Thứ Tư, 9 tháng 1, 2008

Giai điệu tổ quốc

Gần ba mươi bốn năm trước đây, cũng trong những ngày này, tổ quốc ta rúng động khi quân Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, 58 người lính của quân đội Sài gòn đã hy sinh. Hồi ấy chúng tôi là học sinh lớp 12, lớp cuối cấp và cũng là lần đầu tiên thi Tú Tài theo kiểu trắc nghiệm khách quan và chấm bài bằng máy tính IBM. Hồi ấy chúng tôi học tập không được may mắn như bây giờ đâu, áp lực luôn đè nặng trên đôi vai và cả trong ý nghĩ, học hành lơ mơ thi rớt coi như phải vào quân trường và phải bị đi lính, chứ đừng có hòng mà tiếp tục mài đũng quần trên ghế nhà trường được đâu. Ngày nay nghe đâu định áp dụng hình thức thi trắc nghiệm thì ai nấy đều lè lưỡi ngại ngần, không dám mạnh tay làm thiệt mà chỉ dám làm mé mé bên ngoài, sợ rằng thi theo kiểu này thì thí sinh sẽ rớt lộp độp mất mặt mấy vị trước nay hăm hở chạy theo thành tích quen rồi, ấy là ngày nay dự kiến chỉ thi có 5 môn thôi đấy, trong lúc ngày xưa chúng tôi phải thi trắc nghiệm TẤT CẢ CÁC MÔN! kể cả môn Triết (thay cho môn Văn) do vậy mà chúng tôi phải lo học dữ lắm, cơm áo mồ hôi cha mẹ bỏ ra lo cho con, tôi mồ côi cha sớm nên mẹ và chị phải lo, không thể học hành lơ mơ làm mất kỳ vọng của gia đình được, vì thế mà chúng tôi phải quần quật nào là Triết, Sinh ngữ 1, Sinh ngữ 2, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Công dân giáo dục, Vạn vật (Sinh học)... không được bỏ bê môn nào cả thì mới có thể thi đậu, hy vọng trụ lại ở ghế đại học được.
Nhắc đến chuyện học hành này để nhớ lại những năm tháng gian nan ấy, cho dù là bận phải học hành nhưng chúng tôi vẫn không quên chuyện thế sự, ngày ấy chúng tôi rất đau lòng khi quê hương ta cho dù là ở bên nào đi nữa lại bị quấn thêm một vành khăn tang, đó là những hy sinh mất mát của những người lính ở Hoàng Sa, biết đánh không lại, nhưng vẫn đánh, vẫn chiến đấu một cách ngoan cường và hy sinh anh dũng theo tàu khu trục hạm yên nghỉ trong lòng biển Đông. Ngày 19/01/1974 ấy, 58 người con dân Việt da vàng mũi tẹt của chúng ta đã không chịu nhục, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng thấm đỏ dải cát vàng Hoàng Sa. Chắc chắn khi chiến đấu với lực lượng Trung Quốc hùng mạnh hơn mình nhiều, họ vẫn không ngại ngùng và cũng chẳng phải muốn lưu lại danh gì cho hậu thế, đơn giản họ là những người chiến sĩ, bất kể bên nào, khi bị ngoại xâm hiếp đáp thì họ đã không chịu nhục, mang ý chí Diên Hồng ra mà thử lửa, mà đối đầu bất kể sống chết, đó là niềm tự hào của chúng ta, không phân biệt ai, chỉ biết rằng mình máu đỏ da vàng, một nghìn năm Bắc thuộc đã là quá đủ và không phải ai cũng có quyền ỷ mạnh làm càn. Những người con của Mẹ Việt Nam đã thua trận và hy sinh chìm theo chiếc khu trục hạm, nhưng họ đã chiến thắng trong lòng tất cả mọi người dân Việt, thà chết chứ không cúi đầu chịu nhục là thế. Cái chết của họ như những cung bậc tuyệt vời của giai điệu tổ quốc ngân lên trong lòng người dân Việt, vừa đẹp vừa hào hùng như bài thơ tôi vừa tìm được trên mạng, nói lên cái giai điệu tổ quốc vừa đỏ thắm như son, vừa hào hùng như lửa, vừa đẹp như hoa hướng dương quay về phía mặt trời, và cũng vừa đủ hờn căm trút lên đầu giặc... Sự kiện xảy ra hơn ba mươi năm rồi nhưng đọc lại vẫn còn sôi.

Lời biển gọi cuối năm
Hờn căm trừng mắt lửa
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa...
Mẹ đứng mũi Sơn Chà
Gửi hồn ra Ðông Hải
Ðảo nổi giận nên biển cuồng sóng dậy
Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau
Súng thét khơi xa, sao lửa đốt trong đầu
Lòng mẹ bời bời: ruột mềm máu chảy
Mắt mẹ trông vời, triền môi run rẩy:
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi các cháu con ta?

