Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008

Mất bò rồi mới rào chuồng!

Câu thành ngữ này có trong dân gian đã lâu, có lẽ ai cũng đã nghe, ai cũng đã biết và hình như ai cũng đã có lần phạm phải: Mất bò rồi mới rào chuồng! Thật vậy, cuộc sống bon chen xoay vòng khiến ai cũng thấy những việc trước mắt cần phải làm ngay mà quên đi việc chuẩn bị cho tương lai để đối phó với những tình huống xấu, do vậy mà lỡ để mất bò rồi mới biết lo chuẩn bị mà rào chuồng, sửa chuồng, nhưng dù có rào chắc mấy đi nữa thì bò cũng đã mất rồi...
Chẳng qua là hôm nay Papi mới đi Sài Gòn, lại đi ngang qua cầu Đồng Nai thì vẫn có cảm nhận như ngày nào, chiếc cầu già nua lại chao đảo thấy mà phát ớn, chạy qua xong liền Amen thoát nạn! Chẳng hiểu vì sao mà mấy ông quan không thấy điều này nhỉ? Nghe đâu cũng đã cảnh báo nhiều lần và cũng đã lên kế hoạch rồi, nhưng chẳng hiểu do đâu mà vẫn chưa chịu bắt tay vào làm cái cầu mới cho rồi? Hay là đợi cho nó sập như cầu Bình Điền năm nào gây chết người rồi mới chịu làm? Lạ thật! Sao không chịu rào chuồng trước cho chắc ăn đi mà cứ đợi cho tới ngày mất bò nhỉ?
Chuyện "mất bò, rào chuồng" này thực ra cũng hơi hơi giống như phương pháp Vận trù học trong cuộc sống vậy. Muốn làm cái gì thì phải tính toán, phải chuẩn bị trước, chứ đừng để chuyện đã rồi lúc đó giải quyết sẽ khó khăn hơn nhiều, có nhiều bậc quan lớn tính toán cũng ghê gớm lắm, cũng giỏi giang lắm nhưng khi làm ra rồi thì hỡi ôi, thiếu cái này thiếu cái kia là vậy. Trước khi đổ đất đá bê tông làm nền đường thì hãy đào cống trước, chôn dây điện thoại hay cáp quang trước, chứ ai đời để làm con đường cho xong, khánh thành lễ lạc bia bọt phun đầy trời rồi sau đó đào đường lên lắp cái này, chôn cái kia, đào cái nọ là vậy. Vận trù học ở chỗ nào?
Cũng vì những chuyện trái mắt ấy xảy ra triền miên nên Papi tui lại nhớ đến cái tinh thần hướng đạo là phải sắp sẵn, phải sẵn sàng đâu ra đó trong mọi chuyện, có thế mới dễ thành công và công việc trở nên hoàn hảo hơn là thế. Biết rằng cuộc sống vô cùng bon chen, nhưng giá như ta biết bỏ ra một chút nghĩ suy để tiên liệu mọi thứ kể cũng tốt vậy, còn hơn là để xảy ra sự cố rồi lúc đó loay hoay tìm cách khắc phục. Nếu được thì cứ việc rào chuồng, sửa chuồng cho chắc thì bò đâu có bị mất?
Nói thì nói thế thôi chứ chính chúng ta đây cũng chẳng khác chi, không chịu chuẩn bị sẵn sàng trước, đợi khi chuyện lỡ xảy ra rồi phát hoảng, mới tìm cách ngăn chận. Tình thực mà nói thì của cải tài sản vật chất mất đi thì mai mốt mình làm lại được, chứ những giá trị tinh thần khác đánh mất đi thì liệu có rào lại đủ không? Cái danh dự con người mất đi có lấy lại được không? Cái chữ Tín mất đi liệu có lấy lại được không? Cái trinh tiết mất đi có lấy lại được không? Và còn biết bao cái trên đời này nữa, khi mất đi như mất hết cả cuộc đời, có muốn "rào chuồng" thì cũng đã lỡ rồi.

Nhưng khoan đã,

Chẳng phải việc gì cũng phải tính toán, chuẩn bị trước là hay đâu nhé! Vì có nhiều giá trị tinh thần khác được nối kết bằng những tình cảm chân thực vô tư mà ta tính toán quá thì cũng hỏng, thí dụ như tình bạn, tình yêu, tình vợ chồng chẳng hạn... Khi nối kết với nhau bằng cái tình thì xin hãy cho đi và đừng tính toán theo kiểu trên, vì ai đó đã nói rằng, giá trị cuộc sống không phải ở những gì bạn nhận được, nhưng là những gì bạn đã cho đi! Khi ta cho, nghĩa là ta có, như cú pháp của kế toán ấy mà! Xuất ra thì ta ghi CÓ, còn nhập vào thì ghi NỢ vậy. Cái tình mà chuẩn bị hay tính toán quá thì đâu còn tình nữa. Ta cho nghĩa là ta có, cho nhiều thì ta có nhiều thôi, không cần phải tính như vận trù học đâu. Chữ tình là một thứ của cải vô giá mà! Làm sao mà tính được? Không cần phải rào chuồng tính toán trước làm chi mà đâm ra sứt mẻ cái chữ Tình chúng ta vốn rất nâng niu.

Ôi, chỉ mới đi qua cái cầu rung một tí mà lan man quá! Khổ thân ghê Papi ơi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.