Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2009

Xuân 2009

IMG_2575

IMG_2577

IMG_2578

IMG_2580

IMG_2568

IMG_2609

IMG_2646

IMG_2652

IMG_2657

IMG_2666

IMG_2686

IMG_2688 DSC_0231 DSC_0216

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2009

Xuân êm đềm

Sức khỏe không còn được tốt như ngày nào nên xuân này êm đềm chi lạ. Chẳng biết say xỉn, chẳng biết ngang tàng ngông nghênh là gì. Chung quy cũng tại cái bệnh cao huyết áp! Nhưng được cái nhẹ nhàng êm đềm bên gia đình là được rồi...

xuan09gd2

Chúc mừng bệnh cao huyết áp! Hic hic...

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2009

Mừng xuân mới

Download 4 tranh đọ phân giải cao để print. 

Mai Lan Cúc Trúc sum vầy,
Yêu thương vẫn mãi đong đầy yêu thương...

Mừng Xuân Kỷ Sửu - 2009

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

Xuân lạnh

xuanlanh

Nắng mai về lạnh lùng trong gió sớm.
Có phải em? Mùa xuân đến trong tôi?
Trong bâng khuâng chờ chực của bao người,
Và trong cả niềm vui đến bất chợt.

Thao thức như ngọn nến đời sắp tắt,
Nắng không còn ấm áp giữa trời xuân
Những âu lo cơ cực giữa đời thường
Đã làm xuân không màng thay áo mới.

Xuân lại đến cho đời người thêm tuổi
Cho vai em gánh thêm nỗi nhọc nhằn
Tết này mất việc, mất cả mùa xuân.
Kiếm đâu ra tiền để con gởi về cho mẹ?

Nơi quê xa những ánh mắt âm thầm quạnh quẻ
Dõi trông theo lối rẽ con thường về
Ở phía đầu làng bóng mát đường đê
Mỗi độ xuân về có bóng con thấp thoáng

Tay con mang cả mùa xuân vừa đến
Cho mẹ niềm vui rũ bớt nhọc nhằn
Cho em thơ tấm áo mới ngày xuân
Thế nhưng năm nay con đành lỗi hẹn.

Nước mắt lăn dài trên bờ môi đắng
Xuân đâu phải chỉ mang đến niềm vui
Xuân mang cả đớn đau của vạn người
Xuân lấy mất bao nụ cười hy vọng

Chốn quê nghèo nồi canh rau lỏng bỏng
Múc đầy vào bát nỗi nhớ thay cơm
Đón giao thừa thiếu vắng bóng hình con
Thì mẹ ơi đừng buồn con nha mẹ.

Xuân này con không về bên lối rẽ
Thì về trong lòng mẹ - thế là đủ rồi
Có thiếu chăng chút quà cho mẹ vui
Thôi con xin hẹn xuân sau mẹ nhé!

Khi đất nước đang nhọc nhằn trăn trở
Lấy đâu ra ấm no đủ cho mọi người?
Lấy đâu ra đủ hạnh phúc để vui chơi?
Thôi đành lấy cả một trời xuân lạnh.

Xuân có lạnh, xin lòng người đừng lạnh
Sẻ chia nhau cho trọn gánh yêu thương
Vỗ về nhau qua những lúc khốn cùng
Để xuân kia ấm lại lòng chai đá.

(Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu)

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2009

Những chuyện thú vị về khả năng não người

Một công dân Libăng có thể nói, đọc, viết 59 thứ tiếng trên thế giới và chỉ mất một tuần để nắm vững một ngôn ngữ mới. Khi học một tiếng nước ngoài, mỗi ngày anh dành 30 phút để nghe, 30 phút học ngữ pháp và 15 phút ghi lại các âm thanh.

Albert-Einstein Không chỉ trường hợp đặc biệt nói trên mà ngay cả bộ não một người bình thường cũng có nhiều điều thú vị. Não của người trưởng thành có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh kết nối với nhau thông qua khoảng 5.000 khớp. Mỗi giây não có thể tạo ra và cắt đứt một triệu kết nối. Nó có thể lưu trữ thông tin trong hơn một thế kỷ (nếu bạn có thể sống từng ấy năm), tự động phân loại, thay thế và chỉnh sửa dữ liệu khi cần thiết.

