Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Nước mắt đã biết cười

Những hình ảnh lưu niệm ngày con trai đầu Thái Toàn nhận bằng Master tại Đại Học Kiến Trúc TPHCM 27/09/2009.

happy1

Gia tài của chúng tôi chính là đây, quý giá gấp vạn lần tiền bạc này...

happy2

Mang nặng đẻ đau sinh ra năm cục cưng này đây...

happy3

Và bây giờ nước mắt đã biết cười rồi...

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

“Đột phá tư duy” hay tư duy quản lý có vấn đề?

(Bài viết trích từ Vietnamnet)

hinhst09 (TuanVietNam) - Cái sự trọng bằng cấp hơn năng lực thực chất, tiếc thay nó thâm căn cố đế ngay cả khi người ta tưởng cách nghĩ đã đổi mới!

Từ “tư duy lý lịch” đến “tư duy bằng cấp”

Nhìn trong sự phát triển của nhân loại, của mỗi quốc gia có thể thấy, sự hưng hay mạt của mỗi quốc gia đều liên quan chặt chẽ đến các chính sách. Các chính sách này được sinh nở, được điều hành và triển khai, được đồng thuận hay bị chê trách, xét cho cùng phản chiếu cái tầm, cái tâm của người quản lý. Trước mỗi thành bại của mọi lĩnh vực, người ta hay đổ tại cho một cái lỗi rất chung: “Tại cơ chế nó thế” mà quên mất rằng cái cơ chế đó không tự sinh ra cũng không tự mất đi. Nó phụ thuộc vào tư duy, tầm trí khôn của con người quản lý, nó phụ thuộc vào cụm từ mà ta hay dùng- chính sách cán bộ.

Xã hội ta từng trải qua không ít những thăng trầm, những trả giá- hệ lụy của lối tư duy quản lý ấu trĩ hẹp hòi, hình thức, nặng định kiến…Với một dân tộc, sự trả giá có thể chỉ là giai đoạn nhất thời nhưng với số phận nhiều con người, có khi mất cả một đời. Hẹp hòi và ấu trĩ đến mức: “Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ”, “Một thằng ăn cắp sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa cũng tốt hơn một thằng tư bản sống dưới chế độ tư bản”. Cái tốt, cái xấu ở đây đã không có một “gram” giá trị nào ngoài cách tư duy của quyền lực, áp đặt mang tính ý thức hệ cứng nhắc, phi thực tiễn.

Những người lứa tuổi tri thiên mệnh như người viết bài này chắc hẳn khó quên những năm tháng xa xưa, không ít người tài đã lận đận vì lý lịch. Bạn bè trang lứa chúng tôi, có không ít bạn học rất giỏi, nhưng đã phải đứng lại trước cổng trường ĐH, đừng nói gì tới việc mơ có bằng cấp tiến sĩ. Một số bạn phải đi đường vòng mới đến được cánh cửa của AliBaBa. Họ có thể thành công, nhưng khi nhìn vào những gương mặt sương gió, tôi bỗng nghĩ giá như con đường đi của họ không phải gập ghềnh, trắc trở nhiều khúc quanh như thế bởi cách tư duy nặng lý lịch một thời…Biết đâu, cuộc đời bớt đi một kẻ lao lực, đất nước thêm một nhân tâm.

Cơ chế quản lý kinh tế- xã hội đổi mới. Đáng mừng là tầm nghĩ và cách nhìn người, cách dùng người cũng đã có thay đổi. Vì xu thế phát triển và hội nhập. Vì không thay đổi tức là tự đào thải trong dòng chảy của thời đại mới. Người có trình độ cao, có năng lực ở nơi này, nơi khác…đã được dùng, tham gia vào bộ máy quản lý, bất luận anh có lý lịch như thế nào.

Nhưng cho dù đã thay đổi thì phải chăng quá trọng bằng cấp vẫn là dòng tư duy chủ đạo? Nếu trước đây, với “tư duy lý lịch”, vật cản chặn đường tiến thân đầu tiên của một số người có vấn đề…là cánh cửa ĐH. Còn bây giờ, với “tư duy bằng cấp”, thì chiến lược phát triển nhân sự ở Thủ đô cần tới 100% phải là tiến sĩ(!). Cái sự trọng bằng cấp hơn năng lực thực chất, tiếc thay nó thâm căn cố đế ngay cả khi người ta tưởng cách nghĩ đã đổi mới!

Đặt trong bối cảnh nền giáo dục còn nhiều màu xám như hiện nay, cách tư duy chủ quan và hình thức chủ nghĩa kiểu này, sẽ chỉ xô đẩy những công chức vì tham vọng quản lý, lãnh đạo bằng mọi cách để “nhào trộn” ra cái bằng tiến sĩ đúng như yêu cầu? Điều đó, sẽ tiếp tục sự lãng phí thời gian, tiền bạc, tiếp tục tiếp tay cho những tiêu cực trong việc mua bán bằng cấp, học vị, cho nạn đưa và ăn hối lộ trong nhà trường, rút cục góp phần kéo chất lượng đào tạo trên đại học vốn đã yếu, càng yếu hơn.

Đây là một thực tế trong ngành GD đã kéo dài, khiến xã hội bức xúc, ngành GD mất uy, các khái niệm tiến sĩ, thạc sĩ vô tình mất thiêng. Ai cũng hiểu nhưng dường như chỉ số ít người không hiểu?

Tư duy đột phá - cần những điều kiện gì?

Dĩ nhiên, người viết bài này không hề phủ nhận, trong thực tế, có những cán bộ quản lý giỏi, đồng thời là những người tư duy mới, có khả năng sáng tạo, trình độ cao, là những tiến sĩ, giáo sư thực thụ. Nhưng điều đó, không đồng nghĩa với cách tư duy trên.

Những người có tư duy đột phá, có khả năng sáng tạo chắc chắn không xuất hiện từ những mục tiêu “đẹp”, những con số “đẹp” và cách tư duy từ lý lịch sang bằng cấp, mà họ sẽ xuất hiện trong điều kiện có một cơ chế quản lý và một tư duy quản lý đúng đắn, hợp quy luật phát triển. Đó là:

Tuyển dụng công khai và minh bạch: Cách tuyển dụng người làm việc lâu nay thường chỉ trông vào “bằng cấp”. Vì vậy, chạy cho được “bằng cấp” cũng đã trở thành một vấn nạn nhức nhối. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường có những cách tuyển dụng khác với các cơ quan công quyền, các ngành của chúng ta. Thời đại thế giới phẳng, chắc chắn những thông tin về cách tuyển dụng người làm được việc, người tài hẳn không khó. Vấn đề là người lãnh đạo có thật sự muốn tuyển người tài hay chỉ muốn tuyển người “sai bảo” được?

Tôn trọng sự khác biệt: Đây cũng vừa thuộc tư duy người quản lý, vừa thuộc cơ chế quản lý và sử dụng người tài. Sự khác biệt, xét cho cùng chính là động lực góp phần cho xã hội phát triển. Biết lắng nghe tiếng nói phản biện, khác biệt,  miễn là họ thực sự có tâm với đất nước, từ đó để chắt lọc tìm ra những giải pháp đúng, mang tính sáng tạo, còn là một tài năng, thể hiện tấm lòng vì lợi ích chung của những người quản lý, lãnh đạo các cấp.

Chúng ta thường nói “Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Xin các nhà quản lý, lãnh đạo các cấp hãy học tập Bác Hồ ở cái đức lớn nhất- đó là biết lắng nghe, biết tập hợp những người có tài, có tâm ở mọi miền đất nước và cả nước ngoài, cho dù họ có chính kiến khác biệt. Chính tầm tư duy biết nhìn xa trông rộng và tầm văn hóa lớn mà Bác đã đưa được cả những vị quan lại của triều đại phong kiến, cả những trí thức trời tây sẵn sàng từ bỏ nhung lụa, giàu sang để mãi mãi đi với nhân dân, đi với dân tộc, sống chết vì vận mệnh, sự phát triển và trường tồn của đất nước.

Pháp luật phải nghiêm minh, công bằng và phải “sạch”. Đây là một điều kiện không thể thiếu để niềm tin và sự mong muốn cống hiến của mọi nguồn lực (con người) có tài năng, có tư duy mới, có khả năng đột phá hội tụ, tìm đến (nếu ở trong nước), hoặc chảy về (nếu ở nước ngoài).

Nếu pháp luật không nghiêm minh, không công bằng, và còn bị “bịt mắt’ bởi nhiều ma lực, nếu những điều kiện về tuyển dụng, về tư duy và cơ chế quản lý nói trên còn ngự trị và chưa thay đổi thì rút cục, chúng ta có thể đạt tới con số "đẹp"- 100% tiến sĩ, nhưng chắc chắn sẽ khó có % tư duy mới, dám đột phá.

Cả xã hội, ngành GD đang cố gắng vùng vẫy thoát khỏi một nền GD “hư học”, thói “hư danh”. Thế nhưng, phải chăng việc dùng người, chính sách cán bộ của chúng ta vẫn phản chiếu rõ cách tư duy rất nặng “hư học”, trọng “hư danh” hơn học thật, làm thật.

Muốn “đột phá” từ khâu tư duy nhưng tư duy quản lý hình như, lại đang có vấn đề?

Kim Dung
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/8097/index.aspx

Những ngộ nhận về học vị tiến sĩ

hinhst10 Hai tuần qua, dù bận đi công tác ở bên Mĩ, tôi vẫn thỉnh thoảng vào mạng đọc báo để theo dõi tình hình trong nước, và thấy nhiều sự kiện mà tôi rất muốn bình luận nhưng vì quá bận rộn nên đành “lực bất tòng tâm” do không có thì giờ. Hôm nay, việc phó hội cũng đã xong xuôi, nên lại có thì giờ để góp nhặt vài lời để gọi là “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Hôm nọ, đọc một tin rất lạ mà thoạt đầu tôi mỉm cười một mình vì nghĩ rằng phóng viên có trí tưởng tượng phong phú quá: đó là bản tin cho biết “Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy ‘quản’ là tiến sĩ”. Nhưng tôi nghĩ sai: phóng viên tường thật hoàn toàn chính xác về chủ trương của chính quyền và đảng ủy Hà Nội, vì hôm sau có một quan chức của Sở nội vụ Hà Nội lí giải rằng cần phải “Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”. Vị quan chức này, với danh xưng tiến sĩ, chính là tác giả của “Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố”.

Nếu xem chủ trương nâng cấp 100% cán bộ diện thành ủy có bằng tiến sĩ thì quả thật ông tiến sĩ này có tư duy đột phá. Nhưng chữ “đột phá” ở đây phải hiểu là phá hoại cái ý nghĩa của học vị tiến sĩ một cách đột ngột. Để hiểu cách diễn giải đó, thiết tưởng tôi có nhiệm vụ giải thích mục tiêu và ý nghĩa của học vị tiến sĩ.

Học tiến sĩ để làm gì ?

Học vị tiến sĩ thường dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Để dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” quốc tế, cũng giống như muốn hành nghề kĩ sư thì phải có bằng kĩ sư. Cố nhiên cũng có một số người tham gia nghiên cứu khoa học dù họ không có học vị tiến sĩ, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ. Do đó, trong quá trình đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải làm quen với những kĩ năng cơ bản như phát hiện vấn đề, cách đặt giả thuyết, thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu (kể cả đo lường), phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu, v.v… Đây là những kĩ năng mà bất cứ một nghiên cứu sinh tiến sĩ nào cũng phải có sau khi xong chương trình đào tạo.

