Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2008

Một khoảng trời yên bình

Tôi gọi một khoảng trời chỉ vì lý do: tôi “nghèo!” không thể “sắm” cho mình một khung trời hay là một vùng trời như mình muốn. Thật đấy! Papillon! Một tên tù khổ sai có 13 lần vượt ngục, 2 lần bị cấm cố biệt giam với 5 năm nằm dưới xà lim, nhưng ông vẫn giàu hơn tôi, vì ông vẫn có được một vùng trời rộng rãi của riêng ông, để ông nhìn và tự cho đó là của mình. Nhưng Papillon ngày nay thì không có được vùng trời rộng rãi đó, vì lão đã bị đánh mất khi tuổi đã về chiều, may ra thì lão còn một tí, cho nên lão nâng niu cái khoảng trời yên bình ấy là vậy.
Con người ta nếu bị mất tiền theo tôi không có gì tiếc cả, vì mình có thể làm lại được, nhưng nếu cái suy nghĩ hay tạm gọi là cái tư duy của mình đi, nếu nó bị mất thì quả thực là tuyệt vọng đấy. Ý tôi không nói là mất, vì mất tư duy thì có nước đi ăn mày văn hóa và trở thành “kẻ điên” ngay, tôi nói “kẻ điên” thay vì “người điên” vì người điên còn có chất “người” (homo sapiens) trong đó, còn kẻ điên thì tự anh ta xóa cái chất người ấy đi, thành kẻ điên, thằng điên, con điên, mụ điên, đồ điên chẳng hạn... vì vậy mà tôi không dám nói là mất, nhưng là bị đảo chiều, đảo chiều nhận thức nó sẽ làm con người ta bị hụt hẫng, lắm khi thành tuyệt vọng.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái tuổi thơ của mình, cái tuổi thơ mà con nít đi học có đứa còn ở truồng vì đâu phải ai cũng có quần? quần không có nhưng trường thì có vì ngày xưa người ta quý trọng sự học lắm, tuy ngôi trường mẫu giáo đó chỉ là những tấm tôn tròn như ống cống của Pháp để lại, mỗi tấm uốn tròn hình bán nguyệt và sắp xếp lại với nhau thì thành một ngôi trường sau khi cưa vài cái lỗ vuông làm cửa sổ. Thế đấy, ngôi trường tuổi thơ tôi là như vậy, mẫu giáo nhưng lại học chữ và đọc vanh vách (giống như ba cái bệnh thành tích thời nay vậy, nhưng mà nó hồn nhiên hơn). Cô giáo đầu đời của tôi tên là Ý, nếu như ngày nay cô còn sống thì cũng phải 90 rồi, vì ngày xưa cô không có chồng, lúc ấy trông cũng già lắm rồi.
Nói lan man như thế để ta có thể mường tượng được tuổi thơ tôi như thế nào, ấy vậy mà có những câu chuyện khá buồn cười, con nít ấy mà! Cứ mỗi lần có được cái gì hay, có trái gì chín, có miếng gì ngon mà ai đó đi chợ về ngang qua trường họ ghé cho chẳng hạn, đứa nào đứa nấy giành nhau loạn xạ để lấy cho mình, nhưng giấu đi, chẳng dám ăn mà đưa về cho cha cho mẹ, lắm lúc giành nhau một trái chuối hườm, một trái ổi xanh hay là một miếng bánh tráng cũng không dám ăn, đứa nào đứa nấy mang về cho mẹ, có khi giành nhau đến phát khóc để lấy một trái gì đó, biết rằng cái trái ấy không ăn được nhưng cũng cứ mang về vì biết đâu nó cũng làm được cái món gì đó khi nấu lên chẳng hạn, miễn sao là có cái gì đó cho mẹ là mừng rồi... Cái ý thức “cho” cha “cho” mẹ ở đây nó đáng quý biết bao, đó chính là lòng hiếu và tuổi thơ được rèn luyện để mình biết sống vì người khác, trước mắt là cha mẹ mình, dẫu rằng cu nhóc ấy chắc chắn chưa định nghĩa được cái công ơn sinh thành mà nó nhận được, nhưng nó có một cái thói quen là muốn làm vui lòng ba mẹ, thế là đủ.
