Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

Rong ruổi hàng rong...

Một ngày nào đó, bước ra đường không thấy hàng rong, những tâm hồn đậm đặc chất Việt - nhất là những cư dân không thuộc hàng “ăn McDonald, ngủ giường nệm, đi Lexus” sẽ chết như mất nửa cuộc đời. Hàng rong là những khoảng lặng quý giá trong đời sống đô thị nên ta cứ thương-giận hàng rong...

Đâu rồi của những ngày xưa?

HangRong Hàng rong, trong thẳm sâu ký ức là những giọt mồ hôi một nắng hai sương của mẹ. Ngày xưa, mẹ tôi cũng sớm chiều đi bán rong dầu, mắm để lo cho các con ăn học.

Nhìn rộng ra xung quanh, những gánh hàng rong của những bà, những mẹ, những chị khác cũng dường như thấm đẫm tình. Đằng sau gánh hàng rong ấy là biết bao thân phận con người được nương nhờ, ăn học để trưởng thành và bay bổng tới những miền mơ ước. Hàng rong tần tảo mưu sinh nhưng không bao giờ nghĩ chuyện “ăn gian”, nói thách...

Rồi cuộc sống dần dần thay đổi. Hàng rong cũng thay đổi. Những xô bồ, chụp giựt của thời đại len lỏi vào làm oằn nặng những gánh hàng rong - văn hóa của ngày xưa. Vẫn còn đó những hình ảnh tảo tần sớm hôm, những vất vả, nhọc nhằn, những chịu kham chịu khổ. Nhưng dường như nét văn hóa thân thương ấy đã bị làm nhòa nhạt đi bởi những toan tính, những chụp giựt và nói ra đau lòng - đôi khi có cả cách bán buôn ma lanh. Cái nhìn với gánh hàng rong đôi khi đã thay bằng cái nhăn mày, nhíu mặt khó chịu vì những phiền toái.

Hàng rong không còn là hình ảnh những bóng cây rợp mát với gánh nước chè xanh, trái chuối, viên kẹo... đỡ lòng khi đói. Cũng không còn là một góc phố nhỏ với dáng ngồi lụi hụi thương thương, bàn tay thoăn thoắt thiện nghệ của bà tráng bánh cuốn, gói xôi khúc... Hàng rong cũng không còn là những đôi quang gánh oằn vai theo những bước đi nhịp nhàng phường phố mà khi dừng lại bán hàng bao giờ cũng nhìn trước trông sau xem có ảnh hưởng đến khách đi đường. Hàng rong giờ có mặt trên từng cây số, từng ô phố, từng con hẻm, từng đoạn đường. Hàng rong không chỉ trên vỉa hè, lề đường mà còn nghênh ngang tấn công lòng đường hàng đoạn dài như những đoàn quân. Hàng rong giống như có phép tàng hình, có mặt cơ quan chức năng thì sạch như ly như lau, còn vắng thì túa ra làm bộ mặt phố phường mười phần nhếch nhác...

Người mua hàng cũng không còn hy vọng được cân đúng, cân đủ. Một cân có khi chỉ còn... sáu lạng. Nên mới có chuyện trái khoáy, người mua kỳ kèo được cân đủ và “nài nỉ” được trả thêm tiền nhiều hơn giá hàng rong rao.

Hàng rong cũng tiến kịp thời đại khi thay đôi quang gánh bằng những chiếc xe đạp, xe đẩy, xe máy. Hàng rong không còn là những món quà quê tự tay làm lấy, những cây trái hái trong vườn nhà mà có hẳn công nghệ làm ra sản phẩm chín kinh dị, ngọt dễ nể nặng hóa chất độc hại để người ta cất hàng đi bán dạo.

Hàng rong còn “vô duyên” hết mức khi đường phố, nhất là chốn Sài thành đã phải chia năm xẻ bảy cho nào xe, nào người, nào “lô cốt”... còn phải oằn mình chịu trận với những dãy xe đạp, xe đẩy. Ngay chân cầu, trên cầu là nơi chình ình biển báo cấm buôn bán thì hàng rong vẫn vô tư đậu đỗ, bất cần biết đến những bất tiện mà mình gây ra. Và chỉ cần nghe “ới” một tiếng thì chẳng cần nhìn ngó trước sau, hàng rong sà ngay lại miễn là bán được hàng...

Hàng rong là một nét văn hóa của đất Việt ngàn năm từ làng quê đến phố thị. Nhưng cách thức “tiến hóa” của nó làm nhiều người chạnh lòng tiếc nuối mùi hương xưa quê cũ...

Hàng rong ơi!

THANH HOA

Thương chiếc áo dài sờn vai gồng gánh...

Em sinh ra và lớn lên ở Huế, người ta hay gọi Huế là chốn cung đình, người phụ nữ sống ở vùng nớ cũng tự dưng thành cao sang, thế nhưng không phải ai cũng tay trắng ngọc ngà.

Ký ức về người phụ nữ Huế trong em là những o, dì, mệ gánh hàng rong lóc cóc với đôi guốc gỗ đã mòn vẹt, với chiếc áo dài hay bà ba và chiếc nón lá loang lổ vết dầu bóng.

Mệ ngoại em ngày xưa cũng từng quày quả gánh bún bò đi bán. Hồi em bốn, năm tuổi, buổi trưa thường trốn ba mẹ không ngủ trưa, núp trong bụi chè tàu của nhà mà nhại giọng rao của o bán bánh “Ai bèo nậm lọc ram ít khôn...” (bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ram và bánh ít). Rồi tụi em đồng thanh trả lời “Khôn!” hoặc khi thì núp trong bụi kêu, “Bánh, bánh”, o bán bánh cứ quay tới quay lui chẳng biết ai kêu. Đến khi biết ra có đứa phá, o luôn chửi pha chút chua ngoa: “Cha mệ nội bây, trưa không lo ngủ mà đi phá tau!”.

Ngày xưa xa lắc nên em đã quên mất tên o, chỉ nhớ o độ chừng ngoài 50 tuổi. Ở Huế hồi xưa, phụ nữ cứ ra đường là mặc áo dài. Dù đã những năm tám mươi của thế kỷ 20, o bán bánh vẫn giữ nếp cũ đó. Khi mô o cũng mang guốc gỗ, mặc áo dài màu nâu đất, vai áo sờn bạc màu được may đằn nhiều lớp từ vai bên này qua vai bên kia. Hồi nhỏ, em hay méc với mệ ngoại: “Mệ, mệ! O nớ mặc áo rách, o nớ mặc áo vá!”. Thường mệ không la mà chỉ nói lui nói tới một chuyện như để sau ni em đừng bao giờ quên. Mệ ngoại nói rằng mặc áo dài mà đòn gánh đằn vai thì chỗ đòn gánh đặt lên vai áo mau sờn, mau rách. Chỗ vai áo đã sờn mà cả cái áo còn tốt nên người ta cắt miếng vải nối vai may chồng lên nhau để mặc cái áo được lâu, có khi để đỡ mỏi vai, sờn áo mà chiếc đòn gánh được quấn thêm lớp vải ở giữa.