Do đó, để có được học vị tiến sĩ, thí sinh phải làm nghiên cứu khoa học một cách nghiêm chỉnh. Hai chữ “nghiêm chỉnh” ở đây rất quan trọng trong trường hợp Việt Nam, bởi vì rất rất nhiều nghiên cứu khoa học ở trong nước chẳng những không nghiêm chỉnh mà còn phạm quá nhiều sai sót. Điều này cũng có nghĩa là nếu muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị kinh doanh, quản trị hành chính, thì học vị tiến sĩ không cần thiết, và thí sinh không nên tốn thì giờ để đạt được học vị này.

Học vị tiến sĩ dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa bảng. Học vị tiến sĩ là một “chứng từ” để theo đuổi sự nghiệp khoa bảng (academic career). “Khoa bảng” ở đây được hiểu là giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, ở nhiều đại học phương Tây, vẫn có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng cơ hội tiến thân trong các nấc thang khoa bảng ngày nay cho những cá nhân như thế không mấy cao. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đòi hỏi các giảng viên và giáo sư hay các nhà nghiên cứu phải có học vị tiến sĩ. Tại sao? Tại vì họ muốn đảm bảo trường đại học có đầy đủ chuyên gia để giảng dạy các môn học cấp cao và bắt buộc các chuyên gia này phải làm nghiên cứu khoa học. Phần lớn giáo sư đại học có học vị tiến sĩ, nhưng không phải ai có bằng tiến sĩ đều có thể trở thành giáo sư.

Do đó, nếu thí sinh muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị doanh nghiệp, kĩ nghệ và khoa học (như muốn làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các cơ sở khoa học) hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì thí sinh không nên theo học chương trình tiến sĩ, mà nên theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hay quản trị hành chính (MBA – Master of Business Administration). Tôi biết ngày nay có đại học đưa ra chương trình huấn luyện Tiến sĩ quản trị hành chính (Doctor of Business Administration), nhưng mục tiêu vẫn là đào tạo nhà nghiên cứu và giáo sư. Xin nhắc lại: cốt lõi của học vị tiến sĩ, và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác, là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị.

Những ngộ nhận về tiến sĩ

Do đó, chủ trương hướng tiến sĩ hóa cán bộ hành chính thể hiện một sự hiểu lầm về mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Chủ trương này sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều người tìm cách theo học để lấy được một học vị tiến sĩ, nhưng động cơ của việc theo học thì lại quá sai lầm. Những sai lầm về động cơ theo học tiến sĩ, theo tôi, có thể tóm lược trong những ngộ nhận phổ biến sau đây:

Ngộ nhận 1: nhiều người hiểu lầm rằng học vị tiến sĩ sẽ tự động đem lại uy danh cho cá nhân. Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng tiến sĩ đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành nghiên cứu. Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng tiến sĩ. Học vị tiến sĩ mới chỉ là bước đầu vào nghiên cứu khoa học, là một minh chứng rằng người có bằng đó “trưởng thành” trong khoa học, chứ nó (văn bằng tiến sĩ) chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình nghiên cứu nào có giá trị.

Ngộ nhận 2: ý kiến của một cá nhân được nâng cao chỉ vì cá nhân đó có văn bằng tiến sĩ. Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng tiến sĩ trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ. Nhưng niềm tin này chỉ là hoang tưởng. Người có học vị tiến sĩ có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác. Sự kính trọng phải được chứng minh qua hành động và bản lĩnh của người phát biểu, chứ không tự động mà có được qua danh xưng “tiến sĩ”.

Ngộ nhận 3: học vị tiến sĩ là mục tiêu sau cùng trong học hành, nghiên cứu. Học vị tiến sĩ chuẩn bị thí sinh vào sự nghiệp nghiên cứu. Nếu thí sinh chỉ muốn có mảnh giấy để treo trên tường thì không nên theo đuổi học vị tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có cơ hội để so sánh thành quả của mình với các nhà khoa học khác. Thí sinh sẽ nhận thức rằng cái được “tính sổ” không phải là danh xưng hay học vị tiến sĩ, mà là nghiên cứu khoa học do chính thí sinh tiến hành và hoàn tất.

Ngộ nhận 4: học tiến sĩ để gây ấn tượng trong gia đình và bạn bè. Người thân trong gia đình và bạn bè thí sinh có lẽ rất hồ hởi và tự hào khi thí sinh vào học chương trình tiến sĩ, bởi vì họ nghĩ thí sinh sẽ trở thành một ông nghè, một “doctor” trong tương lai. Nhưng văn bằng tiến sĩ chỉ là giấy thông hành cho nghiên cứu, chứ không phải để lấy le với người thân, bạn bè hay với xã hội. Không phải lúc nào cũng đòi người khác phải gọi mình là ông / bà “tiến sĩ”.

Ngộ nhận 5: học vị tiến sĩ là cái cớ để thử trí thông minh. Nhiều người nghĩ rằng học tiến sĩ là một thách thức và họ muốn chơi trò thách thức xem tri thức của mình cỡ nào. Rất tiếc, quan điểm này sai, bởi vì chương trình huấn luyện tiến sĩ không phải để thí sinh cân não hay để thử khả năng tri thức. Ngoại trừ thí sinh dành trọn thì giờ và dấn thân vào học hành để đỗ đạt, thí sinh sẽ không thể nào có được văn bằng tiến sĩ chỉ vì mình “thông minh”. Như nói trên, thí sinh phải làm việc nhiều giờ trong ngày, phải có khi thức đêm trong phòng thí nghiệm hay thư viện, phải chuẩn bị đương đầu với những thất bại, phải chuẩn bị động não để học cái mới và suy nghĩ cái mới.

Ngộ nhận 6: học tiến sĩ để kiếm nhiều tiền. Thí sinh tốt nghiệp tiến sĩ thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh với bằng cử nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng. Xin nhắc lại: học tiến sĩ là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc. Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu. Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học tiến sĩ.

Ngộ nhận 7: học tiến sĩ là một lựa chọn tốt nhất. Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn, và học vị tiến sĩ chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn đó. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đọc phát biểu này, nhưng đó là một thực tế. Thật vậy, đối với nhiều thí sinh, học vị tiến sĩ có thể là một lựa chọn sai lầm! Thí sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường. Thí sinh phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.

Đột phá tư duy ?

Quay lại câu nói bất hủ (“Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”) tôi muốn trích lại lời thuật của Gs Đặng Phong (trong trang blog của Huy Đức) như sau: “Một lần, ông Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đến thăm xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu-Côn Đảo, một điển hình đổi mới lúc đó. Xí nghiệp này khi sắp bị phá sản đành phải mời một ông chăn vịt vốn là người thạo nghề đánh cá hồi trước 1975 làm giám đốc. Ông đòi được toàn quyền ‘khoán’ cho xã viên và xí nghiệp trở nên làm ăn rất hiệu quả.” Gs Đặng Phong kể tiếp: “Sau khi thăm và hỏi chuyện ở Xí nghiệp, ông Viện trưởng Viện Hàn Lâm Liên Xô hỏi các cán bộ ở trường Quản Lý Trung Ương: ‘Các anh có biết bí quyết thành công của ông giám đốc là gì không?’ Và, ông Viện trưởng đáp: ‘Đồng chí ấy thành công vì đồng chí ấy chưa được học qua lý luận’. Đổi mới trong giai đoạn ấy chủ yếu đều bắt đầu từ những nhà lãnh đạo địa phương chưa qua các trường lớp chính quy lý luận.”

Câu chuyện đơn giản trên cho thấy không phải có bằng tiến sĩ mới có tư duy đột phá. Thật ra, những gì gọi là “đột phá” đều phần lớn xuất phát từ những người không bị ràng buộc bởi những lí thuyết, không có bằng cấp đại học (chứ chưa nói đến học vị tiến sĩ). Cứ nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế ở các nước phương Tây thì rõ: có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị có bằng tiến sĩ đâu. Ở nước Úc tôi đang định cư, cựu thủ tướng Paul Keating được xem là một thủ tướng tài ba, một người có tầm nhìn xa và đột phá trong chính sách ngoại giao cũng như kinh tế. Ông Keating được xem là một thủ tướng giỏi, không phải vì ông có bằng cấp cao, mà vì ông biết dùng người có tài. Thật vậy, ông Keating thậm chí chưa tốt nghiệp trung học, nhưng người cố vấn và viết diễn văn cho ông là một chuyên gia có bằng tiến sĩ. Dưới “trướng” của Keating cũng là những cố vấn giỏi, nhưng chỉ có một số rất ít trong nhóm cố vấn này có bằng tiến sĩ.

Do đó, xin đừng sùng bái văn bằng tiến sĩ như là một chứng từ cho sự đột phá tư duy. Thật ra, ngược lại thì đúng hơn: phần lớn tiến sĩ không có tư duy đột phá. Điều này đúng, bởi vì phần lớn (có thể 99%) các nhà khoa học với học vị tiến sĩ chỉ làm việc trong những mô thức (paradigm) thông thường, và mô thức này thường được định hướng bởi những nhà khoa học tiền phong khác.

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam

Các trường đại học Âu châu đã từng đào tạo và cấp học vị tiến sĩ về thần học, luật học, y học trong nhiều thế kỉ qua. Nhưng học vị tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỉ 19. Đến giữa thế kỉ 19, học vị tiến sĩ được du nhập vào Mĩ. Năm 1861, Đại học Yale trở thành trường đại học Mĩ đầu tiên cấp học vị tiến sĩ cho sinh viên. Các đại học Anh cũng theo trào lưu và bắt đầu cấp học vị tiến sĩ từ năm 1919. Từ đó, học vị tiến sĩ trở nên phổ biến trong hầu hết các đại học trên thế giới. Ở Mĩ, chỉ tính riêng các bộ môn y sinh học, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp hàng năm đã tăng từ 5400 năm 1987 đến 7700 năm 1995. Ở Việt Nam, có 144 trung tâm đào tạo và trường đại học cấp học vị tiến sĩ, và mỗi năm các trung tâm này thu nhận vào khoảng 1000 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Theo thống kê thì hiện nay VN có khoảng 6600 giáo sư và phó giáo sư. Vẫn theo thống kê, trong số 48000 giảng viên đại học, có 13% hay 6250 người có học vị tiến sĩ. Như vậy, có lẽ cả nước có khoảng 12000 tiến sĩ (kể cả những “phó tiến sĩ” sau một đêm thành “tiến sĩ”).

Nhưng trình độ của các tiến sĩ này ra sao? Trong bài Cả nước có bao nhiêu tiến sĩ thật, tác giả phản ảnh nhiều khiếm khuyết trong việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Những lem nhem về đạo văn, đánh tráo luận văn, mua luận văn, nhầm lẫn giữa nghiên cứu khoa học và dịch vụ, giải pháp, v.v… Thật vậy, theo bài báo này, trong số 97 đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thì có đến 57 đề tài về giải pháp, không xứng tầm luận án tiến sĩ. Chỉ cần đọc qua vài luận án đã được cấp bằng tiến sĩ, có lẽ chúng ta không khỏi mỉm cười:

"Nhận thức của công chức hành chính về việc sắp xếp lại bộ máy của cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố”.

''Nhận thức của thanh niên nông thôn về chất lượng cuộc sống gia đình hiện nay''.

