Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Khóc cười…

Thế vận hội mùa đông đã khai mạc ngày 12 tháng 2 năm 2010, cách lần khai mạc đầu tiên tại French Alps, một nơi cách Grenoble sáu mươi dặm vào năm 1924, vỏn vẹn trong vòng mười một ngày thi đấu. Dĩ nhiên các quốc gia chìm ngập trong tuyết chiếm gần hết các huy chương, hai mươi bảy trong tổng số bốn mươi ba. Chuyện đặc biệt còn được nhắc nhở đến bây giờ là Charles Jewtraw, vì lý do điểm số không minh bạch thời ấy mà mãi đến năm 1974, tám mươi ba tuổi, ông mới nhận được chiếc huy chương đồng trong bộ môn trượt tuyết năm trăm mét. Vinh quang ông nhận được quá trễ, không có bục để leo lên, không có vòng nguyệt quế đội trên đầu, ngay cả tiếng vỗ tay giòn giã của khán giả, những điều chắn chắn phải có trong niềm hy vọng của một thanh niên vào độ tuổi đôi muơi.

Thế vận hội mùa đông tổ chức tại Vancouver, Canada lần này bắt đầu bằng sự tử vong của vận động viên Gionodar Kumaritashvili người xứ Georgia, một ngày trước khi ngọn đuốc khai mạc được thắp sáng. Sống chết ở một quan niệm nào đó có cùng một nghĩa bằng nhau, nhất là trong lãnh vực thể thao, ra đi ở độ tuổi hai mươi mốt, người thanh niên tráng kiện này sẽ sống mãi trong lịch sử Thế Vận Hội Mùa Đông, người ta sẽ nhắc đến tên anh – sẽ ghi tên anh bên cạnh các tên tuổi khác, đã bắt đầu sự sống trong lòng người hâm mộ từ sự ra đi của họ.

Chấp nhận bất trắc theo đuổi giấc mơ chiến thắng một trong các môn tranh tài, của các vận động viên ngày một khó khăn hơn, vì sự khéo léo dẻo dai trong kỹ thuật trình diễn và thi đấu ngày một nâng cao hơn.

Năm nay khí hậu khắc nghiệt, thế vận hội cũng lận đận theo, nói theo kiểu các cụ thuở xưa là thiên thời địa lợi gặp hãm địa, không xem ngày mở hội và người tổ chức gặp tuổi khắc, năm xung vân vân, trong khi ban tổ chức thế vận hội cứ đúng tháng đúng kỳ mà làm, xong hội này đã biết quốc gia kế tiếp sẽ đăng cai hội kế tiếp.

Từ lúc bắt đầu đến nay thế vận hội mùa đông tròn trĩnh tám mươi sáu năm, khoảng thời gian này đủ để toàn thế giới tham gia ngày một đông hơn, nhiều môn thi hơn, nên thế vận hội bây giờ đã kéo dài thành mười bảy ngày thay vì chỉ có mười một ngày như xưa. Nhìn bảng tên các quốc gia thi đấu là tám mươi, các bộ môn thi lên con số 86 thay vì 38 trong thế vận hội năm 1986. Thế vận hội mùa đông còn được gọi là Thế Vận Hội của nhà giàu. Gọi thế này cũng đúng, vì ngay cả dân Mỹ khi đi trượt tuyết hay chơi các môn có dính líu đến tuyết đến băng đều than tốn tiền quá, nào là găng kính mắt giầy quần áo chống lạnh, phương tiện đến các nơi có tuyết để trượt thật là nhiêu khê. Các vùng mỗi năm đều có tuyết không kể, vùng nắng ấm phải đi hơn ba bốn tiếng, có người thuê hẳn một căn nhà mùa đông để có thể nghịch tuyết.

Vừa đến Mỹ mùa hè nắng ấm của người ta, mà mình thì bốn năm lớp áo, nhưng cũng thèm một lần nhìn tuyết, một lần được nắm tuyết trong tay, cho bõ những ngày còn ở Việt Nam gìn giữ những tấm hình tuyết trắng xóa trên ngọn thông, những tấm card được nhận từ Pháp từ Mỹ, ngay cả các tấm thiệp Giáng Sinh có gắn kim tuyến lấp lánh thay tuyết, nói ra nỗi thèm thuồng ấy thế là cậu bạn của cô em nhất định mời cả gia đình đi ngắm tuyết trên Reno. Đoạn đường không dài lắm, lúc ấy là cả một khung trời kỳ diệu, nào cây xanh đường đẹp, đến nơi bắt đầu có tuyết trải hai bên đường đã một hai đòi ngưng xe cho xuống. Cậu em tội nghiệp ngưng xe, giải thích là nơi này chưa có đẹp lắm đâu, đi thêm sẽ còn đẹp nữa, nhưng các con có vẻ mệt nên nài nỉ: “Nơi đây cũng đẹp lắm rồi!” Lần đầu tiên được vo tròn ba cục tuyết bằng trái banh, đứa nhặt cây, đứa lăng xăng tìm cách làm cho “em tuyết” có mũi có mắt. Đợi hoài không thấy tuyết rơi, cậu con trai hốt tuyết ném lên trời, để cô con gái chụp hình cho ba mẹ. Niềm vui hồn nhiên sung sướng.