Não có thể tái tạo môi trường xung quanh chúng ta nhờ các tế bào nhạy cảm có khả năng cảm thụ rung động, phóng xạ điện từ, hóa chất, áp suất. Các tế bào đó có khả năng quyết định thông tin cần ưu tiên hàng đầu chỉ trong một phần triệu giây. Não phối hợp hoạt động của ít nhất 640 cơ và theo dõi hoạt động sản sinh năng lượng, sinh sản cùng nhiều quá trình khác. Tuy nhiên một số bộ não tỏ ra đặc biệt hơn hẳn so với nhiều bộ não của số đông khác.

Chỉ số thông minh

Trí thông minh là một khái niệm khá trừu tượng và chẳng có gì ngạc nhiên khi nó luôn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều nghiên cứu khẳng định trí thông minh có liên quan tới kích thước, khối lượng, thể tích của não. Sandra Witelson, một chuyên gia thần kinh tại Đại học McMaster (Canada) tìm hiểu não của 100 người quá cố từng hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra chỉ số thông minh (IQ) lúc còn sống. Bà phát hiện một số mối liên hệ tích cực giữa chỉ số IQ và thể tích não, song chúng lại thay đổi theo giới tính, tay thuận và loại bài kiểm tra.

Ví dụ mức độ thông minh ngôn từ có mối quan hệ tỷ lệ thuận với thể tích não ở đàn ông thuận tay phải, nhưng điều đó không đúng ở đàn ông thuận tay trái. Ở phụ nữ, trí thông minh không gian (khả năng bắt chước động tác hình thể, làm toán hình học) có liên quan chặt chẽ tới thể tích não, song mối tương quan đó không mạnh như trí thông minh ngôn ngữ.

Tất nhiên kích thước não không phải là điều quan trọng nhất. Não phụ nữ nhỏ hơn nhiều so với đàn ông ngay cả khi tính tới tương quan giữa não với kích thước cơ thể, nhưng chỉ số thông minh giữa nam và nữ không có khác biệt lớn. Trên thực tế, sách kỷ lục Guinness thế giới từng ghi nhận một phụ nữ tên Marilyn vos Savant là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới trong giai đoạn 1986-1989. Kể từ đó, danh sách những người có IQ cao không được cập nhật nữa. Ngoài ra, chỉ số IQ mà Marilyn vos Savant đạt được cũng không ổn định. Nó dao động từ 186 tới 228, tùy thuộc vào loại bài kiểm tra, điều kiện môi trường xung quanh và ngày tiến hành làm bài.

Nếu kích thước không thể giải thích được trí thông minh thì hoạt động của não có thể mang đến manh mối không? Năm 2000, một nhóm chuyên gia thần kinh của Đại học Cambridge tìm ra một thứ gọi là “điểm G” của não. Đó là khu vực có mối liên hệ với trí thông minh tổng hợp – đối tượng mà các bài kiểm tra IQ hướng tới.

Sau khi sử dụng kỹ thuật chụp positron cắt lớp, nhóm nghiên cứu nhận thấy các câu đố và bài toán mà người ta dùng để đo trí thông minh tổng hợp (hoặc điểm G) dường như chỉ tác động tới vùng vỏ não bên trán chứ không kích hoạt toàn bộ não. Phát hiện này cho thấy có nhiều thứ khác quan trọng hơn kích thước não.

Trí thông minh cũng có thể liên quan tới trí nhớ hoạt động. Đôi khi chúng ta có thể tập luyện để tăng cường khả năng ghi nhớ và điều đó tốt cho trí thông minh, đặc biệt là khả năng giải quyết vấn đề mới. Tuy nhiên, biện pháp ấy chỉ có thể là đường tắt để chúng ta đạt được điểm cao hơn khi làm các bài kiểm tra IQ, chứ không thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về cấu trúc não.

Năm ngoái, Philip Shaw, một chuyên gia làm việc tại Viện Sức khỏe thần kinh quốc gia Mỹ tìm ra một khác biệt liên quan tới IQ trong quá trình phát triển của trẻ. Ông và cộng sự tiến hành thử nghiệm với hơn 300 trẻ em có độ tuổi từ 7 tới 18. Nhóm nghiên cứu chia lũ trẻ thành 3 nhóm theo chỉ số IQ: trung bình (dưới 108), cao (109-120) và xuất sắc (trên 120).