“Nghiên cứu nhu cầu điện ảnh của sinh viên”

“Phát huy vai trò của tri thức ngành y tế Việt Nam trong công cuộc đổi mới”.

“Lịch sử phát triển giáo dục – đào tạo ở An giang (1975 – 2000)

Đó là chưa nói đến sự lợi dụng chức quyền để có bằng tiến sĩ, mua bán bằng cấp, nghiên cứu ma (giả tạo hay thay đổi số liệu), nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn khoa học hay sai phương pháp, v.v… được đề cập đến với nhiều bức xúc. Trong thực tế, rất nhiều người có học vị này chưa chứng tỏ mình là một nhà khoa học chuyên nghiệp xứng đáng với học vị tiến sĩ, vì họ được cấp học vị qua những cống hiến mang tính hành chính và quản lí hơn là những cống hiến mang tính khoa học và hàn lâm mà một luận án tiến sĩ đòi hỏi. Do đó có người mang bằng tiến sĩ từ nước ta sang Thái Lan để học nhưng chỉ được công nhận tương đương bằng y tá! Đã có người khẳng định rằng có nhiều luận án tiến sĩ ở trong nước không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của một luận án tiến sĩ. Những vấn đề về đào tạo tiến sĩ đã được nêu lên nhiều lần, nhưng hình như vẫn chưa có ai đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ là gì.

Trong bối cảnh như thế mà có quan chức nói đến chuyện có bằng tiến sĩ để có tư duy đột phá!

Như nói trên, học vị tiến sĩ là “giấy thông hành” để làm nghiên cứu khoa học. Sản phẩm quan trọng của nghiên cứu khoa học là bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế. Nhưng với 6600 giáo sư và phó giáo sư, cộng với 6250 tiến sĩ, đáng lẽ Việt Nam phải công bố khoảng (ít nhất là) 6000 bài báo khoa học. Nhưng hiện nay, mỗi năm, Việt Nam công bố được chỉ khoảng 1000 bài báo khoa học. Con số này thấp nhất so với các nước khác trong vùng Đông Nam Á, và chỉ bằng 1/5 Thái Lan và 1/10 Singapore.

Tại sao năng suất khoa học của Việt Nam quá tồi trong khi có nhiều “sĩ sư” như thế? Hiện nay, trong số GS/PGS ở các đại học chỉ có khoảng 1/3 (chính xác là 35%) tham gia giảng dạy đại học. Phần 65% còn lại là các quan chức trong các bộ và sở. Có lẽ con số tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học cũng khoảng 60-65%. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam đã và đang lãng phí nhân lực khoa học ở qui mô rất lớn.

Đó cũng chính là lời giải thích tại sao các quan chức trong các bộ ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, thường có danh thiếp chi chít với những học vị tiến sĩ. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên và thấy khó hiểu là tại sao các bộ, thậm chí sở, có quá nhiều quan chức với văn bằng tiến sĩ như thế, vì ở nước ngoài, hiếm thấy tiến sĩ làm việc trong các cơ quan hành chính. Nhưng nay thì tôi đã hiểu tại sao: vì Nhà nước muốn có những con số ấn tượng về phần trăm tiến sĩ trong đội ngũ cán bộ. Một cách làm đẹp con số thống kê.

Chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính là một cách biến học vị tiến sĩ thành một loại giấy thông hành, một chứng từ, một tiêu chuẩn để tiến thân trong sự nghiệp quản trị hành chính. Chẳng hiểu từ đâu mà có qui định lạ lùng như phải là tiến sĩ mới được làm trưởng khoa trong một đại học, hay được đề bạt lên một chức vụ nào đó trong hệ thống quản trị hành chính. Chính vì qui định này mà không ít trường hợp, người ta đề bạt (hay nói thẳng ra là xếp đặt) người vào vị trí nào đó, rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng tiến sĩ!

Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học vị tiến sĩ thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học.

Nguyễn Văn Tuấn
http://tuanvannguyen.blogspot.com/

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Định hướng xã hội chủ nghĩa

Cần làm rõ khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa”

Vietnamnet - Cập nhật lúc 11:56, Thứ Tư, 23/09/2009 (GMT+7)

Góp thêm ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh 1991, Hội đồng Lý luận trung ương và Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức hôm qua (22/9) hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn”.

Cuộc hội thảo được dày công chuẩn bị trong nhiều tháng qua đã thu hút tới gần 80 tham luận của các chính khách, học giả hàng đầu.

Mắt xích chủ yếu: Nhà nước pháp quyền + chế độ dân chủ

Đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo - GS-TS Nguyễn Văn Nam khẳng định: Các tham luận đều đạt được sự đồng thuận rất cao là “Dân tộc Việt Nam muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài phát triển kinh tế thị trường. Bởi vậy, mô hình kinh tế tổng quát mà Đảng ta xác định với vế đầu là “kinh tế thị trường” hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Tuy nhiên, khi gắn vế sau vào, tức yếu tố XHCN thì phát sinh nhiều quan điểm khác nhau”.

Mô tả ảnh.

Ảnh: LK

Đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, PGS-TS Lê Cao Đoàn phân tích: Điều nhấn mạnh ở đây là việc đổi mới kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập nền kinh tế vào tiến trình phát triển hiện đại của nền kinh tế toàn cầu lúc đầu không phải xuất phát từ hệ tư tưởng mà chịu sự thúc ép và quy định của quy luật tăng sức sản xuất, tăng hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Khi hệ kinh tế Xô viết bất lực trong việc giải quyết các quy luật kinh tế trên thì chính quy luật thép của kinh tế đó giúp người ta vượt qua được vấn đề hệ tư tưởng để đổi mới và phát triển.

Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - GS-TS Trần Ngọc Hiên cho rằng: Sự phát triển của nhà nước pháp quyền và chế độ dân chủ trở thành mắt xích chủ yếu giữa kinh tế thị trường với thể chế chính trị.

Về mặt chính trị, sự phát triển kinh tế thị trường trở thành bước ngoặt kết thúc các chế độ chuyên chế và hình thành chế độ dân chủ. “Không thể coi là đã hình thành nền kinh tế thị trường khi nhà nước chưa ra khỏi tình trạng quan liêu, tham nhũng phổ biến. Không thể coi là đã có nhà nước pháp quyền khi trong xã hội còn thiếu dân chủ và tính tự phát của người dân còn phổ biến”, GS Hiên nói.

Cần làm rõ khái niệm “định hướng XHCN”

Cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - GS Nguyễn Đức Bình ủng hộ khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” nhưng không ủng hộ cách gọi đó là “mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ”.

Lý do, theo GS Bình thì trước hết công thức này quá chung chung, trừu tượng. Kinh tế thị trường có thể hiểu được, chỉ cần ra đường là thấy nhưng định hướng XHCN chẳng thấy đâu. Hơn nữa, quá độ lên XHCN còn bao nhiêu yếu tố cơ bản khác chứ không chỉ là kinh tế thị trường. GS Bình cũng nhấn mạnh: “Kinh tế thị trường tự bản thân nó không mang thuộc tính định hướng XHCN. Trái lại, thuộc tính tự nhiên của nó là tiến lên chủ nghĩa tư bản”.

Không nghĩ như GS Bình, GS-TSKH Lê Du Phong (Đại học Kinh tế quốc dân) nói: Cuối thế kỷ XX, kinh tế thị trường chuyển sang mô hình mới là kinh tế thị trường hiện đại. Đây là mô hình dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến, kết hợp hài hòa giữa bốn yếu tố: thị trường - nhà nước pháp quyền - xã hội dân sự - hội nhập quốc tế sâu rộng. Mục tiêu chung mà nền kinh tế hiện đại hướng đến là sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc, sự giàu có của người dân và sự bình đẳng giữa con người.

GS Phong cho rằng: Vì khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN khó giải thích rõ ràng nên nó làm cho chúng ta không triệt để trong đổi mới tư duy kinh tế. Từ đó, cơ chế, chính sách và các giải pháp tổ chức, quản lý nền kinh tế chúng ta đưa ra không rõ ràng, dứt khoát và minh bạch.

Phát triển bền vững cần có nền kinh tế tri thức

GS Lê Du Phong đề xuất mô hình “Nền kinh tế thị trường hiện đại nhằm đảm bảo dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. PGS Lê Cao Đoàn đồng tình: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh là những giá trị nội tại của tiến trình phát triển toàn cầu, đã và đang được thực hiện trong thực tiễn phát triển”.

Bổ sung cho các ý kiến trên, GS Hiên nói thêm, định hướng kinh tế thị trường phải gắn với xác định mô hình kinh tế theo xu hướng thời đại: định hướng phát triển bền vững, tức là “tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” như đã nêu trong văn kiện (của Đảng - PV).

Xu hướng này nảy sinh trên cơ sở sự ra đời và lớn mạnh của kinh tế tri thức. Vì vậy, muốn đi theo định hướng phát triển bền vững nền kinh tế, tất yếu phải sớm xây dựng nền kinh tế tri thức. Cả hai mặt đó đồng thời phát triển sẽ làm cho mục tiêu chính trị ngày càng hiện thực và mới có sức hấp dẫn.

Theo phân tích của GS Hiên, mô hình công nghiệp hóa dựa vào khai thác tài nguyên và nguồn lao động rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài và dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế đã để lại hậu quả nặng nề về mặt xã hội và môi trường. Đây là mô hình đã lỗi thời, không phù hợp yêu cầu xây dựng nền móng của chế độ mới cũng như xu thế thời đại.

Từ góc nhìn vận động của lịch sử, có thể nhận thấy bản chất kinh tế thị trường nhất định đi đến một xã hội tương lai. đó là xã hội mang bản chất nhân văn, xã hội của sự phát triển tự do và toàn diện của cá nhân mỗi người, xã hội phát triển trong quan hệ hài hòa giữa con người với con người và con người với tự nhiên sau một quá trình lịch sử đầy máu và nước mắt” - GS Trần Ngọc Hiên nhấn mạnh.

Theo Pháp Luật TP.HCM

(Copy từ Vietnamnet http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/09/870053/)

Bắc Triều Tiên & sự thật

Cận cảnh những góc khuất ở Triều Tiên

Vietnamnet Cập nhật lúc 14:43, Thứ Tư, 23/09/2009 (GMT+7)

Nhà báo Italia Piergiorgio Pescali đã ghi lại hình ảnh về những khu vực mà hầu hết những người nước ngoài khác không được phép tới tại Triều Tiên, quốc gia không mấy cởi mở với thế giới.

Ông Italia Piergiorgio Pescali thường xuyên ghé thăm Triều Tiên từ năm 1955. Do mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nên ông có thể tiếp cận những khu vực mà hầu hết những người nước ngoài khác không được phép tới. Trong chuyến đi trở lại Triều Tiên vào tháng 8 vừa qua, nhà báo này đã ghi lại những nơi đó.

Những trận mưa lớn hồi tháng 7 đã làm hỏng 1/2 vụ thu hoạch lúa ở Triều Tiên. Những người nông dân đang cố thu hoạch thóc ướt song chỉ có vài chiếc xe tải là có thể sử dụng. Thiếu xăng và các bộ phận khác khiến các phương tiện vận chuyển này không phát huy được khả năng giúp đỡ người dân.

Những dân làng ở phía bắc Triều Tiên nhặt lúa rơi trong quá trình vận chuyển. Những cảnh tượng như trên là rất phổ biến tại làng quê, cách xa con mắt của các du khách.

