Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2008

Gặp ngôi sao Jazz

Thông thường người VN mình gặp nhau hay có những lời xã giao vô thưởng vô phạt như: Chào nhé! hôm nào rảnh ghé chơi nghen... v.v. và v.v..., nhưng đối với người nước ngoài thì lại khác, họ cho đó là một lời mời chân thật và thế là họ đến ngay, mời mà!
Thật bất ngờ và cũng thật thú vị khi vào sáng mùng 2 Tết vừa rồi, đang dẫn Ca đoàn đi chúc Tết hết nhà này sang nhà khác, đã dặn ở nhà là sáng nay phu nhân ở nhà tiếp khách giùm để ông già đi sinh hoạt với các em các cháu trong ca đoàn một chút, kẻo mai mốt nó buồn nó chảnh rồi nó không đi tập hát thì nguy to, lấy đâu ra người mà hát ca thờ lạy Chúa? Đến gần trưa thì bất ngờ nhận điện thoại của phó tổng tư lệnh gọi bảo về gấp, để làm chi? Chưa kịp uống miếng rượu nào cả mà? Về để nói "tiếng Anh" giùm với vì có một ông Tây nào đó tới chơi. - Thế thì con P, thằng T thằng K đâu cả rồi? - Tụi nó đi đâu không biết chắc cũng sắp về, nãy giờ em "nói tiếng Anh" cũng "mỏi tay" quá rồi, anh về gấp! - Nhưng anh cũng nói tiếng Anh "bằng tay" như em vậy thôi, có xi nhê gì đâu? - Nghe nói thằng này nó đánh piano hay lắm! Anh về gấp đi! - Piano hả? thế là phải cắt cái đầu con rắn ca đoàn và về ngay thôi.
Trời ạ! Đâu có ai biết đây chính là Timothy Brockett lừng danh, mãi sau này mình mới biết trong báo chí là anh ta bụi lắm (Bạn kêu, đi uống càfê một chút đã, chút xíu viết tiếp) (Hình như uống càfê hơi bị lâu vì gặp lại Thảo sau 27 năm, kể từ ngày đầy tháng thằng K đến giờ) Bây giờ rảnh mới viết tiếp đây! Đúng là Tim rất bụi, mặc dù là Giáo sư quốc tế chuyên giảng dạy âm nhạc tại các trường Đại học, nhưng khi sang VN, anh ta lại lang thang trên chiếc Dream Trung Quốc cà tàng đi đây đi đó, giản dị đến mức không ngờ. Cũng vì vậy mà cái thằng tôi có nhận ra gì đâu, cứ nghĩ rằng chắc đây cũng là một ông Tây Balô nào đó đàn hát bay nhảy chứ đâu biết rằng đây là một Giáo sư âm nhạc, gọi bằng tài năng âm nhạc thì đúng hơn. Khi Tim ngồi trước cây piano thì không gian trước mặt anh trở nên như thế nào nhỉ? Phải nói là không gian trước mặt không còn là bốn bức vách trong nhà nữa mà là cả một bầu trời âm nhạc hết sức bao la, hết sức say đắm và rộn ràng. Tôi không nói quá đâu! Lối chơi Jazz của Tim phải gọi là cực kỳ điêu luyện và chuẩn xác, các phím đàn trước mặt Tim không phải bằng ngà trắng đen nữa mà biến thành những "sinh thể" sống động, chẳng biết dùng từ sinh thể có đúng hay không nữa, nhưng trông chúng giống như những thằng bé con màu trắng màu đen đang bay nhảy chập chờn trong tiếng nhạc vậy. Khi Tim chơi đàn, những ngón tay không phải gõ nữa mà lại "múa", tung tăng như chỗ không người vậy. Không hiểu vì sao mà lại có người đánh đàn hay như vậy nữa. Đảm bảo một trăm phần trăm rằng những ai biết chơi piano tí chút như bố con nhà tôi đây khi thấy Tim đánh đàn thì lóng ngóng cả hai tay ngay, không dám sờ vào cái phím đàn nữa đâu, vì sẽ tự nhận mình chả biết gì về piano ráo trọi. Ngày xưa tôi cũng được học lóm đôi chút nhạc của Cha Kim Long, cũng được Nhạc sĩ Phạm Trường chỉ bảo cho đôi chút để làm quen với cái phím đàn đen trắng, hên lắm thì mới được rờ vào cây Organ chứ thường thì chỉ được phép đánh cây Harmonium cũ kỹ, vừa đánh vừa đạp tháo cả mồ hôi hột thì nó mới hét lên được đôi ba nốt đồ mi là đồ phá hay đồ mi là đồ xí xọn... Do vậy mà ngày nay piano chỉ là tay ngang, bạ đâu đánh đó, cả cuộc đời chưa được ai khen là đánh đàn hay cả, chỉ khen là cái anh này đệm đàn dễ hát lắm, hoặc cái anh này tuy đánh đàn không hay nhưng lại có hồn(?) Trời ạ! Như thế cũng là đủ lắm rồi. Tóc bây giờ đã bạc, sống thêm chục năm nữa rồi xuống mồ mang theo cái lời khen "có hồn" ấy cũng được lắm chứ nhỉ? Mấy thằng con trai thì bảo ba thuộc nhiều nhạc quá, bài nào ba cũng biết, nhưng sao ba không bỏ ra một ít thời gian để luyện tay trái lại cho đúng kỹ thuật sẽ rất có lợi về sau. Các con ạ, còn về sau cái nỗi nào nữa, tay chân ba bây giờ cứng ngắc, vẽ vời hơn hai chục năm rồi, công việc nó đuổi còn hơn là ma đuổi, lấy đâu ra thì giờ mà ngồi luyện ngón, thôi thì cứ vui với nhạc là được rồi, lâu lâu mệt quá múa may đôi chút trên phím đàn cho nó quên đi tí chút mệt nhọc rồi lại cày tiếp, thế cũng là quá đủ.
