Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Xét duyệt


adam Nhà văn: Trình ngài Tổng biên tập, cuốn tiểu thuyết của tôi gởi nay đã ba năm rồi, sao không thấy ngài thông báo hay alô gì cho tôi biết xem nó sống chết thế nào, in ấn ra sao, để tôi còn liệu mà đi mua gạo chịu, vợ con ở nhà nằm xếp lớp đói rã họng ra rồi, cổ người nào người nấy dài như cổ cò, vì cứ trông ngóng không biết lúc nào truyện của bố mới được in để kiếm chút cháo...

Biên tập: Ngồi xuống đây đã đi bố ơi! Bố có biết đây là Nhà xuất bản gì không? Đây là Nhà Xuất Bản Hội Chợ Văn, do đó văn chương lung tung cần phải thẩm định và xét lên xét xuống thì mới duyệt in được chứ! Đây là Hội... Chợ chứ đâu phải cái chợ?! Bố tưởng dễ duyệt cho in lắm à?

Nhà văn: Nhưng thưa ngài, sao truyện Ổ Khóa của cái cô diễn viên rung chuông là cởi Trần Thị Nở kia mấy ngài duyệt mau vậy? Ký rẹt rẹt là ra sách ào ào liền.

Biên tập: Ơ... Cái bác này, truyện văn chương người ta mang tính nhân bản, tính người, có con người ở trỏng, nên in là phải rồi. Còn truyện Cái Chìa Khóa của bác, toàn là lóc liếc, chúng tôi phải xem xét lại chớ!

Nhà văn: Ngài nói vậy chứ truyện tôi cũng có tính người vậy! Tôi còn... khuyến mãi thêm một số côn trùng ở trỏng nữa, nào là bướm, là kiến, là chuồn, là ve sầu, sâu róm đủ cả... Thế mà sao các ngài vẫn chưa chịu duyệt.

Biên tập: Truyện của người ta còn có yếu tố sex để... giáo dục... giới tính.

Nhà văn: Vậy là ngài chưa xem kỹ truyện của tôi rồi, Tôi cũng có xếch xiếc đầy đủ cả đó chứ, giáo dục thì thuộc hàng thượng thừa rồi, cuốn Ổ Khóa của Trần Thị Nở ba xu thì cuốn Chiếc Chìa Khóa của tôi cũng được hai xu rưỡi vậy.

Biên tập: Nhưng sex người ta có kèm hình ảnh hấp dẫn mê ly của chính tác giả, có vậy mới hấp dẫn người đọc, mới dễ phát hành, mới dễ bán, để dễ dàng đưa văn hóa tiên tiến thâm nhập cộng đồng.

Nhà văn: Tôi cũng đã biết chuyện đó nên chỉ cần các ngài duyệt là tôi đính kèm bộ ảnh này vào liền, đảm bảo hấp dẫn không kém Trần Thị Nở! Đây, ngài xem đi, tôi có mang theo đủ một bộ 36 ảnh.

Biên tập: Hình của bố đấy à? Đừng nhé!

Nhà văn: Làm gì có chuyện đó! hình xếch xiếc đàng hoàng đây nè! Ngài xem đi! Sanh mười hai lượt rồi nhưng vẫn còn tốt chán, có thua Trần Thị Nở tí nào đâu.

Biên tập: Ờ... ờ coi cũng được đấy chớ...! Số phôn của... người mẫu này là bao nhiêu vậy nhỉ?

Nhà văn: Đi thẳng vào vấn đề đi ngài biên tập. Phôn phiếc gì...?

Biên tập: Nhưng người trong hình này không phải tác giả, cần phải có giấy ủy quyền và bản quyền.

Nhà văn: Bản quyền còn ai khác ngoài tôi? Hình này là của mụ vợ nhà tôi mà! Mụ ấy trung trinh một đời với tôi, mười hai đứa con ai mà chẳng biết? Bộ ngài tưởng dễ có người như thế lắm chắc? Mụ ấy không hy sinh cho tôi thì hy sinh cho ai? Khoản bản quyền đó thì OK ngay, nhằm nhò gì.

Biên tập: Thôi được rồi, tôi sẽ duyệt cho anh, nhưng còn một điều kiện cuối cùng nữa?

Nhà văn: Điều gì, ngài nói đi? Cỡ nào tôi cũng chơi hết á!