Đường sá tại Triều Tiên hầu như không được bảo trì trừ các con lộ nối các thành phố lớn với nhau. Mưa lớn vào các tháng hè gây ra lở đất và càng làm tổn hại thêm đường sá.

Ngôi làng ở phía bắc Triều Tiên bị phá hủy gần như hoàn toàn trong một trận lở đất diễn ra khi mưa lớn. Các cánh rừng gần đó có thể chặn lở đất nếu cây cối không bị dân làng chặt hạ để đốt sưởi.

Lũ lụt và đói kém trong vài năm qua đã khiến hàng nghìn người bỏ mạng. Nhiều em nhỏ trở thành trẻ mồ côi hoặc bị đưa vào trại tế bần ở Bình Nhưỡng do bố mẹ không nuôi nổi.

Rất khó tìm được thuốc men ở các vùng quê và người dân phải trả tiền cho mọi thứ. Người dân phải trả tiền thức ăn khi nằm viện. Không có gì miễn phí.

Trong khi các cửa hiệu tại miền quê trống rỗng thì bạn có thể tìm thấy mọi thứ trong cửa hàng bách hóa tại Bình Nhưỡng, từ tivi LCD của Nhật tới đồ uống Coca Cola của Mỹ. Những cửa hàng này chỉ nhận tiền yen Nhật và đô la Mỹ, do đó, chỉ có rất ít người có thể mua bán tại đây.

Sau cuộc cải tổ năm 2002, thu nhập của người lao động tương ứng với công sức họ bỏ ra. Tuy nhiên, do điện thường xuyên bị cắt nên không thể đảm bảo sản lượng cao. Vì vậy, lương công nhân thường không đủ sống.

  • Hoài Linh (Theo BBC)

(Copy từ Vietnamnet)

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Chuyên gia vơ đũa

(copy từ blog của Cường NBTD)

ongnhom Trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 2/6 năm 2009 có đăng bài của Bà Ngô Ngọc Ngũ Long viết về thế giới Blog. Xin trích một đoạn chính có nói đến hơn 2 triệu blogger Việt như sau:

Nhưng đó cũng là một thế giới ảo mà không ai cần biết mặt ai, không cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, không phải đi theo một trật tự xã hội đã định cho mỗi công dân… Dưới cái nickname, mỗi con người thật của xã hội bỗng trở thành những bóng ma, và vì nó chỉ là bóng ma nên người ta cảm thấy mình có quyền không chịu trách nhiệm bất cứ phát ngôn nào của chính mình, và được hành xử tự do đi theo chất “con” hơn là chất “người”, mặc cho nó tự do phát triển một cách khoái cảm vì được nói văng vít mà luật pháp khó có thể cấm cản.

Người ta ước tính hiện nay có hơn 2 triệu blog cá nhân đang hoạt động tích cực trên thế giới ảo, chỉ mới 3 năm gần đây, nhưng nó đã trở thành một vấn nạn làm đau đầu các cơ quan chức trách. Bước đầu tiên của các blog là những trang nhật ký cá nhân, là những ưu tư, suy nghĩ cần sự sẻ chia… Tâm trạng ấy là dễ hiểu trong thời đại thông tin bùng nổ này, sau những giờ làm việc căng thẳng, về với trang blog của riêng mình, về với thế giới của những người bạn thật và cả những người chưa từng quen biết… chính là nơi chốn để những người trẻ giảm stress… Đó là chưa kể phần lớn trong thế giới học trò, blog còn mode, là thời thượng, ai không có blog sẽ bị coi là lạc hậu. Đó là lý do số lượng blog cá nhân tăng lên đến chóng mặt...

Nhưng vấn đề chính ở đây là một mặt trận đã ngay tức khắc được mở ra dựa vào thời cơ này: Bất kỳ ai cũng có quyền lên blog xuyên tạc sự thật, thách thức trắng trợn cơ quan luật pháp nhà nước mà khó có bức tường nào ngăn nổi (!!). Và từ đó vô số những blog cá nhân với những nickname V.A, T.K, C.W.N, T.D.K, B.L, S.O.H, L.M.P, T.H, T.V.N, T.G.L, C.D.W, B.L cùng một hệ thống nhất quán đã đồng loạt lên tiếng với một chủ trương rõ ràng không hề giấu giếm.

Tùy theo mức độ công khai hay ảo mà có từng mức độ chống phá khác nhau. Nhưng tựu trung cũng cùng mục tiêu: phủ nhận những giá trị lịch sử, truyền thống, kích động giới trẻ phản kháng chế độ. Và ta cũng không ngạc nhiên khi tuy chỉ là một trang blog cá nhân như V.A lại được tôn vinh , cổ vũ trên trang Sanfrancisco Chronicle với tựa đề rất kêu “Bloggers, những dòng máu anh hùng mới ở Việt Nam” với khẳng định: Với hệ thống Internet không dây, đường truyền tốc độ cao có sẵn tại các tiệm cà phê và các trường đại học trên Việt Nam, các blogger đang ngày càng thách thức hệ thống kiểm duyệt và Đảng Cộng sản cầm quyền” và công khai ca ngợi những kẻ chống đối “Họ nổi tiếng nhờ những quan điểm chống đối chính quyền và họ đưa lên mạng những sự kiện không hề xuất hiện trong hệ thống truyền thông của giới trẻ”.

Chưa hết, một trang web nước ngoài đã dựa vào bài viết Diễn biến hòa bình (Peaceful evolution angst) của nhà báo Roger Cohen bằng một kết luận rõ ràng: “Họ (Nhà nước Việt Nam) không sợ cuộc cách mạng long trời lở đất mà sợ sự xâm nhập, mưa dầm thấm đất của nền dân chủ tự do… Chính những hoạt động này có nguy cơ phá hàng rào đỏ của Đảng và thậm chí vào tế bào của hàng ngũ cán bộ…”.

Tưởng không gì rõ ràng hơn nữa. Và rõ ràng nhất là cuộc chiến ấy đang từng ngày từng giờ đánh vào tâm não của gần 20 triệu người ngồi trước máy tính mà trong đó đa phần là giới trẻ... Nhưng tư tưởng giới trẻ hiện nay ra sao vẫn còn là một tảng băng chìm, còn cái trước mắt có thể nhìn thấy rõ nhất đó chính là sự suy thoái biến chất của một số văn nghệ sĩ mà nước ngoài đang tung hô mạnh mẽ tôn vinh họ như là một anh hùng của thời đại…

Đọc xong bài báo, có thể nói là tôi hết sức sửng sốt, kinh ngạc về nhận thức của một BTV có hạng của một tờ báo lớn mà tôi đã từng cộng tác, đã từng yêu mến. Gần đây tôi vẫn theo dõi từng bước đi của SGGP và vui mừng nhận thấy SGGP ngày càng tiến bộ, ngày càng phong phú, xông sáo và đang dần trở thành tờ “báo vùng” của Nam bộ chứ không phải là tờ báo địa phương nữa. Ấn bản SGGP thứ bảy rất sắc nét, sâu ,dễ đọc , đáng quan tâm như tờ Tuổi trẻ chủ nhật của báo TT.Góp phần rất nhiều cho tiến trình đi lên của đất nước ta.

Nhưng, với việc đăng bài báo nói trên của bà Ngô Ngọc Ngũ Long thì tôi hết sức thất vọng.

Tôi mất một đêm để suy xét thật thấu đáo trước khi viết mấy dòng này.

Tôi đặt ra hai giả định.

Một là: đây chỉ là một bài báo bình thường.

Hai là: đây là chức phận tham gia quản lý xã hội trên mặt trận Văn hóa, Tư tưởng.

Tôi kết luận: dù là vế thứ nhất hay giả định thứ hai đều hỏng bét. Không ổn.

Xin có vài lời phần trần ngắn gọn:

Về khía cạnh báo chí : Theo tôi được biết , chỉ nói tại bầu trời Blog Việt thôi, hiện có mặt hàng ngàn nhà hoạt động xã hội (Khoảng gần 300 Tiến sỹ, giáo sư) , đại biểu Quốc hội, Chính trị gia, các chuyên gia Tài chính, Sử học,Khoa học, các nhà báo chân chính, khả kính ( Hà Thạch Hãn, Thu Trang, Lam Điền , Trí Thưc , Trần Bá Phùng, Bố cu Hưng , Đỗ Xuân Bình , Phan Tú v.v…và cả một số nhà báo của báo SGGP, một số nhà văn lớn của VN ) Trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo kể cả tư cách công dân và tư thế ngoài đời đều ở bậc Ngô Ngọc Ngũ Long phải ngước nhìn nhưng Bà dúm tất cả vào một rọ, cho là ma quái, cho là rẻ rúng và có khả năng trở thành phản động hết thảy , bà cho rằng “bất kỳ ai” cũng có quyền xuyên tạc sự thật, chống phá chế độ thì xin Bái phục lá gan hùm của bà !.

Về vấn đề này nếu phân tích dài rộng ra thì phiền lòng người đọc và phải gõ mỏi tay nhưng chỉ từng ấy, đã thấy hành vi vơ đũa cả nắm, ăn nói hàm hồ, trịch thượng vô lối của Bà NNNL đến chừng nào.

Về khía cạnh thứ hai:

Nếu bà được phân công làm đề tài này , làm theo chức phận để tham gia “gìn giữ” mặt trận văn hoá tư tưởng thì bà là một công chức tồi và không hoàn thành nhiệm vụ, vết ẩu, lười tư duy.

Tôi đồng ý với bà rằng: trên bấu trời blog không ít vấn đề cần điều chỉnh, nhưng để có một bài viết đạt hiệu quả mong muốn, để bạn đọc lưu ý và tránh xa những biểu hiện tiêu cực thì phải dụng công lắm, không thể viết theo lối cắm đầu vào bổ báng cho đã những gì mình không ưa và “trăm dâu đổ tất vào đầu…blog” được.

Ví như , là một cây bút báo lớn mà bà “không biết tư tưởng giới trẻ hiện nay ra sao”, còn là “Một tảng băng chìm” thì có thể nói, hình như bà thuộc diện…tiêu cực !.Bà không hề biết rằng, trên nền tảng blog, ngoài các em chơi blog cho vui, có bao nhiêu em dùng blog như một công cụ hữu dụng để học tập, để trao đổi, để làm từ thiện, để rèn giũa kỹ năng CNTT….Với NNNL, tất cả bị cùm vào một rọ tất, em nào cũng ảnh hưởng “diễn biến hòa bình”, em nào cũng cần cảnh giác tuốt !.

Theo tôi biết, nhiều Quốc gia, nhiều danh nhân ( trong đó có Tổng thống Mỹ đương nhiệm) đã dùng chính Blog làm những công cụ hữu ích thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Ở ta, không hiếm những trang Blog như vậy, blog @ ThayPhuong , một nhà giáo của tp HCM là một ví dụ.

Về phương điện giải trí, việc mỗi công dân sau khi đi làm về, vào phòng kết nối với bầu bạn bằng Blog xem ra dễ chịu hơn phải kéo ghế coi những bộ phim dài vài chục tập ,tiêu tốn hết nhiều tỷ đồng mà phải để sẵn cái bô ở gần để phòng nôn ói hoặc nghe những tràng âm thanh xối xả, nhanh như cướp quảng cáo những sản phẩm mà chỉ sau vài tháng người ta đủ biết nó là vô dụng!