Sau ni lớn lên em mới hiểu ra... Không chỉ o bán bánh mà những ai hay gánh bất kể áo dài hay bà ba trên vai áo đều chồng thêm nhiều lớp vải. Tự nhiên nhớ o bán bánh xưa, thấy xót...

Hồi xưa không có khái niệm lấn chiếm lòng, lề đường như chừ nhưng có lẽ sâu xa trong tâm ý cũng là để tránh đường sá lộn xộn nên khi mô mệ ngoại cũng bắt cháu con kêu gánh vô nhà ngồi mà ăn. Mà ở Huế nhà nào cũng có sân vườn, cứ ai muốn ăn lại kêu người bán gánh thẳng vô nhà bán. Tỉ như người mua thương người bán mà nói gánh để ngoài ngõ rồi họ xách chén dĩa ra mua thì người bán cũng tự động nói khéo “Vô nhà rồi o bán chớ ngồi ngoài đường ri xe cộ bụi bặm...”.

Có gánh quanh năm suốt tháng chỉ bán một loại đó là gánh hàng ăn. Nhưng có những gánh buôn hàng theo mùa. Mùa ít cúng kỵ, lễ lạt người ta gánh lùng binh, niêu đất, muối sống, nước mắm... Mùa cúng đất thì gánh bán muối sống, đường đen, hột nổ, đèn dầu, áo binh. Gần Tết lại chuyển sang gánh đũa bông, hoa giấy, cát bát nhang...

Có gánh lại trong nhà có chi thì gánh ra bán thứ đó: Mớ trái bồ quân, sim, bìm bịp cho đến ổi, thanh trà, chuối, bưởi; từ củ khoai môn, bó rau lang, nạm rau tập tàng, nấm tràm, nấm mối.

Mệ ngoại em khi nào cũng ngồi nhìn ra cửa ngõ, chờ những gánh hàng ngang về để hỏi thăm có bán được không, sắm được chi cho Tết chưa. Khi nhìn thấy hai mẹ con nách rổ không, quang gánh không đi về, tay tòng teng chút mứt bánh, hạt dưa, bộ đồ mới cho con... là mệ biết ngày nớ họ đã bán được hàng. Mệ cười vui như thể mệ vừa bán hết gánh bún bò, sắm cho em cái áo mới bận Tết vậy.

QUỲNH TRANG

Những gánh hàng rong xuyên thời gian, xuyên lục địa

Chỉ bằng một đoạn văn mở đầu truyện ngắn Đồng thanh tương ứng, nhà văn Sơn Nam trình bày được tất cả năm đặc điểm của nghề bán hàng rong. Đó là một dịch vụ bán lẻ đến tận nhà người tiêu dùng nên dân xóm Tà Lốc nếu “cần mua sắm vài vật dụng cần thiết, họ ngồi tại nhà mà chờ đợi một chú Huê kiều. Chú ta quảy gánh gióng, bán nào kim chỉ, lưỡi búa, đường thẻ, thuốc rê. Đặc biệt nhứt là loại kéo tàu, rèn tại chợ Rạch Giá”. Bán hàng rong kiếm lời dễ, “bán hàng với giá đập đổ” nhưng rất cơ cực: “Đi bộ suốt hai mươi cây số, qua vùng đất phèn đầy muỗi mòng, rắn, rít” và đầy rủi ro: “Lắm khi chú Huê kiều bị gãy gánh giữa đường thương mãi: hàng hóa và tài sản bị tịch thâu, thân xác chú ta còn chịu thêm trận đòn nhừ tử”. Cuối cùng, tính chất cơ động, vất vả của dịch vụ đòi hỏi tiếp xúc cá nhân trực tiếp này giữa di dân và người bản xứ luôn tạo ra chuyển biến văn hóa trong quá trình hội nhập: “Dân trong xóm lần hồi thương mến chú Huê kiều…!”.

Hình ảnh tương đương “chú Huê kiều” bán hàng rong ở vùng Đông Nam Á là người bán hàng rong Do Thái ở châu Âu ngày xưa. Vào giữa thế kỷ 19, di dân Do Thái cũng như các di dân khác ở cựu lục địa Âu, Á kéo sang Mỹ, thường với hai bàn tay trắng và một cái đầu đầy ước mơ. Trong quyển The Philadelphia Fels, 1880- 1920: A Social Portrait, Evelyn Bodek Rosen viết là người bán hàng rong Do Thái ở Mỹ “đi ngược đi xuôi, mang hàng hóa từ nơi này đến nơi khác, những người bán hàng rong liên kết người sản xuất và người tiêu thụ. Khi chuyện trò, họ trao đổi thông tin, liên lạc những người sống nơi xa xôi hẻo lánh với thế giới bên ngoài, kết nối nông dân miền thôn dã và những người khẩn hoang nơi biên ải với thế giới văn minh... Trước tiên người bán hàng rong học tiếng nói. Kế đến, qua giao tiếp với khách hàng, người bán hàng rong rút tỉa được kinh nghiệm và kỹ năng kinh doanh... Tất cả những kỹ năng này sẽ rất có ích cho người bán hàng rong một khi tạo lập được cửa hàng hay doanh nghiệp của chính mình. Mục đích của người bán hàng rong là trở thành một chủ tiệm, chủ doanh nghiệp...”.

Những di dân Trung Hoa, Do Thái trước đây chọn nghề bán hàng rong để khởi nghiệp vì họ không cam phận làm công ăn lương mà ôm tham vọng lớn là thay đổi cuộc đời, có được độc lập kinh tế. Tuy có rủi ro nhưng cũng có cơ hội. Đó là cách thức thành đạt của không ít doanh nhân vĩ đại. Người sáng lập chuỗi cửa hàng bán lẻ Macy’s trên toàn thế giới là con của một người bán hàng rong. Người xây dựng chợ Bình Tây - Quách Đàm xuất thân mua bán ve chai. Lịch sử thương mại xứ nào cũng có giai đoạn hàng rong như ở ban đầu để rồi phát triển thành những hình thức kinh doanh hiện đại sau này.