Khi lũ trẻ đến tuổi 18, các nhà khoa học không nhận thấy bất kỳ khác biệt nào về độ dày vỏ não. Tuy nhiên, trẻ trong nhóm IQ trung bình đạt tới độ dày cực đại ở tuổi thứ 8, sau đó độ dày giảm dần khi chúng lớn lên. So với nhóm trung bình, vỏ não của trẻ xuất sắc mỏng hơn ở tuổi thứ 7 nhưng độ dày tiếp tục tăng lên cho tới 11 hoặc 12 tuổi rồi sau đó giảm đi. Vỏ não của trẻ thuộc nhóm IQ cao cũng giống như vỏ não của nhóm xuất sắc, nhưng chúng đạt độ dày cực đại trong khoảng thời gian từ 8 tới 11 tuổi.

Khả năng học ngoại ngữ

Ziad Fazah, một người Libăng nhắc đến ở trên, có khả năng nói, đọc và viết 59 ngôn ngữ gồm 10 ngôn ngữ anh sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Anh chỉ cần một tuần để nắm vững một ngôn ngữ mới. Cha của Ziad chào đời tại Colombia và bản thân Ziad cũng được sinh ra tại Liberia, phía tây châu Phi. Anh tới Libăng khi còn là một đứa trẻ và lớn lên gần một hải cảng, nơi anh có cơ hội gặp gỡ thủy thủ tới từ nhiều nước.

Ziad bắt đầu học tiếng Pháp và Anh tại trường. Năm lên 11 tuổi, anh ấp ủ ước mơ nói được tất cả ngôn ngữ trên hành tinh. Trong 3 năm sau đó, tuy không hề rời Libăng, anh học hơn 50 ngôn ngữ. Đôi khi Ziad học vài ngôn ngữ cùng lúc, song với mỗi thứ tiếng anh chỉ mất 3 tháng để sử dụng thành thạo. Chàng thanh niên này từng mơ ước làm việc cho Liên Hợp Quốc và được nhiều cơ quan tình báo mời làm việc, nhưng giờ đây anh quyết định theo đuổi một cuộc sống bình lặng với nghề giáo viên ngôn ngữ tại Brazil.

Bên trong não những thiên tài ngôn ngữ ẩn chứa những bí mật gì? Ziad tỏ ra chẳng có gì đặc biệt mặc dù anh nói rằng trí nhớ của anh “giống như một máy ảnh” và anh cũng dành khá nhiều thời gian cho việc học. Ziad cho rằng mọi người có thể nói được ít nhất một tiếng nước ngoài nếu bỏ ra 30 phút mỗi ngày để nghe âm thanh của một người nói thứ tiếng ấy, 30 phút nữa để học ngữ pháp và 15 phút để ghi lại các âm thanh.

Ziad chưa bao giờ tham gia vào nghiên cứu nào liên quan tới tài năng của anh. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu nhiều thiên tài ngôn ngữ khác, các nhà khoa học khẳng định việc tìm ra các yếu tố khiến người ta có khả năng học ngôn ngữ cực nhanh không hề đơn giản. Luận điểm duy nhất được nhiều nhà khoa học tán thành là: Càng tiếp xúc với ngôn ngữ sớm, người ta càng dễ tiếp thu nó.

Nếu chúng ta không thể tạo ra được ký ức về những âm thanh đặc biệt ngay trong năm đầu tiên của cuộc đời, khả năng nhận ra chúng sẽ biến mất và việc học trở nên khó khăn hơn. Việc tiếp xúc với ngữ pháp của các ngôn ngữ nước ngoài trước tuổi thứ 7 sẽ giúp bạn tiếp thu chúng tốt hơn trong giai đoạn sau của cuộc đời. Tuy nhiên, mức độ ghi nhớ từ vựng hoàn toàn phụ thuộc vào trí nhớ của chúng ta.

Não nhà vật lý lỗi lạc Albert Einstein nhỏ như người thường, trong khi não cụ bà 115 tuổi có số lượng tế bào tương đương người ở độ tuổi 60 là hai phát hiện thú vị về não của những người đặc biệt.

