Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2008

Khóc Thầy

Khóc Thầy hay là Cái chết của một con người

Mỗi năm, cứ gần đến ngày 30/4, kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, chấm dứt cuộc chiến tranh 30 năm huynh đệ tương tàn làm đau lòng Mẹ Việt Nam, tôi thường nghĩ đến những nỗi niềm, những hình ảnh góp nhặt từ xa xưa, mỗi năm một khác, vui có, buồn có, tích cực tiêu cực đều có cả. Trong niềm hân hoan của toàn dân tộc mà chúng ta đang được lãnh nhận, đó đây phía sau cuộc chiến vẫn thấp thoáng một vài bóng hình nào đó làm đau xót cõi lòng người, họ đã phải trả giá cho một khoảnh thời cuộc nào đó chua xót lắm. Một trong những bóng hình đó là Thầy Nguyễn Văn Kiến - Cử nhân giáo khoa Vật Lý - Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn. Trước ngày giải phóng, nếu có được các chức danh nói trên thì đã thuộc loại giỏi (thông thường thì các Thầy là Cử nhân chứ không phải là Cử nhân giáo khoa) chứ chưa dám nói là tiến sĩ, vì phải là cực giỏi, có nghiên cứu tầm cỡ thế giới thì mới là Tiến sĩ, chứ không phải như ngày nay chúng ta đang thừa hưởng một đội ngũ Tiến sĩ đông đếm không xuể, không hiếm Tiến sĩ giấy, Tiến sĩ chạy làm hạ thấp đi cái chức danh rất là cao quý này.
Những ai đã từng theo học những năm đầu thập niên 70, chắc phải biết đến Ban Giáo Sư Trường Thi vì thế nào cũng có học sách của BGS này, họ là những Thầy biên soạn sách giáo khoa cho học sinh Trung học đệ nhị cấp (nay là cấp 3) về tất cả các bộ môn học theo đề cương chuẩn của Bộ thời đó, khác hẳn ngày nay việc biên soạn sách giáo khoa trở thành độc quyền, còn khung chương trình chuẩn hiện nay cũng chưa rõ ràng, thay đổi xoành xoạch hàng năm, có khi là hàng tháng. Tại Mỹ Tho lúc bấy giờ, Thầy Nguyễn Văn Kiến (Vật Lý) cùng 3 thầy khác là Bùi Văn Chi (Toán), Nguyễn Hữu Thông (Toán) và Nguyễn Huy Đề (Vật Lý) là thành viên chính biên soạn các bộ sách giáo khoa này cho học sinh lớp 10, 11 và 12 áp dụng trong toàn quốc. Các Thầy là giáo sư (ngày đó người ta gọi bằng Giáo sư chứ không phải là Giáo viên như bây giờ) dạy Trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho và Trường Gioan 23 là nơi tôi đã theo học.
Kể ra như thế để biết rằng Thầy Nguyễn Văn Kiến là một tài năng, thế nhưng sau ngày giải phóng, vì bôn ba lưu lạc nơi vùng kinh tế mới nên tôi không được chứng kiến mọi việc, chỉ biết nghe kể lại từ một số giáo viên và một số bạn thân của tôi thì biết được rằng, vì trước đây Thầy cũng là sĩ quan biệt phái (hầu hết các thầy trước ngày giải phóng cũng đều là sĩ quan biệt phái vì ở trong thời chiến mà! ai cũng phải bị đi lính thôi, sĩ quan nhưng chỉ biết cầm phấn chứ đâu biết cầm súng) một vài vị lãnh đạo ngành giáo dục thời ấy có đố kỵ nên chuyển Thầy sang dạy ở một trường phổ thông cơ sở (cấp 2) như là một hình thức trù dập người tài. Không chịu nổi cảnh trù ếm ấy nên thầy đành phải vượt biên như bao người khác cùng thời và phải chịu một cái chết thương tâm như bài thơ trên của tôi kể lại. (Tôi cũng chỉ nghe kể lại của những người sống sót trong chuyến tàu định mệnh đó...) Giá như đất nước ta đổi mới sớm hơn tốt đẹp như ngày nay thì đâu phải mất đi những con người như thế?

Tôi viết bài thơ,
Khóc Thầy Nguyễn Văn Kiến.
Biết bao năm rồi không nhớ đến - Thầy ơi!
Dẫn dắt con đi trên gian khó cuộc đời,
Ôi đau xót! Nay Thầy không còn nữa...

Lòng quặn lòng đau bầu trời sụp đổ,
Cạn nước mắt rồi sao vẫn còn cay.
Thầy ra đi - con biết - chỉ mong một ngày,
được đứng trên bục giảng tay cầm viên phấn mốc
Hỏi các em: - Thế nào là trọng trường gia tốc?
Người này làm gì? - Einstein? Mac Plank?
Khác biệt thế nào giữa cơ năng? động năng?
Và còn bao nhiêu thứ con không thể nào kể hết!
Nay được tin thầy chết,
một ngày mưa bão trong lòng đại dương...
Mộng của Thầy chỉ là mộng bình thường,
mà sao vẫn không thể nào vói tới?

Tôi viết bài thơ khóc Thầy mãi mãi
Nguyễn Văn Kiến - Thầy ơi!
Giảng đường đại học hay bôn ba giữa cuộc đời
Con vẫn không được gặp một người nào như thế!
Giỏi như thế, bình dị như thế!
Thầy vẫn không thắng nổi cuộc đời,
Vì Thầy không biết cuộc đời?
hay Thầy đã thấy mặt người như thú?

Thế là vào một ngày mưa giăng lá đổ
Giã biệt người thân, giã biệt ngôi trường,
Rời quê hương vào một buổi chiều mưa rét căm căm,
Trên mặt biển đọ sức cùng sóng gió.
Qua được rồi những cơn bão đổ,
nhưng không thoát được những tên cướp biển hung hăng.
Con gái của Thầy mười một tuổi vừa tròn.
Lũ cuồng dâm vẫn đè ra hãm hiếp.
Thầy vùng lên dù là để ta chết!
Không người cha nào trông được cảnh đắng cay.
Và thế là kết thúc - một loạt đạn dài...
Hai cái xác run run trong vũng máu.
Máu của Thầy rửa sạch tình người con yêu dấu,
cho em vẫn còn trinh bạch tuổi thơ ngây,
cho môi em đỏ thắm như đang cười.
Dù sao em vẫn còn chiến thắng!?
Thế rồi hai cái xác chìm sâu trong biển lạnh,
Mộ của Thầy là cả Thái Bình Dương...

Nước vẫn vỗ về - sóng vẫn yêu thương...
Cho con được thấm máu Thầy trong đó.
Cho con được ôm lấy Thầy giữa lòng biển cả,
để đời con được hãnh diện kêu lên:
Nghìn lần chỉ một tên
Nguyễn Văn Kiến - chính Thầy tôi đó!...

1982
(Để tưởng nhớ Thầy Vật Lý 12B1 NK 73-74)

Nêu lại sự việc trên, viết nên bài thơ trên, tôi hoàn toàn không muốn khơi gợi những vết thương đau cũ đã thành sẹo, chỉ muốn nhớ lại rằng tôi đã có một Người Thầy như thế, và Thầy đã chết như thế. Cái chết của một con người, một sự trả giá đau xót cho thời đại chúng ta. Tôi không dám phê phán, không so sánh, tôi chỉ biết cảm nhận, thương nhớ và kính yêu mà thôi.
Vĩnh biệt Thầy - Thầy Nguyễn Văn Kiến của con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.