Con cháu mẹ
Năm mươi đứa làm anh hùng của bể
Năm mươi con thành dũng sĩ Trường Sơn
Bốn ngàn năm mài nhọn mũi căm hờn
Phóng mắt hận, nghiến răng ghìm giặc Bắc.
Cờ Nương Tử phất bay hồn xâm lược
Gươm Mê Linh thét máu nhuộm đầu voi
"Trèo lên đỉnh núi mà coi
Dáng Bà quản tượng trăng soi ngời ngời".
Cửu Chân hề, Cửu Chân ơi!
Gót nhi nữ ra khơi
Ðạp tan luồng sóng dữ
Chém cá tràng kình, rạng danh liệt nữ
Dũng khí Nhụy Kiều gục mặt Bắc quân!

Ngậm mối thù truyền kiếp mấy ngàn năm
Con cháu mẹ từng nhọc nhằn u uất
Ðắm biển mò châu phơi rừng tìm ngọc
Nanh vuốt sài lang nào kể gái hay trai
Máu mỡ no nê muông thú một bầy
Loài đỉa Hán vốn cuồng say máu Việt
Nước độc rừng thiêng một đi là một chết
Vạn người đi, không một bóng ma về...

Ðá Trường Sơn con khắc ngập câu thề:
"Ðòi nợ máu phải đổi răng, đổi mắt!"
Bạch Ðằng xưa nghẹn giòng muôn xác giặc
Dù Hán, dù Mông nước đỏ cũng hôi tanh
Tóc thú đuôi sam - gươm giáo Việt tung hoành.
Vó ngựa Lý, Lê từng phen đạp Tống
Ngọn giáo Ðinh, Trần vạch cõi Nam uy dũng,
Ðầu Mãn Thanh vờn kiếm lộng Quang Trung.
Trải an nguy son sắt vẫn một lòng
Mỗi tấc đất một chiến công oanh liệt
Mỗi tên người một anh hùng, nữ kiệt
Mỗi gốc cây muôn xác quỉ vùi sâu
Dòng Việt Nam chưa hề biết cúi đầu
Dù giặc Bắc bạo tàn hơn súc vật!

Hồn Nam Hải cuối năm
Lạnh căm căm hơi bấc
Bởi thương con mẹ lên đỉnh Sơn Chà
"Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa!
Khôn thiêng nối gót mẹ cha mà về".
Hãy đứng thẳng mà đi!
Hỡi đàn con từng khua sôi biển cả
Cất cao đầu uống lời thề sông Hóa
Hàm Tử, Vân Ðồn, Tây Kết, Chương Dương,
Vươn chiến công kim cổ Bạch Ðằng Giang
Xô cuồng vọng Bắc Kinh vào biển máu!
Xưa ông cha mình giết Liễu Thăng, Hoằng Tháo
Ðánh gục đầu Tôn Sĩ Nghị , Thoát Hoan.
Giờ bè lũ giặc lại xâm phạm biên quan
Xua hải tặc cuồng điên lên cướp đảo
Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa yêu dấu!
Ðất đai ta một mảng cũng thịt xương
Tổ quốc ta một tấc cũng tim gan
Lời phạt Bắc thét run hồn biển cả.
Chiều cuối năm, một mối thù chưa trả
Xuân sắp về - trời bỗng nặng nề mưa...


Rồi giải phóng, rồi đến những năm tháng hòa bình thống nhất đất nước với những khó khăn trong kinh tế cũng như mặt trận ngoại giao. Bạn đó rồi thù đó, chính trị vốn dĩ được định nghĩa là "lật lọng" mà. Hòa bình thống nhất chưa được bao lâu thì tiếng súng lại vang lên. Năm 1979, giai điệu tổ quốc lại vang khúc quân hành mới, lần này thì với chính "người anh em" Trung Quốc.
Ngày ấy chúng tôi là công nhân, nhưng lại được biệt phái vào đội văn nghệ xung kích, còn gọi là nhóm ca khúc chính trị. Giữa một rừng bài hát được sáng tác theo một kiểu chuẩn chu của nhạc viện, thì năm ấy lại rộ lên một chùm ca khúc viết theo lối mới. Tôi nói mới bởi vì trước đó, hầu như màu đỏ của âm nhạc ảnh hưởng tận xương cốt của nhạc sĩ sáng tác nên thực sự tìm ra một cái mới là rất khó, thậm chí chẳng có bài nào đệm theo đúng nghĩa slowrock, hoặc tango chứ đừng nói chi là chachacha, slowsurf... Chỉ toàn là fox, slowfox, marche, lento và valse, một đôi bài chơi theo rhumba melody nhưng không dám chơi chuẩn, có lẽ vì ngại ngùng sợ rằng ủy mị hay sao ấy. Giữa thời điểm ấy thì các anh Trần Tiến, Diệp Minh Tuyền, Thanh Tùng, Vy Nhật Tảo, Miên Đức Thắng, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Đức Trung... bừng dậy. Các anh đưa ra một trào lưu nhạc mới, giai điệu vẫn hướng về tổ quốc nhưng cách diễn đạt thì linh động và thực sự "hay" hơn trước rất nhiều. Chúng tôi đã chộp lấy thời cơ và đi hát xung kích khắp nơi, từ "Ngày mai anh lên đường" của Thanh Tùng, "Bài ca tạm biệt" của Diệp Minh Tuyền nói về cuộc chiến ở biên giới Tây Nam đến bài "Những đôi mắt mang hình viên đạn" của Trần Tiến nói về cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Những lời ca, những giai điệu hùng hồn và sâu lắng đến nỗi gần ba mươi năm trôi qua tôi vẫn không quên, không bao giờ quên:
Đoàn quân vội đi,
đi về biên giới,
cũng từ biên giới về, những bầy trẻ nhỏ.
Đoàn quân lặng im,
nhìn đàn em bé,
từng đôi mắt đen xoe tròn,
từng đôi mắt mang hình viên đạn,
từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn,
từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân
Người chiến sĩ hãy giữ lấy!

