Thứ Hai, 28 tháng 1, 2008

Entry không tựa đề


Hôm nay, một ngày buồn.
Hôm nay, một ngày rất mệt vì phải làm việc cật lực!
Vẽ vời, lóng ngóng như một thằng dở hơi khùng khịa...
Tôi có thể ví mình như một con trâu hay một con vật nào đó,
hoặc là một cái máy biết cười,
biết làm khổ người khác,
biết làm vui người khác,
nhưng không biết làm vui cho chính mình.
Hôm nay công việc cuốn lấy tôi,
Nỗi buồn cuốn lấy tôi,
giăng đầy như tơ nhện.
Kéo hết những thứ hầm bà lằng trên đời,
đổ xuống tôi như một mớ hổ lốn.
Tôi chống cự, tôi mệt nhoài, tôi chạy trốn,
Chạy đi tìm đâu đó một tí xíu niềm vui...
Tìm có ra không nhỉ?
Chắc là có....
Vì nó ở chính ngay trong tôi.
Thế là tôi lại mò mẫm tìm...
Vẫn mò mẫm...

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Những gì ta có

Khi người ta có một đứa cháu.
- Ta tìm đến nó khi vui: - Vô mang giày ông nội chở đi chơi mau lên! - Vui lại càng vui hơn: Con thích ăn trái táo kia không? Ông nội mua cho nghen! - Dạ thxích. - Cái này gọi là cái chong chóng, đưa lên thì nó xoay nè, đẹp không? Co chân lên! Không thôi đụng cái máy xe nóng lắm đấy!
- Ta tìm đến nó khi buồn bực: - Alô! Bé D đâu rồi? Thương ông nội không? - Dạ thương ông nội. - Nhớ ông nội không? - Có! - Nói phải có chữ Dạ nữa chớ! - Dạ có nhớ! - Nỗi bực dọc vơi đi... gần hết!
- Ta sẻ chia cùng nó: - Con thích đọc truyện này của ông nội không? - Thích. - Lại vậy nữa? - Dạ thích. - Ừ, phải vậy chứ. - Con thấy trên cái hình này, thằng đó tay cầm con gì? - Dạ con gà. - Rồi hình này, trong cái bao có gì? - Dạ có con gà. - Vậy là nó ăn trộm phải không? - Dạ... - Còn gì sung sướng hơn nhỉ?
- Ta hạnh phúc vì nó: - Reng reng... - Alô! Ông nội ơi, con mới có cái kẹp tóc. - Alô! Ông nội ơi, ba mới mua cho con cuốn truyện màu vàng. - Alô! Ông nội ơi, ba đánh con... huhu - Âm thanh của hạnh phúc là thế.

Đó chính là tài sản của ta. Thứ tài sản vô hình mà ai cũng mơ ước. Không có thứ của cải nào trên đời có thể ví với nó được. Thật đấy!

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Quyền và Tình

Trước hết, xin khẳng định với mọi người "Quyền" đây chẳng phải là quyền lực đâu nhé! "Tình" cũng thế, chẳng phải là ái tình hay yêu iếc gì cả đâu nghen.
Hình như mỗi con người sinh ra trên đời này có 2 cái quyền bất di bất dịch mà không một ai trên cõi đời này có thể ngăn cản chúng ta thực thi 2 cái quyền ấy: đó là quyền ký tên mình theo ý thích và thứ hai là quyền đặt tên con của mình. Hihi... Phải vậy không nhỉ?
Tất nhiên là chúng ta còn có rất nhiều quyền khác, nhưng những cái quyền ấy không bị ảnh hưởng cái này thì cũng bị cái khác chi phối. Ông cán bộ bảo rằng thằng cha Papi này nói dóc, thiếu gì quyền được ghi trong hiến pháp, gọi là quyền hiến định mà lão dám bảo là chỉ có 2 quyền thôi? Xin thưa những cái quyền ấy chỉ nằm trên giấy tờ và hình thức để lòe thiên hạ chứ dễ gì thi hành được quyền đó trong thực tế, chẳng hạn như cái quyền tối thượng ghi trong hiến pháp là quyền được học hành. Nghe oai ghê nhưng thử ra xã hội mà thực thi cái quyền ấy đi. Nghèo thì lấy đâu ra tiền mà học? Đậu đại học mà đành phải bỏ kìa, thế thì đó chẳng phải gọi là quyền nữa, nếu gọi đó là quyền được học hành thì tất cả các trường học đều phải miễn phí để ai cũng có thể đi học được. Papi chỉ đơn cử một thí dụ nhỏ như vậy cho vui thôi chứ tớ hổng ham làm chính trị đâu! Còn vô số cái quyền hiến định khác khỏi kể lể ra đây thêm dài dòng và choán đất của Yahoo thêm mệt. Có người còn bảo nào là quyền được yêu, quyền được nói, quyền được đi lại, quyền được làm việc vân vân và vân vân, nhưng thử xét lại đi, cái quyền nào cũng bị những thứ khác chi phối. Thử hỏi Quyền được yêu hả? Người ta không yêu lại thì mần cái gì người ta? Yêu đơn phương thì có đáng được gọi là yêu không? Quyền được nói hả? cái này thì khỏi phải bàn, thử nói cho thỏa đi là biết liền, họa chăng chỉ thích lảm nhảm một mình như người điên lang thang thì được (Xin lỗi blogger Người điên lang thang nhé, tôi không cố ý nói Ngài đâu!). Quyền được đi lại hả? Thử đi vô Phủ Tổng thống hay đi sang Mỹ coi, ai mà cho? Quyền được làm việc hả? Có đâu mà làm, tự ên anh phải căng mắt căng cái lưỡi ra cho dẻo để mà tìm chứ quyền gì? Nói cho vui thế để ta nhận thấy chỉ hai cái nêu trên mới đúng là quyền thực sự mà anh có.
- Thứ nhất là quyền ký tên mình. Đúng vậy, bạn có thể thích ký làm sao thì ký mà không ai có thể bắt bạn phải ký như thế này ký như thế khác được, ngay cả cha mẹ cũng không thể bắt ép bạn phải làm điều ấy, mà bạn có quyền ký tên theo ý thích của mình. Tổng thống hay công an cũng không thể ngăn cấm bạn được. Bạn có thể ký tên mình theo hình con cọp, con heo, con chó, con gà, chữ Tây, chữ Tàu, chữ Hàn quốc, chứ Ả rập, chữ méo mó, vuông vức, ô tròn, chữ thập ngoặc hay bá xí nạp gì thì cũng không ai làm gì được bạn. Đó mới chính là quyền chứ! Hihi...
- Thứ hai là quyền đặt tên con. Cái quyền đây tôi dành chung cho cả hai vợ chồng chứ không phải ý chồng ý vợ. Vợ chồng bạn có quyền đặt tên con mình theo ý thích. Ngày xưa tôi đã gặp những bạn học có cái tên nghe không hay nên tức quá bảo rằng, mai mốt tao lấy chồng sinh con ra tao sẽ đặt tên thế này thế nọ cho thỏa tức. Vâng, đó đúng là quyền của vợ chồng mà cha mẹ cũng không thể ngăn cấm hoặc bắt con cái phải làm theo ý mình. Tất nhiên là bạn có thể đặt tên Nguyễn Thị Mẹt hay Nguyễn Thị Nở hoặc bốc đồng như cái ông ở Phan Rang cách đây lâu rồi đặt tên con là Trần Văn Con Không Đủ Tiền Đóng Thuế Nông Nghiệp vì ông không đủ tiền đóng thuế, khi làm khai sanh người ta làm khó dễ nên tức khí đặt tên con như vậy, và cái anh chàng tên Nghiệp với họ và chữ lót dài dặng dặc ấy vẫn hiện diện trên cõi đời này mà không ai làm gì được. Quyền mà! nhưng nghe đâu cách đây mấy năm anh ta đã xin đổi lại là Trần Văn Nghiệp cho dễ nghe một tí, chứ biết đâu sau này làm Tổng Thống thì với cái tên dài dằng dặc kia e rằng không tiện lắm (Hihi...). Có anh bạn lại dự định sau này đặt tên con mình theo số cho nó gọn, số đây là chữ số thực thụ chứ không phải âm tiết Một, Hai, Ba đâu. Tôi bật cười bảo rằng thôi ông đừng có điên, đem đi chứng khai sinh với những cái tên Nguyễn Hùng 1 hay Nguyễn Thị 15 thì coi bộ khó nuốt quá ông ơi! Nói cho vui vậy để biết được rằng, tên con ta thì ta có quyền đặt, chẳng ai làm gì được ta cả.
Nhưng...
Trong cái quyền thứ hai này vẫn còn có một điều kiện, đó là cái chữ Tình chữ Nghĩa trong gia đình. Quyền của vợ chồng mình nhưng mình cũng nên xét đến tên dòng tộc máu mủ nữa. Gia lễ xưa nay của người Việt chúng ta khuyên không nên đặt tên con là tên của họ hàng huyết thống, vì dù sao cũng phải tôn trong ông bà Chú bác Cậu dì một tí, chứ lỡ sau này tức tối lôi con ra chưởi thì nghe lôi tên ông nội ra mà hành mà bêu là vậy. Người phương Tây thì hoàn toàn ngược lại, họ thường đặt tên con mình theo tên người họ yêu thương nhất như ông nội ông ngoại để mà nhớ để mà thương, nhưng dân Việt mình thiết nghĩ cũng khá lâu theo quan niệm này rồi, cũng xin đừng cho đó là cổ hủ, là bảo thủ, mà chỉ xin hãy nghĩ đó là tấm lòng tôn kính, và đó chính là cái chữ Tình tôi muốn nhắc đến trong cái entry này vậy.
Một điều nữa là ông bà ngày xưa có thói quen hay giành đặt tên cho cháu đích tôn hoặc bất cứ đứa cháu nội nào của mình cũng muốn tự mình đặt mà thôi. Điều này thực sự chưa đúng vì nó rõ ràng tước mất cái quyền thứ hai mà tôi muốn nói. Tuy nhiên rất nhiều người vì thương Ông, thương Cha, vẫn muốn Cha muốn Ông đặt tên cho con mình để tỏ lòng tôn kính yêu thương và cũng muốn dành lấy cho Cha ông mình một món quà tinh thần nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Việc này rất tốt nhưng không bắt buộc lắm là vậy. Một số người dung hòa bằng cách tự đặt tên con rồi quay sang hỏi Ông ơi, Cha ơi, con đặt như thế được chưa? Nghe mà ấm cả cõi lòng, dung hòa như thế thì quá tuyệt vời đi rồi, vừa có cái quyền, vừa có cái tình là thế đó.
Những điều tôi nói ở trên có phải thế không nhỉ? Nếu chưa phải đi nữa thì xét thấy trong đời có hai cái quyền này là đủ rồi, còn những thứ khác như công việc, danh vọng, chức tước giàu sang phú quý đi nữa thì muốn có, bạn phải trả giá bằng một cái giá nào đó thôi, chứ hai cái quyền này thì bất cứ kẻ giàu sang hay bần cùng nào cũng đều được hưởng cả. Quyền mà!

hình minh họa trên của Họa sĩ Văn Minh (?)

BUỒN một tí cho VUI

Từ hôm qua tới giờ tôi rất buồn. Buồn đến nỗi có thể chết đi được! Chết vùi trong nỗi buồn...
Những gì tôi yêu thương và tin yêu mới hôm trước đây bỗng dưng sụp đổ ngay trong lòng tôi làm tôi đau như bị dao cắt. Vết đau này coi bộ khó quên được quá. Vâng, rất khó quên và có thể cả một thời gian nữa tôi mới hy vọng có thể quên được. Cho dù tôi đã nói hai tiếng tha thứ.
Bây giờ mới thấy tha thứ được sao mà khó vậy? Biết rằng chính khi mình biết tha thứ thì sau này mình sẽ nhận được sự thứ tha, nhưng vết dao cắt trong lòng tôi như Nhà thơ Trần Dần nói ngày xưa:
Lưng tôi có tên nào chém trộm,
A, cái lưỡi dao cùn!
Không đứt được mà đau!
Lưng tổ quốc hôm nay rướm máu...

Tôi cũng thế, cái lưỡi dao ấy nó "cùn", không đứt được mà đau! Lưng tôi không bị chém trộm mà bị chém thẳng nên hôm nay rướm máu. Cái lưng ngày xưa gồng gánh biết bao điều khổ ải và yêu thương trên đời này cho ai nhỉ? Thế mà nay muốn quỵ xuống vì đau bởi những lời nói. Giá như lưỡi dao ấy sắc bén để cắt đứt đi cho yên, nhưng nó không đứt được nên tôi cảm thấy đau quá! Đau âm ỉ...
Có lẽ tôi sẽ mang tiếng là một người bảo thủ, nhưng ngay chính bây giờ tôi vẫn dám tự hào nói được rằng: Tôi sống tốt! mà không hề ngại rằng ai đó cho rằng tôi chủ quan hay kiêu ngạo, vì tôi chỉ tự hào là tôi sống tốt thôi, chứ tôi đâu tự hào danh vọng chức quyền gì cao xa đâu mà sợ? Tôi sống tốt với gia đình, tôi sống tốt với xã hội, tôi sống tốt ngay trên bản thân tôi và tôi thực sự tự hào về những điều đó. Bảo thủ mà tốt thì tôi vẫn tự hào, còn lang bạt tí tởn tự do quá, sớm muộn gì cũng sinh ra sa đọa thì điều ấy có nên không?
Lâu nay tôi vẫn rất vui nhưng từ hôm qua đến giờ tôi buồn khủng khiếp thật, một blogger nào đó khi ghé ngang qua thăm blog của tôi có ghi vài chữ: Buồn một tí cho vui đi chú à... Tôi thấy cũng có lý. Ranh giới buồn vui cách nhau không xa lắm, thì tôi cũng buồn một tí cho VUI vậy, nhưng nỗi buồn ở đây hình như không phải là "một tí"...
???

Sướng bở hơi tai...

