Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Đánh giá lịch sử mở rộng lãnh thổ của Việt Nam

Một chuyên gia Hàn Quốc đã mạnh dạn đụng đến một chủ đề còn khá nhạy cảm khi ông nói hai mặt trong đặc trưng lịch sử của Việt Nam là "chủ nghĩa dân chủ đấu tranh và chủ nghĩa dân chủ xâm lược".

thaoluan Giáo sư Song Jung Nam, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, đặt vấn đề này tại Hội thảo Việt Nam học 2008, khi phân tích tính chất mở rộng lãnh thổ trong thời Hậu Lê, giai đoạn mở mang được cho là mạnh nhất trong lịch sử.

Mở rộng lãnh thổ

Công cuộc Nam tiến bắt đầu từ năm 1069 khi nhà Lý buộc Chiêm Thành nhường ba châu, đưa cương vực tiến tới tỉnh Quảng Trị ngày nay. Tiến sĩ Song Jung Nam lưu ý thời nhà Trần "không nhận được một tấc đất nào từ Champa", mà còn "vài lần phải lâm vào thế tự vệ". Năm 1402, nhà Hồ đánh Chiêm Thành, mở rộng ra đến Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đến khi quân Minh xâm lược và chiếm Việt Nam, khu vực này bị Chiêm Thành lấy lại.

Theo chuyên gia Hàn Quốc, triều Hậu Lê, bắt đầu từ Lê Lợi, là triều đại "có được nhiều lãnh thổ nhất". Năm 1470, Lê Thánh Tông đem 26 vạn quân chiếm Chiêm Thành, lấy lại bốn châu bị mất trong thời gian quân Minh cai trị. Qua cuộc viễn chinh này, Việt Nam cũng mở rộng lãnh thổ tới Bình Định ngày nay. Ngoài lãnh thổ chiếm được, nhà Lê chia Chiêm Thành thành ba khu vực để "có thể dễ dàng hợp nhất vùng này vào bất kỳ lúc nào". Tác giả ghi nhận Chiêm Thành, trong thế kỷ 15, còn "ở vùng đệm nên có thể duy trì quan hệ đối ngoại giữa Thái Lan, Campuchia với Việt Nam." "Nhưng thời kỳ sau, đối tượng mở rộng lãnh thổ đến cả Campuchia, quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia hay Việt Nam - Thái Lan trở thành mối quan hệ đối lập sâu sắc, thậm chí Campuchia là trục chiến lược trong sự cạnh tranh của Việt Nam và Thái Lan."

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh

dthieuso Việc mở rộng lãnh thổ diễn ra "sôi động, nhanh và rộng nhất là vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh". Theo tác giả: "Việc mở rộng lãnh thổ ở thời kỳ sau phân chia Nam Bắc được thực hiện thông qua việc hợp nhất hoàn toàn Chiêm Thành và sự mở rộng về phía Campuchia đã kéo theo sự căng thẳng sâu sắc trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia và dĩ nhiên ảnh hưởng tới cả quan hệ Campuchia và Thái Lan." "Kết quả là ngày nay, đối ngoại giữa 3 nước, đặc biệt Việt Nam - Campuchia hay Thái Lan - Campuchia vẫn còn chịu ảnh hưởng không nhỏ". Khác với thời kỳ trước, đặc trưng giai đoạn trong thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn đi xuống phía Nam, là "chiếm lĩnh đồng thời sát nhập và hợp nhất lãnh thổ".

Tháng Tám năm 1692, chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Chu, chiếm Chiêm Thành và đến năm sau đổi tên thành Thuận Thành, xóa bỏ sự tồn tại của Chiêm Thành với tư cách một quốc gia. Kể từ lúc đó, Chiêm Thành đã "trở thành một dân tộc thiểu số của Việt Nam". Việc hợp nhất hoàn toàn Chiêm Thành năm 1697 thể hiện "sự vững vàng của một quốc gia thống trị nhưng cũng cho thấy đây là một mắt xích trong việc thực hiện dư định hợp nhất Campuchia có chung đường biên giới".

Tác giả Song Jung Nam nhắc lại năm 1621, chúa Nguyễn đã "yêu cầu vua Campuchia cho người Việt Nam di trú tự nhiên, di trú Thủy Chân Lạp với những hình thức miễn thuế, thương mại, phát triển. Kết quả là việc di trú đến Campuchia của người Việt được bắt đầu từ tỉnh Đồng Nai và Mũi Xoài thuộc Bà Rịa, Vũng Tàu bây giờ". Lúc này, Campuchia muốn thoát khỏi ảnh hưởng của vương quốc Ayuthaya của Thái Lan, nên đã "mượn sức mạnh của Việt Nam để thoát khỏi sự cai trị của Thái, Việt Nam đã có được cơ hội tiến vào Campuchia một cách hợp pháp và đồng thời trên cơ sở đó, đã có được cơ hội tuyệt vời để có thể cản trở sự tiến vào Campuchia của Thái và xâm chiếm lãnh thổ Campuchia". Năm 1658, lần đầu tiên Việt Nam "có cơ hội gửi quân đội theo yêu cầu của Campuchia để giải quyết phân tranh vương vị và kết quả là nhận được sự cư trú hợp pháp ở Mũi Xoài, Đồng Nai và nộp cống, thần phục từ Campuchia". Năm 1679, Việt Nam "đem 50 chiến thuyền với hơn ba ngàn quân, lợi dụng những người quản lý của nước Minh Trung Quốc đầu hàng như Dương Ngan Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình … tiến hành thực hiện việc phát triển Mỹ Tho và Biên Hòa".

