Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Đại dịch cúm H1N1 là giả mạo

dichcum Vào thời kỳ cao điểm, WHO tuyên bố cúm H1N1 trở thành đại dịch. Tuyên bố này đã thực sự khiến thế giới hoang mang. Hội đồng châu Âu đã mở cuộc điều tra về tuyên bố mới đây của một chuyên gia y tế đầu ngành, rằng "đại dịch cúm H1N1" là hoạt cảnh được các công ty dược dựng nên, và kiếm hàng tỷ đôla trên sự sợ hãi của thế giới.

Wolfgang Wodarg, Chủ tịch ủy ban y tế của Hội đồng châu Âu (EU), đã cáo buộc các nhà sản xuất thuốc cúm và văcxin tác động đến WHO để tuyên bố đây là đại dịch cúm. Nhờ đó các hãng dược thu được những "khoản lợi nhuận khổng lồ" trong khi các quốc gia đã phải "lãng phí" nguồn ngân sách y tế của họ để hàng triệu người được tiêm phòng nhằm chống lại một căn bệnh tương đối nhẹ. Hội đồng châu Âu đã thông qua đề nghị của tiến sĩ Wodarg nhằm mở một cuộc điều tra về vai trò của các công ty dược ở đây. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận khẩn cấp vào cuối tháng này.

Lời tuyên bố của tiến sĩ Wodarg được đưa ra vào thời điểm Chính phủ Anh đang gồng mình chống đỡ gánh nặng lên tới một tỷ đôla tiền mua văcxin phòng cúm, được đặt mua trước tâm lý hoảng sợ của người dân. Bộ y tế nước này đã đưa ra khuyến cáo sẽ có 65.000 người chết, thiết lập đường dây và trang web tư vấn, bỏ qua những quy tắc thông thường để thuốc kháng virus có thể được phát cho người dân mà không cần kê đơn. Nhưng thực sự thì chưa đến 5.000 người ở Anh bị cúm vào tuần trước và tổng thể chỉ có 251 người chết.

Tiến sĩ Wodarg đã đặt tên cho vụ việc H1N1 là "một trong những vụ scandal y tế lớn nhất của thế kỷ". "Chúng ta đã mắc một loại cúm nhẹ - một đại dịch không có thật".

Cũng theo ông, cội nguồn của sự sợ hãi này đã được reo rắc từ cách đây 5 năm, khi mà nhiều người lo sợ rằng một loại virus cúm nguy hiểm hơn từ chim sẽ biến đổi thành một dạng cúm ở người. "Bầu không khí sợ hãi" đã khiến các nước đổ xô dự trữ thuốc kháng virus Tamiflu và đặt trước những đơn hàng cho hàng triệu liều văcxin.

Tiến sĩ Wodarg cho biết: "Các chính phủ đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất văcxin để đảm bảo rằng những đơn hàng của họ sẽ được làm trước, đồng thời nhận về mình gần như hoàn toàn trách nhiệm. Bằng cách này, các nhà sản xuất văcxin chắc chắn thu được món lợi khổng lồ mà không gặp bất kỳ rủi ro nào về tài chính. Vì thế, họ chỉ cần đợi, cho đến khi WHO tuyên bố 'đại dịch' và khởi động những hợp đồng của mình".

Cũng theo ông thì các hãng dược lớn đã "cài" người của họ vào trong WHO và những tổ chức có ảnh hưởng khác. Ảnh hưởng của những người này đã khiến WHO nới lỏng hơn các định nghĩa về đại dịch, dẫn đến lời tuyên bố đại dịch bùng nổ trên thế giới vào tháng 6 vừa qua. Tiến sĩ cũng cho biết: "Để thúc đẩy sáng chế của họ về văcxin và thuốc kháng virus , các công ty dược đã gây ảnh hưởng đến các nhà khoa học và các cơ quan chính phủ, vốn chịu trách nhiệm công bố các tiêu chuẩn y tế và cảnh báo các chính phủ trên thế giới". "Họ đã khiến các chính phủ hao tổn nguồn nhân lực ít ỏi của y tế cho những chiến lược tiêm chủng không hiệu quả và đẩy hàng triệu người phải khỏe mạnh phải đối mặt một cách không cần thiết với những nguy cơ gặp phản ứng phụ không rõ ràng của các văcxin thử nghiệm".

Tuy ông không chỉ rõ hãng dược phẩm nào có liên quan đến vấn đề này, song Daily Mail cho biết hãng dược GlaxoSmithKline (chuyên sản xuất thuốc chống virus và văcxin) được dự báo là một trong những người hưởng lợi nhất từ đại dịch này.

(Copy từ các báo trong nước và nước ngoài)

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Đâu rồi những nét hương yêu?

thutinh Xã hội phát triển theo từng ngày từng giờ, nên lắm khi nhịp sống con người cũng hóa thành máy móc lúc nào chả hay, không chừng tình yêu nó cũng được lập trình chứ e rằng khó được thi vị như trước kia. Thật vậy, khoa học và công nghệ đưa con người ta tới sự thoải mái và hoàn thiện, nhưng cũng khiến con người ta lắm khi khô cứng và rập khuôn như máy móc, cảm thấy hơi bị uổng là vậy.

