Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Quyền và Tình

Trước hết, xin khẳng định với mọi người "Quyền" đây chẳng phải là quyền lực đâu nhé! "Tình" cũng thế, chẳng phải là ái tình hay yêu iếc gì cả đâu nghen.
Hình như mỗi con người sinh ra trên đời này có 2 cái quyền bất di bất dịch mà không một ai trên cõi đời này có thể ngăn cản chúng ta thực thi 2 cái quyền ấy: đó là quyền ký tên mình theo ý thích và thứ hai là quyền đặt tên con của mình. Hihi... Phải vậy không nhỉ?
Tất nhiên là chúng ta còn có rất nhiều quyền khác, nhưng những cái quyền ấy không bị ảnh hưởng cái này thì cũng bị cái khác chi phối. Ông cán bộ bảo rằng thằng cha Papi này nói dóc, thiếu gì quyền được ghi trong hiến pháp, gọi là quyền hiến định mà lão dám bảo là chỉ có 2 quyền thôi? Xin thưa những cái quyền ấy chỉ nằm trên giấy tờ và hình thức để lòe thiên hạ chứ dễ gì thi hành được quyền đó trong thực tế, chẳng hạn như cái quyền tối thượng ghi trong hiến pháp là quyền được học hành. Nghe oai ghê nhưng thử ra xã hội mà thực thi cái quyền ấy đi. Nghèo thì lấy đâu ra tiền mà học? Đậu đại học mà đành phải bỏ kìa, thế thì đó chẳng phải gọi là quyền nữa, nếu gọi đó là quyền được học hành thì tất cả các trường học đều phải miễn phí để ai cũng có thể đi học được. Papi chỉ đơn cử một thí dụ nhỏ như vậy cho vui thôi chứ tớ hổng ham làm chính trị đâu! Còn vô số cái quyền hiến định khác khỏi kể lể ra đây thêm dài dòng và choán đất của Yahoo thêm mệt. Có người còn bảo nào là quyền được yêu, quyền được nói, quyền được đi lại, quyền được làm việc vân vân và vân vân, nhưng thử xét lại đi, cái quyền nào cũng bị những thứ khác chi phối. Thử hỏi Quyền được yêu hả? Người ta không yêu lại thì mần cái gì người ta? Yêu đơn phương thì có đáng được gọi là yêu không? Quyền được nói hả? cái này thì khỏi phải bàn, thử nói cho thỏa đi là biết liền, họa chăng chỉ thích lảm nhảm một mình như người điên lang thang thì được (Xin lỗi blogger Người điên lang thang nhé, tôi không cố ý nói Ngài đâu!). Quyền được đi lại hả? Thử đi vô Phủ Tổng thống hay đi sang Mỹ coi, ai mà cho? Quyền được làm việc hả? Có đâu mà làm, tự ên anh phải căng mắt căng cái lưỡi ra cho dẻo để mà tìm chứ quyền gì? Nói cho vui thế để ta nhận thấy chỉ hai cái nêu trên mới đúng là quyền thực sự mà anh có.
- Thứ nhất là quyền ký tên mình. Đúng vậy, bạn có thể thích ký làm sao thì ký mà không ai có thể bắt bạn phải ký như thế này ký như thế khác được, ngay cả cha mẹ cũng không thể bắt ép bạn phải làm điều ấy, mà bạn có quyền ký tên theo ý thích của mình. Tổng thống hay công an cũng không thể ngăn cấm bạn được. Bạn có thể ký tên mình theo hình con cọp, con heo, con chó, con gà, chữ Tây, chữ Tàu, chữ Hàn quốc, chứ Ả rập, chữ méo mó, vuông vức, ô tròn, chữ thập ngoặc hay bá xí nạp gì thì cũng không ai làm gì được bạn. Đó mới chính là quyền chứ! Hihi...
