Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2008

Nhạc Phạm Duy mà đi xin ư?

Đối với ai thì không bàn tới, nhưng đối với một người mang tầm cỡ "thời đại" như Nhạc sĩ Phạm Duy mà nói đến hai tiếng "xin - cho" khiến chúng tôi cảm thấy như đây là một sự xúc phạm khá là nặng nề đối với một con người như ông.
Đêm nay không ngủ được, vô tình lướt qua những trang báo cũ và đọc lại những mẩu tin về văn hóa cách đây cũng không lâu lắm, thì được biết rằng Sau ngày trở về của Nhạc sĩ Phạm Duy, các sáng tác của ông đang được các cấp thẩm quyền "cho phép" phổ biến bài này bài nọ do Cty văn hóa Phương Nam đứng ra "xin" cho ông. Hôm nay cấp phép được mươi bài, vài tuần sau lại được thêm dăm ba bài nữa... Xem tới đây tôi cảm thấy hết sức hụt hẫng và nhói đau, đau như chính mình là người trong cuộc vậy, cho dù tôi chỉ biết "đau" thay cho ông, đau thay cho số phận một con người.
Không cần phải lý luận dông dài, chúng ta cũng biết rằng, Phạm Duy là con người của lịch sử, ít ra là ở trong mảng văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Những sai lầm của ông về quan niệm thời cuộc, đứng bên nào, chống lại bên nào, chúng tôi xin phép không nhắc tới, vì đây là một phạm trù hết sức bao la dành cho lịch sử phán xét chứ không phải chúng ta, chúng tôi chỉ muốn nói đến lãnh vực âm nhạc. Phạm Duy mà phải đi xin phổ biến nhạc cho mình à? Nghe qua thấy nhói đau là vậy. Ai là người dám cầm bút phê cho một cây đại thụ âm nhạc VN như Phạm Duy? Phải chăng là một quan chức làm công tác văn hóa nào đó? Anh ta chắc cũng phải biết rõ rằng âm nhạc VN có 2 cây đại thụ là Văn Cao và Phạm Duy, hai người này cũng là bạn rất thân với nhau, mà Văn Cao thì chúng ta đã biết, nói như Phùng Quán trong tập truyện "Ba phút sự thật" khi một ông khách hỏi Văn Cao là ai thì Phùng Quán trả lời rằng: "Ông ấy là một người đặt ra một bài hát mà khi bài đó hát lên thì tất cả mọi người đều phải đứng nghiêm, kể cả Cụ Hồ" (trích nguyên văn). Cây đại thụ thứ nhất là vậy, thế mà ngày nay, cây đại thụ thứ hai ấy phải đi xin một anh chàng quan chức nào đấy để được phép phổ biến nhạc của mình sao?
Văn hóa là những gì tốt đẹp nhất còn giữ lại được sau khi con người ta qua đời. Theo tôi, PD không chỉ là một nhạc sĩ mà ông còn là một nhà văn hóa nữa. Mấy ai trong chúng ta sống đến tuổi này mà chưa nghe nhạc của ông? Khi cất lên câu hát "Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi... Ruộng khô, có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người cày thay trâu cày..." thì hầu như ai trong chúng ta cũng đều cảm nhận được cái hồn quê thấm đẫm theo từng lời ca, những lời ca và giai điệu có sức mạnh không thể nào chối cãi được. Đó là chưa nói đến những bài ca hết sức trong sáng của ông, chẳng hiểu vì sao đến giờ mà