Albert Einstein, một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong lịch sử loài người, từ trần vào ngày 18/4/1955 tại bệnh viện Princeton (bang New Jersey, Mỹ). Đúng 7 giờ sau khi nhà vật lý thiên tài qua đời, chuyên gia bệnh học Thomas Harvey cắt não của ông để bảo quản, với hy vọng rằng sự phát triển của khoa học thần kinh trong tương lai có thể giải thích được tại sao Einstein lại thông minh đến thế. Thomas nhận thấy não của Einstein không có điểm đặc biệt. Nó co lại theo tuổi tác và thậm chí còn nhỏ hơn một chút so với phần lớn não đa số người thường.

Trong những năm đầu thập niên 80, nhà thần kinh học Marian Diamond thuộc Đại học California (Mỹ) phân tích một số lát cắt lấy từ các thùy trên đỉnh sọ và vùng vỏ não trước trán của Einstein mà Thomas để lại. Sau khi so sánh các lát cắt với mô của 11 não bình thường, bà nhận thấy tỷ lệ tế bào đệm trên tế bào thần kinh của Einstein lớn hơn. Trong não và tủy sống, tế bào đệm bao bọc tế bào thần kinh và giúp tế bào thần kinh nằm yên tại vị trí. Chúng không chỉ cung cấp năng lượng và dưỡng chất cho tế bào thần kinh, mà còn liên quan tới quá trình xử lý và truyền tín hiệu thần kinh. Tuy không thể xác định chính xác số lượng tế bào đệm, song Marian khẳng định số lượng của chúng trong vùng đỉnh trái trong não Einstein nhiều gấp ít nhất hai lần người thường.

Trước đó, Marian từng biết một nhà toán học mất khả năng viết và vẽ hình khối sau khi vùng đỉnh trái của anh bị chấn thương. Một số nhà toán học khẳng định họ nhìn thấy các khái niệm trừu tượng một cách rõ ràng tới mức cứ như thể chúng tồn tại trong não và có thể sờ mó như vật thể hữu hình. Marian cho rằng vùng đỉnh trái – nơi có vai trò quan trọng đối với khả năng cảm nhận thị giác – liên quan tới vấn đề này. Nhưng cũng có một vài giả thiết khác. Einstein từng mắc bệnh chậm đọc và khả năng nhớ từ của ông thuộc diện kém. Bệnh chậm đọc thường xuất hiện sau khi vùng đỉnh trái bị tổn thương. Vì thế, số lượng tế bào đệm lớn hơn mức trung bình của Eisteins có thể là nguyên nhân khiến ông gặp khó khăn trong kỹ năng đọc.

Britt Anderson, một chuyên gia tại Đại học Alabama (Mỹ) tiến hành nghiên cứu các mô trên vỏ não thuộc vùng trán phải – nơi có liên quan tới trí nhớ hoạt động, khả năng tư duy và tổ chức. Ông nhận thấy số lượng và kích thước tế bào thần kinh tại vùng này chẳng có gì bất thường, nhưng toàn bộ lớp vỏ lại mỏng hơn so với mức trung bình (2,1 mm so với 2,6 mm). Điều này nghĩa là tế bào thần kinh ở vỏ não của Einstein bị nén với mật độ dày hơn mức bình thường. Britt cho rằng mật độ càng dày thì tốc độ liên lạc giữa các tế bào thần kinh càng tăng.

Năm 1998, Britt lại tiếp tục nghiên cứu não Einstein một lần nữa. Lần này ông xem xét các bức ảnh. Mọi thứ không có gì đặc biệt trừ các thùy trên đỉnh não. Tại đây não Einstein rộng hơn mức trung bình khoảng 15% khiến nó giống hình bán cầu hơn. Phần lớn não người thường có cấu trúc bất đối xứng, nhưng các thùy trên đỉnh của Einstein lại đối xứng với nhau. Điều này củng cố giả thiết cho rằng Einstein có khả năng cảm nhận không gian và suy luận hơn người nhờ một số cấu trúc không bình thường của não.

Một trường hợp đặc biệt khác là Hendrikje van Andel-Schipper, phụ nữ người Hà Lan sống thọ nhất thế giới qua đời ở tuổi 115, tháng 8 năm ngoái. Não của bà trở thành đối tượng nghiên cứu của một số nhà khoa học tại Đại học Y khoa Groningen. Họ nhận thấy não Hendrikje hầu như không bị tổn thương mạch máu, không có hiện tượng tích tụ protein (nguyên nhân gây nên các bệnh về trí nhớ như Alzheimer). Số lượng tế bào trong đó tương đương với số tế bào trong não của người trong độ tuổi 60-80. Theo Wilfred den Dunnen, trưởng nhóm nghiên cứu, điều đó cho thấy tuổi thọ của não có thể vượt xa tuổi thọ sinh học của con người.