Hàng rong Việt Nam có đặc tính phát sinh từ nền tiểu nông chuyên trồng lúa nước, với những thời gian nông nhàn hay tình trạng thừa lao động ngoài thời vụ. Bán hàng rong do vậy không là một nghề được coi trọng, dù đóng vai trò không nhỏ trong phân phối hàng hóa.

Sự bùng nổ đô thị hóa ở Việt Nam gần đây có nghĩa là một bộ phận rất lớn dân cư đô thị hiện nay là di dân từ các thôn làng. Trong tâm thức của họ, ít nhiều còn đọng tình hoài hương nên họ là khách hàng thường xuyên của những người bán hàng rong đang gợi lại hoặc đem lại cho họ những giá trị vật chất hay tinh thần của văn hóa nông thôn. Trong khi đất nước đang trải qua những chuyển đổi lớn và liên tục trong nhiều lĩnh vực, nhiều giá trị chưa định hình trong khi nhiều giá trị đã biến mất, mô hình “hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc” còn mơ hồ, vai trò cầu nối văn hóa nông thôn-thành thị của người bán hàng rong lại không hề được đánh giá hay đặt ra. Họ chỉ bị coi là yếu tố làm mất mỹ quan những đô thị đang học làm sang.

Những người ở nông thôn (đa số phụ nữ) khi phải đi bán hàng rong thường mang mặc cảm, coi đó là sự suy vi, xuống cấp, chỉ nhẫn nại cam tâm mà làm, mơ ước qua cơn bĩ cực đến thời thái lai. Chắc chắn họ có những khó khăn khách quan và tâm lý này là một trở ngại lớn.

Nỗi cơ cực nghề nào cũng có, dưới những hình thức khác nhau. Mặc cảm “nhà quê, nghèo hèn” có thể dìm người ta cả đời trong nghề bán hàng rong. Những người bán hàng rong thành đạt là người cuối cùng bỏ lại gánh hàng rong trên con đường khởi nghiệp, mang theo vốn liếng tích lũy và những kinh nghiệm bán hàng rong đi tiếp tới những khát vọng xa hơn hoặc mở đường cho con cái họ đi tới những ước mơ lớn hơn.

LÝ LAN

(Trích từ báo Pháp Luật TPHCM, số Xuân Kỷ Sửu 2009)

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

Phía bên kia của lương tâm

hchup208    Tôi không dám nói là mặt trái của lương tâm, mà chỉ nói là phía bên kia của lương tâm mà thôi, vì lương tâm là ý thức đạo đức nơi mỗi con người, nếu nói mặt trái hóa ra đó là những sự dối trá, đê hèn, bạc nhược hay sao? Không, ý tôi không muốn nói thế, tôi chỉ muốn nói đến cái phía bên kia của lương tâm mà ai cũng có, phía đó chưa hẳn là xấu xa tội lỗi, nhưng hình như ai cũng có mới lạ. Đó chính là việc đồng hành với cái sai, cái xấu... mà chính tôi cũng như mọi người hay mắc phải, nhưng chưa hẳn đã là đáng trách.

   Thật đấy, biết đó là sai, là không tốt, là không hay nhưng mình vẫn cứ hay làm mới lạ. Tôi thử đơn cử ra nhé:

- Biết rằng ganh ghét là xấu nhưng tự dưng thấy nhỏ đó đẹp hơn mình, ăn nói lưu loát và có duyên hơn mình, tự dưng mình cũng cảm thấy tức tức ganh ganh làm sao ấy...

- Biết rằng có vợ rồi thì không nên háo sắc, nhưng ra đường (kể cả có lúc đi với vợ) thấy cô nào đẹp đẹp xinh xinh cũng ưa nhìn...

- Biết rằng không nên tham của rơi, nhưng tự dưng thấy một bọc tiền của ai rớt nằm chình ình giữa đường, tự dưng dừng xe lại cúi xuống lượm ngay, còn ngó dáo dác xem coi có ai nhìn thấy mình lượm không...

- Biết rằng có gia đình rồi, không nên ngoại tình, cho dù là trong tư tưởng, nhưng gặp gỡ ai đó đẹp giai, hợp tính tình, vui vẻ, ăn nói đúng gu và có duyên tự dưng có một lúc lãng mạn đâu đó ùa vào, lắm khi về nhà rồi mà vẫn còn tơ tưởng đến người ấy...

- Biết rằng ăn trộm là xấu, nhưng nếu mình đang cần cái vật đó quá mà không có đủ tiền mua, tự dưng gặp nó mà không có ai canh giữ, cái vật đó như mời mọc, như khiêu khích, tự nhiên cái lòng tham lại nổi lên...

- Không tham ăn, nhưng khi cái bánh bẻ đôi, phần ngon họ lấy còn phần dở cho mình, tự dưng mình cũng thấy hơi buồn...

- Không tham chức phận, nhưng khi cơ quan bình bầu thi đua, trong lúc ai cũng được xếp loại A có mỗi riêng mình xếp loại B, tự dưng cũng thấy nóng mặt và tức tức trong bụng...

- Mình và bạn cùng mặc áo mới đi ăn tiệc, bỗng dưng ai nấy đều ùa đến khen chiếc áo của bạn đẹp mà chẳng đoái hoài đến cái áo của mình, tự dưng mình cũng cảm thấy hơi bực...

   ...và còn biết bao nhiêu thứ ở cái phía bên kia nữa, nhưng mình không đủ thời gian kể ra cho hết. Quả thật, đó chưa phải là tội lỗi hay cái gì đó xấu xa, chúng ta biết rằng không nên làm thế nhưng tự dưng mình cũng cứ làm mới lạ. Mà lạ cũng phải, chứ ai nấy đều trơn tru thẳng tuột đạo đức chân chất hết thảy thì lên thiên đàng ở hết ráo rồi, chứ ở thế gian làm chi? Cuộc đời phải có tham sân si hỉ nộ ái ố mới chính là cuộc đời chứ!

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2009

Những người ngã xuống

hchup179 Ngày này ba mươi năm trước, 17/02/1979 - Có rất nhiều người muốn nói và cũng có rất nhiều người không muốn nói, có kẻ lại không cho người khác nói và có cả những người ngậm miệng muốn quên đi. Riêng tôi, tôi không muốn lên gân vì thực sự những ngày ấy tôi chẳng cầm súng đi bảo vệ biên cương như bao người, vì lúc ấy tôi ở nhà làm công nhân lao động cật lực để hỗ trợ cho chiến trường, do vậy mà tôi chẳng dám suy luận hay xét đoán, chỉ biết nghĩ lại nhớ gì thì nói nấy, nếu không nói thì không khéo thế hệ sau không ai còn nhớ đến những chuyện đau thương này, dù cho cái entry này chẳng phải là chính trị mà chỉ nói về cái tình người, nói về những người ngã xuống vì chúng ta và cho chúng ta.

