Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2008

Thói hay xài chữ

Mấy ngày nay nghe nói đến Dịch Tiêu Chảy Cấp đang lan truyền khắp các tỉnh miền Bắc, đài truyền hình thì bảo là chưa có ai tử vong, theo blog của nhà báo Hà Thạch Hãn thì cho biết có báo nói là đã có người tử vong. Thôi thì bây giờ chẳng biết tin ai, cố mà tin vào những gì mình đang nhìn thấy vậy.
Mới đây lại đọc trên blog cũng của Nhà báo Hà Thạch Hãn, cho rằng Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn đề nghị nên gọi đúng tên là DỊCH TẢ để có biện pháp cảnh báo và phòng ngừa hữu hiệu, chứ đọc qua đọc lại nghe gọi Dịch Tiêu Chảy Cấp thấy đao to búa lớn quá. Sao không gọi thẳng là Dịch Tả đi cho nó xong! Bộ gọi thế sợ kẻ thù bên ngoài nó chống phá hay bêu riếu ta chắc? Thật không thể nào hiểu nổi, chợt nhớ ra là các cán bộ chức quyền Việt Nam ta hay có cái thói xài chữ. Gọi bằng "thói" vì thấy cái việc này chẳng hay ho gì, lắm lúc trong những cuộc họp ôi thôi xài chữ nghe ghê lắm, nắm bắt được nội dung, hay gọi nôm na là hiểu đi cho xong, thế mà cứ thích nói Các đc đã "quán triệt" hết chưa? Lại có ông quan cũng hay nữa, sợ rằng đọc thế chưa đúng điệu nên lại đọc thành "quán truyệt" cho nó màu mè, triển khai thì đọc bằng "truyển khai" cho nó giàu âm điệu, thành ra chẳng hiểu gì sất. Cơ khổ. Kể ra đây cái chuyện ngôn ngữ này chắc cả trăm trang cũng chưa hết.
Nghe cái tên Dịch Tiêu Chảy Cấp nên mình cũng mở Tự điển Bách Khoa Toàn Thư ra xem họ định nghĩa về Bệnh Tả như sau:
"Bệnh Tả: Bệnh truyền nhiễm cấp tính đường tiêu hoá do phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae), được nhà vi khuẩn học người Đức Kôc (R. Koch) phát hiện năm 1883 và từ 1957 được phát hiện do loại vi khuẩn El tor gây nên. Bệnh còn lưu hành ở Châu Á và vẫn có nguy cơ lan rộng thành dịch. Lây do sử dụng thức ăn, nước uống bị ô nhiễm phẩy khuẩn tả. Bệnh xuất hiện đột ngột, với dấu hiệu: ỉa chảy nhiều lần liên tục, toàn nước, nôn nhiều, nhanh chóng dẫn đến tình trạng kiệt nước và truỵ tim mạch. Nếu được chữa sớm và đúng cách bằng phục hồi nước và các chất điện giải, người bệnh khỏi nhanh. Trong trường hợp bệnh nặng, nếu không được hồi phục nước và điện giải, người bệnh chết trong vòng 12 - 36 giờ. Kháng sinh tetracycline chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc phục hồi nước và điện giải, làm giảm thời gian và khối lượng ỉa chảy, đồng thời rút ngắn thời gian đào thải phẩy khuẩn tả. Có thể dùng hỗ trợ một số vị thuốc nam (trần bì, nhục quế, sinh khương, phụ tử...) với một li nhỏ rượu rum. Bệnh nhẹ chỉ có biểu hiện ỉa chảy vài lần trong vài ngày và có thể tự khỏi (hoặc dùng viên berberine, opium, vv.). Phòng bệnh: chủ yếu là dùng nước sạch; quản lí phân người (không sử dụng phân tươi bón cây); thực hiện ăn chín, uống nước sôi. Hiện nay, việc tiêm phòng vacxin tả ít có giá trị thực tế, chỉ gây miễn dịch ngắn và không bền."
Xem qua thì so với các triệu chứng nhà đài nói về bệnh Tiêu Chảy Cấp thì có khác gì lắm đâu? Chẳng hiểu sao không gọi thẳng là DỊCH TẢ như lời GS-BS Nguyễn Văn Tuấn cho xong mà còn gọi dài dòng là DỊCH TIÊU CHẢY CẤP? Chắc vì cái thói hay xài chữ đây mà! Bao giờ cái thói này mới hết nhỉ? Chắc là còn dài dài...

1 nhận xét:

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.