'Hỗ trợ và vũ lực'

Tác giả nhận xét việc hợp nhất ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Hà Tiên diễn ra khác phương pháp hợp nhất Chiêm Thành. "Khi hợp nhất lãnh thổ của Chiêm Thành, đa số dùng phương pháp chiếm bằng vũ lực nhưng khi hợp nhất lãnh thổ Campuchia thì lợi dụng người trong nước hay người nước ngoài trước hết là khai thác rồi lợi dụng khi quyền lực cai trị của Campuchia yếu đi thì hợp nhất một cách tự nhiên." "Không những thế, ở đây còn cho thấy sự ưu tiên phương pháp nhận lãnh thổ bằng cách hỗ trợ giải quyết nội chiến của Campuchia hơn là dùng vũ lực trực tiếp." Riêng đến khi hợp nhất Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, chúa Nguyễn chuyển sang dùng vũ lực bằng ba lần thu phục năm 1732, 1753 và 1757.

Công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam vẫn tiếp tục dưới triều đại cuối cùng, nhà Nguyễn. Năm 1835, dưới thời vua Minh Mạng, danh tướng Trương Minh Giảng tiến quân sang Campuchia, đổi tên Chân Lạp thành Trấn Tây Thành, sát nhập vào Đại Nam. Tuy vậy, "cuộc xung đột dành quyền cai trị Campuchia giữa Việt Nam và Thái kéo dài, cộng với việc phản đối sự cai trị của Việt Nam trên toàn Campuchia và các cuộc phản loạn trong nước nên đã đẩy Việt Nam vào thế bất lợi". Năm 1847, nhà Nguyễn ký hiệp định với Thái và rút quân. Tác giả cho rằng: "Mở rộng lãnh thổ của Việt Nam bị kiềm chế bởi Thái và Pháp. Nếu giả định trường hợp Pháp không tiến hành xâm lược hay không có mâu thuẫn với Thái thì Việt Nam đã có được một vùng rộng lớn trong lãnh thổ của Lào và Campuchia".

TS. Song Jung Nam kết luận: "Việc mở rộng lănh thổ của Việt Nam cho thấy một quy luật điển hình trong lịch sử nhân loại là cá lớn nuốt cá bé. Việt Nam đă không ngừng đấu tranh trong trường kỳ lịch sử để sinh tồn bên cạnh một Trung Quốc mạnh hơn mình nhưng ngược lại cũng tiến hành chinh phục Chiêm Thành và Campuchia yếu hơn." "Điều này thể hiện hai mặt trong đặc trưng lịch sử của Việt Nam là chủ nghĩa dân chủ đấu tranh và chủ nghĩa dân chủ xâm lược." "Việt Nam đã trải qua quá trình dân chủ đấu tranh và bồi dưỡng sức mạnh quốc gia rồi trên cơ sở đó hướng đến chủ nghĩa dân chủ xâm lược và kết quả là xác lập được lãnh thổ phía Nam bây giờ." Ông nói thêm việc mở rộng lãnh thổ của Việt Nam cũng minh chứng cho quy luật lịch sử "giữa các láng giềng không có quan hệ tốt". Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc tái lập năm 1991, trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia cũng không mặn mà từ sự kiện Việt Nam đem quân vào Phnompenh cuối thập niên 1970. Sang thập niên 1980, quan hệ giữa Hà Nội và Bangkok cũng căng thẳng xung quanh vấn đề Campuchia.

Như trong một hội thảo mới đây về Vương triều Nguyễn, quan điểm chính thống hiện nay là các chúa Nguyễn đã "có công mở rộng lãnh thổ về phía nam đến tận đồng bằng sông Cửu Long và xác lập chủ quyền vững chắc trên vùng đất mới" (GS. Phan Huy Lê trong hội thảo tháng 10 ở Thanh Hóa). Diễn giải về quá trình "xâm lược" của Việt Nam trong lịch sử chắc khó lòng nhận được tán đồng từ người Việt Nam. Dẫu sao, nó cho thấy người bên ngoài có những cái nhìn khác mà bên trong có thể không (muốn) thấy. Việc bài của GS. Song Jung Nam được đưa vào Hội thảo Việt Nam tháng 12 tại Hà Nội, cũng như một số nhận định trái chính thống về Hồ Chí Minh, là dấu hiệu không khí học thuật trong nước đã thoải mái và thoáng hơn so với những năm trước đây.

(Sưu tầm)

3 nhận xét:

  1. Bài hay quá, tuy nhiều điểm không đồng ý

    Trả lờiXóa
  2. Cá lớn nuốt cá nhỏ nếu đông dương hợp nhất thì ắt sẽ là 1 điều tốt

    Trả lờiXóa
  3. Khách quan & chính xác.
    Đừng nói đến quốc gia, giữa hàng xóm với nhau người dân cũng lấn đất của nhau. Kẻ mạnh luôn tìm cơ hôi

    Trả lờiXóa

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.