Cách đây mấy hôm, tôi đọc trong blog của Nhà báo Huy Đức Ôsin, bài tự sự của một người lính trong cuộc chiến cách đây 30 năm, cái câu cuối của bài viết làm tôi ngậm ngùi. Anh viết: "Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi chúng tôi sục sôi tiến về Biên giới, đảo vẫn mất mà đất nước lặng im. Thầy giáo dạy sử ở trường lặng im. Báo chí văn chương lặng im… Tôi không rõ không khí ở trong các phòng họp căng thẳng ra sao. Chỉ biết, nếu ngồi đó, tôi sẽ lạnh lưng khi bên ngoài im lặng. Chỉ có sát cánh với nhân dân mới có thêm sức mạnh, đừng để cho từng chiếc đũa bị tách ra và bẻ gãy từ từ". Phải, để nhân dân có thêm sức mạnh, ngọn đèn phải đưa ra khỏi gầm giường để soi rọi ánh sáng, sự thật phải được phơi bày để mọi người cùng tỏ, cùng sẻ chia, cùng nắm chặt tay nhau như bó đũa còn nguyên. Sức mạnh đó ta có, nhưng sao những ngày này báo chí ta lặng im, như một kẻ vô hồn và rửng mỡ.

Tôi không nói ngoa đâu. Xin hãy vào VNExpress mà xem. Kỷ niệm ba mươi năm ngày đồng bào và chiến sĩ ta ngã xuống từng lớp từng lớp ở Cao Bằng, ở Đồng Đăng, ở Lạng Sơn... thế mà VNExpress chỉ toàn đưa những tin nào là Hoàng Thùy Linh của Nhật ký Vàng Anh bốc lửa trên sân khấu, diễn viên này khoe ngực, diễn viên kia hở mông, ông Tổng thống Mỹ tình tứ với vợ, cậu nhóc 13 tuổi kia làm bố, cách lên giường thế nào cho có hiệu quả, vân vân và vân vân... Đấy, thông tin của chúng ta là thế đấy, đừng trách thế hệ trẻ ngày nay không bạc nhược sao được? Binh lính và dân quân chúng ta hồi ấy chiến đấu cho ai? Họ bảo vệ cho ai trước trận đòn thù của Bá quyền Trung Quốc trước mặt trận biển người? Lịch sử vẫn ghi lại Lý Thường Kiệt phá Tống, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo chiến thắng Nguyên Mông, Lê Lợi chống quân Minh, Quang Trung đánh tan quân Thanh mà ngày nay gò Đống Đa vẫn còn tanh mùi xác giặc. Thế thì hơn ba vạn người chúng ta ngã xuống trong cuộc chiến 16 ngày này, sao chúng ta lại quên nhỉ? Sự khốc liệt nghe kể lại thôi cũng đã là bàng hoàng thế mà báo chí vẫn lặng câm như thóc. Một sự im lặng vô cùng đáng sợ và đáng trách.

Hồi tôi còn là học sinh, một lần nọ tôi đi thăm người thân, lúc đi ngang qua một ngôi chùa nằm ở trong quân trường, tôi thấy xác các binh sĩ được trực thăng mang về xếp từng lớp từng lớp chờ đem đi mai táng, cái rợn người khi ta nhìn thấy gần hai trăm xác người chết khiến tôi nghĩ ai nấy cũng phải rùng mình, cái rùng mình khiến ta ớn lạnh và buồn nôn, thế mà ba mươi năm trước đây, trong 16 ngày mà hơn ba vạn đồng bào và chiến sĩ ta thành người thiên cổ, quân giặc cũng bỏ mạng không kém gì ta, cho dù truyền thông của họ lấp liếm bảo rằng chiến thắng, rằng dạy cho Việt Nam một bài học, bài học đó là hơn ba vạn rưỡi quân Trung Quốc thiệt mạng trong 16 ngày khốc liệt (BBC). Bạn thử tưởng tượng đi, ba vạn người Việt máu đỏ da vàng chúng ta ngã xuống chứ đâu phải ba trăm hay ba nghìn. Người Mỹ sa lầy vào cuộc chiến Việt Nam trong gần 10 năm đã có hơn 58 nghìn người tử trận đã là con số kinh hoàng và nhức nhối, thế mà chỉ trong cuộc chiến 16 ngày ấy, cả hai bên đã đưa con số thương vong lên đến hơn 6 vạn người. Thế mà đến nay, không nghe được một lời chia sẻ, cũng chẳng thấy một lời nhớ ơn. Mới nghĩ thôi mà đã thấy xót.

Thế thì hỡi những người đã ngã xuống, trên biên giới và trên hải đảo xa xôi, trong những khe núi chết người ở Đồng Đăng, Cao Bằng và nhiều nơi khác hoặc bị nghiền nát dưới lòng xe tăng địch. Sự hy sinh của anh chị là vô giá, thời thế hôm nay có thể quên nhưng lịch sử thì không bao giờ quên được. Tổ quốc không bao giờ quên được. Chúng tôi viết lên những dòng này vì hiểu rằng cho dù ai đó không muốn nói, không cho nói hoặc kìm hãm cái tự do tư tưởng nơi mỗi con người, nhưng chúng tôi vẫn viết, có thể chẳng ai xem, có thể chẳng ai biết, nhưng dù sao chúng tôi vẫn viết để khỏi ngượng mồm khi mai này phải dạy con cháu chúng tôi về cái gọi là lòng yêu nước.

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Cải cách giáo dục đại học Việt Nam: Nguy cơ không từ sự thay đổi

Giáo sư Thomas J. Vallely, giám đốc Chương trình VN, Trường quản lý nhà nước John F. Kennedy (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) là người am hiểu tình hình VN, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Ông vừa có bài phát biểu về vấn đề cải cách giáo dục ĐH VN.

gsthomasjvallely Giáo sư Thomas J. Vallely chỉ ra những nguy cơ trầm trọng mà giáo dục VN đang đối mặt và những ngộ nhận nguy hiểm trong tiến trình đổi mới giáo dục ĐH VN hiện nay.

Qua thống kê các công trình nghiên cứu trên tạp chí khoa học chuyên ngành sẽ thấy bức tranh đáng ngại của giáo dục ĐH. Chỉ so với các quốc gia châu Á, sự tụt hậu của VN cũng đã thể hiện rõ.