Quá trình lão hóa mang tới nhiều thay đổi cho não. Các mạch máu lên não co lại, trong khi chất lượng myelin (chất béo có nhiệm vụ tách các sợi thần kinh ra khỏi nhau) giảm đi. Thể tích não giảm xuống đôi chút và các đường rãnh trên bề mặt não phình ra. Tuổi già cũng khiến tốc độ di chuyển của tín hiệu thần kinh và khả năng phối hợp giữa các vùng não giảm.

Các nhà tâm lý khẳng định rằng, trí nhớ có thể bắt đầu suy giảm từ độ tuổi đôi mươi, song kinh nghiệm và kiến thức tổng hợp lại tăng lên cho đến khi chúng ta bước vào độ tuổi ngũ tuần hoặc lục tuần. Ngoài ra, khả năng nhận thức của con người được duy trì liên tục trong suốt cuộc đời bởi khi thể tích một vùng não giảm xuống, não sẽ huy động các vùng khác làm việc thay.

Nhiều nhà khoa học cho rằng suy giảm trí nhớ là căn bệnh không thể tránh khỏi của tuổi già. Quan điểm này ngày càng lung lay khi người ta tìm thấy vài chục người có tuổi thọ trên một thế kỷ có trí nhớ chẳng kém thanh niên tuổi đôi mươi. Bí quyết để có một bộ não minh mẫn lúc về già không hề đơn giản. Một số người mắc bệnh mất trí nhớ do di truyền, trong khi nhiều người khác đột nhiên mắc bệnh. Huyết áp cao, béo phì và các bệnh liên quan tới tim mạch đều làm tăng nguy cơ đột quỵ và mất trí nhớ. Tập thể dục và rèn luyện trí não thường xuyên là hai trong số những cách hiệu quả nhất để duy trì sự minh mẫn của bộ não khi về già.

Minh Long (theo Newscientist)

Nghĩ về cái gọi là DÂN CHỦ

(Bài viết sưu tầm từ blog của HoLanHuong)

eagle Tôi nhớ hình như cụ Hồ Chí Minh đã có lời khuyên với những người do tham gia cách mạng mà được lên làm cán bộ rằng:

- “Làm cán bộ, không phải là làm quan!” và câu thứ hai là:

- “Cán bộ là đầy tớ của dân!”

Câu thứ nhất nhằm thiết lập vững chắc một nền dân chủ, vì đã coi mình là quan thì ắt coi ngôi vị của mình là ở trên dân chúng, quan nói thì dân phải nghe, trên “ban” hay “dạy” xuống, dưới “thưa” hay “bẩm” lên là cái quan hệ không dân chủ dưới thời phong kiến thực dân. Cách mạng thì trước tiên phải “cách” cái quan hệ đó. Thời gian đầu người ta cải cách bằng quan hệ xưng hô, cán bộ các cấp đều chỉ gọi là “anh” hoặc “chị”, nghe ra có vẻ bình đẳng. Nghe ra thôi, chứ đã là đảng viên thì ắt coi tất cả những người ngoài đảng là “quần chúng” và phải chịu sự lãnh đạo của họ. Cái lớp người tự cho mình là tiền phong đó chưa bao giờ có sự bàn bạc, và lắng nghe một cách bình đẳng với lớp “chưa tiền phong”. Các anh các chị từ trong thâm tâm, trong ý nghĩ đã dần dần thành “anh lớn”, “chị lớn” từ lúc nào không biết? Đến bây giờ thì cái lời khuyên thứ nhất đã hoàn toàn trả lại cho cụ Hồ Chí Minh, với thế giới “người hiền”.