Để chống “Diễn biến hoà bình” ( chữ dùng theo cách nói trong bài) chỉ có một cách: đoàn kết, nhất trí, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập hòa bình, dân chủ và giàu mạnh như tiêu chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra vào những năm 60 thì mọi thế lực, mọi trở lực sẽ tan biến chứ chống kiểu bà NNNL thì còn khuya mới hết!.

Blog là một môi trường rất đặc biệt. Nhìn thì nó vô thiên vô địa ( như bà NNN.Long đã nhìn) nhưng nó chịu sự kiểm soát gắt gao của công luận. Sự cọ sát, phản biện rất gay gắt và hiệu quả của các Blogger khác.

Nếu anh cực đoan, anh thiên lệch hay dốt nát mà to mồm ,rộng tiếng sẽ bị phang ngay. Kể cả trường hợp không bị chỉ danh chỉ diện thì sẽ bị miễn tiếp và xa lánh . Hiệu ứng này là dấu chỉ đóng vào chất lượng của mỗi blogger mà cả làng biết và kiểm chứng được, khác hẳn bên báo chí, viết cứ viết, ai đọc thì đọc, đúng sai khó nhận được phản ứng tức thì của dư luận.

Từ đặc điểm này, cũng không nên quá lo (thành ra mất khôn) về những tuyên truyền trái tuyến, trái tai. Tại đây, mỗi Blogger có quyền đọc, có quyền phân định, minh định và có đủ phương tiện trợ giúp để xác tín một vấn đề nào đó chứ không phải hai triệu blogger là hai triệu đứa trẻ nít ai cho củ khoai luộc rồi nói gì nó cũng nghe cả, không nên nhầm lẫn như vậy.

Trang Blog 360 yahoo sắp đóng cửa nhưng ba chục trang khác đang mở ra. Việc mỗi công dân có một trang blog riêng, xét về tổng quan là một nhân tố tuyệt vời góp rất nhiều công vào thúc đẩy những tiến triển cho xã hội . Là nhà quản lý xã hội có 02 việc để làm: Một là học hỏi, rút đúc những gì tinh tú nhất trên nền trời blog. Hai là tìm hiểu sâu, nắm bắt kỹ, làm việc nghiêm túc để nhận biết và hoá giải những biểu hiện độc hại của nó chứ không chống kiểu bà Ngô Ngọc Ngũ Long.

Nguyễn Huy Cường

Đẽo chân cho vừa giày...

Hà Nội sẽ có số tiến sĩ đạt kỷ lục thế giới?
Vietnamnet - Thứ Năm, 17/09/2009

tiensi "Chuyên gia nước ngoài rất kinh ngạc khi thấy đa phần vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng của Việt Nam là tiến sĩ. Tôi không dám cho họ biết là các tiến sĩ thuộc lĩnh vực gì vì đa số là tiến sĩ ma sát bôi trơn, vật lý, chế tạo dao cắt... Nếu biết thì không hiểu họ sẽ kinh ngạc thế nào. Vì điều này trên thế giới chỉ có ở Việt Nam. Đào tạo một đường, đi làm một nẻo", bạn đọc Trần Tân (Hà Nội) viết.

Là người có thâm niên làm việc ở nước ngoài, anh Trần Tân cho hay, nếu chuẩn hóa cán bộ thành ủy quản lý phải có bằng tiến sỹ thì Việt Nam là nước độc nhất vô nhị trên thế giới có kỷ lục này.

Tiến sĩ không mon men chuyện chức tước

Theo anh Tân, chỉ cần lấy số liệu trình độ cán bộ quản lý nhà nước của các thành phố  Singapore, Bangkok, Tokyo, London, Whasington DC là đủ biết tiêu chuẩn này có khoa học không.

"Tiến sỹ là người thuộc những chuyên ngành hẹp về các lĩnh vực nghiên cứu. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước trình độ tiến sỹ, thạc sỹ có số lượng rất hạn chế, chủ yếu giảng dạy trong các trường về chính sách công. Thật nực cười khi tiến sỹ sẽ là cục trưởng cục thuế, giám đốc sở thể dục thể thao, giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn", anh Tân phân tích.

Bạn đọc Danny Nguyen (Úc) cũng góp chuyện, ngay một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đứng hàng thứ ba trên thế giới như Úc nhưng khoảng 300 năm nữa lãnh đạo, cán bộ ở các bang còn chưa dám nghĩ tới đội ngũ của mình sẽ có 50% đạt trình độ tiến sỹ.

Ý tưởng phải chọn lãnh đạo trình độ tiến sĩ trở lên vì chỉ tiến sĩ mới có tư duy đột phá đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi giữa các độc giả tiến sĩ lẫn những người đang là cử nhân, thạc sĩ...  Điều quan trọng là cần phân biệt người có chuyên môn sâu (có thể lấy thước đo học vị) và người làm quản lý.

Theo TS Vũ Anh (ĐH Kiến trúc Hà Nội), những cán bộ do  thành ủy quản lý đều là cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, phó các sở, ban ngành cấp thành phố, lãnh đạo chủ chốt quận, huyện.

Họ đều là những nhà lãnh đạo chính trị. Thước đo đánh giá họ là phẩm chất chính trị, phẩm chất lãnh đạo, với tầm nhìn bao quát, biết tập hợp quần chúng... Như vậy thì họ cần có tư duy đột phá mà không nhất thiết phải có trình độ tiến sĩ.

Trong khi đó, để đạt học vị tiến sĩ đòi hỏi phải có trình độ chuyên sâu trong một lĩnh vực nghiên cứu.

TS Vũ Anh phân tích, người có chuyên môn giỏi chưa hẳn đã là lãnh đạo giỏi. Song ý kiến của họ rất cần thiết để giúp các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách.

Việc "Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ", theo ông Vũ Anh, có lẽ sẽ khiến Hà Nội đạt kỷ lục guiness thế giới về việc có số tiến sĩ làm lãnh đạo.

Không chỉ ông Vũ Anh, nhiều tiến sĩ khác cũng cho rằng không có cơ sở khoa nào cho việc đặt ra mục tiêu "có một không hai" như trên.

Những người đạt học vị tiến sĩ chân chính theo đuổi mục tiêu nghiên cứu khoa học chứ không phải mon men chuyện chức tước.

Theo bạn đọc Danny Nguyễn, người chuyên tâm nghiên cứu khoa học và người làm công tác quản lý, công chức rất khác nhau.

"Những tiến sĩ đích thực thường không hợp với diện Thành ủy và UBND muốn quy hoạch, vì để bảo toàn giá trị thật sự của học vị, người đó phải không ngừng học tập, nghiên cứu trao dồi kiến thức, kỹ năng và tư duy thông qua hội nghị, hội thảo, nghiên cứu... Điều này làm sao có được vì khi thuộc diện quy hoạch Thành ủy, họ đã mất 80% thời gian cho hội họp, học nghị quyết", bạn đọc Danny Nguyễn phân tích.

Trong khi các vị tiến sĩ chỉ am hiểu một vài lĩnh vực chuyên sâu thì đội ngũ cán bộ công chức trong quy hoạch của thành ủy phải là những người có cái đầu tổng hợp, phân tích và đề xuất quyết định. Thậm chí, họ chỉ cần năng lực ứng dụng một cách linh động, khoa học những đột phá của người khác đã là quá đủ.

Luận văn tiến sĩ có gì mới?

Nhiều bạn đọc lo ngại tư duy chọn cán bộ như vậy sẽ chỉ dẫn đến cuộc chạy đua bằng cấp. Các tiến sĩ thay vì tận tâm nghiên cứu  khoa học lại sẽ xem "tiến sĩ" là bàn đạp để thăng tiến. Nếu không thay đổi não trạng "sính" bằng cấp thì các chiến lược cán bộ ngắn hay dài hạn đều vô nghĩa. Chưa kể, bằng tiến sĩ ở Việt Nam liệu đã được thế giới công nhận hay chưa?

"Ở tỉnh, huyện tôi hiện nay, không ít vị chỉ có tấm bằng cử nhân tại chức nhưng rồi không hiểu xoay xở thế nào, vẫn có bằng tiến sĩ kinh tế, tiến sĩ nông nghiệp... Thử hỏi nếu trông chờ các vị ấy đột phá thì đột phá cái gì?", bạn Minh Sơn (Hải Phòng) nêu ý kiến.

Còn theo độc giả Nguyễn Hùng (Thanh Hóa), ở nhiều cấp chính quyền hiện nay đang có chuyện "đẽo chân cho vừa giày".

Bởi, hễ  cứ đặt ra tiêu chuẩn gì thì sẽ có loại hình đào tạo tương ứng. Cán bộ cần hợp thức hóa trình độ cử nhân thì lập tức loại hình đào tạo đại học tại chức sẽ được mở ngay ở địa phương. Để có thạc sĩ cũng như vậy.

"Một phó chủ tịch huyện có trích ngang sau: học xong cấp 2, thêm hai năm bổ túc, 3 năm cao đẳng nông lâm tại chức ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Và hiện nay thì đang theo học ĐH Nông lâm tại chức. Nếu ghế của ông đòi hỏi trình độ cao hơn thì ta có dám tin là sẽ không thể có thạc sĩ  tại chức hay tiến sĩ tại chức?", bạn Hùng thắc mắc.

Nhiều độc giả Hà Nội cũng lo ngại chiến lược cán bộ công chức trọng bằng cấp sẽ dấy lên phong trào chạy đua bằng cấp trong đội ngũ cán bộ Thủ đô.

"Hà Nội luôn dẫn đầu về số cán bộ nhiều bằng cấp, nhưng thực tiễn không được như dân mong muốn. Được biết, một số lãnh đạo hoàn toàn không giao tiếp được bằng tiếng Anh. Nhưng hồ sơ thì đầy đủ chứng chỉ", bạn Vũ Dũng (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ.

Cũng như bạn Dũng, nhiều độc giả thẳng thắn chỉ ra vấn nạn "tiến sĩ giấy" xuất phát từ não trạng sính bằng cấp. Cứ ngồi vừa khít ở một "ghế" nào đó rồi tùy thời cơ để "sắm sanh" thêm bằng thạc sĩ, tiến sĩ tương thích với con đường tiến thân.

Thử hỏi trong hàng ngàn các tiến sĩ hiện nay có bao nhiêu tiến sĩ có đột phá? Luận văn tiến sĩ của họ có bao nhiêu sáng tạo mới mẻ? Chưa kể, đã có tiến sĩ nào phát minh ra máy cắt cỏ chưa hay các phát kiến lao động đều của những người nông dân?

Là công chức làm việc tại Bộ NN&PTNT, bạn Nguyễn Phú Quốc băn khoăn, hiện nay số tiến sĩ, thạc sĩ ở Việt Nam cũng vào hàng cao trên thế giới, nhưng bao nhiêu đề tài ứng dụng được vào thực tiễn? "Ở nước ta, trong 10 thạc sỹ thì có đến 7 thạc sỹ không đọc được tài liệu nước ngoài", bạn Quốc thẳng thắn.

Lê Nhung
(Vietnamnet)

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Một cái tát

Xem qua danh sách các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam ký tên vào bản tuyên bố rất quan trọng này. Chúng ta sẽ nghĩ gì? Trí thức hàng đầu của quốc gia mà còn bị đối xử như vậy? Thế thì đất nước chúng ta sẽ đi về đâu? Thế giới sẽ nghĩ gì về dân chủ và quyền con người của chúng ta? Xin được miễn bình luận.