Theo nguồn Scientific Citation Index Expanded, tổng cộng số bài trên tạp chí khoa học chuyên ngành của cả hai ĐHQG VN đến thời điểm này chỉ là 52 bài, trong đó của Viện Khoa học và công nghệ VN là 44 bài. Trong khi chỉ riêng ĐHQG Seoul (Hàn Quốc), số bài đăng lên đến 5.060 bài, ĐH Bắc Kinh có hơn 3.200 bài, ĐHQG Singapore (NUS) có 3.598 bài, ĐH Chulalongkon của Thái Lan được 822 bài.

So sánh chỉ số đổi mới thông qua số bằng sáng chế còn thấy “tủi thân” hơn. Trong năm 2006, Hàn Quốc được cấp 102.633 bằng, Trung Quốc có 26.292 bằng. Các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines đều có từ hàng chục đến hàng trăm bằng sáng chế. Nhưng VN lại chẳng có công trình sáng chế nào được cấp bằng vào năm 2006.

Nhận thức rõ yếu kém này, giáo dục ĐH VN thời gian qua đã có quyết tâm đổi mới khá cao. Tuy nhiên, quá trình đó đang mắc phải một số sai lầm. Đầu tiên là việc ngộ nhận rằng chỉ cần sử dụng những tiêu chuẩn VN mà vẫn có thể tạo ra chất lượng ưu tú.

GS Hoàng Tụy đã nhận xét: “Từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, tiêu chuẩn đánh giá một công trình khoa học, một nhà khoa học, một trường ĐH chúng ta đều có tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai...”. Thật ra trên thế giới chẳng hề có một con đường đặc thù nào để đạt chất lượng ưu tú trong giáo dục ĐH. Và các ĐH chất lượng cao ở bất cứ đâu đều tuân theo những nguyên lý then chốt về quản trị tốt. Các ĐHVN phải thật sự phấn đấu đạt chất lượng ưu tú và tự so mình với những ĐH tốt nhất trong khu vực và thế giới.

Quan niệm liên tục tăng thêm nguồn lực vật chất trong cải cách giáo dục ĐH cũng là điều cần xem xét lại. Không thể lấy việc tăng thêm nguồn lực vật chất cho hệ thống hiện hữu làm giải pháp. Dĩ nhiên, đầu tư ở mức cao là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Những nguyên lý then chốt về quản trị tốt, trong đó bao gồm các hệ thống mở và dựa vào trình độ năng lực là tối quan trọng.

Tăng thêm tiền cho hệ thống hiện hữu sẽ không tạo ra kết quả tốt hơn, mà chỉ tưởng thưởng cho sự quản trị yếu kém và làm cho tình trạng này không “xoay chuyển” được. Tuy nhiên, giáo dục ĐH chất lượng cao rất tốn kém. Vì vậy, Nhà nước phải chấp nhận trở thành “nhà tài trợ” chính cho giáo dục ĐH trong thời gian dài tới đây.

Quan điểm này liên quan đến việc kêu gọi các trường ĐH tốt của nước ngoài đến VN. Nhiều người nghĩ VN không cần tài trợ cho các ĐH nước ngoài. Xin khẳng định rằng những ĐH danh tiếng nước ngoài sẽ không đến VN với tư cách của những nhà đầu tư. Họ không tự nhiên mà đến. Chính phủ nước họ cũng không tài trợ cho họ. Sẽ có ý kiến đưa ra trường hợp của RMIT để dẫn chứng rằng các trường nước ngoài có thể hoạt động với tư cách là nhà đầu tư. Tuy nhiên, “mô hình RMIT” nhiều nhất cũng chỉ là một phần nhỏ của giải pháp tổng thể.

Sau khi cân nhắc các yếu tố liên quan đến nguồn lực, chúng ta cần nghiêm túc xem xét quyết tâm cải cách. Hiện đang tồn tại một ngộ nhận nguy hiểm rằng cứ tiến hành cải cách từ từ cũng có thể đem lại những kết quả cần thiết. Quan điểm này sẽ là mối hại lớn cho giáo dục VN. Việc đi đúng hướng mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Tốc độ mới là một yếu tố quan trọng của cải cách giáo dục ở VN.

Chỉ có tăng tốc cho cải cách, giáo dục ĐH mới đòi hỏi sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh này diễn ra giữa các ĐH đang hoạt động và bao gồm cả việc hình thành các ĐH mới. Chính quá trình đó mới thật sự góp phần nâng chất lượng của bản thân từng trường. Việc đánh giá hay xếp hạng các trường ĐH sẽ chẳng có tác dụng nếu như thứ hạng không giúp loại bỏ những trường kém chất lượng và tôn vinh những trường có chất lượng tốt.

Một điều không kém phần quan trọng khác liên quan đến chế độ đãi ngộ (biện pháp khuyến khích) và hệ thống nhân sự. Làm sao để các biện pháp và hệ thống đó tương thích với sự ưu tú? Nhìn từ góc độ tổ chức, hiện nay các ĐH ở VN và đội ngũ lãnh đạo được “thưởng” ngay cả khi thất bại. Khi tiến hành đánh giá, những tiêu chuẩn quốc tế không được sử dụng. Điều đó liên quan đến việc phân bổ tài trợ, ngân sách... Bất hợp lý này tồn tại khá lâu và tạo ra sự trì trệ trong nội bộ của từng trường cũng như cả hệ thống.

Vì vậy, không cách làm nào khách quan hơn việc các ĐH phải được đánh giá dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế. Công tác phân bổ tài trợ, ngân sách phải dựa vào kết quả hoạt động của trường. Các nhà khoa học và học giả đang làm việc ở nước ngoài phải được khuyến khích quay về. Đối với đa số, chỉ kêu gọi lòng yêu nước thôi thì chưa đủ. Điều này có nghĩa phải giải quyết nghịch lý lương/thu nhập và tạo điều kiện làm việc tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế.

Để khắc phục những ngộ nhận ấy, nhất thiết phải có một hệ thống giải pháp thực tế. Và việc đầu tiên cần kiên quyết thực hiện là đoạn tuyệt ngay với hệ thống quản trị ĐH hiện tại, cho phép các ĐH ở VN có quyền tự trị. Bên cạnh đó, phải ưu tiên cải thiện chất lượng lãnh đạo của các ĐH. Lãnh đạo của các ĐH phải chịu trách nhiệm giải trình đối với kết quả hoạt động của trường. Điều quan trọng không kém là khuyến khích cạnh tranh. Cơ quan lãnh đạo không nên áp đặt trước những trường sẽ chiếm lĩnh vai trò đỉnh cao trong hệ thống.