Tối nay mệt không thể tưởng. Công việc vẽ truyện đã ngập mặt phải xong trước Tết để giao cho NXB, Giáo xứ lại tổ chức Lễ làm phép viên đá xây dựng Thánh đường vào tuần tới làm mình phải đi tập hát cho ca đoàn muốn kiệt cả sức lực, chưa đâu ra đâu thì lại có một đôi đến xin hát lễ cưới vào ngày mai. Trời ơi là Trời! Có thể điên lên được! Cưới hỏi giờ này làm chi vậy nè? Sao không chọn ngày khác cho tui thở một chút. Tui thì không sao, tập hát cách mấy cũng được, một ngày hát ba lễ cũng được, chỉ lo cho mấy đứa ca viên nó có siêng năng gì đâu, toàn là hát lễ sớm lúc 4h30 sáng thì có chết không chứ? Mấy đứa thanh niên trẻ mỏ nó mê ăn mê chơi nên 4 giờ sáng thì được mấy đứa mò dậy mà đi hát lễ đây? Vừa lo vừa bực có thể điên lên được! Mới tập hát về rồi lại ngồi vào bàn vẽ đến giờ này đây, mười một giờ đêm rồi, ngủ không được nên bày ra viết cái entry này cho đỡ tức. Sao mà ai nấy thảnh thơi thơ túi rượu bầu thế mà cái thằng chú già tui lại túi bụi việc vàn vây bọc như thế này hở trời, rồi tí nữa vô chợp mắt được chút xíu, 4 giờ sáng mai lại phải đi hát lễ cưới, chắc hát trong nước mắt quá! Tức muốn khóc luôn ấy mà!
Nói lại chuyện hồi nãy. Tập hát về đang muốn điên lên thì tể tướng hỏi han sao mà bực bội thế hả chàng? Tui chỉ biết muốn... khóc cho đỡ tức tối nhưng bà ấy lại bảo: Bực làm chi anh ơi, mình mệt nhưng Chúa ban ơn cho mình bù lại rồi. Tui lại muốn điên lên: Dạ lạy Chúa, thưa Chúa, nhưng con điên lên được Chúa à! Giờ này mà cưới với hỏi làm con thở không ra hơi. Tể tướng liền chặn lời lại ngay: Ơ hay, chuyện cưới hỏi là chuyện của người ta, em đã nói rồi mà, hy sinh đi anh ơi, hy sinh đi anh ơi... - Được rồi, thưa em, anh hy sinh đây, hy sinh đây, hy sinh cho con cái chứ gì? Đúng ý quá nên Tể tướng lại hăng lên: Chứ còn gì nữa, Mình được ơn quá đi mà, thằng cả mới được nhận vào dạy ở trường đại học nhé, thằng thứ nhì sắp chuyển sang Cty khác ngon hơn nhé, con dâu mới nhận việc mới nhé, con gái mới được thăng lên leader nhé! Anh thấy chưa? Lo mà hy sinh đi, lo mà đền tội đi! Cái thằng tui lại muốn điên lên lần nữa vì mình có tội chi mà đền hoài rứa? Có chứ! Tội có mấy đứa con... dễ thương chưa? Bà ấy bảo thế. Vậy là mình câm như thóc. Hình như tể tướng nói đúng, chợt nhớ hồi chiều thằng thứ nhì nó khoe tối nay P mới được thăng lên leader nên dẫn cả mấy anh em trong nhà đi ăn, nó bảo ba sung sướng chưa? mình liền hỏi lại sung sướng cái gì hử? Tụi con được đi ăn để ba mẹ cu rú ở đây mà sung sướng gì? Nó lại bảo: Sung sướng vì ba mẹ đang thấy tụi con sung sướng nè! Hihi...
Ơ... Hình như nó nói đúng quá! Thôi thì mình đành phải làm hòn đá lặng câm vậy, lặng câm để thưởng thức cái sung sướng đang nhè nhẹ len vào lòng thì phải?! Thôi thì cố hết bực, nhấn post cái entry này lên rồi đi ngủ thôi... Hình như là cũng hết mệt rồi... Hừ hừ... Gừ gừ... Vậy đó, người ta thì mệt bở hơi tai, còn thằng chú già tui thì lại sướng bở hơi tai là thế! Hic...

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008

Sự nghiệt ngã trên blog!

Hầu hết những người viết trên blog đều cho rằng, đây là một sân chơi trên net, một diễn đàn trên mạng, hoặc cũng có thể như chúng ta thường gọi: một xóm blog nhỏ trên net. Những tưởng rằng nơi đây chúng ta đều vui chơi bình đẳng, tám thoải mái, vân vân và vân vân... Cái vui cái buồn cái lợi cái hại của blog thì chúng ta đã nói rất nhiều rồi, nhưng hôm nay tôi muốn nói đến cái sự nghiệt ngã trên sân chơi blog này.
Có không nhỉ?
Tôi thấy có đấy. Thứ nhất, không phải ai cũng thật tình tất tần tật với ta đâu. Anh A, chị B, chú C, cô D... có thể hiện hữu trên một khía cạnh nào đó như ta đã từng xem qua một vài tấm ảnh chân dung của họ, ta cũng có thể đoán ra họ nhiều thứ như sắc nét, công việc, mối quan hệ chẳng hạn, nhưng cũng có thể đó chỉ là những tấm ảnh của... người khác chứ không phải của chủ nhân blog ấy, thế thì ta phải biết tin ai đây để tránh phải nhận điều nghiệt ngã lỡ như sự thật không như ta mong muốn? Cũng có thể một nhân vật Z nào đó thậm chí chẳng biết bao nhiêu tuổi, vóc dáng thế nào, công việc ra sao, mặt mũi méo hay tròn vì chưa hề có một tấm ảnh nào, nhưng ta vẫn đặt niềm tin vào kẻ ấy qua cách hành văn, qua ý tứ lời viết, từ đó ta vẫn suy ra được tính cách blogger đó. Đó là niềm tin vào những gì ta đọc được chứ không phải niềm tin vào một con người. Vì biết đâu cái cô Z nhí nhảnh dễ thương này thực ra là một ông già 70 hay là một thằng nhóc nào đó không chừng? Cũng có thể lắm chứ! Lúc đó nghiệt ngã hay không thì biết liền hà!
Bảo rằng không nghiệt ngã ư? Chưa chắc đâu nhé! Hôm nay tôi biết anh A chị B này xinh xắn điển trai, đang làm một công việc ổn định tại Cty này cty kia, công việc có vẻ thoải mái vì tôi biết đương sự dư thời gian để viết blog, bạn bè lại nhiều và lối viết của đương sự rất văn hoa chỉn chu, đó là thấy vậy, nên người xem vào thăm đông lắm, comment cũng nhiều và vui lắm, nhưng nếu mấy ngày nay đương sự bỗng than rằng mình bị mất việc và đang đi lang thang để tìm việc thì bỗng nhiên cái blog ấy vắng khách ngay, không còn nhộn nhịp như trước nữa, sự đời là như thế đấy, nghiệt ngã là như thế đấy. Blog cũng có cân đo đong đếm chứ có khác chi bên ngoài cuộc đời đâu?
Mặt trái và mặt phải của blogger vốn rất gần nhau, nhưng chúng khó xếp chồng lên nhau làm một là vậy, không phải ai cũng mở toang cánh cửa lòng mình cho mọi người vào đâu, vui đó rồi cũng buồn đó chứ chẳng phải ai cũng như ta đâu. Nói thế không phải để chúng ta xếp lòng lại nhìn mọi người bằng một ánh mắt nghi kỵ, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ hiểu rằng, thật giả trên mỗi blogger có những tỷ lệ khác nhau, và chúng ta tin vào một số phần trăm nào đó là đủ, trong số phần trăm ấy có tốt có xấu cũng như sự đời vậy thôi, có nghiệt ngã mới là cuộc đời, chứ bình lặng quá thì cũng nhàm chán thôi là vậy.

Hương thời gian

Hết nói đến Tiếng thời gian, nay tôi lại nói đến cái Hương thời gian đây. Ối dào! tiếng hay hương gì thì cũng do chính chúng ta hình tượng hóa một cách văn hoa thôi chứ làm gì định nghĩa ra cho đúng được? Thời gian làm gì có hương? Chỉ là cảm nhận vui buồn ở đời rồi tưởng tượng ra đấy thôi chứ ai bảo hương thời gian có mùi gì? Chịu thôi! Vậy mà ai cũng dùng cả đấy nhé!
Vì sao vậy nhỉ? Vì thời gian trôi qua mà không đợi ai giục giã, thời gian trôi thì cuộc đời ta cũng trôi theo, có thể trong quãng thời gian ấy ta yêu đương thắm thiết hay thất vọng tràn trề, đớn đau khô khốc nữa, những cảm nhận đó làm ta vui, làm ta đau, làm ta chua xót. Rõ ràng nếu làm ta vui thì ta sẽ cảm thấy cái hương tình yêu của cuộc đời len nhẹ vào tim, nó xốn xang, nó dấu ái và nó rất đáng yêu, cái hương ấy ta thấy thơm tho chi lạ, muốn ủ ấp cho kỹ kẻo sợ nó bay mất. Nhưng nếu cái cảm nhận ấy làm cho ta đau, làm cho ta chua xót thì tự nhiên ta thấy môi mình khô khốc lạ, tựa như nếm phải trái đắng và cái mùi hương cuộc đời quanh ta không còn thơm tho dịu ngọt nữa mà nó chan chát, cay cay, nó xộc thẳng vào mũi ta làm ta vừa khó chịu và vừa đau đớn.
Thế cũng là hương rồi, cái hương ấy dù thanh thoát hay khó ngửi gì đi nữa thì cũng là hương của cuộc đời mà mỗi con người thế nào cũng phải có lần nếm. Mà cũng phải công nhận à nghen, nếm có mỗi mùi thơm hoài thì cũng ngán, phải có những mùi khó ngửi khác nữa thì cái làn hương kia nó mới trở nên quý giá khi ta cảm nhận lấy. Cảm nhận được mùi hương cuộc đời cũng chính là cảm nhận được hương thời gian rồi...

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2008

Tiếng thời gian

Mấy ai trong chúng ta để ý đến cái tiếng này nhỉ? Họa chăng chỉ có những người lớn tuổi thỉnh thoảng ngồi cô đơn, nhìn lại mình, bỗng nghe thấy tiếng thời gian gõ lách cách như kim giây đồng hồ vang vọng vào cuộc đời, người ta thấy đời mình ngắn lại nhưng thực sự không buồn, vì chắc chắn ai cũng sẽ đến cái ngày đó, ngày người ta thấy mình không còn trẻ, đồng thời chuẩn bị đi sang một xứ khác gọi là cõi vĩnh hằng, người ta cũng vẫn còn có thời gian để nghiền ngẫm những gì được mất trong đời mình, một cái nhếch môi như tiếc nuối và cũng có thể nở một nụ cười mãn nguyện trên đôi môi khô cằn theo năm tháng.
Khi còn trẻ, chẳng ai nghĩ đến đâu. Lúc bé thì mong đến Tết để ăn ngon, mặc đẹp và có tiền lì xì chứ không nghĩ rằng mình đã lớn thêm một tuổi và chững chạc hơn tí nào đâu. Lớn lên tí nữa thì chỉ ham được vui chơi cùng bè bạn khi xuân về Tết đến, cũng chẳng nghĩ rằng sang năm mới đây ta sẽ lớn hơn, có trách nhiệm hơn, quan tâm đến tương lai của mình hơn đâu, khi nhìn lại thì như nước đến chân rồi và chuẩn bị nhảy thôi, những kỳ thi cuốn hút ta như một ghềnh thác trước mặt cần phải vượt qua cho bằng bè bằng bạn chứ ta chưa nghĩ rằng ta đã lớn và chuẩn bị nhón chân bước vào đời, lo cho tương lai sự nghiệp của chính mình chứ chẳng phải của ai khác đâu. Thế rồi tình yêu đến, rồi lo âu, nhớ nhung, giận hờn, trách móc vây quanh khiến ta quên đi cái tiếng thời gian đang thúc giục quanh mình.
Và rồi khi nhìn lại thì ta già lúc nào không hay, tiếng thời gian đã đọng dấu ấn lên gương mặt mỗi người. Nhìn lại mình một cách ngây ngô thì hình như ta vẫn thấy tình chưa chín, hoặc chín rồi nhưng ta đã ỏng ẹo để vuột mất tự bao giờ như là kết quả của những lần chảnh chọe không đáng có, ta tưởng ta khôn, ta tưởng ta vẫn còn trẻ, còn nhí nhảnh, nhưng thời gian thì không chờ, và nó vẫn gõ đều đều cái nhịp đời quanh ta, khiến cho ta lắm khi giật mình khi thấy gương mặt mình trong gương có thêm những nếp nhăn lạ hoắc, ta tự huyễn hoặc mình, cho rằng chẳng sao, nhưng khi ra đường, nhìn bên ngoài thấy các bạn trẻ khác tí tởn vui đùa, các cặp đôi khác trẻ trung vui tươi nhí nhảnh, bấy giờ ta mới thấy cái tiếng thời gian nó đọng dấu ấn nặng nề trong ta như thế nào...
Thế thì bạn ơi, cuộc đời lắm thứ có thể đợi chờ ta, nhưng thời gian thì không đâu, nó vẫn gõ đều cái nhịp của nó từ xưa đến nay mà không hề biết chờ đợi ai. Hãy đón nhận những gì mình có và hãy biết trân trọng nâng niu tình yêu cũng như sự nghiệp, để cái tiếng thời gian kia không làm ta day dứt khi nhìn lại mà nó sẽ làm ta thấy mình trưởng thành hơn, chững chạc hơn và đáng yêu hơn thôi nhé!

Hoa xuân và Phạm Duy

Nét đặc trưng và sự diệu kỳ của mùa xuân chính là hoa. Thật vậy, mỗi khi xuân về thì hoa lại khoe sắc muôn màu muôn vẻ, hoa mang hương sắc cho đời, nhưng hoa cũng còn mang hương cho lòng người nữa. Lắm khi nâng niu một bông hoa đẹp, ta thấy hồn mình lắng xuống là vậy, và nếu đó là một đóa hoa xuân, thì sự quý giá được cảm nhận hơn lên nhiều lần.
Biết bao nhiêu năm rồi, nghe lại bài hát Hoa Xuân của Phạm Duy mãi vẫn không thấy chán, cho dù cái bài hát này ra đời lúc tôi chưa sinh ra, chưa có mặt trên dương thế này mà cảm nghiệm (1953). Nay đầu đã bạc, răng đã long, chỉ còn đôi ba cái rung rinh rủng rỉnh, thế mà nghe lại vẫn thích, điều ấy chứng tỏ sức sống mãnh liệt của bài hát trải qua năm tháng cũng như sự trường tồn của một ý nhạc đẹp như lời thơ. Cái nét nhạc dịu dàng như mùa xuân đang len qua kẻ lá mà về với nhân gian, về với lòng người nghe nó êm ái như tiếng ru vậy, mặc dù ông chỉ dùng những nốt nhạc rất đơn sơ, vô cùng đơn sơ, không cần cầu kỳ như Cung Tiến hay Phạm Đình Chương, thật dễ hát dễ nghe nhưng lại thật hay và vô cùng có hồn. Ai đã từng sáng tác thì chỉ cần cảm nghiệm mấy nốt nhạc trong dòng đầu này thôi thì cũng đủ tôn ông là bậc thầy rất phải phép. Thật vậy, có cao xa gì đâu? Chỉ bốn nốt nhạc dệt vào nhau tạo nên câu hát rất tuyệt vời: Mi đồ mi sol la, sol đố...

Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn...


Đúng là chỉ cần 4 nốt nhạc Đô, mi, sol, la thôi là đã thấy xuân vừa mới về đây ngay lòng ta ạ! Những chiếc lá vàng rơi rụng xuôi theo nguồn mà đi, để cho mầm xanh chợt nhú lên mang sức sống mới cho đời, như muốn cho những con người trẻ vươn mình đứng dậy.
Nhưng cũng chẳng hiểu vì sao mà một bài hát về hoa xuân, mới câu thứ nhì thôi mà Phạm Duy đã đưa hình tượng chiếc lá vàng rơi rụng vào đây? Lạ thật, song để ý kỹ thì chúng ta sẽ thấy tác giả không cho chiếc lá vàng rụng rơi tơi tả mà lại cho chiếc lá xuôi theo làn gió xuân mà quay về nguồn cội. Cái tuyệt vời của Phạm Duy là ở chỗ đó. Mà quả là đúng như vậy, vì ngay sau đó, ông đã đưa những hình tượng rực rỡ của mùa xuân tuôn trào lên ý nhạc:

Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung ròn...


Hoa cười trong nắng sớm, đón lấy lũ ong đang chập chờn bay đến hòa quyện với nhau trong bức tranh thiên nhiên sinh động của mùa xuân. Cái chữ ròn ở đây tôi thấy thật là lạ. Theo thiển nghĩ riêng tôi, có vẻ như đây là chữ "rờn" mới phải? hoặc là chữ "giòn" vậy? Hình như ông cố tình gieo chữ ròn cho đúng vần, nghe là lạ như rập rờn, giòn giã vậy. Cái chữ ròn ở đây được dệt nhạc thành hạ át âm nghe bâng khuâng náo nức để chuẩn bị quay về chủ âm của khổ nhạc sau...

Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cầy trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi
Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời.


Hoa cười cùng tia nắng xuân, nhưng hoa lại chẳng yêu lũ bướm lả lơi ve vãn, vì hoa xuân đối với ông như phần thưởng của thiên nhiên cho dân tộc, cho con người Việt Nam đáng yêu, dù cho là anh dân cày nơi đồng xa hay anh chiến sĩ đang cầm súng đứng gác ở biên cương, hoa muốn được cười để mang niềm vui đến cho mọi người trong ngày xuân tươi mới, chứ không phải hoa khoe sắc lả lơi tình tứ ỏng ẹo với những kẻ đào hoa như lũ bướm dập dìu kia. Cái tình chung ông muốn gởi đến cho nhân thế là vậy.
Thường thì mỗi bài hát cứ đến điệp khúc thì dòng nhạc bỗng dậy lên thôi thúc, nhưng lạ thay cái bài viết về hoa xuân này, nó vẫn nhẹ nhàng dìu dặt mà không cần phải lên cao trào làm gì, vì thiết tưởng ai nghe qua những ý lời trong bài cũng thấy hoa xuân nhẹ theo làn gió e ấp vào lòng người, để nói lên cái ý tứ của hoa không chỉ để khoe sắc thôi, mà còn biết xây đắp cho đời, để nhân thế mãi vui vẻ sum vầy bên nhau nữa.

Xuân ! Hoa còn tươi mãi
Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui.
Xuân ! Hoa nở vì ai
Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai.


Phiên khúc cuối của bài hát, Phạm Duy muốn đưa hoa xuân vào những hình tượng cụ thể chứ không nói chung chung là người người, là nhà nhà, là nhân thế nữa. Là nhạc sĩ, nhưng những hình tượng mà ông dệt nhạc đẹp như một bức tranh của một người họa sĩ hơn là một nhà soạn nhạc. Nét phác thảo đơn sơ của ông về hoa xuân dành cho người họa sĩ đồng quê ngắt bông hoa tặng cô gái xuân, cạnh đấy là mấy đứa mục đồng ôm sách lẩm nhẩm đánh vần, những chữ i tờ mà chúng đọc được cũng như những cánh hoa đẹp để làm món quà đón xuân sang, đó cũng là hoa, là hoa lòng, là hoa tâm hồn của trẻ thơ khi biết đánh vần được chữ i chữ tờ.

Có một chàng thi sĩ miền quê
Ngắt bông hoa biếu người xuân thì
Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i, tờ đón xuân về.


Quả thật, chỉ là những đóa hoa xuân bình thường, vì ở đây ông không đề cập đến hoa mai, hoa đào hay là một loài hoa nào khác, thế mà khi hát lên, ta vẫn thấy hương hoa bay man mác khắp nơi trong ngày xuân, nhẹ nhàng, dìu dặt, ru êm và sâu lắng.
Qua phần thứ nhì của bài hát, ông lại đưa hình tượng hoa xuân ra như là phép lạ để đưa người với người được gần nhau hơn, cùng quyến luyến với nhau hơn. Những lời nhạc đẹp và tượng hình đến nỗi nghe qua ta không còn dám có thêm lời nào để bình phẩm nữa, vì chính lời hát đã nói lên tất cả những gì muốn nói, phải là một bậc thầy trong âm nhạc thì mới có thể làm được những lời diệu kỳ như thế.

Những đoàn người trên luống cầy nâu
Thấy hoa xuân phép lạ ra mầu
Bỗng nhủ lòng ra sức cầy sâu
Tiếng ca như thể tiếng kinh cầu.

Hoa bèn yêu bóng dáng cần lao
Bắt tay nhau tránh cuộc cơ cầu
Người cùng mùa đã thoát vực sâu
Sức hoa reo nở lúc Xuân đầu.

Xuân ! Hoa toả hương mới
Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui
Xuân ! Hoa là tình tôi
Ðua nở cùng ai, cùng luyến yêu mọi nơi.

Có một bầy thôn nữ nhìn hoa
Chúc cho Xuân vui vẻ thái hoà
Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già.


Vâng, mãi đến đoạn kết thì ông mới nhớ đến tiếng thời gian, nhưng ông lại quyện trẻ già lại với nhau chung vào một khổ nhạc, để thầm mơ cho hoa lâu tàn như đời người. Niềm ước mơ ấy cũng bình dị và giản đơn như giai điệu bài hát vậy.
Ước cho hoa nở mãi không già...
Ước cho lòng mỗi người chúng ta cũng thế nhé!

Thật giả

Có nhiều cái, nhiều sự việc trên đời ta thấy nó giả tạo, nhưng mà lại thật đấy, cũng vậy, nhiều việc thấy thật ghê, nhưng hoàn toàn là đồ giả, là dối trá, là dỏm không hà. Nói như vậy để biết được rằng, cái ranh giới giữa thật và giả thực ra nhỏ như một sợi tóc, thậm chí không có ranh giới nữa kìa. Bởi người ta vốn quen sống với đồ giả, rồi chính ta cũng giả luôn, lâu ngày thành thói quen, ta cứ coi đó là thật mà chẳng hề nao núng chút nào.
Nhưng đáng sợ nhất trên đời là cái tâm tính, nếu tâm tính mà giả trá thì nguy hại biết chừng nào, do vậy mà ít ra thì trong tâm tính của con người cũng nên biết phân biệt thật giả để mà noi theo, để mà nhận ra cái mặt nạ đang che trên mặt mình nó có màu gì, nó muốn nói lên điều gì. Từ đó mà ta suy diễn ra rằng, thật giả là những gì ta biết nhận thức rõ, và cái ta muốn thật hay giả đó là "do ý ta" chứ không phải do thói quen như nói ở trên.
Xét theo luân lý ở đời thì ai cũng muốn nói thật chứ chẳng ai muốn nói dối làm gì, nhưng ông bà ta có câu: "sự thật mất lòng". Nghĩ cho cùng thì cũng đúng, nhiều điều chân thật khi nói ra khiến người nghe cảm thấy đau xót, thế mà ta vẫn nói đấy, lắm khi ta nói cho hả dạ, để chọc tức hay hạ nhục kẻ khác, nhưng suy cho chín thì dù có làm thế thì ta cũng chẳng được gì, bởi trên đời này đâu phải sự thật nào cũng được phơi bày ra đâu? Cũng lại có khi biết đó là giả, đó là dối trá, nhưng ta cũng cố tình nói ra để làm vui lòng người khác, có đáng trách không nhỉ? Vì tự ta cảm thấy cái dối đó nó vô hại, nó làm vui cho người chứ có phải làm vui cho ta đâu. Do vậy mà lắm người vẫn nói. Trong sự việc này, xét thấy cái "cho người, cho ta" nó rất là quan trọng, vì nếu nói dối để mang lại niềm vui "cho ta" thì hoàn toàn không nên, vì ta đã trục lợi trên sự dối trá, còn nếu mang lại niềm vui "cho người" thì cũng không có gì đáng trách đâu, còn hơn phải nói ra những sự thật đau xé lòng người khác, phải không nhỉ? Biết vậy thì thà chẳng nói thì hơn, nhưng blogger mà không nói thì biết làm gì đây? Chẳng lẽ chỉ coi những gì người khác viết, hoặc nghe những lời người khác nói thôi hay sao?

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2008

Thói hay xài chữ

Mấy ngày nay nghe nói đến Dịch Tiêu Chảy Cấp đang lan truyền khắp các tỉnh miền Bắc, đài truyền hình thì bảo là chưa có ai tử vong, theo blog của nhà báo Hà Thạch Hãn thì cho biết có báo nói là đã có người tử vong. Thôi thì bây giờ chẳng biết tin ai, cố mà tin vào những gì mình đang nhìn thấy vậy.
Mới đây lại đọc trên blog cũng của Nhà báo Hà Thạch Hãn, cho rằng Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn đề nghị nên gọi đúng tên là DỊCH TẢ để có biện pháp cảnh báo và phòng ngừa hữu hiệu, chứ đọc qua đọc lại nghe gọi Dịch Tiêu Chảy Cấp thấy đao to búa lớn quá. Sao không gọi thẳng là Dịch Tả đi cho nó xong! Bộ gọi thế sợ kẻ thù bên ngoài nó chống phá hay bêu riếu ta chắc? Thật không thể nào hiểu nổi, chợt nhớ ra là các cán bộ chức quyền Việt Nam ta hay có cái thói xài chữ. Gọi bằng "thói" vì thấy cái việc này chẳng hay ho gì, lắm lúc trong những cuộc họp ôi thôi xài chữ nghe ghê lắm, nắm bắt được nội dung, hay gọi nôm na là hiểu đi cho xong, thế mà cứ thích nói Các đc đã "quán triệt" hết chưa? Lại có ông quan cũng hay nữa, sợ rằng đọc thế chưa đúng điệu nên lại đọc thành "quán truyệt" cho nó màu mè, triển khai thì đọc bằng "truyển khai" cho nó giàu âm điệu, thành ra chẳng hiểu gì sất. Cơ khổ. Kể ra đây cái chuyện ngôn ngữ này chắc cả trăm trang cũng chưa hết.
Nghe cái tên Dịch Tiêu Chảy Cấp nên mình cũng mở Tự điển Bách Khoa Toàn Thư ra xem họ định nghĩa về Bệnh Tả như sau:
"Bệnh Tả: Bệnh truyền nhiễm cấp tính đường tiêu hoá do phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae), được nhà vi khuẩn học người Đức Kôc (R. Koch) phát hiện năm 1883 và từ 1957 được phát hiện do loại vi khuẩn El tor gây nên. Bệnh còn lưu hành ở Châu Á và vẫn có nguy cơ lan rộng thành dịch. Lây do sử dụng thức ăn, nước uống bị ô nhiễm phẩy khuẩn tả. Bệnh xuất hiện đột ngột, với dấu hiệu: ỉa chảy nhiều lần liên tục, toàn nước, nôn nhiều, nhanh chóng dẫn đến tình trạng kiệt nước và truỵ tim mạch. Nếu được chữa sớm và đúng cách bằng phục hồi nước và các chất điện giải, người bệnh khỏi nhanh. Trong trường hợp bệnh nặng, nếu không được hồi phục nước và điện giải, người bệnh chết trong vòng 12 - 36 giờ. Kháng sinh tetracycline chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc phục hồi nước và điện giải, làm giảm thời gian và khối lượng ỉa chảy, đồng thời rút ngắn thời gian đào thải phẩy khuẩn tả. Có thể dùng hỗ trợ một số vị thuốc nam (trần bì, nhục quế, sinh khương, phụ tử...) với một li nhỏ rượu rum. Bệnh nhẹ chỉ có biểu hiện ỉa chảy vài lần trong vài ngày và có thể tự khỏi (hoặc dùng viên berberine, opium, vv.). Phòng bệnh: chủ yếu là dùng nước sạch; quản lí phân người (không sử dụng phân tươi bón cây); thực hiện ăn chín, uống nước sôi. Hiện nay, việc tiêm phòng vacxin tả ít có giá trị thực tế, chỉ gây miễn dịch ngắn và không bền."
Xem qua thì so với các triệu chứng nhà đài nói về bệnh Tiêu Chảy Cấp thì có khác gì lắm đâu? Chẳng hiểu sao không gọi thẳng là DỊCH TẢ như lời GS-BS Nguyễn Văn Tuấn cho xong mà còn gọi dài dòng là DỊCH TIÊU CHẢY CẤP? Chắc vì cái thói hay xài chữ đây mà! Bao giờ cái thói này mới hết nhỉ? Chắc là còn dài dài...