(http://www.vnids.com/modules.php?name=News&file=article&sid=201)

VĂN PHÒNG IDS
18. Dốc Tam Đa, Tây Hồ, Hà nội
Điện thoại: 844-22178906
Email: vanphong@vnids.com
Tuyên bố của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS
14/09/2009

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc

Tuyên bố của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS

Ngày 24-7-2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Quyết định 97), có hiệu lực từ ngày 15-09-2009.

Viện Nghiên cứu phát triển IDS nhận thấy Quyết định 97 có những sai phạm nghiêm trọng sau đây:

Một là: Điều 2 của Quyết định 97 không phù hợp với thực tế khách quan của cuộc sống.

Khoản 2, điều 2 trong quyết định này ghi: cá nhân thành lập tổ chức khoa học công nghệ “chỉ hoạt động trong lĩnh vưc thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”

Như vậy khoản 2 của điều 2 bao gồm 2 điểm chính là

các lĩnh vực được phép nghiên cứu quy định trong danh mục kèm theo Quyết định, và
không được công bố công khai ý kiến phản biện với danh nghĩa của một tổ chức khoa học và công nghệ.
Về vấn đề danh mục các lĩnh vực được phép tổ chức nghiên cứu:

Cuộc sống vô cùng phong phú, có nhiều vấn đề chưa biết đến, luôn luôn vận động, biến đổi và phát triển, luôn luôn đặt ra những đòi hỏi mới, cần có các quyết sách mới và các giải pháp thích hợp. Vì vậy không thể bó khuôn mọi vấn đề được phép nghiên cứu trong cuộc sống vào một danh mục dù danh mục ấy có rộng đến đâu. Quy định như vậy sẽ bó tay các nhà khoa học, những người nghiên cứu độc lập, hạn chế sự đóng góp của họ vào việc xây dựng chính sách đổi mới và phát triển đất nước.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động sáng tạo nhằm khám phá các quy luật vận động trong tự nhiên và xã hội; từ đó tạo ra công nghệ mới, hoạch định chính sách phát triển và nâng cao dân trí để thúc đẩy xã hội tiến lên. Trong cuộc sống còn có những lĩnh vực, những vấn đề đã trở nên lỗi thời hoặc đã bị vượt qua. Thực tế này cũng là một đối tượng quan trọng của công việc nghiên cứu, nhất là trong tình hình một quốc gia phải ra sức phấn đấu khắc phục tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Trong một xã hội tiến bộ, công việc nghiên cứu với tính cách như vậy không thể đóng khung trong một danh mục gồm các lĩnh vực được quy định như đã nêu trong Quyết định 97.

Trong khi đó, công văn ngày 8-9-2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (thừa ủy quyền của Thủ tướng trả lời thư ngày 6-8-2009 của Viện IDS gửi Thủ tướng) cho rằng cách quy định một danh mục các lĩnh vực cho phép cá nhân được thành lập tổ chức nghiên cứu là thông lệ ở nhiều nước trên thế giới, có nước quy định một danh mục cho phép, có nước quy định một danh mục cấm, hoặc cả hai. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ thì chưa thấy nước nào có quy định danh mục các lĩnh vực được phép nghiên cứu khoa học. Vì vậy cách trả lời trong công văn của Bộ Tư pháp là không trung thực, thiếu trách nhiệm. Cho đến nay, trên thế giới, việc phân loại các lĩnh vực khoa học là để thống kê, so sánh, không thể lấy đó làm căn cứ để quy định các lĩnh vực được phép nghiên cứu. Cách làm như Quyết định 97 sẽ bị dư luận chê cười, làm hại uy tín của lãnh đạo và của đất nước.

Ý kiến trong công văn của Bộ Tư pháp cho rằng Quyết định vẫn để mở, sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung dần các lĩnh vực cho phép, là môt cách biện bạch gượng gạo, bởi vì “cho phép” thì không bao giờ đủ. Không ai có thể “cho phép” đời sống sẽ được phát triển đến đâu. Thực chất với Quyết định này, “cho phép” tức là cấm, và vùng cấm rộng gấp ngàn lần vùng được phép.

Về vấn đề phản biện:

Quá trình đi lên của đất nước chưa có con đường vạch sẵn, cuộc sống có vô vàn vấn đề thuộc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cần được phản biện để có thể xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều ý kiến phản biện về đường lối chính sách bị cất hầu như không có thời hạn trong các “ngăn kéo” của các cơ quan chức năng hoặc của những người có thẩm quyền có liên quan. Có quá nhiều phản biện dưới mọi dạng như kiến nghị, đề nghị, thư, tài liệu nghiên cứu… không bao giờ được hồi âm.

Ví dụ nổi bật nhất là cải cách giáo dục – một vấn đề sống còn của sự phát triển đất nước, một yêu cầu bức xúc của xã hội đang được dư luận và giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm, phản biện công khai sôi nổi từ nhiều năm nay nhằm thực hiện những nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương Đảng về cải cách giáo dục. Tuy vậy, sự phản biện này chưa được đánh giá và tiếp thu nghiêm túc.

Một ví dụ khác gần đây là vấn đề bô-xít, được coi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Sự phản biện công khai, quyết liệt vừa qua của rất nhiều nhà khoa học và các hiệp hội thuộc các lĩnh vực khác nhau đã góp phanà thúc đẩy việc ban hành quyết định ngày 24-04-2009 của Bộ Chính trị lưu ý những vấn đề phải quan tâm trong khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Tuy vậy, còn biết bao nhiêu phản biện quan trọng khác trong vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Trong tình hình nêu trên, cấm các tổ chức khoa học công nghệ do các cá nhân thành lập phản biện công khai như nêu trong Quyết định 97 thực chất là cấm phản biện xã hội, hệ quả sẽ khôn lường.

Khoản 2 trong điều 2 của Quyết định 97 không viết thành văn nhưng hàm ý để ngỏ khả năng: cá nhân được phép phản biện công khai với tư cách riêng của mình. Như vậy, sẽ không thể giải thích:

(a) Tại sao cá nhân thì được phản biện công khai, còn tổ chức, tức trí tuệ tập thể và liên ngành được tập họp để có thể có chất lượng cao hơn, thì lại không? Quy định chỉ cho phép cá nhân phản biện công khai tạo thuận tiện cho việc vô hiệu hóa hay hình sự hóa việc phản biện của cá nhân? Phải chăng quy định như vậy ngay từ đầu đã mang tính chất không khuyến khích phản biện, mà có hàm ý làm nản lòng thậm chí hăm dọa sự phản biện của cá nhân.

(b) Tại sao trong nhà nước pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một văn bản pháp quy có tầm quan trọng như vậy lại có thể được thiết kế như một cái bẫy và để ngỏ khả năng cho việc vận dụng cái bẫy đó?

Hai là: Việc cấm phản biện công khai là phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ.

Cấm như vậy là phản khoa học, bởi lẽ: Bất kể một phản biện nào nếu không chịu sự “sát hạch” công khai, minh bạch trong công luận, sẽ khó xác định phản biện ấy là đúng hay sai, độ tin cậy của nó, sự đóng góp hay tác hại nó có thể gây ra, khó lường được các khả năng sử dụng hoặc lợi dụng việc phản biện này.

Cấm như vậy là phản tiến bộ, bởi lẽ: Người dân sẽ không biết đến các phản biện đã được đề xuất hay các vấn đề đang cần phải phản biện, càng không thể biết chất lượng và tác dụng của những phản biện ấy, không biết nó sẽ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, tiếp thu hay xử lý như thế nào. Phản biện và tiếp thu phản biện không công khai sẽ không thể tranh thủ được sự đóng góp xây dựng từ trí tuệ trong và ngoài nước, hạn chế khả năng sáng tạo tìm ra con đường tối ưu cho sự phát triển đất nước và vứt bỏ lợi thế của nước đi sau. Trên hết cả, cấm như vậy là cản trở việc nâng cao trí tuệ và bản lĩnh của người dân, cản trở vai trò làm chủ đất nước của nhân dân. Cấm như vậy chẳng khác nào biểu hiện chính sách ngu dân.

Cấm như vậy là phản dân chủ, bởi lẽ: Nhân dân – người chủ của đất nước - sẽ thiếu những thông tin để tự mình tìm hiểu, đánh giá mọi vấn đề có liên quan của đất nước mà họ không thể không quan tâm. Cấm như vậy là tước bỏ hay làm giảm sút khả năng của nhân dân giám sát, kiểm tra, đánh giá hay đóng góp xây dựng, hình thành và nói lên các ý kiến của họ, tán thành hay bác bỏ một chủ trương nào đó; trên thực tế là cấm hay ngăn cản quyền của nhân dân tham gia vào công việc của đất nước. Cấm như vậy là ngược với tiêu chí Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ba là: Quyết định 97 có nhiều điểm trái với đường lối của Đảng và vi phạm pháp luật của Nhà nước.

Trước hết, đối với Hiến pháp, điều 2 trong Quyết định 97 vi phạm Điều 53 quy định công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương; Điều 60 quy định công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng tác; Điều 69 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Đối với Luật Khoa học và công nghệ, điều 2 Quyết định 97 không phù hợp với tinh thần của Luật này coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, khuyến khích sự tham gia nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân, Nhà nước đảm bảo và hỗ trợ sự thực hiện những kết quả nghiên cứu, khuyến khích các hội khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức, động viên các thành viên tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ… v.v.

Đặc biệt quan trọng là Quyết định 97 có nhiều điểm trái với tinh thần và nội dung Nghị quyết số 27 - NQ/T.Ư "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" mới được ban hành tháng 10-2008. Nghị quyết này nhấn mạnh thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Việc ban hành Quyết định 97 còn vi phạm khoản 2 và khoản 4 Điều 67 trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là đã bỏ qua trình tự bắt buộc phải công bố dự thảo quyết định trước ít nhất 60 ngày trước khi kí để bảo đảm sự tham gia ý kiến của dân. Trong công văn trả lời Viện IDS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lập luận rằng: quyết định 97 được xây dựng và ban hành đúng luật vì toàn bộ các bước soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định dự thảo quyết định đã được hoàn tất trong năm 2008 khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi năm 2008) phải đến 1-1-2009 mới có hiệu lực. Sự biện bạch này không thể chấp nhận được. Quá trình soạn thảo, thẩm định bắt đầu từ bao giờ, kéo dài bao lâu, là việc nội bộ của các cơ quan hữu trách. Nhân dân, là những người chịu tác động của Quyết định, chỉ có thể biết ngày ban hành chính thức của Quyết định 97 là ngày 24-7-2009, hơn 7 tháng sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực. Như vậy rõ ràng là việc ban hành Quyết định 97 vi phạm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì sao một quyết định quan trọng liên quan đến một lĩnh vực lớn được coi là quốc sách hàng đầu, lại được thực hiện môt cách vội vã và tùy tiện như vậy.

Có thể kết luận, Quyết định 97 nếu được thực hiện sẽ làm nặng nề thêm thực trạng thiếu công khai minh bạch rất nguy hại cho việc xây dựng và thực thi pháp luật, làm trầm trọng thêm tình trạng tụt hậu hiện nay của đất nước.