Đoàn quân vội đi,
đi về biên giới,
cũng từ biên giới về, bao người mẹ già.
Đoàn quân lặng im,
ngược dòng người đi,
một đôi mắt bao lần tiễn biệt
một đôi mắt bao lần ước hẹn,
một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa.
Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân
Người chiến sĩ hãy giữ lấy!
trút lên quân xâm lược dã man...

Trung Quốc đã mở mặt trận biên giới phía Bắc với những lời huênh hoang định dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng rồi kết quả như thế nào chúng ta cũng đã rõ, ai dạy và dạy như thế nào thì sự thật cũng đã bày ra là chúng cũng phải lũ lượt kéo xác, kéo quân về như hàng nghìn năm trước ông cha ta đã bắt buộc chúng phải làm thế. Cho dù chúng ta cũng đã hy sinh mất mát rất nhiều, nhưng ý chí Việt Nam vẫn thắng. Giai điệu tổ quốc vẫn vang lên rộn ràng trong lòng con dân Việt:
Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi
Dịu dàng trong tiếng ru hời
Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi
Trầm sâu trong tiếng đất trời
Tôi nghe trong lời yêu thương
Tôi nghe trong lời tha thiết
Phút hành quân mẹ tiễn đưa con
Giai điệu nhớ, giai điệu thương
theo suốt con đường

Và tôi yêu, và tôi hát
Lời yêu thương, lời bừng cháy
Tháng ngày này, đất nước ơi!
Tổ Quốc của chúng tôi...

Vận nước thế cũng vẫn chưa yên, quê hương vừa đổi mới được hai năm thì năm 1988, Trung Quốc lại ngang nhiên xua quân đánh chiếm tiếp một số đảo ở Trường Sa, 74 chiến sĩ quân đội nhân dân VN cũng phải nằm lại mảnh đất thiêng liêng này để bảo tồn uy danh dân tộc Việt, máu của các anh hòa cùng biển Đông dậy sóng mãi tận trong lòng người, nếm lấy vẫn còn tanh, vẫn còn đau thương cho biết bao con dân Việt. Nhà báo Hà Thạch Hãn từng viết trên blog của mình rằng: "Núi sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác. Một nước nhỏ cũng là một nước, lại là một nước độc lập và có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Một nước nhỏ cũng có cương thổ, bờ cõi, cũng có núi sông, văn hiến ngàn đời đã được tạo dựng và xác lập. Chính vì thế mà không một ai, quốc gia nào có quyền hiếp đáp và trắng trợn xâm chiếm. Dân tộc này đã từng thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Và tinh thần ấy, hào khí ấy chắc chắn sẽ được truyền dẫn và bùng trỗi, một khi nắm đất của Tổ Quốc bị cưỡng chiếm ngang ngược! Trong bối cảnh đó, một tấc đất của Tố Quốc cũng trở nên thiêng liêng và hừng hực hồn sông núi, huống nữa đó lại là những tấc đất vốn đã thấm đẫm bao xương máu của cha ông quyết hy sinh để gìn giữ." Từng chữ từng lời sắc như dao đâm, đã là con dân Việt thì ai không khỏi xốn xang trong lòng được? Đã là con dân Việt thì không ai chịu nỗi nhục mất nước cả, vì đất đai ta một mảng cũng thịt xương, tổ quốc ta một tấc cũng là tim gan mà!
Những ngày này, cộng đồng dân mạng ở Việt Nam không phải chỉ chát chít, chơi games và Vàng Anh, mà họ đã dẹp bỏ những thứ nhầy nhụa ấy để đứng dậy nói lên tiếng nói của mình, đoàn kết lại để viết nên Giai điệu Tổ quốc mới, một lòng với quê hương, đứng lên vạch mặt kẻ xâm lược ngang nhiên lập khu hành chính làm như đó là đất đai của họ vậy. Sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế đã khiến muôn người đồng lòng như một, hô vang khẩu hiệu ngàn đời: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam! Ai nấy hiểu rằng, hồn Việt máu Việt vẫn còn đấy, chí khí quật cường của cha ông vẫn còn đấy. Đứng trước lá cờ tổ quốc đỏ thắm máu của các anh hùng liệt sĩ, chẳng lẽ ta chịu mang tiếng "hèn" hay sao? Trong lời ca vang vọng của Giai điệu Tổ quốc hôm nay không hề có cái thứ tiếng ấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.