Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2008

Chứng nhân 30/4

Hôm nay 30 tháng 4 - Kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng: Hôm nay Nói ít - Nghĩ nhiều...
Vì sao lại nói ít? - Xin thưa chuyện 30/4 này thiên hạ nói nhiều rồi, trong nước ngoài nước đều đầy rẫy ra rồi, có hàng chục ông Tiến sĩ khoa học lịch sử đưa đề tài này ra phản biện để lấy tấm bằng rồi, nay mình nói hơi bị thừa!
Vì sao lại nghĩ nhiều? - Nghĩ thì lúc nào mà chả nghĩ, vả chăng mình có suy nghĩ hay không thì có Trời mà biết chứ làm sao ai biết được?! Nó ở trong óc mình mà! Chỉ mình biết là được rồi, nhưng vì nghĩ nhiều quá nên nó nặng đầu, nó phun ra tí chút trên blog thôi:
-Thứ nhất là có một số người cứ hay đề cập đến chuyện thắng bại trong chiến tranh, chuyện kẻ thắng người thua... Theo tôi, nghĩ đến việc này khá là phức tạp và đau đầu. Tôi chỉ xin tóm gọn bằng câu nói đi vào lịch sử của Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Thành phố Sài Gòn Gia Định hồi đó (gọi đúng tên đấy nhé): "Trong chúng ta không có kẻ thắng người thua, mà tất cả chúng ta đều thắng!"
-Thứ hai là chuyện ăn theo. Tôi rất ghét cái loại người này. Ngày đó khi vừa giải phóng, không ít thanh niên chẳng phải biệt động thành hay giao liên gì, mới giải phóng đã xum xoe thắt băng đỏ trên tay, cầm súng leo lên xe Jeep chạy quanh Thành phố làm ra vẻ như ta đây là người lãnh đạo mọi người, hồi đó người ta bảo đó là "cách mạng ba mươi". Loại người này chỉ biết lợi dụng máu xương cách mạng để chộp thời cơ kiếm chác một chức vị hay một chỗ đứng nào đó. Hơn 30 năm đã qua, một số "cách mạng ba mươi" này cũng vẫn còn hiện diện đâu đó... Thật là đáng buồn.
-Thứ ba là một cảm nhận rất chân thật của tôi về ngày giải phóng. Sáng hôm 30/4 ấy, tôi đã chứng kiến mọi việc ngay Tòa Đại Sứ Mỹ và trước cổng Dinh Độc Lập, không vui mà cũng không buồn, lúc người thủy quân lục chiến Mỹ cuối cùng rời khỏi nóc Tòa Đại sứ lên trực thăng ra đi, tôi quay về chỗ trọ của mình tại đường Nguyễn Thông, điều tôi bắt gặp ở đây là những cánh quân tiến vào Sài Gòn và làm tôi xúc động, ai nấy da đen nhẻm, nhưng dường như đã được lệnh nên ăn mặc rất tươm tất, áo bỏ vào quần đàng hoàng, không ít người mang cả áo mới màu xanh của nhà máy dệt Nam Định, họ là những người bộ đội miền Bắc và ánh mắt của họ vừa ngây thơ vừa có vẻ hơi choáng ngợp trước một thành phố lớn như thế, cứ thẳng trên đường Lê Văn Duyệt (đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ) để tiến vào trung tâm Thành phố. Họ cứ cắm cúi đi thẳng, không cười không nói, súng lăm lăm cầm tay vì đề phòng có thể xảy ra sự cố gì, nhưng ánh mắt của họ thật chân tình và bình dị như trẻ con? Việt Cộng là đây ư? Nếu biết thế thì ngày xưa tôi cũng theo Việt Cộng cho rồi?! Những ánh mắt ấy đã khiến tôi nhớ mãi, nhớ mãi cho đến bây giờ, vì chính họ là những người biết hy sinh cho dân tộc, không quản cái chết, khác với những kẻ cơ hội như tôi đã nói ở phần trên.
-Thứ tư là cảm nhận của tôi khi cách đây gần 4 năm, tôi ghé Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Tôi thật sự xúc động khi thấy bạt ngàn ngôi mộ nhấp nhô trên những ngọn đồi xanh mát, những lối đi quanh co từ quê này đến quê khác theo từng vùng. Tôi biết được rằng có rất nhiều ngôi mộ có xác nhưng không có tên, cũng như có rất nhiều ngôi mộ có tên mà không có xác, bên dưới trống không... Những cái chết rất thầm lặng này đã dạy cho ta một bài học về sự hy sinh cao cả giữa con người và con người, sự hy sinh của họ mang đến hạnh phúc cho tôi, và thế là tôi mang ơn họ, đơn giản chỉ là thế.
-Thứ năm là một tiếc nuối. Giá như ngày đó, đường lối lãnh đạo của chúng ta cởi mở và đổi mới nhanh hơn thì chúng ta đã không có hơn mười năm quay quắt mà ngày nay người ta gọi là "đêm trước đổi mới". Chuyện đúng sai về lãnh đạo hãy để lịch sử phán xét, nhưng ngày nay báo chí gọi là "đêm" chứ không gọi là "ngày" thì thiết nghĩ chúng ta đã tự hiểu rồi.
Và còn rất nhiều nghĩ suy khác nữa, nhưng tôi cảm thấy chẳng cần phải ghi ra đây làm gì, vì hôm nay dù sao cũng là một ngày vui. Vui vì tôi có thời gian mà ngẫm suy sự đời. Tôi có thời gian để nhìn con cháu của tôi vui chơi. Tôi có thời gian để viết blog, tuy rằng còn rất nhiều điều để nói, nhưng như tôi đã viết ở đầu bài viết này: Hôm nay Nói ít - Nghĩ nhiều là vậy.
(Hình minh họa: Bức tường tưởng niệm ghi tên các binh sĩ Mỹ qua đời trong chiến tranh Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Để ghi lời nhận xét, bạn cần phải có một tài khoản Google, hoặc Livejournal, Wordpress, Typepad, AIM hoặc OpenID đều có thể dùng được cả.