Thứ Tư, 9 tháng 1, 2008

Hãy nhìn xuống chân

Tôi có một người dượng, chồng của cô tôi, bà con xa chứ chẳng phải là cô ruột đâu, nói thế nghĩa là dượng tôi cũng không được... gần cho lắm, tuy vậy nhưng đối với con cháu thì dượng có một tấm lòng rộng mở, sẵn sàng cưu mang nuôi ăn học cháu chắt không kể là nội hay ngoại, cháu dượng hay cháu cô, về mặt này thì quả là dượng có rất nhiều ưu điểm, cưu mang con cháu nuôi nấng coi như con ruột mình mà không nề hà hay kể lể gì, mặc dù cô dượng tôi cũng không giàu có chi, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Thời đó đang là chiến tranh, vì sợ thất học nên con cháu tụ về đó cũng ba bốn đứa, cộng với 9 người con của cô dượng nữa là hơn cả một tiểu đội rồi, toàn là lũ nhóc nhóc gần như đẻ năm một.
Tấm lòng dượng như vậy thì không có gì bằng, nhưng dượng lại có một khuyết điểm.
Bốn mươi năm trôi qua, kể ra đây không phải để phê phán, nhưng để mà học hỏi. Cái khuyết điểm ấy của dượng tôi, mà cũng không phải của riêng dượng tôi đâu, ngay cả chính chúng ta nữa đây hầu như ai cũng có: Đó là sự kiêu ngạo!
Sự kiêu ngạo thỉnh thoảng xảy ra khi con người ta đạt được một điều gì đó giá trị hơn bình thường một chút nên có vẻ tự hào, hoặc lấy làm hãnh diện về cái mình có thì thực sự cũng không lấy gì đáng trách đâu! vì sau đó mọi việc sẽ trở về như cũ vì nhìn quanh ta sẽ thấy mình chẳng là cái củ tỏi gì cả, thiên hạ giỏi hơn mình hằng hà sa số kia kìa, thế là ta sẽ thấy xấu hổ và im thin thít ngay, trở về đúng cái cương vị thấp hèn của ta ngay, nhưng sự kiêu ngạo được hình thành và đào tạo khá bài bản như của dượng tôi dạy các con thì quả là chỉ có một (?!)
Đối với cháu thì dượng tôi không ép, nhưng đối với con ruột mình thì bao giờ dượng tôi cũng bảo khi đi ra đường phải nhìn thẳng, khi nói chuyện với người khác thì phải luôn nhìn vào khoảng không phía trên đầu họ, lúc đó bọn tôi chẳng hiểu cái quái gì, nhưng dần dà thấy ai cũng nói mấy cái thằng con ông kia đứa nào đứa nấy tự cao quá, cái mặt hếch hếch lên thấy mà ghét. Mà quả là họ ghét thiệt! Một phần cũng ganh ăn tức ở vì con cháu ở nhà dượng tôi ai cũng học giỏi, toàn giành vị trí nhất nhì ba trong lớp gần như cả tiểu đội, có lẽ vì thế mà dượng tôi kiêu ngạo quá chăng, chẳng cho chúng tôi chơi chung với con hàng xóm (có lẽ vì chúng tôi lực lượng cũng khá đông đủ rồi), năm đứa lớn nhất trong đám con lẫn cháu, trong đó có tôi, bắt phải đi học Thái cực đạo rồi chiều tối về mặc đồ võ ra trước hiên dợt cho dượng coi, và cũng là dợt le với bà con trong xóm, dượng tôi thấy thế làm hãnh diện lắm và bắt chúng tôi cứ mãi theo cái guồng sinh hoạt ấy.
Cho đến một ngày...
Đến một ngày không phải chỉ riêng chúng tôi mà ngay cả dượng tôi nhận ra rằng không phải mình là nhất, chung quanh còn nhiều người, rất nhiều người giỏi hơn con cháu mình nhiều, và thế là dượng tôi từ chỗ kiêu hãnh trở nên hậm hực, bắt chúng tôi tăng công suất lên để quyết phải hơn họ, nhưng... khả năng con người có hạn, chúng tôi không muốn dối trá, song dượng tôi vẫn muốn, nên từ sự kiêu ngạo sinh ra cay cú, bực dọc rồi trầm uất, mãi đến thời gian gần đây, khi đám con cháu chúng tôi ngày xưa trưởng thành thì dượng tôi mới kịp nhìn lại mình, mới kịp cúi đầu để nhìn xuống chân.
Vâng, lắm lúc con người ta cứ tưởng như mình đang bay bổng trong vầng hào quang của danh vọng, của chức tước, mà không chịu ngó xuống phía dưới chân mình, để nhận ra cái thằng người thực của mình chẳng là chi cả, trên đôi chân nhỏ bé kia gánh lấy một hình hài bình thường, rất bình thường thôi, đôi khi chỉ vì một chút gì đó mà ta tưởng ta hơn người, thực ra ta chẳng là gì đâu vì chung quanh ta biết bao tài năng đang tiềm ẩn với những biểu hiện đơn sơ và khiêm nhường làm cho ta chưa kịp nhìn thấy, tưởng rằng ta đã hơn người, kỳ thực ta chỉ hơn họ cái sự kiêu ngạo mà thôi, còn cái giá trị ư? nhân cách ư? Ta còn phải học hỏi họ nhiều lắm! Phải học thật nhiều để biết rằng ta chỉ là một hạt cát không hơn không kém...
Thế nhé! Mỗi khi đạt được điều gì đó tưởng là hay ho thì xin bạn đừng có nhìn lên, phía trên đó chẳng có gì đâu, chỉ có sự tự mãn mà thôi! Hãy nhìn xuống chân đi, ở đó ta sẽ thấy biết bao điều cần phải học hỏi, và nhất là để được hưởng lấy một điều rất cao cả và rất tốt đẹp: đó là sự khiêm tốn, đáng quý biết bao phải không bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.