặt dư luận trước một lý lẽ hơi chung chung là "thu để làm quỹ học bổng", điều này có vẻ không thuyết phục. Bằng cách nào đó, gia đình nhạc sĩ nên khéo léo, không nên khiến người nghe sẽ quay lưng vì thấy nhạc Trịnh không còn để thâm trầm suy ngẫm nữa mà nó đang là "money maker" (kiếm tiền).
Nhạc của Trịnh Công Sơn là di sản, gia đình là người được ủy thác để gìn giữ di sản đó, mong hãy làm cho di sản tinh thần này được lan tỏa đến mọi người để mọi người cùng gìn giữ. Đừng để mọi người phó thác cho gia đình giữ di sản... một mình (!).
HV NGUYEN
300.000đồng mới chỉ là số tiền đề nghị phải trả đối với các phòng trà nhỏ, còn với các phòng trà lớn như Không Tên, M&Tôi chẳng hạn, bà Trinh đề nghị trả 500.000đ/bài/lần hát. Nếu thu đủ theo mức này thì tôi cam đoan chẳng phòng trà nào dám cho ca sĩ hát nhạc Trịnh hằng đêm. Giỏi lắm thì cố gắng thi thoảng làm một chương trình như dịp 1-4- ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn.
Thu tác quyền là điều không thể chối cãi, các phòng trà theo tôi biết cũng sẵn sàng trả tác quyền, nhưng thu thế nào cho hợp lý chứ ra tối hậu thư theo kiểu đòi nợ, hù dọa như thế, khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và họ bỏ luôn đêm nhạc Trịnh Công Sơn hay không cho ca sĩ hát nhạc Trịnh là điều dễ hiểu.
Thử hỏi từ khi có Luật sở hữu trí tuệ, gia đình Trịnh Công Sơn có ra công văn gửi các nơi đề nghị trả tiền tác quyền chưa mà bây giờ đùng một cái lại đi gửi giấy đòi tiền như vậy, còn tự ý ra mức giá thu mỗi bài 300.000 - 500.000 đồng cho mỗi lần hát. Không kể các ca sĩ ngôi sao, hầu hết các ca sĩ hát nhạc Trịnh ở các phòng trà hát một show (từ 2-3 bài) được trả khoảng 100.000 - 200.000 đồng thì lấy tiền đâu trả tác quyền?
Còn nếu phòng trà phải trả thì cứ một ca sĩ hát 2 -3 bài như thế, một đêm cũng khoảng trên dưới 20 bài, số tiền phải trả là từ 6- 10 triệu đồng. Lỗ là cái chắc! Còn vịn vào các đêm có ngôi sao, tiền phụ thu cao - cũng phải tính đến tiền cho ca sĩ, tiền mặt bằng, điện nước, ban nhạc, nhân viên, thuế... Chưa kể là lâu lâu họ mới dám làm một đêm như vậy để bù vào các đêm bị lỗ hay vắng khách.
Cho nên phải cân nhắc sao cho hợp tình hợp lý và người ta có thể chấp nhận được, chứ kiểu này thì nhạc Trịnh vô tình trở thành một món hàng xa xỉ không còn được phổ biến đại chúng như trước đây nữa.
Theo tôi, cách tính tác quyền hợp lý nhất là cứ thu như các nhạc sĩ hiện đang làm vậy. Tức một ca khúc ca sĩ mua độc quyền của nhạc sĩ khoảng 5 triệu đồng, còn mua tác quyền chỉ từ 500.000 đến 1 triệu và được quyền hát bất cứ đâu, bất cứ bao nhiêu lần, kể cả làm băng đĩa.
Nhạc Trịnh thì không thể (hay đúng hơn là không nên) bán độc quyền, vì nhạc Trịnh là nhạc của đại chúng. Cho nên chỉ có thể bán tác quyền cho các tụ điểm hay phòng trà có hát nhạc Trịnh. Muốn mua tác quyền bao nhiêu bài thì đăng ký và chỉ trả một lần để các ca khúc đó được hát ở phòng trà đó, nếu không đủ tiền thì mua nhiều đợt, vì nhạc Trịnh Công Sơn có tới hàng ngàn bài mà. Thu như vậy là hợp lý và các phòng trà có thể chấp nhận được, còn nếu mỗi lần hát mỗi lần thu thì đố ai dám hát thường xuyên. Nhạc Trịnh dần dần bị xếp xó là cái chắc.
Chỉ những chương trình lớn, có đông khán giả, có tài trợ thì thu 300.000 đồng hay 500.000 đồng/bài/chương trình là phải. Mong bà Trịnh Vĩnh Trinh và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xem lại cách thu tác quyền và cách hành xử nhã nhặn hơn đối với những nơi đang phổ biến và bảo tồn di sản của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
HỒNG SƠN

(Tổng hợp từ báo Tuổi Trẻ)