Biên tập: Bố thấy người ta ra mắt sách đình đám ở khách sạn năm sao kia chưa? Phải như vậy mới quảng cáo cho cuốn sách và Nhà xuất bản chúng tôi, có vậy mới xứng đáng là sách của Nhà xuất bản chúng tôi đứng ra cấp tác quyền.

Nhà văn: Nghĩa là... nghĩa là phải đầy đủ như tặng hoa, ôm hôn và ăn mặc theo kiểu nhà văn Trần Thị Nở hôm đó?

Biên tập: Đúng vậy. Phải thế mới có ép-phê chứ.

Nhà văn: Vậy à? Thế thì thôi, con lạy bố biên tập! Con ăn mang kiểu ông Ađam như vậy thì thà ở nhà chịu đói cho cam, lên đứng đó ưỡm ờ nhông nhông ra thế có ngày không có cái quần mà mặc.

Biên tập: Thấy chưa? Tôi biết là bố chưa đáp ứng được mà! Làm sao cấp phép được! Thôi được rồi... Hay là bố đưa cái người trong hình này thay thế tạm đi.

Nhà văn: Thay cái con khỉ? Ông nội không biết mấy cái hình này mần bằng Phô-tô-shốp à...! Đẻ mười hai đứa mà được như vậy thì tôi không thèm viết văn làm chi nữa. Ở đó mà ham, mà xin số phôn! Còn lâu!

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Ngày tháng nào...


saigon2 Mới đó mà nay đã hơn hai tháng xa quê, hai tháng xa hàng cây xanh ngát bên đường trước hiên nhà, xa chùm mận mới trĩu trái hồng và ngọt trước sân, xa khu vườn phía sau rợp bóng mát chân quê, sầu riêng đang mùa ra trái. Mùa này, có lẽ chỉ một mình em ra nhặt mỗi sáng, nhanh chân thì còn, không thì kẻ trộm thanh toán trước, ăn lấy sầu riêng giùm mình, lúc đó ta không còn sầu riêng nữa mà chỉ còn vui chung.

Mới đó mà hơn hai tháng không đi lễ nhà thờ mỗi sáng sớm cùng em, có lẽ thân cò cũng quen giờ thức dậy sớm lặng lẽ đi một mình. Hai tháng chưa đủ ngủ quên giấc sáng, vẫn giật mình lôm côm ngồi dậy mở máy, lúc thì soạn nhạc, lúc thì viết blog bên tách cà phê thơm lừng, thành phố giấc sáng vẫn yên bình không kém gì thôn quê, có lẽ dân tình quen kiểu dậy trễ, đi làm trễ, riêng mình thì cái phút giây sáng sớm ấy thật quý và thật thích, viết lách lung tung xong, nhắn tin cho em vài dòng, một ngày mới đầy tràn niềm vui mới, chiều đi làm về đi lễ nhà thờ bù cho buổi sáng ở quê.

Hai tháng qua rất mau vì công việc cuốn hút, vẫn chạy đều, vẫn xoay chung với cái vòng đời. Từ trên lầu nhìn xuống, hôm nào cũng thấy ông cụ ngồi xe lăn bán vé số, sáng ra ngồi xếp vé, buổi trưa có lẽ ông cụ buồn ngủ quá nên ôm cái túi tiền gục mặt vào bàn vé số ngủ say sưa, có lẽ ai nấy cũng thương ông cụ nên không bị lấy cắp vé. Hai tháng nhìn xuống sân lúc nào cũng thấy chiếc môtô của mình phơi nắng, tại chiếc xe của mình dài quá đưa vào mái thì choán hết lối đi, đành phải để vậy, thử sức với nắng Sài Gòn xem chịu nổi không cho biết.

Hai tháng với hai cô học trò hiền lành chịu khó và ba em khác đang chờ kịch bản, chỉ mong các cháu thành tài thay cho chú, lúc đó chú sẽ không thèm vẽ truyện nữa đâu, xách môtô chở madame đi dọc đường đất nước với cái giá vẽ và cái laptop, hy vọng nơi đó có wifi, cháu có ước mơ, chú cũng có mơ ước, đơn giản thế thôi mà. Hai tháng với nhí nhố họp hành và với những ly cà phê sữa đá ngán ngẩm, với chị biên tập, với anh nhà văn, nhà báo và cả nhà láo, nổ còn hơn đại bác, nhưng muốn nổ cỡ nào cũng được, miễn sao có kịp kịch bản để công việc vẽ trôi chảy là OK thôi.