** *

Trong gần 2 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu phát triển IDS đã làm được một số việc có ích cho đất nước, đóng góp ý kiến xây dựng đối với một số vấn đề hay chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội, đặc biệt là giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Mọi hoạt động của Viện IDS từ ngày thành lập cho đến nay đều tiến hành đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên trong thời gian qua, tồn tại dai dẳng một số nhận xét sai lệch của cơ quan an ninh về Viện IDS, thậm chí cho rằng Viện nhận tiền của nước ngoài và có hoạt động chống đối Nhà nước… Ngày 16-01-2009 Viện IDS đã có thư gửi các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nêu rõ quan điểm của Viện về những nhận định sai trái này, song tiếc rằng cho đến nay bức thư này của Viện chưa nhận được bất kể một hồi âm nào.

Ngay sau khi có Quyết định 97, Hội đồng Viện IDS đã thảo luận, phân tích những chỗ sai cả về thủ tục và nội dung của quyết định này. Với ý thức tôn trọng Chính phủ và Thủ tướng, và để biểu thị thiện chí của mình, Hội đồng Viện chúng tôi nhất trí chưa bày tỏ ‎ý kiến công khai mà trước hết gửi thư ngày 6-8-2009 nêu rõ với Thủ tướng những chỗ sai của Quyết định 97 và kiến nghị cách giải quyết nhằm tránh các hệ quả bất lợi về nhiều mặt.

Sau khi gửi thư, đại diện của Hội đồng Viện được mấy vị lãnh đạo mời gặp, riêng Thủ tướng mời gặp hai lần; nhân dịp đó chúng tôi trình bày rõ thêm và trao đổi ý kiến thẳng thắn về những nhận xét và kiến nghị đã nêu trong thư.

Viện IDS đã kiên tâm chờ đợi. Ngày 11-9-2009, Chủ tịch Hội đồng Viện IDS được Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng mời đến VPCP và trao cho hai văn bản. Một là công văn số 3182/BTP-PLDSKT ngày 8-9-2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng trả lời Hội đồng Viện Nghiên cứu phát triển IDS về những điều nêu trong thư của Viện gửi Thủ tướng ngày 6-8-2009. Hai là công văn số 1618/TTg-PL ngày 10-9-2009 của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP thừa ủy quyền của Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và công nghệ ra văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định 97 và thu thập ‎ kiến để kiến nghị bổ sung danh mục ban hành theo quyết định này.

Hai công văn này cho thấy tất cả các kiến nghị của Viện IDS về Quyết định 97 đều không được chấp nhận.

Toàn viện IDS và từng thành viên đã hết sức đề cao tinh thần trách nhiệm công dân, ý thức kỷ luật và thiện chí, nhưng những cố gắng đó đã không được đáp ứng.

Trước tình hình như vậy, với một quyết định hạn chế đến mức vô lý quyền nghiên cứu của một tổ chức khoa học, Viện nghiên cứu phát triển IDS không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi vào Điều lệ của mình. Chấp nhận hoạt động theo Quyết định 97, viện IDS và các thành viên sẽ không thể làm đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng về trí thức mới ban hành, đồng thời không thể làm tròn trách nhiệm công dân và nghĩa vụ người trí thức của mình.

Ngày 14-09-2009, Hội đồng Viện IDS đã họp phiên toàn thể, quyết định tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97. Quan điểm của Viện chúng tôi được trình bày trong tuyên bố này và được công bố kèm theo các tài liệu liên quan[1]. Chúng tôi cũng giữ quyền sử dụng tiếp các công cụ pháp lý để bảo vệ sự trong sáng của luật pháp.

Làm tại Hà Nội ngày 14-09-2009

Các thành viên Hội đồng IDS đã ký

Tên thành viên
1- Hoàng Tụy, Chủ tịch Hội đồng Viện IDS
2- Nguyễn Quang A, Viện trưởng
3- Phạm Chi Lan, Viện phó 
4- Lê Đăng Doanh
5- Chu Hảo
6- Phạm Duy Hiển
7- Vũ Quốc Huy
8- Tương Lai
9- Phan Huy Lê
10- Nguyên Ngọc
11- Trần Đức Nguyên
12- Trần Việt Phương
13- Nguyễn Trung
14- Phan Đình Diệu
15- Vũ Kim Hạnh
16- Huỳnh Sơn Phước

--------------------------------------------------------------------------------
[1]Các tài liệu gửi kèm:
1. Thư ngày 6-8-2009 của Viện IDS gửi Thủ tướng và các vị lãnh đạo
2. Công văn trả lời IDS số 3182/BTP-PLDSKT của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
3. Văn thư ngày 16-1-2009 của IDS gửi các vị lãnh đạo và Thứ trưởng Bộ Công An

(Theo Văn phòng IDS)

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Kỳ 2: Biển động

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

Tình hình tại biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng vào ngày 11-1-1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Trong các ngày kế tiếp, phía Trung Quốc bất ngờ đổ người lên các đảo của Việt Nam. Đến ngày 15-1-1974, quân Trung Quốc đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond)...

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc, đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ lãnh thổ. Và trận hải chiến Hoàng Sa đã nổ ra ngày 19-1-1974.

TT - Tác giả câu chuyện này là người đã có mặt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 35 năm trước: ông Lữ Công Bảy - quân nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Sau ngày giải phóng 1975, ông Bảy vẫn ở lại VN, phục vụ trong lực lượng hải quân quân đội nhân dân VN. Hiện ông là nhân viên bảo vệ của Đài truyền hình VN tại TP.HCM.

Khi tôi ghi lại những dòng hồi ký này, sự việc đã xảy ra 35 năm (1974 - 2009). Đã 35 năm trôi qua, những gì tận mắt tôi đã chứng kiến, những gì tôi đã trực tiếp tham gia trong trận hải chiến với hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974 vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.

Lúc bấy giờ tôi là thượng sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (chiến hạm tối tân nhất của hải quân Sài Gòn thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân.

Với chức danh đó, lúc nào (trong nhiệm sở tác chiến hay hải hành) tôi đều phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy, thường xuyên bên hạm trưởng Vũ Hữu San (trung tá hải quân). Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm, đồng thời nhận và chuyển những tài liệu bằng đèn và cờ.

Hôm ấy, ngày 16-1-1974, gió mùa đông bắc thổi mạnh trên biển Đông. Biển động mạnh. Chiến hạm chúng tôi đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến cù lao Ré (đảo Lý Sơn). Đây đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển. Chỉ còn một ngày nữa chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghỉ bến, anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền.

Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ trung tâm truyền tin đưa lên đài chỉ huy một công điện thượng khẩn: lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng. 17 giờ tàu về đến quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Hạm trưởng San và đại úy Diên - trưởng khối hành quân, được lệnh lên họp khẩn cấp ở trung tâm hành quân Bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải. Từ trung tâm hành quân, hạm trưởng điện về tàu lệnh cho ban ẩm thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực).

20 giờ hạm trưởng San về tàu. Lệnh cấm trại 100% được ban ra. Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và nước ngọt. Đến 21g, hai chiếc xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược xuất hiện. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân mặc quân phục lạ lùng. Sau một hồi dọ hỏi tôi mới biết đây là lực lượng biệt hải. Tôi được lệnh từ đại úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa. 23g, tàu khẩn cấp rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa. Tôi cảm giác có một chuyện gì lớn lao sắp xảy ra.

Ngày N+1

11g30 ngày 17-1, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa. Trước đó ngày 16-1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do hải quân trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt tại Hoàng Sa.

HQ-4 tiến gần đảo Vĩnh Lạc. Còi tác chiến vang lên, tất cả thủy thủ đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. 14 giờ, trung đội biệt hải được lệnh rời tàu trên ba xuồng cao su, 20 phút sau trung đội biệt hải đã đổ bộ lên rìa đảo an toàn và nhận lệnh tiến sâu vào đảo lục soát.

Báo cáo từ đoàn quân gửi về: không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước.

Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ giả lên, hóa ra chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo mà thôi. 16g30, lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Đến buổi chiều, phòng chiến báo theo dõi qua hệ thống rađa tầm xa đã phát hiện hai mục tiêu trên biển đang di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa. Từ nóc đài chỉ huy, các bộ phận quan sát bằng ống nhòm đã nhìn thấy hai tàu chiến lạ. Trung tâm chiến báo được lệnh theo dõi và báo cáo thường xuyên mọi hoạt động, hướng đi, khoảng cách của hai tàu trên.

Đêm 17 rạng 18-1 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Còi nhiệm sở tác chiến báo động suốt đêm. Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu cảnh cáo: Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay! Phía Trung Quốc đáp trả, cho rằng Hoàng Sa là của họ.

Ngày N+2

Sáng 18-1, chiến hạm HQ-4 của chúng tôi tiến về đảo Cam Tuyền. Lúc 8g, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

Đến 11g, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa, tàu HQ 4 và HQ 16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, tàu HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi nhưng cả hai tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích.

Tàu HQ-4 tiến thẳng đến một tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc. Trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm. Tàu được trang bị hai thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), ngoài ra có rất nhiều súng AK 47. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi.

Hai bên đánh nhau bằng... võ mồm. Thấy không tác dụng, tàu HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng vào tàu Trung Quốc, mũi tàu HQ-4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của hải quân VN, họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.

Cũng trong sáng 18-1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do trung tá hải quân Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng được lệnh tăng cường ra Hoàng Sa. Cùng đi trên HQ-5 có đại tá Hà Văn Ngạc, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngoài ra, đi theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của hải quân).

Lúc 15g30 chiều 18-1, lệnh đại tá Ngạc cho ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng. Khoảng 16g, có hai tàu chiến Trung Quốc bắt đầu khiêu khích, cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được vì các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng.

Đêm 18 rạng ngày 19-1, tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Tình hình dịu hơn khi tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc.

Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng đã ra chi viện cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

LỮ CÔNG BẢY

Kỳ 1: Hoàng Sa trong ký ức một đảo trưởng

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

TT - Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Bây giờ nhắc lại, mắt họ rưng rưng, tim họ nghẹn lại khi Hoàng Sa vẫn còn trong tay nước ngoài.

Từ số báo này, Tuổi Trẻ đăng tải hồi ức của những người từng canh giữ biển trời Hoàng Sa 35 năm trước. Thời gian dài trôi qua, nhưng những gì tận mắt họ chứng kiến, những gì họ trực tiếp tham gia không thể phai mờ trong tâm trí.

Cách nay đúng 40 năm, ông Nguyễn Văn Đức đã cùng các cộng sự vượt trùng dương đến với Hoàng Sa. Nhiệm vụ của ông là canh giữ biển trời Tổ quốc với chức vụ là đảo trưởng theo lệnh của Bộ chỉ huy biệt khu Quảng Đà. Lúc đó ông vừa tròn 22 tuổi, là một trong những đảo trưởng trẻ nhất từng làm nhiệm vụ trấn giữ tại quần đảo Hoàng Sa.

1. Mái đầu ông Nguyễn Văn Đức đã điểm muối tiêu của tuổi ngoài 60. Hỏi ngày nào đáng nhớ trong cuộc đời của mình, ông trả lời không chút đắn đo: “Đó là ngày 14-10-1969, tôi nhận được tờ sự vụ lệnh biên chế về trung đội Hoàng Sa ra đảo làm nhiệm vụ dưới chức danh đảo trưởng”.

Buột miệng hỏi ông về những lo lắng trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, ông phản ứng: “Tại sao phải lo lắng? Đó là đất của cha ông mình để lại, là máu mủ thân yêu của Tổ quốc nên chúng tôi ra đi như lẽ bình thường, hiển nhiên. Chẳng có chút gì phải lo sợ khi chúng tôi đi trong tâm thế của một người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi”.