chưa "cho phép" hát: "Hôm nay em đi trời không có nắng, nhưng sao đôi má em lại bừng bừng. Nơi em đi qua lửa không bốc cháy, nhưng sao đôi má em như người say?..." Vì sao lại như vậy nhỉ? trong lúc một rừng nhạc chợ xuất hiện tràn lan làm xám đi tư duy của tuổi trẻ về cảm thụ âm nhạc thì tại sao những bài hát trong sáng này lại chưa được hát? Vì sao? Vì tác giả là PD à? PD có lỗi gì về những bài hát ấy? những bài hát ấy là của mọi người, theo tôi nó đáng được đứng vào những nơi trang trọng nhất trong lòng người. Chưa nói đến những bài hát chỉ mới cất lên đôi ba câu đã thấy cái hồn Việt trong đó: "Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng. Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương..." chỉ cần bao nhiêu đó thôi thì người nghe đã cảm thấy cái mênh mông bao la dịu dàng của Mẹ Việt Nam.
Mấy ai sáng tác được những bài ca sâu lắng như vậy? Thế mà phải đi xin phép ư? Thật là buồn cười... Chính ngay sự trở về của PD đã thấy ông dũng cảm và yêu quê hương như thế nào, cho dù trước đây ông có gì gì đi nữa nhưng một cây đại thụ như ông dám tuyên bố là tôi sẽ mang cả sự nghiệp tôi về với quê mẹ, đó không phải là điều đáng kính sao? Sự trở về của ông xét về mặt chính trị còn có giá trị bằng hàng vạn người khác. Phạm Duy mà còn quay về với quê mẹ Việt Nam, huống chi là ông này bà kia... Thế mà về đây ông hoặc là những người đại diện cho ông lại phải "xin phép" được hát những lời nhạc yêu thương sâu đậm như thế của mình sao? Nhạc của ai thì không nói, nhưng dòng nhạc của PD là cả một biển trời văn hóa. Tại sao chúng ta không nói thẳng ra là trong số hàng nghìn bài của ông, không nên hát bài này bài này vì lời ca còn không thích hợp với thời đại (chống đối chẳng hạn) còn bao nhiêu bài kia thì cứ việc hát, chứ đừng có hôm nay duyệt được mấy bài, hôm kia duyệt được mấy bài, nghe mà xót quá. Mà thiết nghĩ những bài hát chống đối ấy ngày nay có thuê thì cũng không ai dám hát chứ đừng nói là cần phải cấm. Đất nước ta hôm nay tốt đẹp như thế này, quê hương ta nay thắm tươi như thế này thì ca những bài hát chống đối kia chỉ thêm "lạc giọng". Không cần phải nói cấm thì cũng chẳng ai thèm hát. Văn hóa là những gì cảm nhận trong tư duy con người. Cấm chỉ là hình thức bên ngoài, chứ làm sao cấm trong đầu óc người ta được.
Giỏi lắm thì cây đại thụ âm nhạc PD chỉ còn sống thêm được mươi, mười lăm năm nữa là cùng. Hãy để tuổi già của ông thanh thản với những đứa con tinh thần của mình, những bài ca bất hủ, chứ đừng lập lại tấn tuồng "xin - cho" mà làm đau một tâm hồn trước khi về cõi vĩnh hằng. Đó không phải chỉ là mong muốn của riêng tôi mà cũng là mơ ước của rất rất nhiều người đam mê nhạc của ông, một dòng nhạc sâu đậm tình người không dễ gì có được trong thời đại chúng ta hôm nay.

