Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Nhạc vàng nhạc đỏ...


aitinh Ủa, nhạc làm gì có màu vậy cà? Thế mà lâu nay chẳng biết ai là người đầu tiên phang đại cái màu lên âm nhạc vậy nhỉ? Đương không kêu bằng nhạc vàng, rồi nhạc đỏ, để phân biệt loại nhạc mà ai đó có quyền phán xét, cho rằng thứ nhạc này là ủy mị phù phiếm và thứ nhạc kia là hào hùng rực lửa, để làm gì vậy nhỉ? Để có cái mà cấm à? Nội cái việc định danh ủy mị phù phiếm hay hào hùng rực lửa cũng chưa chắc biết ai đúng ai sai, đều cần nói là loại nhạc nào dễ thấm vào hồn người nhất, đó mới là căn bản của nghệ thuật âm nhạc, chứ muốn dùng quyền ta đang có mà chụp cho nó một cái mũ vàng hay mũ đỏ thì ai làm mà chẳng được?

Ngày xưa một thời cấm tiệt! Ai đó cứ quy ra nhạc trước năm 75 của Miền Nam là nhạc vàng, người nào hát là bị chụp mũ vào tù như chơi, thế nên chỉ hát nho nhỏ với nhau nghe cho đỡ ghiền, mà cũng thật lạ, ngày xưa cấm bao nhiêu thì ngày nay lại lôi ra hát gần hết, vậy ngày xưa đúng hay ngày nay đúng nhỉ? Thưa ông Lịch sử? Ông phán xét giùm cho.

Tớ thì không phân biệt màu đỏ hay vàng, vì lắm bài đỏ chẳng ra đỏ mà vàng chẳng ra vàng, đỏ quá thì nóng quá, cứng quá, chẳng ai ưa hát ngoài cái anh nhà đài, mà vàng quá thì xanh xao đôi mắt và vàng vọt luôn tâm hồn, cả hai loại ấy tớ đều không ham, thế thì tớ trộn hai màu lại thành màu cam vậy, dù sao thì màu cam cũng dễ nhìn và cũng dễ cảm hơn, còn hơn là loại nhạc xám ở chợ đời văn hóa hiện nay, chẳng biết ai là người cho phép và cổ xúy nữa loại nhạc này nữa, nhưng cái loại hình ấy chẳng chóng thì chầy thì nó cũng sẽ mau chóng biến mất khỏi lòng người thôi, tất nhiên vì lòng con người ta chẳng phải là cái chợ nên đâu có cái chỗ cho nó. Hehe…

Pha màu cho nó vui mắt thế thôi chứ nhạc cần gì có màu sơn của ai đó quét vào? chỉ cần có hồn nhạc dệt vào trong bài hát hay không mà thôi là đủ, nhạc mà không có hồn thì y như người vô tâm, người mà không có tâm thì làm gì biết cảm nhận văn hóa, không có cảm nhận văn hóa thì làm sao biết âm nhạc là gì... Do vậy nên xin ai đó đừng dùng sơn tô màu đỏ hoặc màu vàng lên ca khúc làm gì nữa nhé, vì nó là giá trị văn hóa, mà giá trị văn hóa thì có hàng triệu màu như trăm hoa đua nở, không đủ màu sơn trên đời tô cho vừa đâu, màu sắc của nó làm sao thấy bằng mắt thường được, mà bằng chính con tim mỗi người. Hãy để màu sắc tự nhiên thoảng qua theo lời thơ ý nhạc bằng những cảm xúc thăng hoa của con người, chứ định hình cho nó một màu nào đó e rằng không còn tính văn hóa hay nghệ thuật gì nữa ráo.

3 nhận xét:

  1. Trên trời có đám mây xanh
    Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng...
    Xưa nhạc đỏ, giờ hằm bà lằng
    Thôi thì nghe tiếng nhạc ... lòng mà thôi

    Trả lờiXóa
  2. vâng, đúng quá còn gì

    Trả lờiXóa
  3. Vương Tử Trực nói

    Nhạc sỹ Đặng Thế Phong có 3 bài nhạc rất hay, trong đó có bài"Giọt mưa thu" Đâu có dính gì "vàng" đâu? Mà cũng thành vàng rồi cấm hát! Nhạc có hồn thì dù có cấm nó vẫn tồn tại. Quy luật tất yếu. Cảm ơn bài viết có nghiên cứu...

    Trả lờiXóa

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.