Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Ông già ham vui & font thư pháp Việt

Ngày 21 tháng 6 vừa rồi, PV Tôn Gia Quyền có gọi điện cho mình bảo rằng, bài viết về chú trên số báo Xuân Khoa Học Phổ Thông 2009 vừa rồi đoạt giải báo chí năm nay chú ạ. Tuy người ta đoạt giải, nhưng mình cũng được mừng ké, do vậy mà post lên đây làm kỷ niệm, chứ mai mốt tờ báo thất lạc rồi thì chẳng biết tìm đâu. Do vậy nên mới có cái entry này.

Ông già ham vui & font thư pháp Việt

Hiện nay, không cần phải khéo tay, càng không biết gì về cách viết chữ thư pháp, người dùng máy tính vẫn có thể tạo ra những nét chữ thư pháp trông khá đẹp, y như chữ thư pháp viết tay. Thực tế, những nét chữ thư pháp tạo ra bằng bàn phím đã xuất hiện trên các bảng quảng cáo ngoài trời, báo chí, truyền hình, lịch, bao bì... trong khoảng 5 năm gần đây. Tuy nhiên, với thói quen cố hữu đến cực đoan của đa số người dùng máy tính, ít quan tâm đến tác giả hoặc hãng sản xuất ra phần mềm, nên chẳng ai để ý đến người “cha đẻ” của những font thư pháp đang dùng, càng không một lời cảm ơn khi mà niềm vui và giá trị do chính font thư pháp mang lại cho họ không phải là nhỏ.

hl1

Ông họa sĩ vẽ... font chữ

Mở cánh cửa sắt đón tôi là người đàn ông đã ngoài 50 với nụ cười híp mắt trên khuôn mặt đã bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn sau chiếc mắt kiếng. Qua những lần nói chuyện điện thoại đường dài, rồi những câu chữ ngắn gọn trên blog (mạng xã hội), đến những bài viết nhật ký và hình vẽ phác họa của ông trên mạng Internet, tôi đã phần nào cảm nhận được tính khôi hài nơi ông. Nhưng đến nay, tôi mới thật sự cảm nhận cái tính “ngoan đồng” của họa sĩ Nguyễn Hùng Lân, chẳng khác những gì mà ông đã thể hiện qua tranh vẽ và lời thoại trong truyện tranh của ông. Trên mạng Internet, ông còn tự nhận mình là “ông già ham vui”.

Hùng Lân, cái tên không xa lạ gì đối với cư dân mạng. Nhưng... bất ngờ thay, qua buổi trò chuyện thân mật trong căn nhà cấp 4 nằm khép mình bên con đường đẹp nhất thị trấn Ngãi Giao (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), tôi mới biết được, Nguyễn Hùng Lân, tác giả của các font thư pháp và hơn 20 font chữ nghệ thuật khác cũng chính là “cha đẻ” của những bộ truyện tranh nổi tiếng mà tôi đã từng đọc.

Sau khi bỏ chiếc máy tính cũ đã mua hồi năm 1997, ông sắm chiếc máy tính mới và bắt đầu mày mò tìm cách khai thác các ứng dụng trên máy tính, mang công nghệ vào công việc vẽ truyện tranh hàng ngày, cốt để cho truyện đẹp và sống động hơn. Đến năm 2002, ông đã tạo ra font chữ đầu tiên, đặt tên VNI-Comic, bỏ dấu chữ Việt theo bảng mã VNI và bắt đầu dùng vào việc viết lời thoại cho nhân vật. Kể từ đó, thay vì phải ngồi chắp từng nét viết tay ngang - dọc để tạo ra chữ in hoa cho lời thoại của nhân vật, ông dùng máy tính thiết kế khung trang và gõ sẵn lời thoại từ kịch bản vào, sau đó in ra và vẽ nhân vật tương ứng với lời thoại. Sử dụng cách này, ông tiết kiệm được khá nhiều giấy vẽ, mực và thời gian vì không phải bỏ đi mà vẽ lại khi viết sai, lem mực. Một thời gian sau, ông phát hiện các kiểu chữ thư pháp có nét rất đẹp nên đã nảy sinh ý nghĩ tạo một font chữ giống vậy để dùng trên máy tính.