Hai tháng với cái màn hình lúc nào cũng ở trước mặt, dâm thư hở ngực lưng trần bầu bì tạp nhạp ngày nào cũng đầy dẫy trên cái mặt bằng đáng sợ của văn hóa hôm nay, chuyện tào lao và giả dối nhiều đến chóng mặt, chuyện cần biết thì nói bâng quơ hoặc nín tịt, lại phải mon men ra ngoài để biết thêm đôi điều, giá như cái vốn ngoại ngữ của mình khá một tí thì đỡ quá, nhờ anh Gúgờ dịch thì ảnh cứ thế mà làm, mình cứ thế mà đọc kiểu nào cũng được, nhưng nhờ đó mà cũng biết được lem nhem đôi điều.

Hai tháng với những hoài niệm xót xa đến chạnh lòng trong những ngày nghỉ lễ, chạnh lòng là vì ngày ấy ba mươi lăm năm trước đây, chính mình chứng kiến, có giết được tên đế quốc hay thực dân nào đâu, chỉ thấy người Việt chúng ta giết nhau để giành lấy... vinh quang, một triệu người hể hả trên nước mắt của một triệu người khác ngậm ngùi. Giá như nên quên đi, mở rộng bàn tay hòa hợp hòa giải với nhau để chung tay xây dựng đất nước thì hơn.

Hai tháng với các anh bảo vệ ngày nào cũng dang nắng giữ xe, giữ của, với chị công nhân vệ sinh ham đánh số đề, trúng được một lần nên ngày nào cũng hỏi chú Năm hôm qua mơ thấy gì. Hai tháng với đồng nghiệp vừa nhí nhảnh vừa tào lao, người đang mống chuồn người lại có vợ lẻ, chỉ ăn nói loạn xà bần cho vui thôi chứ rất tình cảm và rất chân thật, họ gọi mình là vị... cha già của phòng chứ không phải của dân tộc đâu. Hai tháng với những ổ gà trên con đường quen thuộc đi làm mỗi sáng, quán bún này, gánh cháo nọ, nhà hàng kia cũng bắt đầu quen dần, nhưng vẫn nhớ bát canh nóng của vợ hơn tất cả, rồi hai tuần lại về, lại nhâm nhi bát canh mình thích bên người yêu thương.

Và hai tháng với công việc bộn bề nên những entry trên blóc ít hơn, còmmen ít hơn, vì chẳng qua ngoài công việc ở văn phòng, chiều tối về nhà còn phải làm thêm một số việc cho khách hàng khác để khỏi bị thúc hối, khỏi bị chửi và cũng có thể kiếm thêm tí tiền còm trả tiền điện, anh con trai mới tặng cho cái máy lạnh thì mình phải lo mà trả tiền điện chứ. Nói thế chứ làm sao mà quên blóc được, vì mỗi ngày đi làm, nhìn anh bảo vệ đứng giữ cửa, nhìn cô em tiếp thị lúc nào cũng đứng bên cửa hàng dược phẩm (chắc là mỏi chân lắm), nhìn chị gánh bán hủ tiếu xào hay hủ tiếu chay gì đó ngày nào cũng nhìn khách qua đường với ánh mắt mời mọc thấy mà tội, nhìn cặp vợ chồng bán mì gõ với hai đứa con vào đại học, nhìn cả gia đình chị bán bánh mì bên kia đường một mẹ và bốn đứa con trai cùng bán, nhìn hoàn cảnh cô học trò có cha sang Mỹ lấy vợ khác bỏ bốn mẹ con ở lại, đứa nào cũng vào đại học, nhìn anh chàng đang bán đồ la dọc đường... và biết bao cái nhìn khác có thể viết hàng trăm entries được, nhưng làm sao có được thời gian, trong lúc nó cứ qua đi trên vai ta lạnh lùng và êm đềm, khi nhìn lại thì đúng như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: đời đã xanh rêu...

Trẻ vẫn cho là tuổi xanh, già cũng thấy màu xanh của rêu, trong tim vẫn là màu xanh của hy vọng, của ước mơ, để sau này không phải thấy những xót xa ray rứt của cuộc đời trên blóc, mà thấy trên đó những điều vui, những nụ cười, cho quên ngày tháng nào đó đang qua đi...