Cái vế thứ hai “cán bộ là đầy tớ của dân” là một câu vận động vô cùng khó thực hiện. Nó có vẻ trái khoáy, thực tế nó mang ý nghĩa mỉa mai nhiều hơn. Nó cách mạng quá nên dễ mấy ai hiểu được và làm được. Cho đến bây giờ, cán bộ là gì của dân, gia đình cán bộ là thế nào với dân? Tuy người dân chưa nói thẳng ra, nhưng trong thâm tâm họ không mấy ý nghĩ thiện cảm về mối liên hệ này. Cái khoảng cách cao thấp giữa cán bộ với dân cứ càng ngày càng lớn về hình thức về bản chất, vì thế lời răn này cũng đã từ lâu nó rút vào bí mật và mất tăm tích.

Không khí dân chủ thời cách mạng mới thành công, ngay cả trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đến giờ cũng không còn nữa. Chính quyền càng được củng cố, thì những gì là trở ngại cho việc củng cố đó đều không được phát sinh, không được tồn tại, vì thế dân chủ càng ngày càng bị thu hẹp lại. Sự thu hẹp này đã nảy sinh mâu thuẫn và mâu thuẫn ngày càng dầy lên, đến mức người dân phải đấu tranh đòi lại dân chủ. Người dân không cần đòi hỏi mình được làm chủ như khẩu hiệu “Dân làm chủ”. Họ chỉ cần được đứng trên một mặt bằng với nhà cầm quyền mà bàn bạc mà tranh luận. Ngại hay sợ cái hình thức giao tiếp này thì làm sao có được dân chủ thực sự? Nhất là ở thời buổi mà về trình độ văn hóa, về tri thức xã hội, về ý thức chính trị, giữa người dân và cán bộ không còn khoảng cách, thì mọi sự cưỡng bức, áp đặt về tư tưởng, về cách giải quyết những quan hệ xã hội v.v… không thể chỉ nói một chiều và chỉ nghe một chiều. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì sẽ mất dân chủ.

Quá hơn nữa, nếu nhà nước cứ làm theo cách bổ xung vào luật, thậm chí vào hiến pháp những điều chống lại sự bất lợi cho mình. Nếu cứ xử lý những vấn đề đó bằng những phiên tòa không xử theo pháp luật mà theo sự chỉ đạo phiến diện nhằm củng cố “chuyên chính” và tuyên ra những bản án “hàm hồ” áp đặt, thì thật khó thuyết phục rằng nhà nước dân chủ.

Trên thế giới, nghe đâu ở một nước nào đó khi công an truy tố một tội phạm thì tòa sẽ đặt hai vế nguyên bị ở vị thế ngang nhau. Tội phạm sai thì vào tù, mà công an sai thì cũng có mức án tương tự. Không có thế thượng phong ở nơi treo cán cân công lý. Nhìn lại nhiều phiên tòa ở ta nó cứ thế nào ấy? Nó vừa hình thức vừa hài hước, thậm chí còn “xảo trá”. Dân chủ bị đánh cắp ở ngay nơi người ta cần gìn giữ nó.

Dân chủ ở Việt Nam cần được lành mạnh hóa, những gì dân chủ đã bị mất cần được khôi phục. Nói thế, nhưng cũng không thể tán thành những “nhà dân chủ” những “tổ chức dân chủ” đòi dân chủ theo kiểu “chống cộng cực đoan”, kêu gọi lật đổ chế độ “Việt gian cộng sản” để tìm kiếm dân chủ… Chính ngay trong họ cũng không hề có ý tưởng dân chủ, cái dân chủ “đẹp đẽ” như họ đã từng rêu rao, trong đầu họ cũng đầy rẫy cực đoan. Với những nhà cực đoan này, trao chính quyền vào tay họ thì có thể là hơi mạo hiểm.