Sự thật về một câu nói

Câu nói: "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn đã làm được gì cho tổ quốc?" trở nên cũng khá quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ. Tuy nhiên một số giáo viên hiện nay không tìm hiểu kỹ càng tác giả của câu nói này là ai, cứ nghe Nhạc sĩ Vũ Hoàng đưa vào bài hát Khát vọng tuổi trẻ do các đoàn viên TN hay hát, rồi tự nhận đó là câu nói của Bác Hồ(?!). Các thầy đã không biết nói như thế là sai, lại còn dạy các em điều ấy nên khi con gái út của tôi cùng các bạn của nó hỏi, tôi trả lời là của Tổng thống Hoa Kỳ J.F. Kennedy, chúng lại không tin, bảo là chính Thầy nó dạy như vậy. Thầy phụ trách Đoàn Thanh niên ấy.
Nay tôi phải trích dẫn từ Wikipedia phần giải thích về xuất xứ câu nói, về dịch lời và cả về chuyện bản quyền câu nói trên để những ai quan tâm muốn tìm hiểu nhận định cho rõ ràng hơn.
Dịch câu
Xin hỏi câu tiếng Anh này dịch như thế nào cho đúng: “Ask not what your country can do for you—ask what you can do for your country.”
Ở Việt Nam, phần lớn các Đoàn viên Thanh niên đều biết đến bài hát Khát vọng tuổi trẻ của nhạc sĩ Vũ Hoàng, trong đó có đoạn: "...Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay". Bạn có thể hiểu như thế.
- Casablanca1911 06:37, ngày 27 tháng 12 năm 2005
Câu này chính xác là của Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy đọc trong lễ diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng 1 năm 1961 nhưng không hiểu sao lại trở thành câu nói cửa miệng của nhiều Đoàn viên Việt Nam (có lẽ do lời bài hát của tác giả Vũ Hoàng). Có một điều quan trọng là hình như mọi người đang dịch sai câu này (có lẽ do thói quen). Động từ can dịch là có thể. Câu này đáng lý ra nên dịch là: "Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc".
- linhbach 08:17, ngày 27 tháng 12 năm 2005 (UTC)
Nhân đây tôi có một thắc mắc là không biết nhạc sĩ Vũ Hoàng có phạm luật vi phạm bản quyền hay không? Câu nói này là do nhạc sĩ Vũ Hoàng lấy từ Tổng thống Kennedy.
Chắc là không. Luật bản quyền hiện đại thường quy định quyền tác giả giữ tối đa trong vòng 100 năm sau khi tác giả mất. Sau thời gian đó, nó trở thành tài sản chung của nhân loại. Xem quyền tác giả, phạm vi công cộng, công ước Bern, ...
- Trần Thế Trung (thảo luận) 11:34, ngày 27 tháng 12 năm 2005 (UTC)
Năm Kennedy nói câu này là 1961, đến nay chưa tròn nửa thế kỷ. Vậy ông ta vẫn được coi là người giữ bản quyền câu này. Tôi nghĩ tác giả Vũ Hoàng cần phải chú thích rõ câu này lấy từ đâu trong bài hát của mình mới gọi là fairplay. Nếu không dễ bị xem là đạo văn của người khác. 210.245.31.17 12:33, ngày 27 tháng 12 năm 2005 (UTC)
Một câu nói thì không bao giờ được coi là một tác phẩm hoàn chỉnh, cho nên không thể đặt ra vấn đề bản quyền ở đây. Theo điều 102 khoản a)- của luật quyền tác giả Hoa Kỳ thấy: "Luật quyền tác giả bảo hộ tác phẩm nguyên thuỷ độc đáo hoàn chỉnh của tác giả đã được định hình dưới bất kỳ một dạng vật chất thể hiện hữu hình nào hiện đã được biết hoặc sẽ được phát triển trong tương lai, mà từ các dạng vật chất thể hiện hữu hình này tác phẩm có thể được cảm nhận, tái bản, hoặc phổ biến khác hoặc là trực tiếp hoặc là với sự trợ giúp của các máy móc thiết bị..." và khoản b)- "Trong bất kỳ trường hợp nào sự bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nguyên thuỷ độc đáo hoàn chỉnh của tác giả không mở rộng đến các ý tưởng, các biện pháp, phương pháp, nguyên lý hoạt động, khái niệm, quy luật, phát minh, không phân biệt hình thức mà chúng được miêu tả, giải thích, minh hoạ hoặc diễn đạt trong tác phẩm đó". Cũng không thể nói là Tổng thống Kennedy đã phát minh ra câu nói này và câu nói đó hoàn toàn có thể có những người khác nói trước cả ông này. Cho nên, không thể nói rằng Vũ Hoàng "đạo văn" Kennedy. Vương Ngân Hà 11:43, ngày 02 tháng 1 năm 2006 (UTC)
(Trích Wikipedia)

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

Tái ngộ cùng chàng

Thân chào anh bạn Blogger,
Tính ra thì anh cũng thuộc loại lão làng trên netblog, bởi hầu như người dùng Việt Nam đầu tiên biết đến blog là qua anh, nhưng ngày đó còn mới sơ khai, một vài module anh chẳng cho người ta embed mã Unicode để viết tiếng Việt nên người dùng hơi dị ứng, không mặn mà thiết tha chi với cái tính năng hấp dẫn của blog này. Tôi thì hơi khác một tí, tôi nhận ra nơi anh cái tính năng khác, đó là anh cho người ta chỉnh sửa Template bằng code, thế là tôi khoái quá đi rồi, và bằng chứng là tôi đã tha hồ upload truyện tranh cổ tích Việt Nam của tôi đi khoe hàng mà chẳng phải tốn một xu quảng cáo. Tôi lại link nó vào trang web khiêm tốn 30 MB của tôi, để tôi được hưởng 1 GB nơi anh tặng, và cái trang đó ngày nay vẫn chạy tốt, mang đến các giá trị nhân văn cổ tích Việt Nam đến với nhiều bạn đọc phương xa, đến nỗi họ định nhờ tôi chuyển thành CD để bán cho họ. Tôi chưa có thời gian để làm, nhưng đó chính là thành công của tôi và cũng nhờ anh mà ra cả. Cám ơn anh bạn lão làng nhiều nhé!
Song tiếc một điều là anh bạn trẻ Yahoo lại nhanh tay nhanh chân hơn anh về cái blog này, anh ta biết vào blog sẽ bị bệnh ghiền nên tung ra nhiều chiêu mới hơn anh, vì Yahoo biết dân An Nam ta mê 8 nên bày ra friends list, quick comment, mailbox để giành lấy khách hàng của anh, không kịp trở tay nên anh bị họ giành lấy thị phần là phải, và thế là hơn 1 năm qua Yahoo!360 làm mưa làm gió trên không gian weblog. Tôi biết riêng anh thì anh không cần, vì khách hàng của anh trên thế giới mới chiếm đáng kể nguồn thu về quảng cáo, chứ dân An Nam thì ai nấy lo 8 chứ chẳng màng click vô mấy cái quảng cáo mần chi, do vậy mà thời gian gần đây, Yahoo không màng gì đến cái bêta này nữa, lỗi cứ để cho lỗi, ai muốn nói chi thì nói.
Của đáng tội, lâu nay tôi cũng lo 8 bên Yahoo mà không ghé thăm anh, quả thật là rất sơ xuất, vì mấy ngày nay ghé lại thấy anh bày ra nhiều trò mới, trò đây là các module gọi là Page elements, anh cho người ta add không hạn chế để thêm ảnh, video, viết blast, viết thêm hằng tá thứ trên blog và dùng công nghệ lập trình Ajax cho người dùng tùy biến thoải mái. Mới nhìn sơ qua tôi đã khoái vô cùng và vội đến đây tạ tội "bất nghĩa bỏ bê bạn bè" với anh. Lượng thứ nhé anh bạn lão làng kia! Từ nay tôi sẽ theo chân anh để cùng anh viết blog, 8 chuyện và còn nhiều thứ khác đang chờ khám phá nữa nhé!
Vậy anh lại là anh bạn đáng yêu của tôi nữa rồi. Năm mới chúc nhiều điều mới nhé! Và nhất là đừng cà giựt như tôi, vì tôi đã bị lây cái bệnh cà giựt từ Yahoo mất rồi. Hihihi...

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2008

Cuối năm cảm tác




Muôn chim ríu rít báo tin xuân
Nắng sớm len qua cõi phù vân
Gió mới ru say hồn nhân thế
Hương xưa thắm đượm nỗi phong trần
Rì rào liễu rũ bên thềm vắng
Thắm thiết lòng trao khúc ái ân
Xuân mới thắm tươi, hồn cũng mới
Nâng ly ta chúc mãi tình thân


(2008)


Năm hết Tết đến, có vui xuân hay sầu xuân chi nữa thì cũng cố dệt một bài đường luật thân tặng bà con trong xóm nhỏ yêu thương này. Kính chúc mọi người vạn an như ý, mai này cái anh chàng Yahoo này có đóng cửa đi nữa thì bà con trong xóm mình cũng vẫn còn mãi những kỷ niệm đẹp, cái ebook1 ebook2 đấy, bà con mình lâu lâu nhớ mở ra xem nhé! Xem để còn nhớ đến nhau, xem để còn được sống với nhau, thế là đủ rồi... Chứ ngay như bây giờ, viết được một cái entry cũng trầy trật lắm mới post lên được, viết comment cũng khó nên chẳng hy vọng gì ai chia sẻ, ngay cả vào Y!360 cũng vẫn không được chứ đừng nói chi là comment cho nhau. Đành chịu vậy thôi nhé!

Xin chúc mừng năm mới mọi người với cả tấm lòng của Chú già vui tính Papillon.

Thơ tặng Yahoo cuối năm



Phải gọi năm 2007 vừa rồi là năm Yahoo!360 lên ngôi. Nhà nhà lập blóc, người người viết blóc, nhiều đến nỗi nên lúc nào cũng nghẽn cả mạng. Động đất ở Đài Loan đứt một tí dây mạng là bà con la còn hơn cả cháy nhà.Nhưng anh chàng Dá Hù này coi bộ chẳng thèm để ý đến cái sự ghiền lóc của An Nam ta nên cứ mãi bêta mà chẳng thấy bê thui đâu cả (lời của blogger Quỳnh Vy). Năm hết Tết đến mà nó cứ chập chờn nhỏng nhẽo. Ai nấy cũng đều muốn dọn đi nơi khác cho rồi nhưng vì mãi quyến luyến cái friends list nên cứ bấm bụng chờ thời. Nản quá thì lên blast la làng cho đỡ tức. Cũng chỉ biết la vậy thôi chứ Dá Hù có cho mình sửa chữa gì đâu? Càng ngày càng tệ. Mở entry ra xem thì nó cho mình đếm ngược thời gian về mấy tháng trước. Viết comment thì nó cho mình có phép tàng hình, chữ nghĩa biến mất tăm... Hậm hực rồi lại tự dỗ dành vì tiếc của. Của đây là bạn bè, là bài viết, là lời nhận xét comments của mọi người, do vậy mà đứng ngồi không yên, thiệt là khổ ải...Xuân đang về, Tết đang đến mà hổng biết tương lai cái lóc liếc mình ra sao nữa.Cảm tác cái sự đời này nên tôi mới tức khí viết cái bài đường luật này tặng bà con trong xóm cho đỡ cơn tức nhé! Post được cái entry này cũng trầy trật lắm đó. Chán cái anh chàng Y!360 này ghê thiệt.

Lóc liếc năm qua lắm giật gân.
Bon chen thế thái với tình trần.
Hỉ nộ ái ố khoe đầy dẫy,
Yêu thương vui buồn xổ khắp sân.
Xuân sang bờ-lóc luôn cà giựt,
Tết đến Da-hu vẫn cù lần.
Chuẩn bị dọn nhà đi nơi khác,
Cơn ghiền kiếm chỗ để nương thân.


(2008)

Chào năm mới 2008

Xin chào năm mới 2008. Xin chào blogger của Google!
Cũng đã lâu rồi nay mới ghé lại, thấy blogger quả nhiên có tiếng là weblog ổn định nhất thế giới cũng phải. Lại có thêm nhiều tính năng mới cho người dùng tự định dạng thêm bớt, không như cách đây hai năm trước, các template layout cứ cứng nhắc làm người dùng bó tay và chán nản. Tuy vậy mình vẫn dùng blogger cho Truyện tranh Việt Nam, và nay vẫn ổn định.
Không như Y!360. Chẳng phải mình ngồi đây mà lại nói xấu nó, nhưng quả Yahoo không biết nhìn xa trông rộng mà để gần 5 triệu người dùng Việt Nam phải thất vọng vì thời gian gần đây chập chờn và lỗi hoài. Nếu dùng để quảng cáo thì con số 5 triệu bloggers cũng đâu phải là nhỏ! Kể cũng tiếc!
Mình mới quay lại với blogger và cảm thấy nó thích hợp hơn. Có lẽ trong năm mới này sẽ chọn nó hơn là Y!360 hay Y!Mash. Hãy để thời gian trả lời nhé!
Dù sao cũng chúc mừng năm mới Blogger, Blogspot và cũng đồng thời Chúc mừng năm mới mọi người ghé ngang qua đây. Kính chúc mọi người vui mạnh, hạnh phúc và khang an nhé!
Happy New Year 2008!

Hãy là Ông già Noel


Hãy thử làm Ông già Noel một đêm
Không phải là người giao hàng đóng vai Ông Noel mặc đồ đỏ
Gõ cửa mỗi nhà theo đơn đặt hàng của những kẻ giàu có
Niềm vui được tính toán theo từng giá cả cao thấp sang giàu
Những món quà giả, nhưng có hề gì đâu?
Ban niềm vui giả nhưng cứ ngỡ là như thật
Chỉ cần có Ông già Noel bằng xương bằng thịt
Để một lần sờ được vào bộ râu bằng bông gòn
Để một lần nghe tiếng nói của ông
Cho dù đó chỉ là Ông Thánh giả
Vì con trẻ cũng chỉ cần có thế!

Nhưng không! Hãy thử làm một Thánh Klauss* thực lòng
Bước ra đường vào một tối mùa đông
Rét mướt, tối tăm, phía hang cùng ngỏ hẻm
Nơi thị thành không dư dật ánh điện
Sẽ thấy biết bao nhiêu em bé đang cần quà
Mà không phải được đặt hàng như từ những vị đại gia
Quà các em cần dù chỉ là một cái bánh nhỏ không có hộp
Nhưng đó là quà từ trái tim với những đồng tiền chắt bóp
Nhỏ như hư không
Nhưng rộng lớn bằng cả tấm lòng
Quà cho các em và cũng là món quà cho bạn
Vì những mảnh đời lang thang cuối xóm
Đã nhận ra bạn chính là Thánh Klauss đáng yêu
Một ông già Noel có thật tuy nghèo
Chứ không phải Ông già Noel sinh ra từ trong dịch vụ.