Sau đó vài năm, được bạn bè cho đi theo đến Squaw trượt tuyết, cảnh đẹp hùng vĩ và tốn tiền thật, may mà chỉ mướn dụng cụ, ăn uống trên đỉnh núi có hồ tắm ngoài trời, gió lạnh lồng lộng mà người ta tỉnh bơ nhẩy vào bơi, nước được giữ ấm khỏang 80 độ F, bên trong là nhà hàng trang trí thật “đế vương”.

Tâm lý của các bà mẹ thường mong muốn con mình biết hết mọi thứ, từ âm nhạc đến thể thao, ai có gì cũng muốn con mình có, nhất là khi cha mẹ bị thiếu thốn càng cố làm sao cho con mình không bị thiếu giống mình, câu nói hay nghe từ các bậc cha mẹ: “Hồi đó nghèo thèm miếng kẹo không có, nay cho con ăn xả láng!”

Hỏi các con có muốn thử trượt tuyết không, các cháu thử chơi nửa ngày, sau đó tuyên bố một câu: “Chơi u mọi thích hơn!” có lẽ tại sống nơi khí hậu nhiệt đới quen, nhất là biết tuyết quá trễ nên các cháu không thích lắm, nhất là biết ba mẹ ky cóp để lo cho mình đi học đã khó, lòng dạ nào đòi thêm những niềm vui xa xỉ.

Xem trượt băng nghệ thuật (figure skating – ice dance – free dance) những cô gái chàng trai lướt như áng mây trên bầu trời trong vắt, cùng tiếng nhạc dặt dìu, lòng mình cũng muốn xoay theo họ, từng động tác đến ánh mắt nụ cười, khi xem lại phương pháp tập dượt, công khó của cha mẹ theo con bao tháng ngày, từ thuở chập chững đến lúc chen được vào hàng ngũ vận động viên không phải là dễ, thì giờ và tiền bạc, nhất là bao lần gẫy chân, long đầu gối. Thần đồng là cách gọi các em bé có tài đặc biệt, ở đây ngoài tài nghệ bẩm sinh còn phải có sự đam mê khi còn bé.

Mong có con là thần đồng, ép con thành thần đồng là điều không nên chút nào hết, triệu triệu người mới có được một. Ngắm thần đồng, ngắm những người có tài năng xuất chúng cũng là niềm vui cần gì phải có trong nhà?

Cô bạn bắt con tập múa ba lê một thời gian, sau đó cho con học đàn dương cầm, con lớn chút nữa ép con đi tập thể dục dụng cụ, leo trèo nhẩy lộn ngang lộn ngửa trên các con ngựa gỗ, cô con gái không thích chút nào hết, cô thích nằm nhà đọc sách Harry Potter mà không được nên mặt lúc nào cũng ủ dột cau có.

Lên được trung học cháu tự động bỏ hết mọi lớp mẹ bắt học, chỉ đến thư viện và về nhà. Cô bạn thất vọng quá nên một lần tôi ghé thăm , con gái cũng đang ở nhà, đem chuyện ra kể lể, cháu trả lời thản nhiên: “Con là người bình thường không là người xuất chúng, mẹ đừng bắt con phải nổi tiếng giống họ.” Câu cháu nói rất đĩnh đạc trước mặt mẹ và bạn của mẹ không biết có thay đổi gì được bạn tôi hay không, riêng tôi phục cô bé có cá tính mạnh mẽ, dám nói lên điều mình nghĩ để tránh cho mẹ những mơ ước hão huyền.

Người bước lên bục vinh quang, kẻ đi về trong thất vọng là chuyện bình thường trong các cuộc tranh đua, bao bậc sinh thành đã khóc òa nhìn con bước lên đài vinh quang, cũng bao bậc sinh thành mỉm cười khi con thất bại, nụ cười cảm thông chia sẻ an ủi để con tiếp tục tiến tới. Nước mắt của gia đình người Georgia đang là câu hỏi cho ban tổ chức thế vận hội kế tiếp, hình như trong 86 năm có hơn năm vụ tử vong, chuyện bị thương tật nhiều vô kể, vì nói đến mùa đông có nghĩa là nghịch tuyết, không đơn giản như làm thiên thần trên tuyết, làm người tuyết, mà người ta nghịch những trò chơi có tốc độ nhanh hơn trăm mét một giờ, lao xuống dốc có độ cao chóng mặt, phóng qua các chướng ngại vật để nhào lộn trên không – con người muốn được hòa nhập vào thiên nhiên, thách đố cha trời mẹ đất, cuộc sống đầy màu sắc, các cô cậu thanh niên bây giờ biết rõ mệnh trời hơn ông bà ngày xưa, nên một ngày sống là một ngày hạnh phúc, họ chẳng e ngại một sự gì, ngay cả sự chết.

Họ Nguyễn Lê Trần chưa thấy trong các cuộc tranh tài mùa đông, biết đâu vào thế vận hội kế tiếp nhỉ?

(copy từ autim.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.