Nhân đây cũng xin bàn qua về một vấn đề ồn ào mới đây, là việc “quản lý blog”. Nhà nước thông qua bộ Thông tin – Truyền Thông có những biện pháp (bằng Nghị quyết, Thông tư) ngăn chặn “blog đen”, tạo “môi trường lành mạnh cho blog”. Đây dúng là những ý tưởng tích cực, có thể là những ý tưởng hay, nhưng cũng chưa thật hợp tình hợp lý. Đã xác định Blog là “Nhật ký cá nhân” thì hà cớ gì phải quan tâm? Can thiệp vào là vi hiến. Giống như bóc thư từ của người khác ra xem mà giải thích là nhà nước có quyền vậy. Còn như lấy cớ là nó chống lại chế độ, nó bôi xấu chế độ, nên phải trừ diệt thì hơi thổi phồng quá. Nó không viết ra blog thì trong đầu nó vẫn nghĩ thế (tự do tư tưởng mà), bảo rằng nó tuyên truyền lôi kéo vận động mọi người chống chế độ?… giả dụ nó không viết thì nó vẫn có thể rỉ tai nhau lôi kéo (cái này thì cách mạng thừa kinh nghiệm vận động, xâu chuỗi, bắt rễ rồi). Vận động nhà cung cấp dịch vụ Yahoo, Google, thì nó bắt tay dịch vụ khác, thứ này trên mạng đầy rẫy như sao trên trời vậy. Cùng lắm qua Email những ý tưởng tốt xấu cũng vẫn trao đổi dễ dàng… Đừng phí công làm cái việc “bắt cóc bỏ đĩa” “nước đổ đầu vịt” thế. Thực tế cũng có những blogger tranh đấu cho dân chủ bằng cách “cóp” lại những bài viết của những nhà hải ngoại “chống cộng” chuyên nghiệp, thêm thắt vào đấy một vài ý tưởng ngây ngô của mình, xào xáo lại cho ra vẻ, rồi tương bừa lên blog, không biết mình đã nuốt vào những thứ người khác ói ra, thứ “a dua” này không nhiều và rất huênh hoang nên hay lộ võ. Còn đa số là những người nghiên cứu sâu sắc, trút tâm huyết của mình lên blog. “Đỏ” nhiều đấy, chứ có phải đâu toàn “đen”. Cũng có những cái blog ăn nói tục tĩu, ý tưởng ba trợn… Nó phản ánh nhân cách của con người đó, hãy tránh nó ra, bước qua đi như bước qua bãi phân chó trên đường, đừng dẫm bừa vào mà la.

Tóm lại với những người lợi dụng “blog” không xây mà chỉ phá, vi phạm pháp luật hiển nhiên, thì cứ đem ra tòa mà xét xử công khai minh bạch. Còn với những ý kiến trái ngược, chưa thuận chiều thì nên chăng, bộ TTTT chọn ra một số cây viết lý luận sắc sảo chủ trì một cái blog “phản biện” tranh luận với nhau công khai có thú vị hơn không? Có dân chủ hơn không ? Đừng miệt thị blogger, không phải họ đều kém cỏi so với các vị đâu? Hãy chịu khó đếm xỉa đến sự thật, đừng sơ hở để họ phải cười vào mũi các vị. Tranh luận như thế còn hơn là thành lập một bộ phận để rà soát hàng nhiều triệu cái blog, làm cái việc của con dã tràng, không chỉ tốn công sức của mình mà còn tiêu phí tiền của đóng góp của nhân dân. Cái cần chống triệt để hiện nay là chống tham nhũng, tập trung vào chống nó, dù có phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải chống bằng được, vì đấy là nguyên do của sự mất dân chủ hiện nay.

Tóm lại, muốn xóa đi bóng tối, trước tiên là đèn phải rạng.

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2009

Lên voi xuống chó

Câu thành ngữ này của người Việt ta tuy ngắn gọn nhưng thấm thía vô cùng. Con người ta vinh nhục là chuyện thường tình, song lắm khi ngẫm lại cũng thấy vừa đau lại vừa vui, vì mình đã chiến thắng được chính mình, cho dù mình có lúc lên voi rồi xuống chó... Có sao đâu?

Cũng từ ý nghĩa của câu tục ngữ này mà tôi suy luận ra hai câu nói, một của Nguyễn Công Trứ và một của người cậu quá cố của tôi. Thuở sinh tiền, Nguyễn Công Trứ lắm lúc làm quan đại thần, vinh quang đến tột bực, lắm khi thất sủng thành dân đen. Tôi rất thích câu nói bất hủ của ông: "Khi làm quan, tôi không lấy đó làm vinh, thì khi làm dân, tôi không coi đó là nhục". Còn người cậu quá cố của tôi, hồi ấy cha tôi mất sớm, mới 24 tuổi, tôi đã là Trưởng Phòng, cậu tôi khuyên tôi: "Khi làm việc, con đừng bao giờ nịnh cấp trên, vì cấp trên nay ông này mai ông khác, con hãy nịnh cấp dưới, vì họ là những người cùng ở mãi làm việc với con". Tôi thấy đúng quá, vì cái tình cảm đối với cấp trên cho dù ta muốn tô đậm cách mấy thì cũng rất lợt lạt, chẳng qua chỉ là lợi dụng nhau, nịnh bợ nhau mà thôi, chứ đối với cấp dưới của ta, hơn hai mươi năm nghỉ việc rồi mà nay gặp nhau họ đối với tôi vẫn tay bắt mặt mừng là thế, những thứ đó không kiếm được bằng tiền mà bằng cái tình, tình người.

