Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008

Chân quê

Tối hôm qua trời lắc rắc mưa, tiếng lóc cóc đều đều gõ trên mái nhà trong một đêm vắng lặng của thị trấn nhỏ này nghe cũng ấm lạ, chẳng qua là mùa mưa đã bắt đầu rồi. Khác với khung cảnh náo nhiệt ở thị thành, mưa đầu mùa ở thị trấn nơi tôi sống có vẻ nhẹ nhàng và êm đềm hơn, không khí mát hơn hẳn, vì thị trấn này mới mở, vừa mang dáng dấp thị thành để mình nét niếc thoải mái, và cũng vừa mang dáng dấp thôn quê để mình căng võng sau vườn mà ngủ trưa là vậy, mưa rả rích nghe cũng hay nên chẳng thèm đi đâu chơi, ngồi nhà xem TV cũng là một cái thú.
Tôi vốn hay xem chương trình thời sự, trong nước cũng như ngoài nước, vì mình ngồi một chỗ vẽ truyện quanh năm suốt tháng mà không cập nhật cái khoản thời sự này e rằng cái tầm mắt nó đơ đi, do vậy mà tôi hay xem thời sự là vậy. Bỗng đâu một bản tin phóng sự làm tôi vừa buồn và vừa thấy phản cảm, chẳng biết có ai còn nhớ không, nhưng cái lời bình của phóng sự Giữ gìn Vệ sinh an toàn thực phẩm ở TPHCM thì tôi nhớ mãi, ai đời một nhà đài HTV9 như thế, khi đề cập đến sự nhếch nhác trong mua bán thực phẩm tại các chợ trời dọc theo các khu chế xuất, mà cụ thể là khu chế xuất Linh Trung, bình luận viên bảo rằng, sự nhếch nhác đó là do việc thôn quê hóa thành thị?! Tôi không nhớ rõ toàn văn, nhưng đại khái là như vậy, nghe qua thấy sao mà buồn thế! Hóa ra những sự lôi thôi, nhếch nhác, dơ dáy, kém an toàn là phong cách của người dân quê chúng tôi hay sao? Thế còn dân thành thị văn minh sạch sẽ lắm chắc? Tôi nghĩ sự sạch sẽ và dơ dáy thì ở đâu cũng có chứ không phân biệt thôn quê hay thành thị, chứ nhà đài nói như vậy thì những người ở quê buồn lắm, chúng ta vẫn hô hào tìm lại chốn xưa, tìm về thôn quê để đừng quên cái gốc cái gác, thế mà chê rõ ràng ra là cái văn hóa quê mùa nó không được sạch đã len vào thị thành hay sao? Các học giả ngày xưa rất bất bình khi thời thuộc địa Pháp đâu đó có dùng chữ "le nhaque" (đọc bằng lơ-nha-cờ hoặc lơ-nhà-quê cũng được) để chỉ sự ngu ngơ khờ khạo, quê mùa dốt nát của dân quê, thế mà ngày nay chúng ta lại xem sự dơ dáy trong cách ăn ở tại thành phố là do dân quê đưa về, vô hình trung chúng ta phân biệt còn hơn thực dân Pháp nữa sao? Nghe qua mà quá buồn là vậy.
Chốn Quê Nhà cho dù quê mùa cách mấy đi nữa cũng là cái gốc của con người, cần phải biết nâng niu và quý trọng thì mới xứng đáng là một con người có gốc gác chứ không phải từ dưới đất chui lên hay từ đường cống thành thị mà chui ra đâu. Tiến sĩ Trần Đại Nghĩa, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và cả Bác Hồ nữa... không phải cái gốc từ quê mà ra đó hay sao? Sao nhà đài lại nói nghe đau đáu như thế nhỉ? Cái chân quê trong chúng ta ai mà không có? chỉ nguyên cái từ "chân" thôi cũng đã là quá rõ, sự chân chất, mộc mạc của dân quê quý lắm chứ, sao ta không nhắc đến trong một xã hội thị thành nhiều cạm bẫy và bợ đỡ này, thế mà chưa chi đã vội bảo thôn quê hóa thị thành nên mới nhếch nhác như vậy. Xin thưa tôi cũng là dân quê đây, và biết bao người khác cũng từ quê mà vươn lên thị thành bằng chính đôi tay và trí óc, chứ không phải bằng gốc gác con cha cháu ông và sự bợ đỡ hối lộ đâu.
Mong rằng những lời bình như thế này đừng bao giờ xảy ra nữa để thị thành hay thôn quê đều biết hòa quyện vào nhau, nâng đỡ nhau mà vươn lên, vì sự tốt xấu, sạch dơ thì ở đâu cũng có, do chính chúng ta tạo ra chứ hoàn toàn không phải do "gốc gác" của chúng ta tạo ra đâu. Xin hãy nhớ kỹ điều đó để đừng làm những người chân quê như chúng tôi thêm đau lòng là vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.