Quà Noel năm ấy

Năm ấy tôi vừa tập tễnh bước vào nghề vẽ truyện tranh, hồi đó đồng tiền cũng còn có giá trị lắm nên nhuận bút mỗi cuốn tôi được 65 nghìn, vàng 100 nghìn 1 chỉ nên mỗi tháng gắng vẽ được 2 cuốn cũng đủ đắp đổi cho gia đình, cho các con ăn học. Tiền xe đò lên về mỗi lượt là 2000 nên cầm tờ giấy bạc 5 nghìn thấy cũng có giá lắm.
Dạo đó cũng gần Noel, mới lên Sài Gòn giao bản thảo vẽ xong và lãnh tiền nhuận bút về toàn tờ 5 nghìn, tôi cất kỹ lắm vì sợ móc túi là tiêu đời, cả nhà bơ mỏ ngay. Hôm ấy cuốc bộ ra đường Lê Lợi để mua thêm giấy mực vẽ, chợt đi ngang qua góc đường thấy hai mẹ con nhà ai mặt mày ngơ ngác thấy tội, họ ngồi bệt dưới gốc cây, chìa tay ra xin, miệng lẩm nhẩm lí nhí gì tôi không nghe rõ, nhưng họ không có thái độ vồ vập chèo kéo như những người ăn xin khác, nhìn qua tôi thấy họ rất "thật" chứ chẳng giả vờ tí nào, mặt mày xanh mét có lẽ thiểu ngủ và thiếu ăn. Tôi sờ vào túi, chẳng còn tí tiền lẻ nào, giá còn tờ 50 hay 100 gì đó thì tôi cũng đưa ngay, cũng đủ cho họ mua một hai ổ bánh mì, nhưng lại toàn tờ 5000 thôi, chẳng lẽ cho luôn 5000? Ô, không dám đâu, tôi cũng cực như con trâu chứ có hay hớm gì? Con cái mình xin giỏi lắm cho 50 hay 100 ra mua trái cóc trái ổi hay cái bánh tráng chứ mấy khi được cầm bạc nghìn. Thôi thì đành đi qua luôn vậy, thấy cũng tội cho hai mẹ con họ ghê...
Ngoái đầu lại thì thấy họ vẫn nhìn theo tôi, ánh mắt rất chi là chân thật... Thôi thì không cầm lòng nữa, tôi quay lại đưa họ cả tờ 5000. Bà mẹ nhìn tôi ngạc nhiên lắm, rồi lại nhìn tờ tiền, biết là thật, lại cúi đầu cám ơn tôi lần nữa nhưng tôi đã quay lưng đi rồi.
Định đợt này mua cho mấy đứa con hộp bánh ăn Noel nhưng phải đình lại vì tiền bạc đâu ra đó, có đủ khoản chi phí rồi, về mua cái gì đối đối cho các con cũng được. Đình lại nhưng lòng tôi vui lắm, ai đó có nói : "Cho là có phúc hơn là nhận" mà. Tôi cũng chẳng tốt lành gì đâu nhưng thấy họ đói thật quá, khổ thật quá, nên chắc là mình không bị lừa đâu. Cứ nghĩ thế mà làm niềm vui cho mình là được rồi...
Mùa đông nơi tôi còn gọi là mùa khô, trời nắng gay gắt chứ chẳng lạnh lẽo như không khí giáng sinh đang đến tí nào. Trên xe đò bước xuống để về nhà, đang đi được một đoạn thì bỗng dưng, trước mặt tôi có cái gì đó màu đỏ lẩn trong đám cỏ ven đường, tôi cúi xuống thì thấy rõ là 1 tờ giấy 10 nghìn còn mới lắm. Ai đánh rơi ở đây vậy nhỉ? Có thấy ai đâu, đường lộ ban trưa vắng bóng người qua lại, thế thì có lẽ cái tờ giấy bạc này dành cho mình rồi chứ còn ai. Lúc ấy tôi mới nhớ đến Ông già Noel, người hay đem phúc lành ban phát cho kẻ khác. Tôi chỉ cho người ta một phần mà nay rõ ràng nhận được gấp đôi. Thế thì chẳng ai sung sướng như tôi, cho đã là có phúc, nay được nhận như thế này thì chẳng phải phúc sao? Phải không Ông già Noel đáng kính?

Tỉnh táo và bất lực

Bất lực được định nghĩa như là một người không còn sức lực nữa, nhưng sức lực ở đây hiểu theo nghĩa tinh thần chứ không phải là cơ bắp. Thế nhưng giữa cái tinh thần, tức cái tư duy của con người, với cái cơ bắp thì thiết nghĩ nó cũng chẳng xa xôi gì lắm. Nhiều khi dùng cái cơ bắp hỗ trợ cho tinh thần mà cũng có khi dùng tinh thần để điều khiển cái cơ bắp.
Nguyễn Văn Trỗi ngày xưa trước khi ra trường bắn cũng phải dùng cái cơ bắp nơi cổ để ngẩng đầu nhìn thẳng kêu lên Việt Nam muôn năm, nghĩa là dùng cơ bắp để tỏ chí khí, tức là năng lực tinh thần, dẫu cho cái chết cũng không lay chuyển được. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trước khi lên đường phá Nguyên Mông cũng dùng cơ bắp vung gươm lên chỉ tay vào sông Hóa mà thề rằng không thắng giặc không quay về. Nguyễn Thành Trung cũng đã dùng sức lực của đôi tay, điều khiển chiếc F5 tấn công Dinh Độc Lập... Tóm lại, khi người ta biết dùng sức lực của cơ bắp để tỏ rõ sức mạnh tinh thần thì những việc ấy vô cùng cao cả và rạng danh mãi về sau.
Nhưng nếu khi con người ta lại dùng ngược lại, tức là dùng tư duy tìm đủ mọi cách để đưa cơ bắp, đưa sức mạnh ra mà đối phó với kẻ yếu sức hơn, thì đó lại là một sự bất lực vậy. Cho dù sức lực của anh đang rất mạnh, nhưng anh chỉ biết dùng sức để áp chế kẻ khác, điều đó chứng tỏ anh đã bất lực, anh không có đủ sức mạnh tinh thần mà lý luận với họ. Theo tôi, đó không chỉ là bất lực mà là hèn. Thuở nhỏ tôi cũng đã có nhiều lần bị những thằng to con hơn đánh cho bầm mình mà tôi chỉ đánh lại được mấy đấm thôi, song tôi không cho mình hèn, vì tôi đã biết đối đầu với kẻ mạnh, còn thằng kia rõ ràng nó đánh tôi nhiều hơn, nhưng nó hèn vì dùng sức mạnh áp chế kẻ yếu hơn nó là vậy.
Trong những ngày qua, các blogger đã cho mọi người thấy rõ sức mạnh tinh thần của mình, không còn miệt mài chơi game hoặc chát chít mà họ đã biết tỏ rõ ý chí khi đất nước bị cường quốc lăm le chiếm đoạt. Tôi gọi đúng từ ngữ là chỉ lăm le thôi vì Nhà nước chúng ta cũng không dại gì mà nóng nảy rồi buông xuôi, vẫn đang cố gắng chiến đấu trên mặt trận ngoại giao chứ chưa đến nỗi nước mất nhà tan như một số blogger đã cường điệu quá mức.
Tôi vốn không thích biểu tình, nói đúng hơn là vì không thể biểu tình được cho nên không thích, vả lại tôi chỉ là một cư dân trong một thị trấn nhỏ xa xôi nên làm gì có điều kiện đi đây đó để biểu tình, hay là để tụ tập đông người như ai đó đã nói. Tôi không thích biểu tình, nhưng tôi tôn trọng họ. Bởi vì họ cam đảm dám để cho mật vụ chìm nổi dí camera quay sát mặt mình mà không ngại ngần gì, đơn giản chỉ vì họ trong sáng, có phải tội phạm đâu mà sợ, họ chỉ muốn nói lên những lời người trẻ về hiện tình đất nước chứ không bạo động hoặc lăm le phá rối đất nước. Do vậy mà tôi coi khinh một số ông chủ truyền thông lớn không dám nhìn nhận sự thật, lại còn vu cho là bè lũ phản động này nọ giật dây các em sinh viên. Xin thưa với quý anh, Quý anh ghi hình nhẵn mặt những người biểu tình ra cả rồi đấy. Chính quyền anh giữ, guồng máy mật vụ an ninh anh nắm, nếu có kẻ nào phản động trong đám biểu tình của Việt Tân Việt Cựu gì đó xin anh lôi ra ánh sáng cho bà con nhờ với, mà chính anh cũng nhờ nữa vì đã lập nên chiến công vạch mặt kẻ phản động trong đám biểu tình. Tôi đang chờ mà hơn 1 tuần rồi vẫn chưa thấy công an đưa ra bằng chứng là anh A, chị B, thằng C, con D nào do bọn phản động cài vào đám biểu tình. Thế mà anh lại ra cả một bản thông báo vu vơ là bọn phản động thế lực thù địch này nọ tổ chức tuần hành biểu tình phá rối. Một lời nói nhất là của những người "kẻ cả" thì cần phải có trọng lượng mới xứng là một lời nói, còn không thì đó chỉ là những lời than vãn vu vơ, để lộ ra điểm yếu của mình, cho dù sức mạnh mình đang nắm giữ.
Tôi cũng hiểu tình hình Hoàng Sa - Trường Sa cũng chưa đến nỗi bi quan hoặc bi lụy quá mức mà chúng ta phải đưa ra cả một guồng máy mà chống đỡ, mà bày binh bố trận để tìm cách dẹp không cho các em sinh viên nói lên tiếng nói chân thực của mình. Khi mình cấm người ta nói chính là mình đã bất lực rồi đấy. Đồng ý rằng, những chuyện biểu tình tụ tập như thế này rất nhạy cảm, dễ bị kẻ thù phản động chi phối, nhưng các em sinh viên cũng chẳng phải ngu. Các em đến tụ tập biểu tình có nhận được lương của ai đâu, tiền của ai đâu? Thậm chí kêu gào khản cổ khát nước ai đó mua cho mấy thùng nước lọc mà các anh cũng chận lại không cho mang vào. Tối thấy điều này coi không được khi chúng ta cũng đều là da vàng máu đỏ như nhau, thịt xương một Mẹ Âu Cơ mà ra, nay các em có chống Đảng chống Nhà Nước đâu mà tập trung dàn trận chận lại ghê thế? Tôi thấy cách hành xử như hôm 09/12 vừa rồi rất có tình có lý. Hãy để cho mọi người nói, trình bày hết quan điểm của mình, sau đó vào bên trong Nhà Văn Hóa, quan chức và các em đối thoại với nhau để sự thật được phơi bày ra. Điều đó quá tốt và quý vị đã tạo được niềm tin nơi các em, là chỗ dựa của thế hệ trẻ, còn nếu anh quật lại, đưa sức mạnh ra thì chứng tỏ anh là kẻ yếu chứ không phải kẻ mạnh đâu. Thường thì kẻ yếu phải dùng uy quyền ra để thống trị chứ nếu anh mạnh thực sự thì chắc chắn không cần phải nói hoặc trưng ra, người ta cũng vẫn phải kiêng nể sức mạnh mà anh đang có.
Nhưng những ngày vừa qua, những gì tôi thấy, những điều tôi nghe, những thứ tôi đọc đã tạo cho tôi biết bao điều thất vọng, và trong sự thất vọng cùng cực đó rõ ràng là tôi cũng bất lực, bất lực như những người khác còn biết quan tâm đến đôi chút thế sự, chứ không phải như những blogger hết sức vô cảm đến độ hỏi chuyện Hoàng Sa Trường Sa mà họ không biết, họ mãi kể về những cuộc tình bâng quơ và đưa ra những lời chào giật gân, những phần thưởng rẻ tiền để câu một con số page view nào đó giữa lúc cộng đồng blogger đang nóng lên từng ngày, tôi cũng không buồn vì đó là quyền của mỗi người. Tất nhiên anh hay chị có quyền thích hay không thích nói chuyện chính trị hoặc bàn chuyện chính trị, nhưng rõ ràng nhà kế bên anh đang cháy mà anh không quan tâm hoặc không biết thì trái tim anh lạnh mất rồi. Thực sự thì chẳng ai thích chuyện chính trị cả, chính ngay tôi cũng vậy, vì đây là vấn đề khá nhạy cảm, ai cũng muốn mình ở yên chứ không muốn bị quấy rầy bằng những cuộc bắt bớ, hỏi cung vô bổ, nhưng dù không thích, chúng ta cũng cần nên có "một con mắt để nhìn" và cũng có thể nên có "một con mắt để khóc" như bao người, chứ hoàn toàn đứng bên ngoài cuộc, dửng dưng đã đành mà lại cuốn theo những chuyện tình vu vơ câu khách thì thiết nghĩ làm blogger để làm chi? viết blog để làm gì nhỉ?
Đã là người, và nhất là một blogger thì không ai muốn mình trở thành một người vô cảm, nhưng không cần phải biểu lộ quá đà mà cần phải biết tỉnh táo trong mọi việc. Biết rằng khi xem những hình ảnh như dưới đây thì có thể bạn khó mà tỉnh táo cho được, những áp-phích hình người chiến sĩ Trường Sa oai hùng đứng đầu cột mốc để gìn giữ biên cương thế mà bị một anh cảnh sát cơ động nào đó thu gom như thế này đây! Mà trên cái áp-phích đó có gì phản động đâu chứ? Chỉ đòi giữ vững hải đảo quê hương Việt, chỉ đòi cho tổ quốc được nguyên vẹn dù cho bị áp lực của bất cứ một cường quốc nào đi nữa. Ý chí của các em có gì là sai? Những dòng chữ trên áo các em có gì là quấy? Cái anh cảnh sát cơ động kia là người Việt hay người Trung Quốc vậy nhỉ? Các em có manh động hay bạo lực gì đâu? Xem hình thì tôi thấy rất nhiều em đưa hai tay lên đầu ý muốn nói rằng chúng tôi không bạo động, chúng tôi ôn hòa, thế mà chúng tôi đi đến nơi này, đi đến nơi kia không được sao? Cái quyền đi đứng của mỗi con người ghi rõ trong hiến pháp để đâu cả rồi?
Ngày xưa lúc chúng tôi còn là sinh viên, chúng tôi biểu tình chống Nguyễn Văn Thiệu, ông ta là Tổng thống đấy, nhưng chúng tôi vẫn dám vạch đủ 6 điều tham nhũng của ông ta ra mà nói, mà tranh đấu cho lẽ phải, cho công bằng, cho dân chủ. Thậm chí chúng tôi còn bạo động dùng cả bom xăng, gậy gộc, đất đá nữa thì sao? Ngày nay các em sinh viên chỉ tuần hành trong ôn hòa, thế mà chính quyền lại huy động một lực lượng hùng hậu chốt chặn mọi ngả đường y như chiến tranh sắp xảy ra, lại đem cả máy phá sóng điện thoại để cô lập các em, nào là công an, cảnh sát, dân quân, bảo vệ dàn vòng cung để cô lập những người trẻ, những trái tim hừng hực sức sống. Các em sinh viên này làm điều gì sai quấy nhỉ? Tên phản động A, B, C nào giật dây các em? thuê tiền các em làm chuyện này thì xin nhà cầm quyền hãy vạch ra cho mọi người biết đi, truy tố những tên phản quốc ấy đi. Đừng để khách nước ngoài nhìn thấy cái cảnh "gà cùng một mẹ đá nhau" như thế này họ cười cho thúi mũi đi. Dùng vũ lực và các phương tiện hiện đại để ngăn chặn biểu tình ư? Hoàn toàn sai lầm vì anh sẽ làm trái tim họ nóng hơn trước, kích động hơn trước, và đó là đủ chứng tỏ sự bất lực của anh. Anh có thể ngăn được "dòng người" cuồn cuộn, nhưng anh không thể ngăn được "lòng người" đang sục sôi, nhất là những trái tim sinh viên đầy nhiệt huyết, vì đó là chân lý.
Biết đâu về sau này, có thể đoàn tuần hành sẽ đem những bích chương biểu ngữ ca ngợi tổ quốc, thậm chí có thể mang cả hình Bác Hồ theo, thử hỏi anh cảnh sát cơ động ở hình trên có dám tịch thu gom lại một bó như thế không? Không trả lời được câu hỏi này thì chứng tỏ là anh bất lực rồi, mà tôi thì lại muốn mình có một nhà nước vững mạnh chứ không phải bất lực, vững mạnh từ gốc chứ không phải dùng sức mạnh để răn đe người dân.
Vậy thì thiết nghĩ chuyện có khó gì đâu. Ta chỉ cần một chút tỉnh táo để giải quyết thôi mà. Chuyện các em biểu tình nói lên tiếng nói của mình, cứ để các em tự phát, chúng ta há chẳng dạy các em yêu nước, các em hành động theo lẽ phải đó sao? Lẽ phải đây không phải chúng ta bắt mọi người cái này là đúng cái này là sai, mà lẽ phải đây chính là những suy nghĩ thực của người trẻ trên chính tương lai của họ, mà tương lai của người trẻ chính là tương lai của dân tộc. Không phải ông quan chức nào đó bảo rằng điều này đúng là toàn dân phải nghe theo, điều này sai là toàn dân phải né tránh. Một xã hội dân chủ mà chúng ta hằng hướng tới chính là một xã hội mà người dân biết nói lên suy nghĩ của mình, có thể nó khác với nhà cầm quyền, nhưng chúng ta tôn trọng vì đó là dân chủ. Nếu các em biểu tình bạo động, điều ấy các em sai hoàn toàn, nhưng nếu các em biểu tình trong ôn hòa, cứ để các em nói. Các em là sinh viên, là trí thức, là rường cột nước nhà. Chúng ta đã từng dạy các em không nên trở thành kẻ khiếp nhược thì chúng ta hãy để các em tỏ rõ chí khí của mình. Có thể bọn phản động nước ngoài sẽ nhân những cơ hội này mà rung đùi vỗ tay, nhưng chúng ta không sợ, vì những gì chúng ta đang làm, những gì chúng ta đang gìn giữ, rõ ràng là chúng ta đang phát huy dân chủ, điều mà một quốc gia nào cũng phải mơ ước. Thử hỏi xem, chúng ta có ngăn cấm được anh em sinh viên không? Lỡ ra hàng tuần và có thể hàng ngày các em đều xuống đường tuần hành như thế rồi chúng ta cứ huy động lực lượng ra trấn áp mãi được à? Hay là chúng ta dùng phương cách chụp mũ bắt bớ để làm nhụt chí các em ư? Đó là hạ sách, và những sách lược như thế ngày nay lỗi thời rồi. Tôi tin lãnh đạo của chúng ta đủ tỉnh táo để giải quyết vấn đề này bằng cả trái tim và khối óc khôn ngoan.
Qua entry này, tôi cũng kêu gọi các bạn sinh viên không cần phải biểu tình làm chi nữa, không nên để sự việc đi quá xa mà đánh mất ý hướng ban đầu là giới trẻ được quyền nói lên tiếng nói của mình. Các bạn đã nói và xin hãy chờ các cấp lãnh đạo sẽ có câu trả lời. Tôi cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo chúng ta hãy nói lên tiếng nói của mình gởi đến các bạn trẻ, ngoại giao ta vẫn ngoại giao, nhưng không thể "cả vú lấp miệng em" được. Chúng ta đã dạy các em chí khí quật cường, chúng ta đã dạy các em trách nhiệm với tổ quốc, chúng ta còn dạy các em rất nhiều bài học cao quý khác để xứng đáng là một con người Việt Nam, thì nay chúng ta cũng hãy để cho con người Việt Nam ấy biết thở, biết nói, biết đi. Chắc chắn các vị không muốn anh em sinh viên như những ông phỗng đá, thì xin hãy dùng những lời nói của mình, những tuyên bố của mình về chủ quyền đất nước một cách hợp lý và tự trọng, chắc chắn nhưng điều ấy sẽ như những hơi thở sống động vào tâm hồn thanh niên Việt, và điều ấy sẽ có lợi cho đất nước hơn là biểu tình và bày binh bố trận để chống biểu tình. Khi anh còn biết đối thoại, chứng tỏ anh còn có sức mạnh. Còn khi anh dùng sức mạnh để áp chế kẻ khác thì chứng tỏ anh đã tự nhận mình bất lực rồi. Điều đó tôi không hề muốn chút nào.
Trên đây chỉ là những trải nghiệm bản thân qua bao thăng trầm thời cuộc mà tôi đã cảm nhận. Xin đừng ai copy mang đi nơi khác với mục đích xấu và cay cú nhé, vì bao giờ tôi cũng vẫn muốn mình mãi mãi là Chú già vui tính trên blog mà thôi.