Nãy giờ lại nói lan man mà quên đi vào đề tài chính, nhưng mà cũng không lan man đâu, kể lể dài dòng cái bàn tay đánh đàn của cái thằng tôi để nhận ra cái tuyệt vời trên tay của Tim, để nhận thấy rằng mình chỉ là một cậu học trò nhỏ bé trước một ngôi sao như Tim, ấy thế mà hôm đó tỉnh bơ như rùa, vì có biết trước mặt mình là Timothy Brockett đâu, lại còn dám bá vai coi anh ta như người nhà vậy. Ừ mà cũng không sao đâu, cho dù nó có là superstar đi nữa thì cũng chỉ là bạn của con mình thôi, có gì đâu mà phải giữ kẻ? Và thế là cứ việc hát hò vô tư như không có chuyện gì xảy ra cả. Mà lạ thật cái anh chàng này thật không thể ngờ được, đối với những bài hát mang âm hưởng Jazz VN như Lệ Đá của Trần Trịnh, như Gợi giấc mơ xưa của Lê Hoàng Long chẳng hạn, anh ta chơi hay đã đành, nhưng những bài sến vô bờ bến như "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi"... dưới bàn tay điêu luyện của Tim thì cũng thành bài hay, hết sến ngay. Sẵn có cuốn nhạc Những tình khúc vượt thời gian kế bên, mở ra cho Tim bài nào thì anh ta nhìn nốt chơi ngay mà không cần phải xem trước. Trời ạ! (hình như kêu Trời hơi nhiều?) sao cái bài nào anh chàng ta cũng biết hết nhỉ, y như là nhạc của anh chàng ta sáng tác vậy. Bố con nhà tôi nhìn nhau vô cùng ngạc nhiên và ngỡ ngàng sao lại có người tài đến thế? Tim có thể cùng lúc chơi vài chục bài mà không biết mệt, cái lối chơi Jazz với những nốt luyến bán cung nghe thật lạ, còn pha trộn hợp âm thì khỏi nói, muốn được như anh ta chắc phải học tới già, mà cái thằng tôi thì có còn trẻ gì nữa đâu? Thôi thì hẹn đời con cháu chút chít mình học vậy. Chơi piano như thế thì không còn gì để nói rồi, Tim còn rất giỏi về xướng âm nữa, Tim bảo nghe đâu tôi cũng có viết nhạc chút ít về Thánh ca đấy mà, Tim muốn xem thử những bài hát của tôi, tôi mang cuốn nhạc của mình ra, lạy Trời! Anh chàng ta không cần xướng nốt mà hát cùng lúc mười mấy bài trang này qua trang hát còn nhanh hơn cả Ca Trưởng Đinh Thiện Bản, tuy vậy, Tim rất khiêm tốn và hỏi là tôi có thể tặng cho anh ta tập nhạc của tôi được không? Thì chắc chắn là được rồi, đứa con tinh thần của mình mà được người ta hỏi thế thì sung sướng như ở trên mây vậy. Tim còn đòi tôi viết mấy chữ và ký tên mình vào nữa, thôi thì lâu lâu được oai một lần vậy mà!
Mãi đến sau này, khi biết Tim là một ngôi sao, chúng tôi đều bàng hoàng, nhưng cũng không lấy gì làm lạ lắm vì tài năng của anh chàng ta đích thực là thế, đâu còn chối cãi gì nữa, cách chơi đàn cũng như những khả năng âm nhạc khác đã khẳng định tên tuổi của anh mà gia đình tôi được hân hạnh đón nhận, âu cũng là hạnh phúc trong năm mới. Sau đó, Tim mail cho tôi bảo rằng anh đang có dự định cùng Ca sĩ Ánh Tuyết tạo một sân chơi cho Jazz VN tại phòng trà ATB, Tim còn bảo rằng tôi có một gia đình rất đáng yêu (lovely) và anh ta thế nào cũng sẽ ghé thăm lần nữa. Vâng, xin cám ơn Tim, cám ơn bậc thầy âm nhạc với những khả năng tuyệt vời, sẽ còn được gặp anh lần nữa đó cũng là niềm vinh hạnh cho tôi, và cũng xin cám ơn hai chữ đáng yêu của anh, theo tôi, anh còn đáng yêu hơn chúng tôi nhiều vì phong cách bình dị, khiêm tốn mà không phải ngôi sao nào cũng có cả. See you again! Timothy Brockett!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.