Đồng thời, Nhà nước cũng nên cho thành lập một số ĐH mới để tạo áp lực cạnh tranh đối với các trường hiện tại. Nên tài trợ cho các ĐH danh tiếng nước ngoài có tham gia vào nỗ lực này. Cần nhận thức rõ rằng nguy cơ lớn nhất của tương lai giáo dục ĐHVN không xuất phát từ sự thay đổi mà từ sự thất bại do không muốn thay đổi.

HÙNG THUẬT ghi (trích từ Báo Tuổi Trẻ)

30 Năm Trước, Tự Sự Của Một Người Từng Là Lính

(trích từ blog của Osin - Nhà báo Huy Đức)

AVATRNIEN Ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi vừa vào đến cổng trường, chúng tôi nhận được tin: Vào lúc mờ sáng, “Trung Quốc đã đem quân bắn giết dọc theo Biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta”. Sáng ấy, nhiều đứa trong chúng tôi đi thẳng từ trường phổ thông đến ủy ban nhân dân xã. Chúng tôi đăng ký nhập ngũ mà không kịp nói một câu với chính cha mẹ của mình.

“Quân bành trướng Bắc Kinh” đã kéo chúng tôi từ lớp học ra thẳng chiến trường. Nhưng, không hiểu sao nhà trường hôm nay, lại không nói gì về cuộc chiến tranh kéo dài thế giằng co hơn 10 năm ấy. Ba mươi năm trước, những “đàn trẻ nhỏ”, chạy “từ Biên giới về”. Ba mươi năm sau, những đứa trẻ ấy lớn lên và biết: Tháng 4/1956 nhân khi quân Pháp vừa rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc, lúc này đã trở thành “xã hội chủ nghĩa anh em”, chiếm đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa. Ngày 19-1-1974, sau khi Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ và sau Hiệp Định Paris 1973, Mỹ rút lui khỏi Việt Nam, Trung Quốc, vẫn đang là “xã hội chủ nghĩa anh em”, đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, giết 58 chiến sỹ Hải Quân Sài Gòn, chiếm đảo. Ngày 14-3- 1988, Trung Quốc lại tấn công một số đảo đá của Trường Sa giết hại 74 người lính Hải quân Việt Nam và, từ đó, chiếm luôn những hòn đảo ấy.

Rồi. Ngày 12-11-2008, Trung Quốc tuyên bố đầu tư 29 tỷ USD cho một dự án “khảo sát và khai thác Biển Đông”. Trong đó, bao gồm cả những biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc vẫn còn chiếm giữ. Bốn tháng trước, 7-2008, khi hãng dầu khí Mỹ, ExxonMobil, hợp tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò ở Nam Côn Sơn, Trung Quốc đã gây áp lực với ExxonMobil để họ phải rút lui. Năm 2007, Trung Quốc đã gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỷ USD với Việt Nam ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch. Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long. Chỉ hai năm sau khi họ ký hợp đồng thăm dò dầu khí với công ty Crestone ở vùng Vũng Mây-Tư Chính. Tàu Trung Quốc “đi lại nghênh ngang” ngoài Biển Đông, trong khi, các dự án của Việt Nam thì phải cay đắng rút lui mà không làm gì được.

Thế hệ chúng tôi, lớn lên “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, có nhiều sự kiện xảy ra ở Thủ đô, ở Biên giới và ngoài Biển mà chúng tôi không hề được biết. Chúng tôi vẫn hát về Mao Trạch Đông như “mặt trời lên” khi mà “Bác Mao” lần lượt đem quân chiếm Hoàng Sa, rồi Trường Sa. Chúng tôi hát, “núi liền núi, sông liền sông” khi mà nhiều ngọn núi, khúc sông đã không còn nữa. Cho đến ngày 17-2… Được cầm súng, được “vạch mặt, chỉ tên” quân xâm lược cũng là hạnh phúc. Cho dù, nhiều khi ngẫm lại, sự thật chỉ được thông tin vừa lúc, đủ để chúng tôi tất tả lên đường.

Không như chúng tôi, các bạn trẻ hôm nay không ngồi chờ nhà trường “mớm” cho gì thì biết nấy. Nhưng bi kịch của họ lớn hơn… Thật không dễ dàng gì khi biết một kẻ đang rình rập bên ta mà vẫn phải nghe họ xưng là “láng giềng tốt”; một kẻ đem tàu chiến sang giết người giữ đảo của ta vẫn xưng là “đồng chí tốt”; một kẻ dùng áp lực để đuổi đối tác tìm dầu của ta mà vẫn nhận là “bạn bè tốt”; một kẻ ngang nhiên hút dầu ngoài biển của ta mà vẫn phải gọi là “đối tác tốt”.

Khi tôi đang viết entry này thì đọc được trên blog Nông Dân Gió Lào, người Trung Quốc sẽ tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Hà Nội, dự kiện bế mạc vào ngày 17-2 năm nay. Nông Dân Gió Lào cũng dẫn tin trên Vietnamnet nói rằng, năm 2004, người Trung Quốc cũng đã tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Đà Nẵng, khai mạc đúng vào ngày 19-1. Năm ấy, họ kết 30 cụm hoa đăng, theo Nông Dân Gió Lào, ứng với 30 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một huyện đảo thuộc về Đà Nẵng (19/1/1974- 19/1/2004). Có thể bởi “tình đồng chí” mà khi cấp phép, chính quyền địa phương đã không quan tâm lắm đến sự trùng hợp này. Nhưng, Nông Dân Gió Lào cho rằng các “chú Tàu” thì không làm gì “ngẫu nhiên”, kể cả việc, hồi cuối tháng 11, họ cho tàu mang tên Trịnh Hòa, người mà họ nói là đã phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa, cập vào Đà Nẵng.

Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm mấy đảo đá ở Trường Sa. Việt Nam chuyển sang đường lối quan hệ “đa phương”. Thật may mắn là Việt Nam đã không rơi vào tình thế “đơn phương” với một gã khổng lồ vừa đánh trộm vừa xưng là “anh em, đồng chí”.

Nhà nước có những lý do để cư xử với lân bang chín chắn. Nhưng, sự “bồng bột” của dân cũng cần thiết để sự thật, đôi khi, có cơ hội phơi bày. Người dân không bao giờ muốn chiến tranh, vì nếu nó xảy ra, chỉ có họ mới là người ra trận. Tôi đã nói chuyện với nhiều người dân ở Biên giới hồi tháng 3-1979. Tôi có nhiều người bạn là lính ở sư đoàn đóng quân tại Lạng Sơn trong ngày 17 tháng 2. Cái mà chúng ta nói là “chiến thắng” cũng đã phải trả bằng đầu rơi máu chảy.