Bài thơ Noel

Nhân Mùa Giáng Sinh đang về, xin giới thiệu một bài thơ hay của Nhà thơ Lê Thị Kim viết vào dịp Noel cách đây gần 30 năm (1978), nay đọc lên vẫn bồi hồi và rực cháy. Ngày ấy đâu có Net, đâu có được mở cửa như bây giờ. Ngày ấy Việt Nam còn phải đương đầu với Trung Quốc, với kẻ diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xary ở Kampuchia, với thù trong giặc ngoài. Hầu hết thanh niên chúng tôi phải cầm súng lên đường chiến đấu, vì thế mà để được một chút hòa bình trong ngày Chúa giáng trần không phải dễ gì mà có được. Lê Thị Kim cũng sống trong tâm trạng đó và chị đã thay mặt chúng tôi thốt lên: “Hỡi tất cả người ngay lành dưới thế!” như là một lời hiệu triệu, để mong Chúa Giáng Trần hãy đem bình an đến cho mọi người. Xin phép Nhà thơ Lê Thị Kim cho chúng tôi được đăng lại bài thơ rực lửa này.

Hòa bình trong máng cỏ
Lê Thị Kim

Thuở ấy người Trung Hoa chưa biết cách lùa chim sẻ
Hoa Kỳ chưa có bang Georgia cho người trồng lạc sản xuất bom neutron.
Nếu như Chúa chọn Israel thời nay giáng thế,
Chắc Người sẽ bị sen đầm mang B-52 đến dội bom.
Một nghìn chín trăm bảy mươi tám năm
Trái đất vẫn chưa đủ chăn
Bò lừa nay không còn dư hơi ấm áp
Những tên vua Hêrốt
Vẫn ngự trị ở Hoa Kỳ, Trung Hoa, Do Thái, Kampuchia…
Gần hai nghìn năm từ thuở Chúa sinh ra
Những ông vua Ba Tư
Không còn tìm đến Người theo vì sao dẫn dắt.
Vua Ba Tư đang giết dân mình
Bằng xe tăng Hoa Kỳ, bằng đạn Bắc Kinh, bằng dao Tây Ðức.
Nơi hang BêLem xưa, người ta đang diễn tập chiến tranh

Tôi hát lên cho máng cỏ yên lành
Ðêm Noel ở Việt Nam, tôi tiễn người yêu đi bộ đội
Bên tiếng Thiên thần xướng ca, tiếng mục đồng quỳ gối,
Là bản tình ca tôi hát giữa mùa đông
Hoà bình trong máng cỏ, hòa bình cho non sông.
Cho người yêu tôi đi đường khỏi lạc,
Cho viên đạn bắn vào đầu kẻ cướp,
Cho trẻ thơ không phải sinh ra ngoài đồng hay trong hố bom

Tôi đắp cho mình một máng cỏ con con
Với bản tình ca thì thầm se sẻ
Xin cầu chúc những hài nhi giáng thế
Ðược lớn lên đứng thẳng làm người…

Ơi bản Gloria… bài tình ca tôi hát một thời
Ðức Bà ẵm Chúa Hài Ðồng
Và tôi ẵm trái tim mình đi tìm máng cỏ.
Tôi tìm đến người trai Việt Nam cạnh biên thùy súng nổ.
Gần suốt tuổi con gái mà lửa đạn vẫn còn sôi
Hòa bình cho máng cỏ, hòa bình cho dân tộc tôi
Hỡi tất cả người ngay lành dưới thế !

(Trích trong Tạp chí Đứng Dậy - số Noel 1978)

Hoa sen dưới mắt Nhà thơ Phùng Quán

Vô tình lang thang trên mạng, tôi chợt bắt gặp một bài thơ quá ư quen thuộc nói về hoa sen tinh khiết mà lâu nay chúng ta vẫn thường nhắc tới trong kho tàng văn học dân gian, nhưng dưới mắt Phùng Quán, một nhà thơ mà chúng tôi rất mực yêu thích vì thơ ông nóng như lửa, sắc như dao và đau xót như xé ruột xé lòng. Tên tuổi Phùng Quán cũng đã có rất nhiều người nói đến, những gian truân mà ông đã gánh chịu suốt cả cuộc đời chỉ vì ông là người dám đấu tranh cho sự thật, cho dù là chỉ trong thơ văn. May là gần đây, Nhà nước ta đã xét lại và truy tặng cho ông giải thưởng Văn học Nhà nước như một lời ủi an cho số phận bi đát một con người, một nhà thơ của nhân dân.
Mở đầu, ông lập lại những câu thơ quen thuộc trong dân gian mà hình như ai ai cũng thuộc lòng:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.


Bỗng dưng từ bốn câu thơ quen thuộc trên, ông chợt nhận ra có cái gì đó không ổn trong cái ý cái tứ của thơ. Điều thú vị là lâu nay, dưới mắt chúng ta, chúng ta không có được cái cảm xúc khác thường và lạ lùng như ông:

Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
Nhưng tôi không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân?!
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân!
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần, chúng mượn chuyện sen


Ồ, thì ra là thế, giữa sen và bùn bỗng dưng ông nhận ra cái mùi phản trắc khác thường trong ấy. Hương thơm của sen và mùi hôi của bùn không hề có khoảng cách, mà ông muốn nói đến những mưu toan che giấu gốc gác từ bùn hôi của đóa sen mà ta tưởng là thơm ngát ấy.

…Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Tất cả là trong cái chữ "gần"
Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả...!
Là do bùn hôi nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân
Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…


Đến bây giờ chúng ta mới chợt vở lẽ ra sự thật sen cũng vươn lên từ bùn hôi, và vĩ nhân cũng từ những người tầm thường thầm lặng sản sinh ra mà thôi, sao lại quên đi cái mùi bùn hôi thân thương từ đó mới có mình được. Sao lại cho rằng "chẳng hôi tanh" mặc dù rất gần bùn, ái ngại ư? hay là chối bỏ? hay là cả hai? Do vậy mà ông khẳng khái kêu lên:

Nhân danh bùn
Nhân danh sen
Tôi đề nghị:
Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!


Quả thực, chỉ có người tinh tế và thấm đẫm gian nan cuộc đời như Phùng Quán mới nhận ra cái ý sâu sắc của bài thơ dân gian này. Thế mà từ bấy lâu nay, vì vô tình hay hữu ý, chúng ta lại quên đi những điều rất đỗi bình thường như thế này. Có lẽ vì chúng ta miệng thì xóa bỏ giai cấp nhưng cũng miệng lại thốt lên những lời phân biệt một cách vô cùng hững hờ những gì bùn hôi đã mang đến cho sen, cho sen được thơm hương, được nâng niu, mà lại quên đi những vất vả cưu mang của bùn hôi, của nhân dân mang đến để có được những vĩ nhân, những anh hùng thời đại... Lắm kẻ thành đạt cố tình quên đi cái gốc gác chân đất của mình đáng trách là thế đấy.
Cây có cội, nước có nguồn, con người có gốc là vậy. Dù cho gốc có tanh hôi đi nữa thì ta cũng từ đó mà ra thôi.