Chuyện thế thái nhân tình thì vô cùng tận, làm sao kể hết được? Thôi thì kể chuyện của Papi mình vậy. Tình thiệt là nay muốn khoe hàng một tí. Chẳng qua là số báo Xuân Khoa Học Phổ Thông năm 2009 này, PV Tôn Gia Quyền có viết một bài về tớ, thung thướng ơi là thung thướng, y như mình đang được lên voi vậy, nhưng khi ngồi trên mình voi thì thấy sợ, sợ mai đây xuống chó chỉ có nước bị người ta đá đít thôi. Nói cho vui thế thôi chứ đây chỉ là một bài viết bình thường về tớ và các phông chữ thư pháp, chẳng đánh bóng tô son gì, chỉ là những sự thật về Ông Già Ham Vui như PV này nói thôi, thậm chí PV còn ghi sai cả cái họ của mình nữa, thành ra từ giờ mình có hai họ: Phạm Hùng Lân! Nghe cũng mắc cười quá xá, nhưng Phạm hay Nguyễn thì cũng thế, báo lỡ in rồi thì làm sao mà đính chính làm chi thêm mệt, có điều trong bài viết Papi khoái nhất một từ, đó là PV ví von mình giống như là Lão ngoan đồng Châu Bá Thông trong Thần Điêu Đại Hiệp. Haha... Vui là thế nhưng từ nay đâm lo, vì mình hết giấu diếm ai được rồi. Thôi thì cứ có sao nói vậy người ơi cho nó thâm tình.

Như vậy là mình được bị lên báo mấy lần rồi nhỉ? Tuổi Trẻ 3 lần, Đầu Tư và Pháp Luật mỗi tờ 1 lần, đặc biệt là Thanh Niên 3 lần, 1 lần được khen và 2 lần bị chê tàn mạt. Thôi thì chấp nhận vậy. Cuộc đời phải lên voi xuống chó mới thấm thía chớ. Người ta chức to đùng mà còn bị tơi tả huống chi là một thằng cắc ké như mình? Khà khà...

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2009

Những dấu chấm hỏi???

hchup122 Tình hình là hồi này xuất hiện nhiều dấu chấm hỏi quá. Ít ra thì cũng phải còn đôi chút kênh thông tin bản lãnh và dám nói để người dân biết cách tìm đến sự thật, chứ cứ một lề đường mà đi thì ai mà chẳng hoài nghi? Do đó mà xuất hiện nhiều dấu chấm hỏi ngay ngày đầu năm, đúng hơn là những ngày cuối năm.

Hết Lê Văn Nuôi, Huỳnh Sơn Phước, Bùi Thanh nghỉ rồi bây giờ Lê Hoàng, Nguyễn Công Khế, Nam Đồng... về vườn cả, thế thì sức hút của báo dễ gì mà còn. Biết rằng những người này chưa phải là tất cả, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sức hút từ ngòi bút của họ đối với bạn đọc. Mai mốt đây TT, TN, PLTPHCM cũng sẽ là cái lề đường bên phải như những tờ báo khác thôi. Tại sao lại như thế chứ? Những dấu chấm hỏi không có câu trả lời. Chán còn hơn con gián!

Rồi đây, blog sẽ rộ lên cho mà coi, những tay viết nặc danh rồi sẽ xuất hiện nhiều để bù vào những cái dấu chấm hỏi đó. Lúc ấy blogger nhà mình xin hãy cẩn thận thật giả nghen bà con.

Kênh thông tin mà chỉ biết viết theo chỉ đạo của một ai đó thì cả nước xài chung một tờ báo cho yên. Tại sao chúng ta không dám để trăm hoa đua nở nhỉ? Chúng ta sợ ai?

Chẳng lẽ sợ chính mình sao? Lại dấu chấm hỏi nữa? Bí .