Tôi có hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh, biết câu chuyện Khmer Đỏ chống lại Việt Nam chỉ 2 tuần sau khi nhờ Việt Nam mà có trong tay quyền bính. Biết, sau lưng Pol Pot có bàn tay của ai. Nhưng, tôi cũng đã gặp nhiều người Việt-Gốc-Hoa, trong số hơn 675 nghìn người Việt-Gốc-Hoa phải ra đi trong những năm sau 75, 78. Nhiều người lúc ấy không biết tiếng Hoa, nhiều người đã từ lâu coi mình là dân Việt. Nhiều người khi rời Việt Nam đã không chọn Trung Quốc như là tổ quốc. Vận nước, phải chăng đã không tránh được thế đối đầu? Trung Quốc năm nào cũng nhắc lại cuộc chiến 17-2-1979, tại sao Việt Nam lại không bàn về nó một cách công khai và rút ra bài học cho mình.

Tôi có mặt ở Hồ Gươm vào cái đêm bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan ở lượt đi (24-12). Có mặt trên đường phố Sài Gòn ngay sau khi bóng đá Việt Nam vô địch (28-12). Đi trong thác lũ người tràn ra đường hôm ấy, nghĩ, chỉ bóng đá thôi ư mới có được sức mạnh thế này. Ngay từ thế kỷ 19, khi mà lãnh thổ của một quốc gia vẫn còn có thể mở rộng bằng chinh phục, Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố Lausanne 1888, đã nói: “Dùng vũ lực để chiếm giữ một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp”. Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (1982) cũng tái khẳng định tinh thần này. Chúng ta chưa có bom hạt nhân, chúng ta chưa có tàu to súng lớn. Đất nước ta rất nhỏ. Dân ta không nhiều. Sức mạnh của chúng ta chính là chủ quyền pháp lý.

Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi chúng tôi sục sôi tiến về Biên giới, đảo vẫn mất mà đất nước lặng im. Thầy giáo dạy sử ở trường lặng im. Báo chí văn chương lặng im… Tôi không rõ không khí ở trong các phòng họp căng thẳng ra sao. Chỉ biết, nếu ngồi đó, tôi sẽ lạnh lưng khi bên ngoài im lặng. Chỉ có sát cánh với nhân dân mới có thêm sức mạnh, đừng để cho từng chiếc đũa bị tách ra và bẻ gãy từ từ.

Huy Đức

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

Valentine

red-roses

Tối qua hai vợ chồng đi tập hát ca đoàn ở Nhà thờ về, mới ra đến cổng đã thấy thiên hạ lăng xăng, người thì diện đồ đi chơi từng cặp từng cặp một, người thì tranh thủ bán hoa gói ghém trông cũng bắt mắt lắm. Chồng bèn dừng xe lại:
- Em đợi anh chút nhé!
- Anh đi đâu vậy?
- Mai là Valentine rồi, người ta bán hoa đẹp quá!
- Anh định mua hoa cho em hả? ĐỪNGGGGGG!....
- Đừng cái gì? Già thì già chớ cũng phải lãng mạn một tí chứ!
- ĐỪNGGGG!... ĐỪNG ANH ƠI! Mắc lắm! Coi chừng họ chém!
- Chém thì chém chứ lo gì!
- ĐỪNGGGG!.... Em nói là đừng mua mà! Em đâu có thích hoa! Mình dành tiền làm chuyện khác anh ơi. Em thấy người ta còn khổ lắm, em đi công tác hoài, thấy còn biết bao nhiêu người cần giúp đỡ. Va len thai len thiếc gì. Miễn sao vợ chồng mình cứ dzui dzẻ là va len thai rồi...
Thế là chồng im như thóc. Khỏi tốn tiền nhé! Mua về hổng chừng bị nhăn nhó, bảo rằng mình phí tiền, hổng chừng nói qua nói lại thành cãi nhau, mà cãi nhau thì còn chi là Valentine nữa! Thế là tiện cả đôi đường! Đến đây thì nhớ đến Nhà văn Pháp Honoré de Balzac quá! Nhớ đến truyện Eugénie Grandet quá!

Hà Tiện muôn năm!!!

Ơ, mà dù sao thì hà tiện cũng là một đức tính tốt của người phụ nữ, của những người vợ muốn dành mọi thứ cho gia đình chứ không phải cho riêng mình. Miễn sao vợ vui. Đó là Valentine rồi. Hoa hòe nhiều quá lỡ may thành Valinhtinh thì sao? Nghĩ đến đây lại thấy thương vợ, cả đời chẳng bao giờ thích sơn móng tay móng chân, bảo rằng vừa phí tiền vừa lòe loẹt, chắc tại móng tay vợ mình hổng cần sơn cũng đẹp nên an ủi thế. Hehe...
Chứ ngày xưa lúc mới giải phóng, chẳng biết cái va len thai len thiếc gì, thế mà mình cũng yêu nhau đằm thắm em nhỉ? Thôi, em không thích tặng hoa thì anh tặng nụ cười vậy, chẳng tốn tiền nhưng vẫn lãng mạn dzậy... Khà khà... Cần gì hoa, phải không tình nhân ơi! Tể tướng nhà tui ơi!

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2009

Giá trị của nền dân chủ Hoa Kỳ

Trong những ngày đầu Obama làm Tổng thống Hoa Kỳ, mình sưu tầm trên mạng được bài viết khá hay, ghi vào đây để nhớ.

obama Triết gia thế kỷ 20, Karl Popper, nói "Chế độ dân chủ là chế độ mà nó cho phép người dân có thể lật đổ chính quyền bằng ôn hòa."

Người dân Mỹ có thể phê phán, thậm chí lật đổ chính quyền cứ mỗi định kỳ 4 năm nhưng dân chúng Mỹ luôn bảo vệ nền Dân Chủ. Đó là điều tối thiểu mà dân chúng Mỹ hành động để giúp cho xã hội tồn tại và phát triễn.

Người dân lật đổ chính quyền liên bang Mỹ một cách ôn hòa thông qua lá phiếu của mình. Cụ thể là người dân Mỹ sẽ thay đổi toàn bộ Hành Pháp, gần như toàn bộ Lập Pháp, tiếp sau đó là Tư Pháp. Thể chế dân chủ Mỹ luôn cho người dân Mỹ thực hiện điều này thường xuyên với 2, 4, hoặc 6 năm theo định kỳ.

Sau cuộc bầu cử 2008, tất nhiên không ít người Mỹ đã thất vọng vì sự đắc cử của Thượng nghị sĩ Obama. Không ít người dân Mỹ cho rằng Obama là một kẻ tồi tệ, không xứng đáng đứng vào chức vụ tổng thống lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ.