hl2b Từ kinh nghiệm đã tích lũy được trong việc tạo font VNI-Comic, ông đã hoàn thành font thư pháp đầu tiên VNI-ThuPhap 1 chỉ trong một tuần. Ông đưa tay sửa lại mắt kiếng và kể: “Tôi xem và nghiên cứu nét chữ thư pháp của nhiều người, cắt và scan vào máy tính rồi dùng phần mềm chuyên dụng để chỉnh sửa nét của từng chữ theo cái gu thẩm mỹ của mình, đồng thời vẽ thêm các dấu tiếng Việt, mặc dù trước đó tôi không hề biết gì về cách viết chữ thư pháp”. Ngay sau đó, ông đưa font VNI-ThuPhap 1 lên một trang web miễn phí để ai cũng có thể tải về sử dụng và góp ý. Khoảng một tháng sau, một người thiết kế đã liên hệ với ông để xin phép dùng font chữ này vào các trang quảng cáo của họ trên báo. Vậy là trào lưu dùng font thư pháp nổi lên từ đó. Nhờ đưa lên website, font chữ thư pháp đã được một số Việt kiều ở nước ngoài chú ý và đặt vấn đề mua bản quyền kinh doanh. Ông kể: “Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên và khẳng định: font tôi để miễn phí trên trang web, anh cứ tải về mà dùng. Tuy nhiên, họ không thích vậy vì các đối tác kinh doanh của họ khá khắt khe trong chuyện này. Vậy là tôi nhận lời bán cho họ nhưng bù lại phải bỏ đi một số thông tin về quyền sở hữu font, nhưng rất may là họ không cấm tôi phát hành miễn phí”.

Kể từ đó đến nay, ông đã thiết kế, bán và chỉnh sửa cho họ đến vài chục font chữ. Rõ ràng, chính phát hành miễn phí lại là hay và tăng thêm sức lan tỏa. Theo ông, nếu bán thì cũng chỉ bán được một vài lần, vì sau đó họ có thể cho người khác dùng. Ông tâm sự: “Khi thiết kế font chữ, tôi không đặt nặng vấn đề giá trị, chỉ mong làm sao khi in ra thì thật sắc nét, được nhiều người chọn dùng và nhanh chóng đến với cộng đồng. Nếu đạt được điều này thì đó là phần thưởng gấp nhiều lần giá trị tiền bạc. Thực tế, tôi thấy, đã có một số người thiết kế font vì mục đích thương mại nhưng họ vẫn không sống mãi được với nghề này, và đa số người dùng không biết đến sự có mặt của font chữ đó. Và ai cũng biết, thiết kế font không sinh lợi nên từ trước đến nay có rất ít font chữ tiếng Việt mới ra đời”.

Tuy nhiên, muốn phát hành miễn phí cũng không hề đơn giản. Đơn vị sở hữu bản quyền bảng mã VNI không cho phép ông dùng loại bảng mã này trong các font mới thiết kế nữa. Thế là ông lại hì hục đi tìm một bảng mã tiếng Việt khác. Ông hỏi TS. Nguyễn Văn Hiệp (Đại học bách khoa TP.HCM), xin dùng bảng mã BK-HCM 2. Vậy là từ đó, ông đổi tên các font chữ của mình sang tên gọi có tiền tố là HL (HLThuPhap1, HLThuPhap2...) và gõ chữ Việt có dấu theo bảng mã BK-HCM 2. Việc thiết kế font chữ không phải khó, ai cũng có thể tự tìm hiểu và làm được, nhưng có lẽ khó ở chỗ không có “con mắt thẩm mỹ” như ông Lân, một người không học chuyên ngành công nghệ thông tin, tiếp cận với máy tính từ những năm cuối của thập niên 1990 và không ngại học hỏi kiến thức về máy tính từ các cô cậu học sinh gần nhà.

Nhờ font chữ đẹp và phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người dùng Việt Nam, các font chữ thư pháp và các font chữ nghệ thuật của ông dần dần đã trở thành “nhu liệu” không thể thiếu đối với những người thiết kế và cả người dùng máy tính gia đình. “Trong một lần đem mẫu thiết kế thiệp cưới cho người con trai lớn đến một dịch vụ chuyên cắt chữ decal ở gần nhà, các nhân viên ở đó rất đỗi ngạc nhiên khi thấy trong thiệp cưới xuất hiện một số ký tự có nét cuối khá mềm mại. Tôi giải thích, các font chữ này là do tôi tự làm và đây là những ký tự được thiết kế thêm nên không thể tạo ra chúng bằng cách gõ thông thường, đồng thời thử ngay cho họ thấy. Họ mới vỡ lẽ và ồ lên, thế mà tụi cháu không biết, lên tận Sài Gòn để mua đĩa về cài, hóa ra tác giả của chúng lại nằm cạnh nhà...”, ông nhớ lại. Về sau, để ổn định trong việc lưu trữ các font chữ của mình trên mạng Internet và phục vụ số đông người dùng, ông đã lập website riêng và kêu gọi người dùng cá nhân ủng hộ 100.000 đồng, doanh nghiệp là 500.000 đồng khi dùng một font, nhưng tính đến nay danh sách những người thịnh tình chỉ khoảng 10 người.