Phụ lục:

Cảm nhận của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Phạm Duy
(trích từ Vietnamnet)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, một trong những cây cổ thụ trong khu vườn âm nhạc Việt Nam. Nổi tiếng trước cách mạng với ca khúc "Dư âm". Ông đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 - giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật - qua các tác phẩm: “Mẹ Yêu con”, “Vượt trùng dương”, “Bài ca 5 tấn”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”. Ở tuổi 82, sức khỏe đã có phần sút kém, nhưng người được công chúng gọi là “nhạc sĩ của mọi miền đất nước” ấy vẫn đang sáng tác. Ca khúc mới nhất của ông là tác phẩm “Về Pleiku” sau chuyến đi năm 2004 vừa qua. Ông nói rằng, người nghệ sĩ chỉ “sống” bằng tác phẩm, nếu không còn sáng tác, không còn cống hiến được gì cho cuộc đời thì coi như không còn “sống” nữa.
Ông đã gửi cho Người Viễn Xứ những dòng tâm tình về “một ông Việt kiều già”, vốn là bằng hữu cùng thời với ông trong làng sáng tác ca khúc. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: (chú thích hình: Ns Phạm Duy trò chuyện cùng Ns Nguyễn Văn Tý đang ngồi)

Tôi vẫn luôn coi Phạm Duy là bạn, vì cùng công tác một thời - thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp; là anh, khi biết ông ấy hơn tôi 3 tuổi. Nhưng về mặt sáng tác, tôi coi ông ấy là một người thầy, vì chính ông ấy đã mở ra cho không riêng tôi mà cho các nhạc sĩ đàn em khác - con đường đưa dân ca vào ngôn ngữ âm nhạc mới. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Phạm Duy là một nhạc sĩ đi vào quần chúng trước nhất. Tính quần chúng đậm đà trong ca khúc của Phạm Duy, vì ông ấy là người đầu tiên chuyển tải dân ca vào nhạc mới một cách nhuần nhuyễn, đằm thắm. Sẽ có người bảo rằng tôi quá khiêm tốn, Phạm Duy là Phạm Duy, còn Nguyễn Văn Tý là Nguyễn Văn Tý! Nhưng tôi nói rất thật lòng. Bởi khi tôi còn là một người sáng tác trẻ mới bắt đầu viết lách với một số tác phẩm đầu tay thì ông ấy đã nổi tiếng, đã có những tác phẩm đi vào lòng người, đã có những bài hát mà lứa thanh thiếu niên thời ấy ai cũng thuộc. Ví dụ như bài Nhạc tuổi xanh, Hát về anh thương binh, Thu kháng chiến... Vì thế suốt đời tôi coi Phạm Duy là bạn, là anh, là thầy.
Tôi xin kể một vài kỷ niệm giữa chúng tôi với nhau. Lúc ấy, chúng tôi đang ở Liên Khu 4. Đầu năm 1949, sau chuyến công tác vào Bình Trị Thiên về, Phạm Duy đã viết một loạt bài: “Về miền Trung”, “Bao giờ anh lấy được đồn Tây”, “Bà mẹ Gio Linh”… Liên Khu 4 đã tổ chức để Phạm Duy báo cáo tác phẩm. Băng - rôn quảng cáo đã cho treo khắp nơi thông báo về buổi báo cáo tác phẩm của Phạm Duy. Nhưng Phạm Duy đã ngã bệnh, ngày nào cũng có cơn sốt rét. Tôi đưa Phạm Duy về nhà mẹ tôi ở xã Kim Bảng, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) để dưỡng bệnh. Biết tôi rất quý anh Phạm Duy, nên nuôi được một đàn gà, mẹ tôi cứ thịt dần để nấu cháo cho anh bồi dưỡng lấy lại sức. Đến sát ngày biểu diễn rồi mà bệnh tình của anh Phạm Duy chưa thuyên giảm. Nửa đêm, anh kêu tôi dậy và bảo: “Tý ơi, có lẽ Tý phải hát cho mình thôi. Mình mệt lắm, không thể hát được đâu…” Đến hẹn, chúng tôi tạm biệt mẹ lên Khu. Hôm ấy, trong sân đình làng ở xã Duy Tân, gần Đô Lương (Nghệ An) trước đông đảo khán giả, có đầy đủ các vị lãnh đạo Khu ủy, các cơ quan, đoàn thể trong Liên khu đến dự, tôi phải “báo cáo tác phẩm” thay cho Phạm Duy. Theo những “bí quyết” của Phạm Duy: buổi chiều ấy không ăn no, 2 giờ trước khi hát ăn 2 quả trứng la-coóc lòng đào thì sẽ có cảm giác no nhưng bụng không đầy, cổ lại trơn tru; trước khi hát một giờ thì ngậm một thìa muối sẽ không bị ứa nước bọt khi hát - nhờ vậy tôi thấy giọng rất đẹp và rất vang.