Chẳng qua là hôm nay ngày đầu năm, mình cũng gác mọi chuyện lại nghỉ ngơi như mọi người một bữa, sắp xếp lại cái tủ sách của vợ, thì bỗng thấy cái hộp giấy cũ, mở ra thấy vợ cất kỹ những bức thư tình ngày xưa mình viết... chẳng qua là bà ấy muốn giữ cho kỹ để lâu lâu lỡ mình làm cái gì không vừa ý, sai với lời hứa khi xưa thì bà ấy lại trương ra: Nè, anh ơi, ngày xưa anh hứa làm sao có nhớ không? Có cần em đọc lại không nhỉ? Hihi... Quả thật nhất vợ nhì trời, trời sinh ra vợ có lắm chiêu để lên gân với phu quân quá, nhưng bằng chứng là những bức thư rành rành kia, chẳng lẽ mình bội ước sao? Nhân việc này mà mình lại nghĩ đến một nét hương yêu lâu nay chúng ta thường chạy theo nhịp sống hiện đại mà để quên đi việc này: Đó là viết thư tình.

Tôi gọi thư tình là hương yêu cũng không thậm xưng lắm đâu, vì ngoài những bức thư ta viết bằng lời xạo ke được sắp đặt sẵn để "câu" ai đó với ý đồ xấu thì cũng là thư, nhưng không có hương yêu trong đó, cho nên những bức thư có tính toán này theo tôi chẳng nên gọi là thư tình được, thư tình đúng nghĩa không chỉ là hương yêu thôi mà còn là tấm lòng, lắm khi bâng quơ vô vị và vô cũng lãng nhách, nhưng nó thật, và vì thật nên nó đáng yêu là vậy. Lắm bức thư tình ngày nay đọc lại thấy cười muốn nôn cả ruột, nhất là khi con cái nó lôi ra xem, nó làm như giám khảo chấm bài thi Văn mà chiết tự từng chữ để mà chứng tỏ ba nó sao mà sến đáo để, có lúc nó bảo rằng ba khôn thiệt, yêu thì nói đại yêu cho rồi, còn bày ra câu nghi vấn để khẳng định: "Em có biết rằng anh yêu em như thế nào không?" Trời ạ! Sến đến thế là cùng. Tôi liền độp lại ngay: Ba hỏi con cái từ "I love you" mình chỉ thấy trong văn chương sách vở hay trên cánh thiệp, chứ ai đời bên ngoài ngồi nói chuyện với nhau mà nói "Anh yêu em" thì coi sao được? Nói vậy thấy nó lãng và vô duyên chi lạ, cho nên ba phải viết thế cho nó nghe trơn tru và chủ yếu là nhét được cái chữ "I love you" ấy vào trong câu mà không thấy sượng. Haha...

Ngày nay bọn trẻ nó quen nhau thể hiện bằng tin nhắn, bằng email, bằng chát chít, cho nên lắm khi chúng quên đi những ngôn từ bay bổng và thi vị trong tình yêu thể hiện trên những lá thư tình, mà những thứ chat chit đó có cất trong hộp được đâu? Có trương ra để nhắc nhở chồng được đâu? Cho nên thật tình tôi thấy tiếc, đó là chưa kể đến ngày nay lạm dụng máy tính nhiều quá khiến nét chữ chúng ta xấu đi lúc nào chẳng biết, cần gì thì cứ việc gõ lóc cóc trên bàn phím thôi, kể cả văn bản công việc, lóc liếc và chát chít, tất cả đều là máy tính, những lúc cần phải viết trên giấy thì lúc nào cũng viết láu, viết tháo viết tắt cho nhanh, chứ làm sao giữ được nét chữ chân thực của mình như trong những bức thư tình lúc ta còn trai trẻ, chính tôi cũng bị hiện đại hóa thành ra nét chữ mình xấu và chậm đi, chứ ngày xưa học phổ thông và đại học, chữ của Papi tui chuẩn và đẹp lắm đó nghen (bay bướm nữa, hehe...) và cũng nhờ cái chuẩn đó mà sau này tôi dễ dàng cho việc thiết kế phông chữ thư pháp và mỹ thuật trong công việc của mình là vậy. Kiểu này chắc phải tiếp tục viết thư tình để luyện nét chữ cho đẹp mà thiết kế phông chữ cho khách hàng quá! :D

Thế cho nên xem ra thì việc viết thư tình quả là có rất nhiều điều lợi đấy chứ! Cho chữ nghĩa của ta bay bổng với ái tình nè, cho nét chữ ta thêm điêu luyện nè, cho nụ cười trên môi người yêu ta luôn tươi mở khi đọc những dòng chữ thân yêu nè, có khi những dòng chữ ấy lại được ấp vào ngực thổn thức nữa đó chứ. Ấy là chưa kể vài chục năm sau, con cháu ta có cái để mà trêu, những sự trêu chọc rất đáng yêu, để những hương yêu ngày xưa thời trai trẻ chúng ta đã gởi gắm vào những tờ giấy mỏng manh kia nay vẫn còn tươi mới, như tình yêu có trong mỗi người chúng ta vậy. Nhưng hãy nhớ là những gì ta viết thì còn đó nhé, không thể như nước chảy qua cầu đâu, thế thì sự thành thật trong tình yêu đã được nâng lên một bậc rồi, mà ở thời buổi này thì sự thành thật đâu phải dễ kiếm, cho nên cái hương yêu ấy nó có vô vàn giá trị là vậy, việc gì ta lại không dùng nhỉ?

Bây giờ không gõ phím nữa, tớ cầm viết rồi đây... :D