Nghiệp và nghề

Xem truyện tranh của Nguyễn Hùng Lân, nhiều người cứ ngỡ ông là một họa sĩ cự phách được trui luyện từ Trường đại học mỹ thuật ra. Ấy vậy mà điểm xuất phát của ông họa sĩ “ngoan đồng” này lại là các môn toán, lý, hóa pha lẫn một chút đam mê hội họa từ năm học đệ tứ (tương đương với lớp 9 bây giờ). Đang học ở Trường đại học khoa học, đất nước giải phóng, ông đi làm công nhân rồi được đưa đi học lớp trung cấp mỹ thuật ở Đồng Nai. Đến năm 1987, tập truyện tranh đầu tay “Người đầu tiên lên Mặt trăng” dựa từ cốt truyện nước ngoài ra đời. Tiếp theo đó là hàng loạt bộ truyện tranh khác như Dũng sĩ Hesman, Siêu nhân Việt Nam, Cô Tiên Xanh và mới nhất là Thằng Bờm... cũng lần lượt đến với giới học sinh. Tính đến nay, sau 21 năm cầm cọ, số đầu truyện của ông đã xấp xỉ con số 700 với hơn 10 bộ truyện.

Nghề nào cũng vậy, tất cả đều có cái khổ, cái sướng và niềm vui riêng. Đối với những ngành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa, niềm vui sướng lớn nhất là khi tác phẩm của mình được người xem, người đọc ái mộ và ủng hộ. “Nhớ hồi làm bộ truyện Dũng sĩ Hesman, cả nhà tập trung làm truyện tranh để duy trì cái ăn, cái mặc và lo cho các con học hành. Tôi thì viết kịch bản, ban đầu vẽ hoàn chỉnh, về sau vẽ nét chính và dạy cho các con vẽ các nét còn lại, còn bà xã thì tô màu cho nhân vật. Lúc đó, mỗi tuần phải làm xong một tập truyện cho nhà xuất bản. Hết nửa đầu tuần, nhân viên nhà xuất bản chạy từ TP.HCM xuống Bà Rịa - Vũng Tàu lấy nửa cuốn về in trước, đến cuối tuần lại chạy xuống lấy nửa cuốn còn lại. Mới đây, tôi ngồi nhẩm tính lại, đến khi kết thúc bộ truyện này, quãng đường anh nhân viên đó đi và về gấp mấy lần đi vòng quanh Trái đất! Mặc dù làm nhiều vậy nhưng số tiền thu được cũng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình”, ông vừa nói và vừa lấy một số bộ truyện tranh trong tủ ra cho tôi xem.

Đến nay, các người con lớn của ông đã thành đạt và đang nối nghiệp mỹ thuật của cha mình ở nghề kiến trúc sư. Còn ông, dù đã bước sang tuổi ngũ tuần nhưng vẫn cùng vợ miệt mài đeo đuổi truyện tranh giáo dục cho thiếu niên với năng suất 2 tuần cho 1 tập truyện, đủ để chi tiêu cho các sinh hoạt trong gia đình mà chưa vội nhờ đến các con. Ông chia sẻ: “Mặc dù không làm việc cho người khác nhưng tôi vẫn tự ra cho mình một thời gian biểu và thực hiện triệt để, phải làm đến 6 ngày trong tuần thì mới kịp tiến độ, mỗi ngày làm không dưới 8 giờ”. Những lúc nghỉ ngơi, ông thường lấy chiếc xe cuộc ra và chạy vòng quanh con đường đầy cây xanh trước nhà, hoặc chơi đàn piano, sáng tác nhạc thánh ca, tình ca phục vụ trong sinh hoạt ở nhà thờ, và sáng tạo thêm các font chữ nghệ thuật rồi quyết giữ mãi “tâm hồn cao thượng” để đưa lên mạng cho người dùng tải về sử dụng miễn phí.

TÔN GIA QUYỀN (VÕ MINH TÂN)

3 nhận xét:

  1. Đọc bài này mới hiểu tại sao mà có vụ Thư pháp 1 Thư pháp 2 rồi sau này có thêm cái font HL... xài có vẻ rắc rối. Thì ra tại thằng VNI...

    Ủa mà dũng sĩ Hesman cũng chú vẽ luôn hả... Trùi giờ con mới biết... :p

    Chú cho con xin bài này về blog Còi tre nha :)

    Trả lờiXóa
  2. Cũng không trách VNI được đâu, vì mình còn làm hợp đồng với họ dài dài, họ coi trọng bản quyền lắm cho nên mình bắt buộc phải như vậy, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp cũng rất là rộng rãi và vui vẻ, mã BKHCM2 chức năng cũng có khác gì VNI đâu, miễn sao khỏi vi phạm bản quyền là ổn. Hì hì...

    Trả lờiXóa
  3. Bác ơi cho cháu hỏi làm thế nào để cài phông chữ thư pháp vào phần kiểu chữ và màu
    Blog của cháu:http://naruto221295.blogspot.com/

    Trả lờiXóa

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.