- Thứ hai là quyền đặt tên con. Cái quyền đây tôi dành chung cho cả hai vợ chồng chứ không phải ý chồng ý vợ. Vợ chồng bạn có quyền đặt tên con mình theo ý thích. Ngày xưa tôi đã gặp những bạn học có cái tên nghe không hay nên tức quá bảo rằng, mai mốt tao lấy chồng sinh con ra tao sẽ đặt tên thế này thế nọ cho thỏa tức. Vâng, đó đúng là quyền của vợ chồng mà cha mẹ cũng không thể ngăn cấm hoặc bắt con cái phải làm theo ý mình. Tất nhiên là bạn có thể đặt tên Nguyễn Thị Mẹt hay Nguyễn Thị Nở hoặc bốc đồng như cái ông ở Phan Rang cách đây lâu rồi đặt tên con là Trần Văn Con Không Đủ Tiền Đóng Thuế Nông Nghiệp vì ông không đủ tiền đóng thuế, khi làm khai sanh người ta làm khó dễ nên tức khí đặt tên con như vậy, và cái anh chàng tên Nghiệp với họ và chữ lót dài dặng dặc ấy vẫn hiện diện trên cõi đời này mà không ai làm gì được. Quyền mà! nhưng nghe đâu cách đây mấy năm anh ta đã xin đổi lại là Trần Văn Nghiệp cho dễ nghe một tí, chứ biết đâu sau này làm Tổng Thống thì với cái tên dài dằng dặc kia e rằng không tiện lắm (Hihi...). Có anh bạn lại dự định sau này đặt tên con mình theo số cho nó gọn, số đây là chữ số thực thụ chứ không phải âm tiết Một, Hai, Ba đâu. Tôi bật cười bảo rằng thôi ông đừng có điên, đem đi chứng khai sinh với những cái tên Nguyễn Hùng 1 hay Nguyễn Thị 15 thì coi bộ khó nuốt quá ông ơi! Nói cho vui vậy để biết được rằng, tên con ta thì ta có quyền đặt, chẳng ai làm gì được ta cả.
Nhưng...
Trong cái quyền thứ hai này vẫn còn có một điều kiện, đó là cái chữ Tình chữ Nghĩa trong gia đình. Quyền của vợ chồng mình nhưng mình cũng nên xét đến tên dòng tộc máu mủ nữa. Gia lễ xưa nay của người Việt chúng ta khuyên không nên đặt tên con là tên của họ hàng huyết thống, vì dù sao cũng phải tôn trong ông bà Chú bác Cậu dì một tí, chứ lỡ sau này tức tối lôi con ra chưởi thì nghe lôi tên ông nội ra mà hành mà bêu là vậy. Người phương Tây thì hoàn toàn ngược lại, họ thường đặt tên con mình theo tên người họ yêu thương nhất như ông nội ông ngoại để mà nhớ để mà thương, nhưng dân Việt mình thiết nghĩ cũng khá lâu theo quan niệm này rồi, cũng xin đừng cho đó là cổ hủ, là bảo thủ, mà chỉ xin hãy nghĩ đó là tấm lòng tôn kính, và đó chính là cái chữ Tình tôi muốn nhắc đến trong cái entry này vậy.
Một điều nữa là ông bà ngày xưa có thói quen hay giành đặt tên cho cháu đích tôn hoặc bất cứ đứa cháu nội nào của mình cũng muốn tự mình đặt mà thôi. Điều này thực sự chưa đúng vì nó rõ ràng tước mất cái quyền thứ hai mà tôi muốn nói. Tuy nhiên rất nhiều người vì thương Ông, thương Cha, vẫn muốn Cha muốn Ông đặt tên cho con mình để tỏ lòng tôn kính yêu thương và cũng muốn dành lấy cho Cha ông mình một món quà tinh thần nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Việc này rất tốt nhưng không bắt buộc lắm là vậy. Một số người dung hòa bằng cách tự đặt tên con rồi quay sang hỏi Ông ơi, Cha ơi, con đặt như thế được chưa? Nghe mà ấm cả cõi lòng, dung hòa như thế thì quá tuyệt vời đi rồi, vừa có cái quyền, vừa có cái tình là thế đó.
Những điều tôi nói ở trên có phải thế không nhỉ? Nếu chưa phải đi nữa thì xét thấy trong đời có hai cái quyền này là đủ rồi, còn những thứ khác như công việc, danh vọng, chức tước giàu sang phú quý đi nữa thì muốn có, bạn phải trả giá bằng một cái giá nào đó thôi, chứ hai cái quyền này thì bất cứ kẻ giàu sang hay bần cùng nào cũng đều được hưởng cả. Quyền mà!

hình minh họa trên của Họa sĩ Văn Minh (?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.