Giai điệu tổ quốc

Gần ba mươi bốn năm trước đây, cũng trong những ngày này, tổ quốc ta rúng động khi quân Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, 58 người lính của quân đội Sài gòn đã hy sinh. Hồi ấy chúng tôi là học sinh lớp 12, lớp cuối cấp và cũng là lần đầu tiên thi Tú Tài theo kiểu trắc nghiệm khách quan và chấm bài bằng máy tính IBM. Hồi ấy chúng tôi học tập không được may mắn như bây giờ đâu, áp lực luôn đè nặng trên đôi vai và cả trong ý nghĩ, học hành lơ mơ thi rớt coi như phải vào quân trường và phải bị đi lính, chứ đừng có hòng mà tiếp tục mài đũng quần trên ghế nhà trường được đâu. Ngày nay nghe đâu định áp dụng hình thức thi trắc nghiệm thì ai nấy đều lè lưỡi ngại ngần, không dám mạnh tay làm thiệt mà chỉ dám làm mé mé bên ngoài, sợ rằng thi theo kiểu này thì thí sinh sẽ rớt lộp độp mất mặt mấy vị trước nay hăm hở chạy theo thành tích quen rồi, ấy là ngày nay dự kiến chỉ thi có 5 môn thôi đấy, trong lúc ngày xưa chúng tôi phải thi trắc nghiệm TẤT CẢ CÁC MÔN! kể cả môn Triết (thay cho môn Văn) do vậy mà chúng tôi phải lo học dữ lắm, cơm áo mồ hôi cha mẹ bỏ ra lo cho con, tôi mồ côi cha sớm nên mẹ và chị phải lo, không thể học hành lơ mơ làm mất kỳ vọng của gia đình được, vì thế mà chúng tôi phải quần quật nào là Triết, Sinh ngữ 1, Sinh ngữ 2, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Công dân giáo dục, Vạn vật (Sinh học)... không được bỏ bê môn nào cả thì mới có thể thi đậu, hy vọng trụ lại ở ghế đại học được.
Nhắc đến chuyện học hành này để nhớ lại những năm tháng gian nan ấy, cho dù là bận phải học hành nhưng chúng tôi vẫn không quên chuyện thế sự, ngày ấy chúng tôi rất đau lòng khi quê hương ta cho dù là ở bên nào đi nữa lại bị quấn thêm một vành khăn tang, đó là những hy sinh mất mát của những người lính ở Hoàng Sa, biết đánh không lại, nhưng vẫn đánh, vẫn chiến đấu một cách ngoan cường và hy sinh anh dũng theo tàu khu trục hạm yên nghỉ trong lòng biển Đông. Ngày 19/01/1974 ấy, 58 người con dân Việt da vàng mũi tẹt của chúng ta đã không chịu nhục, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng thấm đỏ dải cát vàng Hoàng Sa. Chắc chắn khi chiến đấu với lực lượng Trung Quốc hùng mạnh hơn mình nhiều, họ vẫn không ngại ngùng và cũng chẳng phải muốn lưu lại danh gì cho hậu thế, đơn giản họ là những người chiến sĩ, bất kể bên nào, khi bị ngoại xâm hiếp đáp thì họ đã không chịu nhục, mang ý chí Diên Hồng ra mà thử lửa, mà đối đầu bất kể sống chết, đó là niềm tự hào của chúng ta, không phân biệt ai, chỉ biết rằng mình máu đỏ da vàng, một nghìn năm Bắc thuộc đã là quá đủ và không phải ai cũng có quyền ỷ mạnh làm càn. Những người con của Mẹ Việt Nam đã thua trận và hy sinh chìm theo chiếc khu trục hạm, nhưng họ đã chiến thắng trong lòng tất cả mọi người dân Việt, thà chết chứ không cúi đầu chịu nhục là thế. Cái chết của họ như những cung bậc tuyệt vời của giai điệu tổ quốc ngân lên trong lòng người dân Việt, vừa đẹp vừa hào hùng như bài thơ tôi vừa tìm được trên mạng, nói lên cái giai điệu tổ quốc vừa đỏ thắm như son, vừa hào hùng như lửa, vừa đẹp như hoa hướng dương quay về phía mặt trời, và cũng vừa đủ hờn căm trút lên đầu giặc... Sự kiện xảy ra hơn ba mươi năm rồi nhưng đọc lại vẫn còn sôi.

Lời biển gọi cuối năm
Hờn căm trừng mắt lửa
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa...
Mẹ đứng mũi Sơn Chà
Gửi hồn ra Ðông Hải
Ðảo nổi giận nên biển cuồng sóng dậy
Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau
Súng thét khơi xa, sao lửa đốt trong đầu
Lòng mẹ bời bời: ruột mềm máu chảy
Mắt mẹ trông vời, triền môi run rẩy:
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi các cháu con ta?

Con cháu mẹ
Năm mươi đứa làm anh hùng của bể
Năm mươi con thành dũng sĩ Trường Sơn
Bốn ngàn năm mài nhọn mũi căm hờn
Phóng mắt hận, nghiến răng ghìm giặc Bắc.
Cờ Nương Tử phất bay hồn xâm lược
Gươm Mê Linh thét máu nhuộm đầu voi
"Trèo lên đỉnh núi mà coi
Dáng Bà quản tượng trăng soi ngời ngời".
Cửu Chân hề, Cửu Chân ơi!
Gót nhi nữ ra khơi
Ðạp tan luồng sóng dữ
Chém cá tràng kình, rạng danh liệt nữ
Dũng khí Nhụy Kiều gục mặt Bắc quân!

Ngậm mối thù truyền kiếp mấy ngàn năm
Con cháu mẹ từng nhọc nhằn u uất
Ðắm biển mò châu phơi rừng tìm ngọc
Nanh vuốt sài lang nào kể gái hay trai
Máu mỡ no nê muông thú một bầy
Loài đỉa Hán vốn cuồng say máu Việt
Nước độc rừng thiêng một đi là một chết
Vạn người đi, không một bóng ma về...

Ðá Trường Sơn con khắc ngập câu thề:
"Ðòi nợ máu phải đổi răng, đổi mắt!"
Bạch Ðằng xưa nghẹn giòng muôn xác giặc
Dù Hán, dù Mông nước đỏ cũng hôi tanh
Tóc thú đuôi sam - gươm giáo Việt tung hoành.
Vó ngựa Lý, Lê từng phen đạp Tống
Ngọn giáo Ðinh, Trần vạch cõi Nam uy dũng,
Ðầu Mãn Thanh vờn kiếm lộng Quang Trung.
Trải an nguy son sắt vẫn một lòng
Mỗi tấc đất một chiến công oanh liệt
Mỗi tên người một anh hùng, nữ kiệt
Mỗi gốc cây muôn xác quỉ vùi sâu
Dòng Việt Nam chưa hề biết cúi đầu
Dù giặc Bắc bạo tàn hơn súc vật!

Hồn Nam Hải cuối năm
Lạnh căm căm hơi bấc
Bởi thương con mẹ lên đỉnh Sơn Chà
"Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa!
Khôn thiêng nối gót mẹ cha mà về".
Hãy đứng thẳng mà đi!
Hỡi đàn con từng khua sôi biển cả
Cất cao đầu uống lời thề sông Hóa
Hàm Tử, Vân Ðồn, Tây Kết, Chương Dương,
Vươn chiến công kim cổ Bạch Ðằng Giang
Xô cuồng vọng Bắc Kinh vào biển máu!
Xưa ông cha mình giết Liễu Thăng, Hoằng Tháo
Ðánh gục đầu Tôn Sĩ Nghị , Thoát Hoan.
Giờ bè lũ giặc lại xâm phạm biên quan
Xua hải tặc cuồng điên lên cướp đảo
Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa yêu dấu!
Ðất đai ta một mảng cũng thịt xương
Tổ quốc ta một tấc cũng tim gan
Lời phạt Bắc thét run hồn biển cả.
Chiều cuối năm, một mối thù chưa trả
Xuân sắp về - trời bỗng nặng nề mưa...


Rồi giải phóng, rồi đến những năm tháng hòa bình thống nhất đất nước với những khó khăn trong kinh tế cũng như mặt trận ngoại giao. Bạn đó rồi thù đó, chính trị vốn dĩ được định nghĩa là "lật lọng" mà. Hòa bình thống nhất chưa được bao lâu thì tiếng súng lại vang lên. Năm 1979, giai điệu tổ quốc lại vang khúc quân hành mới, lần này thì với chính "người anh em" Trung Quốc.
Ngày ấy chúng tôi là công nhân, nhưng lại được biệt phái vào đội văn nghệ xung kích, còn gọi là nhóm ca khúc chính trị. Giữa một rừng bài hát được sáng tác theo một kiểu chuẩn chu của nhạc viện, thì năm ấy lại rộ lên một chùm ca khúc viết theo lối mới. Tôi nói mới bởi vì trước đó, hầu như màu đỏ của âm nhạc ảnh hưởng tận xương cốt của nhạc sĩ sáng tác nên thực sự tìm ra một cái mới là rất khó, thậm chí chẳng có bài nào đệm theo đúng nghĩa slowrock, hoặc tango chứ đừng nói chi là chachacha, slowsurf... Chỉ toàn là fox, slowfox, marche, lento và valse, một đôi bài chơi theo rhumba melody nhưng không dám chơi chuẩn, có lẽ vì ngại ngùng sợ rằng ủy mị hay sao ấy. Giữa thời điểm ấy thì các anh Trần Tiến, Diệp Minh Tuyền, Thanh Tùng, Vy Nhật Tảo, Miên Đức Thắng, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Đức Trung... bừng dậy. Các anh đưa ra một trào lưu nhạc mới, giai điệu vẫn hướng về tổ quốc nhưng cách diễn đạt thì linh động và thực sự "hay" hơn trước rất nhiều. Chúng tôi đã chộp lấy thời cơ và đi hát xung kích khắp nơi, từ "Ngày mai anh lên đường" của Thanh Tùng, "Bài ca tạm biệt" của Diệp Minh Tuyền nói về cuộc chiến ở biên giới Tây Nam đến bài "Những đôi mắt mang hình viên đạn" của Trần Tiến nói về cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Những lời ca, những giai điệu hùng hồn và sâu lắng đến nỗi gần ba mươi năm trôi qua tôi vẫn không quên, không bao giờ quên:
Đoàn quân vội đi,
đi về biên giới,
cũng từ biên giới về, những bầy trẻ nhỏ.
Đoàn quân lặng im,
nhìn đàn em bé,
từng đôi mắt đen xoe tròn,
từng đôi mắt mang hình viên đạn,
từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn,
từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân
Người chiến sĩ hãy giữ lấy!

Đoàn quân vội đi,
đi về biên giới,
cũng từ biên giới về, bao người mẹ già.
Đoàn quân lặng im,
ngược dòng người đi,
một đôi mắt bao lần tiễn biệt
một đôi mắt bao lần ước hẹn,
một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa.
Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân
Người chiến sĩ hãy giữ lấy!
trút lên quân xâm lược dã man...

Trung Quốc đã mở mặt trận biên giới phía Bắc với những lời huênh hoang định dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng rồi kết quả như thế nào chúng ta cũng đã rõ, ai dạy và dạy như thế nào thì sự thật cũng đã bày ra là chúng cũng phải lũ lượt kéo xác, kéo quân về như hàng nghìn năm trước ông cha ta đã bắt buộc chúng phải làm thế. Cho dù chúng ta cũng đã hy sinh mất mát rất nhiều, nhưng ý chí Việt Nam vẫn thắng. Giai điệu tổ quốc vẫn vang lên rộn ràng trong lòng con dân Việt:
Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi
Dịu dàng trong tiếng ru hời
Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi
Trầm sâu trong tiếng đất trời
Tôi nghe trong lời yêu thương
Tôi nghe trong lời tha thiết
Phút hành quân mẹ tiễn đưa con
Giai điệu nhớ, giai điệu thương
theo suốt con đường

Và tôi yêu, và tôi hát
Lời yêu thương, lời bừng cháy
Tháng ngày này, đất nước ơi!
Tổ Quốc của chúng tôi...

Vận nước thế cũng vẫn chưa yên, quê hương vừa đổi mới được hai năm thì năm 1988, Trung Quốc lại ngang nhiên xua quân đánh chiếm tiếp một số đảo ở Trường Sa, 74 chiến sĩ quân đội nhân dân VN cũng phải nằm lại mảnh đất thiêng liêng này để bảo tồn uy danh dân tộc Việt, máu của các anh hòa cùng biển Đông dậy sóng mãi tận trong lòng người, nếm lấy vẫn còn tanh, vẫn còn đau thương cho biết bao con dân Việt. Nhà báo Hà Thạch Hãn từng viết trên blog của mình rằng: "Núi sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác. Một nước nhỏ cũng là một nước, lại là một nước độc lập và có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Một nước nhỏ cũng có cương thổ, bờ cõi, cũng có núi sông, văn hiến ngàn đời đã được tạo dựng và xác lập. Chính vì thế mà không một ai, quốc gia nào có quyền hiếp đáp và trắng trợn xâm chiếm. Dân tộc này đã từng thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Và tinh thần ấy, hào khí ấy chắc chắn sẽ được truyền dẫn và bùng trỗi, một khi nắm đất của Tổ Quốc bị cưỡng chiếm ngang ngược! Trong bối cảnh đó, một tấc đất của Tố Quốc cũng trở nên thiêng liêng và hừng hực hồn sông núi, huống nữa đó lại là những tấc đất vốn đã thấm đẫm bao xương máu của cha ông quyết hy sinh để gìn giữ." Từng chữ từng lời sắc như dao đâm, đã là con dân Việt thì ai không khỏi xốn xang trong lòng được? Đã là con dân Việt thì không ai chịu nỗi nhục mất nước cả, vì đất đai ta một mảng cũng thịt xương, tổ quốc ta một tấc cũng là tim gan mà!
Những ngày này, cộng đồng dân mạng ở Việt Nam không phải chỉ chát chít, chơi games và Vàng Anh, mà họ đã dẹp bỏ những thứ nhầy nhụa ấy để đứng dậy nói lên tiếng nói của mình, đoàn kết lại để viết nên Giai điệu Tổ quốc mới, một lòng với quê hương, đứng lên vạch mặt kẻ xâm lược ngang nhiên lập khu hành chính làm như đó là đất đai của họ vậy. Sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế đã khiến muôn người đồng lòng như một, hô vang khẩu hiệu ngàn đời: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam! Ai nấy hiểu rằng, hồn Việt máu Việt vẫn còn đấy, chí khí quật cường của cha ông vẫn còn đấy. Đứng trước lá cờ tổ quốc đỏ thắm máu của các anh hùng liệt sĩ, chẳng lẽ ta chịu mang tiếng "hèn" hay sao? Trong lời ca vang vọng của Giai điệu Tổ quốc hôm nay không hề có cái thứ tiếng ấy!