Một ngày cuối tháng 10-1969, ông Đức cùng trung đội Hoàng Sa gồm 34 người và bốn nhân viên khí tượng rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ. Sau hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, Hoàng Sa thân yêu hiện dần lên trước mắt ông.

Ông Đức nhớ lại: “Lúc đầu biển khá êm, nhưng khi rời đất liền được khoảng hơn 100km thì sóng lớn dần. Từ xa Hoàng Sa hiện lên giữa nền xanh của đại dương. Bao bọc quanh Hoàng Sa là những rạn san hô rộng lớn, vì thế chúng tôi không thể cặp tàu vào được mà phải dùng canô để chuyển quân và quân trang vào đảo. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8m, tường dày 2m dành cho đảo trưởng.

Trong phòng làm việc của đảo trưởng có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của chúng tôi đã được ghi lên đó, đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt. Xung quanh đảo là những rừng cây, tuy không to lớn nhưng cũng đủ để che chắn nắng gió cho lính đảo. Hình ảnh lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất tuyệt đẹp của Tổ quốc nơi xa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên. Xúc động lắm”.

2. Ông Nguyễn Văn Đức kể: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đo đạc, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu thông trong vùng. Trang bị vũ trang lúc ấy không nhiều, chỉ có hai khẩu đại liên 50mm nhưng anh em vẫn kiểm soát được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tàu bè quốc tế ngang qua đều tôn trọng chủ quyền của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp bão tố. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng canô đi qua các đảo lân cận để chơi vì cảnh quan ở đây rất hữu tình. Đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan, đảo Drumond... chúng tôi đều đã đặt chân đến”.
Tờ sự vụ lệnh quyết định điều chuẩn úy Nguyễn Văn Đức làm đảo trưởng Hoàng Sa tháng 10-1969 trong đợt thay quân thứ 38 của quân đội chính quyền Sài Gòn tại Hoàng Sa - Ảnh: Thế Anh

Trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gắn bó với mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, cựu chuẩn úy Nguyễn Văn Đức kể tiếp: “Khi thủy triều xuống, cả rạn san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Mỗi khi nhớ đất liền, anh em lại lấy vài cành san hô bỏ vô chậu, bắt vài con cá nhỏ ngồi ngắm nghía bên tách cà phê đen. Có sống ở đảo mới thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ. Thời tiết ở đây khá ôn hòa nhưng gió mạnh lắm, nhiều khi anh em bị gió đẩy ngã sóng soài. Tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em thấy vui và hãnh diện khi được trấn giữ biển đảo quê nhà”.

Ông nói có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió.

Ông kể: “Mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như được gần lại. Hơn nữa, mùi nhang khói như gợi lên những tiềm thức về quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại. Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.

Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo. Có một điều là chúng tôi không phân biệt địch ta khi họ đã ngã xuống, mỗi ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên những nấm mồ hoang. Có lẽ đó là một nét đặc biệt của người Việt mình, là một hành xử đầy tính nhân văn, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” mà mỗi người Việt chúng ta còn lưu giữ được từ dòng máu Lạc Hồng!”.

3. Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa - một phần máu xương của Tổ quốc VN, là ngày ông Đức cảm thấy đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ông xúc động kể lại: “Khi hay tin Hoàng Sa bị quân Trung Quốc tước đoạt bằng vũ lực, tôi đau đớn đến mức nước mắt không thể chảy được, lòng dạ như ai xát muối. Tôi biết ngoài kia những đứa con của đất Việt sẽ phải đổ máu vì quê hương. Tôi đau vì một mảnh đất tuyệt đẹp và giàu có của nước nhà đã bị ngoại bang vô cớ cướp đoạt. Đó là nỗi đau của một người con đất Việt!”.

Là một người từng học và hiểu biết về luật quốc tế, ngay trong ngày Hoàng Sa bị chiếm đó ông đã âm thầm lục tìm lại những tài liệu liên quan, gói ghém cẩn thận nhằm làm bằng chứng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Đó là tờ sự vụ lệnh đã nhàu nát và úa vàng vì thời gian.

35 năm sau, ông Đức quyết định liên hệ với chính quyền và báo Tuổi Trẻ để cung cấp những bằng chứng quý báu đó. Có lẽ những ai quen biết ông đều không mấy khó hiểu về hành động yêu nước của ông khi biết trong ngày 30-4-1975, ông đã từng xuống tàu để rời Việt Nam, nhưng trong một tích tắc của thời khắc lịch sử ông đã nhảy lại lên bờ, bởi ông biết không nơi đâu bằng quê hương.

Ông Đức lần giở lại tờ sự vụ lệnh năm nào rồi nói: “Chừng nào Hoàng Sa vẫn còn trong tay ngoại bang thì niềm vui vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn được. Tôi sợ rằng lớp trẻ sẽ quên mất Hoàng Sa, sẽ quên mất một phần máu thịt của Tổ quốc, sẽ quên mất rằng có rất nhiều người con của đất Việt đã ngã xuống vì Hoàng Sa trong ngày đáng nhớ 19-1-1974”. Có lẽ đó không chỉ là điều trăn trở của riêng ông.

THẾ ANH

(còn tiếp)

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Những bức tường

buctuong Cuộc đời con người quả thật có lắm bức tường phải vượt qua, và không phải lúc nào mình cũng đủ bản lãnh và cơ hội để vượt qua được. Nhân mấy ngày nay tìm đến một vài trang web cũ định xem thì thấy bị tường lửa chặn lại nên đâm ra ý muốn viết đôi dòng về đề tài bức tường này, tất nhiên không chỉ là tường lửa trên net thôi mà còn vô số bức tường khác hiện hữu trong đời, có bức tường như rào cản thách thức ta vượt qua để chiến thắng, để khẳng định mình, nhưng cũng có một số bức tường như những vật cản cần thiết giúp ta nhìn lại mình, dừng lại đúng lúc để khỏi sa chân vào cạm bẫy cuộc đời đang giăng mắc tứ phía là vậy.
Internet là kho kiến thức vô tận của nhân loại và nhờ nó mà chúng ta được nối kết chia sẻ với nhau, học hỏi cùng nhau và vui buồn có nhau. Không dễ gì trên đời này có môi trường nào thân thiện và đáng quý như thế đâu, thế mà thỉnh thoảng trang này bị chặn, trang kia bị chặn. Đối với những kẻ tay mơ chỉ biết vào Internet thỏa mãn nhục dục bằng những trang web đen hoặc vào net để sát phạt nhau trên những trò chơi đỏ đen thì không nói làm gì, kiến thức tin học của họ có những khoảng trống nhất định vì sự sa đọa thành thói quen nên tư duy sinh ra lú lẫn, việc dùng tường lửa chặn thì họ chịu ngay, nhưng đối với sinh viên học sinh và những thành phần trí thức khác, việc giăng tường lửa để chặn chỉ là trò trẻ con, vì những người này có thể vượt một cách dễ dàng chỉ bằng vài cú click chuột. Đành rằng việc theo dõi và quản lý tư tưởng con người là chuyện của những người quản lý, nhưng ăn lương nhà nước mà làm những chuyện vô bổ như thế tôi thấy thật là tiếc, vì chặn người ta cũng vào được thì chặn làm gì cho nhọc công? Hãy để thời gian làm những chuyện khác có ích hơn là giăng hàng rào ngăn cản sự tiếp thu kiến thức của con người. Vô tình lợi bất cập hại, trước nay ít người biết cách vượt tường lửa thì ngày nay hầu như toàn thể cộng đồng net ai cũng biết, đối với nhà quản lý thì rõ ràng việc này chẳng lợi tí nào rồi. Điều cần chặn đó là những trang web đen đến tởm lợm đầy dẫy trên net, nếu như chặn được thì chắc chắn xã hội sẽ bớt đi những tên ham tìm thú vui nhục dục trên mạng, trẻ em cũng khó bị sa chân vào đó. Thế có phải tốt hơn không?
Vậy đấy, tường lửa thì đâu có gì khó để vượt qua, nhưng còn biết bao nhiêu bức tường khác trong đời nữa? Những bức tường danh vọng hão huyền giăng trước mặt ta vô cùng hấp dẫn và cám dỗ, khiến không ít người quên đi ý thức đạo đức, cắm đầu lao vào vui chơi nịnh bợ sếp, gái gú em út cùng sếp để tìm cách thăng quan tiến chức, moi của bên này moi tiền bên kia, nịnh trên đạp dưới để quyết bằng mọi cách giành lấy một cái ghế nào đó. Sau khi vượt qua được tường cản để giành ghế, chắc chắn đương sự sẽ bòn rút của công hoặc của dân nghèo mà thu gom lại để bù vào túi mình một cách trơ trẽn. Chuyện này xảy ra như cơm bữa và những bức tường như thế này thường dễ vượt, vì đồng tiền có sức mạnh ghê hồn có thể đánh bạt mọi thứ.
Nhưng giá như có những bức tường dựng bằng những viên gạch chân chính thì hay biết mấy nhỉ? Không ít người trong đời chỉ vì một chút men say mà sa chân vào tội lỗi, ấy là tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tội lỗi của riêng mình thôi, chứ không nói đến biết bao tội lỗi trên đời nhan nhản trong xã hội, thứ tội lỗi riêng này có thể hủy hoại danh dự và niềm tin yêu của ta và gia đình ta. Vì thế nên tôi đề cập đến những bức tường đích thực là lửa này để chặn ta lại khi cần thiết, để ngăn ta hãy trở lại với những gì ta gọi là nhân cách, là phẩm giá, là danh dự... Cách đây cũng khá lâu, tôi bị bạn bè dụ khị đưa vào ánh đèn mờ của thế giới về đêm, biết rằng bạn bè chỉ vui thôi chứ không phải muốn tôi bị gạt và ép tôi làm những gì không thích, nhưng khi nhìn thấy một cô gái sà vào bên mình khi vừa ngồi xuống, tôi rùng mình, chẳng phải mình đạo đức gì lắm đâu, nhưng nhìn cô, tôi nghĩ đến con gái mình nên lặng cả người đi, quả thật bức tường luân lý đã xây lên kịp thời để cho tôi khỏi sa chân vào cạm bẫy, tôi nhẹ nhàng từ chối và chỉ mời cô uống nước như hai người bạn, có người cho là hâm, có người cho là đạo đức giả, nhưng quả thực nhờ bức tường đó mà tôi dám nhìn thẳng vào mặt vợ tôi với một nụ cười chân thật, dám nhìn thẳng vào mắt con tôi để dạy cho chúng biết thế nào là sự trung thực và chân chính là vậy.
Thế đấy, giá như trên đời có những bức tường ngăn ta lại trong lúc cuồng say, chặn ta lại lúc ta tham lam, cho ta tựa vào những khi ta thất vọng, chặn đứng ta trước sự xằng quấy và vô luân thì hay biết bao nhiêu. Hoặc giả như có những bức tường kiến thức sừng sững trước mặt như thách thức ta biết học hỏi mà vượt qua, những bức tường luân lý và đạo đức giúp ta vượt qua để vươn đến những giá trị nhân bản... Có được những bức tường như thế thì hay ho biết bao nhiêu, hơn là những bức tường lửa trẻ con chỉ tổ phí thời gian vô ích. Tuy vậy, tường nào cũng có thể vượt được và cũng có thể chặn ta lại được. Vượt hay chặn đó là ý thức từ chính nơi ta thôi.