Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2008

Xin đừng thương hại

Ở đây tôi không dám định nghĩa lòng thương hại làm gì, vì việc ấy dành cho các nhà từ ngữ họ làm. Tôi chỉ hiểu nôm na thương hại nghĩa là rủ lòng thương xót kẻ khác, chịu khó thương xót một chút không thôi thấy tội nghiệp quá! Hiểu như vậy nên đâm ra mình như là một kẻ ban ơn, chia sớt ơn ích cho những kẻ dưới tầm, do vậy mà cái tình thương ấy đâm ra hại hơn là lợi, nhưng vì cái người nhận ơn ấy đang khổ đau tột cùng nên họ đâu có thời gian nhận ra, lúc nhận ra thì đã muộn, vì ơn ích cũng đã hưởng rồi, biết làm sao được?!
Cho dù có xét khía cạnh nào đi nữa thì cũng xin đừng thương hại, vì cái tình thương ấy thiết nghĩ không toát ra từ trong tim mà lại mang dấu hiệu kẻ cả, ra cái vẻ ta đây cũng biết thương người. Điều này dễ gây tự ái cho người nhận ơn, vì họ đang sa vào cảnh bần cùng cô thế, hoặc cảnh tuyệt vọng trong ái tình, nhận được ơn mà làm như được kẻ cả ban phát, ai mà không tự ái chứ? Lắm người còn khẳng khái trả lời có chết thì thôi chứ chẳng thèm. Giả dụ như với Chí Phèo mà đem lòng thương hại ra ban cho hắn thì coi như đời tàn, hắn chưởi cho mà sập mồ ngay.
Mà cũng chẳng cần phải đợi đến Chí Phèo, ai cũng thế thôi, ai cũng có một lòng tự trọng riêng, ngay chính người hành khất cũng không muốn người khác thương hại mình chứ đừng nói là những người bình thường khác. Song vẫn còn đấy một số người tự coi như mình là kẻ trên ngồi trước, vẫn thích ban phát cho người khác để nhận một cái danh nào đấy cho mình, do vậy mà tình thương họ dành cho người khác mang màu sắc thương hại, họ cảm nhận được nhưng họ vẫn coi đó là chuyện bình thường...
Vậy thì xin ai đó khi tỏ lòng thương với người khác thì hãy cứ vô tư chân thật, để trái tim tự lên tiếng nói, xin đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để tình thương trở thành những gì cao cả toát lên từ tấm lòng của một con người, chứ chẳng phải từ một cái danh xưng, làm cho tình thương ấy trở thành lòng thương hại, thương thì thương thật, nhưng hại thì cũng hại nhiều, nhiều lắm đấy!...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.