Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2008

Quê nghèo

Có một đôi người trên blog gọi tôi bằng Chú già dễ mến. Cũng có đôi ba người bảo tôi rằng thấy chú rất chân thật.
Không, tôi chẳng phải là chú già dễ mến đâu! Lắm lúc tôi rất khó ưa!
Tôi cũng chẳng chân thật lắm đâu! Nhiều khi tôi cũng rất láo toét!
Láo gì thì láo, giấu gì thì giấu, chứ chẳng bao giờ tôi giấu hoặc nói láo về gốc gác của mình và cái sự học của mình.
Sự học thì tôi đã nói ở các entry trước rồi, tôi đang theo học cái trường đời ấy đấy, học rất chăm nhưng chẳng biết khi nào tốt nghiệp được. Thôi thì đợi lúc xuống lỗ vậy. Khi ấy thì chắc chắn tốt nghiệp rồi, thành một ông Tiến sĩ ma bờ-lốc bay dật dờ đâu đó... :D
Gốc gác cũng thế, tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, nghèo đến nỗi có đứa đi học mẫu giáo mà vẫn còn ở truồng đấy, chẳng hề biết mắc cỡ là gì vì nhìn quanh hầu hết đều như rứa cả. Quê tôi ở miền Trung, mùa đông thiếu áo, hạ thời thiếu ăn là vậy đó. Tết nhất chỉ biết đổ bánh in và bánh thuẫn (một loại bánh bông lan nhỏ) sau đó đem phơi khô để ăn cho được lâu, và ai muốn ăn nhiều cũng không được, vì ăn nhiều thì nghẹn cổ, nuốt không trôi. Nhớ lại mà muốn rơi nước mắt khi thấy con cháu mình ngày nay quá sung sướng, Tết nhất ăn uống thừa mứa phải đem cho, thậm chí có cái phải đem đi đổ. Rớt nước mắt vì tiếc mà cũng rớt nước mắt vì mừng cho con cháu mình ngày nay qua được cái sự cơ cực đó.
Hôm qua đi Sài Gòn về, có cháu H là một ca viên trong ca đoàn của tôi ra thăm quê hôm Tết nay trở về, ghé thăm biếu cô chú ít quà, trong đó có một bịch kẹo đậu phụng bánh tráng theo kiểu người Trung (cũng có nơi gọi là đậu phộng).
Nhận quà, tôi cảm động vô cùng, vì đã lâu không nếm lại cái kẹo đậu phụng này. Ngày nay chúng ta ở đây thừa mứa bánh kẹo đậu phụng ở khắp nơi, nào là đậu phụng da cá, đậu phụng rang của Tân Tân, kẹo đậu phụng giòn mụp của Liên Hương, bơ đậu phụng, đậu phụng chocolat của Snicker, Peanuts jam của Hoa Kỳ, của Pháp... thứ nào cũng đẹp mắt và ngon, duy chỉ có kẹo đậu phụng quê tôi chẳng đẹp mắt tí nào, làm bằng đường tán nấu kẹo nâu òm, nhưng ăn vào sao mà thấy nhớ quê chi lạ, nhớ cái nghèo quê mình mà thương cho cha ông, cho những người thân đã khuất không biết được cái sự sung sướng ngày nay, ăn vào còn nhớ cả cái hương vị nghèo thuở trước, nhưng lại thấy ngon làm sao, cái mùi đường khen khét xen một chút hương gừng cay, lẫn trong đó đôi hột đậu phụng béo, sao mà thương quê mình thế. Nhìn kỹ lại thấy càng thương hơn. Có lẽ năm nay quê mình mất mùa hay sao mà cái miếng kẹo hình như ít đậu quá, mọi lúc đậu phụng xếp đều cả miếng thế mà bây giờ chỉ thi thoảng mới lòi lên được một hột, nhưng không sao, quê mình nghèo thì phải chấp nhận thế thôi.
Quê nghèo của tôi ơi! Biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi nhỉ? Biết bao giờ cái dòng người di cư vào nơi đô hội này ít lại để khỏi thấy những cảnh lây lất đau lòng? Biết bao giờ quê nghèo miền Trung của tôi có thể đứng thẳng lên mà sống được?
Thế đấy, cây có cội, nước có nguồn, tôi có quê nghèo của tôi, tôi chẳng giấu gì đâu nhé! Giấu làm chi khi quê ta cho ta cái ký ức hồn nhiên đáng nhớ, sĩ diện làm gì khi quê nghèo của ta cho ta cái hương vị thân thiết đậm đà mà người giàu chưa chắc dễ gì có được?
Công nhận mình lan man thiệt, có mỗi miếng kẹo đậu phụng thôi mà cũng khá là lắm lời nhiều chuyện, nào là sĩ diện, nào là giấu diếm gốc gác, hèn chi người ta bảo mình khó ưa là phải.
Vừa khó ưa, nhưng cũng lại vừa dễ gần lắm đấy nhé. Đó mới chính là Papillon chứ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.