Nhưng dù nhận định trên đúng hay sai thế nào thì trong vòng 4 năm hay 8 năm tới, Obama sẽ trở thành một tổng thống cần bị hạ bệ. Đó là truyền thống của nền dân chủ Mỹ và đó là giá trị của nền dân chủ Mỹ.

Nền dân chủ Mỹ không thích tung hô thần thánh lãnh đạo, mà ngược lại dân chúng Mỹ rất mau chóng chán những nhà lãnh đạo.

Bởi trong đất nước dân chủ, người dân không thích nhà cầm quyền đặc quyền cai trị muôn năm, người dân luôn thích thử thách và trao cho chính quyến cùng người cầm đầu nó nguy cơ sẽ luôn đối diện với sự truất phế.

Bởi trong nền dân chủ, cho dù người lãnh đạo đó có sáng suốt đến đâu, chính quyền đó có làm tốt như thế nào, và dù người dân có được một cuộc sống sung túc vào bậc nhất trên hành tinh vào thời kỳ đó... thì nhà lãnh đạo đó cũng không được giữ lại để tôn thờ, mà chính quyền đó vẫn cần phải được thay thế bằng một chính quyền mới tiến bộ hơn.

Đó là đặc điểm của nền Dân Chủ rất khác xa với chế độ độc tài...

Ở một chế độ độc tài... nơi người dân bị bắt buộc phục tùng vô điều kiện với một chính quyền làm việc kém hiệu quả... nơi người dân phải tung hô thần thánh hóa những kẻ cầm quyền vơ vét tài sản quốc gia cho riêng mình xuyên qua nhiều thập niên cai trị, mặc cho dân chúng sống đời sống khốn cùng... nơi người dân phải chịu nô lệ hóa tư tưởng và nô lệ hóa số phận... Cái được gọi là nhà nước và nhà cầm quyền ở đó không thực chất là một "CHÍNH QUYỀN", nơi mà vì sự tồn vong của một chế độ xã hội mà nhà nước bắt người dân phải chịu phục vụ và chịu phục tùng, hơn là nhà nước phải phục vụ nhân dân.

So với nhiều nước độc tài trên thế giới, những người dân Mỹ may mắn hơn nhiều, vì nước Mỹ được sống trong một xã hội tự do Dân Chủ đích thực. Người Mỹ không bị chính phủ ràng buộc tư tưởng văn hóa, chính trị, tôn giáo. Người Mỹ không bị gắn liền số phận của họ vào số phận tồn vong của một Đảng cầm quyền.

Một tổng thống Mỹ có thể bị dân chúng kiện tụng và bị gọi truất phế bãi nhiệm. Chính quyền của một Đảng chính trị có thể bị lật đổ mỗi nhiệm kỳ 4 năm, nhưng nước Mỹ và dân tộc Mỹ vẫn tồn tại phát triển thịnh vượng.

Nhưng Người Mỹ không bao giờ thỏa mãn.

Trong một nền dân chủ thì người dân Mỹ luôn muốn tìm những điểm sai của nhà cầm quyền để phê phán.

Điều đó có nghĩa, dù tất cả mọi chính quyền khác trên thế giới đều tồi tệ, mà chính quyền dân chúng Mỹ đang sống có một điểm hơi tồi tệ tương đồng, thì điểm hơi tồi tệ đó vẫn bị phê phán và chỉ trích đến cùng. Bởi người dân Mỹ buộc chính quyền phải sửa đổi tốt hơn chứ không chấp nhận một ngụy biện nào cho lỗi lầm của chính phủ.

Trong lịch sử phát triển, tuy người dân Mỹ phê phán một chính quyền tồi tệ và phê phán người đứng đầu chính quyền tồi tệ... nhưng người dân Mỹ vẫn không bác bỏ nền dân chủ vì nền dân chủ đã luôn cho xã hội Mỹ cơ hội thay đổi truất phế cái chính quyền cùng người cầm đầu mà người dân không mong muốn nữa.

Sự thay đổi chính quyền được thực thi trong vòng bầu cử 4 năm để cho ra đời 1 nhà lãnh đạo mới. Sự quan trọng của bầu cử Mỹ không phải là chọn ra được một lãnh đạo xuất sắc, mà là thực thi quyền của người dân được lựa chọn lãnh đạo.

Có nhiều thông tin sau cuộc bầu cử đưa ra những thống kê đa số người da đen ủng hộ Obama, đa số người đi bầu lần đầu ủng hộ Obama, đa số người trẻ ủng hộ Obama, đa số thu nhập dưới 100 nghìn USD/năm ủng hộ Obama, đa số phụ nữ ủng hộ Obama ...

Cho dù người bầu cho Obama là ai thì lá phiếu của người đó cũng đại diện cho cá nhân họ, và nhân quyền của từng người, giá trị của từng lá phiếu cũng công bằng như mọi người khác.

Quan trọng hơn hết không phải ai là người đã ủng hộ cho Obama, mà quan trọng Obama là ai? chính quyền sắp tới sẽ làm việc tốt không?

Từ hôm nay ngày Obama nhận chức tổng thống cho đến 4 năm tới, người Mỹ bất cứ lúc nào và bất cứ ai cũng có thể phê phán sự tồi tệ của Obama và chính quyền mới. Điều đó thật tuyệt vời cho những người Mỹ. Và nó còn tuyệt vời hơn khi nếu như những người đã từng bầu phiếu cho Obama chợt nhận ra rằng ông chỉ là một tổng thống tồi mà họ không mong đợi...Trong điều kiện xấu nhất xảy ra nền dân chủ Mỹ sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân Mỹ có cơ hội truất phế Obama hoặc đợi kiên nhẫn để thay đổi gạch phứt tên tổng thống tồi Obama ra khỏi nhà trắng ở 4 năm sau.

Không còn gì tuyệt vời hơn! Lật đổ chính quyền không phải là một cơ hội mà chắc chắn là người dân Mỹ sẽ làm bởi vì mỗi kỳ bầu cử tổng thống là người dân lại náo nức đi làm điều đó.

"Không ai có quyền lãnh đạo một người khác ngoài sự cho phép của người đó" - tổng thống Thomas Jefferson nói.

Nước Mỹ vẫn chờ đợi nhân dân Mỹ chửi bới Obama là một tổng thống tồi trong vòng nhiệm kỳ 4 năm...vì nước Mỹ không mong chờ Obama là một tổng thống vĩ nhân... nhưng nước Mỹ trông chờ Obama là một tổng thống phục vụ vì quyền lợi dân chúng và mục đích nhân bản nơi nhiều sắc dân cùng sống phát triển hòa hợp của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Dzu Kaka