Anh Phạm Duy với bộ đồ bà ba đen, chiếc khăn rằn quàng cổ và cặp kính trắng quen thuộc, anh ngồi ngay ở hàng đầu cứ nhìn thẳng vào tôi. Theo chương trình, tăng (tempo) đầu tôi hát bài "Về Miền Trung" và "Bà mẹ Gio Linh", tăng sau hát bài "Ai xây chiến lũy" (của tôi) và bài "Bao giờ anh lấy được đồn Tây". Trước khi ra sân khấu tôi còn nghĩ cách làm cho chính anh Phạm Duy phải sợ một phen (vì xưa nay có bao giờ anh biết sợ là gì!). Có thể nói từ khi mở đầu bài “Về miền Trung” tôi luôn làm theo những gì anh đã dặn. Luôn luôn chứng tỏ mình là một học trò thông minh sáng dạ, hát những chỗ rất là Phạm Duy. Anh ngồi dưới nghe có vẻ hài lòng và rất đắc ý. Đến câu cuối của lần hai, trước khi kết thúc, tôi giở trò “giật gân”, cố ý đưa câu hát “yêu dấu” lên crescendo hú há kéo dài thật cao, sau đó hạ giọng xuống descrescendo thật thấp rồi mới hát nốt hai chữ “…xa xưa”. Không ngờ trò đùa của tôi làm anh sợ thật. Cái kính đeo ở trên mắt không hiểu sao anh cứ phải chỉnh lại hoài, mắt anh nhìn thẳng vào tôi không chớp. Sau tiếng vỗ tay kéo dài của khán giả, khi ban tổ chức tuyên bố giải lao 15 phút, anh Phạm Duy đã nhảy lên sân khấu, lấy khăn rằn của anh chấm từng giọt mồ hôi trên mặt trên cổ cho tôi, mồ hôi ở trán anh cũng đổ ra không ít. …Những bài hát của Phạm Duy lúc đó là những bài hát mang tính chính trị sâu sắc và gần gủi quần chúng vì chất dân ca: vừa mang tính thời sự, tính chiến đấu vừa tràn đầy tình cảm yêu quê hương, nên dân miền Trung hồi ấy không ai là không thuộc.
Trong “gia tài” của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười”… Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Riêng bản thân tôi, tôi đã học ở Phạm Duy 2 điều: Thứ nhất, là việc đưa dân ca vào trong ca khúc chính trị. Thứ hai, là việc chỉ phát triển tính nghệ thuật trong ca khúc mà không dính đến chính trị - để tác phẩm có thể vượt khỏi những cột mốc địa lý và những giới hạn về thời gian. (Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Phạm Duy là người đầu tiên viết các tác phẩm chỉ thuần về tính nghệ thuật mà không mang tính chính trị. Những bài tình ca của Phạm Duy da diết và lãng mạn, nhưng chỉ làm cho người ta man mác buồn mà không ủy mị. Ví dụ như “Nghìn trùng xa cách”, “Bên cầu biên giới”…)
Bài “Mẹ yêu con” của tôi sở dĩ được nhiều người ưa thích vì trong nó nói đến 2 tình mẹ: một bà mẹ đã rứt ruột sinh ta ra, và một bà mẹ tổ quốc - trong dòng chảy bất tận của thời gian đã sinh ra những đứa con, lớn lên và làm nên lịch sử. Có một thời, có người nói “về việc đưa dân ca vào trong ca khúc thì Nguyễn Văn Tý chỉ là “cái đuôi” của Phạm Duy”. Bởi thế, đi đến đâu tôi cũng tìm tòi và học thuộc dân ca của vùng đó. Từ đó tôi mới sáng tác được những tác phẩm gắn với dân ca từng vùng quê, nói lên chính tiếng nói, chính hơi thở của dân địa phương. Cho nên đã có người gọi tôi là “Nhạc sĩ của mọi miền quê”. Nhưng thật ra, đối với tôi, Phạm Duy vẫn là nhạc sĩ ưu tú nhất trong việc chuyển tải dân ca Việt Nam vào trong ca khúc.
Về tính cách của Phạm Duy, tôi thích và mê ông ấy ở cái tính nghệ sĩ. Lúc nào ông cũng coi trọng nghệ thuật. Ai hiểu nghệ thuật thì ông ấy rất yêu, rất quý. Ai mà không hiểu nghệ thuật thì ông ấy xem thường. Còn cái mà tôi không ưng lắm ở ông là ông hay nói quá lời về mình hoặc về người khác. Điều đó nó làm méo mó cách nhìn của ông, làm ông thiếu khách quan trong nhận xét. Có người bảo ông tự cao, tự đại, cứ xem mình là người tài giỏi, cái của mình là số một không ai qua được. Tất nhiên, như ông bà ta nói “người có tài thường hay có tật”. Phạm Duy là một người có tài, không thể phủ nhận điều đó. Cho nên, tôi biết người ta sẽ tha thứ cho ông ở cái tật này, và tôi, mặc dù không thích nhưng tôi cũng sẽ tha thứ cho ông về cái tật ấy.