Đôi bờ

Chợt nghe lại bài hát khi xưa: "Lòng anh riêng thắm thiết yêu em, giữ tình đôi lứa ta. Một giòng sông sóng nước mông mênh, đôi bờ đâu cách xa..." tự dưng nghĩ đến chữ đôi bờ và những thứ bờ khác có mặt trên đời.
Tiếng Việt ta định nghĩa chữ "bờ" như là chỗ đất giáp với mặt nước như là bờ biển, bờ sông, bờ ao... bờ còn có nghĩa là con đường đắp lên đễ giữ nước lại, bờ cũng có nghĩa là hàng cây hoặc bức tường quanh một khoảng đất như bờ rào, bờ tường chẳng hạn... Một điều thú vị là chữ bờ dù có nghĩa gì thì thường có đôi, cho nên người ta thường gọi là "đôi bờ".
Thực vậy, bờ sông, bờ ao cũng có bên này bên kia bờ, như Bên kia bờ Hiền Lương chẳng hạn, biển cũng thế, bên này, bên kia đại dương... bờ ruộng cũng vậy, người ta cũng thường gọi bờ bên này, bờ bên kia. Bờ tường rào cũng bên này bên kia... chứng tỏ bờ lúc nào cũng có đôi có cặp.
Bờ môi, bờ vai cũng thế, cũng đủ đôi bên như là cặp đôi hoàn hảo sánh bước trên đời vậy. Mà cũng đúng! Con người ta sinh ra trên đời Thượng Đế cũng đã định loài gì, thứ gì cũng có cặp có đôi thì mới có hạnh phúc. Ngay như những cái từ "bờ" rất bình thường tôi nói ở trên mà cũng có đôi huống chi là nam nữ, là trái phải, là trên dưới...
Thế nhưng vẫn có một thứ bờ đứng riêng rẽ một mình mà vẫn có hạnh phúc, mà lại hạnh phúc tợn nữa đấy! Đó chính là... bờ-lốc! Hahaha...
Quả thật, cho dù "bờ" đây chỉ là phát âm của ngôn từ thôi nhưng hạnh phúc của cái bờ này đem đến cho cư dân nghiền nặng trên mạng quả là vô số... Nào là quan niệm về ái tình, về cuộc sống, về ước mơ, về các vấn đề xã hội dân sinh, thậm chí về cả chính trị chính em đi nữa, bờ-lốc vẫn mang đến niềm vui cho mọi người, thế mới lạ chứ! Cái bờ này nó chẳng cần có đôi, cái bờ này nó chẳng cần có hình tượng, nó chỉ có cái khung soạn thảo và cái bàn phím vô tri, thế mà nó tám đủ chuyện trên đời, yêu ghét giận hờn mạt sát thứ tha chửi rủa gì cũng đều đủ cả, ai nấy mê cái bờ này còn hơn mê vợ, mê trai, ghiền cái bờ này còn hơn ghiền thuốc phiện, xìke ma túy lúc lắc gì cũng không xi nhê gì với nó, cái bờ này mới định đóng cửa một cái thì cư dân trên mạng đã nháo nhào lên chạy trối chết để kiếm bờ mới, hương thơm ngọt ngào của bờ môi cũng không thấm thía gì với nó, sự dịu êm nương tựa của đôi bờ vai cũng chẳng có nghĩa lý gì với nó. Nó làm cho người ta ghiền, nó làm cho người ta điên lên khi bị cúp điện, thậm chí điên lên khi máy bị treo, vậy mà người ta vẫn cứ yêu cái bờ ấy, yêu mãi yêu hoài, đóng cửa rồi lại mở, dứt cơn ghiền lại tái nghiện, quả thật cái bờ-lốc này hơn mọi loại bờ có trên đời. Không tin thì bạn cứ thử làm đơn ly dị với nó thử coi. Chẳng được mấy hôm lại tái hôn ngay cho mà coi, có cần đôi đâu, thế mà vẫn quyến rũ ghê nhỉ, phải không bờ-lốc ơi?
Bởi vậy trong lúc tôi đang gắng trị bệnh ghiền chưa dứt nổi đây, thế mà lại cũng đang ngấp nghé làm đơn xin tái nghiện cái "bờ" này là thế! Huhuhu...

Nỗi lòng

Hôm nay bỗng dưng thích viết blóc, mặc dù đang trong thời gian cai nghiện, cai nghiện để mà làm việc, cai nghiện để mà sống, cai nghiện để mà kiếm cơm... và cai nghiện cũng là để có điều kiện và thời gian để nghiện tiếp, mặc dù hôm nay blóc cuối tuần vắng như chùa bà đanh, nhưng không sao, mình viết cho mình, mình viết để trải nghiệm cho chính mình là được, ai đọc thì cám ơn, không đọc cũng chẳng sao, vì đây là nỗi lòng của mình mà, có sao đâu?!
Ờ, mà cũng có sao đâu nhỉ?! Tôi thì cũng chẳng quan tâm đến Page view là bao nhiêu, thỉnh thoảng có cháu nào đấy bảo rằng bố già ơi, cái PV của bố già sắp tới số này số này... thế thì cũng chẳng sao, điều tôi thích nhất là hôm nào đấy một cháu nhỏ gởi private message cho tôi bảo rằng Cám ơn bố, nhờ bố mà con đã vượt qua cái này... cái nọ... để con biết yêu đời hơn, biết quý trọng những gì chung quanh mình hơn... Thú thật là tôi thích lắm! Tôi cũng rất thích khi cháu nào đấy lại gởi PM nói chuyện riêng của mình và muốn mình có một lời khuyên nào đấy, thú thực thì tôi cũng chẳng hay ho gì, nhưng những gì mình cảm nhận nó vừa thăng hoa vừa xót xa, mình kể ra bọn trẻ nó thấy nó là mới là hay, thế là mình có cảm nghĩ là mình đã giúp được ai đó chia sẻ niềm vui, thế là đủ, hơn cả một phần thưởng nữa đấy.
Thỉnh thoảng tôi cũng thích giúp vui bà con trong xóm bằng những bài viết, những từ ngữ hơi lí lắc một tí cho vui cửa vui nhà, thiết nghĩ chẳng hại ai, chẳng động đến nồi cơm của ai, thế là mình đã tìm được niềm vui, cho dù nó bé tí xíu, nhưng bé cách nào thì nó cũng là niềm vui chứ chẳng phải là nỗi buồn là được, phải không nhỉ?
Thời gian gần đây, trên blog xuất hiện nhiều khuynh hướng mới, lúc thì chính trị, lúc thì cay cú vì lối giải quyết của một quan chức nào đó, lúc thì tuyệt vọng trong tình yêu đến nỗi buông xuôi, thì bỗng dưng trong tâm trí tôi lại bừng lên một niềm tin mới, tin rằng chúng ta có thể xây dựng những điều tốt đẹp ở đời mà không cần phải đầu tư nhiều, chỉ biết góp ý, khuyên can, chia sẻ, thế mà giá trị của những việc ấy thật vô bờ, chân thực đến nỗi chúng ta có bỏ tiền ra cũng không mua được, và đó chính là cái quý giá nhất của cuộc đời...
Cũng như hôm nay, một tối thứ bảy, tôi vẫn viết những dòng này mà không biết có ai quan tâm commment lại, tôi không buồn, vì tôi nói ra những nỗi lòng của tôi, trong một đêm vắng người... không sao cả, khi con người ta còn có thể nói được, là con người ta còn biết thở, mà biết thở thì sự sống vẫn còn hiện diện đâu đó. Biết rằng ta vẫn còn đang sống, có thể là sống vì mọi người, thế cũng đủ là vui rồi...

Xấu hổ

Quả thực là tôi rất xấu hổ, vì đã quyết trị bệnh ghiền blog nhưng chung quanh mình những sự kiện xảy đến dồn dập nên không thể nào trị dứt được, đành bất lực nhìn cơn nghiện tái phát trở lại. Điều xấu hổ thứ hai là một người lớn tuổi như tôi sao lại có suy nghĩ giản đơn và ngây thơ còn tệ hơn một cháu gái nhỏ chưa bằng phân nửa tuổi tôi sau khi tôi đọc entry của cháu vừa mới viết. Tôi xấu hổ vì mình chỉ là một gã lang thang nói chuyện trên trời dưới đất mà chuyện đau lòng trước mắt lại không màng tìm hiểu sâu xa để mà nói mà viết...
Cũng vì quá xấu hổ nên nay tôi xin được copy bài viết về Hoàng Sa - Trường Sa của cháu gái có tên là Pé Dậu hoặc Gà Đua Xe. Cháu viết gọn gàng và rất hay, rất thấm. Xin chia sẻ cùng mọi người...

Còn đâu một phần của đất nước?

Từ lúc học cấp 1, em đã nghe cô giáo kể về những thuỷ thủ canh gác ngày đêm không mệt mỏi ở quần đảo Trường Sa. Em thắc mắc vì sao các anh ấy lại phải ở ngoài xa như thế, chịu đựng biết bao gian khổ, chống chọi với những cơn bão trên biển Đông ác liệt. Rồi cô giải thích rằng, vì quần đảo Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, hiện nay và sau nay luôn luôn là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Ngày ấy còn nhỏ lắm, nghe cô bảo chúng ta quyên góp xà phòng, bàn chải, quần áo cho các anh ấy, em cũng luống cuống làm theo.
Lên cấp 2, học địa lý, em thấy rõ một quần đảo nhỏ với xung quanh là những hòn đảo bé ti ti ấy trên bản đồ đất nước em cong cong hình chữ S. Cô nói Hoàng Sa là một huyện của thành phố Đà Nẵng hay một tỉnh nào đó của Việt Nam, em cũng không nhớ rõ, nhưng em biết trên bản đồ nước Việt thì đó là một mảnh đất được các anh bộ đội canh giữ ngày đêm, để không ai có thể lấy đi một phần đất nào của nước mình.
Hàng ngày, em vốn được sống trong “chăn êm nệm ấm” trên đất liền nên không ngờ được tình hình biển Đông phức tạp đến như vậy! Em càng không thể biết bộ đội ta đang chịu đựng biết bao gian khổ, đương đầu với bao âm mưu đen tối và hành động xâm chiếm biển, đảo của các thế lực bên ngoài và có thể phải hy sinh xương máu bất cứ lúc nào.
"Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Riêng quần đảo Trường Sa còn được gọi với tên khác là Spratley. Ở khu vực này còn là nơi sinh ra những cơn bão trên biển Đông nên đôi khi được gọi là “quần đảo bão tố”. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm với tổng diện tích khoảng 180 ngàn km2. Quần đảo nằm ở phía Đông- Đông Nam bờ biển Nam Trung Bộ, trong giới hạn từ vĩ độ 06030’00’’N đến vĩ độ 12000’00’’N và từ kinh độ 111030’00’’E đến kinh độ 117030’00’’E, thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ tháng 4-1975 đến nay, Hải quân nhân dân Việt Nam vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, dũng cảm đấu tranh ngoan cường, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền 9 đảo nổi và 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa."
- Hoàng Sa có phải là quần đảo của nước ta không ạ?
- Hoàng Sa bị chiếm năm 1974. Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Việt Nam Cộng Hòa đã thu hồi chủ quyền toàn bộ quần đảo này từ chính phủ bảo hộ Pháp nhưng một phần quần đảo đã bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho quân ra chiếm giữ khi người Pháp rút đi. Sau trận chiến năm ấy, Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo cho đến nay.
-......?
Lên cấp 3, em được học sâu hơn về lịch sử và địa lý của Trung Quốc. Rồi em chỉ thấy trên bản đồ đất nước Trung Quốc rộng lớn lắm, còn nước ta thì bé tí ti thôi, không bằng một tỉnh của nước họ. Một đất nước lớn với hơn 1,3 tỷ người, có một thời kỳ lịch sử lâu dài, những triều đại được dựng thành phim, một nền kinh tế đang đi lên vững mạnh và trong tương lai có thể sẽ vượt lên cả Mỹ. Đối với em, Trung Hoa là một đất nước đáng để chúng ta học hỏi.
Và hôm nay, em thấy gì sau những việc vừa xảy ra, nó khiến em nhớ lại thời kỳ một nghìn năm Trung Quốc đô hộ. Rồi em vẫn luôn tự hỏi, một đất nước to lớn như thế, nay lại muốn to lớn thêm, bằng cách đi xâm chiếm quần đảo nhỏ bé của một đất nước nhỏ bé chúng ta?
Trung Quốc dạy cho em bài học gì? Mạnh được yếu thua, kẻ mạnh bao giờ cũng thắng, cũng được điều mà họ muốn? Nhưng, kẻ mạnh không phải bao giờ cũng là kẻ đúng. Đó là khi chân lý không thuộc về kẻ mạnh. Đó là khi anh khiến đồng bào tôi phải đổ máu ngay tại lãnh thổ đất nước của chúng tôi, bằng những hành động cực kỳ ngang ngược.
Nhưng rồi em, và đồng bào, làm được gì? Nếu có chiến tranh, chúng ta có giành lại được? Khi kinh tế Trung Quốc không ngừng phát triển, chúng ta lại càng yếu hơn, vì tham nhũng, vì lạm phát, những điều chúng ta nhìn thấy hàng ngày: kẹt xe, cướp bóc, đánh nhau, giới trẻ thác loạn, giáo viên hành hung học trò... Nó khiến không ít người buột miệng thốt lên đất nước đã suy thoái, đất nước đang đi xuống, đất nước.. thối nát...
Em không buồn khi sống trong một đất nước yếu đuối, nhưng em buồn khi bản thân không thể làm gì cho đất nước mình mạnh lên..
Để rồi hôm qua Hoàng Sa bị lấy mất, hôm nay Trường Sa cũng đổi tên, rồi liệu ngày mai Việt Nam có còn thấy trong bản đồ thế giới?
Kí tên :
Gà yêu nước
===========

Quốc Vụ Viện Trung Quốc vừa phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa).
Chúng ta nên hỏi chúng ta thôi. Người ta quan tâm đến Vàng Anh vì Vàng Anh được lên báo, còn nỗi đau Hoàng Sa thì buộc phải câm nín, không một tờ báo nào được nói đến. Vì mối quan hệ bang giao, như ngàn đời nay cha ông ta vẫn phải chịu cái "ách" của bọn "xì thẩu".
Nhưng Vàng Anh, một hai năm sau người ta sẽ quên mất, còn Hoàng Sa 33 năm rồi và nhiều lần 33 năm nữa chắc rằng rất nhiều người Việt Nam sẽ không quên.

Xấu hổ quá! Có lẽ từ nay mình cũng nên gác bút đi cho rồi...