Vậy mà ngày nay thì sao nhỉ? Nửa thế kỷ trôi qua, điều đáng sợ nhất trong tư duy con người là sự băng hoại, và sự băng hoại ấy không đến ngay mà gậm nhấm từ từ trong đầu óc, rồi nó lại biện hộ cho những cái mà ngày xưa người ta gọi là bất hiếu. Xã hội phát triển, kinh tế phát triển, tư duy con người ta cũng không chịu nằm yên, nên phát triển thêm những ý tưởng mới, con cái không còn thuộc về cha mẹ nữa, nó là một thực thể tách biệt, còn cha mẹ? một thực thể “thừa”! Cái quan niệm này phát xuất từ các nước phát triển phương Tây, người ta giáo dục cho trẻ từ nhỏ là cha mẹ thậm chí không được vào phòng con nếu chưa được phép! Ta cho đó là tiến bộ, là tự do cá nhân, nhưng quên rằng ta đang đánh mất cái tình. Tình bạn, tình yêu đã đáng quý rồi huống chi cái tình đây là tình yêu thương bao la của cha mẹ, do đó mà tôi gọi “đã bị nó đánh cắp ngay chính trên tay của mình” là vậy!
Gọi bằng “thực thể thừa” có cường điệu lắm không? Tôi cho rằng không, vì theo cái quan niệm mà các con của chúng ta bây giờ nó nhận được từ xã hội, từ cuộc sống hàng ngày, thì chúng muốn “tự khẳng định” mình nên cha mẹ lắm lúc chỉ là những người thừa mà thôi. À, thì lâu lâu đôi ba tháng về thăm nhà một lần rồi cho ông bà cụ chút ít tiền, thế là xong bổn phận! Vậy thì không thừa là gì? Cái điều cha mẹ cần là sự quan tâm! Cái nhà bị hỏng mái, người cha già mong con về thăm để phụ ông chữa lại, chứ tuyệt đối không bao giờ mong nó gởi tiền về để thuê người sửa đâu? Điều đó khẳng định rằng, cái tấm lòng của con cái ngày nay đã khác xưa rất nhiều... Thử hỏi như ngày nay, nhớ con quá, muốn gọi điện “Các con ơi, ngày mai chủ nhật các con được nghỉ, kéo tất cả về đây thăm nhà một buổi cho ba mẹ vui được không?” chắc chắn sẽ không bao giờ được, vì ba ơi, hôm nay con phải đi đám cưới, hôm nay con có hẹn với một người bạn rồi, hôm nay con phải gặp ông A ông B nào đó lo cái chuyện hợp đồng nhà, hôm nay con có hẹn đi chơi tennis với một người bạn, hôm nay con lỡ hẹn với người yêu rồi... thôi thế thì hôm khác nhé! Xong! Cha mẹ chỉ là người thừa trong cuộc sống của chúng là thế! Đâu phải như anh cu nhóc ngày xưa cứ mong muốn đem những điều tốt đẹp về cho cha mẹ của mình trước đã đâu.
Nói ra thì còn quá nhiều, thôi thế thì ta hãy tự đi tìm cho mình một khoảng trời yên bình nào đó đi, cho cái con tâm hồn nó đừng cắn nữa, đau lắm, để ta có thể rúc vào cái khoảng trời nhỏ nhoi ấy mà trút nỗi buồn đi, nhưng mà trút đi đâu bây giờ, ta chỉ có một khoảng trời nhỏ nên có trút thì cũng trút vào chính ta mà thôi, cho dù có tuyệt vọng cũng phải chịu, vì nói như Trịnh Công Sơn: tận cùng của sự tuyệt vọng biết đâu cũng đẹp như một bông hoa, và đó cũng là hạnh phúc rồi phải không nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.