Những năm trước đây, trong một bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có một đoạn kể rằng, các bà mẹ Gio Linh còn sống đã hỏi: “Thằng Duy nó đi đâu mà bao năm nay biền biệt không thấy nó đâu?!”. Có nghĩa là, các mẹ vẫn thương Phạm Duy, vẫn coi Phạm Duy là con như thuở nào. Được các bậc bề trên như là các mẹ già vẫn thương quý, vẫn âu yếm mình, đó là một hạnh phúc lớn lao của người nghệ sĩ mà không phải ai cũng có. Tôi biết, đối với cách mạng, Phạm Duy có nhiều nỗi đau, mà không phải ai cũng hiểu. Nhưng tôi nghĩ, chính sự yêu thương của quần chúng sẽ bù đắp tất cả, sẽ xoa dịu mọi vết thương.
Thật ra, với những người phải sống tha hương, mặc dù cuộc sống xứ người có tiện nghi đầy đủ đến đâu thì trong lòng vẫn nhớ thương, vẫn ray rứt. Với nghệ sĩ thì niềm ray rứt nhớ thương ấy càng thêm sâu sắc. Đối với những người đang ở tuổi bóng xế thì ai cũng mong được trở về cố lý, được có cuộc sống yên tĩnh, an vui nơi quê nhà. Các cụ phụ lão thì thường sống với kỷ niệm nhiều hơn với tương lai. Với một ông Việt kiều ở cái tuổi 84 già nua như Phạm Duy thì cuộc sống bên Mỹ nó ồn ào như thác lũ. Có lần về Việt Nam, gặp tôi ông tâm sự: “Tôi sống ở Mỹ bao nhiêu năm nhưng tâm hồn và trái tim vẫn ở Việt Nam. Bà ấy mất rồi, tôi chỉ sống với con. Trong số con tôi, có đưa nào về nước thì tôi sẽ theo về”. Và ông chỉ có ước muốn được sống những ngày cuối đời trên quê hương… Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của những kẻ viễn xứ, chứ không riêng gì nhạc sĩ Phạm Duy.
Nghĩ về Phạm Duy, tôi cầu mong ông ấy sớm được về với Tổ quốc, sống những năm tháng cuối đời trong sự yên tĩnh và trong sự thương yêu của quần chúng. Chỉ mong Đảng và Nhà nước đừng thành kiến, xóa bỏ những định kiến (nếu có) đối với nhạc sĩ Phạm Duy và không “tính sổ”- bởi nếu phải “tính sổ” thì có lẽ chỉ nên tính với những Khác… Nhưng, qua hệ thống truyền thông, tôi biết chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã rất cởi mở, chỉ hướng đến công tác Đại đoàn kết toàn dân tộc và hướng đến công cuộc xây dựng đất nước. Đây là tư tưởng của Bác Hồ. Nếu không đại đoàn kết làm sao mình thắng Tây, thắng Mỹ?!
Trong cuộc đời, có những khái niệm mang tính “di động”. Nhạc cũng như con người. Nó sống với từng thời kỳ. Trong thời kỳ đầu chống Pháp, tuy có một số nhạc sĩ tên tuổi, nhưng Phạm Duy chiếm vị trí hàng đầu vì tác phẩm của ông có tính thực tế, tính thời sự, lời bài hát thì cũng rất hay và đậm đà chất dân ca… Mà cái thời ấy đã qua lâu rồi. Ông bà ta nói “Ăn theo thuở, ở theo thì”. Nhưng, phải biết ghi nhận công lao của người đi trước thì mới biết ghi nhận công lao của người đi sau. Nếu ai đó đem so thế hệ đi sau với thế hệ đi trước thì sự so sánh đó là điều bất cập, bởi vì không thể nào so sánh được. Thời xưa khác, thời bây giờ là khác. Hiện tại, chúng ta đang sống trong thời kỳ hòa bình và xây dựng. Mọi người đều hướng về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cho nên, ai cùng có lòng yêu nước, cùng mục đích xây dựng quê hương thì ta bắt tay. Phạm Duy là một nhạc sĩ đã từng trải qua nhiều giai đoạn sống. Cho nên, nếu ta biết cách khai thác ở ông tình yêu quê hương đất nước thì ông hoàn toàn còn là một người rất có giá trị trong giai đoạn hiện nay, ông sẽ có ích cho cuộc đời hiện nay. Còn những tác phẩm ông đã viết ở giai đoạn trước thì cũng phải được tận dụng. Những bài ca ngợi quê hương, hòa bình, tình yêu đôi lứa thì tại sao không phổ biến? việc gì phải bỏ đi?!
Hòa bình đã 30 năm, non sông đã liền một dãy, thì lòng người sau 30 năm xin đừng nên hằn thù, chia cắt. Hãy tạo điều kiện cho những người có tài năng được trở về với đất mẹ và sớm có một đời sống ổn định, yên lành, cùng với quần chúng cách mạng được hít thở bầu không khí hòa bình và cùng hướng đến tương lai của dân tộc.
Hiện tại, lớp nhạc sĩ già nua như chúng tôi còn lại được mấy người? Và có được mấy người vẫn còn sáng tác, còn cống hiến cho đời bằng tác phẩm? Ngẫm lại, cái gì ít - là hiếm, mà đã hiếm thì phải biết quý!
(2007)

1 nhận xét:

  1. Chào anh,
    nhận xét hay lắm, xin cám ơn.
    một ngưới yêu nhạc Phạm duy

    Trả lờiXóa

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.